Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

IV. GIA ĐÌNH LÀ CHỦ THỂ TÍCH CỰC THAM GIA VÀO ĐỜI SỐNG XÃ HỘI (Chương V)



a. Liên đới trong gia đình

246Chủ thể tính xã hội của gia đình, xét như một đơn vị duy nhất hay như một số người liên kết thành một nhóm, được biểu lộ qua những hình thức liên đới không những giữa các gia đình với nhau mà cả khi tham gia vào đời sống xã hội và chính trị dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều này sẽ xảy ra khi gia đình được xây dựng trên tình yêu: vì được sinh ra trong tình yêu và lớn lên trong tình yêu, nên các thành viên trong gia đình sẽ thấy sự liên đới là một yếu tố làm nên gia đình và cơ cấu hoá gia đình.
Đây là một sự liên đới có thể mang hình thức phục vụ và quan tâm tới những người nghèo khổ và túng thiếu, những người mồ côi, tàn tật, ốm đau, cao tuổi, những người sầu não, đang sống trong nghi ngờ, cô đơn hay bị bỏ rơi. Đó là một sự liên đới đưa người ta tới chỗ sẵn sàng đón nhận, bảo trợ, nhận nuôi; liên đới cũng có thể là làm cho các cơ quan và tổ chức quan tâm tới mọi tình cảnh nghèo khổ để họ có thể can thiệp tuỳ theo khả năng của mình.   
247Thay vì chỉ làm những đối tượng của hoạt động chính trị, gia đình có thể và cần phải trở thành những chủ thể tích cực, hoạt động “sao cho luật lệ và định chế quốc gia không những không xâm phạm mà còn hậu thuẫn và tích cực bảo vệ quyền lợi và nghĩa vụ của gia đình. Theo chiều hướng ấy, các gia đình cần phải ngày càng ý thức rằng mình là ‘vai chính’ trong những cái được gọi là ‘chính sách gia đình’ và gánh lấy trách nhiệm biến đổi xã hội”559. Để đạt được mục đích ấy, cần phải thúc đẩy và củng cố các hiệp hội gia đình. “Các gia đình có quyền thành lập các hiệp hội cùng với các gia đình và tổ chức khác, để chu toàn vai trò của gia đình một cách thích hợp và hiệu quả, cũng như để bảo vệ quyền lợi của mình, cổ vũ điều tốt và đại diện cho các lợi ích của gia đình. Trên bình diện kinh tế, xã hội, pháp luật và văn hoá, phải làm sao cho người ta nhìn nhận vai trò đúng đắn của các gia đình và các hiệp hội gia đình trong việc thiết lập và thực hiện các chương trình liên quan đến đời sống gia đình”560.
b. Gia đình, đời sống kinh tế và lao động
248Quan hệ giữa gia đình và đời sống kinh tế là một điều có ý nghĩa đặc biệt. Thật vậy, một đàng, kinh tế (theo nguyên ngữ “oiko-nomia”, nghĩa là quản trị gia đình) được sinh ra từ những việc làm trong gia đình. Từ lâu – và hiện nay ở nhiều nơi vẫn còn – nhà ở vừa là nơi sản xuất vừa là trung tâm của đời sống. Đàng khác, đời sống kinh tế phát triển được là nhờ sáng kiến của con người và được thực hiện theo những vòng tròn đồng tâm, theo những mạng lưới càng ngày càng rộng lớn của sản xuất, trao đổi hàng hoá và dịch vụ, lôi kéo các gia đình tham gia ngày càng nhiều hơn. Bởi đó, gia đình phải được nhìn một cách đúng đắn là tác nhân chính yếu của đời sống kinh tế, tác nhân này làm việc không phải theo xu hướng thị trường mà theo tinh thần chia sẻ và liên đới giữa các thế hệ.
249Gia đình và lao động được liên kết với nhau bằng một mối quan hệ hết sức đặc biệt. “Gia đình là một trong những điểm quy chiếu quan trọng nhất để làm nên trật tự xã hội và đạo đức cho lao động con người”561. Quan hệ này bắt nguồn từ mối quan hệ đã có giữa con người với quyền được hưởng thành quả lao động của mình, và có liên hệ không chỉ với con người xét như một cá thể đơn lẻ mà còn như một thành viên trong gia đình, được hiểu như một “xã hội tại gia562.
Lao động vẫn là điều thiết yếu bao lâu nó còn là điều kiện để người ta có thể xây dựng một gia đình, vì các phương tiện nuôi sống gia đình có được là nhờ lao động. Lao động cũng là điều kiện cho quá trình phát triển bản thân, vì một gia đình bị thất nghiệp sẽ có nguy cơ không hoàn thành được mục tiêu của mình563.
Sự đóng góp mà gia đình có thể đem lại cho thực tế lao động thật đáng giá, và trong nhiều trường hợp, là điều không thể thay thế được. Sự đóng góp ấy có thể được thấy qua những chỉ số của nền kinh tế, cũng như qua sự liên đới phong phú mà gia đình có được, thường là sự hỗ trợ rất lớn cho những người trong gia đình không có việc làm hay đang kiếm việc làm. Trên hết và còn căn bản hơn nữa, gia đình đóng góp vào đời sống kinh tế bằng cách dạy cho mọi người trong gia đình biết ý nghĩa của lao động, cũng như bằng cách chỉ dẫn và hỗ trợ cho mọi người trong gia đình có những lựa chọn nghề nghiệp đúng đắn.
250Để bảo vệ quan hệ giữa gia đình và lao động, cần phải trân trọng và bênh vực một điều, đó là tiền lương gia đình, tiền lương đủ nuôi sống gia đình và cho phép gia đình sống xứng đáng564. Tiền lương ấy cũng cho phép gia đình tiết kiệm hầu sau này có thể mua sắm được một tài sản nào đó như một vật bảo đảm sự tự do của mình. Quyền có tài sản là quyền gắn bó mật thiết với sự sống còn của gia đình, nhờ đó gia đình có thể thoát khỏi sự túng thiếu, bằng cách biết tiết kiệm và xây dựng được một tài sản cho gia đình565. Có thể có nhiều phương cách khác nhau để làm cho tiền lương gia đình trở thành một thực tế cụ thể. Những sự tài trợ xã hội dưới nhiều hình thức sẽ giúp thực hiện điều ấy, chẳng hạn các tiền trợ cấp gia đình và những đóng góp khác cho những thành phần còn phải lệ thuộc gia đình, cũng như tiền lương trả cho việc nội trợ do cha hoặc mẹ đảm đương566
251Trong mối tương quan giữa gia đình và lao động, cần chú ý đặc biệt tới vấn đề lao động của phụ nữ trong gia đình, hay nói tổng quát hơn, cần chú ý tới việc công nhận loại lao động được gọi là “nội trợ”, hiện nay cũng đang là trách nhiệm của những người nam với tư cách làm chồng và làm cha trong gia đình. Lao động nội trợ, bắt đầu là việc của người mẹ, chính xác vì đó là một sự phục vụ tận tuỵ nhằm làm cho cuộc sống có chất lượng, là một kiểu lao động mang tính hết sức cá nhân và có sức nhân bản hoá, và nó cần phải được xã hội công nhận và đánh giá cao567, cũng bằng cách đền bù về mặt kinh tế như các loại hình lao động khác568. Đồng thời, cần phải quan tâm loại bỏ mọi trở ngại khiến cho vợ chồng không thể đưa ra những quyết định tự do liên quan đến trách nhiệm sinh sản của họ, và đặc biệt, những quyết định không cho phép người phụ nữ thực hiện đầy đủ vai trò làm mẹ569.
-------------------------------------------------------------------------------------------
559  Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 44: AAS 74 (1982), 136; x. Toà
    Thánh, Hiến chương về Quyền Gia đình, điều 9, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican,
    Vatican 1983, tr. 13.
560 Toà Thánh, Hiến chương về Quyền Gia đình, điều 8 ab, Nhà Xuất bản Đa ngữ
   Vatican, Vatican 1983, tr. 12.
561  Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 10: AAS 73 (1981), 601.
562  Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 104.
563  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 10: AAS 73 (1981), 600-602.
564 x. Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 200; CĐ. Vatican II, Hiến
   chế Mục vụ Gaudium et Spes, 67: AAS 58 (1966), 1088-1089; Gioan Phaolô II,
    Thông điệp Laborem Exercens, 19: AAS 73 (1981), 625-629.
565 x. Lêô XIII, Thông điệp Rerum Novarum: Acta Leonis XIII, 11 (1892), 105; Piô XI,
   Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 193-194.
566 x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 19: AAS 73 (1981), 625-629;             Toà Thánh, Hiến chương về Quyền Gia đình, điều 10 a, Nhà Xuất bản Đa ngữ             Vatican, Vatican 1983, tr.14.
567 x. Piô XII, Huấn từ với các phụ nữ về phẩm giá và sứ mạng của người phụ nữ (21-         10-1945): AAS 37 (1945), 284-295; Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens,    19: AAS 73 (1981), 625-629; Tông huấn Familiaris Consortio, 23: AAS 74 (1982),     107-109; Toà Thánh, Hiến chương về Quyền Gia đình, điều 10b, Nhà Xuất bản Đa            ngữ Vatican, Vatican 1983, tr. 14.
568  x. Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane 17: AAS 86 (1994),
    903-906.
569  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 19: AAS 73 (1981), 625-629;
    Tông huấn Familiaris Consortio, 23: AAS 74 (1982), 107-109.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét