Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

V. SỰ THAM GIA (Chương IV)



a. Ý nghĩa và giá trị

189Một hệ luận điển hình của nguyên tắc bổ trợ là sự tham gia402, được thực hiện chủ yếu qua một loạt hoạt động mà nhờ đó các công dân – trong tư cách cá nhân hay liên kết với người khác, trực tiếp hay thông qua đại diện – góp phần vào đời sống văn hoá, kinh tế, chính trị và xã hội của cộng đồng dân sự mà mình là thành viên403. Tham gia là một nghĩa vụ mà mọi người phải chu toàn một cách ý thức, với tinh thần trách nhiệm và nhắm tới công ích404.
Bổn phận tham gia không thể bị giới hạn hay bị thu hẹp trong một lĩnh vực nào đó của đời sống xã hội, lấy lý do là lĩnh vực ấy quan trọng đối với sự phát triển - nhất là phát triển nhân bản - như trong thế giới lao động và hoạt động kinh tế, cách riêng trong các vận hành nội bộ của các hoạt động này405; trong lĩnh vực thông tin và văn hoá; hay xa hơn nữa, trong lĩnh vực xã hội và chính trị, kể cả ở những cấp cao nhất. Mọi dân tộc cộng tác với nhau và cộng đồng quốc tế được xây dựng trong khuôn khổ của tình liên đới, những điều này tuỳ thuộc sự tham gia vào đời sống xã hội và chính trị406. Chính vì thế, tuyệt đối cần cổ vũ sự tham gia đặc biệt của các thành phần kém may mắn nhất, cũng như cần ủng hộ việc luân phiên theo từng lần giữa các nhà lãnh đạo chính trị để phòng tránh việc tạo ra những đặc ân ngầm. Ngoài ra, cần phải tạo những áp lực luân lý mạnh mẽ để việc quản trị đời sống công cộng là kết quả của việc mỗi cá nhân cùng nhau chia sẻ trách nhiệm đối với công ích.
b. Tham gia và dân chủ
190Tham gia vào đời sống cộng đồng không chỉ là một trong những ước nguyện lớn lao nhất của người công dân, đã được mời gọi thi hành vai trò công dân của mình cùng với người khác và vì người khác một cách tự nguyện và có trách nhiệm407, mà đó còn là một trong những cột trụ nâng đỡ mọi trật tự dân chủ và là một trong những bảo đảm quan trọng cho hệ thống dân chủ luôn được bền vững. Thật vậy, một chính phủ dân chủ, được xác định trước tiên là một chính phủ do nhân dân uỷ thác quyền hành và nhiệm vụ, thi hành các điều ấy nhân danh nhân dân, quan tâm đến nhân dân và thay mặt nhân dân. Bởi đó, rõ ràng là chế độ dân chủ nào cũng phải là chế độ có sự tham gia408. Nói thế có nghĩa là các chủ thể của cộng đồng dân sự ở bất cứ cấp nào cũng phải được thông tin, được lắng nghe và tham gia vào việc thi hành các chức vụ.
191Có thể thực hiện việc tham gia này qua mọi mối quan hệ khác nhau giữa người công dân và các cơ quan: muốn vậy, cần phải chú ý đặc biệt tới các bối cảnh xã hội và lịch sử, trong đó sẽ diễn ra những việc tham gia ấy. Muốn vượt qua những trở ngại về văn hoá, luật lệ và xã hội – là những rào cản thực sự không cho các công dân cùng tham gia với nhau vào định mệnh của cộng đồng – cần phải nỗ lực nhiều trong các lĩnh vực thông tin và giáo dục409. Về điểm này, tất cả những thái độ nào thúc đẩy các công dân tham gia một cách không xứng hợp hay không đúng đắn, hoặc làm cho các công dân đâu đâu cũng ác cảm với bất cứ điều gì liên quan đến đời sống xã hội và chính trị, đều đáng được chúng ta quan tâm và suy xét cẩn thận. Chẳng hạn, một số công dân đã tính toán “mặc cả” với các cơ quan để có thể nhận được những điều kiện ưu đãi cho bản thân mình, làm như các cơ quan ấy có mục đích là phục vụ các nhu cầu ích kỷ của họ; hoặc có nhiều công dân chỉ giới hạn việc tham gia vào tiến trình bầu cử, và nhiều khi còn bỏ luôn không tham gia vào việc bỏ phiếu410.
Về việc tham gia đời sống xã hội và chính trị, còn một lý do đáng quan tâm nhiều hơn nữa ở các nước sống dưới các chế độ chuyên chế và độc tài: tại đây, quyền căn bản là được tham gia vào đời sống công cộng đã bị chối bỏ tận gốc vì bị coi là mối đe doạ cho chính quốc gia411. Tại một số nước, quyền này chỉ được công bố cho có, còn trong thực tế không hề được thi hành cụ thể. Còn ở một số quốc gia khác, tình trạng quan liêu bàn giấy, thực tế (de facto) mà nói, đã làm các công dân không thể tham gia tích cực vào đời sống xã hội và chính trị nữa412.
----------------------------------------------------------------------------------------------
402 x. Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 22,46: AAS 63 (1971), 417, 433-
    435; Bộ Giáo dục Công giáo, Hướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội
   của Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục, 40, Nhà Xuất bản Đa ngữ Vatican,
    Roma 988, tr. 41-42.
403  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 75: AAS 58 (1966),
    1097-1099.
404  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1913-1917.
405  x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra AAS 53 (1961), 423-425; Gioan
    Phaolô II, Thông điệp Laborem Exercens, 14: AAS 73 (1981), 612-616; Thông điệp
    Centesimus Annus, 35: AAS 83 (1991), 836-838.
406  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 44-45: AAS 80 (1988),
    575-578.
407  x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 278.
408  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 46: AAS 83 (1991), 850-851.
409  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1917.
410  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 30-31; AAS 58 (1966), 1049-
   1050; Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 47: AAS 83 (1931) 851-852.
411  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 44-45: AAS 83 (1991), 848-849.
412  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 15: AAS 80 (1988), 528-
    530; Piô XII, Thông điệp Truyền thanh lễ Giáng Sinh ngày 24-12-1952: AAS 45
     (1953), 37; Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 47: AAS 63 (1971), 435-437.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét