a. Quan hệ giữa các nguyên tắc và các giá trị
197. Không kể những nguyên tắc phải dùng để hướng dẫn việc xây dựng một xã hội cho xứng với con người, Học thuyết Xã hội Công giáo còn nêu ra các giá trị căn bản. Quan hệ giữa các nguyên tắc và các giá trị chắc chắn là một quan hệ hỗ tương, ở chỗ các giá trị xã hội chính là một cách diễn tả sự quý trọng đối với các khía cạnh đặc biệt của một điều tốt luân lý mà các nguyên tắc ấy đang cổ vũ, dùng các khía cạnh ấy như những điểm tham chiếu khi muốn tổ chức đúng đắn và hướng dẫn đời sống trong xã hội một cách trật tự. Bởi đó, các giá trị này đòi hỏi vừa phải thực hành các nguyên tắc căn bản của đời sống xã hội vừa phải thực tập các nhân đức một cách cá nhân, hay nói cách khác, phải thể hiện các thái độ luân lý phù hợp với các giá trị này426.
Mọi giá trị xã hội đều nằm sẵn trong phẩm giá con người, và chúng tạo điều kiện cho con người được phát triển thực sự. Các giá trị chủ yếu ấy là sự thật, tự do, công bằng và yêu thương427. Đem các giá trị ấy ra thực hành chính là phương cách chắc chắn và cần thiết để cá nhân được hoàn thiện và cuộc sống xã hội được nhân bản hơn. Các giá trị ấy chính là điểm tham chiếu không thể thiếu cho chính quyền vì họ là những người được mời gọi hãy tiến hành “cải cách có thực chất các cơ cấu kinh tế, chính trị, văn hoá và công nghệ, đồng thời tạo ra những thay đổi cần thiết trong các định chế”428. Chính vì tôn trọng sự tự trị chính đáng của các thực tại trần thế mà Giáo Hội đã không đòi cho mình thẩm quyền chuyên môn trong trật tự kỹ thuật hay trần thế429, nhưng không vì thế mà Giáo Hội không được quyền can thiệp để chỉ cho thấy các giá trị trên đây đã được nhìn nhận hay chối bỏ như thế nào trong các lựa chọn khác nhau của con người430.
b. Sự thật
198. Mọi người có nghĩa vụ đặc biệt là phải luôn hướng tới sự thật, tôn trọng sự thật và làm chứng về sự thật một cách có trách nhiệm431. Sống trong sự thật là điều đặc biệt quan trọng trong các quan hệ xã hội. Thật vậy, khi việc sống chung của con người trong cộng đồng được xây dựng trên sự thật, đời sống chung ấy sẽ được trật tự và có kết quả, xứng với phẩm giá của những con người432. Càng nhiều người và nhiều tập thể xã hội cố gắng giải quyết các vấn đề xã hội theo đúng sự thật, họ càng tránh được những lạm dụng và càng dễ hành động phù hợp với các đòi hỏi khách quan của luân lý.
Thời đại hôm nay đòi phải có những nỗ lực giáo dục hết sức cao độ433 và phải có sự dấn thân tương xứng của hết mọi người, có như thế việc tìm kiếm sự thật mới không bị quy thành việc tổng hợp các ý kiến khác nhau hoặc xoay quanh một hai ý kiến nào trong số đó. Việc tìm kiếm này sẽ được cổ vũ trong mọi lĩnh vực và sẽ vượt lên trên mọi toan tính muốn tương đối hoá đòi hỏi của sự thật hay chống lại sự thật434. Đây là một vấn đề liên can đến thế giới truyền thông đại chúng và thế giới kinh tế một cách đặc biệt. Trong các lĩnh vực này, việc sử dụng đồng tiền một cách không chút áy náy tạo ra những vấn đề càng ngày càng cấp bách, đòi phải có sự minh bạch và liêm khiết nhiều hơn nữa cả trong các hoạt động cá nhân lẫn hoạt động xã hội.
c. Tự do
199. Tự do là dấu chỉ cao đẹp nhất nơi con người cho thấy con người được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, và do đó, cũng là dấu chỉ cho biết phẩm giá tuyệt vời của mỗi người435. “Tự do diễn ra trong các quan hệ giữa người với người. Mỗi người, được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, có quyền tự nhiên là được nhìn nhận như một hữu thể tự do và có trách nhiệm. Mọi người đều phải có nghĩa vụ tôn trọng điều ấy. Quyền thể hiện sự tự do, nhất là trong các vấn đề luân lý và tôn giáo, là một đòi hỏi không thể bỏ được trong phẩm giá con người”436. Không được nhìn sự tự do theo viễn ảnh hoàn toàn cá nhân chủ nghĩa, rút gọn nó thành việc tuỳ tiện thể hiện sự độc lập của cá nhân một cách không kiềm chế: “Thay vì dừng lại với sự tự mãn hoàn toàn và dẹp bỏ mọi quan hệ, tự do chỉ thực sự có ở những nơi nào mọi người được liên kết với nhau bằng các mối quan hệ hỗ tương, xây dựng trên sự thật và công lý”437. Người ta sẽ càng ngày càng hiểu sâu rộng hơn về sự tự do khi người ta biết bảo vệ sự tự do trong mọi chiều hướng khác nhau của nó, kể cả trên bình diện xã hội.
200. Giá trị của tự do – một biểu hiện cho tính độc đáo của mỗi con người – sẽ được tôn trọng khi nào mọi thành phần trong xã hội đều có điều kiện hoàn thành ơn gọi riêng của mình; tìm kiếm sự thật và bày tỏ các tư tưởng tôn giáo, văn hoá và chính trị của mình; lựa chọn bậc sống, và nếu có thể, lựa chọn hướng nghề nghiệp cho mình; theo đuổi các sáng kiến mang bản chất kinh tế, xã hội hay chính trị. Những điều này phải được thực hiện trong “một khung pháp lý vững chắc”438, nghĩa là trong những giới hạn do ích chung và trật tự xã hội đặt ra, nhưng dù trong bất cứ trường hợp nào cũng phải thực hiện theo phương cách đề cao tinh thần trách nhiệm.
Ngược lại, cũng phải bày tỏ sự tự do như một khả năng biết khước từ điều tiêu cực về mặt luân lý, dù nguỵ trang dưới chiêu bài nào439, chẳng hạn khả năng tránh xa những gì có thể gây trở ngại cho sự phát triển cá nhân, gia đình và xã hội. Tự do sung mãn chính là có khả năng làm chủ bản thân bằng cách nhìn đến ích lợi thật sự, trong khuôn khổ công ích phổ quát440.
d. Công lý
201. Công lý là một giá trị đi kèm với việc thực hành đức tính luân lý căn bản tương ứng441. Theo cách hiểu cổ điển nhất, công lý chính là “có ước muốn kiên định và vững chắc trả những gì mình mắc nợ Chúa và tha nhân”442. Nếu nhìn từ phía chủ thể, công lý là thái độ xuất phát từ chỗ muốn nhìn nhận người khác như một ngôi vị; còn nếu nhìn từ phia khách thể, công lý tạo nênnhững tiêu chuẩn mang tính quyết định cho biết giá trị luân lý của một hành vi trong quan hệ liên chủ thể và xã hội”443.
Huấn quyền xã hội Công giáo thường xuyên kêu gọi phải tôn trọng những hình thức cổ điển nhất của công lý: công lý giao hoán, công lý phân phối và công lý pháp lý444. Càng ngày người ta càng coi trọng công lý xã hội445, là một tiến bộ thật sự trong công lý nói chung, tức là công lý nhằm điều hoà các quan hệ xã hội theo tiêu chuẩn tuân thủ luật pháp. Công lý xã hội – một đòi hỏi có liên quan tới vấn đề xã hội là vấn đề hiện nay đang có tầm mức rất rộng – liên quan đến các khía cạnh xã hội, chính trị và kinh tế, và đặc biệt liên quan đến khía cạnh cơ cấu của các vấn nạn và các giải pháp cho từng vấn nạn446.
202. Công lý trở nên quan trọng đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi giá trị riêng của con người, phẩm giá và quyền lợi của con người – dù đã được khẳng định nhiều – vẫn đang bị đe doạ trầm trọng bởi khuynh hướng phổ biến muốn áp dụng tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá, đó là có lợi và có quyền làm chủ hay không. Dựa trên những tiêu chuẩn này, người ta cũng xem xét công lý một cách hết sức giản lược. Đang khi đó khái niệm công lý được nhân học Kitô giáo hiểu một cách đầy đủ và trung thực hơn. Thật vậy, công lý không phải chỉ là một sự thoả thuận suông giữa con người với nhau, vì muốn biết điều gì là “công lý” (nghĩa là phù hợp với đạo lý và lợi ích chung của xã hội), trước tiên chúng ta không dựa vào sự ấn định của lề luật, mà phải xem điều đó có phù hợp với bản chất sâu xa của con người hay không447.
203. Hiểu được sự thật trọn vẹn về con người sẽ giúp chúng ta vượt lên trên nhãn quan xem công lý như một hợp đồng không hơn không kém – một nhãn quan hết sức giản lược – đồng thời cũng mở ra cho công lý chân trời mới về liên đới và yêu thương. “Tự một mình, có công lý thôi chưa đủ. Thật vậy, công lý có thể phản bội chính mình trừ khi nó biết mở ra cho một sức mạnh sâu xa hơn, là bác ái”448. Thật vậy, học thuyết xã hội của Giáo Hội đặt giá trị của công lý song song với giá trị liên đới, coi đó là con đường đặc biệt dẫn tới hoà bình. Nếu hoà bình là kết quả của công lý thì “ngày nay người ta cũng có thể nói một cách chính xác và mạnh mẽ không kém với cùng sức mạnh gợi ý của Thánh Kinh (x. Is 32,17; Gc 3,18) rằng ‘Hoà bình là thành quả của liên đới’ (Opus solidaritatis pax)”449. Thật vậy, mục tiêu hoà bình “sẽ chắc chắn đạt được không những thông qua việc thi hành công lý xã hội và quốc tế, mà còn qua cách thực hành các đức tính nhằm cổ vũ sự đoàn kết và dạy chúng ta sống hợp nhất, cũng như xây dựng một xã hội mới và một thế giới tốt đẹp hơn bằng cách vừa trao ban vừa đón nhận”450.
-------------------------------------------------------------------------------------
426 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1886.
427 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 26: AAS 58 (1966), 1046-
1047; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 265-266.
428 Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội của
Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 43, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican, Roma
1988, tr. 44.
429 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 36: AAS 58 (1966),
1053-1054.
430 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 1: AAS 58 (1966), 1025-
1026; Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 13: AAS 59 (1967), 263-264.
431 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2467.
432 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 265-266, 281.
433 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 61: AAS 58 (1966), 1081-1082; Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 35, 40: AAS 59 (1967), 274-275, 277; Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 44: AAS 80 (1988), 575-577. Muốn cải tạo xã hội, “nhiệm vụ ưu tiên, sẽ ảnh hưởng tới sự thành công của tất cả các nhiệm vụ khác, chính là nhiệm vụ nằm trong lĩnh vực giáo dục”: Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis conscientia, 99: AAS 79 (1987), 599.
434 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 16: AAS 58 (1966), 1037;
Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2464-2487.
435 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 17: AAS 58 (1966), 1037-
1038; Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1705, 1730; Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị
Libertatis Conscientia, 28: AAS 79 (1987), 565.
436 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1738.
437 x. Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis Conscientia, 26: AAS 79 (1987), 564-565.
438 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 42: AAS 83 (1991), 846. Câu này
được đưa ra trong bối cảnh các sáng kiến kinh tế, nhưng xem ra cũng đúng nếu
đem áp dụng cho các lĩnh vực khác của hoạt động con người.
439 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 17: AAS 83 (1991), 814-815.
440 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 289-290.
441 x. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, I-II, q. 6: Ed. Leon. 6,55-63.
442 Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1807; x. Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II,
q. 58, a.1: Ed. Leon. 9,9-10: justitia est perpetua et constans voluntas jus suum
unicuique tribuendi.
443 x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 282-283.
444 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2411.
445 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1928-1942, 2425-2449, 2832; Piô XI, Thông điệp
Divini Redemptoris: AAS 29 (1937), 92.
446 x.Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 2: AAS 73 (1981), 580-583.
447 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 40: AAS 80 (1988), 568; x.
Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1929.
448 Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 10: AAS 96
(2004), 121.
449 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 39: AAS 80 (1988), 568.
450 Ibid.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét