Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

III. TỔ CHỨC CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ (Chương IX)


a. Giá trị của các tổ chức quốc tế
440Giáo Hội là người bạn đường trong cuộc hành trình nhằm thành lập một “cộng đồng” quốc tế đích thực, một cộng đồng đã có một hướng đi rõ rệt khi Tổ chức Liên Hiệp Quốc được thành lập năm 1945. Liên Hiệp Quốc “đã đóng góp đáng kể vào việc đẩy mạnh sự tôn trọng phẩm giá con người, sự tự do của các dân tộc và những yêu cầu của sự phát triển, từ đó chuẩn bị vùng đất văn hoá và định chế để xây dựng hoà bình”909. Nói chung, Học thuyết Xã hội Công giáo nhìn rất tích cực vai trò của các tổ chức liên chính phủ, nhất là những tổ chức đang hoạt động trong những lĩnh vực chuyên biệt910. Tuy nhiên, giáo huấn có những dè dặt khi thấy các tổ chức ấy đề cập tới nhiều vấn đề một cách không đúng911. Huấn Quyền nhắc nhở rằng hoạt động của các cơ quan quốc tế phải đáp ứng các nhu cầu con người trong đời sống xã hội và trong các lĩnh vực quan trọng đặc biệt đối với việc chung sống hòa bình và trật tự của nhiều quốc gia và nhiều dân tộc912.
441Vì quan tâm tới việc chung sống hoà bình và trật tự trong gia đình nhân loại, nên Huấn Quyền đã phải nhấn mạnh tới nhu cầu thiết lập “một thẩm quyền chung mang tính quốc tế nào đó, được mọi quốc gia nhìn nhận và được trao cho quyền lực hữu hiệu, để bảo vệ an ninh nhân danh mọi quốc gia, chăm lo cho công lý và tôn trọng nhân quyền”913. Trong dòng lịch sử, dù mỗi thời có những quan điểm khác nhau, nhưng luôn luôn có một nhận thức chung là cần phải có một quyền hành tương tự để giải quyết các vấn đề thế giới, phát sinh từ việc cùng nhau tìm kiếm công ích: điểm cơ bản vẫn là quyền hành ấy phải bắt nguồn từ một sự thoả thuận chung, chứ không bị áp đặt, cũng không phải là một loại “quyền lực toàn cầu siêu quốc gia”914.
Quyền hành chính trị thi hành ở cấp cộng đồng quốc tế ấy phải được luật pháp điều phối, nhằm phục vụ công ích và luôn tôn trọng nguyên tắc bổ trợ. “Quyền hành chung của cộng đồng quốc tế này không được đặt ra để hạn chế phạm vi hoạt động của quyền hành thuộc mỗi cộng đồng chính trị, càng không nhằm thay thế quyền hành của cộng đồng này. Ngược lại, mục đích của quyền hành ấy là tạo ra – trên cơ sở là thế giới – một môi trường cho các chính quyền của mỗi cộng đồng chính trị, các công dân và các tổ chức trung gian có thể thi hành nhiệm vụ của mình, chu toàn các nghĩa vụ và thực thi quyền hạn của mình một cách an toàn hơn”915.
442Vì các vấn đề hiện nay mang tính toàn cầu, nên hơn bao giờ hết cần phải khẩn trương khởi động các hoạt động chính trị mang tính quốc tế để theo đuổi mục tiêu hoà bình và phát triển bằng cách chấp nhận những biện pháp có phối hợp với nhau916. Huấn Quyền nhìn nhận sự lệ thuộc lẫn nhau giữa con người và các quốc gia hiện nay đang mang chiều hướng luân lý, và đang là nhân tố quyết định cho các quan hệ trong thế giới hiện nay về mặt kinh tế, văn hoá, chính trị và tôn giáo. Trong bối cảnh ấy, người ta hy vọng sẽ có một sự duyệt xét lại các tổ chức quốc tế, một tiến trình “đòi người ta phải vượt qua những sự ganh đua về chính trị và phải từ bỏ mọi tham vọng muốn lèo lái các tổ chức ấy, để các tổ chức này chỉ nhắm tới công ích”917 với mục đích là làm sao “giúp thế giới được trật tự hơn”918.
Cách riêng, các cơ cấu liên chính phủ phải thực hiện các chức năng của mình thật hữu hiệu, là kiểm soát và hướng dẫn trong lĩnh vực kinh tế, vì việc đạt cho được công ích đã trở thành mục tiêu vượt ra ngoài khả năng của mỗi quốc gia, dù các quốc gia ấy có thể rất trổi vượt về quyền lực, sự thịnh vượng và sức mạnh chính trị919. Ngoài ra, các cơ quan quốc tế phải bảo đảm có sự bình đẳng, là nền tảng để mọi quốc gia được quyền tham gia vào tiến trình phát triển toàn diện, nhưng vẫn tôn trọng những dị biệt chính đáng920.
443Huấn Quyền đánh giá cách tích cực các hiệp hội được hình thành trong xã hội dân sự nhằm hướng dẫn công luận nhận thức các khía cạnh khác nhau của đời sống quốc tế, chú ý đặc biệt tới việc tôn trọng các quyền con người, như chúng ta đã chứng kiến nơi “nhiều hiệp hội tư nhân mới được thành lập, nơi một số hiệp hội có hội viên trên toàn thế giới, hầu như tất cả đều chú tâm theo dõi một cách cẩn thận và khách quan đáng khen ngợi những gì đang xảy ra trên thế giới trong lĩnh vực nhạy cảm này”921.
Các chính phủ nên phấn khởi trước những sự dấn thân của các tổ chức ấy, là những tổ chức tìm cách thực hiện các lý tưởng còn tiềm ẩn của cộng đồng quốc tế, “nhất là qua những cử chỉ cụ thể diễn tả sự liên đới và hoà bình của nhiều cá nhân tham gia các Tổ chức Phi Chính phủ (NGO) hay các Phong trào đòi Nhân quyền992.
b. Tư cách pháp nhân của Toà Thánh
444Toà Thánh, hay Tông Toà923, có đầy đủ chủ thể tính quốc tế như một quyền hành tối thượng để thực thi các hành động mà xét theo pháp lý là những việc của chính mình. Toà Thánh thể hiện chủ quyền của mình ra bên ngoài, được nhìn nhận trong khuôn khổ cộng đồng quốc tế, cộng đồng này phản ánh điều được thi hành trong nội bộ Giáo Hội, và được đánh dấu bằng hai đặc điểm là thống nhất và độc lập về mặt tổ chức. Giáo Hội sử dụng các phương thế pháp lý cần thiết và hữu ích để thi hành sứ mạng của mình.
Hoạt động quốc tế của Toà Thánh được bày tỏ cách khách quan dưới nhiều bộ mặt khác nhau: quyền cử đại biểu chủ động hay thụ động; được thi hành quyền phản đối (ius contrahendi) khi ký kết các hiệp ước; được tham dự vào các tổ chức quốc tế như những tổ chức dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc; quyền đưa ra những sáng kiến hoà giải trong các tình huống xung đột. Những hoạt động này nhằm mục đích cống hiến cho cộng đồng thế giới một sự phục vụ phi đảng phái của Giáo Hội, vì Giáo Hội không tìm kiếm lợi ích nào cho mình nhưng chỉ mưu cầu ích lợi cho toàn thể gia đình nhân loại. Toà Thánh tận dụng cách đặc biệt số cán bộ ngoại giao của mình để họ thực hiện các hoạt động theo hướng đó.
445Công tác ngoại giao của Toà Thánh, thành quả của một cách thức làm việc từ xưa đã được thời gian minh chứng, chính là công cụ hoạt động không những để Giáo Hội được tự do (libertas Ecclesiae) mà còn để bảo vệ và phát huy phẩm giá con người, cũng như phục vụ một trật tự xã hội dựa trên các giá trị công lý, sự thật, tự do và tình yêu. “Dựa vào một quyền bẩm sinh nằm ngay trong chính sứ mạng tinh thần của mình và được đẩy mạnh do sự phát triển của các biến cố lịch sử trong nhiều thế kỷ qua, chúng tôi cũng gửi các sứ thần Toà Thánh đến với chính quyền tối cao của những nước mà trong đó Giáo hội Công giáo đã bám rễ sâu hay đang có mặt cách nào đó. Dĩ nhiên, đúng là các mục tiêu mà Giáo Hội và quốc gia theo đuổi thuộc về các trật tự khác nhau, và cả hai đều là những xã hội hoàn bị, vì thế có đủ các phương tiện riêng để hoạt động, đồng thời được tự trị trong lĩnh vực hoạt động riêng của mình. Tuy nhiên, cũng đúng là cả hai đều nhắm phục vụ ích lợi của một đối tượng chung là con người. Con người này được Thiên Chúa kêu gọi hưởng ơn cứu độ vĩnh cửu và được Thiên Chúa đặt trên trần gian để nhờ ơn Chúa giúp có thể đạt tới ơn cứu độ thông qua các việc mình làm, nhờ đó được hạnh phúc trong môi trường xã hội hoà bình”924. Ích lợi của dân tộc và của các cộng đồng nhân loại sẽ được đáp ứng nhờ việc đối thoại có tổ chức giữa Giáo Hội và chính quyền dân sự, điều này cũng được diễn tả qua việc ký kết những thoả ước song phương. Nhờ đối thoại như thế, các mối quan hệ hiểu biết lẫn nhau và cộng tác với nhau mới xuất hiện và mới được củng cố, cũng như ngăn chặn hay giải quyết được các cuộc tranh chấp. Mục đích của đối thoại là góp phần làm cho mỗi dân tộc và toàn thể nhân loại được tiến bộ trong công lý và hoà bình.
----------------------------------------------------------------------------------------------------
909  x. Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 7: AAS 96 (2004), 118.
910  x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 426, 439; Gioan
   Phaolô II, Diễn văn gửi Đại hội FAO lần thứ 20 (12-11-1979), 6: L’Osservatore
   Romano, bản Anh ngữ, 26.11.1979, tr. 6; Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi UNESCO
   (02-06-1980), 5,8: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 23-06-1980, tr. 9-10; Gioan
   Phaolô II, Diễn văn gửi Hội đồng các Bộ trưởng Hội nghị bàn về An ninh và Hợp tác
   tại Âu Châu (CSDE) (30-11-1993), 3, 5: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 08-12-
   1993, tr. 1-2.
911  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp gửi cho ông Nafis Sadik, Tổng Thư ký Hội nghị Quốc
   tế năm 1994 về Dân số và Phát triển (18-03-1994): AAS 87 (1995), 191-192; Gioan
   Phaolô II, Thông điệp gửi bà Gertrude Mongella, Tổng Thư ký Hội nghị Quốc tế lần
   thứ tư của Liên Hiệp Quốc về Phụ nữ (26-05-1995): L’Osservatore Romano, bản Anh
   ngữ, 31-05-1995, tr. 2.
912   x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 84: AAS 58 (1966), 1107-1108.
913  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 81: AAS 58 (1966), 1105; x.
    Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 293; Phaolô VI, Thông
    điệp Populorum Progressio, 78: AAS 59 (1967), 295.
914  Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2003, 6: AAS 95 (2003), 344.
915  Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 294-295.
916  x. Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 51-55 và 77-79: AAS 59 (1967),
    282-284, 295-296.
917  Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 43: AAS 80 (1988), 575.
918  Ibid.; x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 7: AAS 96
    (2004), 118.
919  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 58: AAS 83 (1991), 863-864.
920  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 33. 39: AAS 80 (1988), 557-
    559, 566-568.
921  Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 26: AAS 80 (1988), 544-547.
992  Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 7: AAS 96 (2004), 118.
923  x. Giáo Luật, điều 361.
924  Phaolô VI, Tông thư Sollicitudo Omnium Ecclesiarum: AAS 61 (1969), 476.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét