Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

I. HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ TRONG LĨNH VỰC XÃ HỘI (Chương XII)


HỌC THUYẾT XÃ HỘI
VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁO HỘI


a. Học thuyết xã hội và sự hội nhập văn hoá bằng lòng tin
521. Nhận thức được sức mạnh của Kitô giáo có thể canh tân những thực tại văn hoá và xã hội 1105, Giáo Hội góp phần giáo huấn của mình vào việc xây dựng cộng đồng nhân loại qua việc nói lên ý nghĩa xã hội của Tin Mừng1106. Vào cuối thế kỷ XIX, Huấn Quyền Giáo Hội đã đề cập một cách có hệ thống đến những vấn đề xã hội cấp bách của thời đại, tạo ra “một mẫu mực lâu bền cho Giáo Hội. Quả thật, Giáo Hội có những điều cần phải nói về những tình trạng nhân sinh đặc thù của cá nhân và cộng đồng, của quốc gia và quốc tế. Giáo Hội hình thành một học thuyết đích thực về những tình trạng ấy, một bộ sưu tập (corpus) có khả năng giúp Giáo Hội phân tích những thực tại xã hội, phê phán các thực tại ấy và đưa ra những phương hướng cần phải theo để đạt được những giải pháp công bằng cho những vấn đề có liên quan”1107. Sự can thiệp của Đức Giáo hoàng Lêô XIII vào thực tại xã hội và chính trị của thời đại ngài với Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự) “đã làm cho Giáo Hội có được ‘địa vị công dân’ như trước đây Giáo Hội vẫn từng là giữa những thực tại thay đổi của đời sống công cộng, và thế đứng này về sau này càng được khẳng định cách đầy đủ hơn”1108.
522. Trong học thuyết xã hội của mình, Giáo Hội trước tiên đưa ra một cái nhìn tổng thể về con người và một sự am hiểu trọn vẹn về những chiều hướng cá nhân và xã hội của con người. Khoa nhân học Kitô giáo tỏ cho thấy phẩm giá không thể bị tước đoạt của mỗi con người và đặt những thực tại của lao động, kinh tế và chính trị vào trong một viễn tượng nguyên thuỷ, làm toả sáng những giá trị nhân bản đích thực, đồng thời gợi hứng và nâng đỡ nhiệm vụ chứng nhân của Kitô hữu trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống cá nhân, đời sống văn hoá và xã hội. Nhờ vào “những hoa quả đầu mùa của Thánh Thần” (Rm 8,23)1109, các Kitô hữu trở nên người “có khả năng thể hiện luật mới về tình yêu” (x. Rm 8,1-11). Qua Thánh Thần, Đấng “bảo đảm cho phần gia nghiệp của chúng ta” (Ep 1,14), toàn thể con người được đổi mới từ bên trong, hướng đến cả việc hoàn thành “sự cứu chuộc của thân xác”. Theo ý nghĩa đó, học thuyết xã hội của Giáo Hội chỉ cho thấy nền tảng luân lý của mọi hoạt động xã hội là nhắm vào sự phát triển mang tính nhân bản của con người và chuẩn mực của hoạt động xã hội là phải phù hợp với thiện ích đích thực của nhân loại, và học thuyết này được coi như những nỗ lực nhằm mục đích tạo ra những điều kiện cho phép mỗi người thể hiện được thiên chức trọn vẹn của mình.
523. Nhân học Kitô giáo này đem lại sức sống và nâng đỡ cho nhiệm vụ mục vụ của người tín hữu là việc hội nhập văn hoá bằng lòng tin, mà mục đích của nó là đổi mới tự bên trong – nhờ sức mạnh của Tin Mừng – những tiêu chuẩn phán đoán của con người hiện đại, đổi mới những giá trị ẩn bên trong các quyết định của họ, đổi mới cách thức họ suy nghĩ và những kiểu mẫu mà cuộc sống họ đang rập khuôn theo đó. “Về phần Giáo Hội, thông qua việc hội nhập này, Giáo Hội trở nên một dấu hiệu để người ta có thể dễ dàng nhận ra Giáo Hội là gì và trở nên một công cụ hữu hiệu hơn cho sứ mạng”1110. Thế giới hiện nay đang thấy rõ dấu hiệu có sự rạn nứt giữa Tin Mừng và văn hoá, do một cách nhìn quá trần tục về sự cứu độ, điều này dẫn đến khuynh hướng giản lược Kitô giáo thành “một sự khôn ngoan đơn thuần của con người, một loại khoa học giả tạo về hạnh phúc”1111. Giáo Hội ý thức rằng cần phải thực hiện “một bước tiến khổng lồ trong nỗ lực Phúc Âm hoá của mình, và phải bước vào một giai đoạn lịch sử mới trong sự năng động truyền giáo của mình”1112. Học thuyết xã hội của Giáo Hội được đặt trong hướng nhìn mục vụ này: “Công cuộc ‘tân Phúc Âm hoá’, một nhu cầu cấp bách cho thế giới ngày hôm nay,… cần phải bao gồm một trong những yếu tố thiết yếu là công bố học thuyết xã hội của Giáo Hội1113.
 b. Học thuyết xã hội và hoạt động mục vụ xã hội
524. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội là điểm tham chiếu không thể thiếu được để quyết định bản tính, phương thức, sự nối kết và phát triển của hoạt động mục vụ trong lĩnh vực xã hội. Giáo huấn này là sự biểu hiện của thừa tác vụ Phúc Âm hoá xã hội, nhằm mục đích soi sáng, khuyến khích và nâng đỡ sự thăng tiến toàn diện của con người thông qua việc thi hành sự giải thoát của Kitô giáo trong chiều hướng trần thế và siêu việt của nó. Giáo Hội hiện diện và sinh hoạt trong lịch sử. Giáo Hội tác động đến xã hội và văn hoá của thời đại mình để hoàn thành sứ mạng là loan báo sự mới mẻ trong sứ điệp Kitô giáo cho mọi người, qua những hoàn cảnh cụ thể mà họ gặp phải những khó khăn, đấu tranh và thách đố. Giáo Hội làm hết sức để đức tin soi dẫn cho họ có thể hiểu được sự thật này là: “cuộc giải thoát thật sự chính là biết mở lòng mình ra cho tình yêu của Đức Kitô”1114. Hoạt động mục vụ xã hội của Giáo Hội là việc diễn tả cách sống động và cụ thể các nhận thức đầy đủ về sứ mạng Phúc Âm hoá của Giáo Hội trong những thực tại xã hội, kinh tế, văn hoá và chính trị của thế giới.
525. Sứ điệp xã hội của Tin Mừng phải hướng dẫn Giáo Hội trong hoạt động mục vụ hai chiều của Giáo Hội: đó là vừa giúp con người, nam cũng như nữ, khám phá ra sự thật và lựa chọn con đường họ sẽ đi theo, vừa khích lệ các Kitô hữu làm chứng cho Tin Mừng với tinh thần phục vụ trong lĩnh vực hoạt động xã hội. “Ngày nay, hơn bao giờ hết, Lời Chúa sẽ không thể được công bố và đón nhận nếu như không kèm theo bằng chứng về quyền năng của Thánh Thần, là Đấng thể hiện quyền năng đó trong hoạt động của các Kitô hữu, là những người phục vụ anh chị em mình đến độ dám đánh đổi cả sinh mạng và tương lai của họ”1115. Nhu cầu cần phải có một cách rao giảng Tin Mừng mới mẻ (tân Phúc Âm hoá) giúp Giáo Hội hiểu rằng “ngày nay, hơn bao giờ hết,… sứ điệp xã hội của Giáo Hội sẽ được tín nhiệm mau chóng hơn nhờ vào bằng chứng của hành động hơn là vào kết quả của tính logic nội tại và tính kiên định của sứ điệp này”1116.
526. Học thuyết xã hội của Giáo Hội cung cấp những tiêu chuẩn nền tảng cho hành động mục vụ trong lĩnh vực hoạt động xã hội: đó là công bố Tin Mừng, đưa sứ điệp Tin Mừng vào trong bối cảnh những thực tại của xã hội, lập kế hoạch cho những hành động nhằm đổi mới những thực tại này, và làm cho chúng phù hợp với những đòi hỏi của luân lý Kitô giáo. Tân Phúc Âm hoá xã hội đòi hỏi trước hết việc loan báo Tin Mừng này: Thiên Chúa cứu độ mọi người và toàn thể con người trong Đức Giêsu Kitô. Sự loan báo này mạc khải cho con người hiểu được chính mình và nó phải trở thành nguyên tắc lý giải các thực tại xã hội. Trong việc loan báo Tin Mừng, chiều hướng xã hội là cốt yếu và buộc phải nói đến nhưng đó không phải là chiều hướng duy nhất. Đó là chiều hướng cần phải bộc lộ những khả năng vô hạn của ơn cứu độ Kitô giáo, dù sớm hay muộn, ơn cứu độ này vẫn không thể làm cho các thực tại xã hội phù hợp một cách hoàn hảo và dứt khoát đối với Tin Mừng. Không có kết quả nào, kể cả kết quả gây ấn tượng nhất, lại có thể thoát khỏi những giới hạn của tự do con người và trạng thái hướng về cánh chung của mọi loài thụ tạo1117.
527. Trên hết mọi sự, hoạt động mục vụ của Giáo Hội trong lĩnh vực xã hội phải làm chứngcho sự thật về con người. Nhân học Kitô giáo cho phép ta nhận thức rõ rằng các vấn đề xã hội sẽ không bao giờ tìm được một giải pháp thích hợp nếu tính siêu việt của con người, được mạc khải trọn vẹn trong đức tin, lại không được bảo vệ1118Hoạt động xã hội của các Kitô hữu phải được cảm hứng bởi nguyên tắc căn bản là lấy con người làm trung tâm1119. Nhu cầu thăng tiến thực thể toàn vẹn của con người thúc bách các Kitô hữu đưa ra những giá trị nổi bật để hướng dẫn mọi xã hội loài người theo một trật tự tốt đẹp và hữu ích, những giá trị đó là sự thật, công lý, tình yêu và tự do1120. Hoạt động mục vụ trong lĩnh vực xã hội phải tìm cách bảo đảm sao cho việc canh tân đời sống cộng đồng được liên kết với việc tôn trọng có hiệu quả đối với các giá trị này. Theo hướng này, lời chứng của Giáo Hội về nhiều lĩnh vực trong Tin Mừng tìm cách thúc đẩy để mỗi người và mọi dân tộc nhận thức được điều tốt, và nhận thức đó sẽ là một nguồn vô tận cho sự phát triển về mọi khía cạnh của đời sống trong xã hội.
c. Học thuyết xã hội và việc đào tạo
528. Cần phải tham khảo học thuyết xã hội của Giáo Hội để đào tạo Kitô hữu biết hội nhập trọn vẹn. Khi nhấn mạnh học thuyết này như nguồn cảm hứng cho sứ mạng tông đồ và hoạt động xã hội, Huấn Quyền xác tín rằng học thuyết này sẽ hình thành nên một nguồn lực đặc biệt cho việc đào tạo; “điều này đặc biệt đúng đối với giáo dân là những người có trách nhiệm trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống công cộng và xã hội. Trước hết, họ cần phải có một sự hiểu biết chính xác hơn… về học thuyết xã hội của Giáo Hội1121. Một trong các lý do đưa đến thất bại khiến học thuyết này không phản ánh một cách thích hợp để có thái độ sống cụ thể là vì di sản học thuyết này không được giảng dạy hay không được hiểu biết cách đầy đủ.
529. Giá trị đào tạo của học thuyết xã hội của Giáo Hội cần được quan tâm hơn trong việc dạy giáo lý1122. Giáo lý là việc giảng dạy có hệ thống về toàn bộ học thuyết Kitô giáo, nhằm dẫn dắt các tín hữu sống trọn vẹn Tin Mừng1123. Mục đích cuối cùng của giáo lý “là đưa con người không chỉ tiếp cận được mà còn hiệp thông mật thiết được với Đức Giêsu Kitô”1124. Theo đường hướng này, người ta có thể nhận ra tác động của Chúa Thánh Thần, là Đấng ban tặng đời sống mới trong Đức Kitô1125. Nhìn theo ánh sáng của đời sống mới này, trong việc giáo dục đức tin, khoa giáo lý không thể bỏ qua mà không quan tâm đến việc “làm sáng tỏ những thực tại một cách thích đáng, chẳng hạn như hoạt động của con người hướng tới sự giải thoát toàn vẹn cho mình, việc tìm kiếm một xã hội liên đới và huynh đệ hơn, việc đấu tranh cho công lý và xây dựng hoà bình”1126. Muốn thực hiện được những điều đó, cần phải trình bày toàn bộ giáo huấn xã hội theo lịch sử, nội dung và phương pháp của nó. Cần tiếp cận trực tiếp với văn bản của các thông điệp xã hội, cần đọc chúng trong bối cảnh Giáo Hội, hầu làm cho giáo huấn xã hội này được nhiều người đón nhận và thực hành, nhờ sự đóng góp của nhiều người có thẩm quyền và chuyên môn trong cộng đồng vào các lĩnh vực khác nhau.
530Trong bối cảnh của việc dạy giáo lý, điều quan trọng trên hết là phải giảng dạy học thuyết xã hội của Giáo Hội thế nào để thôi thúc người học làm cho các thực tại trần thế thấm nhuần Tin Mừng và mang tính nhân bản. Thật vậy, qua học thuyết này, Giáo Hội đưa ra một kiến thức lý thuyết và thực tiễn làm hậu thuẫn cho việc dấn thân để biến đổi đời sống xã hội, giúp nó ngày càng thích hợp một cách trọn vẹn hơn với kế hoạch của Thiên Chúa. Giáo lý xã hội nhằm mục đích đào tạo con người, nam cũng như nữ, xét trên phương diện trật tự luân lý, là những người yêu mến sự tự do đích thực, những người “sẽ hình thành phán đoán của họ theo ánh sáng của sự thật, biết hướng dẫn những hoạt động của mình với tinh thần trách nhiệm và đấu tranh cho sự thật và công lý trong việc tình nguyện hợp tác với người khác”1127. Nhân chứng của đời sống Kitô hữu có một giá trị đào tạo phi thường. “Đặc biệt đời sống thánh thiện toả sáng nơi nhiều thành phần dân Chúa, thể hiện cách khiêm tốn và thường ít khi nhìn thấy, lại tạo nên cách thức đơn giản và thu hút nhất để nhận ra được ngay vẻ đẹp của chân lý, sức mạnh giải thoát của tình yêu Thiên Chúa, và giá trị của sự trung tín vô điều kiện đối với tất cả những đòi hỏi của luật Chúa, dù trong những hoàn cảnh khó khăn nhất”1128.
531. Học thuyết xã hội của Giáo Hội phải là nền tảng của một công trình đào tạo sâu sắc và bền bỉ, đặc biệt cho giáo dân. Một sự đào tạo như thế phải để ý đến những bổn phận của họ trong xã hội dân sự. “Nhiệm vụ của người tín hữu không phải là thụ động chờ đợi những mệnh lệnh và hướng dẫn, nhưng chính mình phải biết tự nguyện đưa ra sáng kiến và truyền đạt tinh thần Kitô giáo vào trong cách suy nghĩ, tập quán, luật lệ và các cấu trúc của cộng đồng mình sống”1129.Cấp bậc đầu tiên của việc đào tạo các Kitô hữu giáo dân là phải giúp họ có khả năng hoà hợp một cách hữu hiệu những hoạt động hằng ngày vào trong lĩnh vực văn hoá, xã hội, kinh tế - chính trị và phải làm cho họ tăng thêm ý thức rằng mình có bổn phận phục vụ cho công ích1130Cấp bậc thứ hai liên quan tới việc đào tạo lương tâm chính trị nhằm mục đích chuẩn bị cho các Kitô hữu giáo dân thực thi quyền chính trị. “Những ai có biệt tài về nghệ thuật chính trường cao thượng nhưng cũng đầy khó khăn hoặc những ai có năng lực đặc biệt về vấn đề này cần được phát triển, thì phải tự chuẩn bị cho mình về vấn đề này, biết quên đi những tiện nghi và những lợi lộc vật chất cá nhân và cần dấn thân vào hoạt động chính trị”1131.
532. Các cơ sở giáo dục Công giáo nên và phải thực hiện việc phục vụ đào tạo cao quý, khi tự cống hiến cách đặc biệt cho việc hội nhập văn hoá của sứ điệp Kitô giáo, nghĩa là cho cuộc gặp gỡ hữu hiệu giữa Tin Mừng và các ngành kiến thức khác nhau. Học thuyết xã hội của Giáo hội Công giáo là một phương tiện cần thiết cho một nền giáo dục Kitô giáo đạt hiệu quả là hướng tới tình yêu thương, công lý và hoà bình, cũng như hướng tới sự trưởng thành ý thức về các bổn phận luân lý và xã hội trong những lĩnh vực văn hoá và chuyên môn khác nhau.
   Những “Tuần lễ Xã hội” của người Công giáo mà Huấn Quyền luôn khuyến khích là những thí dụ điển hình về các cơ hội đào tạo. Chúng là những thời gian đặc biệt để cho người tín hữu giáo dân biểu lộ và gia tăng sự đóng góp vào xã hội, mà những người này lại có khả năng đóng góp ở mức độ đặc biệt cao cho trật tự trần thế. Nhiều quốc gia nhận thấy rằng những tuần lễ này thật sự là những dịp nghiên cứu về mặt văn hoá trong việc trao đổi những suy tư và kinh nghiệm, nghiên cứu các vấn đề nổi bật và tìm ra những cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề.
533. Việc tận dụng học thuyết xã hội để đào tạo các linh mục và các ứng viên chức linh mục cũng không kém phần quan trọng. Các ứng viên này là những người, trong bối cảnh chuẩn bị cho thừa tác vụ, cần phải trau dồi một kiến thức toàn diện về giáo huấn của Giáo Hội và về mối quan tâm của Giáo Hội trong lĩnh vực xã hội cũng như sự chú ý sâu sắc đối với những vấn đề xã hội của thời đại họ sống. Bộ Giáo dục Công giáo đã phát hành tập tài liệuHướng dẫn Học tập và Giảng dạy Học thuyết Xã hội của Giáo Hội trong việc Đào tạo Linh mục1132, tài liệu này đưa ra những chỉ dẫn và khuyến cáo đặc biệt cho kế hoạch nghiên cứu đúng đắn và phù hợp với giáo huấn này.
d. Khuyến khích đối thoại
534. Học thuyết xã hội của Giáo Hội là một công cụ ưu việt cho việc đối thoại giữa các cộng đồng Kitô giáo với cộng đồng dân sự và chính trị. Đó là một công cụ thích hợp để cổ vũ và vun trồng những thái độ hợp tác đích thực và hữu hiệu theo các cách thức thích ứng với các hoàn cảnh. Sự dấn thân của các quyền hành dân sự và chính trị được mời gọi phục vụ thiên chức của từng cá nhân và của xã hội loài người phù hợp với những lĩnh vực riêng biệt của thẩm quyền và với những phương tiện họ có được, sự dấn thân này có thể tìm thấy trong giáo huấn xã hội của Giáo Hội một hậu thuẫn quan trọng và một nguồn cảm hứng phong phú.
535. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội cũng là mảnh đất màu mỡ cho đối thoại và hợp tác trong lĩnh vực đại kết. Điều này xảy ra ở nhiều nơi khác nhau trên một quy mô rộng lớn liên quan tới việc bảo vệ phẩm giá con người, cổ vũ cho hoà bình, đấu tranh cách cụ thể và hữu hiệu chống lại sự khốn cùng trong thế giới hiện nay, như nạn đói kém và nghèo nàn, nạn mù chữ, sự phân phối không công bằng của cải trên trái đất và tình trạng thiếu nhà ở. Sự hợp tác đa diện này làm tăng ý thức rằng mọi người đều là anh chị em trong Đức Kitô, và làm cho cuộc hành trình tiến tới đại kết được dễ dàng hơn.
536Nhờ có chung truyền thống Cựu Ước, Giáo hội Công giáo có thể tham gia đối thoại với anh chị em Do Thái giáo, và Giáo Hội cũng thực hiện việc đối thoại này thông qua học thuyết xã hội của mình, để cùng nhau xây dựng một tương lai đem lại công lý và hoà bình cho mọi người, với tư cách là con cái của một Thiên Chúa duy nhất. Di sản thiêng liêng chung này nuôi dưỡng sự hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau1133, trên cơ sở này, có thể đạt được sự đồng thuận lớn lao hơn liên quan tới việc khai trừ mọi hình thức phân biệt đối xử và bảo vệ nhân phẩm.
537.Học thuyết xã hội của Giáo Hội cũng tiêu biểu cho một lời kêu gọi đối thoại liên tục giữa các thành viên của các tôn giáo trên thế giới để có thể cùng nhau tìm ra những hình thức hợp tác thích hợp nhất. Tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc tìm kiếm hoà bình, điều này tuỳ thuộc vào việc cùng dấn thân cho sự phát triển toàn diện của con người1134. Trong tinh thần gặp gỡ nhau để cầu nguyện được tổ chức tại Assisi1135, Giáo Hội tiếp tục mời gọi các tín hữu thuộc các tôn giáo khác đối thoại và thúc đẩy việc làm chứng cách hữu hiệu ở khắp mọi nơi cho những giá trị được cả gia đình nhân loại chia sẻ.
e. Những chủ thể của hoạt động mục vụ xã hội
538.Toàn thể dân Chúa đều có một vai trò để thực hiện trong khi Giáo Hội hoàn thành sứ mạng của mình. Với nhiều cách thức khác nhau và thông qua mỗi thành viên tuỳ theo năng khiếu và cách hành động thích hợp với thiên chức của mỗi người, dân Chúa phải làm tròn bổn phận công bố và làm chứng cho Tin Mừng (x. 1 Cr 9,16), trong sự nhận thức rằng “hoạt động truyền giáo là một vấn đề của mọi Kitô hữu”1136.
    Công tác mục vụ trong lĩnh vực xã hội cũng được hiểu là dành cho tất cả các Kitô hữu, những người được mời gọi trở nên những chủ thể sống động để làm chứng cho học thuyết xã hội này và trở nên thành phần tích cực của truyền thống vững chắc trong “hoạt động hữu hiệu của hàng triệu người, những người cố gắng làm cho giáo huấn này trở thành nguồn cảm hứng cho sự dấn thân của họ trong thế giới, nhờ sự thôi thúc của Huấn Quyền”1137. Hoạt động với tư cách cá nhân hay cùng với những người khác trong các nhóm, các hiệp hội hay các tổ chức khác nhau, các Kitô hữu ngày nay đại diện cho “một phong trào vĩ đại để bảo vệ con người và bảo toàn nhân phẩm”1138.
539.Trong mỗi Giáo Hội riêng biệt, trách nhiệm hàng đầu cho việc dấn thân mục vụ để Phúc Âm hoá các thực tại xã hội thuộc về giám mục, được các linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân giúp đỡ. Cùng với sự lưu tâm đặc biệt đến những thực tại ở địa phương, giám mục có trách nhiệm cổ vũ giáo huấn và phổ biến học thuyết xã hội của Giáo Hội, điều mà giám mục cần phải thực hiện thông qua các định chế thích hợp.
Hoạt động mục vụ của giám mục được thực hiện qua thừa tác vụ của các linh mục là những người tham gia vào nhiệm vụ giáo huấn, thánh hoá và cai quản cộng đồng Kitô hữu của giám mục. Thông qua những chương trình đào tạo thích hợp, linh mục nên phổ biến học thuyết xã hội của Giáo Hội cho các thành viên trong cộng đồng của mình và khuyến khích họ ý thức về quyền lợi và bổn phận để trở thành những chủ thể tích cực của học thuyết này. Thông qua việc cử hành các bí tích, đặc biệt là bí tích Thánh Thể và Hoà Giải, linh mục giúp tín hữu sống việc dấn thân trong lĩnh vực xã hội của họ như là hoa trái của mầu nhiệm cứu độ. Linh mục cần cổ vũ hoạt động mục vụ trong phạm vi xã hội, quan tâm đặc biệt đến việc đào tạo và đồng hành thiêng liêng với các Kitô hữu giáo dân đã dấn thân vào đời sống xã hội và chính trị. Linh mục nào thi hành công tác mục vụ trong các hiệp hội khác nhau của Giáo Hội, đặc biệt những hiệp hội chuyên lo việc tông đồ xã hội, có bổn phận khuyến khích sự tăng trưởng của các nhóm như thế thông qua việc giảng dạy đúng đắn học thuyết xã hội.
540.Công việc mục vụ trong lĩnh vực xã hội này cũng bao gồm công việc của những người được thánh hiến tuỳ theo đặc ân riêng của họĐời sống chứng nhân sáng ngời của các người này, đặc biệt trong những hoàn cảnh rất nghèo nàn, biểu hiện một sự nhắc nhở cho mọi người về những giá trị thánh thiện và tinh thần phục vụ quảng đại cho đồng loại mình.Ân huệ dâng hiến hoàn toàn chính mình nơi các tu sĩ nam nữ được mọi người chiêm ngưỡng như là một dấu hiệu hùng hồn và mang tính tiên tri cho học thuyết xã hội của Giáo Hội. Tự hiến mình hoàn toàn cho việc phục vụ mầu nhiệm tình yêu của Đức Kitô dành cho nhân loại và thế giới, các tu sĩ như thể tham dự trước và minh chứng bằng chính đời sống của họ một số đặc điểm của nhân loại mới mà học thuyết xã hội này đang tìm cách hô hào. Trong tinh thần khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục, những người được thánh hiến dấn thân phục vụ với lòng bác ái mục vụ, đặc biệt qua kinh nguyện, và cũng nhờ kinh nguyện, họ chiêm ngưỡng kế hoạch của Thiên Chúa về thế giới và cầu xin Chúa mở lòng cho hết mọi người biết đón nhận vào trong chính bản thân mình ân huệ làm nên nhân loại mới, mà Đức Kitô trả giá bằng việc hy tế chính mình.
--------------------------------------------------------------------------------------------------
1104  Phaolô VI, Thông điệp Ngày Thế giới Hoà bình năm 1976: AAS 67 (1975), 671.
1105  x. Bộ Giáo sĩ, General Directory for Catechesis, 18, Libreria Editrice Vaticana,
    Vatican City 1997, tr. 24.
1106  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, 11: AAS 83 (1991), 259-260.
1107  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 5: AAS 83 (1991), 799.
1108  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 5: AAS 83 (1991), 799.
1109  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966), 1043.
1110  Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, 52: AAS 83 (1991), 300; x.
     Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, 20: AAS 68 (1976), 18-19.
1111  Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, 11: AAS 83 (1991), 259-260.
1112  Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christifideles Laici, 35: AAS 81
     (1989), 458.
1113  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 5: AAS 83 (1991), 800.
1114  Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, 11: AAS 83 (1991), 259.
1115  Phaolô VI, Tông thư Octogesima Adveniens, 51: AAS 63 (1971), 440.
1116  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 57: AAS 83 (1991), 862.
1117  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 48: AAS 80 (1988), 583-584.
1118  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 76: AAS 58 (1966), 1099-1100.
1119 x. Gioan XXIII, Thông điệp Mater et Magistra: AAS 53 (1961), 453; Gioan Phaolô II,
    Thông điệp Centesimus Annus, 54: AAS 83 (1991), 859, 860.
1120  x. Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in Terris: AAS 55 (1963), 265-266.
1121  x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng Christifideles Laici, 60: AAS
    81 (1989), 511.
1122  x. Bộ Giáo sĩ, General Directory for Catechesis, 30, Libreria Editrice Vaticana,
     Vatican City 1997, tr. 33.
1123  x. Gioan Phaolô II, Tông huấn Cathechesi Tradendae, 18: AAS 71 (1979), 1291-1292.
1124  Gioan Phaolô II, Tông huấn Cathechesi Tradendae, 5: AAS 71 (1979), 1281.
1125  x. Bộ Giáo sĩ, General Directory for Catechesis, 54, Libreria Editrice Vaticana,
     Vatican City 1997, tr. 56.
1126  Gioan Phaolô II, Tông huấn Cathechesi Tradendae, 29: AAS 71 (1979), 1301-1302;
      cũng xem Bộ Giáo sĩ, General Directory for Catechesis, 17, Libreria Editrice
      Vaticana, Vatican City 1997, tr. 23.
1127  CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Dignitatis Humanae, 8: AAS 58 (1966), 935.
1128  Gioan Phaolô II, Thông điệp Veritatis Splendor, 107: AAS 85 (1993), 1217.
1129  Phaolô VI, Thông điệp Populorum Progressio, 81: AAS 59 (1967), 296-297.
1130   x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 75: AAS 58 (1966), 1097-1098.
1131   CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 75: AAS 58 (1966), 1098.
1132  30 tháng 12 năm 1988, Vatican Polyglot Press, Roma 1988.
1133  CĐ. Vatican II, Tuyên ngôn Nostra Aetate, 4: AAS 58 (1966), 742-743.
1134  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 32: AAS 80 (1988), 556-557.
1135  27 tháng 10 năm 1986; 24 tháng 1 năm 2002.
1136  Gioan Phaolô II, Thông điệp Redemptoris Missio, 2:AAS 83 (1991), 250.
1137  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 3: AAS 83 (1991), 795.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét