Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

I. NHỮNG KHÍA CẠNH THÁNH KINH (Chương VI)


LAO ĐỘNG CỦA CON NGƯỜI


a. Bổn phận canh tác và chăm sóc trái đất
255Cựu Ước giới thiệu Thiên Chúa như Đấng Tạo Hoá toàn năng (x. St 2,2; G 38-41; Tv 104; Tv 147), đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài và kêu mời con người lao động trên đất đai (x. St 2,5-6), canh tác và chăm sóc vườn Êđen, mà Thiên Chúa đặt con người vào trong đó (x. St 2,15). Thiên Chúa giao cho cặp vợ chồng đầu tiên nhiệm vụ khuất phục trái đất và thống trị mọi sinh vật (x. St 1,28). Tuy nhiên, sự thống trị của con người trên các sinh vật khác không phải là sự thống trị độc đoán hay bừa bãi; ngược lại, con người phải “canh tác và chăm sóc” (St 2,15) của cải do Thiên Chúa tạo dựng. Những của cải này không do con người làm ra, nhưng con người đã lãnh nhận chúng như những tặng phẩm quý giá mà Tạo Hoá đã trao cho con người đảm trách. Canh tác đất đai là không bỏ mặc đất đai; thống trị mặt đất có nghĩa là chăm sóc nó, như một vị vua khôn ngoan chăm sóc thần dân của mình hay như một mục tử chăn dắt đàn chiên của mình.
Theo kế hoạch của Đấng Tạo Hoá, các thực tại được tạo dựng, tự chúng vốn tốt, là để cho con người sử dụng. Ngạc nhiên trước mầu nhiệm về sự cao cả của con người, tác giả Thánh Vịnh đã thốt lên: “Con người là gì mà Chúa cần nhớ đến? Phàm nhân là gì mà Chúa phải quan tâm? So với thần linh, Chúa chẳng để con người kém thua là mấy. Đem vinh dự, huy hoàng làm mũ triều thiên. Cho thống trị mọi công trình Chúa đã dựng nên; đặt muôn loài muôn sự dưới chân con người” (Tv 8,5-7).
256Lao động là một phần trong tình trạng nguyên thuỷ của con người và đã có trước khi con người phạm tội; bởi đó, lao động không phải là một hình phạt hay là một sự chúc dữ. Lao động chỉ trở thành vất vả và cực nhọc vì tội của Ađam và Eva, khi họ phá vỡ mối quan hệ tin tưởng và hoà thuận với Thiên Chúa (x. St 3,6-8). Lệnh cấm “ăn trái cây biết lành biết dữ” (St 2,17) nhắc con người nhớ rằng mọi sự con người có đều là ân huệ Chúa tự nguyện ban cho, thế nên con người vẫn chỉ là thụ tạo chứ không phải là Tạo Hoá. Ađam và Eva phạm tội chính là do cám dỗ này: “Ngươi sẽ trở thành Chúa” (St 3,5). Họ muốn thống trị tuyệt đối trên mọi sự mà không phải phục tùng ý muốn của Tạo Hoá. Kể từ lúc đó, đất đai trở nên nghèo nàn, cằn cỗi, thù nghịch một cách tệ hại (x. St 4,12); chỉ khi nào đổ mồ hôi trán, con người mới gặt hái được kết quả (x. St 3,17.19). Tuy nhiên, dù tổ tiên chúng ta có phạm tội đi nữa, kế hoạch của Tạo Hoá, ý nghĩa của các thụ tạo – trong đó có con người, được kêu gọi canh tác và chăm sóc tạo vật – vẫn không thay đổi.
257Lao động có một vị trí danh dự, vì đó là nguồn đem lại của cải hay ít ra là nguồn đem lại những điều kiện để con người có được một cuộc sống tươm tất, và trên nguyên tắc, đó là một công cụ hữu hiệu để chống lại sự nghèo đói (x. Cn 10,4). Tuy nhiên, con người không được sa vào cám dỗ biến lao động thành một ngẫu tượng, vì ý nghĩa cuối cùng và dứt khoát của cuộc sống không nằm trong lao động. Lao động là cần thiết, nhưng chính Thiên Chúa – chứ không phải lao động – mới là nguồn gốc của sự sống và là mục tiêu cuối cùng của con người. Thật ra, nguyên tắc khôn ngoan ẩn đằng sau chân lý này là lòng kính sợ Chúa. Đòi hỏi của công lý – xuất phát từ lòng kính sợ Chúa – chính là yêu cầu phải được đặt trước việc quan tâm tới lợi nhuận: “Thà có ít mà kính sợ Chúa hơn là có gia tài kếch sù mà phải lo âu sợ hãi” (Cn 15,16). “Thà lời ít mà ngay thẳng hơn là lời nhiều mà bất công” (Cn 16,8).
258Đỉnh cao của giáo huấn Thánh Kinh về lao động là mệnh lệnh phải nghỉ ngơi ngày Sabat (Sabbath). Con người bị buộc phải lao động, nhưng sự nghỉ ngơi này mở ra cho con người niềm hy vọng được tự do đầy đủ hơn, tự do trong ngày Sabat vĩnh viễn (x. Dt 4,9-10). Nghỉ ngơi giúp con người nhớ lại và cảm nghiệm lại kỳ công của Thiên Chúa, từ Tạo dựng đến Cứu chuộc, đồng thời nhận ra chính mình cũng là công trình của Thiên Chúa (x. Ep 2,10) để cảm tạ Ngài – tác giả đã sinh ra mình – về cuộc sống và về sự tồn tại của mình.
Việc nhớ tới và cảm nghiệm lại ngày Sabat tạo nên một hàng rào giúp con người không trở thành nô lệ cho lao động, dù là nô lệ tự nguyện hay bị cưỡng bức, cũng như không bị bóc lột, dù là bóc lột kín đáo hay công khai. Thật vậy, việc nghỉ ngơi ngày Sabat không những giúp con người có thể tham gia thờ phượng Chúa, mà còn để bênh vực người nghèo. Nó cũng có công dụng giải thoát con người để khỏi làm cho lao động xuống cấp, phản lại xã hội. Nghỉ ngơi ngày Sabat có thể kéo dài tới cả năm; làm như thế là để chúng ta bỏ lại hoa màu trái đất cho người nghèo hưởng dùng và đình lại quyền sở hữu của các chủ đất: “Trong sáu năm ngươi sẽ gieo trồng và thu hoạch; nhưng năm thứ bảy ngươi sẽ cho đất nghỉ ngơi để người nghèo có thể kiếm ăn, cũng như để thú rừng có cái mà ăn. Ngươi cũng sẽ làm như thế đối với vườn nho và vườn ôliu của ngươi” (Xh 23,10-11). Tập quán này đáp ứng một trực giác sâu xa là: của cải tập trung về tay một số người đôi khi có thể làm người khác bị tước đoạt của cải.
b. Đức Giêsu, con người lao động  
259Trong giáo huấn của mình, Đức Giêsu dạy chúng ta cần phải trân trọng lao động. Bản thân Người, “sau khi trở nên giống chúng ta trong mọi sự, đã dành phần lớn năm tháng sống trên đời này để lao động tay chân trên bàn thợ mộc”573 tại xưởng thợ của thánh Giuse (x. Mt 13,55; Mc 6,3), và vâng lời ngài (x. Lc 2,51). Đức Giêsu lên án thái độ của người đầy tớ vô dụng đem chôn tiền bạc (x. Mt 25,14-30) và ca ngợi người đầy tớ trung thành và khôn ngoan mà chủ gặp thấy đang chăm chỉ làm công việc chủ giao (x. Mt 24,46). Người cũng mô tả sứ mạng của mình như một công việc: “Cha Tôi vẫn đang làm việc, và Tôi cũng đang làm việc” (Ga 5,17); còn các môn đệ của Người được ví như những người thợ đang trong mùa gặt của Chúa, tức là đang trong công cuộc Phúc Âm hoá nhân loại (x. Mt 9,37-38). Người ta cũng áp dụng nguyên tắc chung “thợ đáng được hưởng lương” (Lc 10,7) cho những người lao động này. Họ sẽ được phép ở lại những nhà nào đón tiếp họ, được phép ăn uống những gì người ta dọn cho (x. Lc 10,7).
260Trong giáo huấn của mình, Đức Giêsu còn dạy con người không được nô lệ cho lao động. Trên hết, con người phải quan tâm tới linh hồn mình; giành được cả thế giới không phải là mục đích của cuộc đời con người (x. Mc 8,36). Thật vậy, mọi kho tàng trên đời này đều sẽ tiêu tan, còn kho tàng trên trời thì không thể nào bị hư hỏng. Loài người nên đặt hết tâm hồn mình vào những kho tàng trên trời ấy (x. Mt 6,19-21). Vì thế, không được biến lao động thành nguồn sinh ra mọi lo lắng (x. Mt 6,25.31.34). Đã lo lắng và hoang mang về nhiều sự thì sẽ có nguy cơ bê trễ Nước Chúa và sự công chính của Ngài (x. Mt 6,33), là điều rất cần thiết cho con người. Mọi sự khác, kể cả lao động, chỉ tìm được vị trí, ý nghĩa và giá trị đúng đắn của chúng khi được quy hướng về điều duy nhất cần thiết và không bao giờ bị ai lấy mất ấy (x. Lc 10,40-42).
261Trong suốt thời gian thi hành tác vụ trên trần gian, Đức Giêsu đã làm việc không biết mệt, thực hiện được nhiều việc lớn lao để giải thoát con người khỏi bệnh tật, đau khổ và chết chóc. Ngày Sabat – Cựu Ước đặt ra ngày ấy làm ngày giải phóng, mà nếu chỉ tuân giữ cách hình thức, sẽ đánh mất đi ý nghĩa đích thực ấy – đã được Đức Giêsu xác định lại trong ý nghĩa nguyên thuỷ của nó: “Ngày Sabat được lập ra cho con người, chứ con người không được dựng nên cho ngày Sabat” (Mc 2,27). Khi chữa bệnh cho con người trong ngày nghỉ ấy (x. Mt 12,9-14; Mc 3,1-6; Lc 6,6-11; 13, 10-17; 14,1-6), Đức Giêsu muốn chứng tỏ rằng ngày Sabat là ngày của Người, vì Người đúng là Con Thiên Chúa; đó chính là ngày để con người tận hiến cho Thiên Chúa và tha nhân. Giải thoát con người khỏi điều xấu, sống huynh đệ và chia sẻ: tất cả những việc làm ấy đã làm cho lao động đạt được ý nghĩa cao quý nhất của nó là giúp con người lên đường tiến về ngày Sabat vĩnh cửu, tức là lúc thay vì nghỉ ngơi người ta sẽ tưng bừng cử hành lễ hội, một điều mà trong thâm tâm ai cũng khao khát. Chính khi hướng nhân loại tới chỗ trải nghiệm ngày Sabat của Chúa và trải nghiệm tình bằng hữu trong cuộc sống, lao động trở thành sự khai mở một công trình tạo dựng mới trên trần gian.
262Hoạt động của con người nhằm nâng cao và biến đổi vũ trụ có thể và cần phải làm phát huy những điều hoàn hảo, vốn là những điều xuất phát và được khuôn đúc theo Ngôi Lời hằng hữu. Thật vậy, các bút tích của thánh Phaolô và thánh Gioan đã cho thấy chiều hướng Ba Ngôi của công cuộc sáng tạo, nhất là mối liên hệ giữa Ngôi Con hay Ngôi Lời (Logos) và công cuộc sáng tạo (x. Ga 1,3; 1 Cr 8,6; Cl 1,15-17). Được tạo dựng trong Người, qua Người, được cứu chuộc bởi Người, vũ trụ không phải là một sự tập hợp ngẫu nhiên mà là một “trật tự” (cosmos)574. Con người có nhiệm vụ khám phá ra trật tự trong vũ trụ ấy, quan tâm tới trật tự ấy và làm cho trật tự ấy được hoàn bị: “Trong Đức Giêsu Kitô, thế giới hữu hình mà Thiên Chúa tạo dựng cho con người – thế giới “đã trở nên hư ảo” từ khi tội lỗi xâm nhập (Rm 8,20; x. ibid. 8,19-22) – nay đã khôi phục lại mối liên hệ ban đầu của nó với nguồn cội Khôn Ngoan và Tình Yêu là Thiên Chúa”575. Bằng cách đó – tức là làm sáng tỏ ngày càng nhiều hơn “những kho tàng phong phú khôn lường của Đức Kitô” (Ep 3,8) trong thụ tạo – lao động của con người trở thành một sự phục vụ nhằm tôn vinh sự cao cả của Thiên Chúa.
263Lao động diễn tả một chiều hướng căn bản của cuộc sống con người, như một sự tham gia không những vào hành vi sáng tạo mà còn vào hành vi cứu chuộc nữa. Những ai chịu đựng những khó khăn vất vả của lao động bằng cách kết hợp với Đức Giêsu là gần như đã cộng tác với Con Thiên Chúa trong công cuộc cứu chuộc của Người, và chứng tỏ mình là môn đệ Đức Kitô đang mang Thánh giá mỗi ngày trong những hoạt động mà Chúa mời gọi mình thi hành. Nhìn trong viễn tượng ấy, có thể coi lao động là một phương thế thánh hoá và như một cách làm cho các thực tại trần thế sống động lên nhờ Thánh Thần của Đức Kitô576. Hiểu như thế, lao động là một cách biểu hiện nhân tính sung mãn của con người, trong điều kiện lịch sử và trong chiều hướng cánh chung của con người. Hành động tự do và có trách nhiệm của con người cho thấy mối quan hệ sâu xa của con người với Đấng Tạo Hoá và với quyền năng sáng tạo của Ngài. Đồng thời, đó là một sự hỗ trợ hằng ngày dành cho con người trong lúc phải chiến đấu chống lại sự biến dạng do tội lỗi gây ra, kể cả khi phải đổ mồ hôi trán con người mới có được cái ăn.
c. Bổn phận lao động
264Nhận thức rằng “bộ mặt thế gian này đang qua đi” (1 Cr 7,31) không phải là lý do cho phép con người được miễn trừ khỏi tham gia vào thế giới, và tệ hơn nữa, khỏi tham gia lao động (x. 2 Ts 3,7-15), vì đó là một phần không thể tách rời khỏi thân phận con người, dù không phải là mục đích duy nhất của cuộc đời. Dựa vào sự kiện con người nằm trong một cộng đồng huynh đệ hợp nhất, không có người Kitô hữu nào được cho rằng mình có quyền không lao động và sống dựa vào người khác (x. 2 Ts 3,6-12). Đúng hơn, tông đồ Phaolô đã đích thân trang trải mọi sự để minh chứng lao động bằng chính đôi tay mình là một vinh dự, để mình “không phải lệ thuộc ai” (1 Ts 4,12) và để mình có thể thực thi tình liên đới, cả về vật chất, bằng cách chia sẻ những thành quả lao động của mình với “những người túng thiếu” (Ep 4,28). Thánh Giacôbê đã bênh vực quyền lợi bị chà đạp của các người lao động: “Các người đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các người. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các người, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa các đạo binh” (Gc 5,4). Các tín hữu phải đảm đương công việc của mình theo cung cách của Đức Kitô và biến nó thành cơ hội để làm chứng về Đức Kitô, khiến “những người ngoài phải tỏ lòng kính trọng” (1 Ts 4,12).
265Các Giáo phụ không coi lao động là một “việc nô dịch” (opus servile) – cho dù văn hoá thời các ngài đã hiểu như thế – nhưng luôn coi đó là một “việc của con người” (opus humanum), và các ngài có khuynh hướng tôn trọng mọi hình thức khác nhau của lao động. Qua lao động, con người cùng với Thiên Chúa cai quản thế giới; cùng với Thiên Chúa làm chủ thế giới và thực hiện những điều tốt đẹp cho mình và cho người khác. Nhàn rỗi thì có hại cho bản thân con người, còn hoạt động sẽ giúp ích cho linh hồn và thân xác con người577. Các Kitô hữu được mời gọi hãy làm việc không những để lo cho mình có cơm ăn áo mặc, mà còn để tiếp đón những láng giềng nghèo đói, mà mình đã được Chúa yêu cầu phải cho ăn, cho uống, cho mặc, tiếp rước, chăm sóc và thăm viếng578 (x. Mt 25,35-36). Theo thánh Ambrosiô, mỗi người lao động là bàn tay nối dài của Đức Kitô để tiếp tục tạo dựng và làm điều thiện579.
266Nhờ lao động và sự siêng năng của mình, con người – đã được chia sẻ sự khéo léo và khôn ngoan của Thiên Chúa – sẽ làm cho thụ tạo, làm cho vũ trụ đã được Chúa Cha sắp xếp trở nên tốt đẹp hơn580. Con người sẽ huy động những năng lực của xã hội và cộng đồng để làm gia tăng công ích581, và trên hết, để sinh ích lợi cho những người nghèo túng nhất. Lao động của con người, hướng tới bác ái như hướng tới mục tiêu cuối cùng của mình, trở thành cơ hội cho con người chiêm ngưỡng, trở thành lời cầu nguyện sốt sắng, luôn tỉnh thức đón chờ và hy vọng vào một ngày không bao giờ tàn. “Trong cái nhìn cao cả ấy, lao động – vừa là hình phạt vừa là phần thưởng cho hoạt động của con người – kéo theo một mối quan hệ khác, có tính tôn giáo tự căn bản, đã từng được diễn đạt cách khéo léo trong châm ngôn dòng Biển Đức: cầu nguyện và lao động(ora et labora). Chính sự kiện mang tính tôn giáo ấy đã làm cho lao động của con người có một nét vui tươi và cứu độ. Nối kết lao động với tôn giáo như thế là phản ánh một sự liên kết tuy mầu nhiệm nhưng rất thật, liên kết giữa hoạt động của con người và hoạt động quan phòng của Thiên Chúa”582.
-----------------------------------------------------------------------------------------------------
573  Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 6: AAS 73 (1981), 591.
574  Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, 1: AAS 71 (1979), 257.
575  Ibid., 8: AAS 71 (1979), 270.
576  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2427; Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem
    Exercens, 27: AAS 73 (1981), 644-647.
577  x. Thánh Gioan Kim Khẩu, Bài giảng về sách Công vụ Tông đồ, trong Acta
    Apostolorum Homiliae 35,3: PG 60, 258.
578  x. Thánh Basiliô, Regulae Fusius Tractatae 42: PG 31, 1023-1027; Thánh Athanasiô,
    Cuộc đời thánh Antôn, ch. 3: PG 26, 846.
579  x. Thánh Ambrosiô, De Obitu Valentiniani Consolatio, 62: PL 16, 1438.
580  x. Thánh Ireneô, Chống lạc giáo, 5, 32, 2: PL 7, 1210-1211.
581  x. Theodoret thành Cyr, Về sự Quan phòng, các Lời nguyện 5-7: PG 83, 625-686.
582  Gioan Phaolô II, Diễn văn trong chuyến kinh lý mục vụ tại Pomezia (14-09-1979),
    3: L’osservatore Romano, ấn bản tiếng Anh, 1-10-1979, tr. 4


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét