Trang

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012

III. CON NGƯỜI TRONG KẾ HOẠCH YÊU THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA




a. Tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc và là mục tiêu của con người
34Khi mầu nhiệm Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô như tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi, thì đồng thời ơn gọi của con người là yêu thương cũng được mạc khải. Mạc khải này soi sáng cho chúng ta hiểu phẩm giá con người và sự tự do của con người trong mọi khía cạnh, cũng như hiểu bản tính xã hội của con người một cách sâu xa. “Là con người theo hình ảnh và giống Thiên Chúa… cũng là được hiện hữu trong một tương quan, trong tương quan với một ‘cái tôi’ khác36, vì bản thân Thiên Chúa – vừa là một vừa là ba – chính là sự hiệp thông giữa Cha, Con và Thánh Thần”.
Con người được mời gọi hãy khám phá nguồn gốc và mục tiêu của cuộc đời và lịch sử đời mình nơi sự hiệp thông yêu thương của Thiên Chúa, vì nơi đó Ba Ngôi yêu thương nhau và chỉ là một Thiên Chúa duy nhất. Trong Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes (Vui mừng và Hy vọng), các Nghị phụ Công đồng dạy rằng “khi cầu xin Cha ‘cho chúng nên một… như Chúng Ta là một’ (Ga 17,21-22), Chúa Giêsu Kitô đã mở ra những chân trời mới mà lâu nay trí khôn con người chưa khám phá, đó là nhìn nhận có một sự tương tự nào đó giữa sự kết hợp của Ba Ngôi Thiên Chúa với sự kết hợp của con cái Thiên Chúa trong sự thật và tình yêu. Sự tương tự này cho thấy nếu con người là thụ tạo duy nhất trên thế gian này mà Thiên Chúa muốn tạo dựng vì chính con người, thì con người chỉ có thể khám phá ra bản ngã đích thực của mình khi chân thành trao ban chính mình (x. Lc 17,33)”37.
35Mạc khải Kitô giáo đã chiếu ánh sáng mới mẻ cho chúng ta hiểu bản sắc, ơn gọi và định mệnh cuối cùng của con người và của nhân loại. Mỗi người đều do Thiên Chúa tạo dựng, đều được Thiên Chúa yêu thương và cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, và sẽ tự hoàn thành chính mình bằng cách thiết lập mạng lưới quan hệ yêu thương, công bằng và liên đới với những người khác, khi tiến hành các việc làm khác nhau trong thế giới. Bất cứ hoạt động nào của con người mà giúp phát huy phẩm giá và ơn gọi đầy đủ của con người, đẩy mạnh các điều kiện sống cho có chất lượng và giúp các dân tộc, các quốc gia liên đới với nhau, đều là những hoạt động phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa, Đấng không ngừng bày tỏ tình yêu và sự quan tâm lo lắng cho con cái mình.
36Các trang đầu tiên của cuốn sách thứ nhất trong Thánh Kinh, khi mô tả con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1,26-27), đã bao gồm một giáo huấn cơ bản về bản sắc và ơn gọi của con người. Chúng cho chúng ta biết rằng tạo dựng con người là một hành vi hoàn toàn tự nguyện và vô điều kiện của Thiên Chúa; vì là những con người tự do và có hiểu biết, nên con người chính là “tha nhân” do Chúa sáng tạo, và chỉ khi liên hệ với Ngài, con người mới khám phá ra, mới thực hiện được đúng đắn và đầy đủ ý nghĩa của đời sống cá nhân cũng như xã hội của mình. Chúng còn cho ta hiểu rằng chính khi con người bổ túc cho nhau và trao đổi với nhau, con người mới là hình ảnh tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa trong vũ trụ. Đấng Tạo Hoá cũng trao cho con người, chóp đỉnh của công trình tạo dựng, nhiệm vụ sắp xếp thiên nhiên được tạo thành ấy theo ý định của Ngài (x. St 1,28).
37Sách Sáng Thế còn cung cấp cho chúng ta một số nền tảng làm nên khoa nhân học Kitô giáo như phẩm giá bất khả chuyển nhượng của con người, gốc rễ và bảo chứng của phẩm giá ấy nằm trong ý định sáng tạo của Thiên Chúa; bản tính xã hội chủ yếu của con người mà mẫu gốc của bản tính ấy là mối quan hệ nguyên thuỷ giữa người nam và người nữ, sự kết hợp của hai người này “chính là hình thức hiệp thông đầu tiên giữa con người với con người”38. Ý nghĩa của những hoạt động con người thực hiện trong thế giới có liên quan tới việc khám phá và tôn trọng các định luật tự nhiên do Thiên Chúa khắc ghi trong vũ trụ mà Ngài đã tạo thành, để con người có thể sống trong vũ trụ ấy và chăm sóc vũ trụ ấy theo ý muốn của Thiên Chúa. Cái nhìn về con người, xã hội và lịch sử này bám rễ rất sâu trong Thiên Chúa và sẽ được thấy rõ hơn nữa khi kế hoạch cứu độ trở thành hiện thực.
b. Sự cứu độ của Kitô giáo: dành cho hết mọi người và cho con người toàn diện
38Sự cứu độ do sáng kiến của Chúa Cha được gửi tặng cho con người một cách sung mãn trong Đức Giêsu Kitô, rồi được thực hiện và truyền lại cho chúng ta nhờ hoạt động của Thánh Thần, là sự cứu độ dành cho hết mọi người và là sự cứu độ toàn diện con người: đó là sự cứu độ phổ quát và toàn diện. Nó liên quan đến con người trong hết mọi chiều hướng: chiều hướng cá nhân lẫn xã hội, thể lý lẫn tâm linh, lịch sử lẫn siêu việt. Nó đã bắt đầu trở thành một hiện thực trong lịch sử vì bất cứ điều gì được tạo dựng đều tốt và đều do Chúa muốn, cũng như vì Con Thiên Chúa đã trở nên một người giữa chúng ta39. Tuy nhiên, để hoàn tất, nó còn phải chờ đến tương lai khi mọi người chúng ta, cùng với toàn thể thụ tạo (x. Rm 8), được chia sẻ sự sống lại của Đức Kitô và được hiệp thông vĩnh viễn vào sự sống của Chúa Cha trong niềm vui của Thánh Thần. Quan niệm như thế đã cho thấy rõ sai lầm và dối trá của những cái nhìn thuần tuý nội tại về ý nghĩa của lịch sử và của những ai đòi tự cứu lấy mình.
39Sự cứu độ mà Thiên Chúa gửi tặng con cái Ngài đòi hỏi họ phải tự nguyện hưởng ứng và chấp nhận. Đức tin cốt ở tại điều ấy, và thông qua việc này, “con người tự nguyện hiến dâng trọn vẹn bản thân mình cho Chúa”40, đáp lại tình yêu đi bước trước và rất dồi dào của Thiên Chúa (x. 1 Ga 4,10) bằng cách yêu thương anh chị em mình một cách cụ thể và bằng cách luôn sống trong hy vọng, vì “Đấng đã hứa với chúng ta là Đấng luôn trung thành” (Dt 10,23). Thật ra, kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không khiến con người phải ở thế thụ động hay lép vế khi liên hệ với Đấng Tạo Hoá, vì mối quan hệ của chúng ta với Chúa, như Đức Kitô đã mạc khải cho chúng ta và đã tình nguyện nhờ Thánh Thần biến chúng ta thành những người đồng thừa tự, chính là mối quan hệ của con cái đối với cha mình, cũng chính là mối quan hệ mà Đức Giêsu đã từng sống với Chúa Cha (x. Ga 15-17; Gl 4,6-7).
40Chính vì ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại vừa phổ quát vừa toàn diện, nên mối quan hệ mà mỗi người chúng ta được mời gọi liên kết với Chúa không thể tách rời khỏi trách nhiệm chúng ta phải thi hành đối với anh em mình trong những hoàn cảnh cụ thể của lịch sử. Điều này chúng ta có thể cảm nhận qua sự tìm kiếm của hết mọi người đi tìm sự thật và ý nghĩa cuộc đời, dù không phải lúc nào cũng tránh được sự hồ đồ hay ngộ nhận. Sự tìm kiếm ấy cũng là nền tảng cho Thiên Chúa ký kết giao ước với dân Israel, như các tấm bia ghi Mười Điều Răn và giáo huấn của các ngôn sứ đã chứng nhận.
Tương quan này càng trở nên rõ ràng và chính xác hơn trong giáo huấn của Đức Giêsu, đồng thời được xác nhận cách dứt khoát qua bằng chứng tuyệt vời của Người khi hy sinh mạng sống mình vì vâng theo ý muốn của Chúa Cha và vì yêu thương anh chị em mình. Khi nghe một kinh sư hỏi “Điều răn nào là quan trọng nhất?” (Mc 12,28), Đức Giêsu đã trả lời: “Điều răn thứ nhất là: ‘Hỡi Israel, hãy lắng nghe: Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi là Đấng duy nhất; ngươi phải yêu mến Ngài với hết cả tâm hồn, linh hồn, trí khôn, và hết sức lực ngươi’. Còn điều răn thứ hai là: ‘Ngươi phải yêu thương người lân cận như chính mình. Không có điều răn nào lớn hơn hai điều răn ấy” (Mc 12,29-31).
Trong tâm hồn con người, hai điều này liên kết với nhau chặt chẽ đến nỗi không thể tách rời nhau: đó là mối quan hệ với Chúa – như là Đấng Tạo Hoá và như là người Cha của mình, mối quan hệ này là nguồn gốc và là đích điểm của sự sống và sự cứu độ – và sự cởi mở để yêu thương con người một cách cụ thể, như yêu thương chính bản thân mình, kể cả khi người ấy là kẻ thù (x. Mt 5,43-44). Phân tích tới cùng, chúng ta sẽ thấy việc cam kết thực thi công bằng và liên đới để xây dựng một cuộc sống xã hội, kinh tế và chính trị theo đúng kế hoạch của Chúa đã bắt nguồn từ nội tâm sâu xa của con người.
c. Môn đệ của Đức Kitô là một thụ tạo mới 
41Đời sống cá nhân và xã hội, cũng như bất cứ hành vi nào của con người trong thế giới, luôn luôn bị tội lỗi đe doạ. Thế nhưng, “bằng cách chịu khổ vì chúng ta…, Đức Giêsu Kitô không những làm gương cho chúng ta để chúng ta bước theo Người, mà Người còn mở ra cho chúng ta một con đường. Nếu đi theo con đường ấy, cuộc sống và cái chết của chúng ta sẽ được thánh hoá và mặc một ý nghĩa mới”41. Trong đức tin và thông qua các bí tích, người môn đệ Đức Kitô gắn bó mật thiết với mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Giêsu để con người cũ của mình, cùng với những khuynh hướng xấu, chịu đóng đinh với Đức Kitô. Rồi khi trở thành thụ tạo mới, họ được ân sủng tăng sức để có thể “bước đi trong đời sống mới” (Rm 6,4). Điều này “không chỉ đúng với các Kitô hữu, mà còn đúng đối với mọi người thiện chí, vì ân sủng vẫn đang hoạt động cách vô hình trong tâm hồn những người ấy. Vì Đức Kitô đã chết cho mọi người và vì ai ai cũng được mời gọi hưởng chung một định mệnh duy nhất – một định mệnh thần thánh – nên chúng ta phải tin rằng Thánh Thần sẽ ban cho mọi người khả năng trở thành những người tham dự vào mầu nhiệm Vượt Qua, bằng cách nào chỉ có Chúa biết mà thôi”42.
42Sự biến đổi nội tâm con người, làm cho họ dần dần trở nên giống Đức Kitô, chính là điều kiện tiên quyết cần thiết để các mối quan hệ của họ với người khác được biến đổi thật sự. “Thế nên, cần lưu ý tới những khả năng tâm linh và luân lý của con người, cũng như nhu cầu cần hoán cải nội tâm thường xuyên, để tạo ra những thay đổi về xã hội thực sự có ích cho họ. Nhìn nhận thế ưu tiên của việc hoán cải tâm hồn không có nghĩa là loại bỏ, trái lại còn bắt chúng ta phải tìm những phương dược thích hợp để sửa chữa các tổ chức và các điều kiện sống có nguy cơ dẫn tới tội, để chúng trở nên phù hợp với các chuẩn mực của công bằng, thúc đẩy điều tốt hơn là ngăn cản điều tốt”43.
43Không thể yêu tha nhân như chính mình và kiên trì giữ vững cách sống ấy nếu không có quyết tâm vững vàng và liên tục để làm cho mọi người và mỗi người được tốt, vì ai trong chúng ta cũng thật sự chịu trách nhiệm về mọi người44. Theo giáo huấn của Công đồng, “mọi người đều có quyền đòi chúng ta phải kính trọng và yêu thương, dù họ suy nghĩ và hành động khác với chúng ta về các vấn đề xã hội, chính trị và tôn giáo. Thật vậy, càng tìm hiểu sâu xa lề lối suy nghĩ của họ qua lòng tốt và yêu thương của mình, chúng ta càng có khả năng đối thoại với họ dễ dàng hơn”45. Muốn theo con đường này, chúng ta cần có ơn Chúa: Chúa sẽ ban cho con người ơn ấy để giúp con người vượt thắng các khuyết điểm, để kéo con người ra khỏi vòng luẩn quẩn của dối trá và bạo động, để nâng đỡ và thôi thúc con người khôi phục lại, với một tinh thần luôn luôn mới mẻ và sẵn sàng, cả một mạng lưới quan hệ trung thực và đúng đắn với anh chị em đồng loại của mình46.
44Ngay cả mối quan hệ với vũ trụ được tạo dựng và các hoạt động của con người nhằm chăm sóc và biến đổi vũ trụ ấy cũng luôn luôn bị đe doạ bởi tính kiêu ngạo và tình yêu vị kỷ vô trật tự của con người, nên cần phải được thanh luyện và kiện toàn bằng thập giá và sự phục sinh của Đức Kitô. “Được Đức Kitô cứu chuộc và được Thánh Thần biến đổi thành thụ tạo mới, con người có khả năng, thậm chí có bổn phận yêu thương mọi sự trong công trình tạo dựng của Chúa: con người tiếp nhận chúng từ Thiên Chúa, con người phải ngắm nhìn và tôn trọng chúng như chúng đang được ban ra từ bàn tay Thiên Chúa. Con người phải cám ơn vị ân nhân thần linh ấy về tất cả các điều đó, sử dụng và thụ hưởng chúng trong tinh thần khó nghèo và tự do. Bằng cách đó, con người thật sự làm chủ thế giới như thể không có gì hết nhưng lại có tất cả: “Mọi sự là của anh em; nhưng anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3,22-23)47.
d. Ơn cứu độ siêu việt và các thực tại trần thế độc lập
45Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa làm người, trong Người và nhờ Người, thế giới và con người đạt tới được sự thật đích thực và trọn vẹn của mình. Mầu nhiệm Thiên Chúa vô cùng gần gũi với con người – điều này được thực hiện qua cuộc Nhập Thể của Đức Giêsu Kitô, Đấng đã hiến mình trên thập giá và đã hy sinh chịu chết – cho thấy càng nhìn các thực tại của con người trong kế hoạch của Thiên Chúa và càng sống các thực tại ấy trong sự hiệp thông với Thiên Chúa, các thực tại ấy càng được tăng thêm sức mạnh và càng được giải phóng cho hợp với bản sắc riêng của chúng và hợp với tự do riêng của chúng. Chia sẻ đời sống làm con cùng với Đức Kitô, nhờ cuộc Nhập Thể và nhờ quà tặng của Thánh Thần trong mầu nhiệm Vượt Qua, không phải là huỷ hoại mà là giúp giải phóng các đặc điểm và bản sắc thật sự và độc lập, cũng là nét làm nên con người với những sự biểu hiện khác nhau.
Cách nhìn này dẫn đến một cách tiếp cận đúng đắn các thực tại trần thế và sự độc lập của các thực tại ấy, đó là điều đã được Công đồng Vatican II lưu ý mạnh mẽ: “Nếu nói đến sự độc lập của các việc trần thế mà hiểu rằng các sự việc trần thế và xã hội tự chúng có những quy luật riêng và những giá trị riêng, và chúng ta có bổn phận phải khám phá dần dần để sử dụng và điều hoà, thì hoàn toàn hợp lý khi chúng ta đòi hỏi sự độc lập ấy cho các sự việc và xã hội trần thế. Điều ấy… cũng phù hợp với ý muốn của Đấng Tạo Hoá. Chính vì được tạo thành như thế mà mọi sự được ban cho có sự ổn định, chân thật, tốt lành, cũng như luật lệ và trật tự riêng. Con người phải tôn trọng những điều này khi tách rời chúng bằng những phương pháp đặc thù của các khoa học hay nghệ thuật”48.
46Không có sự xung đột giữa Thiên Chúa và con người, nhưng giữa hai bên có mối quan hệ yêu thương, theo đó, thế giới và các kết quả hoạt động của con người trong thế giới đều là món quà trao tặng cho nhau giữa Cha và con cái, hay giữa con cái với nhau, trong Đức Kitô Giêsu; trong Người và nhờ Người, thế giới và con người tìm được ý nghĩa đích thực và vốn có của cả hai. Nhìn tình yêu Thiên Chúa bao trùm lên tất cả mọi sự hiện hữu như thế, chúng ta sẽ thấy Thiên Chúa đã tỏ mình cho chúng ta nơi Đức Kitô như một người Cha và như người ban tặng cho chúng ta sự sống; còn con người nhận tất cả mọi sự trong Đức Kitô từ nơi Thiên Chúa như nhận những quà tặng, một cách khiêm tốn và tự nguyện; con người cũng thấy mình thực sự đang sở hữu mọi sự như của mình chính khi con người ý thức và cảm nghiệm sự vật nào cũng là của Thiên Chúa, xuất phát từ Thiên Chúa và đang tiến về Thiên Chúa. Về điểm này, Công đồng Vatican II đã nói: “Nếu kiểu nói ‘sự độc lập của các sự việc trần thế’ được hiểu là các thụ tạo không lệ thuộc vào Thiên Chúa và con người có thể sử dụng chúng mà không liên hệ gì với Đấng Tạo Thành chúng, thì bất cứ ai nhìn nhận Thiên Chúa đều thấy đó là kiểu nói hết sức sai lầm. Vì không có Đấng Tạo Hoá, thụ tạo sẽ biến mất”49.
47Tự bản thân và trong ơn gọi của mình, con người vốn vượt lên trên những giới hạn của vũ trụ, xã hội và lịch sử: mục tiêu tối hậu của con người là chính Thiên Chúa50, Đấng đã tự mạc khải mình cho con người để mời gọi và tiếp nhận con người vào hiệp thông với mình51. “Con người không thể trao mình cho một kế hoạch thực tế thuần tuý của con người, cho một lý tưởng trừu tượng hay cho một điều không tưởng sai lầm. Trong tư cách là một ngôi vị, con người chỉ có thể trao mình cho một ngôi vị khác hay cho các ngôi vị khác, và sau cùng, cho Thiên Chúa, là tác giả sự tồn tại của con người và là Đấng duy nhất có thể tiếp nhận sự trao thân gửi phận của con người”52. Vì lý do đó, “một người bị tha hoá khi không chịu vượt lên trên bản thân mình và không chịu sống cái kinh nghiệm tự hiến, kinh nghiệm cùng với người khác làm nên cộng đồng nhân loại đích thực để đạt tới định mệnh cuối cùng của mình, là chính Chúa. Một xã hội bị tha hoá khi do hình thức tổ chức, sản xuất và tiêu thụ của xã hội ấy khiến con người khó tự hiến bản thân mình và khó thực hiện sự liên đới với người khác”53.
48Không thể và không được dùng các cơ chế xã hội, kinh tế hay chính trị để lèo lái con người, vì mỗi người đều có tự do để tự hướng dẫn mình đạt tới mục tiêu tối thượng của mình. Ngược lại, bất cứ thành quả văn hoá, xã hội, kinh tế và chính trị nào, qua đó bản tính xã hội của con người và những hoạt động biến đổi thế giới của con người được thể hiện ra trong lịch sử, đều phải luôn luôn được xem xét trong bối cảnh đó là những thực tại tương đối và tạm bợ, vì “bộ mặt thế gian này đang qua đi” (1 Cr 7,31). Ở đây, chúng ta có thể nói tới “tính tương đối theo cánh chung học”, theo nghĩa con người và thế giới đang tiến về cùng đích của mình, đó là hoàn thành định mệnh của mình trong Thiên Chúa. Chúng ta cũng có thể gọi đó là “tính tương đối theo thần học”, vì việc Thiên Chúa tặng ban chính mình – qua đó định mệnh cuối cùng của con người và tạo thành sẽ được thực hiện – luôn lớn lao hơn những gì con người có thể làm được và kỳ vọng. Nếu vậy, bất cứ quan điểm độc tài nào về xã hội và Nhà Nước, cũng như bất cứ ý thức hệ chủ trương tiến bộ nội trong thế giới này thôi đều đi ngược lại sự thật toàn diện về con người và đi ngược lại kế hoạch của Thiên Chúa trong lịch sử.

--------------------------------------------------------------------------------------------------

36  Gioan Phaolô II, Tông thư Mulieris Dignitatem, 7: AAS 80 (1988), 1664.
37  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 24: AAS 58 (1966), 1045.
38  Ibid., 12: AAS 58 (1966), 1034.
39  x. Ibid., 22: AAS 58 (1966), 1043.
40  CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, 5: AAS 58 (1966), 819.
41  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 22: AAS 58 (1966), 1043.
42  Ibid.
43  Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1888.
44  x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Sollicitudo Rei Socialis, 38: AAS 80 (1988), 565-566.
45  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 28: AAS 58 (1966), 1048.
46  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 1889.
47  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 37: AAS 58 (1966), 1055.
48 CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 36: AAS 58 (1966), 1054;
   CĐ Vatican II, Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, 7: AAS 58 (1966), 843-844.
49  CĐ. Vatican II, Hiến chế Mục vụ Gaudium et Spes, 36: AAS 58 (1966), 1054.
50  x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2244.
51  x. CĐ. Vatican II, Hiến chế Tín lý Dei Verbum, 2: AAS 58 (1966), 818.
52  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 41: AAS 83 (1991), 844.
53  Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 41: AAS 83 (1991), 844-845.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét