a. Giáo Hội là dấu chỉ và là người bảo vệ sự siêu việt của con người
49. Giáo Hội, cộng đồng những người đã được Đức Kitô Phục Sinh liên kết lại với nhau và đang lên đường bước theo Người, chính là “dấu chỉ và là người bảo vệ chiều hướng siêu việt của con người”54. Giáo Hội ấy là “một loại bí tích trong Đức Kitô – tức là dấu chỉ và dụng cụ của sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hợp nhất giữa loài người với nhau”55. Sứ mạng của Giáo Hội là công bố và truyền đạt sự cứu độ đã có được trong Đức Giêsu Kitô, mà Người gọi là “Nước Chúa” (Mc 1,15), tức là sự hiệp thông với Thiên Chúa và sự hiệp thông giữa loài người với nhau. Mục tiêu của ơn cứu độ hay Nước Chúa bao trùm hết mọi người và được thực hiện cách trọn vẹn nơi Thiên Chúa, ở bên kia lịch sử. Giáo Hội tiếp nhận “sứ mạng công bố và thiết lập giữa muôn dân Nước Đức Kitô cũng là Nước Chúa; Giáo Hội cũng là hạt giống hay là bước khởi đầu của Nước ấy trên trần gian”56.
50. Giáo Hội tự đặt mình một cách cụ thể vào vai trò phục vụ Nước Chúa trên hết mọi sự bằng cách loan báo và truyền đạt Tin Mừng cứu độ, cũng như bằng cách thiết lập những cộng đồng Kitô hữu mới. Ngoài ra, “Giáo Hội phục vụ Nước Chúa bằng cách phổ biến trên toàn thế giới các ‘giá trị của Tin Mừng’, cũng là cách diễn tả Nước Chúa và giúp người ta đón nhận kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Sự thật thì người ta có thể tìm thấy thực tại còn phôi thai của Nước Chúa bên ngoài biên giới Giáo Hội, nơi các dân tộc ở khắp mọi nơi, tuỳ theo họ sống các ‘giá trị của Tin Mừng’ nhiều tới đâu và tuỳ theo họ mở lòng cho Thánh Thần hoạt động để Ngài thổi khi nào và đi đâu tuỳ ý (x. Ga 3,8). Nhưng phải nói thêm ngay rằng chiều hướng trần thế này của Nước Chúa vẫn còn dang dở bao lâu nó không liên kết với Nước Chúa Kitô đang hiện diện trong Giáo Hội và đang vươn tới mức viên mãn trong ngày cánh chung”57. Từ đó, chúng ta có thể suy ra rằngkhông được lẫn lộn Giáo Hội với bất cứ cộng đồng chính trị nào và không được ràng buộc Giáo Hội vào bất cứ hệ thống chính trị nào58. Thật vậy, cộng đồng chính trị và Giáo Hội là hai thực thể tự trị và độc lập với nhau trong lĩnh vực riêng của mình; cả hai, dù mang danh nghĩa khác nhau, đều đang “xả thân phục vụ thiên chức vừa có tính cá nhân vừa có tính xã hội của cùng một con người”59. Thật vậy, có thể khẳng định rằng sự phân biệt giữa tôn giáo và chính trị, cũng như đưa ra được nguyên tắc tự do tôn giáo, chính là thành quả đặc biệt do Kitô giáo mang lại và là một trong những đóng góp căn bản vào lịch sử và văn hoá của Kitô giáo.
51. Theo kế hoạch của Thiên Chúa được thực hiện trong Đức Kitô, “một mục tiêu cứu độ và cánh chung, chỉ đạt được trọn vẹn trong cuộc sống sau này”, là điều tương xứng với bản chất và sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới60. Chính vì lý do này, Giáo Hội đóng góp một cách rất độc đáo, không gì có thể thay thế được, bằng cách lo sao cho gia đình nhân loại và lịch sử nhân loại ngày càng mang tính nhân bản hơn, tự đặt mình làm thành trì chống lại bất cứ toan tính độc tài nào khi Giáo Hội tỏ cho con người thấy ơn gọi toàn vẹn và dứt khoát của họ61.
Bằng việc rao giảng Tin Mừng, bằng ân sủng từ các bí tích và bằng kinh nghiệm sống tình hiệp thông huynh đệ, Giáo Hội đã “chữa lành và nâng cao phẩm giá con người, củng cố xã hội và làm cho những hoạt động thường ngày của con người mang một nhận thức và ý nghĩa sâu xa hơn”62. Do đó, khi nhìn tới sức sống cụ thể trong lịch sử, người ta không thể phân biệt được Nước Chúa đang đến qua một tổ chức xã hội, kinh tế hay chính trị nhất định và rõ rệt nào. Đúng hơn, người ta sẽ thấy Nước Chúa đến thông qua ý thức xã hội của con người ngày càng lớn, như một chất men làm cho con người được phát triển trọn vẹn, sống công bằng và liên đới khi cởi mở đón nhận Đấng Siêu Việt như điểm tham khảo để con người dựa vào mà phát triển bản thân mình cách đầy đủ.
b. Giáo Hội, Nước Chúa và sự đổi mới các quan hệ xã hội
52. Trong Đức Kitô, Thiên Chúa không những cứu chuộc các cá nhân mà còn cứu chuộc các mối quan hệ xã hội đang có giữa con người với nhau. Như tông đồ Phaolô đã dạy, sống trong Đức Kitô sẽ làm cho bản sắc và ý thức xã hội của con người – cùng với những hậu quả cụ thể trên bình diện lịch sử và xã hội – xuất hiện đầy đủ và mới mẻ: “Vì trong Đức Giêsu Kitô, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa, nhờ đức tin. Tất cả anh em đều đã được rửa tội trong Đức Kitô và đã mặc lấy Đức Kitô. Không còn phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, nam hay nữ, vì tất cả anh em đều là một trong Đức Kitô” (Gl 3,26-28). Nhìn trong viễn tượng ấy, các cộng đồng Giáo Hội, được liên kết nhờ thông điệp của Đức Giêsu Kitô và được quy tụ lại trong Thánh Thần chung quanh Chúa Phục Sinh (x. Mt 18,20; 28,19-20; Lc 24,46-49), đã tình nguyện trở thành những địa điểm hiệp thông, làm chứng và thi hành sứ mạng, cũng như làm thành chất xúc tác để cứu chuộc và biến đổi các mối quan hệ xã hội.
53. Việc biến đổi các mối quan hệ xã hội cho xứng với những đòi hỏi của Nước Chúa không chỉ được thực hiện trong các ranh giới cụ thể một lần là xong. Mà đúng hơn, đó là một nhiệm vụ được giao cho cộng đồng Kitô hữu để cộng đồng ấy khai triển và thực hiện qua những suy tư và thực hành do Tin Mừng soi sáng. Cũng một Thần Khí của Đức Chúa, vừa dẫn dắt dân Chúa vừa thâm nhập khắp vũ trụ63, thỉnh thoảng soi sáng cho nhân loại biết những phương cách vừa mới mẻ vừa thích hợp để thi hành trách nhiệm của mình một cách sáng tạo64. Thần Khí ban cho cộng đồng Kitô hữu ơn soi sáng ấy: họ là một bộ phận của thế giới và của lịch sử nên luôn sẵn sàng đối thoại với hết mọi người thiện chí để cùng nhau tìm kiếm các hạt giống chân lý và tự do đã được gieo vãi trong cánh đồng nhân loại bao la65. Để có được sự canh tân này một cách năng động, người ta phải gắn bó chặt chẽ với các nguyên tắc bất di dịch của luật tự nhiên, mà Thiên Chúa Tạo Hoá đã khắc ghi trong mỗi thụ tạo của Ngài (x. Rm 2,14-15) và đã chiếu ánh sáng cánh chung vào đó nhờ Đức Giêsu Kitô.
54. Đức Giêsu Kitô mạc khải cho chúng ta biết “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8) và dạy chúng ta rằng “luật căn bản làm con người nên hoàn thiện, và từ đó, giúp cải tạo thế giới, chính là điều răn mới về tình yêu. Người bảo đảm với những ai tin vào tình yêu Thiên Chúa rằng con đường yêu thương ấy là con đường mở ra cho hết mọi người và nỗ lực xây dựng một tình huynh đệ đại đồng không phải là vô ích”66. Luật này được nêu ra để trở thành thước đo sau cùng và trở thành quy luật cho mọi động lực có liên quan tới các mối tương giao của con người. Tóm lại, đó chính là mầu nhiệm của Thiên Chúa, là Tình yêu Ba Ngôi, là nền tảng làm cho con người, làm cho các quan hệ xã hội và các hoạt động trong thế giới của con người trở nên có ý nghĩa và giá trị, bao lâu con người đón nhận và tham gia vào mạc khải ấy thông qua Đức Kitô và trong Thánh Thần của Người.
55. Cải tạo thế giới cũng là một yêu cầu căn bản trong thời đại chúng ta. Đáp lại nhu cầu này, huấn quyền xã hội của Giáo Hội muốn đưa ra những câu trả lời mà các dấu chỉ của thời đại đòi hỏi, cho thấy tình yêu thương giữa loài người, theo cái nhìn của Chúa, chính là khí cụ mạnh mẽ nhất giúp thay đổi, cả trên bình diện cá nhân lẫn xã hội. Thật vậy, yêu thương nhau, chia sẻ tình yêu vô hạn của Thiên Chúa, chính là mục tiêu thật sự của nhân loại, mục tiêu trong lịch sử cũng như mục tiêu vượt lên trên lịch sử. Bởi đó, “phải cẩn thận phân biệt các tiến bộ trần gian với sự phát triển của Nước Chúa. Tuy nhiên, bao lâu sự tiến bộ trần gian có thể góp phần làm cho xã hội loài người được trật tự tốt đẹp hơn, thì tiến bộ ấy vẫn có liên quan mật thiết đối với Nước Chúa”67.
c. Trời mới và đất mới
56. Lời hứa của Thiên Chúa và sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô đã làm sống lại niềm hy vọng chắc chắn nơi các Kitô hữu về một chỗ ở mới mẻ và vĩnh cửu đã được chuẩn bị cho mỗi người, một trái đất mới nơi công lý ngự trị (x. 2 Cr 5,1-2; 2 Pr 3,13). “Sau khi sự chết đã bị khuất phục, con cái Chúa sẽ được sống lại trong Đức Kitô, những gì đã gieo trong yếu đuối và băng hoại sẽ mặc lấy sự bất hoại: đức ái và các việc làm của đức ái sẽ tồn tại và toàn thể vũ trụ mà Chúa đã tạo dựng cho con người sẽ được giải thoát khỏi kiếp phù vân”68. Niềm hy vọng này chẳng những không làm suy yếu mà còn làm tăng mối quan tâm của chúng ta đối với những gì cần làm trong thực tế hiện nay.
57. Những điều tốt đẹp – như phẩm giá con người, tình huynh đệ và sự tự do, tất cả những hoa trái tốt đẹp của thiên nhiên và công lao của con người – đã lan tràn khắp mặt đất nhờ Thánh Thần của Chúa và theo lệnh của Ngài, sau khi được thanh tẩy khỏi mọi vết nhơ, được chiếu sáng và biến đổi, tất cả sẽ thuộc về vương quốc chân lý và sự sống, vương quốc thánh thiện và ân sủng, vương quốc công lý, tình yêu và hoà bình để Đức Kitô trình lên cho Chúa Cha, và tại nơi đó, chúng ta sẽ một lần nữa gặp lại chúng. Những lời sau đây của Đức Kitô lúc bấy giờ sẽ lại vang lên vì tất cả mọi người: “Ôi những người được Cha Ta chúc phúc, hãy đến hưởng vương quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ khi tạo dựng trời đất; vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp đón; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau ốm, các ngươi đã viếng thăm; Ta bị tù, các ngươi đã đến thăm… vì khi các ngươi làm các điều ấy cho một anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta” (Mt 25,34-36.40).
58. Việc hoàn thành con người toàn diện trong Đức Kitô, thông qua ân ban của Thánh Thần, diễn ra trong lịch sử và được thực hiện qua những mối quan hệ cá nhân với những người khác, đến lượt những mối quan hệ này cũng đạt được sự trọn hảo nhờ những con người dấn thân cải thiện thế giới, trong công lý và hoà bình. Các hoạt động của con người trong lịch sử tự chúng cũng rất có ý nghĩa và rất có hiệu quả cho việc thiết lập vĩnh viễn Nước Chúa, cho dù đây vẫn mãi mãi là hồng ân do Chúa tặng ban, hoàn toàn mang tính siêu việt. Nếu biết tôn trọng trật tự khách quan của các thực tại trần thế và nếu được soi sáng bởi sự thật và tình yêu, các việc con người làm sẽ trở thành công cụ để xây dựng công lý và hoà bình được đầy đủ và toàn vẹn hơn, đồng thời thực hiện trước Nước Chúa đã được hứa hẹn ngay từ bây giờ.
Khi làm cho mình trở nên giống Đức Kitô Cứu Thế, con người sẽ thấy mình đúng là thụ tạo mà Chúa đã muốn và đã chọn từ đời đời, đã gọi tới hưởng ân sủng và vinh quang trong mầu nhiệm sung mãn mà họ được chia sẻ nhờ Đức Giêsu Kitô69. Trở nên giống Đức Kitô và được chiêm ngắm thánh nhan Người70 sẽ làm cho các Kitô hữu cảm thấy khao khát cách mãnh liệt được nếm trước ngay trong thế giới này, ngay trong bối cảnh các mối quan hệ của con người, điều sẽ là hiện thực trong thế giới tương lai. Chính vì thế, người Kitô hữu sẵn sàng chia sẻ đồ ăn, thức uống, quần áo, nơi ở, sự chăm sóc, tiếp đón và tình bằng hữu cho Chúa khi Người gõ cửa nhà mình (x. Mt 25,35-37).
d. Đức Maria và lời “xin vâng” trong kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa
59. Người thừa kế niềm hy vọng thánh thiện trong dân Israel và người đầu tiên trong hàng ngũ các môn đệ Đức Kitô chính là Đức Maria, Mẹ Đức Giêsu Kitô. Qua lời “Xin vâng” đối với kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa (x. Lc 1,38), nhân danh toàn thể nhân loại, ngài đã chấp nhận Đấng do Chúa Cha gửi tới trong lịch sử, còn gọi là Đấng Cứu Chuộc loài người. Trong kinh “Magnificat”, ngài ca tụng mầu nhiệm Cứu Độ đến gần, sự xuất hiện của “Đấng Mêsia của người nghèo” (x. Is 11,4; 61,1). Thiên Chúa của Giao Ước, mà Đức Trinh Nữ người Nazareth ca tụng với tinh thần hân hoan, chính là Đấng lật đổ người quyền thế khỏi ngai vàng và nâng cao kẻ hèn mọn, cho kẻ nghèo đói được no đủ, đuổi người giàu có trở về tay không, đánh tan tác kẻ kiêu ngạo và tỏ lòng thương xót với những ai kính sợ Ngài (x. Lc 1,50-53).
Khi ngước nhìn tâm hồn Đức Maria, ngước nhìn đức tin sâu thẳm của ngài biểu lộ qua kinh “Magnificat”, các môn đệ Đức Kitô được mời gọi hãy nhớ lại một cách đầy đủ hơn bao giờ hết rằng “không thể tách sự thật về Thiên Chúa cứu độ, Thiên Chúa nguồn mạch mọi ơn huệ với Thiên Chúa luôn tỏ lòng ưu ái người nghèo nàn và khiêm tốn – tình thương này đã được ca tụng trong kinh Magnificat và về sau sẽ được bày tỏ trong lời nói và việc làm của Đức Giêsu”71. Đức Maria hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa và hướng trọn vẹn về Thiên Chúa do chính đức tin của ngài thúc đẩy. Ngài là “hình ảnh trọn vẹn nhất của một nhân loại và một vũ trụ được tự do và được giải thoát”72.
------------------------------------------------------------------------------------------------------------
54 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 76: AAS 58 (1966), 1099.
55 CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, 1: AAS 57 (1965), 5.
56 Ibid., 5: AAS 57 (1965), 8.
57 Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, 20: AAS 83 (1991), 267.
58 x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 76: AAS 58 (1966), 1099;
Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2245.
59 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 76: AAS 58 (1966), 1099.
60 Ibid., 40: AAS 58 (1966), 1058.
61 x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2244.
62 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 40: AAS 58 (1966), 1058.
63 Ibid., 11: AAS 58 (1966), 1033.
64 x. Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 37: AAS 63 (1971), 426-427.
65 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Hominis, 11: AAS 71 (1979), 276: “Các
giáo phụ đã có lý khi nhìn tình trạng có nhiều tôn giáo như có nhiều phản ánh từ
một chân lý duy nhất, như ‘các hạt giống của Ngôi Lời duy nhất’: dù người ta có thể
đi tới đó bằng nhiều con đường khác nhau, nhưng chỉ có một mục tiêu duy nhất mà
khát vọng sâu xa nhất của tâm trí con người luôn hướng tới”.
66 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 38: AAS 58 (1966), 1055-1056.
67 Ibid., 39: AAS 58 (1966), 1057.
68 Ibid.
69 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptor Hominis, 13: AAS 71 (1979), 283-284.
70 x. Gioan Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, 16-28: AAS 93 (2001), 276-285.
71 Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Mater, 37: AAS 79 (1987), 410.
72 Bộ Giáo lý Đức tin, Huấn thị Libertatis Conscientia, 97: AAS 79 (1987), 597.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét