Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

II. NỀN TẢNG VÀ MỤC TIÊU CỦA CỘNG ĐỒNG CHÍNH TRỊ (Chương VIII)


a. Cộng đồng chính trị, con người và dân tộc
384Con người là nền tảng và mục tiêu của đời sống chính trị775. Vì được phú cho bản tính có lý trí, nên con người sẽ chịu trách nhiệm về những lựa chọn của mình và có thể theo đuổi những dự phóng mang lại ý nghĩa cho cuộc sống trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện xã hội. Bản chất cởi mở đối với Đấng Siêu Việt cũng như đối với người khác chính là đặc điểm và là nét đặc trưng của con người. Chỉ khi biết liên kết với Đấng Siêu Việt và với người khác, con người mới đạt được sự thành toàn bản thân cách trọn vẹn và đầy đủ. Điều này có nghĩa là đối với con người – một hữu thể có bản tính xã hội và chính trị – “đời sống xã hội không phải là một cái gì thêm vào”776 mà là một khía cạnh thiết yếu và không thể phai mờ.
Cộng đồng chính trị phát sinh từ bản tính ấy của con người; lương tâm con người “tỏ lộ cho con người biết và thúc đẩy con người nghe theo”777 trật tự mà Thiên Chúa đã khắc ghi trong hết mọi thụ tạo: “một trật tự luân lý và tôn giáo. Chính trật tự này – chứ không phải do những suy tư về một trật tự hoàn toàn vật chất, bên ngoài – là chuẩn mực hữu hiệu nhất giúp giải quyết các vấn đề liên quan đến cuộc sống trong tư cách là cá nhân cũng như là thành viên của xã hội, cũng như các vấn đề liên quan đến các quốc gia riêng lẻ và các mối quan hệ giữa các quốc gia”778. Trật tự này cần phải dần dần khám phá và phát triển trong tình nhân loại. Cộng đồng chính trị – một thực tại đã nằm sẵn nơi con người – có mặt là để hoàn thành một mục tiêu mà không theo cách này thì sẽ không thể nào hoàn thành được: đó chính là sự phát triển trọn vẹn mỗi thành viên trong cộng đồng, được mời gọi cộng tác với nhau bền bỉ để đạt được ích chung779, dưới sự thúc đẩy của các khuynh hướng tự nhiên hướng con người đến những gì là chân là thiện.
385Cộng đồng chính trị đạt được chiều hướng đích thực của mình là nhờ biết tham khảo nhân dân: “cộng đồng chính trị là và cần phải là một đơn vị hữu cơ, có tổ chức của một dân tộc đích thực”780. Thuật ngữ “nhân dân” không có nghĩa là một đám đông không có hình thù, một quần chúng thụ động, dễ dàng bị điều khiển và bị lợi dụng, nhưng đó là một tập thể những con người, trong đó người nào cũng có thể có ý kiến riêng về các vấn đề chung và được tự do bày tỏ những quan điểm chính trị riêng của mình, đồng thời tận dụng những ý kiến và quan điểm ấy để làm lợi cho công ích, “trong vị thế đúng với mình và theo đường lối riêng của mỗi người”781. Thực tại nhân dân “tồn tại trong đời sống sung mãn của mọi người nam lẫn nữ, mà từ đó nhân dân được hình thành, và trong đó mỗi người… ý thức trách nhiệm riêng và những xác tín riêng của mình”782. Những ai thuộc về một cộng đồng chính trị, dù trong cộng đồng ấy mọi người được liên kết với nhau cách hữu cơthành một dân, vẫn duy trì được sự tự trị không thể trấn áp được ở mức độ hiện hữu cá nhân và đối với những mục tiêu mình theo đuổi.
386Đặc điểm trước tiên của một dân tộc là cùng nhau chia sẻ cuộc sống và các giá trị, mà đây chính là nguồn đem lại sự hiệp thông trên bình diện tâm linh và luân lý. “Xã hội loài người phải được coi trước tiên như một điều gì đó có liên hệ tới tâm linh. Nhờ đó, dưới ánh sáng chân lý, con người sẽ chia sẻ cho nhau sự hiểu biết, thi hành các quyền lợi và chu toàn các bổn phận, được thúc giục đi tìm các giá trị tâm linh, cùng nhau thu nhận niềm vui chân chính từ vẻ đẹp của bất cứ trật tự nào, luôn sẵn sàng truyền lại cho người khác điều hay cái đẹp trong kho tàng văn hoá của mình, hăng hái phấn đấu một cách tích cực để biến những thành tích thiêng liêng của người khác thành của mình. Những thiện ích này không chỉ gây ảnh hưởng mà đồng thời còn mang lại mục tiêu và tầm vóc cho tất cả những gì có liên quan tới các hình thái diễn đạt văn hoá, các định chế kinh tế và xã hội, các phong trào và hình thức chính trị, luật pháp, và các cơ chế khác, nhờ đó xã hội được thể hiện ra bên ngoài cách cụ thể và được phát triển không ngừng”783.
387Thông thường, cứ mỗi dân tộc có một quốc gia tương ứng, nhưng vì nhiều lý do khác nhau, biên giới quốc gia không phải lúc nào cũng trùng hợp với ranh giới chủng tộc784. Vì thế mới có vấn đề các dân tộc thiểu số, mà theo lịch sử đã từng là nguyên nhân của khá nhiều sự xung đột. Huấn Quyền khẳng định rằng các dân tộc thiểu số cũng là những tập thể có quyền lợi và nghĩa vụ chính xác, trong đó quyền lợi và nghĩa vụ quan trọng nhất là quyền tồn tại, một quyền “có thể bị bỏ qua bằng nhiều cách, thậm chí bị phủ nhận thông qua những hình thức diệt chủng công khai hay gián tiếp”785. Ngoài ra, các dân tộc thiểu số còn có quyền duy trì nền văn hoá của mình, kể cả ngôn ngữ, và những niềm tin tôn giáo, bao gồm cả hình thức thờ phượng. Trong hành trình chính đáng đi tìm cách làm cho các quyền của mình được tôn trọng, các dân tộc thiểu số có thể bị buộc phải tìm cho mình được tự trị nhiều hơn và thậm chí được độc lập. Trong những hoàn cảnh tế nhị như thế, đối thoại và thương thảo là con đường duy nhất mang lại hoà bình. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc cậy đến khủng bố là điều không thể biện minh được và còn có hại tới chính nghĩa mà người ta đang theo đuổi. Các sắc tộc thiểu số cũng bị ràng buộc bởi nhiều nghĩa vụ, trong đó đáng kể nhất là bổn phận phục vụ công ích của quốc gia nơi mình đang sống. Cách riêng, “một tập thể thiểu số cũng có nghĩa vụ phát huy tự do và phẩm giá của mỗi thành viên trong tập thể của mình, cũng như tôn trọng những quyết định của mỗi thành viên, ngay cả khi có người quyết định tiếp nhận văn hoá của bên đa số”786.
b. Bênh vực và phát huy các quyền con người
388Xem con người là nền tảng và mục tiêu của cộng đồng chính trị có nghĩa là trước hết phải nỗ lực làm cho phẩm giá con người được nhìn nhận và tôn trọng, bằng cách bênh vực và phát huy các quyền căn bản và không thể tước đoạt của con người: “Hiện nay, công ích được bảo đảm cách căn bản là khi các quyền và nghĩa vụ của con người được gìn giữ”787. Trong các quyền lợi và nghĩa vụ của con người đã có tóm tắt các đòi hỏi luân lý và pháp lý chính yếu, là những đòi hỏi phải chi phối việc xây dựng cộng đồng chính trị. Những đòi hỏi này tạo nên một chuẩn mực khách quan, mà Luật thiết định sẽ căn cứ vào đó mà thành hình, cũng là những chuẩn mực mà cộng đồng chính trị không thể bỏ qua, vì xét theo thứ tự hiện hữu cũng như xét theo thứ tự mục tiêu cuối cùng, con người luôn đi trước cộng đồng chính trị. Luật thiết định phải bảo đảm làm sao cho các nhu cầu căn bản của con người được đáp ứng.
389Cộng đồng chính trị theo đuổi công ích, khi nó tìm cách tạo ra một môi trường nhân bản, cho phép các công dân thực thi các quyền con người của mình và thi hành trọn vẹn các nghĩa vụ tương ứng của mình. “Kinh nghiệm dạy cho chúng ta thấy rằng nếu các chính quyền không có những hành vi thích hợp đối với các vấn đề kinh tế, chính trị và văn hoá, thì các sự bất bình đẳng giữa các công dân sẽ càng ngày càng lan rộng, nhất là trong thế giới hiện nay, và kết quả là các quyền của con người sẽ trở nên vô hiệu hoàn toàn, việc thi hành các nghĩa vụ sẽ bị phương hại”788.
Muốn thực hiện được công ích cách trọn vẹn, cộng đồng chính trị cần phải đẩy mạnh những hành động có hai mặt bổ sung cho nhau, là vừa bảo vệ vừa phát huy các quyền con người. “Không nên để xảy ra tình trạng một vài cá nhân hay một vài tập thể xã hội được hưởng lợi thế do các quyền của họ được bảo vệ một cách ưu tiên. Cũng không nên để xảy ra tình trạng trong lúc tìm cách bảo vệ các quyền con người, các chính phủ vô tình biến mình thành trở ngại không cho các công dân bày tỏ trọn vẹn và sử dụng tự do các quyền ấy của mình”789.
c. Đời sống xã hội dựa trên tình hữu nghị giữa các công dân
390Đời sống dân sự và chính trị có ý nghĩa sâu xa không phải trực tiếp từ những bản danh sách liệt kê các quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người. Nhưng đời sống trong xã hội có được đầy đủ ý nghĩa là do nó được xây dựng dựa trên tình hữu nghị giữa các công dân và dựa trên tình huynh đệ790. Thật vậy, nói tới các quyền con người là nói tới các lợi ích của con người được bảo vệ, nói tới sự tôn trọng bên ngoài dành cho con người, và nói tới các của cải vật chất được bảo vệ, cũng như được phân phối theo những quy luật đã được đặt ra. Còn nói tới tình hữu nghị là nói tới thái độ vô vị lợi, thái độ siêu thoát đối với của cải vật chất, cũng như sự cho đi cách tự nguyện và đón nhận các nhu cầu của người khác cách chân thành791Tình hữu nghị công dân792,được hiểu theo hướng này, chính là sự thực hiện đúng đắn nhất nguyên tắc huynh đệ, là nguyên tắc không thể tách khỏi nguyên tắc tự do và bình đẳng793. Phần nhiều, nguyên tắc này chưa được ứng dụng trong hoàn cảnh cụ thể ở các xã hội chính trị hiện nay, chủ yếu là do ảnh hưởng quá lớn của các ý thức hệ cá nhân chủ nghĩa và tập thể chủ nghĩa.
391Một cộng đồng có nền tảng vững chắc là khi nó nhắm đến sự phát huy toàn diện của con người và của công ích. Trong trường hợp đó, luật pháp được xác định, được tôn trọng và tồn tại tuỳ theo thái độ liên đới và xả thân cho người lân cận của mình. Công lý đòi mỗi người phải được hưởng những ích lợi và quyền hạn của mình; có thể xem đó là mức tối thiểu của tình yêu thương794. Đời sống xã hội càng trở nên nhân bản hơn khi xã hội ấy có đặc điểm là cố gắng làm cho mọi người nhận thức một cách trưởng thành hơn cái lý tưởng mà họ đang nhắm tới, tức là xây dựng một “nền văn minh tình yêu”795.
Con người là một ngôi vị chứ không chỉ là một cá thể796. Thuật ngữ “ngôi vị” muốn nói rằng đó là “một bản tính được phú cho trí khôn và ý chí tự do”797: bởi đó, con người là một thực tại cao quý hơn nhiều, chứ không phải chỉ là một chủ thể với những nhu cầu xuất phát từ chiều hướng vật chất của mình. Thật vậy, dù tích cực tham gia vào các dự phóng được hoạch định nhằm thoả mãn các nhu cầu của mình trong phạm vi gia đình và trong xã hội dân sự cũng như chính trị, con người vẫn không thấy mình được phát triển trọn vẹn bao lâu chưa vượt lên trên cách nghĩ về các nhu cầu và chưa mở ra cho hành động vô vị lợi và hiến tặng, phù hợp hoàn toàn với yếu tính và thiên hướng cộng đồng của mình.
392Điều răn bác ái của Tin Mừng soi sáng cho các Kitô hữu thấy ý nghĩa sâu xa nhất của đời sống chính trị. Để làm cho cộng đồng chính trị trở nên thật sự nhân bản, “không có cách nào tốt hơn là… cổ vũ ý thức nội tâm về công lý, lòng nhân hậu và việc phục vụ công ích, đồng thời củng cố các niềm xác tín nền tảng về bản chất đích thực của cộng đồng chính trị, về việc thực thi cách đúng đắn và về các giới hạn của công quyền”798. Mục tiêu mà các tín hữu phải đặt ra trước mặt mình luôn luôn là làm sao thiết lập các mối quan hệ cộng đồng giữa mọi người. Quan điểm Kitô giáo về xã hội chính trị đặt tầm quan trọng hàng đầu trên giá trị của cộng đồng, coi đó vừa là mô hình tổ chức đời sống trong xã hội vừa là một lối sống hằng ngày.
------------------------------------------------------------------------------------------
775  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 25: AAS 58 (1966), 1045-
   1046; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1881; Bộ Giáo lý Đức tin, Chú thích giáo lý về
   một số vấn đề có liên quan đến việc người Công giáo tham gia vào đời sống chính
   trị (24- 11-2002), 3: Libreria Editrice Vaticana, Vatican City 2002, tr. 8.
776  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 25: AAS 58 (1966), 1045.
777  Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 258.
778  Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 450.
779  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 74: AAS 58 (1966), 1095-97.
780  Piô XII, Thông điệp Truyền thanh lễ Giáng Sinh ngày 24-12-1944: AAS 37 (1945), 13.
781  Ibid.
782  Ibid.
783  Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 266.
784  x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 283.
785  Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1989, 5: AAS 81 (1989), 98.
786  Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1989, 11: AAS 81
   (1989), 101.
787 Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 273; x. Giáo lý Giáo hội
   Công giáo, 2237; Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2000, 6:
   AAS 92 (2000), 362; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ
   họp thứ 50 (05-10-1995), 3: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 8.
788  Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 274.
789 x. Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 275.
790  x. Thánh Tôma Aquinô, Sententiae Octavi Libri Ethicorum, VIII, lect. 1; Ed. Leon. 47, 443: “Est enim naturalis amicitia inter eos qui sunt unius gentis ad invicem, inquantum communicant in moribus et convictu. Quartam rationem ponit ibi: Videtur autem et civitates continere amicitia. Et dicit quos per amicitiam videntur conservari civitates. Unde legislatores magis student ad amicitiam conservandam inter cives quam etiam ad justitiam, quam quandoque intermittunt, puta in poenis inferendis, ne dissensio oriatur. Et hoc patet per hoc quod concordia assimilatur amicitiae, quam quidem, scilicet concordiam, legislatores maxime appetunt, contentionemautem civium maxime expellunt, quasi inimicam salutis civitatis. Et quia tota moralis philosophia videtur ordinari ad bonum civile, ut in principio dictum est, pertinet ad moralem considerare de amicitia”.
791  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2212-2213.
792  x. Thánh Tôma Aquinô, De Regno. Ad Regem Cypri, I, 10: Ed. Leon. 42, 461:                “omnis autem amicitia super aliqua communione firmatur: eos enim qui conueniunt      vel per nature originem vel per morum similitudinem vel per cujuscumque                            commnunionem, uidemus amicitia conjungi… Non enim conservatur amore, cum parva    vel nulla sit amicitia subjecte multitudinis ad tyrannum, ut prehabitis patet”.
793 Tự do, bình đẳng, huynh đệ, là khẩu hiệu của Cách mạng Pháp. “Suy cho cùng, đó
   chính là những ý tưởng Kitô giáo”, Gioan Phaolô II đã quả quyết như thế trong
   chuyến công du đầu tiên của mình tới nước Pháp: Bài giảng tại Le Bourget (01-06-
   1980), 5: AAS 72 (1980), 720.
794  x. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I-II, q. 99: Ed. Leon. 7, 199-205; Id.,
    Summa Theologiae, II-II, q. 23, ad Ium: Ed. Leon, 8, 168.
795  Phaolô VI, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1977: AAS 68 (1976), 709.
796  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2212.
797  Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 259.
798  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 73: AAS 58 (1966), 1095.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét