Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

I. CÁC KHÍA CẠNH THÁNH KINH (Chương X)


BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG


451Kinh nghiệm sống động về sự hiện diện của Thiên Chúa trong lịch sử chính là nền tảng làm nên đức tin của dân Chúa: “Chúng ta đã từng làm nô lệ cho vua Pharaô tại Ai Cập, nhưng Chúa đã dùng bàn tay mạnh mẽ dẫn đưa chúng ta ra khỏi Ai Cập” (Đnl 6,21). Đọc lại lịch sử, chúng ta có thể có một cái nhìn thoáng qua về quá khứ và khám phá ra Chúa đang hoạt động trong lịch sử ấy ngay từ ban đầu: “Tổ tiên tôi là một người Aram phiêu bạt” (Đnl 26,5); Thiên Chúa cũng nói về dân Ngài như sau: “Ta đã đem cha ông các ngươi là Abraham từ bên kia sông về” (Gs 24,3). Nhờ những nhận định ấy mà chúng ta có thể nhìn về tương lai một cách hy vọng, dựa vào lời hứa và giao ước mà Chúa liên tục lặp lại.
Người Israel sống niềm tin ấy trong không gian và thời gian của thế giới này, thế giới mà họ không hề coi là môi trường thù nghịch hay một chỗ xấu xa mà người ta cần được giải thoát, nhưng chính là ân huệ Chúa ban, là đất đai và kế hoạch Chúa giao cho họ quản lý và làm việc với tinh thần trách nhiệm của một con người. Thiên nhiên, một công trình sáng tạo của Thiên Chúa, không phải là một kẻ thù nguy hiểm. Chính Chúa đã làm nên mọi sự, và khi nhìn từng thụ tạo “Chúa đều thấy nó tốt đẹp” (x. St 1,4.10.12.18.21.25). Và Ngài đặt con người lên chóp đỉnh công trình sáng tạo mà Ngài thấy là “rất tốt đẹp đó” (St 1,31). Chỉ có con người, nam cũng như nữ, trong số mọi thụ tạo, được Thiên Chúa tạo dựng “theo hình ảnh Ngài” (St 1,27). Chúa giao cho con người chịu trách nhiệm về toàn thể thụ tạo, bắt họ chăm lo sao cho thụ tạo được hài hoà và phát triển (x. St 1,26-30). Mối quan hệ hết sức đặc biệt của con người với Thiên Chúa chính là lý do giải thích tại sao cặp vợ chồng đầu tiên được đặt vào một vị thế ưu tiên như vậy trong trật tự sáng tạo.
452Mối quan hệ của con người với thế giới là một yếu tố cấu thành lai lịch của con người. Mối quan hệ này nối tiếp kết quả của một mối quan hệ khác còn sâu đậm hơn, đó là quan hệ giữa con người với Thiên Chúa. Thiên Chúa đã làm cho con người trở thành cộng sự của Ngài trong cuộc đối thoại. Chỉ khi đối thoại với Thiên Chúa, con người mới tìm ra sự thật của mình, và từ sự thật này con người mới có được nguồn cảm hứng và tìm được các chuẩn mực để lập kế hoạch cho tương lai của thế giới, mà biểu tượng là khu vườn Chúa đã trao cho con người trông coi và canh tác (x. St 2,15). Ngay cả khi phạm tội rồi, con người cũng không mất bổn phận ấy, dù có thể kể từ đó thế giới này đã bị tội lỗi đè nặng với bao khổ đau và vất vả (x. St 3,17-19).
Công trình sáng tạo luôn luôn là một đối tượng được dân Israel ca ngợi trong kinh nguyện của mình: “Ôi lạy Chúa, công trình Ngài quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan” (Tv 104,24). Còn cứu độ được coi là cuộc tạo dựng mới, tái lập lại sự hài hoà và tiềm năng phát triển đã bị tội làm hư hao: “Ta sẽ tạo dựng trời mới đất mới” (Is 65,17), trong đó “sa mạc sẽ trở nên vườn cây ăn trái… và đức công chính [sẽ] ở trong vườn cây ăn trái ấy… Rồi dân Ta sẽ sống an bình” (Is 32,15-18).
453Sự cứu độ dứt khoát mà Chúa ban cho toàn thể nhân loại thông qua Con của Ngài sẽ không xảy ra ngoài thế giới này. Đã bị tội làm thương tổn nên thế giới cần phải trải qua một sự thanh tẩy tận gốc rễ (x. 2 Pr 3,10) để trở thành một thế giới được đổi mới (x. Is 65,17; 66,22; Kh 21,1), và sau cùng trở thành nơi cho “công chính ngự trị” (2 Pr 3,13).
Trong thời gian hoạt động công khai, Đức Giêsu đã tận dụng các yếu tố tự nhiên. Không những Người diễn giải về thiên nhiên cách thấu đáo, nói về thiên nhiên bằng hình ảnh và dụ ngôn, mà Người còn làm chủ thiên nhiên nữa (x. đoạn kể Đức Giêsu dẹp yên bão tố trong Mt 14,22-33; Mc 6,45-52; Ga 6,16-21). Chúa đã bắt thiên nhiên phục vụ kế hoạch cứu độ của Người. Người yêu cầu các môn đệ nhìn thẳng vào sự vật, mùa màng và con người với thái độ tin tưởng của trẻ thơ luôn biết rằng mình không bao giờ bị người Cha an bài bỏ rơi (x. Lc 11,11-13). Thay vì làm nô lệ cho các sự vật, người môn đệ Đức Giêsu phải biết cách sử dụng chúng để đem lại sự chia sẻ và tình huynh đệ (x. Lc 16,9-13).
454Việc Đức Giêsu bước vào lịch sử thế giới đạt tới điểm tận cùng trong mầu nhiệm Vượt Qua; trong mầu nhiệm này, chính thiên nhiên cũng tham dự vào thảm kịch Con Chúa bị khai trừ và vào chiến thắng của Đấng Phục Sinh (x. Mt 27,45.51; 28,2). Khi vượt qua cái chết và ghép vào đó ánh vinh quang mới mẻ của sự phục sinh, Đức Giêsu đã khai mở một thế giới mới, trong đó mọi sự đều phục tùng Người (x. 1 Cr 15,20-28); Người cũng tái tạo lại những mối quan hệ trật tự và hài hoà đã bị tội phá vỡ. Đã biết giữa con người và thiên nhiên đã xảy ra sự mất cân bằng, thì cũng phải biết rằng nơi Đức Giêsu, con người và thế giới được hoà giải với Thiên Chúa, đến nỗi bất cứ ai nhận thức được tình thương Thiên Chúa đều có thể tìm lại được bình an đã mất. “Bởi đó, người nào ở trong Đức Kitô, người ấy là thụ tạo mới; cái cũ đã qua, và này cái mới đã đến” (2 Cr 5,17). Thiên nhiên đã được tạo dựng trong Ngôi Lời, thì cũng do Ngôi Lời đã làm người ấy mà thiên nhiên được hoà giải với Thiên Chúa và được trả lại ơn bình an (x. Cl 1,15-20).
455Không những con người nội tâm chúng ta được tái tạo một lần nữa, mà toàn thể bản tính của con người – một hữu thể có thân xác – cũng đã được quyền năng cứu độ của Đức Kitô chạm tới. Toàn thể thụ tạo đều tham gia vào trào lưu canh tân phát xuất từ mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa, dù thụ tạo vẫn còn phải chờ được giải thoát hoàn toàn khỏi sự hư nát, thụ tạo vẫn rên rỉ trong lao nhọc (x. Rm 8,19-23) và chờ đợi việc khai sinh “trời đất mới” (Kh 21,1), tức là sự cứu độ mỹ mãn, được ban trong ngày tận thế. Còn tạm thời lúc này, không có gì đứng ngoài tầm ảnh hưởng của ơn cứu độ đó. Dù đang sống trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Kitô hữu luôn được kêu gọi để phục vụ Đức Kitô, để sống theo Thần Khí của Người, rồi nhờ được hướng dẫn bởi tình yêu – là nguyên lý của đời sống mới – họ sẽ đưa thế giới và con người trở về lại vận mệnh nguyên thuỷ: “dù… cả thế giới này, sự sống hay sự chết, hiện tại hay tương lai… tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,22-23).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét