Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

I. CÁC KHÍA CẠNH THÁNH KINH (Chương IX)


CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ


a. Sự thống nhất của gia đình nhân loại
428Các bài tường thuật của Thánh Kinh về công trình tạo dựng đã làm nổi rõ sự thống nhất của gia đình nhân loại và đã dạy rằng Thiên Chúa của Israel vừa là Chúa tể lịch sử vừa là Chúa tể vũ trụ. Các việc Thiên Chúa làm liên quan đến toàn thế giới và toàn thể gia đình nhân loại, và gia đình này là đối tượng mà công trình tạo dựng của Thiên Chúa nhắm tới. Khi quyết định tạo dựng con người theo hình ảnh của mình và giống mình (x. St 1,26-27), Thiên Chúa đã ban cho con người phẩm giá độc nhất vô nhị; phẩm giá này sẽ trải rộng cho mọi thế hệ (x. St 5) và trên khắp địa cầu (x. St 10). Ngoài ra, sách Sáng Thế còn cho thấy con người không được tạo dựng để sống cô lập mà sống trong một khung cảnh, và một phần trong khung cảnh ấy là những không gian sống bảo đảm cho con người được tự do (thửa vườn), có nhiều loại có thể làm lương thực (các cây trong vườn), được lao động (được lệnh canh tác vườn) và trên hết là đời sống cộng đồng (được ban cho có người giống mình) (x. St 2,8-24). Suốt trong Cựu Ước, các phúc lành của Thiên Chúa chính là những điều kiện bảo đảm cho cuộc sống con người được sung túc. Thiên Chúa muốn bảo đảm cho con người có tất cả những gì cần để phát triển bản thân, để được tự do bộc lộ mình, để được thành công trong lao động và để có được sự phong phú trong những mối quan hệ mang tính nhân bản.
429Tiếp theo sau sự tàn phá do lũ lụt gây ra, Thiên Chúa ký kết giao ước với Noê (x. St 9,1-17), và qua ông, Ngài ký kết với toàn thể nhân loại. Giao ước ấy cho thấy rằng Thiên Chúa muốn gìn giữ cho cộng đồng con người phúc lành đông con nhiều cháu, gìn giữ nhiệm vụ khuất phục tạo vật và gìn giữ phẩm giá tuyệt đối cũng như tính bất khả xâm phạm của sự sống con người, là những đặc điểm của cuộc tạo dựng đầu tiên. Đó là điều Thiên Chúa muốn, dù theo chân tội lỗi, sự suy đồi với bạo lực và bất công đã đột nhập vào thụ tạo, kể cả sau khi đã bị Thiên Chúa trừng phạt bằng cơn hồng thuỷ. Sách Sáng Thế giới thiệu sự đa dạng của các dân tộc với sự thán phục, như là kết quả hoạt động sáng tạo của Thiên Chúa (x. St 10,1-32). Đồng thời, sáchSáng Thế cũng tố giác việc con người không chịu chấp nhận thân phận thụ tạo của mình, qua đoạn kể về tháp Babel (x. St 11,1-9). Theo kế hoạch của Thiên Chúa, mọi dân tộc lẽ ra đều có “cùng một ngôn ngữ và cùng một tiếng nói” (x. St 11,1), nhưng nhân loại đã bị chia năm xẻ bảy và quay lưng lại với Đấng Tạo Hoá (x. St 11,4).
430Giao ước mà Chúa thiết lập với Abraham – người được chọn làm “cha của nhiều dân tộc” (St 17,4) – đã mở đường cho gia đình nhân loại quay về với Đấng Tạo Hoá của mình. Lịch sử cứu độ đã đưa dân Israel tới chỗ tin tưởng rằng Thiên Chúa chỉ hoạt động trong lãnh thổ của họ. Tuy nhiên, dần dần người ta xác tín rằng Thiên Chúa cũng hành động nơi các dân tộc khác nữa (x. Is 19,18-25). Các tiên tri đã loan báo vào thời cánh chung sẽ có một đoàn hành hương gồm nhiều dân tộc tiến về đền thờ Thiên Chúa và thế là bắt đầu một kỷ nguyên hoà bình cho các dân tộc (x. Is 2,2-5; 66,18-23). Khi bị phân tán trong thời gian lưu đày, dân Israel đã nhận thức vai trò của mình là làm chứng rằng Thiên Chúa là Đấng duy nhất (x. Is 44,6-8), Thiên Chúa là Chúa tể thế giới và là Chúa tể lịch sử các dân tộc (x. Is 44,24-28).
b. Đức Giêsu Kitô, nguyên mẫu và nền tảng của nhân loại mới
431Chúa Giêsu là nguyên mẫu và nền tảng của nhân loại mới. Trong Người, “hình ảnh thật sự giống Thiên Chúa” (2 Cr 4,4), tức là con người – được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa – tìm được sự trọn vẹn của mình. Trong lời chứng cuối cùng của tình yêu mà Chúa đã làm hiện rõ nơi thập giá của Đức Kitô, mọi hàng rào thù địch đã bị phá đổ hoàn toàn (x. Ep 2,12-18), và đối với những ai sống đời sống mới trong Đức Kitô, thì mọi khác biệt về chủng tộc và văn hoá không còn là nguyên nhân gây ra chia rẽ nữa (x. Rm 10,12; Gl 3,26-28; Cl 3,11).
Nhờ Chúa Thánh Thần, Giáo Hội nhận ra kế hoạch thống nhất của Thiên Chúa là kế hoạch bao gồm toàn thể nhân loại (x. Cv 17,26), một kế hoạch nhằm quy tụ lại tất cả mọi thụ tạo đã bị chia rẽ và phân tán trong mầu nhiệm cứu độ sẽ diễn ra trong triều đại của Đức Kitô (x. Ep 1,8-10). Kể từ ngày lễ Ngũ Tuần, tức là kể từ khi mầu nhiệm Chúa Phục Sinh được loan báo cho các dân tộc khác nhau nhưng ai nấy đều hiểu điều đó bằng ngôn ngữ của mình (x. Cv 2,6), Giáo Hội mới hoàn thành sứ mạng của mình là khôi phục và minh chứng cho sự thống nhất đã đánh mất vào thời xây tháp Babel. Nhờ tác vụ quy tụ này của Giáo Hội, gia đình nhân loại được mời gọi khôi phục lại sự thống nhất và nhìn ra sự phong phú của những điểm dị biệt nơi mình, hầu có thể đạt tới “mức thống nhất trọn vẹn trong Đức Kitô”873.
c. Thiên chức phổ quát của Kitô giáo
432Thông điệp của Kitô giáo cho chúng ta một cái nhìn chung về cuộc sống con người và các dân tộc trên trái đất874, nhờ đó chúng ta sẽ làm nên sự thống nhất của gia đình nhân loại875. Sự thống nhất này không được xây dựng dựa trên sức mạnh vũ khí, khủng bố hay lạm quyền, mà là kết quả của “mô hình thống nhất tối cao, phản ánh đời sống thâm sâu của Thiên Chúa, của một Thiên Chúa trong Ba Ngôi,… mà người Kitô hữu chúng ta quen gọi là sự “hiệpthông”876; đó chính là sự hoàn thành sức mạnh đạo đức và văn hoá của tự do877. Thông điệp Kitô giáo đã tỏ ra dứt khoát khi tìm cách làm cho nhân loại hiểu rằng các dân tộc cố gắng thống nhất với nhau không chỉ vì có nhiều hình thức tổ chức, chính trị, kế hoạch kinh tế khác nhau hay vì muốn nhân danh chủ nghĩa quốc tế mang tính ý thức hệ trừu tượng, mà chính là vì họ tự nguyện tìm cách cộng tác với nhau do ý thức rằng “mình là những phần tử sống động của toàn thể gia đình nhân loại”878. Phải giới thiệu cộng đồng quốc tế cách liên tục và ngày càng rõ ràng hơn, như đó là hình ảnh cụ thể của sự hợp nhất do chính Đấng Tạo Hoá muốn. “Gia đình nhân loại vẫn luôn luôn là một, vì mọi thành viên của gia đình ấy đều là những con người bình đẳng với nhau theo phẩm giá tự nhiên. Từ đó, luôn luôn có một nhu cầu khách quan là đẩy mạnh, trong khả năng có thể, công ích cho toàn cầu, cũng là công ích của toàn thể gia đình nhân loại”879.
-------------------------------------------------------------------------------------
873  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Lumen Gentium, 1: AAS 57 (1965), 5.
874  x. Piô XII, Diễn văn gửi các Luật gia Công giáo họp bàn về các Cộng đồng Quốc
    gia và Dân tộc (06-12-1953), 2: AAS 45 (1953), 795.
875  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 42: AAS 56 (1966), 1060-1061.
876  Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 40: AAS 80 (1988), 569.
877 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thứ 50 (05-
   10-1995), 12: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 9.
878 x. Gioan Phaolô II, Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc kỳ họp thứ 50 (05-
   10-1995), 12: L’Osservatore Romano, bản Anh ngữ, 11-10-1995, tr. 9.
879  Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris, AAS 55 (1963), 292.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét