Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

VI. NHÀ NƯỚC VÀ CÁC CỘNG ĐỒNG TÔN GIÁO (Chương VIII)



A. TỰ DO TÔN GIÁO, MỘT QUYỀN CĂN BẢN CỦA CON NGƯỜI
421Công đồng Vatican II đã trao cho Giáo hội Công giáo nhiệm vụ thúc đẩy tự do tôn giáo. Tuyên ngôn Dignitatis Humanae (Phẩm giá Con người) giải thích ở phần mở đầu của mình như sau: tuyên ngôn này có ý muốn công bố rằng “cá nhân và các cộng đồng có quyền được tự do về mặt dân sự lẫn xã hội trong các vấn đề tôn giáo”. Điều này có mục đích để sự tự do, mà Chúa muốn và đã được khắc ghi trong bản tính con người, có thể được thực hiện, không gặp phải một trở ngại nào, vì “sự thật tự nó có sức mạnh ép buộc chứ không dựa trên một uy quyền nào khác”857. Chính phẩm giá của con người và chính bản chất của công cuộc tìm kiếm Thiên Chúa đòi phải để cho mọi người được tự do không bị một áp lực nào trong lĩnh vực tôn giáo858. Xã hội và Nhà Nước không được cưỡng bách con người hành động ngược với lương tâm của mình hay không được ngăn cản con người hành động hợp với lương tâm mình859. Tự do tôn giáo không phải là được phép, về mặt luân lý, theo đuổi điều sai lạc, cũng không phải là có quyền sai lạc một cách mặc nhiên860.
422Sự tự do lương tâm và sự tự do tôn giáo “liên quan đến con người cả về phương diện cá nhân lẫn phương diện xã hội861. Quyền tự do tôn giáo phải được nhìn nhận trong trật tự pháp lý và phải được phê chuẩn như một quyền dân sự862; tuy nhiên, quyền tự do tôn giáo tự nó không phải là một quyền vô hạn. Cần phải xác định những giới hạn chính đáng cho việc thi hành quyền tự do tôn giáo trong mỗi hoàn cảnh xã hội với sự thận trọng về mặt chính trị, căn cứ theo những đòi hỏi của công ích, và phải được xác nhận bởi nhà cầm quyền dân sự, thông qua những chuẩn mực pháp luật phù hợp với trật tự luân lý khách quan. Phải có những chuẩn mực ấy vì “người ta cần phải bảo vệ hữu hiệu các quyền lợi của mọi công dân và cần phải giải quyết trong hoà bình các sự xung đột về quyền lợi; cũng như cần phải chăm lo thích đáng nền hoà bình chung thật sự, một nền hoà bình chỉ có khi mọi người cùng sống với nhau trong trật tự và trong công lý đích thực; sau cùng cần phải có sự bảo vệ thích đáng cho nền luân lý chung”863.
423Vì có liên hệ về mặt lịch sử và văn hoá với một quốc gia, nên một cộng đồng tôn giáo nào đó có thể được Nhà Nước nhìn nhận một cách đặc biệt hơn. Nhưng việc nhìn nhận như thế không được tạo nên sự kỳ thị đối với các nhóm tôn giáo khác ngay trong trật tự dân sự hay xã hội864. Tầm nhìn được Công đồng Vatican II cổ vũ về các quan hệ giữa Nhà Nước với các tổ chức tôn giáo hoàn toàn phù hợp với những đòi hỏi của một quốc gia được cai trị theo luật pháp và phù hợp với những chuẩn mực của luật quốc tế865. Giáo Hội ý thức rất rõ rằng cái nhìn trên đây của mình không được tất cả mọi người chia sẻ; tiếc thay, quyền tự do tôn giáo “đang bị nhiều Nhà Nước vi phạm, thậm chí tới mức giảng dạy giáo lý, nhờ người giảng dạy giáo lý và tiếp thu giáo lý đều trở thành những hành vi phạm pháp có thể bị trừng phạt”866.
B. GIÁO HỘI CÔNG GIÁO VÀ CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ
a. Tự trị và độc lập
424Dù cả Giáo Hội lẫn cộng đồng chính trị đều xuất hiện trong các cơ cấu mang tính tổ chức thấy rõ bên ngoài, nhưng tự bản chất, hai bên vẫn rất khác nhau do cách định hình và do mục tiêu hai bên theo đuổi. Công đồng Vatican II đã long trọng tái xác nhận rằng “cộng đồng chính trị và Giáo Hội độc lập với nhau và hoàn toàn tự trị trong địa hạt riêng của mình”867. Giáo Hội được tổ chức theo những cách thức có thể giúp đáp ứng các nhu cầu tâm linh của các tín hữu, còn các cộng đồng chính trị đưa ra các mối quan hệ và định chế nhằm phục vụ mọi sự có liên quan tới công ích trên trần gian. Chúng ta còn thấy rõ sự tự trị và độc lập này của hai thực tại ấy khi so sánh các mục tiêu của chúng.
Vì tôn trọng sự tự do tôn giáo, cộng đồng chính trị phải bảo đảm cho Giáo Hội có đủ không gian cần thiết để thi hành sứ mạng của mình. Về phần mình, Giáo Hội không có thẩm quyền chuyên môn nào đối với các cơ cấu của cộng đồng chính trị: “Giáo Hội tôn trọng sự tự trị chính đáng của trật tự dân chủ và không mang danh nghĩa nào để ủng hộ ưu tiên cho giải pháp này hay giải pháp kia, liên quan đến định chế hay hiến pháp”868, cũng như Giáo Hội có nhiệm vụ tham gia vào các vấn đề tìm ưu thế qua các cương lĩnh chính trị, trừ khi những cương lĩnh ấy có những điểm liên quan đến tôn giáo hay luân lý.
b. Hợp tác
425Sự tự trị của Giáo Hội và cộng đồng chính trị không dẫn tới chỗ hai bên ly khai nhau, loại bỏ sự hợp tác. Dù với danh nghĩa khác nhau, nhưng cả hai bên đều phục vụ thiên chức vừa mang tính cá nhân vừa mang tính xã hội của cùng một con người. Thật vậy, Giáo Hội và cộng đồng chính trị biểu hiện mình qua các cơ cấu mang tính tổ chức, các cơ cấu này tự chúng không phải là những mục đích mà có mục đích phục vụ con người, giúp con người thi hành các quyền của mình cách trọn vẹn, những quyền nằm trong chính con người vừa là công dân của một nước vừa là Kitô hữu, đồng thời giúp con người chu toàn các nghĩa vụ tương ứng của mình. Giáo Hội và cộng đồng chính trị có thể làm cho việc phục vụ này hữu hiệu hơn “để mọi người cùng có lợi, nếu mỗi bên nỗ lực hơn nữa để hợp tác lành mạnh với nhau theo cách nào phù hợp với hoàn cảnh không gian và thời gian”869.
426Giáo Hội có quyền được luật pháp nhìn nhận bản sắc đúng của mình. Chính vì sứ mạng của Giáo Hội bao trùm lên hết mọi thực tại của con người, nên Giáo Hội cảm thấy rằng mình “được gắn kết thật sự và sâu sắc với nhân loại và lịch sử của nhân loại”870, và vì thế, Giáo Hội yêu cầu mình phải được tự do bày tỏ sự phê phán luân lý về thực tại ấy, mỗi khi Giáo Hội thấy mình có bổn phận phải bênh vực các quyền căn bản của con người hay vì sự cứu độ các linh hồn871.
Bởi đó, Giáo Hội tìm cho được sự tự do phát biểu, tự do giảng dạy và loan báo Tin Mừng; tự do thờ phượng chung; tự do tổ chức và cai quản trong nội bộ mình; tự do tuyển chọn, giáo dục, bổ nhiệm và thuyên chuyển các người thừa hành của mình; tự do xây dựng các cơ sở tôn giáo, tự do tìm kiếm và sở hữu của cải đủ cho các hoạt động của mình; và tự do thành lập các hiệp hội không chỉ cho các mục tiêu tôn giáo mà còn cho các mục tiêu giáo dục, văn hoá, y tế và bác ái872.
427Để ngăn cản và làm giảm bớt các xung đột có thể có giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị, dựa vào kinh nghiệm tư pháp của mình, Giáo Hội và Nhà Nước phải xác định những hình thức bền vững để hai bên tiếp xúc với nhau và những phương thế thích hợp để bảo đảm cho quan hệ giữa hai bên được hài hoà. Kinh nghiệm ấy chính là một điểm tham chiếu thiết yếu cho mọi trường hợp Nhà Nước đòi xâm phạm lĩnh vực hoạt động của Giáo Hội, cản trở sự tự do hoạt động của Giáo Hội tới mức công khai bách hại Giáo Hội, hay ngược lại, cho những trường hợp trong đó các tổ chức Giáo Hội không có hành động tôn trọng thích đáng đối với Nhà Nước.
-------------------------------------------------------------------------------------------------
857  CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, 1:AAS 58 (1966), 929.
858  x. CĐ. VaticanII, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, 2: AAS 58 (1966), 930-931; Giáo
    lý Giáo hội Công giáo, 2106.
859  x. CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, 3: AAS 58(1966), 931-932.
860  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2108.
861  Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2105.
862  x. CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, 2: AAS 58 (1966), 930-931;
    Giáo  lý Giáo hội Công giáo,  2108.
863  CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, 7: AAS 58 (1966), 935; Giáo lý
    Giáo hội Công giáo, 2109.
864  x. CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, 6: AAS 58 (1966), 933-934;
    Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2107.
865  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1999, 5: AAS 91
   (1999), 380-381.
866  Gioan Phaolô II, Tông huấn Catechesi Tradendae, 14: AAS 71 (1979), 1289.
867  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 76: AAS 58 (1966), 1099; x.
    Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2245.
868  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 47: AAS 83 (1991), 852.
869  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 76: AAS 58 (1966), 1099.
870  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 1: AAS 58 (1966), 1026.
871  x. Giáo Luật, điều 747, 2; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2246.
872  x. Gioan Phaolô II, Thư gửi các vị Nguyên thủ Quốc gia Ký kết Hiệp định Cuối cùng
    tại Helsinki (01-09-1980), 4: AAS 72 (1980), 1256-1258.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét