1.
Có thể hiểu nguồn gốc GHXH theo nghĩa là sự ra đời của một môn học: từ lúc nào xuất hiện môn học mang tựa đề
“Giáo huấn xã hội của Giáo hội”? Trả lời: vào khoảng giữa thế kỷ XX (từ đức
Piô XI năm 1931)[1]. Nên
biết là mãi đến nay, môn này vẫn chưa được đem vào chương trình huấn luyện linh
mục tại nhiều chủng viện, mặc dầu đã có lời yêu cầu của Bộ Giáo dục Công giáo
từ năm 1988.
2.
Đi xa hơn một chút nữa, có thể hiểu nguồn gốc của GHXH như là sự hình thành
những giáo huấn của Giáo hội về các vấn đề xã hội: từ lúc nào các Giáo hoàng viết những thông điệp về vấn đề xã hội?
Trả lời: từ cuối thế kỷ XIX. Người ta thường lấy khởi điểm là thông điệp Rerum novarum của đức thánh cha Lêô XIII
(1891). Chúng ta sẽ điểm qua những văn kiện quan trọng trong mục 2 dưới đây.
3.
Câu hỏi vừa rồi dẫn đến một câu hỏi khác liên quan đến nguồn gốc, hiểu theo
nghĩa là tác giả của giáo huấn: phải chăng GHXH là những văn kiện do các
Giáo hoàng viết ra để giảng dạy cho Hội thánh (vai trò giáo huấn), còn chúng ta
chỉ ngoan ngoãn chấp nhận? Đúng là các văn kiện do các giáo hoàng viết ra,
nhưng phải thêm rằng “nhờ sự đóng góp
của toàn thể Dân Chúa”. Đứng trước những vấn đề nhiêu khê của thời cuộc,
nhiều tín hữu (giám mục, linh mục, giáo dân) cách riêng là những người dấn thân
phục vụ Tin mừng, đã suy tư và đề ra những giải pháp. Các giáo hoàng lắng nghe,
đón nhận những đề nghị ấy, và phát biểu quan điểm chính thức của Giáo hội dưới
hình thức của các thông điệp. Điều này càng rõ rệt hơn nữa tại công đồng
Vaticanô II: hiến chế “Vui mừng và Hy vọng” là kết quả làm việc của nhiều
chuyên gia (về thần học cũng như các khoa học nhân văn) cùng với các giám mục.
Văn kiện này ra đời như là một tác phẩm của công đồng, với sự tham gia của
nhiều thành phần Dân Chúa. Ta cũng có thể nói tương tự về các văn kiện của các
Thượng hội đồng Giám mục (trong đó có một khóa họp bàn về Giáo hội tại châu Á).
4.
Đi sâu hơn nữa, câu hỏi về nguồn gốc có thể hiểu về lý do: tại sao Giáo hội đưa
ra giáo huấn về các vấn đề về xã hội? Phải chăng Giáo hội cũng muốn tham
gia vào chính trị? Câu hỏi này đã được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo trả lời
ở các số 2420-2421 được trích dẫn trên đây. Giáo hội lên tiếng về các vấn đề xã
hội chính trị dưới góc cạnh luân lý, để cho thấy điều gì đúng hay sai, xét dưới
viễn ảnh của Sự Thiện Tuyệt đối (định mệnh vĩnh cửu của con người).
Điều
này nằm trong sứ mạng loan báo Tin mừng mà Chúa Kitô đã uỷ thác cho Giáo hội.
Một lần nữa, chúng ta nên hiểu Giáo hội theo nghĩa là toàn thể Dân Thiên Chúa.
Tuy các giáo hoàng lên tiếng trong cương vị của “Mẹ và Thầy”, nhưng động lực
thúc đẩy là mối quan tâm của mục tử đối với những người được trao phó: cần phải
trình bày chân lý, tố cáo những sai lầm, đưa ra những phương dược để sửa chữa
sai lầm. Mặt khác, sứ mạng loan báo Tin mừng không kết thúc với những tuyên
ngôn nhưng cần được diễn tả qua hành động. Ơn gọi sống các đức bác ái và công
bình là của tất cả các Kitô hữu. Họ được mời làm chứng tá cho tình yêu mà Thiên
Chúa dành cho loài người.
Đó
là lý do của chương thứ nhất của sách TLGH, bàn về “Kế hoạch yêu thương của Thiên
Chúa dành cho nhân loại”. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề này ở mục 3.
5.
Câu hỏi về nguồn gốc cũng có thể đặt lên một cách khác nữa, quen gọi là “nguồn
mạch suy tư”[2]: Dựa vào đâu các Giáo hoàng viết các thông
điệp xã hội: phải chăng chỉ dựa trên những luận cứ triết học? Phải chăng chỉ
dựa trên các tài liệu chuyên môn do các chuyên gia cung cấp?
Câu
hỏi này liên quan đến phương pháp sẽ được giải thích ở mục 4. Tạm thời có thể
nói vắn tắt thế này: Một đàng, Giáo hội sử dụng các kiến thức của thời đại
(triết học, khoa học nhân văn xã hội); đàng khác, Giáo hội phải đối chiếu với
Kinh thánh và truyền thống (cách riêng: đạo lý của các giáo phụ và các tiến sĩ,
gương các thánh)[3]. Từ
công đồng Vaticanô II, người ta thêm một “nguồn mạch” nữa, đó là “dấu chỉ thời đại”: trong dòng lịch sử,
Chúa Thánh Thần hướng dẫn Dân Thiên Chúa tiến đến chân lý vẹn toàn qua những
biến cố nhiều khi đau thương[4]. Như
vậy, nhìn dưới khía cạnh phương pháp GHXH có ba nguồn gốc[5]: a/ Kinh thánh và Truyền
thống Giáo hội; b/ Khoa học nhân văn; c/ Kinh nghiệm của Dân Chúa, khám phá
tiếng Chúa giữa dòng lịch sử hiện đại. Yếu
tố “lịch sử” giúp chúng ta hiểu rõ hơn sự thành hình của GHXH được bàn trong
mục kế tiếp.
[1] Xem chú dẫn vào số 87 của sách TLHT.
[2] Thuật ngữ chuyên môn trong
tiếng Latinh là locus theologicus.
Xc. Sách GLCG số 11.
[3] Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo (số 2038) đã viết như sau về tầm quan
trọng của kinh nghiệm sống của các tín
hữu: “Trong việc giảng dạy và áp dụng luân lý Kitô giáo, Hội thánh cần đến
sự tận tâm của các mục tử, kiến thức của các nhà thần học và sự đóng góp của
mọi người Kitô hữu và mọi người thiện chí.
Đức tin và việc thực hành Tin mừng đem lại cho mỗi người một kinh nghiệm
về đời sống “trong Đức Kitô”, kinh nghiệm này soi sáng cho họ và giúp họ có khả
năng đánh giá những thực tại thần linh và nhân linh theo Thần khí của Thiên
Chúa. Như vậy Chúa Thánh Thần có thể dùng những kẻ thấp hèn nhất, để soi sáng
cho những người thông thái và những người có chức phận cao trọng hơn.
[4] Chẳng hạn như qua cuộc cách mạng Pháp 1789 và cuộc cách mạng Cộng sản
ở Nga 1917, Giáo hội quan tâm đến quyền người dân làm chủ chính quyền (chứ
không phải chính quyền do cha truyền con nối), đến quyền lợi của lớp vô sản (họ
có những yêu sách theo sự công bằng, chứ không chỉ dựa trên sự tuỳ tiện của lòng
hảo tâm bác ái).
[5] Nói theo ngôn ngữ của thần học: ex fide, ex ratione, ex experientia
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét