Trang

Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

II. HÔN NHÂN, NỀN TẢNG CỦA GIA ĐÌNH (Chương V)


a. Giá trị của hôn nhân
215Gia đình đặt nền tảng trên sự lựa chọn tự do của hai vợ chồng muốn kết hợp với nhau trong hôn nhân, đồng thời trên sự tôn trọng ý nghĩa và các giá trị của định chế này, một định chế không tuỳ thuộc con người mà tuỳ thuộc chính Thiên Chúa: “Vì ích lợi của vợ chồng và con cái, cũng như vì ích lợi của xã hội, dây liên kết linh thiêng này không còn tuỳ thuộc một mình quyết định của con người nữa. Chính Thiên Chúa là tác giả của cuộc hôn nhân; Ngài đã ban cho hôn nhân những ơn ích và mục tiêu khác nhau”473. Bởi đó, định chế hôn nhân – tức là “sự cộng tác thân mật trong sự sống và tình yêu… do Đấng Tạo Hoá thiết lập và đã được Ngài ấn định cho những quy luật riêng”474 – không phải là kết quả của những thoả thuận giữa con người với nhau, cũng không phải là kết quả của những quy định pháp lý, nhưng nó có được sự ổn định như thế là do quyết định của Thiên Chúa475. Đó là một định chế được khai sinh – kể cả trước mắt xã hội – “do một hành vi nhân linh, qua đó hai bên trao phó bản thân mình cho nhau”476, và được xây dựng dựa trên chính bản tính của tình yêu vợ chồng, một tình yêu được xem như một sự trao tặng toàn vẹn và độc quyền mà người này dành cho người kia, khiến hai bên dứt khoát dấn thân cho nhau, và điều này được biểu lộ qua việc hai bên bày tỏ sự ưng thuận với nhau cách công khai và không thể rút lại477. Việc dấn thân ấy muốn nói lên rằng mọi mối quan hệ giữa các thành phần trong gia đình đều in đậm ý thức công lý, và từ đó, cũng in đậm sự tôn trọng quyền lợi và nghĩa vụ của nhau.
216.  Không quyền lực nào có thể xoá bỏ quyền tự nhiên của con người là được kết hôn, cũng không quyền lực nào có thể thay đổi các đặc tính và mục tiêu của hôn nhân. Thật vậy, hôn nhân được phú cho những đặc tính riêng, bẩm sinh và vĩnh viễn. Dù có nhiều thay đổi đã xảy ra qua bao thế kỷ trong các nền văn hoá, trong các cơ chế xã hội và thái độ tinh thần khác nhau, nhưng trong nền văn hoá nào cũng tồn tại một nhận thức rằng kết hợp hôn nhân là một việc có phẩm giá rất cao, mặc cho nhận thức ấy không phải ở chỗ nào cũng rõ ràng và sáng sủa như nhau478. Phẩm giá này phải được tôn trọng trong những đặc điểm riêng của nó và phải được tìm bảo vệ khỏi bất cứ toan tính nào muốn phá hoại nó. Xã hội không thể tự do áp đặt luật lệ, liên quan đến dây ràng buộc hôn nhân, qua đó hai vợ chồng đã hứa hẹn với nhau sẽ trung tín, giúp đỡ và đón nhận con cái, nhưng xã hội được quyền điều chỉnh các hệ quả dân sự của dây ràng buộc hôn nhân đó.
217Những nét đặc thù của hôn nhân làtoàn vẹn, tức là vợ chồng trao thân cho nhau trong mọi khía cạnh của con người mình, về thể lý cũng như về tinh thần; hợp nhất, để hai vợ chồng trở nên “một xương một thịt” (St 2,24); bất khả phân ly và trung tín như việc dứt khoát trao thân cho nhau đòi hỏi; sinh con cái như một điều mà chính hôn nhân tự nhiên hướng tới479. Kế hoạch khôn ngoan của Thiên Chúa về hôn nhân – một kế hoạch mà trí khôn con người có thể lĩnh hội được dù gặp nhiều khó khăn do “sự cứng lòng” của con người (x. Mt 19,8; Mc 10,5) – không thể được đánh giá chỉ dựa trên cách hành xử thực tế (de facto) và những hoàn cảnh cụ thể đi ngược lại kế hoạch ấy. Một trong những sự chối bỏ triệt để kế hoạch nguyên thuỷ của Thiên Chúa là đa thê, “vì đa thê đi ngược lại phẩm giá bình đẳng của người nam và người nữ đã trao thân cho nhau trong hôn nhân bằng một tình yêu toàn vẹn, và bởi đó, duy nhất và không chia sẻ”480.
218Theo đúng sự thật “khách quan” của hôn nhân, hôn nhân được sắp xếp nhắm tới việc sinh sản và giáo dục con cái481. Thật vậy, sự kết hợp trong hôn nhân đem lại cho việc chân thành tự hiến một sức sống sung mãn, và kết quả của sự kết hợp ấy là con cái, rồi đến lượt mình, con cái trở thành quà tặng cho cha mẹ, cho cả gia đình và cho cả xã hội482. Tuy nhiên, hôn nhân không được lập ra chỉ vì lý do sinh sản483. Tính bất khả phân ly và giá trị hiệp thông của hôn nhân vẫn còn nguyên vẹn, kể cả khi con cái, dù cha mẹ hết sức mong muốn, không được sinh ra để làm cho đời sống vợ chồng nên trọn vẹn. Trong trường hợp này, vợ chồng “có thể diễn tả lòng quảng đại của mình bằng cách nhận nuôi những đứa trẻ bị bỏ rơi hay bằng cách thực hiện những công tác phục vụ theo nhu cầu cần thiết của người khác”484.
b. Bí tích Hôn Nhân
219Theo sự thiết lập của Đức Kitô, thì người đã được rửa tội sống thực tại của hôn nhân vốn tiềm ẩn nơi con người dưới hình thức siêu nhiên của một bí tích, tức là một dấu chỉ và là một công cụ của ân sủng. Chủ đề giao ước hôn nhân được xem như là biểu hiện hết sức ý nghĩa của sự hiệp thông tình yêu giữa Thiên Chúa và con người, và như là chìa khoá tượng trưng giúp chúng ta hiểu các giai đoạn khác nhau trong lịch sử giao ước vĩ đại giữa Thiên Chúa và dân Ngài, chủ đề này có thể tìm thấy trong suốt dòng lịch sử cứu độ485. Và ngay chính tại trung tâm mạc khải kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa, chúng ta thấy món quà Thiên Chúa trao cho nhân loại là Con của Ngài, Đức Giêsu Kitô, “vị hôn phu yêu thương và tự hiến mình làm Đấng Cứu Chuộc nhân loại, kết hợp nhân loại với mình như thể đó là thân thể mình. Người mạc khải cho thấy sự thật nguyên thuỷ của hôn nhân, sự thật của ‘thuở ban đầu’ (x. St 2,24; Mt 19,5), và sau khi giải thoát con người khỏi sự cứng lòng, Người làm cho con người có khả năng thực hiện sự thật ấy cách trọn vẹn”486. Tính bí tích của hôn nhân có được là do tình yêu phu thê mà Đức Kitô dành cho Giáo Hội, tình yêu ấy đạt đến mức viên mãn khi Người tự hiến trên thập giá. Ơn bí tích này sẽ giúp cho tình yêu của vợ chồng trở nên giống tình yêu của Đức Kitô đối với Giáo Hội. Hôn nhân, trong tư cách là bí tích, chính là giao ước trong tình yêu giữa một người nam và một người nữ487.
220Bí tích Hôn Nhân thu nhận thực tại nhân loại của tình yêu vợ chồng với tất cả những hệ luận của tình yêu ấy và “mang lại cho các đôi vợ chồng và cha mẹ Kitô giáo một khả năng và một sự cam kết sống trọn ơn gọi giáo dân của mình, và từ đó ‘tìm kiếm Nước Chúa bằng cách tham gia vào các việc trần thế và sắp xếp chúng theo đúng kế hoạch của Thiên Chúa’”488. Khi được kết hợp mật thiết với Giáo Hội nhờ bí tích Hôn Nhân – bí tích đã làm cho gia đình Kitô giáo trở thành một “Giáo Hội tại gia” hay một “Giáo Hội thu nhỏ” – gia đình Kitô giáo được mời gọi hãy “trở nên dấu chỉ hợp nhất cho thế giới, và bằng cách đó, thi hành vai trò ngôn sứ của mình qua việc làm chứng cho Nước Trời và bình an của Đức Kitô, mà cả thế giới này đang trên đường tiến về đích điểm đó”489.
Bác ái hôn nhân, xuất phát từ chính bác ái của Chúa Kitô, được ban qua bí tích Hôn Nhân, giúp vợ chồng Kitô giáo trở thành chứng nhân của một ý thức xã hội mới, do Tin Mừng và mầu nhiệm Vượt Qua khơi gợi. Tình yêu tự nhiên của họ sẽ liên tục được thanh tẩy, củng cố và nâng cao nhờ ơn bí tích. Bằng cách đó, không những vợ chồng Kitô giáo giúp đỡ nhau trên đường nên thánh, mà còn trở thành dấu hiệu và công cụ cho tình yêu của Đức Kitô trong thế giới. Qua chính cuộc sống của mình, họ được mời gọi làm chứng và công bố ý nghĩa tôn giáo của hôn nhân, một điều mà xã hội hôm nay càng ngày càng cảm thấy khó nhận ra, nhất là khi xã hội ấy chấp nhận những quan điểm theo chủ nghĩa tương đối về chính nền tảng tự nhiên của định chế hôn nhân.
-------------------------------------------------------------------------------------------------
473  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 48: AAS 58 (1966), 1067.
474  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 48: AAS 58 (1966), 1067.
475  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1603.
476  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 48: AAS 58 (1966), 1067.
477  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1639.
478  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1603.
479  x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 13: AAS 74 (1982), 93-96.
480  Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 19: AAS 74 (1982), 102.
481  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 48, 50: AAS 58 (1966),  
    1067-1069, 1070-1072.
482  x. Gioan Phaolô II, Thư gửi các gia đình Gratissimam Sane 11: AAS 86 (1994),
    883-886.
483  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 50: AAS 58 (1966), 1070-1072.
484  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2379.
485 x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 12: AAS 74 (1982), 93: Vì lý do đó, những lời trọng yếu của mạc khải, “Thiên Chúa yêu thương dân Ngài” cũng được công bố qua chính lời lẽ vừa sống động vừa cụ thể mà một người nam và một người nữ dùng để bày tỏ tình yêu vợ chồng của mình. Dây liên kết tình yêu của họ trở thành hình ảnh và biểu tượng cho giao ước nối kết Thiên Chúa với dân Ngài (x. Os 2,21; Gr 3,6-13; Is 54). Cũng thế, tội lỗi làm hại tới khế ước hôn nhân của hai vợ chồng trở thành hình ảnh của tội bất trung mà dân Chúa lỗi phạm với Chúa: thờ ngẫu tượng cũng là mãi dâm (x. Ez 16,25), bất trung cũng là ngoại tình, bất tuân lề luật cũng là ruồng bỏ tình yêu phu phụ của Chúa. Nhưng sự bất trung của Israel vẫn không phá vỡ sự trung thành muôn đời của Chúa, và bởi đó tình yêu luôn luôn trung thành của Chúa được nêu ra làm mẫu mực cho tình yêu trung tín phải có giữa hai vợ chồng (x. Os 3)”.
486  Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 13: AAS 74 (1982), 93-94.
487  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 48: AAS 58 (1966),
    1067-1069.
488  Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 47: AAS 74 (1982), 139: trích dẫn
     trong Tông huấn này lấy từ Hiến chế Tín lý Lumen Gentium của Công đồng
     Vatican II, số 31: AAS 57 (1965), 37.
489   Gioan Phaolô II, Tông huấn Familiaris Consortio, 48: AAS 74 (1982), 140; x. Giáo
     lý Giáo hội Công giáo, 1656-1657, 2204.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét