Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Tiến triển trong việc xác định bản chất GHXH


Mục 3. BẢN CHẤT GHXH

       Trong chương vừa rồi, chúng ta thấy sự tiến triển của GHXH cách riêng trong thế kỷ XX. Sự tiến triển này phần nào bắt nguồn từ những vấn đề mới được đặt ra cho xã hội và Giáo hội, tiếp theo những thay đổi chính trị và kinh tế tại châu Âu. Trước những tình thế mới, Giáo hội tìm cách đưa ra những câu trả lời mới, dựa theo sự phân tích nhận định dưới ánh sáng của Lời Chúa.
       Song song với việc can thiệp vào những vấn đề cụ thể, Giáo hội cũng suy nghĩ về ý nghĩa của những tuyên ngôn của mình: tại sao phải lên tiếng? lên tiếng với danh nghĩa nào? Nói đúng ra, những vấn nạn được nêu lên từ hai phía:
       - Đối ngoại, về phía chính quyền: tại sao Giáo hội  “làm chính trị”? Tại sao Giáo hội xen mình vào lãnh vực chính trị? Hoạt động chính trị và kinh tế có những “định luật” riêng của chúng, và các nhà chính trị không muốn để cho ai sửa lưng.
       - Đối nội, về phía các phần tử trong Giáo hội: những tuyên ngôn của Huấn quyền về vấn đề xã hội có giá trị vĩnh cửu bất biến không? Hay chúng chỉ có giá trị nhất thời, tuỳ theo cơ hội?
       Dưới khía cạnh này, chúng ta có thể thấy một sự tiến triển trong chính quan điểm của Giáo hội về những giáo huấn xã hội. Sự tiến triển này có thể nhận thấy dưới nhiều khía cạnh.
I. Tiến triển trong việc xác định bản chất GHXH (xc. TLHT số 72-86)
       Chúng ta có thể tóm tắt những sự tiến triển như thế này:
       - từ vài vấn đề cụ thể đến cái nhìn toàn diện;
       - từ lập luận dựa theo lý trí đến việc quy chiếu vào mạc khải;
       - từ một ngành triết học đến một ngành thần học.
       1. Từ cụ thể đến tổng bộ
       Như đã thấy trong mục trước, những thông điệp đầu tiên thường chỉ đề cập đến một vài vấn đề cụ thể, chẳng hạn như: lao động, tư hữu, hòa bình. Dần dần, Giáo hội nhận thấy rằng những tuyên ngôn ấy không mang tính cách lẻ tẻ, rời rạc, nhưng có liên hệ với nhau, họp thành một tổng bộ, xếp đặt thành hệ thống mạch lạc.
       2. Từ lý trí đến đức tin
       Trong những thông điệp đầu tiên, các đức giáo hoàng thường dùng đến những luận cứ triết học, vì nghĩ rằng những luận cứ của lý trí có thể dễ được chấp nhận bởi những người ngoài Giáo hội.
       Tuy nhiên, dần dần, các đức giáo hoàng ý thức rằng Giáo hội không phải là một trường phái triết học, vì thế cần phải quy chiếu vào mạc khải nữa. Mạc khải không xung khắc với lý trí, trái lại còn nâng cao lý trí tới những viễn tượng mới.
       Mặt khác, khi nại đến mạc khải, Giáo hội giải thích ý nghĩa của việc can thiệp vào vấn đề chính trị xã hội: Giáo hội không đề ra một trường phái triết học mới, cũng không đề ra một chính sách, nhưng Giáo hội thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng cứu độ.
       3. Từ triết học đến thần học
       Từ đó, GHXH được xếp vào một bộ môn thần học, chứ không thuộc về triết học. GHXH là một ngành của thần học luân lý[1]. Như sẽ thấy trong phụ lục II, những vấn đề GHXH được đưa vào Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo, ở phần thứ ba (Sống đức tin). Tuy nhiên, cần lưu ý là luân lý không chỉ gồm những mệnh lệnh phải làm hoặc những ngăn cấm phải tránh như trong một bộ luật hình sự. Không phải thế, luân lý được ví như là những con đường dẫn con người đạt đến hạnh phúc vĩnh cửu. Luân lý cũng được ví như là những cách cư xử xứng hợp với tư cách của một “hình ảnh Thiên Chúa”. Nói theo ngôn ngữ cổ truyền, luân lý dạy ra “đạo làm người”, ăn ở sao cho xứng hợp với thiên chức làm người. Tuy nhiên, bên cạnh việc khám phá thiên chức của con người dựa theo lý luận tự nhiên, Thiên Chúa còn mạc khải kế hoạch mà Ngài dành cho con người, đó là đưa con người đến kết hiệp với Ngài trong cõi trường sinh. Đáp lại sự mạc khải đó, con người lại cần phải cư xử thế nào cho xứng với ơn gọi của mình.
       Đó là lý do của việc trình bày về phẩm giá con người trong sách GLCG (số 1700-1869)  cũng như trong sách TLGH (chương Ba, số 105-159).


[1] Quan điểm này rõ ràng từ thông điệp Sollicitudo rei socialis số 41. Xc. TLHT số 73.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét