Trang

Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

GIÁO HUẤN XÃ HỘI CỦA GIÁO HỘI VỀ LAO ĐỘNG



        *** Chữ viết tắt
LĐ = Lao động
GHXH = Giáo huấn xã hội của Giáo hội
TLHT = Sách Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội
XH = xã hội
        Thông điệp LE = Laborem exercens; CA = Centesimus annus. Hiến chế GS = Gaudium et spes.
------------

      Giống như bài trước, chúng ta sẽ chia bài này làm hai mục: 1/ Tóm lược nội dung của Sách Tóm lược. 2/ Nhận xét


Mục I. Sách Tóm lược Giáo huấn xã hội
Giới thiệu
      Trong sách TLHT đề tài lao động được bàn ở chương 6, được phân ra làm 7 đoạn:
      I. Khía cạnh Kinh thánh (số 255-266) (Click)
      II. Giá trị ngôn sứ của thông điệp Rerum novarum (số 267-269) (Click)
      III. Phẩm giá lao động (số 270-286) (Click)
      IV. Quyền làm việc (số 287-300) (Click)
      V. Những quyền lợi của người lao động (số 301-304) (Click)
      VI. Tình liên đới giữa những người lao động (số 305-309) (Click)
      VII. Những vấn đề mới (res novae) của thế giới lao động (310-322) (Click)
      Chiều dài và tầm quan trọng của các đoạn không ngang nhau. Đoạn 2 và đoạn 7 đặt vấn đề lao động trong bối cảnh lịch sử, trình bày những vấn đề mới (res novae) hồi thế kỷ XIX (thông điệp Rerum novarum) và vào thời nay. Đoạn 1 nói đến khía cạnh Kinh thánh nhằm cung cấp cho các tín hữu ánh sáng của Lời Chúa, nhưng có lẽ sẽ khó sử dụng được cho những người ngoài Kitô giáo. Đoạn 3 có thể coi như căn bản cho mọi hình thức lao động, (được khai triển trong ba đoạn tiếp theo), dựa theo thông điệp Laborem exercens của đức thánh cha Gioan Phaolô II. 

Mục II. Nhận xét
      Trong mục này, chúng tôi sẽ trình bày sơ qua những bối cảnh của vấn đề lao động, với những đề tài sau đây:
        I. Những khái niệm. A. Từ ngữ. B. Định nghĩa. C. Phân loại (Click)
        II. Giá trị lao động. A. Từ chân tay đến tinh thần. B. Những sự tha hoá của công nhân. C. Tin mừng lao động. (Click)
        III. Lao động và GHXH. A. Sự tiến triển của vấn đề. B. Vài nguyên tắc. C. Quyền lợi và nghĩa vụ làm việc. (Click)
----------
      Lao động và tư hữu là hai chủ đề cổ điển nhất của Giáo huấn xã hội của Hội thánh công giáo, bắt đầu từ thông điệp Rerum novarum của đức Lêô XIII, nhằm trả lời cho những thách đố của thời đại: sự bóc lột giới lao động trong cuộc cách mạng kỹ nghệ, đầu đề cho cuộc tranh đấu của các phong trào cộng sản. Giáo Hội phải bảo vệ cả hai giá trị: người lao động (chống lại sự bóc lột của chủ nhân), quyền tư hữu (chống lại thuyết mác xít). Tuy nhiên từ thế kỷ XIX đến nay, tình hình đã thay đổi rất nhiều: câu chuyện không còn giới hạn trong khuôn khổ của một xí nghiệp (tương quan chủ thợ), nhưng còn liên quan đến chính sách kinh tế của một quốc gia (lệ thuộc vào chủ nghĩa chính trị: tư bản, xã hội, cộng sản), và ngày nay mang tính cách toàn cầu.
      Người ta nhận thấy rằng vấn đề lao động đã có nhiều chuyển hướng trong vòng một thế kỷ (từ Rerum novarum đến Centesimus annus): 1/ Cho đến thế chiến thứ nhất: lao động là một vấn đề luân lý (đức công bằng) trong tương quan giữa công nhân và tư bản, và giới hạn của sự can thiệp Nhà Nước. 2/ Giữa hai thế chiến, với chủ nghĩa tân tư bản và cuộc khủng hoảng kinh tế, lao động trở thành vấn đề chính trị: không thể để cho thị trường tự do thao túng, nhưng Nhà Nước buộc phải can thiệp. 3/ Sau thế chiến thứ hai, khi nếp sống được nâng cao hơn tuy vẫn không tránh những khó khăn, người ta nghĩ đến việc “nhân bản hóa lao động”: trong bối cảnh này đã phát triển khía cạnh thần học lao động (tác phẩm của cha M.D. Chénu) được trình bày trong hiến chế Gaudium et spes. (Lát nữa chúng ta sẽ điểm qua các văn kiện của Giáo hội).
      Không lạ gì mà những vấn đề được bàn trong chương này bao trùm nhiều lãnh vực: thần học, tu đức, luân lý, chính trị, mục vụ. Chương này được viết ra cho toàn thể Giáo hội, với những quốc gia mang những truyền thống kinh tế khác nhau (các nước kỹ nghệ phương Tây, các nước đang phát triển, các nước nông nghiệp). Nước Việt Nam hiện nay sống trong một khung cảnh xã hội đặc biệt: tuy mang danh là “xã hội chủ nghĩa”, nhưng chắc hẳn là không giống với xã hội chủ nghĩa của các nước Đông Au trước khi sụp đổ bức tường Bá Linh; đàng khác, cũng chưa muốn chuyển sang “tư bản chủ nghĩa”, bởi vì ngại những hậu quả về chính trị. Đang khi đó, dù muốn dù không, chúng ta cũng chịu ảnh hưởng của nền kinh tế toàn cầu, với những thăng trầm của nó.
      Chúng tôi không đi vào những khía cạnh chuyên môn của kinh tế chính trị, nhưng chỉ dừng lại ở khía cạnh đạo lý (triết học - thần học). Dù đã giới hạn trong một lãnh vực cụ thể như vậy, xin thú nhận rằng vấn đề không đơn giản, bắt đầu bằng chuyện từ ngữ và định nghĩa.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét