Thực ra chúng ta phân biệt ra hai chặng để nghiên cứu vấn đề
chứ trên thực tế thì cả hai chặng trà trộn với nhau, xét vì GHXH không phải là
một thứ công trình xây dựng đã hoàn tất (tựa như một dinh thự), nhưng vẫn còn
tiếp tục được xây cất, bởi vì dòng lịch sử tiếp tục tiến triển. Chính lúc đem
GHXH ra “áp dụng” mà chúng ta tiếp tục “xây dựng” nó, để nó đi sát với thời
cuộc, chứ nó không phải là món đồ cổ đêm trưng bày ở viện bảo tàng.
Dù sao, dù ở chặng xây dựng hay ở chặng áp dụng, phương pháp
GHXH cũng tương tự như nhau.
1/ Nói chung, người ta thường phân chia các phương pháp khoa
học làm hai hướng chính: diễn dịch và quy nạp.
- Phương pháp diễn dịch (áp dụng trong triết học, toán học)
dùng đường lối suy diễn để khám phá thêm những chân lý mới.
- Phương pháp quy nạp (áp dụng trong khoa học thực nghiệm)
dùng đường lối quan sát, thâu thập dữ kiện, rồi đưa ra những kết luận mới.
Trong quá khứ, việc áp dụng hai phương pháp một cách cực đoan
đã đưa tới hai chủ thuyết duy tâm (idéalisme)
cho rằng ý tưởng thực sự hiện hữu; và phái duy nghiệm (positivisme) phủ nhận những tư tưởng phổ quát, siêu nghiệm.
Ngày nay, người ta thấy rằng cần phối hợp cả hai phương pháp
để truy tầm chân lý, tuy rằng có bộ môn thiên về lý thuyết hơn là thực hành,
hoặc ngược lại.
2/ Bản chất của GHXH là phân định những sự kiện xã hội dưới
ánh sáng của Lời Chúa. Điều này giả
thiết trước hết là nắm bắt tình hình (sự kiện), sau đó phân tích, suy tư, lượng
định dưới ánh sáng của Lời Chúa. Đàng khác, GHXH không phải là bộ môn thuần túy
lý thuyết nhưng dẫn tới hành động.
Từ đó, phương pháp của GHXH gồm ba giai đoạn, được diễn tả như
là: Xem - xét - làm. Đây là phương pháp đã
được sử dụng bởi phong trào Thanh Lao Công (Jeunesse
Ouvrière Chrétienne, do cha Joseph Cardijn thành lập năm 1925), và trở
thành thông dụng trong Giáo hội (xc. TLHT số 568).
3/ Trên thực tế, tiến trình làm việc phức tạp hơn nhiều.
- Trong giai đoạn “xem”, cần nghiên cứu các hiện tượng xã hội,
nhờ những phương pháp của các môn xã hội học.
- Trong giai đoạn “xét”, người tín hữu không chỉ dùng lý trí
để phân định (dựa theo những phương pháp triết lý và thần học), nhưng còn cần
đến kinh nghiệm đức tin nữa.
- Trong giai đoạn “hành” cần thiết không những là sáng kiến để
tìm ra những giải pháp mới, nhưng còn đức khôn ngoan để chọn lựa giải pháp cụ
thể thích hợp nhất.
Nói khác đi, phương pháp GHXH mang tính đa ngành, diễn ra trong bầu khí đối thoại lắng nghe (TLHT số 78).
Kết luận
Trong mục trước, chúng ta đã nói đến ba cấp độ trong GHXH:
nguyên tắc suy tư - tiêu chuẩn phán đoán - đường hướng hoạt động.
Trong mục này, chúng ta bàn đến phương pháp (xây dựng hoặc áp
dụng) GHXH. Nó làm sáng tỏ hơn bản chất của khoa này, nêu bật ba chiều kích của
nó: lý thuyết - lịch sử - thực tiễn.
1/ Lý thuyết, bởi vì đề ra những nguyên tắc luân lý về thực trạng
của con người và đời sống xã hội.
2/ Lịch sử, bởi vì nó gồm có những phán đoán về những thực tại và
hoàn cảnh biến thiên của lịch sử. Xét vì những hoàn cảnh này biến đổi liên tục
tùy nơi và tùy thời, nên những phán đoán về chúng cũng cần được xét đi xét lại
để xem những gì là phù hợp hay tương phản với nhân phẩm.
3/ Thực tiễn, bởi vì Giáo hội không phải chỉ đứng ngoài cuộc để
phê phán, nhưng qua những phần tử của mình, Giáo hội muốn góp tay vào việc xây
dựng một xã hội công bằng nhân đạo hơn khi mang ra áp dụng học thuyết xã hội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét