Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

VIII. CON ĐƯỜNG TÌNH YÊU (Chương IV)



204. Giữa các đức tính nói chung, và đặc biệt giữa các đức tính, các giá trị xã hội và tình yêu, có một mối liên kết rất sâu xa mà chúng ta cần phải nhận thức càng ngày càng đầy đủ hơn. Tình yêu thường bị giới hạn vào những quan hệ gần gũi thân xác hay bị thu hẹp vào những khía cạnh hoàn toàn chủ quan trong hành động vì người khác; nay chúng ta cần phải nhìn lại tình yêu trong giá trị thật của nó, coi đó như tiêu chuẩn cao nhất và phổ quát nhất của toàn bộ nền đạo đức xã hội. Trong mọi con đường sống của nhân loại, kể cả những con đường đã được tìm kiếm và đón nhận để đáp ứng những vấn đề xã hội hiện hành, bằng những hình thức càng ngày càng mới mẻ, có một con đường “trổi vượt hẳn” (x. 1 Cr 12,31), đó chính là con đường mang đậm nét yêu thương.

205Chính từ nguồn cội yêu thương sâu xa ấy mà các giá trị như sự thật, tự do và công lý đã khai sinh và phát triển. Đời sống con người trong xã hội có trật tự, sinh nhiều kết quả tốt và đáp ứng đúng phẩm giá con người khi đời sống ấy được xây dựng dựa trên sự thật; khi người ta sống cuộc sống ấy trong công lý, tức là biết tôn trọng các quyền hạn của con người cách cụ thể và trung thành thi hành các nghĩa vụ tương ứng; khi cuộc sống ấy được sinh động bởi lòng vị tha, khiến người ta coi các nhu cầu và đòi hỏi của người khác là của mình và khiến người ta tăng cường việc chia sẻ các giá trị thiêng liêng và quan tâm tới các nhu cầu vật chất; khi cuộc sống ấy được kiến tạo trong sự tự do thích hợp với phẩm giá con người, những người biết hành động theo bản tính lý trí của mình, để dám nhận trách nhiệm về các hành vi của mình451. Các giá trị trên đây tạo thành các cột trụ mang lại sức mạnh và sức bền cho toà nhà sự sống và các nghĩa cử phục vụ sự sống: chúng chính là những giá trị xác định phẩm chất của mọi hành động xã hội và mọi định chế xã hội.
206Tình yêu vừa giả thiết có công lý vừa vượt lên trên công lý, công lý “phải được hoàn tất trong bác ái”452. Nếu công lý “tự nó thích hợp cho chúng ta dựa vào mà phân xử giữa con người với nhau mỗi khi đụng chạm đến việc phân phối các thiện ích khách quan sao cho công bằng, thì tình yêu và chỉ có tình yêu (bao gồm cả tình yêu nhân hậu mà chúng ta quen gọi là “lòng thương xót”) mới có khả năng khôi phục con người trở lại với chính mình”453Các mối quan hệ giữa người với người không thể chỉ được xử lý bằng tiêu chuẩn công lý: “Kinh nghiệm trước đây và bây giờ chứng minh cho thấy chỉ mình công lý mà thôi thì không đủ, thậm chí có thể đi xa tới mức chối bỏ và huỷ hoại chính công lý nữa… Cũng chính kinh nghiệm lịch sử đã đưa người ta tới chỗ phải đưa ra câu cách ngôn sau: ‘càng đòi công lý, càng nhiều bất công’ (summum jus, summa injuria)”454. Thật vậy, “trong bất cứ lĩnh vực quan hệ liên vị nào, có thể nói, công lý phải được điều chỉnh thật nhiều bởi tình yêu, vì như thánh Phaolô nói, tình yêu hay bác ái vốn ‘nhẫn nại và nhân hậu’ hoặc có thể nói, đó là tình yêu mang những đặc điểm của lòng thương xót, là cốt tuỷ của Tin Mừng và của Kitô giáo”455.
207Không có pháp chế nào, không có hệ thống luật lệ nào hay không có sự thương lượng nào sẽ thuyết phục được con người và các dân tộc sống trong sự hợp nhất, trong tình anh em và trong hoà bình; không có lý luận nào có thể trổi vượt hơn được sức thu hút của tình yêu. Chỉ có tình yêu, ngay trong đặc tính của nó là “mô thức của mọi đức tính456, mới có thể làm sinh động và định hình cho các sự tương tác trong xã hội, đưa chúng tới sự hoà hợp trong bối cảnh một thế giới ngày càng phức tạp. Tuy nhiên, để tất cả những điều này có thể xảy ra, cần lưu ý làm sao để không chỉ bày tỏ tình yêu trong vai trò thúc đẩy các hành vi cá nhân của nó, mà còn phải bày tỏ tình yêu thế nào cho người ta thấy đó là một sức mạnh có khả năng khơi gợi những cách tiếp cận mới mẻ các vấn đề của thế giới hôm nay, có khả năng đổi mới các cơ chế, các tổ chức xã hội, các hệ thống luật pháp cách sâu xa, từ bên trong. Trong viễn tượng đó, tình yêu mang dáng dấp đặc biệt của lòng bác ái chính trị và xã hội: “Bác ái xã hội sẽ khiến chúng ta yêu quý công ích”457, thúc đẩy chúng ta nỗ lực tìm kiếm điều có ích cho hết mọi người, không chỉ là những con người cá thể riêng rẽ mà còn trong chiều hướng xã hội nối kết những con người ấy lại với nhau.
208Bác ái chính trị và xã hội không chỉ diễn ra trong các mối quan hệ giữa các cá nhân, mà còn trải rộng vào trong mạng lưới do các quan hệ ấy làm nên, tức là cộng đồng chính trị và xã hội. Bác ái ấy can thiệp vào trong khuôn khổ đó bằng cách đi tìm điều lợi ích lớn nhất cho cộng đồng nói chung. Với nhiều khía cạnh như thế, người thân cận mà chúng ta yêu mến sẽ được chúng ta tìm gặp “trong chính xã hội”, nhờ đó chúng ta có thể yêu thương họ cách cụ thể, giúp đỡ họ trong những nhu cầu hay trong cơn túng thiếu, khác với cách chúng ta chỉ yêu thương họ trên bình diện quan hệ cá nhân với cá nhân. Yêu thương tha nhân trên bình diện xã hội có nghĩa là tuỳ theo hoàn cảnh mà sử dụng các trung gian xã hội để cải thiện đời sống của họ hoặc xoá bỏ những nhân tố xã hội đã gây ra cảnh túng thiếu ấy. Chắc chắn đây là một hành vi yêu thương, một việc làm tỏ lòng thương xót, nhờ đó người ta có thể đáp ứng ngay lúc này và tại đâymột nhu cầu thực sự và cấp bách của người thân cận. Nhưng đây cũng là một hành vi yêu thương rất cần thiết nhằm tổ chức và kiến trúc xã hội thế nào cho người thân cận của chúng ta không còn ở trong cảnh nghèo đói, điều này càng quan trọng khi đây là tình cảnh của vô số người hay thậm chí cả toàn thể một dân tộc đang phải tranh đấu, hay khi tình cảnh ấy mang tầm cỡ của một vấn đề xã hội toàn cầu thật sự.
--------------------------------------------------------------------------------------
451  x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 265-267.
452  Gioan Phaolô II, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 2004, 10: AAS 96
    (2004), 120.
453  Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia. 14: AAS 72 (1980), 1223.
454  Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia,12: AAS 72 (1980),1216.
455  Gioan Phaolô II, Thông điệp Dives in Misericordia, 14: AAS 72 (1980), 1224; x.
    Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2212.
456  Thánh Tôma Aquinô, Summa Theologiae, II-II, q. 23, a. 8: Ed. Leon. 8, 72; x. Giáo
     lý Giáo hội Công giáo, 1827.
457  Phaolô VI, Diễn văn gửi Tổ chức Lương Nông của Liên Hiệp Quốc nhân kỷ niệm 25
    năm thành lập (16-11-1970): Insegnamenti di Paolo VI, vol. VIII, tr. 1153.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét