310. Hiện tượng toàn cầu hoá là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất tạo ra sự thay đổi hiện nay trong việc tổ chức lao động. Hiện tượng này đã khai sinh ra những hình thức sản xuất mới mẻ, theo đó nhà máy có thể được đặt xa nơi người ta quyết định các chiến lược và xa thị trường tiêu thụ hàng hoá. Có hai yếu tố tiên quyết đưa tới hiện tượng này: tốc độ kinh khủng của việc truyền thông không còn bị giới hạn bởi không gian hay thời gian, và việc di chuyển khá dễ dàng hàng hoá và con người từ nơi này sang nơi khác trên thế giới. Điều này sẽ kéo theo một hậu quả cơ bản cho tiến trình sản xuất, chẳng hạn như vật sở hữu càng ngày càng được tách rời và thường không quan tâm gì đến những hậu quả xã hội do các quyết định gây ra. Mặt khác, nếu đúng là toàn cầu hoá tự nó không tốt cũng không xấu mà xấu hay tốt là tuỳ theo cách người ta vận dụng nó676, thì cũng phải xác nhận rằng cần phải toàn cầu hoá các biện pháp bảo vệ, các quyền lợi căn bản và sự công bằng tối thiểu.
311. Một trong những đặc điểm có ý nghĩa nhất trong cách tổ chức lao động mới mẻ là sự phân mảnh một cách vật lý chu kỳ sản xuất, nhằm đạt được hiệu quả và lợi nhuận lớn hơn.Theo viễn tượng ấy, những sự phối hợp trong không gian và thời gian theo truyền thống trước đây để thực hiện chu kỳ sản xuất hiện nay đã trải qua một sự thay đổi chưa từng có trước đó, khiến cho chính cơ chế lao động cũng phải đổi thay. Tất cả những điều này để lại những hậu quả lớn lao trong đời sống của các cá nhân và cộng đồng, khiến cho đời sống của hai bên bị thay đổi triệt để cả trên bình diện những điều kiện vật chất lẫn bình diện văn hoá và các giá trị. Cả trên cấp toàn cầu lẫn địa phương, hiện tượng ấy đang chi phối hàng triệu người, bất kể thuộc nghề nghiệp nào, địa vị xã hội nào hay được trang bị về văn hoá như thế nào. Tổ chức lại thời gian lao động, tiêu chuẩn hoá việc tổ chức ấy và những thay đổi đang diễn ra trong việc sử dụng không gian – có thể so sánh với cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ nhất ở chỗ chúng chi phối mọi lĩnh vực sản xuất trên mọi châu lục, bất kể trình độ phát triển tại đó thế nào – các sự việc đó cần phải được coi như một thách đố hết sức quan trọng, cả trên bình diện đạo đức lẫn văn hoá, bắt chúng ta phải xác định lại một hệ thống mới nhằm bảo vệ lao động.
312. Muốn tổ chức việc toàn cầu hoá nền kinh tế kèm theo việc tự do hoá các thị trường, tổ chức cạnh tranh cách chặt chẽ, gia tăng những doanh nghiệp chuyên môn để cung cấp hàng hoá và dịch vụ, người ta cần chấp nhận một sự mềm dẻo nhiều hơn nữa trong thị trường lao động, trong việc tổ chức và quản lý tiến trình sản xuất. Để đưa ra sự đánh giá trong lĩnh vực hết sức tế nhị này, nên chú ý nhiều hơn về mặt luân lý, văn hoá và lập kế hoạch để định hướng cho các hoạt động chính trị và xã hội liên quan đến những vấn đề thuộc về bản chất và nội dung của lao động mới, trong một thị trường và trong một nền kinh tế mà chính chúng còn mới mẻ. Thật vậy, những thay đổi trong thị trường lao động thường là hậu quả của sự thay đổi mà lao động phải lệ thuộc, chứ không phải là một trong những nguyên nhân gây nên sự thay đổi này.
313. Lao động, nhất là lao động trong hệ thống kinh tế của các nước đã phát triển, đang trải qua một giai đoạn chuyển từ nền kinh tế theo kiểu công nghiệp sang nền kinh tế chủ yếu dựa trên các dịch vụ và cải tiến công nghệ. Nói cách khác, các dịch vụ và các hoạt động mang nội dung thông tin nhiều hơn xem ra phát triển với tốc độ nhanh hơn nhiều so với các khu vực lao động loại một và loại hai kiểu truyền thống. Điều này sẽ kéo theo những hậu quả lâu dài trong việc tổ chức sản xuất và trao đổi hàng hoá, trong việc xác định những thủ tục đòi hỏi của việc làm và trong việc đem lại hiệu quả cho sự bảo vệ xã hội.
Nhờ những sự cải tiến công nghệ, thế giới lao động đang trở nên phong phú hơn với những ngành nghề mới, trong lúc có một số ngành nghề đang biến mất. Thật vậy, trong giai đoạn chuyển tiếp hiện nay luôn luôn có sự chuyển đổi của các công nhân từ khu vực lao động công nghiệp sang khu vực lao động dịch vụ. Vì các mô hình kinh tế và xã hội gắn liền với các xí nghiệp lớn và gắn liền với một giai cấp lao động đồng nhất nay đang mất chỗ đứng, nên các triển vọng công ăn việc làm trong khu vực thứ ba đã trở nên tốt hơn. Cách riêng, có sự gia tăng việc làm trong lĩnh vực dịch vụ cá nhân, làm việc bán thời gian, làm việc tạm thời và “không theo truyền thống”, tức là làm việc không thuộc về thể loại giống như làm thuê cho kẻ khác, hoặc làm việc cho chính mình.
314. Sự chuyển tiếp đang diễn ra báo hiệu một sự chuyển đổi từ một việc làm lệ thuộc, không có giới hạn về thời gian, được coi là việc làm ổn định, sang một loạt các việc làm có đặc điểm gồm nhiều loại hình lao động khác nhau; từ một thế giới quan niệm về việc làm đã được thuần nhất, xác định và công nhận, bước sang một thế giới lao động đa dạng, trôi nổi và đầy hứa hẹn. Cũng có nhiều vấn đề đáng quan tâm, nhất là đối với tình hình lao động không chắc chắn ngày càng nhiều, tình trạng liên tục thất nghiệp do cơ cấu và sự bất cập của các hệ thống an sinh xã hội hiện hành. Những đòi hỏi về cạnh tranh, về cải tiến công nghệ và những phức tạp của tình trạng bất ổn về mặt tài chính phải được giải quyết cách hoà hợp với việc bênh vực người lao động và các quyền lợi của người lao động.
Tính bất định và không bền vững này không những ảnh hưởng tới các điều kiện lao động của các công nhân trong các nước đã phát triển, mà còn tác động tới các thực tại kinh tế chậm tiến ở các nước đang phát triển và các nước có nền kinh tế chuyển tiếp. Ngoài những vấn đề phức tạp có liên quan tới việc thay đổi mô hình kinh tế và sản xuất, các nước này còn phải giải quyết mỗi ngày những việc điều chỉnh khó khăn mà hiện tượng toàn cầu hoá hiện nay đòi hỏi. Tình hình đó còn trở thành bi kịch trong thế giới lao động, một thế giới bị ảnh hưởng bởi những sự thay đổi vừa rộng lớn vừa triệt để về văn hoá và cơ cấu, lại diễn ra trong những bối cảnh thường không có sự hỗ trợ về luật pháp và thiếu những chương trình đào tạo chuyên nghiệp và trợ giúp xã hội.
315. Việc phân tán sản xuất, tức là giao lại cho các công ty nhỏ hơn một số công việc mà trước đây vẫn do các tổ chức sản xuất lớn đảm trách, giúp cho khu vực kinh doanh nhỏ và vừa có thêm sức mạnh và năng lực mới. Bằng cách đó, bên cạnh những cơ sở thủ công truyền thống, sẽ xuất hiện những tổ chức kinh doanh mới, có đặc điểm là sản xuất nhỏ trong các khu vực sản xuất hiện đại hay trong các hoạt động không tập trung của các công ty lớn. Nhiều hoạt động mà trước đây đòi phải thuê mướn nhân công hiện nay đang được tiến hành bằng các phương thức mới, các phương thức này cổ vũ sự lao động độc lập, và vì thế, có khả năng rủi ro cao hơn và phải chịu trách nhiệm nhiều hơn.
Lao động trong các doanh nghiệp nhỏ và vừa, lao động của các thợ thủ công và lao động độc lập có thể coi là cơ hội giúp cho kinh nghiệm lao động hiện nay mang tính nhân bản hơn, không những cho chúng ta khả năng thiết lập các quan hệ cá nhân tích cực trong các cộng đồng nhỏ, mà còn cho chúng ta nhiều cơ hội để đưa ra những sáng kiến và làm việc chăm chỉ hơn. Tuy nhiên, trong những khu vực này, không hiếm những trường hợp bị đối xử bất công, trả lương thấp và nhất là làm việc không ổn định.
316. Ngoài ra, tại các nước đang phát triển, trong những năm gần đây đã thấy phát triển các hoạt động kinh tế “không chính thức” và “lén lút”. Đây là một dấu hiệu hứa hẹn sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, nhưng nó cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức và pháp luật. Thật vậy, sở dĩ có sự gia tăng đáng kể về cơ hội làm ăn trong bối cảnh của những hoạt động ấy chính là vì đại bộ phận lực lượng lao động tại chỗ không có trình độ chuyên môn và vì sự tăng trưởng vô trật tự trong nhiều khu vực kinh tế chính thức. Bởi đó, rất nhiều người đành phải làm việc trong những điều kiện hết sức tồi tệ và trong những tình cảnh không có luật lệ cần thiết để bảo vệ phẩm giá người lao động. Mức sản xuất, mức thu nhập và tiêu chuẩn sống hết sức thấp và thường là không đủ để bảo đảm cho người lao động và gia đình của họ mức sống tối thiểu.
b. Học thuyết xã hội và “những điều mới mẻ”
317. Đứng trước “những điều mới mẻ” hết sức ấn tượng trong thế giới lao động, học thuyết xã hội của Giáo Hội khuyên chúng ta trước hết cần tránh cho rằng những thay đổi đang diễn ra hiện nay là một điều tất yếu. Yếu tố quyết định cũng như “trọng tài” cho giai đoạn thay đổi phức tạp này lại một lần nữa là chính con người – con người phải tiếp tục là nhân vật chính của những việc mình làm. Con người có khả năng và có bổn phận phải tiếp nhận với tinh thần sáng tạo và trách nhiệm những sự đổi mới và tái tổ chức hiện nay, giúp cá nhân, gia đình, xã hội và toàn thể gia đình nhân loại được phát triển677. Chúng ta có thể tìm thấy thêm ánh sáng cho tất cả vấn đề này khi nhớ tới chiều hướng chủ quan của lao động, là chiều hướng phải được dành ưu tiên, theo như học thuyết xã hội của Giáo Hội dạy, vì lao động của con người “xuất phát trực tiếp từ những con người đã được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa và được kêu gọi tiếp nối công cuộc sáng tạo ấy bằng cách chinh phục trái đất”678.
318. Giải thích hoạt động sản xuất một cách duy máy móc và duy kinh tế, dù có giá trị và ảnh hưởng tới đâu, đã trở nên lỗi thời do những phân tích khoa học về các vấn đề có liên quan đến lao động. Ngày nay hơn trước kia, những quan niệm ấy đã bị coi là hoàn toàn không thích đáng để giải thích các sự kiện, vì những sự kiện này càng lúc càng cho thấy lao động là một hoạt động tự do và sáng tạo của con người. Những phát hiện cụ thể cũng cho chúng ta thêm động lực để gạt bỏ ngay những viễn tượng lý thuyết và những tiêu chuẩn làm việc vừa hạn chế vừa rất thiếu sót đối với tình thế năng động hiện nay. Những viễn tượng và tiêu chuẩn ấy tự chúng không đủ khả năng để xác định một tổng thể rộng lớn các nhu cầu cụ thể và cấp thiết của con người, vượt xa các nhu cầu thuần tuý kinh tế. Giáo Hội cũng ý thức điều ấy và luôn dạy rằng con người khác với các sinh vật, con người có một số nhu cầu không chỉ dừng lại trong phạm trù “có”679, vì bản tính và ơn gọi của con người liên kết hết sức chặt chẽ với Đấng Siêu Việt. Con người phải đối diện với hành trình biến đổi của sự vật thông qua lao động để thoả mãn các đòi hỏi và nhu cầu, mà trước hết là các đòi hỏi và nhu cầu vật chất. Tuy nhiên, con người làm việc ấy bằng cách tuân theo một động lực, thúc đẩy con người đi xa hơn nữa, vượt qua những kết quả đã thu được, để tìm cho bằng được những gì đáp ứng sâu xa nhất các nhu cầu nội tâm quan trọng của mình.
319. Những hình thức thuộc về lịch sử mà qua đó con người thể hiện việc lao động của mình đang thay đổi, nhưng những đòi hỏi thường xuyên của việc lao động ấy thì không thay đổi, mà được tổng kết lại trong việc tôn trọng các quyền bất khả nhượng của người lao động. Đứng trước nguy cơ các quyền này có thể bị chối bỏ, người ta phải nghĩ tới và tổ chức những hình thức liên đới mới, khi xét đến tình hình các người lao động hiện nay phải lệ thuộc lẫn nhau. Những thay đổi trong các hình thức lao động càng sâu đậm thì việc dấn thân bằng trí tuệ và ý chí để bảo vệ phẩm giá lao động càng phải mang tính quyết định; có như thế, chúng ta mới củng cố được các định chế liên hệ trên các cấp độ khác nhau. Nhìn sự việc theo viễn tượng này có thể giúp người ta hướng những sự thay đổi hiện nay theo hướng tốt nhất, như bổ sung cho nhau giữa chiều hướng kinh tế địa phương và toàn cầu, giữa nền kinh tế “cũ” và nền kinh tế “mới”, giữa việc cải tiến công nghệ với nhu cầu bảo vệ lao động của con người, giữa việc tăng trưởng với việc phát triển kinh tế phù hợp với môi trường chung quanh.
320. Các nhà khoa học và văn hoá được mời gọi hãy tham gia giải quyết những vấn đề rộng lớn và phức tạp, liên hệ đến lao động, mà tại một số nơi đã lên tới mức bi đát. Sự đóng góp của những người ấy rất quan trọng để có thể đưa ra được những giải pháp thích hợp. Đây là một trách nhiệm đòi họ phải biết nhận diện ra được những cơ may và những rủi ro đang tiềm tàng trong các sự thay đổi ấy, và nhất là đòi họ phải đề xuất những đường lối hành động để điều khiển sự thay đổi đi theo hướng có lợi nhất cho sự phát triển của toàn thể gia đình nhân loại. Những người này có nhiệm vụ quan trọng là nhận thức và giải thích được các hiện tượng xã hội dựa trên sự khôn ngoan và lòng yêu mến chân lý, gác qua một bên những mối bận tâm về quyền lợi đặc biệt hay quyền lợi cá nhân. Sự đóng góp mang bản chất lý thuyết của họ trở thành điểm tham chiếu căn bản cho hành động cụ thể do các chính sách kinh tế yêu cầu680.
321. Những tình huống lao động của con người bị thay đổi sâu xa hiện nay đòi chúng ta khẩn trương hơn nữa đối với việc phát triển một cách đúng đắn trên phạm vi toàn cầu trong sự liên đới để có thể lôi kéo mọi vùng trên thế giới tham gia, kể cả những vùng kém may mắn. Đối với những vùng kém may mắn này, khởi động tiến trình phát triển rộng lớn ấy trong sự liên đới chẳng những là một cách cụ thể giúp người ta tạo ra những cơ hội làm ăn mới, mà còn được coi là điều kiện tốt đẹp cho sự sinh tồn của mọi dân tộc. “Sự liên đới cũng phải được toàn cầu hoá”681.
Những sự mất cân đối về kinh tế và xã hội trong thế giới lao động cần phải được giải quyết bằng cách khôi phục lại trật tự đúng đắn của các giá trị, và đặt phẩm giá người lao động lên trên hết. “Những thực tế mới mẻ đã có một tác động rất mạnh lên tiến trình sản xuất, chẳng hạn như các vấn đề tài chính, kinh tế, thương mại và lao động đều bị toàn cầu hoá, nhưng không vì thế mà được phép xâm phạm phẩm giá và vị trí trung tâm của con người, xâm phạm tự do và dân chủ của các dân tộc. Nếu sự liên đới, việc tham gia cộng tác và khả năng làm chủ những biến chuyển triệt để ấy không phải là giải pháp, thì chắc chắn chúng là sự bảo đảm cần thiết về mặt đạo đức cho các cá nhân và dân tộc khỏi bị biến thành dụng cụ nhưng vẫn là những nhân vật chính cho tương lai của mình. Tất cả những điều này có thể thực hiện và vì chúng có thể thực hiện, nên đây chính là một nghĩa vụ”682.
322. Càng ngày người ta càng có nhu cầu xem xét cẩn thận tình hình mới mẻ của lao động trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện tại, trong một viễn tượng đề cao khuynh hướng tự nhiên của con người là muốn thiết lập các mối quan hệ. Trong viễn tượng ấy, chúng ta cần khẳng định: phổ quát là một chiều hướng của con người chứ không phải của sự vật. Công nghệ có thể là nguyên nhân mang tính phương diện của việc toàn cầu hoá, nhưng tính phổ quát của gia đình nhân loại mới chính là nguyên nhân tối hậu của việc toàn cầu hoá. Chính vì lý do đó, lao động cũng có chiều hướng phổ quát bao lâu lao động còn xây dựng trên bản tính có những quan hệ của con người. Còn công nghệ, nhất là công nghệ điện tử, sẽ giúp cho tính cách có tương quan của lao động được mở rộng ra khắp thế giới, giúp cho việc toàn cầu hoá được phát triển với một nhịp độ hết sức nhanh chóng. Nền tảng cuối cùng của sức năng động này chính là người lao động, luôn luôn là nhân tố chủ quan - không bao giờ là nhân tố khách quan - của lao động. Bởi đó, việc lao động được toàn cầu hoá cũng phát xuất từ nền tảng nhân học của lao động, tức là chiều hướng quan hệ nội tại của lao động. Không được để cho các khía cạnh tiêu cực của việc toàn cầu hoá lao động làm tổn hại đến khả năng mở rộng ra cho hết mọi người: đó là khả năng làm cho tính nhân bản của lao động được lộ ra trên cấp hành tinh, tức là làm cho người ta thấy sự liên đới trong thế giới lao động cũng diễn ra trên cùng một cấp độ, để nhờ làm việc trong những bối cảnh giống nhau, trải rộng ra trên khắp thế giới, và luôn nối kết với nhau, người ta sẽ hiểu rõ hơn thiên chức tuy chỉ có một nhưng lại chung cho hết mọi người.
------------------------------------------------------------------------------------------------------
676 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Giáo hoàng Học viện các Khoa học Xã hội (27-04-
2001), 2: AAS 93 (2001), 599.
677 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 10: AAS 73 (1981), 600-602.
678 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2427.
679 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 35: AAS 58 (1966), 1053;
Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 19: AAS 59 (1967), 266-267: Gioan
Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 20: AAS 73 (1981), 629-632; Gioan Phaolô
II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 28: AAS 80 (1988), 548-550.
680 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp gửi các người tham dự Hội nghị Quốc tế về Lao
động (14-09-2001), 5: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 17-10-2001, tr. 3.
681 Gioan Phaolô II, Lời chào sau lễ toàn xá của các người lao động (01-05-2000), 3:
L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 10-05-2000, tr. 5
682 Gioan Phaolô II, Bài giảng trong thánh lễ cầu cho năm toàn xá của người lao động
(01-05-2000), 3: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-05-2000, tr. 5.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét