Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

III. CHIẾN TRANH: MỘT SỰ THẤT BẠI CỦA HOÀ BÌNH (Chương XI)


497Huấn Quyền lên án “sự man rợ của chiến tranh”1032 và yêu cầu phải xem xét chiến tranh theo một đường hướng mới1033. Thật vậy, “hầu như không thể nào tưởng tượng được trong một kỷ nguyên hạt nhân như hiện nay, người ta được phép sử dụng chiến tranh như một công cụ để thực thi công lý”1034. Chiến tranh đúng là một “mối hoạ”1035 và không bao giờ là một phương cách thích đáng để giải quyết các vấn đề nảy sinh giữa các quốc gia, “chiến tranh chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ là” phương cách thích đáng1036, vì chiến tranh sẽ tạo ra những sự xung đột mới còn phức tạp hơn1037. Khi chiến tranh bùng nổ, nó trở thành một “cuộc tàn sát không cần thiết”1038, một “cuộc ra đi không có ngày về”1039, làm hại tới hiện tại và đe doạ tới tương lai của nhân loại. “Hoà bình không làm mất điều gì, nhưng chiến tranh có thể làm mất tất cả1040. Thiệt hại do một cuộc xung đột vũ trang gây ra không chỉ thiệt hại vật chất mà còn thiệt hại tinh thần1041. Rốt cuộc, chiến tranh là “sự thất bại của toàn thể nền nhân đạo chân chính”1042, “chiến tranh luôn luôn là một sự thất bại của con người”1043: “đừng bao giờ dân này chống dân kia nữa, đừng bao giờ nữa!… đừng có chiến tranh nữa, đừng có chiến tranh nữa!”1044.
498.  Hiện nay, việc tìm kiếm các giải pháp thay thế chiến tranh để giải quyết các cuộc xung đột quốc tế đang trở nên cấp thiết vô cùng, vì “sức mạnh kinh khủng của các phương tiện huỷ diệt – mà ngay cả các nước vừa và nhỏ cũng có thể sử dụng – và sự liên kết ngày càng chặt chẽ giữa các dân tộc trên thế giới đã khiến cho việc hạn chế các hậu quả của xung đột trở nên vô cùng khó khăn hay hầu như vô phương thực hiện”1045. Bởi đó, cần tìm ra những nguyên nhân ẩn đằng sau các cuộc xung đột có thể gây chiến ấy, nhất là những cuộc xung đột gắn liền với các các hoàn cảnh tạo ra bất công, nghèo đói và bóc lột, đòi người ta phải can thiệp sâu thì mới loại trừ các nguyên nhân ấy được. “Vì lý do đó, hoà bình mang một danh hiệu mới là sự phát triển. Nếu phải có một trách nhiệm tập thể để tránh chiến tranh thì cũng phải có một trách nhiệm tập thể để đẩy mạnh sự phát triển”1046.
499Các quốc gia không phải lúc nào cũng có đầy đủ những phương tiện để tự vệ cách hữu hiệu, và vì thế, cần phải có các tổ chức quốc tế và khu vực, là những tổ chức có điều kiện làm việc chung với nhau để giải quyết các xung đột và đẩy mạnh hoà bình, tái lập những mối quan hệ tin tưởng lẫn nhau, khiến việc sử dụng chiến tranh trở thành phi lý1047. “Chúng ta có lý do để hy vọng… rằng bằng cách gặp gỡ và thương thảo, con người có thể khám phá rõ ràng hơn những mối dây liên kết mình lại với nhau, xuất phát từ chỗ hai bên đều có chung bản tính con người; cũng như một trong những yêu cầu sâu xa nhất của bản tính chung ấy là giữa họ với nhau và giữa các dân tộc với nhau không nên để cho sự sợ hãi thống trị mà phải để tình yêu thống trị, một tình yêu cố gắng bộc lộ ra trong sự cộng tác chân thành, dù có thể mang nhiều hình thức và đem lại nhiều lợi ích”1048.
a. Sự phòng thủ hợp pháp
500Một cuộc chiến tranh xâm lược tự bản chất là một điều phi luân. Trong trường hợp đáng tiếc có một cuộc chiến như thế nổ ra, các nhà lãnh đạo của quốc gia bị tấn công có quyền và nghĩa vụ phải tổ chức phòng thủ, thậm chí bằng cách dùng vũ lực1049. Để được hợp pháp, việc sử dụng vũ lực phải tuân thủ một số điều kiện nghiêm nhặt như sau: “sự thiệt hại do nước xâm lăng gây ra cho quốc gia hay cộng đồng các quốc gia phải là sự thiệt hại lâu dài, nghiêm trọng và chắc chắn; phải chứng tỏ là đã dùng hết các phương thế khác để dập tắt chiến tranh mà không thực hiện được hay không có kết quả; phải có những triển vọng thành công nghiêm túc; việc sử dụng vũ khí không được gây ra những tội ác và vô trật tự lớn hơn tội ác của chính cuộc xâm lược cần loại bỏ. Những phương tiện huỷ diệt hiện nay có sức mạnh đến nỗi cần phải được để ý nhiều mỗi khi cân nhắc điều kiện sau cùng này. Trên đây là những nhân tố truyền thống được liệt kê trong cái gọi là lý thuyết về “chiến tranh chính đáng”. Việc đánh giá các điều kiện trên đây hầu hợp pháp hoá chiến tranh về mặt luân lý phụ thuộc vào sự phán đoán khôn ngoan của những người có trách nhiệm đối với công ích”1050.
Nếu trách nhiệm này có thể biện minh cho việc sở hữu đầy đủ các phương tiện nhằm thực hiện quyền tự vệ, thì các quốc gia vẫn có bổn phận phải làm hết cách để “bảo đảm cho có các điều kiện hoà bình, không chỉ trong lãnh thổ của mình mà cả trên khắp thế giới”1051. Cần nhớ rằng “tổ chức một cuộc chiến tự vệ là một chuyện; nhưng tìm cách áp đặt sự thống trị lên một quốc gia lại là chuyện khác. Có tiềm lực chiến tranh không có nghĩa là được phép sử dụng vũ lực để đạt các mục tiêu chính trị hay quân sự. Cũng không phải cứ thấy chiến tranh bùng nổ một cách đáng tiếc là các bên lâm chiến đều có quyền ngang nhau”1052.
501Hiến chương Liên Hiệp Quốc, được khai sinh từ thảm kịch Thế Chiến Thứ Hai nhằm tránh cho các thế hệ tương lai khỏi tai hoạ chiến tranh, là một bản văn dựa trên một lệnh cấm chung không cho phép nhờ đến vũ lực để giải quyết những tranh chấp giữa các quốc gia, ngoại trừ hai trường hợp: đó là sự tự vệ chính đáng và những biện pháp do Hội đồng Bảo an đưa ra trong phạm vi trách nhiệm gìn giữ hoà bình. Nhưng dù thế nào, khi thi hành quyền tự vệ, người ta đều phải tôn trọng “những giới hạn theo truyền thống về việc xác định thế nào là cần thiết và tương xứng1053.
Bởi đó, việc tham gia vào một cuộc chiến phòng vệ mà không có chứng cứ rõ ràng rằng cuộc tấn công đã rất gần, sẽ không thể không gây ra nhiều vấn đề pháp lý và luân lý nghiêm trọng. Người ta chỉ được phép sử dụng lực lượng vũ trang ở cấp quốc tế dựa trên cơ sở có sự đánh giá nghiêm túc và có những động cơ vững chắc, với quyết định cho phép của cơ quan có thẩm quyền xác nhận một tình huống cụ thể nào đó là đe doạ cho nền hoà bình và được tổ chức ấy cho phép xâm nhập vào trong khu vực tự trị lâu nay vẫn dành cho quốc gia ấy.
b. Bảo vệ hoà bình
502Những đòi hỏi của việc phòng thủ hợp pháp cho phép các quốc gia có những lực lượng vũ trang, nhưng hoạt động của những lực lượng này phải nhằm phục vụ hoà bình. Những ai bảo vệ an ninh và tự do của quốc gia theo tinh thần ấy là đã đóng góp thực sự vào nền hoà bình1054. Mọi người phục vụ trong các lực lượng vũ trang đều được mời gọi cách cụ thể hãy bảo vệ điều tốt, sự thật và công lý trên thế giới. Nhiều người trong những hoàn cảnh ấy đã hy sinh tính mạng vì các giá trị đó và để bảo vệ sự sống người vô tội. Về điểm này, điều rất có ý nghĩa là số các nhân viên quân sự phục vụ trong các lực lượng đa quốc gia cho những sứ mạng nhân đạo hay gìn giữ hoà bình do Liên Hiệp Quốc xúc tiến ngày càng tăng1055.
503Mỗi thành viên trong các lực lượng vũ trang đều có bổn phận về mặt luân lý chống lại những mệnh lệnh yêu cầu mình phạm các tội ác đi ngược lại luật lệ các quốc gia và các nguyên tắc phổ quát của luật này1056. Các nhân viên quân sự vẫn phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về những hành vi của mình xâm phạm quyền lợi của các cá nhân và dân tộc hay vi phạm các chuẩn mực của luật nhân đạo quốc tế. Không thể lấy cớ tùng phục lệnh của cấp trên để bào chữa cho những hành vi ấy của mình.
Những người phản đối theo lương tâm, vượt ra ngoài nguyên tắc, không chịu tham gia thi hành nghĩa vụ quân sự trong những trường hợp bắt buộc, vì lương tâm họ phản đối bất cứ hình thức sử dụng vũ lực nào hoặc vì chống đối việc tham gia vào một cuộc xung đột nhất định, đều phải sẵn sàng chấp nhận những hình thức phục vụ khác thay thế. “Xem ra rất chính đáng khi luật pháp có dự trù trường hợp các người phản đối theo lương tâm không chịu cầm vũ khí, miễn là họ chấp nhận một hình thức khác để phục vụ cộng đồng”1057.
c. Nghĩa vụ bảo vệ người vô tội
504Quyền sử dụng vũ lực vào các mục tiêu phòng thủ chính đáng được gắn liền với nghĩa vụ bảo vệ và giúp đỡ các nạn nhân vô tội không có khả năng tự bảo vệ mình trước những hành vi xâm lược. Trong các cuộc xung đột hiện nay, thường diễn ra trong phạm vi quốc gia,người ta cũng phải tuân thủ trọn vẹn những mệnh lệnh của luật nhân đạo quốc tế. Những dân thường rất hay bị tấn công và có khi trở thành mục tiêu của chiến tranh. Trong một số trường hợp, họ còn bị sát hại rất tàn nhẫn hay bị trục xuất khỏi nhà cửa, đất đai của họ do bị cưỡng ép di tản, dưới chiêu bài “thanh lọc chủng tộc”1058, một điều không bao giờ có thể chấp nhận được. Trong những hoàn cảnh bi đát ấy, phải làm sao cho viện trợ nhân đạo đến tận tay các dân thường và không bao giờ được dùng viện trợ ấy để gây áp lực đối với những người tiếp nhận viện trợ; phải đặt lợi ích của con người lên trên ích lợi của các bên tham gia xung đột.    
505Nguyên tắc nhân đạo, được khắc ghi trong lương tâm mỗi người và mọi dân tộc, cũng bao gồm bổn phận phải bảo vệ dân thường khỏi những hậu quả của chiến tranh. “Việc bảo vệ tối thiểu phẩm giá của mỗi người, tuy đã được luật nhân đạo quốc tế bảo đảm, nhưng vẫn rất hay bị vi phạm nhân danh những yêu cầu về chính trị hay quân sự, là những điều lẽ ra không bao giờ được đặt cao hơn giá trị của con người. Hiện nay, chúng ta nhận thấy cần phải tìm ra một sự đồng thuận mới về các nguyên tắc nhân đạo và cần phải củng cố nền tảng của các nguyên tắc ấy để ngăn chặn không cho tái diễn những hành động tàn bạo và lạm dụng”1059.
Một loại nạn nhân đặc biệt của chiến tranh là những người tị nạn, do chiến tranh buộc phải chạy trốn khỏi những nơi họ sinh sống để tìm nơi ẩn náu tại các nước khác. Giáo Hội muốn gần gũi họ không những bằng cách chăm sóc mục vụ và hỗ trợ vật chất, mà còn bằng cách dấn thân để bảo vệ nhân phẩm của họ: “Quan tâm tới người tị nạn sẽ khiến chúng ta phải tái khẳng định và đề cao các quyền con người đã được mọi nơi nhìn nhận, đồng thời phải đòi các quyền ấy của người tị nạn phải được bảo vệ và nhìn nhận hữu hiệu”1060.
506Tìm cách tiêu diệt toàn bộ một tập thể quốc gia, chủng tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ là đã phạm tội ác chống lại Thiên Chúa và chống lại chính nhân loại; những người chịu trách nhiệm về các tội ấy phải trả lời về hành vi của mình trước công lý1061. Thế kỷ XX đã in đậm dấu tích bi đát của nhiều cuộc diệt chủng khác nhau: từ cuộc diệt chủng người Armêni đến cuộc diệt chủng người Ukraina, từ cuộc diệt chủng người Cambodia đến các cuộc diệt chủng liên tục tại châu Phi và bán đảo Balkan. Trong số đó, nổi bật nhất là cuộc tàn sát người Do Thái: “những ngày tháng ‘shoah’ (tàn sát) ấy đúng là những đêm tối của lịch sử, với những tội ác chống lại Thiên Chúa và chống lại nhân loại không thể tưởng tượng được”1062.
Cộng đồng quốc tế nói chung có bổn phận luân lý là can thiệp cho các tập thể ấy, vì sự sống còn của họ đang bị đe doạ hay vì các quyền căn bản của họ đang bị vi phạm nghiêm trọng. Là thành viên của cộng đồng quốc tế, các quốc gia không thể giữ thái độ thờ ơ; ngược lại, nếu các biện pháp khác đều tỏ ra vô hiệu, “cộng đồng có quyền hợp pháp và thậm chí có bổn phận áp dụng các biện pháp cụ thể để tước khí giới kẻ xâm lược”1063. Không thể đưa nguyên tắc chủ quyền của quốc gia ra làm cớ ngăn cản sự can thiệp ấy nhằm bảo vệ các nạn nhân vô tội1064. Nhưng phải thi hành các biện pháp can thiệp bằng cách tuân thủ trọn vẹn luật lệ quốc tế và nguyên tắc căn bản về sự bình đẳng giữa các quốc gia.
Trong cộng đồng quốc tế hiện nay đang có Toà án Hình sự Quốc tế để trừng phạt những người phải chịu trách nhiệm về những hành vi hết sức nghiêm trọng như tội diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại, tội ác chiến tranh và tội ác xâm lược. Huấn Quyền đã không quên cổ vũ tổ chức này khi có dịp1065.
d. Các biện pháp chống lại những người đe doạ nền hoà bình
507Dưới những hình thức mà trật tự quốc tế hiện nay quy định, đã có những biện pháp chế tài nhằm sửa chữa cách hành động của chính phủ nước nào vi phạm luật lệ sống chung hoà bình và trật tự trên thế giới hay đã có những hình thức đàn áp nghiêm trọng đối với dân chúng. Mục đích của những biện pháp chế tài này phải được xác định rõ ràng và các biện pháp ấy phải thỉnh thoảng được đánh giá lại một cách khách quan do các cơ quan chuyên môn của cộng đồng quốc tế về hiệu quả cũng như về tác dụng thật sự của chúng đối với dân thường. Mục tiêu thật của các biện pháp này là nhằm mở ra cho các bên cơ hội thương thảo và đối thoại. Không bao giờ được dùng các biện pháp chế tài ấy làm phương thế để trừng phạt trực tiếp cả một dân tộc: không được phép làm cho cả một dân tộc, nhất là những thành phần dễ bị tổn thương nhất, phải đau khổ vì những biện pháp chế tài ấy. Cách riêng, trừng phạt về kinh tế là một biện pháp chỉ được sử dụng sau khi đã nhận định cẩn thận và phải tuân thủ những tiêu chuẩn luật pháp và đạo đức nghiêm nhặt1066Cấm vận kinh tế là biện pháp chỉ được tiến hành trong thời gian có hạn và không thể được coi là chính đáng khi gây nên những hậu quả tai hại bừa bãi.
e. Giải trừ quân bị
508Giáo huấn xã hội Công giáo đề nghị mục tiêu “giải trừ quân bị toàn bộ, có cân đối và có kiểm soát”1067. Sự gia tăng vũ khí một cách kinh khủng là một đe doạ lớn cho sự ổn định và nền hoà bình. Nguyên tắc vừa đủ – theo đó mỗi quốc gia chỉ được phép sở hữu những phương tiện cần thiết cho việc phòng thủ hợp pháp – phải được áp dụng cho các quốc gia mua vũ khí cũng như cho các quốc gia sản xuất và cung cấp vũ khí1068. Bất cứ sự tàng trữ quá đáng hay mua bán vũ khí không phân định đều không thể biện minh về mặt luân lý. Người ta cũng phải đánh giá các hiện tượng này theo những chuẩn mực quốc tế liên quan tới việc không phổ biến, sản xuất, mua bán và sử dụng các loại vũ khí. Không bao giờ được giải quyết vấn đề vũ khí như các hàng hoá khác được trao đổi trên các thị trường quốc tế hay trong nước1069.
Ngoài ra, Huấn Quyền cũng đã đánh giá hiện tượng răn đe về mặt luân lý. “Việc tàng trữ vũ khícó thể được nhiều người cho là thích hợp dù có vẻ nghịch lý để răn đe các đối phương có tiềm năng khỏi gây chiến. Họ coi đó là phương thế hữu hiệu nhất để bảo đảm hoà bình giữa các quốc gia. Phương pháp răn đe này đã làm nhiều người phải dè dặt về mặt luân lý. Chạy đua vũ trang không bảo đảm hoà bình. Thay vì loại trừ các nguyên nhân gây nên chiến tranh, nó lại có nguy cơ làm cho chúng trầm trọng thêm”1070. Các chính sách răn đe hạt nhân, điển hình của thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, phải được thay thế bằng những biện pháp cụ thể của giải trừ quân bị dựa trên đối thoại và thương thảo giữa nhiều bên.
509Những vũ khí có sức huỷ diệt hàng loạt – bằng sinh học, hoá học hay hạt nhân – đang là một mối đe doạ đặc biệt nghiêm trọng. Những ai đang sở hữu những vũ khí ấy phải chịu trách nhiệm rất lớn trước mặt Chúa và toàn thể nhân loại1071. Nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân, cùng với những biện pháp giải trừ vũ khí hạt nhân và nghiêm cấm thử nghiệm hạt nhân, tất cả đều là những mục tiêu có liên quan với nhau cần phải được thực hiện càng sớm càng tốt với sự kiểm soát hữu hiệu ở cấp quốc tế1072.
Việc cấm phát triển, sản suất, tàng trữ và sử dụng các vũ khí hoá học và sinh học, cũng như các điều khoản yêu cầu tiêu huỷ chúng, đã bổ túc thêm vào số chuẩn mực điều hành của quốc tế, nhằm bãi bỏ các vũ khí giết người ấy1073, và Huấn Quyền đã công khai lên án việc sử dụng chúng: “Bất cứ hành vi chiến tranh nào nhắm tiêu diệt một cách không phân biệt toàn bộ các thành phố hay những khu vực rộng lớn, cùng với dân cư tại đó, đều là tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người. Những hành vi ấy rất đáng bị lên án một cách dứt khoát và kiên quyết”1074.
510Giải trừ quân bị cũng bao hàm việc ngăn cấm các vũ khí gây thương tích quá đáng hoặc đả thương một cách không phân biệt. Trong số đó có các loại mìn sát thương, một loại vũ khí tuy nhỏ nhưng rất hiểm độc phi nhân vì nó tiếp tục gây thiệt hại cho nạn nhân kể cả thời gian rất lâu sau khi kết thúc cuộc chiến. Các nước sản xuất, buôn bán và tiếp tục sử dụng chúng phải chịu trách nhiệm về việc cố tình trì hoãn việc loại bỏ hẳn các vũ khí giết người ấy1075.Cộng đồng quốc tế phải tiếp tục những nỗ lực đã cam kết của mình nhằm tháo gỡ mìn, tạo điều kiện cho có sự cộng tác hữu hiệu – kể cả giáo dục và huấn luyện kỹ thuật – với các quốc gia không có những phương tiện thích đáng để tháo gỡ mìn trên lãnh thổ của họ một cách nhanh chóng cần thiết, cũng như không có khả năng trợ giúp cần thiết cho các nạn nhân của mìn.
511Cần phải có những biện pháp thích hợp để kiểm soát việc sản xuất, buôn bán, nhập khẩu và xuất khẩu các vũ khí nhỏ và nhẹ, các quân khí có thể tạo điều kiện cho bạo lực bùng phát. Việc mua bán và buôn lậu các vũ khí như thế là một mối đe doạ nghiêm trọng cho nền hoà bình: những vũ khí này đều có khả năng giết người và hầu hết được dùng vào các cuộc xung đột nội bộ hay trong khu vực; tình trạng có sẵn để cung cấp các loại vũ khí này càng làm tăng rủi ro có những cuộc xung đột mới và càng làm tăng tầm mức của những cuộc xung đột đang tiếp diễn. Các quốc gia áp dụng những sự kiểm soát rất nghiêm nhặt về việc chuyển giao các vũ khí hạng nặng trên thế giới, nhưng đồng thời lại không bao giờ hay rất hiếm khi hạn chế việc mua bán và buôn lậu các vũ khí nhỏ và nhẹ, đó quả là một điều mâu thuẫn không thể chấp nhận được. Các chính phủ cần khẩn trương áp dụng các biện pháp thích hợp để kiểm soát việc sản xuất, tàng trữ, mua bán và buôn lậu các loại vũ khí này1076, để chặn đứng sự phát triển ngày càng nhanh các loại vũ khí, phần lớn trong các nhóm chiến đấu không phải là lực lượng quân đội của quốc gia.
512Sử dụng trẻ em và thiếu niên làm lính trong các cuộc xung đột có vũ trang – bất kể chúng chưa đủ tuổi để tuyển dụng – là hành vi phải bị lên án. Bị bắt buộc tham gia chiến đấu hay tự nguyện làm như thế mà không hiểu đầy đủ hậu quả, các trẻ em này không những bị mất học hành và một tuổi thơ bình thường, chúng còn được huấn luyện để giết người. Điều này tạo ra một tội ác không thể dung thứ. Cần phải dừng lại ngay việc sử dụng lính trẻ em trong các lực lượng chiến đấu dưới bất cứ hình thức nào, và đồng thời, phải trợ giúp bằng mọi cách để chăm sóc, giáo dục và phục hồi những trẻ em đang tham gia chiến đấu ấy1077.
f. Lên án chính sách khủng bố
513Khủng bố là một trong những hình thức bạo lực tàn ác nhất gây kinh hoàng cho cộng đồng thế giới hiện nay; nó gieo thù hận, chết chóc, cũng như thôi thúc báo thù và trả đũa1078. Từ một chiến thuật phá hoại điển hình của một vài tổ chức cực đoan, nhằm phá hoại tài sản vật chất hay giết người, khủng bố nay đã trở thành một mạng lưới mờ ám của việc cấu kết chính trị. Người ta có thể sử dụng cả công nghệ tinh vi, nắm trong tay nguồn tài chính khổng lồ và chẳng ngần ngại tham gia vào việc lên kế hoạch ở cấp độ vĩ mô, đánh thẳng vào những người hoàn toàn vô tội, biến họ thành những nạn nhân tình cờ của các hành động khủng bố1079. Mục tiêu của các cuộc tấn công khủng bố thường là những nơi sinh hoạt hằng ngày, chứ không phải là những mục tiêu quân sự trong khuôn khổ của một cuộc chiến công khai. Chủ nghĩa khủng bố hoạt động và tấn công trong bóng tối mà không đếm xỉa gì tới các quy luật, mà theo đó con người phải luôn tìm cách giới hạn sự xung đột, chẳng hạn luật nhân đạo quốc tế; “nhiều khi các phương pháp khủng bố được coi như những chiến thuật mới của chiến tranh”1080. Chúng ta cũng không được coi thường những nguyên nhân đã dẫn đến những hình thức yêu sách không thể chấp nhận được như thế. Muốn đấu tranh chống lại chính sách khủng bố thì phải có nghĩa vụ luân lý là tạo điều kiện giúp ngăn chặn nó phát sinh hay phát triển.
514Phải lên án chính sách khủng bố một cách tuyệt đối. Chính sách khủng bố là sự khinh rẻ hoàn toàn mạng sống con người, và vì thế, không bao giờ có thể biện minh được: vì con người luôn luôn là cứu cánh chứ không bao giờ là phương tiện. Các hành vi khủng bố đánh thẳng vào phẩm giá con người và xúc phạm tới toàn thể nhân loại: “bởi đó, mọi người có quyền chống lại chính sách khủng bố1081. Tuy nhiên, quyền này không thể được thực hiện mà không có chuẩn mực luân lý và luật pháp nào, vì phải tiến hành cuộc đấu tranh chống khủng bố trong sự tôn trọng các quyền con người và các nguyên tắc của một quốc gia được cai trị theo luật pháp1082. Phải chứng minh một cách thích đáng khi xác định danh tính phe có tội, vì trách nhiệm hình sự luôn luôn là trách nhiệm mang tính cá nhân, chứ không thể gán ghép rộng ra cho tôn giáo, quốc gia hay chủng tộc mà kẻ khủng bố thuộc về. Việc cộng tác ở cấp quốc tế để đấu tranh chống các hoạt động khủng bố “không thể chỉ dừng lại với những hành vi trấn áp và trừng phạt. Phải sử dụng sức mạnh, kể cả khi cần, song song với việc can đảm và sáng suốt phân tích những lý do ẩn đằng sau những cuộc tấn công khủng bố ấy1083. Cũng cần có sự cam kết đặc biệt “trên bình diện chính trị và giáo dục1084 là sẽ can đảm và cương quyết giải quyết các vấn đề mà trong một số trường hợp bi đát có thể đưa tới khủng bố: “thật vậy, các kẻ khủng bố dễ được tuyển mộ hơn ở nơi nào quyền lợi bị chà đạp và con người phải gánh chịu bất công quá lâu”1085.
515Thật là một điều báng bổ và phạm thượng khi tự xưng mình là kẻ khủng bố nhân danh Thiên Chúa1086. Trong những trường hợp ấy, không chỉ con người mà cả Thiên Chúa đã bị khai thác do một người tự cho là mình nắm giữ trọn vẹn sự thật về Thiên Chúa thay vì phải tìm cách để cho sự thật ấy nắm giữ mình. Nếu gọi những người chết do thực hiện những cuộc tấn công khủng bố là “tử đạo” là ta đã bóp méo khái niệm tử đạo, tử đạo là bằng chứng của một con người thà chịu chết chứ không chịu chối bỏ Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Một người nhân danh Thiên Chúa để sát hại không thể nào là người tử vì đạo.
Không có tôn giáo nào dung túng sự khủng bố, và càng không hô hào khủng bố1087. Đúng hơn, các tôn giáo phải hợp tác với nhau để loại bỏ những nguyên nhân đưa tới khủng bố và đẩy mạnh tình hữu nghị giữa các dân tộc1088.
-----------------------------------------------------------------------------------------------
1032  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 77: AAS 58 (1966), 1100; x.
     Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2307-2317.
1033  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 80: AAS 58 (1966), 1103-1104.
1034  Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 291.
1035  Lêô XIII, Diễn văn gửi Hồng y Đoàn: Acta Leonis XIII, 19 (1899), 270-272.
1036  Gioan Phaolô II, Gặp gỡ các Viên chức Giáo triều Roma (17-01-1991):
   L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 21-01-1991, tr. 1; x. Gioan Phaolô II, Diễn văn
   gửi các giám mục theo nghi lễ Latinh tại bán đảo Ả Rập (01-10-1990), 4: AAS 83
   (1991), 475.
1037  x. Phaolô VI, Diễn văn gửi các Hồng y (24-06-1965): AAS 57 (1965), 643-644.
1038  Benedictô XV, Lời kêu gọi các nhà lãnh đạo các quốc gia tham chiến (01-08-
     1917): AAS 9 (1917), 423.
1039  Gioan Phaolô II, Lời cầu nguyện cho hoà bình trong buổi triều yết chung (16-01-
     1991): Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XIV, 1 (1991), 121.
1040  Piô XII, Thông điệp Truyền thanh (24-08-1939): AAS 31 (1939), 334; Gioan Phaolô
     II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1993, 4: AAS 85 (1993), 433-434; x.
     Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 288.
1041  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 79: AAS 58 (1966), 1102-1103.
1042  Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình 1999, 11: AAS 91 (1999), 385.
1043  Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Ngoại giao Đoàn (13-01-2003), 4: L’Osservatore
     Romano, bản Anh ngữ, 15-01-2003, tr. 3.
1044  Phaolô VI, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (04-10-1965), 5: AAS 57
     (1965), 881.
1045  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 51: AAS 83 (1991), 857.
1046  Ibid., 52: AAS 83 (1991), 858.
1047  x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 288-289.
1048  Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 291.
1049   x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2265.
1050  Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2309.
1051  Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Việc buôn bán vũ khí trên thế giới. 
     Một suy tư đạo đức học  (01-05-1994), ch. I, 6: Libreria Editrice Vaticana, Vatican
     City 1994, tr. 13.
1052  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 79: AAS 58 (1966), 1103.
1053  Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 6: AAS 96
    (2004), 117.
1054  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 79: AAS 58 (1966), 1102-
    1103; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2310.
1055  X. Gioan Phaolô II, Thông điệp gửi Hội nghị Quốc tế lần thứ ba của các cấp thẩm
     quyền về quân sự (11-03-1994), 4: AAS 87 (1995), 74.
1056  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2313.
1057  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 79: AAS 58 (1966), 1103; Giáo
      lý Giáo hội Công giáo, 2311.
1058 Gioan Phaolô II, Kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật (07-03-1993), 4: L’Osservatore
     Romano, bản Anh ngữ, 10-03-1993, tr. 1; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Hội đồng
     Bộ trưởng OSCE (30-11-1993), 4: AAS 86 (1994), 751.
1059 Gioan Phaolô II, Diễn văn tại buổi triều yết chung (11-08-1999), 5: L’Osservatore
     Romano, bản Anh ngữ, 25-08-1999, tr. 6.
1060 Gioan Phaolô II, Thông điệp Mùa Chay năm 1990, 3: L’Osservatore Romano, bản
     Anh ngữ, 12-02-1990, tr. 5.
1061  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1999, 7: AAS 91
     (1999), 382; Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2000, 7:
      AAS 92 (2000), 362.
1062  Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Regina Coeli (18-04-1993), 3: L’Osservatore Romano,
    bản Anh ngữ, 21-04-1993, tr. 12; x. Uỷ ban Liên lạc Tôn giáo với Do Thái giáo,
     Chúng ta còn nhớ. Một suy tư về cuộc tàn sát người Do Thái (16-03-1998), Libreria
     Editrice Vaticana, Vatican City 1998.
1063  Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2000, 11: AAS 92
     (2000), 363.
1064 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Ngoại giao Đoàn (16-01-1993), 13: L’Osservatore
    Romano, bản Anh ngữ, 20-01-1993, tr. 9; x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Hội nghị
    Quốc tế về việc dinh dưỡng do FAO và WHO bảo trợ (05.12.1992), 3: AAS 85 (1993),
    922-923; Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 9: AAS 96
    (2004), 120.
1065 x. Gioan Phaolô II, Kinh Truyền Tin ngày Chúa Nhật (14-06-1998): L’Osservatore
    Romano, bản Anh ngữ, 17-06-1998, tr.1; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi những người
    tham dự Đại hội Thế giới về việc Phát huy Nhân quyền (04-07-1998), 5:
    L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 29-07-1998, tr. 8; Gioan Phaolô II, Thông điệp
    Ngày Thế giới Hoà bình năm1999, tr. 7: AAS 91 (1999), 382; x. Piô XII, Diễn văn
   tại Đại hội Quốc tế lần thứ 6 về Luật Hình sự (03-10-1953): AAS 45 (1953), 730-744.
1066  x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Ngoại giao Đoàn (09-01-1995), 7: L’Osservatore
    Romano, bản Anh ngữ, 11-01-1995, tr. 6.
1067  Gioan Phaolô II, Thông điệp kỷ niệm năm thứ 40 Liên Hiệp Quốc được thành lập
     (18-10-1985), 6: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 14-11-1985, tr. 4.
1068  x. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Việc buôn bán vũ khí trên thế
     giới. Một suy tư đạo đức học (01-05-1994), ch. 1,9-11, Libreria Editrice Vaticana,
     Vaticna City 1994, tr. 14.
1069  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2316; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi thế giới lao
  động, Verona, Italia (17-04-1988), 6: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, XI, 1 (1988), 940.
1070   Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2315.
1071  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 80: AAS 58 (1966), 1104;
    Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2314; Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà
    bình năm 1986, 2: AAS 78 (1986), 280.
1072 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Ngoại giao Đoàn (13-01-1996), 7: L’Osservatore
    Romano, bản Anh ngữ, 17-01-1996, tr. 2.
1073  Toà Thánh ủng hộ những biện pháp pháp lý để giải quyết các vũ khí hạt nhân, 
    sinh học và hoá học hầu hậu thuẫn các sáng kiến này của cộng đồng quốc tế.
1074  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 80: AAS 58 (1966), 1104.
1075  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1999, 11: AAS 91 
     (1999), 385-386.
1076  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1999, 11: AAS 91
     (1999), 385-386.
1077  Ibid.
1078  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2297.
1079  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2002, 4: AAS 94
     (2002), 134.
1080  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 79: AAS 58 (1966), 1102.
1081  Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2002, 5: AAS 94
     (2002), 134.
1082  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 8: AAS 96
     (2004), 119.
1083  Ibid.
1084  Ibid.
1085  Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2002, 5: AAS 94
     (2002), 134.
1086  x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các đại biểu của Tổ chức Thế giới Văn hoá, Nghệ
    thuật và Khoa học, Astana, Kazakhstan (24-09-2001), 5: L’Osservatore Romano, bản
    Anh ngữ, 26-09-2001, tr. 7.
1087  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2002, 7: AAS 95
    (2002), 135-136.
1088  x. “Thập Điều của Assisi cho hoà bình”, I, trích trong thư của Đức Giáo hoàng
     Gioan Phaolô II gửi các Nguyên thủ Quốc gia và Chính phủ ngày 24-02-2002:
     L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 06-03-2002, tr.12.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét