Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

II. CÁC QUY TẮC CĂN BẢN CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ (Chương IX)


a. Cộng đồng quốc tế và các giá trị   
433Lấy con người làm trọng tâm và thiết lập các mối quan hệ giữa con người với nhau, giữa các dân tộc với nhau theo khuynh hướng tự nhiên, đó chính là những yếu tố căn bản cần thiết để xây dựng một cộng đồng quốc tế đích thực, mà cộng đồng này phải nhắm đến việc bảo đảm cho có công ích toàn cầu cách hữu hiệu880. Dù khát vọng xây dựng một cộng đồng quốc tế đích thực đã được phổ biến khắp nơi, nhưng việc thống nhất gia đình nhân loại vẫn chưa thực hiện được. Sở dĩ như thế là do những trở ngại xuất phát từ các ý thức hệ duy vật và duy dân tộc, là những ý thức hệ đi ngược lại các giá trị của con người, được cứu xét cách toàn diện trong mọi chiều hướng của mình: cả vật chất lẫn tinh thần, cả cá nhân lẫn cộng đồng. Cách riêng, bất cứ lý thuyết hay hình thức nào của chủ nghĩa chủng tộc và sự kỳ thị chủng tộc đều không thể chấp nhận được về mặt luân lý881.
Việc sống chung giữa các dân tộc được xây dựng dựa trên các giá trị cũng từng làm nền tảng để xây dựng các mối quan hệ giữa người với người: đó là sự thật, công lý, liên đới tích cực và tự do882. Theo giáo huấn của Giáo Hội, khi đề cập đến các nguyên tắc thiết định làm nên cộng đồng quốc tế, người ta phải liệu điều hoà các quan hệ giữa các dân tộc và giữa các cộng đồng chính trị một cách đúng đắn, theo các nguyên tắc của lý trí, công bằng, luật lệ và thương thảo, loại trừ việc sử dụng bạo động và chiến tranh, cũng như các hình thức kỳ thị, đe doạ hay lừa dối883.
434Luật quốc tế trở thành người bảo đảm cho trật tự quốc tế884, tức là cho việc chung sống của các cộng đồng chính trị, là những cộng đồng vừa đang tìm cách đẩy mạnh công ích của các công dân nước mình vừa đang cùng nhau cố gắng bảo đảm công ích của mọi dân tộc885, vì ý thức rằng không thể tách rời công ích của một quốc gia với công ích của toàn thể gia đình nhân loại886.
Cộng đồng quốc tế là một cộng đồng pháp lý xây dựng trên chủ quyền của mỗi quốc gia thành viên, không có những ràng buộc lệ thuộc làm mất đi hay hạn chế sự độc lập của mỗi quốc gia887. Hiểu cộng đồng quốc tế như thế không có nghĩa là phải tương đối hoá hay tiêu diệt những đặc điểm khác nhau và đặc thù của mỗi dân tộc, trái lại còn cổ vũ việc biểu hiện những đặc điểm ấy888. Việc đánh giá cao các đặc điểm khác nhau ấy sẽ giúp khắc phục các hình thức chia rẽ, đang có khuynh hướng tách biệt các dân tộc và làm cho các dân tộc ấy chỉ biết quy hướng về mình, và điều này tạo nên những hậu quả mất ổn định.
435Huấn Quyền nhìn nhận tầm quan trọng của chủ quyền mỗi quốc gia, được hiểu chủ quyền đó như biểu hiện sự tự do cần có để điều khiển các quan hệ giữa các quốc gia với nhau889. Chủ quyền tượng trưng cho chủ thể tính890 của mỗi quốc gia, hiểu theo nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội và cả văn hoá. Khía cạnh văn hoá có tầm quan trọng đặc biệt, được coi như nguồn sức mạnh để chống lại những hành vi gây hấn hay những hình thức thống trị sẽ ảnh hưởng tới sự tự do của một đất nước. Văn hoá là nguồn bảo đảm để gìn giữ bản sắc của một dân tộc, đồng thời biểu lộ và phát huy chủ quyền thiêng liêng của dân tộc ấy891.
Tuy nhiên, chủ quyền quốc gia không phải là một điều gì tuyệt đối. Các quốc gia có thể tự nguyện từ khước thi hành một số quyền nào đó vì công ích, do ý thức rằng tất cả các quốc gia đều làm nên “một gia đình”892, trong đó phải ưu tiên cho sự tin tưởng, nâng đỡ và tôn trọng nhau. Trong viễn cảnh đó, chúng ta cần lưu ý đặc biệt tới sự kiện này là hiện nay vẫn chưa có một thoả ước quốc tế nào bàn tới “các quyền của các quốc gia” một cách thích đáng893, và để chuẩn bị cho thoả ước ấy, chúng ta rất nên bàn tới các vấn đề công lý và tự do trong thế giới hiện nay.
b. Các quan hệ phải được xây dựng trên sự hài hoà giữa trật tự pháp lý và trật tự luân lý
436Để tạo ra và củng cố một trật tự quốc tế bảo đảm có được các quan hệ hoà bình giữa các dân tộc với nhau, luật luân lý từng điều khiển đời sống con người cũng phải điều hoà các quan hệ giữa các quốc gia: “Việc tuân giữ luật luân lý cần phải được ghi khắc và xúc tiến nhờ công luận của mọi dân tộc và mọi quốc gia cách đồng tâm nhất trí đến nỗi không ai dám xét lại hay giảm nhẹ sức ràng buộc của luật luân lý ấy”894. Phải coi luật luân lý phổ quát, được khắc ghi trong tâm hồn con người, là luật hữu hiệu và không thể xoá bỏ như một biểu hiện sống động của lương tri được chia sẻ của nhân loại, một “quy tắc thành văn” để chúng ta dựa vào đó mà xây dựng tương lai thế giới895.
437Mọi người cùng tôn trọng các nguyên tắc ẩn đằng sau “cấu trúc pháp lý phù hợp với trật tự luân lý”896, đó chính là điều kiện cần thiết để đời sống quốc tế được ổn định. Việc tìm kiếm sự ổn định như thế, một sự ổn định đã dẫn đến việc soạn thảo dần một loại “quyền của các quốc gia”897 (ius gentium), có thể được coi như là “tiền thân của luật quốc tế”898. Từ những suy tư mang tính pháp lý và thần học, dựa trên luật tự nhiên, người ta đã nêu ra “các nguyên tắc phổ quát, có trước và ở trên luật riêng của mỗi quốc gia”899, thí dụ như sự duy nhất của nhân loại, phẩm giá bình đẳng của mọi dân tộc, không lấy chiến tranh làm phương thế giải quyết các tranh chấp, phải cộng tác với nhau để đạt công ích và cần phải trung tín với những thoả ước đã ký kết (pacta sunt servanda). Cần phải nhấn mạnh nguyên tắc sau cùng này cách đặc biệt để tránh “bị cám dỗ sử dụng luật của sức mạnh thay vì nhờ tới sức mạnh của luật900.
438Để giải quyết những căng thẳng giữa các cộng đồng chính trị khác nhau mà có thể làm phương hại đến sự ổn định của các quốc gia và an ninh thế giới, cần phải sử dụng các luật chung khi tham gia thương thảo, đồng thời dứt khoát gạt bỏ ý nghĩ có thể tìm được công lý bằng cách sử dụng chiến tranh901. “Nếu chiến tranh có thể kết thúc mà không có kẻ thắng người thua như trong một cuộc tự sát tập thể của nhân loại, thì chúng ta phải loại bỏ cái logic đã đưa chúng ta đến chiến tranh: đó là ý tưởng cố gắng tìm cách tiêu diệt kẻ thù, ý tưởng dám đối đầu và ý tưởng cho rằng chính chiến tranh là những nhân tố đưa tới tiến bộ và tăng trưởng về lịch sử902.
Không những hiến chương Liên Hiệp Quốc gạt bỏ việc sử dụng chiến tranh, mà còn phản đối việc đe doạ sử dụng vũ lực903. Điều khoản này được đưa ra sau kinh nghiệm bi đát của Thế Chiến Thứ Hai. Trong cuộc xung đột ấy, Huấn Quyền không ngừng xác nhận một số nhân tố cần thiết để xây dựng một trật tự thế giới mới: như quyền tự do và sự toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia, bảo vệ quyền của các sắc tộc thiểu số, chia sẻ công bằng các nguồn lợi của trái đất, loại bỏ chiến tranh và lên kế hoạch hữu hiệu cho việc giải trừ quân bị, trung tín với các thoả ước đã ký kết và chấm dứt việc bách hại tôn giáo904.
439Để củng cố thế ưu việt của luật pháp, nguyên tắc tin tưởng lẫn nhau là vô cùng quan trọng905. Theo viễn tượng ấy, cần phải tái lập các phương thế mang tính quy phạm để giải quyết các tranh cãi cách hoà bình, cũng như để củng cố phạm vi và sức mạnh ràng buộc của các phương thế ấy. Các tiến trình thương thuyết, làm trung gian, hoà giải và làm trọng tài – đã được đưa vào trong luật pháp quốc tế – phải được hỗ trợ bằng việc lập ra “một quyền bính pháp lý hết sức hữu hiệu trong thế giới hoà bình”906. Có tiến theo chiều hướng này thì cộng đồng quốc tế mới không còn bị coi như một sự tập hợp đơn thuần của các quốc gia trong những giai đoạn tồn tại khác nhau, mà phải được coi như một cấu trúc để giải quyết các cuộc xung đột cách hoà bình. “Như trong đời sống nội bộ của mỗi quốc gia… hệ thống báo thù và trả đũa cá nhân phải nhường chỗ cho luật pháp, cũng vậy, để xây dựng cộng đồng quốc tế, hiện nay cũng rất cần phải có bước đi tương tự như thế”907. Tóm lại, “luật quốc tế phải bảo đảm rằng từ nay luật của kẻ mạnh hơn không còn chiếm ưu thế nữa”908.
---------------------------------------------------------------------------------


880 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1911.
881 x. CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Nostra Aetate, 5: AAS 58 (1966), 743-744; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 268,281; Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 63: AAS 59 (1967), 288; Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 16: AAS 63 (1971), 413; Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Huấn thị Giáo Hội và nạn Kỳ thị Chủng tộc. Đóng góp của Toà Thánh cho Hội nghị Quốc tế chống Phân biệt Chủng tộc, nạn bài ngoại và sự bất khoan dung, 11, Thông Tấn Xã Vatican, Vatican City 2001, tr. 15.
882 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 279-280.
883 x. Phaolô VI, Diễn văn gửi Liên Hiệp Quốc (04-10-1965), 2: AAS 57 (1965), 879-880.
884 x. Piô XII, Thông điệp Summi Pontificatus, 29: AAS 31 (1939), 438-439.
885 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 292; Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 52: AAS 83 (1991), 857-858.
886 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 284.
887 x. Piô XII, Thông điệp Truyền thanh lễ Giáng Sinh về một nền hoà bình chân chính trên thế giới (24-12-1939) 5: AAS 32 (1940), 9-11; Piô XII, Diễn văn gửi các Luật gia Công giáo họp bàn về các Cộng đồng Quốc gia và Dân tộc (06-12-1953) 2: AAS 45 (1953), 395-396; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 289.
888 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thứ 50 (05-10-1995), 9-10: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 9.
889 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 289-290; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thứ 50 (05-10-1995) 15: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 10.
890 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 15: AAS 80 (1988), 528-530.
891 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi UNESCO (02-06-1980), 14: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 23-06-1980, tr.11.
892 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thứ 50 (05-10-1995), 14: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 10; x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Ngoại giao Đoàn (13-01-2001), 8: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 17-01-2001, tr. 2.
893 Gioan Phaolô II, Diễn Văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thứ 50 (05-10-1995), 6: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 8.
894 Piô XII, Thông điệp Truyền thanh lễ Giáng Sinh (24-12-1941): AAS 34 (1942), 16.
895 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thứ 50 (05-10-1995), 3: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 8.
896 Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 277.
897 x. Piô XII, Thông điệp Summi Pontificatus: AAS 31 (1939), 438-439; Piô XII, Thông điệp Truyền thanh lễ Giáng Sinh (24-12-1941): AAS 34 (1942) 1617; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 290, 292.
898 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Ngoại giao Đoàn (12-01-1991), 8: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 14-01-1991, tr. 3.
899 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 5: AAS 96 (2004), 116.
900 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 5: AAS 96 (2004), 117; x. Gioan Phaolô II, Thông điệp gửi Viện trưởng Trường Đại học Lateran (21-03-2002), 6: L’Osservatore Romano, 22-03-2002, tr. 6.
901 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 23: AAS 83 (1991), 820-821.
902 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 18: AAS 83 (1991), 816.
903 x. Hiến chương Liên Hiệp Quốc (26-06-1945), điều 2.4; Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 6: AAS 96 (2004), 117.
904 x. Piô XII, Thông điệp Truyền thanh lễ Giáng Sinh (24-12-1941): AAS 34 (1942), 18.
905 x. Piô XII, Thông điệp Truyền thanh lễ Giáng Sinh (24-12-1945): AAS 38 (1946), 22; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 287-288.
906 Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Toà án Quốc tế, The Hague (13-05-1985), 4: AAS 78 (1986), 520.
907 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 52: AAS 83 (1991), 858.
908 Gioan PhaolôII, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 9: AAS 96 (2004), 120.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét