a. Sự cai trị của Thiên Chúa
377. Ngay từ đầu lịch sử, dân Israel đã không giống với các dân tộc khác, ở chỗ họ không có vua, vì họ chỉ nhìn nhận sự cai trị của Giavê. Chính Thiên Chúa can thiệp cho dân Israel thông qua các cá nhân được ban cho đoàn sủng, như đã ghi lại trong sách Thẩm Phán. Sau đó, dân chúng mới đến gặp vị thẩm phán cuối cùng là Samuel, cũng là tiên tri, để xin một vị vua (x. 1 Sm 8,5; 10,18-19). Samuel cảnh báo người Isarel về những hậu quả khi thi hành chế độ quân chủ độc đoán (x. 1 Sm 8,11-18). Thế nhưng, quyền hành của nhà vua cũng có thể được coi như một ân huệ của Giavê muốn trợ giúp dân Ngài (x. 1 Sm 9,16). Rốt cuộc, Saul đã được xức dầu làm vua (x. 1 Sm 10,1-2). Những biến cố này cho thấy có sự căng thẳng khiến dân Israel phải quan niệm chế độ quân chủ một cách khác với cách hiểu của các dân tộc chung quanh. Nhà vua, là người được Giavê lựa chọn (x. Đnl 17,15; 1 Sm 9,16) và thánh hiến (x. 1 Sm 16,12-13), được coi như con Thiên Chúa (x. Tv 2,7) và có nhiệm vụ làm cho người ta thấy được sự cai trị của Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ của Ngài (x. Tv 72). Như thế, nhà vua phải là người bênh vực kẻ yếu kém và phải là người bảo đảm công lý cho dân. Các lời tố giác của các tiên tri tập trung rất rõ vào sự thất bại của nhà vua trong việc chu toàn các nghĩa vụ vừa kể (x. 1 V 21; Is 10,1-4; Am 2,6-8; 8,4-8; Mch 3,1-4).
378. Hình ảnh mẫu của một nhà vua được Giavê chọn chính là vua Đavid, mà nguồn gốc bình dị của ngài đã trở thành một đề tài được Thánh Kinh thích nhắc đến (x. 1 Sm 16,1-13). Đavid là người tiếp nhận lời hứa (x. 2 Sm 7,13-16; Tv 89,2-38; 132,11-18), nhờ đó ngài đã trở thành người khởi sự một truyền thống quân chủ hết sức đặc biệt, gọi là truyền thống “Mêsia” (Đấng Thiên Sai, nghĩa chữ là Đấng Được Xức Dầu). Bất chấp Đavid và các vua kế vị ngài đã phạm tội và bất trung, truyền thống ấy vẫn tiếp tục và đạt tới cao điểm nơi Đức Giêsu Kitô, là “Người được Giavê xức dầu” tuyệt vời trên hết mọi người (tức là “Người được Chúa thánh hiến”, (x. 1 Sm 2,35; 24,7.11; 26,9.16; Xh 30,22-32) và là con cháu Đavid (x. Mt 1,1-17; Lc 3,23-38; Rm 1,3).
Chế độ quân chủ thất bại về mặt lịch sử cũng không làm mất đi lý tưởng về một vị vua trung thành với Giavê sẽ cai trị dân một cách khôn ngoan và hành động theo công lý. Niềm hy vọng này thỉnh thoảng lại xuất hiện trong các Thánh vịnh (x. Tv 2; 18; 20; 21; 72). Trong các lời sấm liên quan đến Đấng Mêsia, hình ảnh một vị vua được ban cho Thần Khí Thiên Chúa, đầy khôn ngoan và có khả năng đem lại công lý cho người nghèo vẫn là hình ảnh được mọi người trông đợi trong thời cánh chung (x. Is 11,2-5; Gr 23,5-6). Như vị mục tử đích thực chăn dắt dân Israel (x. Ez 34,23-24; 37,24), ngài sẽ mang hoà bình đến cho mọi dân tộc (x. Zc 9,9-10). Trong Văn chương Khôn ngoan, nhà vua được giới thiệu như một người luôn đưa ra những phán quyết công bằng và gớm ghét sự bất công (x. Cn 16,12), xét xử người nghèo cách công bằng (x. Cn 29,14) và là bạn với những ai có tâm hồn trong sạch (x. Cn 22,11). Như thế, đã có một sự biểu lộ dần dần cho chúng ta hiểu rằng mọi sự được công bố trong Tin Mừng và các sách khác của Tân Ước đều ứng nghiệm nơi Đức Giêsu người Nazareth; Người là hiện thân cuối cùng những gì Cựu Ước đã tiên báo về dung mạo một vị vua.
b. Đức Giêsu và quyền hành chính trị
379. Dù không đồng ý với sự cầm quyền đàn áp và chuyên chế của các nhà lãnh đạo quốc gia (x. Mc 10,42), cũng như phản đối tham vọng của họ là muốn mọi người gọi mình là ân nhân (x. Lc 22,25), nhưng Đức Giêsu cũng không trực tiếp chống đối các nhà cầm quyền đương thời. Khi đưa ra ý kiến về việc nộp thuế cho hoàng đế (x. Mc 12,13-17; Mt 22,15-22; Lc 20,20-26), Người cũng khẳng định rằng phải trả cho Thiên Chúa những gì thuộc về Thiên Chúa, gián tiếp lên án mọi toan tính biến quyền bính trần gian thành quyền bính thần linh hay tuyệt đối: chỉ có Thiên Chúa mới có quyền đòi hỏi mọi sự từ phía con người. Nhưng đồng thời quyền bính trần gian cũng được quyền đòi những gì thuộc về mình: Đức Giêsu không coi việc nộp thuế cho hoàng đế là chuyện bất công.
Đức Giêsu – vị Mêsia được hứa trước – đã phản đối và đã vượt thắng sự cám dỗ của chủ nghĩa cứu thế bằng chính trị, mà điển hình là bắt các dân tộc chịu khuất phục mình (x. Mt 4,8-11; Lc 4,5-8). Người là Con Người xuất hiện “để phục vụ và để hy sinh tính mạng mình” (Mc 10,45; x. Mt 20,24-28; Lc 22,24-27). Khi nghe các môn đệ tranh cãi xem ai lớn nhất, Đức Giêsu đã dạy họ phải biến mình thành người nhỏ bé nhất và làm tôi tớ mọi người (x. Mc 9,33-35); Người đã chỉ cho hai con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan, đang muốn xin giữ hai vị trí tả hữu bên Người, con đường thánh giá phải đi (x. Mc 10,35-40; Mt 20,20-23).
c. Các cộng đồng Kitô hữu sơ khai
380. Tùng phục, không phải cách thụ động mà “vì lương tâm” (Rm 13,5), đối với nhà cầm quyền hợp pháp là hưởng ứng trật tự do Chúa thiết lập. Thánh Phaolô đã xác định những mối quan hệ và nghĩa vụ mà người Kitô hữu phải có đối với nhà cầm quyền (x. Rm 13,1-7). Ngài nhấn mạnh tới một nghĩa vụ công dân là nộp thuế: “Anh em nợ ai cái gì, thì hãy trả cho người ta cái đó: nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế, sợ người phải sợ, kính người phải kính” (Rm 13,7). Chắc hẳn thánh Tông đồ không có ý hợp pháp hoá mọi chính quyền khi bảo các Kitô hữu “chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt” (Rm 12,17), kể cả quan hệ với chính quyền bao lâu chính quyền ấy còn phụng sự Chúa vì ích lợi của con người (x. Rm 13,4; 1 Tm 2,1-2; Tt 3,1) và còn “là người thừa hành của Chúa để giáng cơn thịnh nộ [của Ngài] phạt kẻ làm điều ác” (Rm 13,4).
Thánh Phêrô khuyên các Kitô hữu “vì Chúa hãy tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra” (1 Pr 2,13). Vua chúa và quan quyền có nghĩa vụ “trừng phạt kẻ làm sai và khen thưởng người làm đúng” (1 Pr 2,14). Phải “tôn trọng” quyền hành của họ (1 Pr 2,17), tức là phải nhìn nhận quyền hành của họ, vì Chúa đòi chúng ta phải cư xử đúng đắn, nhờ đó “bịt miệng những kẻ ngu xuẩn vô tri” (1 Pr 2,15). Không được lấy tự do để bào chữa cho sự gian ác nhưng để phục vụ Thiên Chúa (x. 1 Pr 2,16). Đó chính là sự vâng phục tự nguyện và có trách nhiệm đối với chính quyền, nhờ đó mà làm cho mọi người tôn trọng công lý, bảo đảm ích lợi chung.
381. Khi khuyên Kitô hữu cầu nguyện cho các nhà cầm quyền, cả khi chính mình đang bị bách hại, thánh Phaolô đã gián tiếp cho thấy đâu là điều mà chính quyền phải lo bảo đảm: đó chính là một đời sống thanh bình và yên ổn nhờ sống có đạo đức và phẩm cách (x. 1 Tm 2,1-2). Các Kitô hữu phải “sẵn sàng làm mọi việc tốt” (Tt 3,1), phải tỏ ra “lịch thiệp hoàn hảo với hết mọi người” (Tt 3,2), không quên rằng họ được cứu rỗi không phải do những thành tích riêng của họ, mà do lòng thương xót của Chúa. Nếu không có “sự thanh tẩy tái sinh và canh tân trong Thánh Thần, mà Thiên Chúa đổ tràn xuống trên chúng ta thông qua Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Tt 3,5-6), thì mọi người đều “ngu xuẩn, không vâng lời, lầm lạc, làm nô lệ cho đủ mọi thứ đam mê và khoái lạc, sống trong gian ác và ganh tỵ, đáng ghét và ghen ghét lẫn nhau” (Tt 3,3). Chúng ta không bao giờ được quên tình trạng khốn khổ của con người đã bị tội lỗi làm hư hỏng nhưng đã được tình thương Chúa cứu chuộc.
382. Khi quyền hành nhân loại vượt quá giới hạn Chúa muốn, quyền hành ấy tự biến mình thành một loại thần thánh và đòi con người phải tùng phục tuyệt đối; nó trở nên giống như Con Thú trong sách Khải Huyền, một hình ảnh biểu thị quyền lực của nhà vua bách hại, “khát máu các thánh và các vị tử đạo của Đức Giêsu” (Kh 17,6). Con Thú ấy được một “tiên tri giả” phục dịch (Kh 19,20), và người này dùng những dấu lạ hấp dẫn để lôi kéo dân chúng thờ lạy Con Thú. Thị kiến này là một dấu hiệu mang tính tiên tri về các cạm bẫy Satan dùng để điều khiển con người, lén lút đi vào tâm trí con người bằng những sự phỉnh phờ dối trá. Nhưng Đức Kitô là Chiên Con Vinh Thắng, đã đi sâu vào dòng lịch sử nhân loại để khuất phục mọi quyền năng có thể biến Con Thú thành tuyệt đối. Trước quyền hành ấy, thánh Gioan đề nghị sử dụng cách kháng cự của các vị tử đạo; và bằng cách đó, các Kitô hữu minh chứng được rằng những quyền hành hủ bại và độc địa của Satan đều bị đánh bại vì từ nay những quyền hành ấy không còn thế giá nào trên họ nữa.
383. Giáo Hội tuyên bố rằng Đức Kitô – Đấng chiến thắng sự chết – đang cai quản vũ trụ đã được Người cứu chuộc. Vương quốc của Người bao gồm cả hiện tại này và sẽ chỉ chấm dứt khi mọi sự được trao lại cho Chúa Cha và khi lịch sử nhân loại đã hoàn tất trong ngày phán xét cuối cùng (x. 1 Cr 15,20-28). Đức Kitô đã mạc khải cho các quyền bính nhân loại – luôn bị cám dỗ làm bá chủ – đâu là ý nghĩa đích thực và đầy đủ của quyền hành, đó là phục vụ. Chỉ có Thiên Chúa là Cha, chỉ có Đức Kitô là Thầy của toàn thể nhân loại, còn mọi người đều là anh chị em với nhau. Quyền hành cai trị hẳn nhiên là của Chúa. Nhưng Chúa “không muốn dành cho mình đủ mọi thứ quyền hành. Ngài trao cho mỗi thụ tạo những nhiệm vụ mà chúng có thể hoàn thành tuỳ theo khả năng thuộc về bản tính của mỗi thụ tạo. Cách cai quản này cần phải được áp dụng trong đời sống xã hội. Phương cách Thiên Chúa dùng để cai trị thế giới – minh chứng cho thấy sự quan tâm rất lớn của Thiên Chúa dành cho tự do của con người – hẳn phải gây cảm hứng cho những ai đang cai quản các cộng đồng nhân loại. Họ cần phải cư xử như những người thừa hành (minister) sự an bài của Thiên Chúa” 773.
Thông điệp trên đây của Thánh Kinh đã tạo cảm hứng không ngừng cho các Kitô hữu suy nghĩ về quyền hành chính trị, đó là phải nhớ rằng quyền hành xuất phát từ Thiên Chúa và là một phần nguyên vẹn trong toàn bộ trật tự Ngài đã dựng nên. Trật tự ấy được lương tâm con người nhận thức, còn trong đời sống xã hội, trật tự ấy được hoàn thành trong sự thật, công lý, tự do và liên đới, để rồi từ đó đem lại hoà bình774.
----------------------------------------------------------------------------------------
773 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1884.
774 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 266-267.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét