a. Các giá trị và nền dân chủ
407. Một nền dân chủ đích thực không phải chỉ là kết quả của việc tuân thủ máy móc các luật lệ, mà là kết quả của một sự chấp nhận với niềm xác tín các giá trị đưa tới các tiến trình dân chủ như: phẩm giá của mỗi người, tôn trọng nhân quyền, dấn thân cho công ích như là mục tiêu và tiêu chuẩn hướng dẫn đời sống chính trị. Nếu không có sự đồng thuận chung về các giá trị ấy, nền dân chủ sẽ mất đi ý nghĩa sâu xa nhất của nó và tình trạng ổn định của nền dân chủ sẽ bị phương hại.
Học thuyết xã hội của Giáo Hội coi chủ nghĩa tương đối về đạo đức, chủ trương không có những tiêu chuẩn khách quan hay phổ quát để dùng làm nền tảng cho chúng ta sắp xếp thang giá trị cách đúng đắn, là một trong những mối đe doạ lớn nhất cho các nền dân chủ hiện nay. “Ngày nay, người ta đang thấy có khuynh hướng cho rằng chủ nghĩa bất khả tri và chủ nghĩa tương đối mang tính hoài nghi chính là những nền triết học và là thái độ căn bản thích hợp với những hình thức dân chủ trong đời sống chính trị. Những ai tin chắc là mình biết sự thật và cương quyết đi theo sự thật đều bị coi là không thể tin cậy được theo quan điểm của nền dân chủ, vì những người ấy không biết chấp nhận rằng sự thật được quyết định bởi phe đa số hoặc sự thật cũng chịu sự thay đổi tuỳ theo các xu hướng chính trị khác nhau. Về điểm này, chúng ta phải nhìn nhận rằng nếu không có chân lý tối hậu để hướng dẫn và điều khiển hành vi chính trị thì các ý kiến và niềm xác tín sẽ dễ dàng bị lèo lái vì những lý do liên quan đến quyền lực. Như lịch sử đã chứng minh, một nền dân chủ mà không có các giá trị sẽ dễ dàng biến thành chủ nghĩa độc tài công khai hay nguỵ trang một phần”838. Tự căn bản, dân chủ là một “hệ thống”, và trong tư cách ấy, dân chủ chỉ là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Giá trị “luân lý” của dân chủ không phải tự nhiên mà có, nhưng tuỳ thuộc ở chỗ nó có phù hợp với luật luân lý mà nó phải tuân theo hay không, như bất cứ hình thức ứng xử nào khác của con người. Nói cách khác, nền dân chủ này có tính luân lý hay không là tuỳ vào các mục tiêu mà nó theo đuổi và các phương thế mà nó sử dụng để đạt được các mục đích có phù hợp với luân lý hay không”839.
b. Các cơ quan và nền dân chủ
408. Huấn Quyền nhìn nhận nguyên tắc phân chia quyền hành (nhân quyền) trong một quốc gia là có giá trị: “mỗi quyền hành rất nên được cân bằng bởi các quyền khác và bởi các phạm vi trách nhiệm khác mà nhờ đó quyền ấy luôn nằm trong giới hạn thích đáng của mình. Đây là nguyên tắc ‘cai trị bằng luật’, theo đó luật là trên hết chứ không phải là ý muốn tuỳ tiện của bất cứ cá nhân nào”840.
Trong hệ thống dân chủ, mọi cơ quan nắm giữ quyền hành chính trị đều phải trả lời trước nhân dân. Các đoàn thể đại biểu phải chịu sự kiểm soát hữu hiệu của xã hội. Việc kiểm soát này có thể được thực hiện triệt để qua các cuộc bầu cử tự do, cho phép chọn lựa và thay đổi các đại biểu. Về phía những người được bầu chọn, họ có bổn phận tường trình về công tác của mình – điều này sẽ được bảo đảm qua việc tôn trọng các nhiệm kỳ tuyển cử – đó chính là một yếu tố căn bản làm cho sự đại diện có tính dân chủ.
409. Trong các lĩnh vực chuyên biệt (như soạn thảo luật, điều hành, lập những hệ thống kiểm tra và cân đối), các đại biểu được chọn phải cố gắng tìm kiếm và thực hiện những gì có thể góp phần làm cho đời sống dân sự được tiến triển tốt đẹp trong toàn bộ quá trình của nó841. Những ai nắm quyền cai trị có bổn phận phải trả lời cho những người dưới quyền lãnh đạo của mình, nhưng điều này không có nghĩa là các đại biểu chỉ là những viên chức thụ động của các cử tri. Thật vậy, việc kiểm soát do các công dân thực hiện không làm mất hết sự tự do mà các đại biểu được bầu chọn phải được hưởng để chu toàn sứ mạng của mình đối với các mục tiêu mà mình phải theo đuổi. Họ không được lệ thuộc hoàn toàn vào những lợi ích đặc biệt, mà hơn thế nữa, họ dựa vào chức năng tổng hợp và làm trung gian của mình để phục vụ công ích, cũng là một trong các mục tiêu căn bản và cần thiết của các cơ quan nắm quyền chính trị.
c. Những yếu tố luân lý trong việc đại diện chính trị
410. Những người thi hành những trách nhiệm chính trị không được quên hay không được đánh giá thấp khía cạnh luân lý trong vai trò đại diện chính trị của mình, là vai trò được trao phó nhằm chia sẻ vận mệnh của nhân dân cách trọn vẹn và tìm ra những giải pháp cho các vấn đề xã hội. Nhìn trong viễn tượng ấy, nắm giữ quyền hành với tinh thần trách nhiệm cũng có nghĩa là phải thực thi quyền hành ấy với các đức tính mà nhờ đó việc thực thi quyền hành mới trở nên như một sự phục vụ842 (kiên nhẫn, khiêm tốn, chừng mực, bác ái, nỗ lực chia sẻ), hay quyền hành được thực thi bởi những con người biết lấy ích chung, chứ không phải uy tín hay tư lợi, làm mục tiêu đích thực của công việc mình làm.
411. Trong số những việc làm biến chất hệ thống dân chủ, nghiêm trọng nhất là tham nhũng chính trị843, vì nó phản bội cùng một lúc những nguyên tắc luân lý và các chuẩn mực công lý xã hội. Nó làm phương hại tới việc vận hành đúng đắn của một quốc gia, gây ảnh hưởng tiêu cực trên mối quan hệ giữa người lãnh đạo và những người được lãnh đạo. Nó gây ra sự bất tín nhiệm ngày càng cao đối với các cơ quan công cộng, tạo ra một sự ác cảm ngày càng sâu đậm giữa các công dân với chính trị và các người đại diện cho nền chính trị, và kết quả là làm suy yếu dần các cơ quan chính trị ấy. Tham nhũng đã làm méo mó triệt để vai trò của các cơ quan đại diện: các cơ quan ấy đã trở thành đấu trường cho người ta đổi chác chính trị giữa một bên là các yêu cầu của khách hàng và một bên là các cơ quan phục vụ của chính quyền. Theo cách đó, những lựa chọn chính trị chỉ còn làm lợi cho các mục tiêu hẹp hòi của những người đang nắm giữ các phương tiện có thể gây ảnh hưởng tới các lựa chọn này, đồng thời ngăn cản việc đem công ích đến với hết mọi người.
412. Là công cụ của Nhà Nước, các cơ quan hành chính ở bất cứ cấp nào – quốc gia, khu vực hay địa phương – đều phải nhắm phục vụ các công dân: “Đã đặt mình phục vụ các công dân, Nhà Nước phải trở thành người quản lý các nguồn lợi của nhân dân và vì thế họ phải quản lý các nguồn lợi ấy với ý định hướng tới công ích”844. Đi ngược với cái nhìn này là thái độ quan liêu quá mức; thái độ này xuất hiện khi “các cơ quan trở nên quá phức tạp trong cách tổ chức và đòi xử lý hết mọi vấn đề. Rốt cuộc, chúng không còn hiệu năng nữa do chủ nghĩa công chức vô cảm, do hệ thống hành chính quan liêu thái quá, do việc lo tìm tư lợi không chính đáng và do đánh mất ý thức bổn phận một cách quá dễ dàng và quá phổ biến”845. Vì thế, không được quan niệm vai trò của những người làm việc trong các cơ quan hành chính là vô cảm hay quan liêu, mà đúng ra phải coi đó như hành động rộng lượng giúp đỡ các công dân với tinh thần phục vụ.
d. Các công cụ để tham gia chính trị
413. Các đảng phái chính trị có nhiệm vụ tạo điều kiện cho có sự tham gia chính trị cách rộng rãi và cho mọi người có thể tiếp cận với các trách nhiệm chung. Các đảng phái chính trị được mời gọi diễn đạt các nguyện vọng của xã hội dân sự, hướng các nguyện vọng ấy đến với công ích846, tạo điều kiện cho các công dân có thể đóng góp hữu hiệu vào việc hình thành các lựa chọn chính trị. Các đảng phái ấy phải bảo đảm có sự dân chủ trong chính cơ cấu nội bộ của mình, có khả năng tổng hợp và lên kế hoạch chính trị.
Một công cụ khác để mọi người tham gia chính trị là trưng cầu dân ý, qua đó coi như đây là một hình thức để các công dân có thể trực tiếp đưa ra những quyết định chính trị. Thật vậy, cơ chế đại diện không loại trừ khả năng Nhà Nước trực tiếp hỏi ý kiến các công dân về những quyết định có tầm quan trọng lớn đối với đời sống xã hội.
e. Thông tin và dân chủ
414. Thông tin là một trong những công cụ chính yếu để tham gia dân chủ. Không thể hình dung được việc tham gia chính trị mà không hiểu rõ tình hình của cộng đồng chính trị, các sự kiện và những giải pháp đề nghị cho các vấn đề. Cần phải bảo đảm cho có một sự đa nguyên thật sự trong lĩnh vực tế nhị này của đời sống xã hội, bảo đảm cho có nhiều hình thức và phương tiện thông tin và truyền thông. Cũng vậy, cần tạo điều kiện cho có sự bình đẳng trong việc sở hữu và sử dụng các phương tiện ấy qua những luật lệ thích hợp. Trong số những trở ngại ngăn cản việc thực thi đầy đủ quyền được có thông tin khách quan847, cần đặc biệt chú ý tới hiện tượng các phương tiện thông tin chỉ do một số ít người hay một vài tập thể kiểm soát. Điều này sẽ gây ra những hậu quả tai hại cho toàn bộ hệ thống dân chủ, một khi hiện tượng này đi kèm theo những mối ràng buộc càng ngày càng chặt chẽ giữa các hoạt động của chính phủ với các cơ sở tài chính và thông tin.
415. Phải sử dụng các phương tiện truyền thông để xây dựng và bảo vệ cộng đồng nhân loại trong các lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục và tôn giáo848. “Thông tin do các phương tiện truyền thông cung cấp phải nhằm phục vụ công ích. Xã hội có quyền nhận được những thông tin căn cứ trên sự thật, tự do, công lý và liên đới”849.
Vấn đề chính yếu là liệu hệ thống thông tin hiện nay có góp phần làm cho con người nên tốt hơn không; nghĩa là nó có giúp con người trưởng thành hơn về tâm linh, ý thức hơn về phẩm giá con người của mình, chịu trách nhiệm nhiều hơn hay cởi mở hơn đối với những người khác, nhất là những người túng thiếu và yếu kém nhất hay không. Một khía cạnh khác rất quan trọng là đòi hỏi các nền công nghệ mới phải tôn trọng những khác biệt chính đáng về văn hoá.
416. Trong thế giới thông tin, những khó khăn nội tại của việc truyền thông thường được phóng đại do các ý thức hệ, do ham muốn lợi nhuận và tham vọng kiểm soát chính trị, do cạnh tranh và xung đột giữa các tập thể, và do những tệ đoan xã hội khác. Các giá trị và các nguyên tắc luân lý cũng phải được áp dụng cho các phương tiện truyền thông. “Chiều hướng đạo đức không chỉ có liên quan tới nội dung truyền thông (tin tức, thông điệp) và quá trình truyền thông (việc truyền thông được tiến hành thế nào), mà còn liên quan đến các vấn đề căn bản, liên quan đến cơ cấu và hệ thống, bao gồm cả những vấn đề lớn như chính sách, có ảnh hưởng tới việc phân phối công nghệ tinh xảo và phân phối sản phẩm (người nào sẽ được giàu thông tin và người nào sẽ bị nghèo thông tin?)”850.
Trong cả ba lĩnh vực ấy – thông điệp, quá trình và các vấn đề cơ chế truyền thông – phải luôn luôn áp dụng một nguyên tắc luân lý căn bản: con người và cộng đồng nhân loại phải là mục tiêu và thước đo của việc sử dụng các phương tiện truyền thông. Một nguyên tắc thứ hai bổ sung cho nguyên tắc thứ nhất: lợi ích của con người không thể nào đạt được một khi tách khỏi ích lợi chung của cộng đồng mà con người ấy thuộc về851. Các công dân cần phải tham gia vào tiến trình đưa ra những quyết định có liên quan tới các chính sách truyền thông. Việc tham gia này cần phải được công khai, phải mang tính đại diện thật sự, chứ không bị thiên lệch về phía có lợi cho những tập thể đặc quyền đặc lợi, nhất là khi các phương tiện ấy là một ngành hái ra tiền852.
-----------------------------------------------------------------------------
837 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 46: AAS 83 (1991), 850.
838 Ibid.
839 Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 70: AAS 87 (1995), 482.
840 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 44: AAS 83 (1991), 848.
841 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2236.
842 x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christifideles Laici, 42: AAS 81
(1989), 472-476.
843 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 44: AAS 80 (1988), 575-577;
Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 48: AAS 83 (1991), 852-854; Gioan
Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1999, 6: AAS 91 (1991), 381-382.
844 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1998, 5: AAS 90 (1998), 152.
845 Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christifideles Laici, 41: AAS 81
(1989), 471-472.
846 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 75: AAS 58 (1966), 1097-1099.
848 x. CĐ. Vatican II, Sắc lệnh Inter Mirifica, 3: AAS 56 (1964), 146; Phaolô VI, Tông
huấn Evangelii Nuntiandi, 45: AAS 68 (1976), 35-36; Gioan Phaolô II, Thông điệp
Redemptoris Missio, 37: AAS 83 (1991), 282-286; Hội đồng Giáo hoàng về Truyền
thông Xã hội, Huấn thị Aetatis Novae, 11: AAS 84 (1992), 455-456; Hội đồng Giáo
hoàng về Truyền thông Xã hội, Huấn thị Đạo đức trong Quảng cáo (22-02-1997), 4-
8: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 16-04-1997, tr. I-II.
849 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2494; x. CĐ. Vatican II, Sắc lệnh Inter Mirifica, 11:
AAS 56 (1964), 148-149.
850 Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông Xã hội, Huấn thị Đạo đức trong Truyền thông
(04-07-2000), 20, Libreria Editrice Vaticana, Vatican City 2000, tr. 22.
851 x. Ibid. 22, tr. 23-25.
852 x. Ibid. 24, tr. 26-28.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét