Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

V. CÁC QUYỀN LỢI CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG (Chương VI)


a. Phẩm giá người lao động và việc tôn trọng các quyền lợi của người lao động
301Các quyền lợi của người lao động, cũng như tất cả các quyền khác, đều dựa trên bản tính và phẩm giá siêu việt của con người. Huấn quyền xã hội của Giáo Hội đã nhận thấy nên liệt kê một số trong các quyền ấy, với hy vọng rằng chúng sẽ được nhìn nhận trong các hệ thống tư pháp: quyền hưởng lương công bằng651; quyền nghỉ ngơi652; quyền “có được môi trường làm việc và với những quá trình sản xuất không làm hại tới sức khoẻ thể lý hay đời sống luân lý của người lao động”653; quyền được bảo vệ nhân cách của mình tại nơi làm việc “mà không phải chịu một thương tổn nào đối với lương tâm hay phẩm giá của mình”654; quyền được hưởng những trợ cấp thích đáng cần thiết để nuôi sống gia đình và nuôi sống mình khi thất nghiệp;655 quyền được hưởng trợ cấp và bảo hiểm khi về già, bệnh tật và bị tai nạn lao động656; quyền được an toàn về mặt xã hội khi làm mẹ657; quyền hội họp và lập hội658. Những quyền này thường bị vi phạm; điều ấy được xác nhận qua một sự kiện đáng buồn là người lao động thường bị trả lương thấp, không được bảo vệ hay không có những đại diện thích đáng. Chúng ta cũng thường thấy điều kiện làm việc cho đàn ông, đàn bà và trẻ em, nhất là tại các nước đang phát triển, rất phi nhân, đến nỗi chúng xúc phạm tới phẩm giá của họ và làm hại tới sức khoẻ của họ.
b. Quyền được hưởng lương công bằng và được phân chia lợi tức
302Tiền lương là phương tiện quan trọng nhất để đạt được công lý trong các quan hệ lao động659. “Lương công bằng là kết quả chính đáng của lao động”660. Ai không chịu trả lương công bằng hay trả lương không đúng hạn và không tương xứng với việc đã làm đều phạm tội bất công nặng nề (x. Lv 19,13; Đnl 14,14-15; Gc 5,4). Tiền lương là phương thế cho phép người lao động hưởng được tài nguyên của trái đất. “Lương trả cho lao động phải thế nào để con người có phương tiện chăm lo đời sống vật chất, xã hội, văn hoá và tâm linh của mình và của những người tuỳ thuộc mình, căn cứ trên chức năng và năng suất của mỗi người, hoàn cảnh của xí nghiệp hay công xưởng và công ích”661. Chỉ căn cứ trên sự thoả thuận giữa thợ và chủ về số tiền sẽ nhận được là chưa đủ để có một mức lương được đánh giá là “lương công bằng”, vì lương công bằng “không được thấp hơn mức sống”662 của người lao động: công lý tự nhiên phải là điều kiện tiên quyết và phải được đặt cao hơn sự thoả thuận tự do giữa hai bên.
303Sự thịnh vượng kinh tế của quốc gia không chỉ được đo bằng số lượng của cải quốc gia ấy làm ra, mà còn phải xét tới cách thế mà chúng được làm ra và mức độ công bằng trong việc phân chia lợi tức, nhờ đó ai ai cũng có được những điều cần thiết cho sự phát triển và hoàn thiện bản thân mình. Muốn phân chia lợi tức một cách công bằng, phải dựa vào các tiêu chuẩn không phải chỉ của công lý giao hoán mà còn của công lý xã hội, tức là không chỉ xét tới giá trị khách quan của công việc đã làm mà còn xét tới phẩm giá của những người làm công việc ấy. Một sự thịnh vượng kinh tế đích thực còn là sự thịnh vượng được theo đuổi nhờ những chính sách xã hội thích hợp để phân chia lại lợi tức, tức là những chính sách có xét đến các hoàn cảnh chung, công trạng cũng như nhu cầu của mỗi công dân.
c. Quyền đình công 
304Giáo huấn xã hội của Giáo Hội nhìn nhận sự chính đáng của việc đình công “khi không thể tránh được hay ít là khi cần giành được một lợi ích tương xứng”663, khi các phương pháp khác để giải quyết tranh chấp đều đã vô hiệu664. Đình công, một trong những chiến thắng cam go nhất mà các nghiệp đoàn lao động giành được, có thể được định nghĩa là sự từ chối tập thể, có phối hợp của các người lao động không muốn tiếp tục phục vụ, để nhờ áp lực trên các chủ nhân, Nhà Nước hay trên công luận như thế mà người lao động có được những điều kiện làm việc tốt hơn hay quy chế xã hội của họ được cải thiện. Đình công, “như một loại tối hậu thư”665, phải luôn luôn là một biện pháp hoà bình nhằm đưa ra những yêu sách và đấu tranh cho quyền lợi của người lao động. Đình công sẽ trở thành “không thể chấp nhận được về mặt luân lý khi nó có bạo lực đi kèm hay khi các mục tiêu nêu ra không trực tiếp liên quan tới điều kiện làm việc hay khi các mục tiêu ấy đi ngược với công ích”666.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
651  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 19: AAS 73 (1981), 625-629.
652  x. Ibid.
653  Ibid.
654  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 15: AAS 83 (1991), 812.
655  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 18: AAS 73 (1981), 622-625.
656  x. Ibid. số 19: AAS 73 (1981), 625-629.
657  x. Ibid.
658 x. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 135; Piô XI,
   Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 186; Piô XII, Thông điệp Sertum
   Laetitiae: AAS 31 (1939), 643; Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55
   (1963), 262-263; CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 68: AAS 58
   (1966), 1089-1090; Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 20: AAS 73
   (1981), 629-632; Thông điệp Centesimus Annus, 7: AAS 83 (1991), 801-802.
659  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 19: AAS 73 (1981), 625-629.
660  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2434; x. Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno:
   AAS 23 (1931), 198-202: “Lương công bằng” – tựa đề của chương IV (số 65-76),
   phần II.
661  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 67: AAS 58 (1966), 1088-1089.
662  Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 131.
663  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2435.
664  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 68: AAS 58 (1966), 1089-
    1090; Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 20: AAS 73 (1981), 629-632;
    x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2430.
665  Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 20: AAS 73 (1981), 632.
666   x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2435.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét