Trang

Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

II. LUÂN LÝ VÀ KINH TẾ (Chương VII)


330Học thuyết xã hội của Giáo Hội rất nhấn mạnh những hệ luỵ luân lý của kinh tế. Trong một đoạn trích từ Thông điệp Quadragesimo Anno, Đức Giáo hoàng Piô XI có nói tới mối quan hệ giữa kinh tế và luân lý. “Dù khoa kinh tế và khoa luân lý sử dụng những nguyên tắc riêng của mỗi bên trong lĩnh vực của mình, nhưng thật sai lầm khi nói rằng trật tự kinh tế và trật tự luân lý hoàn toàn tách biệt và xa lạ với nhau đến nỗi trật tự kinh tế không hề lệ thuộc trật tự luân lý. Chắc hẳn luật kinh tế, dựa trên chính bản chất của các sự vật vật chất, trên khả năng của tinh thần và thể xác con người, đã xác định cho biết đâu là những giới hạn mà nỗ lực sản xuất của con người không được vượt qua, đâu là những giới hạn mà nỗ lực sản xuất của con người có thể đạt được trong địa hạt kinh tế, và đạt được bằng cách thức nào. Tuy rằng chính lý trí con người cho thấy rõ, dựa trên bản chất cá thể và xã hội của các sự vật và của con người, đâu là mục tiêu mà Thiên Chúa đã quy định cho toàn bộ đời sống kinh tế. Thế nhưng chỉ có luật luân lý, khi ra lệnh cho chúng ta tìm kiếm mục tiêu trên hết và sau hết trong toàn bộ hệ thống hoạt động của chúng ta, cũng như yêu cầu chúng ta phải tìm kiếm ngay trong mỗi hoạt động kinh tế những mục tiêu mà ai cũng biết là do tự nhiên, hay đúng hơn, do Thiên Chúa – tác giả của tự nhiên – đặt ra cho loại hình hoạt động ấy, và trong mối quan hệ có tôn ti trật tự (luật luân lý), làm cho những mục tiêu trước mắt phải lệ thuộc vào mục tiêu trên hết và sau hết của chúng ta”691.
331Quan hệ giữa luân lý và kinh tế là quan hệ tất yếu, hay thực ra là quan hệ nội tại: hoạt động kinh tế và cách ứng xử có luân lý gắn bó mật thiết với nhau. Phân biệt luân lý với kinh tế tuy cần thiết nhưng không có nghĩa là tách rời hai địa hạt ấy, trái lại, chúng còn tương tác lên nhau một cách hết sức quan trọng. Cũng như trong lĩnh vực luân lý người ta phải cứu xét những lý do và đòi hỏi của kinh tế, thì trong lĩnh vực kinh tế người ta cũng phải cởi mở tiếp nhận các yêu cầu của luân lý: “Trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, người ta phải tôn trọng và phát huy phẩm giá và ơn gọi đầy đủ của con người, cũng như sự an sinh của toàn xã hội. Vì con người là nguồn cội, là trung tâm và là mục tiêu của toàn bộ đời sống kinh tế và xã hội”692. Dành cho các vấn đề riêng thuộc về kinh tế một sự quan tâm thích đáng không có nghĩa là loại bỏ hết và xem là phi lý tất cả những sự quan tâm khác về một lĩnh vực vượt trên kinh tế. Sở dĩ như thế là vì mục tiêu của kinh tế không nằm trong chính kinh tế, mà đúng hơn nó nằm trong bản chất được đặt định hướng đến con người và xã hội của kinh tế693. Thật vậy, dù xét trên bình diện khoa học hay thực tiễn, kinh tế không bao giờ được trao cho mục đích hoàn thành con người hay tạo ra một sự chung sống thích đáng cho con người. Đúng hơn, nhiệm vụ của kinh tế chỉ là thực hiện từng phần như sản xuất, phân phối và tiêu thụ các của cải vật chất và các dịch vụ.
332Chiều hướng luân lý của kinh tế cho chúng ta thấy rằng hiệu năng kinh tế và việc đẩy mạnh sự phát triển của con người trong tình liên đới không phải là hai mục tiêu tách rời nhau hay phải chọn một trong hai, mà chỉ là một mục tiêu không thể phân chia. Luân lý – một phần tất yếu của đời sống kinh tế – không chống lại đời sống kinh tế, cũng không đứng trung lập với đời sống ấy: nếu luân lý ấy được gợi ý là do công lý và liên đới, thì đó chính là một nhân tố tạo ra hiệu năng xã hội trong khuôn khổ nền kinh tế ấy. Sản xuất hàng hoá là một nghĩa vụ cần phải thi hành cách hữu hiệu, bằng không các nguồn lực kể như đã bị phung phí. Mặt khác, chúng ta không thể chấp nhận đạt được mức tăng trưởng kinh tế bằng cách hy sinh nhiều con người, hy sinh cả một dân tộc hay một nhóm xã hội nào đó, bắt họ phải lâm cảnh túng thiếu. Việc làm gia tăng của cải – được chứng minh qua tình trạng hàng hoá và dịch vụ luôn có sẵn – và việc thoả mãn những đòi hỏi luân lý để các của cải và dịch vụ ấy được phân phối cách công bằng, hai việc này phải thúc đẩy con người nói riêng và xã hội nói chung thực hành đức tính căn bản là liên đới694, để trong tinh thần công lý và bác ái, chúng ta chống lại những “cơ cấu tội lỗi”695 ở bất cứ nơi nào chúng hiện diện. Đó là những cơ cấu tạo ra và duy trì sự nghèo đói, sự kém phát triển và suy thoái. Những cơ cấu này được tạo ra và được củng cố là do vô số hành vi ích kỷ của con người. 
333Nếu hoạt động kinh tế phải có tính luân lý, thì hoạt động ấy phải hướng tới mọi người và mọi dân tộc. Mọi người đều có quyền tham gia vào đời sống kinh tế và đều có nghĩa vụ tuỳ theo khả năng của mình mà đóng góp vào sự tiến bộ của quê hương mình và của toàn thể gia đình nhân loại696. Nếu mọi người đều có trách nhiệm về người khác tới một mức độ nào đó, thì mọi người cũng có nghĩa vụ dấn thân vào công cuộc phát triển kinh tế của hết mọi người697. Đây là một nghĩa vụ được thực hiện trong tình liên đới và công lý, nhưng đó cũng là phương cách hay nhất để đem sự tiến bộ kinh tế đến cho toàn thể nhân loại. Khi được thi hành theo đúng luân lý, hoạt động kinh tế trở thành sự phục vụ lẫn nhau giữa con người, được biểu hiện qua việc sản xuất hàng hoá và cung cấp các dịch vụ cần thiết cho sự phát triển của mỗi người; đồng thời nó sẽ trở thành cơ hội cho mỗi người thể hiện tình liên đới và sống lời mời gọi “hiệp thông với người khác mà Thiên Chúa đã nhắm tới khi tạo dựng con người”698. Nỗ lực sáng tạo và thực hiện các dự án kinh tế và xã hội có thể thúc đẩy một xã hội công bằng hơn và một thế giới nhân bản hơn. Đây quả là một thách thức khó khăn, nhưng đó cũng là một nghĩa vụ rất đáng tự hào cho tất cả những ai đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế và đang có liên hệ với các khoa kinh tế699.
334Kinh tế lấy việc phát triển sự giàu có và làm cho sự giàu có mỗi ngày một tăng lên, không chỉ về lượng mà cả về chất, làm mục tiêu của mình. Điều này thật đúng về mặt luân lý, nếu nó giúp con người được phát triển toàn diện trong sự liên đới và giúp xã hội, nơi mọi người sinh sống và làm việc, cũng được phát triển như thế. Thật vậy, không thể coi phát triển chỉ là một tiến trình tích luỹ của cải và các dịch vụ không hơn không kém. Ngược lại, sự tích luỹ, dù vì công ích, tự nó không phải là điều kiện đủ để mang lại hạnh phúc đích thực cho con người. Hiểu như thế, ta sẽ thấy tại sao huấn quyền xã hội của Giáo Hội đã cảnh báo cho chúng ta về sự giả dối đang ẩn đằng sau những sự phát triển chỉ nghiêng về số lượng: “tình trạng mọi mặt hàng vật chất có sẵn tới mức thái quá nhằm phục vụ cho ích lợi của một số tập thể trong xã hội sẽ làm cho dân chúng dễ dàng trở thành nô lệ cho sự ‘chiếm hữu’ và sự thoả mãn tức thời… Đây chính là cái được gọi là văn minh ‘tiêu thụ’ hay ‘chủ nghĩa tiêu thụ’”700.
335Nhìn trong viễn tượng phát triển toàn diện và liên đới như thế, chúng ta sẽ biết quý trọng đúng mức việc đánh giá luân lý mà học thuyết xã hội của Giáo Hội cống hiến cho con người, liên quan đến nền kinh tế thị trường, hay đơn giản hơn, liên quan đến nền kinh tế tự do: “Nếu hiểu ‘chủ nghĩa tư bản’ là một hệ thống kinh tế nhìn nhận vai trò căn bản và tích cực của kinh doanh, nhìn nhận thị trường, quyền tư hữu và trách nhiệm về hậu quả đối với các phương tiện sản xuất, cũng như sự sáng tạo tự do của con người trong địa hạt kinh tế, thì câu trả lời về sự đánh giá chắc chắn là tích cực, dù có lẽ nên nói đó là nền “kinh tế thương mại”, “kinh tế thị trường”, hay đơn giản hơn là nền “kinh tế tự do”, thì thích hợp hơn. Còn nếu hiểu ‘chủ nghĩa tư bản’ là một hệ thống, trong đó tự do kinh tế không hề bị giới hạn trong một khuôn khổ pháp lý vững chắc mà khuôn khổ này lại đặt tự do kinh tế để phục vụ sự tự do của con người xét như một tổng thể và hệ thống này lại coi tự do kinh tế chỉ là một khía cạnh đặc biệt của sự tự do toàn thể, còn cốt lõi của sự tự do toàn thể này mới có tính cách đạo đức và tôn giáo, thì câu trả lời về sự đánh giá của Giáo Hội chắc chắn là tiêu cực”701. Theo đường hướng này, một quan điểm của Kitô giáo liên quan đến các điều kiện xã hội và chính trị của hoạt động kinh tế không phải chỉ được xác định qua những quy tắc luật lệ mà còn bao gồm cả phẩm chất luân lý và ý nghĩa luân lý của hoạt động kinh tế đó nữa.
------------------------------------------------------------------------------------
691  Piô XI, Thông điệp Quadragesimo Anno: AAS 23 (1931), 190-191.
692  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 63: AAS 58 (1966), 1084.
693  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2426.
694  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 40: AAS 80 (1988), 568-569.
695 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 36: AAS 80 (1988), 561.
696  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 65: AAS 58 (1966), 1086-1087.
697  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 32: AAS 80 (1988), 556-557.
698 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 41: AAS 83 (1991), 844.
699  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp ngày Thế giới Hoà bình năm 2000, 15-16: AAS 92
   (2000), 366-367.
700 Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 28: AAS 80 (1988), 548.
701 Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 42: AAS 83 (1991), 845-846.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét