Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

IV. NHÂN QUYỀN




a. Giá trị của nhân quyền
152Phong trào tiến tới chỗ xác định và công bố các quyền của con người là một trong những cố gắng quan trọng nhất nhằm đáp ứng cách hữu hiệu những đòi hỏi tất yếu của phẩm giá con người302. Giáo Hội coi các quyền này là cơ hội hết sức đặc biệt mà thời đại hôm nay đem lại, để phẩm giá con người được nhìn nhận cách hiệu quả hơn và phát huy khắp nơi như một đặc điểm được Thiên Chúa Tạo Hoá khắc ghi nơi các thụ tạo303. Huấn Quyền Giáo Hội không ngừng ghi nhận giá trị tích cực của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, được Liên Hiệp Quốc chấp nhận ngày 10-12-1948, và được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II coi như “một cột mốc thực sự trên con đường tiến bộ đạo đức của nhân loại”304.
153Thật ra, nguồn gốc của các quyền con người nằm ngay trong chính phẩm giá của mỗi một con người305. Phẩm giá này, tồn tại bên trong đời sống con người và bằng nhau trong mỗi một người, đã được nhận thức và lĩnh hội trước tiên là nhờ lý trí. Nền tảng tự nhiên của các quyền này càng trở nên vững chắc hơn khi, nhờ ánh sáng siêu nhiên, người ta nhìn nhận rằng phẩm giá của con người, sau khi được Chúa trao ban và bị thương tổn sâu xa bởi tội, đã được Đức Giêsu Kitô đón nhận và cứu chuộc qua sự nhập thể, qua cái chết và sự sống lại của Người306.
Nguồn gốc sau cùng của các quyền con người không phải ở trong ý muốn thuần tuý của con người307, trong thực thể quốc gia hay chính quyền, nhưng là ở trong chính con người và trong chính Thiên Chúa Tạo Hoá. Những quyền này mang những đặc tính “phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả nhượng”308Phổ quát, vì chúng hiện diện nơi hết mọi người, bất kể thời gian, địa điểm hay chủ thể. Bất khả xâm phạm, bao lâu “chúng tồn tại trong con người và trong phẩm giá con người”309 và vì “thật vô ích khi công bố các quyền mà đồng thời không làm gì để bảo đảm cho chúng được tôn trọng bởi mọi người, mọi nơi và vì mọi người”310Bất khả nhượng, bao lâu “không ai có thể tước đoạt những quyền ấy khỏi người khác một cách chính đáng, bất kể người đó là ai, vì làm như thế là xâm phạm tới bản tính của chính họ”311.
154Phải bảo vệ các quyền con người không chỉ một cách riêng lẻ mà còn như một tổng thể bảo vệ chỉ một phần các quyền này thôi sẽ là gián tiếp không nhìn nhận chúng. Các quyền ấy tương ứng với những đòi hỏi của phẩm giá con người, và trên hết, chúng gián tiếp thoả mãn các nhu cầu căn bản của con người trong lĩnh vực vật chất lẫn tinh thần. “Những quyền này đáp ứng cho mỗi giai đoạn của đời sống và cho mỗi tình huống chính trị, xã hội, kinh tế và văn hoá. Gộp chung lại, chúng làm thành một tổng hợp thống nhất, rõ ràng là nhằm phát huy ích lợi của cả cá nhân lẫn xã hội về mọi mặt… Phát huy đầy đủ mỗi loại nhân quyền là cách bảo đảm cho mỗi một quyền được tôn trọng trọn vẹn”312. Phổ quát và không thể phân chia là những đặc tính riêng của các quyền con người: đó là “hai nguyên tắc vừa mang tính hướng dẫn vừa đòi hỏi các quyền ấy phải được ăn sâu vào mỗi nền văn hoá, các quyền ấy phải có chỗ đứng ngày càng vững vàng hơn trong pháp chế, có thế chúng mới bảo đảm được tuân thủ trọn vẹn”313.
b. Xác định các quyền cách riêng rẽ
155Giáo huấn của Chân phúc Giáo hoàng Gioan XXIII314, của Công đồng Vatican II315, và của Đức Giáo hoàng Phaolô VI316 đã cống hiến cho chúng ta vô số chỉ dẫn để hiểu khái niệm nhân quyền như Huấn Quyền đã hiểu. Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II còn lập một danh sách các quyền ấy trong Thông điệp Centesimus Annus: “quyền được sống, một phần không thể thiếu trong quyền ấy là quyền của đứa trẻ được lớn lên trong bụng mẹ ngay từ khi thụ thai; quyền được sống trong một gia đình hợp nhất và trong một môi trường luân lý giúp phát triển nhân cách của đứa trẻ; quyền được phát huy trí thông minh, được tự do tìm kiếm và hiểu biết sự thật; quyền được chia sẻ công ăn việc làm để sử dụng các nguồn lực vật chất của trái đất cách khôn ngoan, và quyền được lấy từ việc lao động những phương thế để trợ giúp bản thân và những người lệ thuộc vào mình; và quyền được tự do lập gia đình, quyền có con và dạy dỗ con qua việc thực hiện hành vi tính dục một cách có trách nhiệm. Theo một nghĩa nào đó, nguồn gốc và tổng hợp các quyền này chính là quyền tự do tôn giáo, được hiểu như quyền được sống theo sự thật của đức tin và phù hợp với phẩm giá siêu việt của một con người”317.
Quyền đầu tiên được nêu ra trong danh sách này là quyền được sống, từ khi thụ thai cho tới khi chết một cách tự nhiên318, cũng là điều kiện để có thể thi hành tất cả các quyền khác, và đặc biệt, gián tiếp coi mọi hình thức phá thai và làm chết êm ái là bất hợp pháp319. Giáo Hội cũng nhấn mạnh tới giá trị cao cả của quyền tự do tôn giáo: “mọi người phải được miễn không bị một sự cưỡng ép nào từ phía cá nhân hay tập thể xã hội hoặc bất cứ quyền bính nhân loại nào, để không ai bị ép buộc hành động ngược với niềm tin của mình, một cách riêng tư hay công khai, một mình hay cùng với những người khác, trong giới hạn thích đáng”320. Tôn trọng quyền này là dấu chỉ cho biết “con người đã tiến bộ thật sự trong bất cứ chính thể, xã hội, hệ thống hay môi trường nào”321.
c. Quyền lợi và nghĩa vụ
156Liên kết hết sức chặt chẽ với đề tài quyền lợi là vấn đề nghĩa vụ của con người, điều này cũng đã được nhấn mạnh cách thích đáng trong các lần can thiệp của Huấn Quyền. Sự bổ túc cho nhau giữa quyền lợi và nghĩa vụ – liên kết với nhau một cách hết sức chặt chẽ – đã được nhắc nhở vài lần, nhất là đối với người sở hữu những quyền lợi và nghĩa vụ ấy322. Mối liên kết này cũng có chiều hướng xã hội: “Trong xã hội loài người, quyền của người này là nghĩa vụ cho hết những người khác: cụ thể là nghĩa vụ phải nhìn nhận và tôn trọng quyền ấy”323Huấn Quyền đã lưu ý sự mâu thuẫn nội tại khi khẳng định các quyền lợi mà không nhìn nhận các trách nhiệm tương ứng. “Bởi đó, những ai đòi hỏi quyền lợi mà quên hay bỏ qua không thi hành các nghĩa vụ của mình là những người tay này xây dựng nhưng lại tay kia phá hoại”324.
d. Quyền lợi của các dân tộc và các quốc gia
157Phạm vi nhân quyền được mở rộng ra để bao gồm cả quyền lợi của các dân tộc và các quốc gia325: thật vậy, “điều gì đúng với cá nhân thì cũng đúng với các dân tộc”326. Huấn Quyền đã chỉ ra rằng luật quốc tế “dựa trên nguyên tắc phải tôn trọng một cách bình đẳng đối với các quốc gia, đối với quyền tự quyết của mỗi dân tộc và đối với sự hợp tác tự do nhằm đạt được công ích cao hơn cho cả nhân loại”327.
Hoà bình được xây dựng không chỉ dựa trên sự tôn trọng các quyền con người, mà còn trên sự tôn trọng các quyền của dân tộc, nhất là quyền độc lập328.
Các quyền của các quốc gia không là gì khác hơn là “các quyền con người được vun đắp ở cấp đời sống cộng đồng”329. Một quốc gia có “quyền căn bản để tồn tại”, quyền “có ngôn ngữ và văn hoá riêng, để qua đó dân tộc thể hiện và phát huy… ‘chủ quyền’ tinh thần căn bản của mình”, quyền “định hướng cuộc sống của mình theo những truyền thống riêng của quốc gia, dĩ nhiên khai trừ mọi lạm dụng các quyền căn bản của con người và đặc biệt sự đàn áp các người thiểu số”, quyền “xây dựng tương lai mình bằng cách cung cấp một nền giáo dục chính đáng cho thế hệ trẻ”330. Trật tự quốc tế đòi phải có sự quân bình giữa tính đặc thù và phổ quát, mà mỗi quốc gia được mời gọi thể hiện ra, vì nghĩa vụ trên hết của các quốc gia là sống hoà bình, tôn trọng và liên đới với các quốc gia khác.
e. Lấp đầy khoảng cách giữa chữ viết và tinh thần
158Việc công bố long trọng các quyền con người lại mâu thuẫn với một thực tế rất đáng buồn là các quyền ấy đã bị xâm phạm, với đủ loại chiến tranh và bạo lực, nhất là những cuộc diệt chủng và lưu đày tập thể, việc mở rộng gần như trên toàn thế giới những hình thức chưa từng thấy của sự nô lệ như buôn người, bắt trẻ em làm lính, bóc lột người lao động, buôn bán ma tuý trái phép, mãi dâm. “Ngay tại những nước có chính phủ theo thể thức dân chủ, những quyền này không phải lúc nào cũng được tôn trọng”331.
Tiếc thay, có một khoảng cách giữa “chữ viết” và “tinh thần” của nhân quyền332, mà chúng ta có thể lần ra nguyên do là vì người ta chỉ nhìn nhận các quyền này một cách hết sức hình thức. Khi lưu tâm đến đặc ân mà Tin Mừng dành cho người nghèo, học thuyết Xã hội Công giáo luôn nhắc đi nhắc lại rằng “những ai may mắn hơn nên khước từ một số quyền lợi của mình để lấy của cải mình đang có phục vụ người khác một cách rộng rãi”; và việc đòi bình đẳng một cách gắt gao quá “có thể tạo ra chủ nghĩa cá nhân, trong đó ai cũng đòi hỏi quyền lợi cho riêng mình mà không thèm chịu trách nhiệm về công ích”333.
159Giáo Hội, ý thức sứ mạng của mình tuy chính yếu là tôn giáo cũng bao gồm việc bảo vệ và phát huy các quyền con người334, Giáo Hội “đánh giá rất cao phong trào rất mạnh hiện nay là đâu đâu cũng cổ vũ các quyền con người”335. Giáo Hội cảm nghiệm sâu sắc nhu cầu phải tôn trọng công lý336 và các quyền con người337 ngay trong hàng ngũ Giáo Hội.
Giáo Hội dấn thân trong công tác mục vụ này theo hai hướng: bằng cách công bố những nền tảng Kitô giáo của nhân quyền và bằng cách tố cáo những sự vi phạm các quyền này338. Dù sao, “công bố bao giờ cũng quan trọng hơn là tố cáo, và không thể tố cáo mà quên công bố, vì có như thế việc tố cáo mới chắc chắn và có động cơ cao cả”339. Để đạt hiệu quả cao hơn, việc dấn thân này nên có sự cộng tác đại kết, đối thoại với các tôn giáo, tiếp xúc thích đáng với các tổ chức khác, bất luận thuộc chính phủ hay phi chính phủ, ở cấp quốc gia hay quốc tế. Trên hết, Giáo Hội cậy dựa vào sự giúp đỡ của Chúa và của Thánh Thần Ngài, vì khi được đổ vào tâm hồn con người, Thánh Thần ấy chính là bảo đảm chắc chắn nhất cho công bằng và nhân quyền được tôn trọng, cũng như góp phần đem lại hoà bình. “Đẩy mạnh công lý và hoà bình, đưa ánh sáng và men Tin Mừng thâm nhập mọi lĩnh vực của xã hội con người, đó luôn luôn là mục tiêu Giáo Hội ra sức nhắm tới khi thi hành mệnh lệnh của Chúa”340.
-------------------------------------------------------------------------------------------------------
302  x. CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, 1: AAS 58 (1966), 929-930.
303  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 41: AAS 58 (1966), 1059-
    1060; Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội
    của Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 32, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, Roma
    1988, tr. 36-37.
304  Gioan Phaolô II, Diễn văn tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, kỳ họp thứ 34 (02-10-
    1979), 7: AAS 71 (1979), 1147-1148; đối với Đức Gioan Phaolô II, bản Tuyên ngôn Quốc  tế Nhân quyền “vẫn là một trong những biểu hiện cao cả nhất của lương tâm nhân  loại trong thời đại hôm nay”: Diễn văn tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, kỳ họp thứ 50 (05-10-1995), 2: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 8.
305  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 27: AAS 58 (1966), 1047-
    1048; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1930.
306  x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 259; CĐ. Vatican II,
    Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966), 1079.
307  x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 278-279.
308  Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 259.
309  Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1999, 3: AAS 91 (1999), 379.
310  Phaolô VI, Thông điệp gửi Hội nghị Quốc tế về Nhân quyền, tại Teheran (15-04-
    1968): L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 02-05-1968, tr. 4.
311  Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1999, 3: AAS 91 (1999), 379.
312  Ibid.
313  Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1998, 2: AAS 90 (1998), 149.
314  x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 259-264.
315  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 26: AAS 58 (1966), 1046-1047.
316  x. Phaolô VI, Diễn văn tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (04-10-1965), 10: AAS 57 
    (1965), 877-885; Phaolô VI, Thông điệp gửi các giám mục tham dự Thượng Hội
    đồng (26-10-1974): AAS 66 (1974), 631-639.
317  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 47: AAS 83 (1991), 851-852; x.
    Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, kỳ họp thứ 34 (02-10-1979), 13: AAS
    71 (1979), 1152-1153.
318  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 2: AAS 87 (1995), 402
319  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 27: AAS 58 (1966), 1047-
   1048; Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 80: AAS 85 (1993), 1197-
     1198; Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae, 7-28: AAS 87 (1995), 408-433.
320  CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, 2: AAS 58 (1966), 930-931.
321  Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptori Hominis, 17: AAS 71 (1979), 300.
322  x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 259-264; CĐ. Vatican
    II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 26: AAS 58 (1966), 1046-1047.
323   Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 264.
324  Ibid.
325  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 33: AAS 80 (1988), 557-559;
    Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 21: AAS 83 (1991), 818-819.
326  Gioan Phaolô II, Tông thư nhân kỷ niệm 50 năm bùng nổ Thế Chiến Thứ Hai, 8:
     L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 04-09-1989, tr. 2.
327  Ibid.
328  x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Ngoại giao Đoàn (09-01-1988), 7-8: L’Osservatore
     Romano, bản Anh ngữ, 25-01-1988, tr. 7.
329  Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, kỳ họp thứ 50 (05-10-
     1995), 8: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr.9.
330  Ibid.
331  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 47: AAS 83 (1991), 852.
332  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, 17: AAS 71 (1979), 295-300.
333  Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 23: AAS 63 (1971), 418.
334  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 54: AAS 83 (1991), 859-860.
335  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 41: AAS 58 (1966), 1060.
336  x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi các Quan chức và Luật sư của Toà Thượng Thẩm
    Roma (17-02-1979), 4: Insegnamenti di Giovanni Paolo II, II, 1 (1979), 413-414.
337  x. Giáo Luật, điều 208-223.
338  x. Hộng đồng Giáo hoàng về Công lý và Hoà bình, Giáo Hội và Nhân quyền, 70-90,
    Vatican City 1975, tr. 45-54.
339  Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 41: AAS 80 (1988), 572.
340  Phaolô VI, Tự sắc Justitiam et Pacem (10-12-1976): L’Osservatore Romano, 23-12-
    1976, tr. 10

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét