Trang

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

2234 - 2246 Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo


V.- QUYỀN BÍNH TRONG XÃ HỘI DÂN SỰ

2234 (1897)  Ðiều răn thứ tư cũng dạy ta phải tôn trọng tất cả những ai được Thiên Chúa trao ban một quyền bính trong xã hội để mưu ích cho chúng ta. Ðiều răn này soi sáng các bổn phận của những người thực thi quyền bính cũng như những kẻ được phục vụ.

Bổn phận của chính quyền dân sự

2235 (1899)  Những người cầm quyền phải thực thi quyền bính như người phục vụ: "Ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm đầy tớ anh em" (Mt 20, 26). Về mặt luân lý, việc thực thi quyền bính phải căn cứ vào Thiên Chúa là Ðấng ban quyền, vào lý trí tự nhiên và đối tượng đặc thù của quyền này. Không ai được quyền truyền lệnh hay thiết lập điều gì trái với nhân phẩm và luật tự nhiên.

2236 (2411)  Phải thực thi quyền bính theo trật tự chính đáng các giá trị giúp mọi người dễ dàng sử dụng tự do và trách nhiệm. Cấp trên phải khôn ngoan thực thi công bằng phân phối bằng cách quan tâm đến nhu cầu và phần đóng góp của mỗi người, để tạo sự hòa thuận. Họ phải lưu tâm đừng để cho các luật lệ và các qui định được ban hành tạo ra nguy cơ đối nghịch lợi ích cá nhân với lợi ích tập thể (x. CA 25).

2237 (357)  Chính quyền phải tôn trọng các quyền căn bản của con người. Phải thực thi công bình với lòng nhân đạo khi tôn trọng quyền của từng người, nhất là quyền của các gia đình và những người khốn cùng.
Các quyền chính trị gắn liền với tư cách công dân, có thể và phải được công nhận theo các đòi hỏi của công ích. Các quyền ấy không thể bị công quyền đình chỉ khi không có lý do chính đáng và tương xứng. Việc thực thi các quyền chính trị nhằm mưu cầu lợi ích chung của quốc gia và của cộng đồng nhân loại.

Bổn phận công dân

2238 (1900)  Những người phục tùng quyền bính phải coi cấp trên như người đại diện Thiên Chúa, Ðấng đã đặt họ làm người phân phát các ân huệ của Người (x. Rm 13,1-2): "Vì Chúa, anh em hãy tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra. Hãy hành động như những con người tự do, không phải như những người lấy tự do làm màn che đậy sự gian ác, nhưng như những tôi tớ của Thiên Chúa" (1 Pr 2,13.16). Sự cộng tác trung thực của người công dân bao hàm quyền, đôi khi là bổn phận, phải lên tiếng phê phán những gì họ cho là có hại cho nhân phẩm và lợi ích của cộng đồng.

2239 (1915 2310)  Người công dân phải góp phần với chính quyền để mưu ích cho xã hội trong tinh thần tôn trọng chân lý, công bằng, liên đới và tự do. Lòng yêu mến và phục vụ Tổ Quốc phát xuất từ bổn phận tri ân và đòi hỏi của đức ái. Nhiệm vụ tùng phục quyền bính hợp pháp và phục vụ công ích đòi hỏi người công dân chu toàn vai trò của mình trong đời sống của cộng đồng chính trị.

2240 (2265)  Bổn phận tùng phục quyền bính và có trách nhiệm đối với công ích buộc người công dân phải đóng thuế, bầu cử và bảo vệ quê hương:
"Anh em nợ ai cái gì, hãy trả cho người ta cái đó: nộp sưu cho người đòi sưu, trả thuế cho người đòi thuế, sợ người phải sợ, kính người phải kính" (Rm 13,7)
"Người Ki-tô hữu cư ngụ trên quê hương mình, như những ngoại kiều thường trú. Họ chu toàn mọi bổn phận công dân và gánh chịu tất cả như ngoại kiều... Họ vâng phục luật pháp hiện hành nhưng đời sống của họ vượt trên luật pháp... Thiên Chúa đã cho họ một địa vị cao quí đến độ họ không bỏ đi được" (Epitre à Diognète 5,5.19; 6,10).
(1900)  Thánh Phao-lô tông đồ cũng khuyến dụ chúng ta phải cầu nguyện và tạ ơn Chúa cho "vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh"(1Tm 2,2).

2241  Những quốc gia giàu hơn có bổn phận đón nhận theo khả năng, những người nước ngoài đến tìm kiếm an ninh và sinh kế mà họ không có được nơi chính quê hương họ. Chính quyền phải để tâm tôn trọng luật tự nhiên vốn đòi hỏi phải bảo vệ những khách kiều cư. Vì công ích, chính quyền có thể quy định một số điều kiện pháp lý cho quyền nhập cư, nhất là đòi hỏi các người di dân phải tôn trọng các bổn phận đối với quốc gia tiếp nhận họ). Người dân nhập cư phải biết ơn và tôn trọng di sản vật chất và tinh thần của xứ sở tiếp nhận họ, tuân thủ luật pháp và chia sẻ các trách vụ trong nước ấy.

2242 (1903 2313 450)  Theo lương tâm, người công dân không được tuân theo những luật lệ của chính quyền dân sự khi chúng ngược lại các đòi hỏi luân lý, nghịch với các quyền cơ bản của con người hay giáo huấn của Tin Mừng. Khi những đòi hỏi của chính quyền nghịch với đòi hỏi của lương tâm ngay thẳng, Ki-tô hữu từ chối vâng phục chính quyền, vì phải phân biệt giữa việc phục vụ Thiên Chúa và việc phục vụ cộng đồng chính trị. "Của Xê- da, trả về Xê-da; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa" (Mt 22,21). "Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời loài người" (Cv 5,29):
(1901)  "Khi công quyền vượt quá quyền hạn của mình mà đàn áp công dân, thì lúc đó chính công dân cũng không nên từ chối những gì khách quan xét thấy phù hợp với đòi hỏi công ích. Họ được phép bênh vực các quyền lợi riêng của mình cũng như của đồng bào, chống lại những lạm dụng của công quyền, nhưng phải tôn trọng các giới hạn của luật tự nhiên cũng như luật Tin Mừng" (GS 74,5).

2243 (2309)  Không được sử dụng vũ khí chống lại một chính quyền áp bức, trừ khi hội đủ các điều kiện sau đây:
1.     Có bằng cớ chắc chắn chính quyền vi phạm nghiêm trọng và lâu dài các quyền căn bản.
2.     Sau khi đã dùng mọi phương thế khác.
3.     Không gây ra những xáo trộn tệ hại hơn.
4.     Có đủ cơ sở để hy vọng thành công.
5.     Nếu không tìm được giải pháp nào khác tốt hơn.

Cộng đồng chính trị và Hội Thánh

2244 (1910 1881 2109)  Mọi cơ chế đều minh nhiên hay mặc nhiên dựa trên một nhân sinh quan. Từ đó, rút ra những tiêu chuẩn để phán đoán bậc thang các giá trị và đường lối hành động. Ða số các xã hội xây dựng cơ chế của mình dựa trên một điểm ưu việt nào đó của con người so với vạn vật. Chỉ có tôn giáo được Thiên Chúa mặc khải, mới nhận ra được nguồn gốc và định mệnh của con người, nơi Thiên Chúa, Ðấng Sáng Tạo và Cứu Chuộc. Hội Thánh mời gọi các chính quyền nên có những phán đoán và những quyết định dựa trên chân lý mặ)c khải về Thiên Chúa và con người.
Các xã hội không biết đến hay từ khước mặc khải này, vì không muốn lệ thuộc vào Thiên Chúa, đều phải tìm nơi chính mình hay vay mượn ở một ý thức hệ nào đó, những tiêu chuẩn và cứu cánh cho mình. Khi không chấp nhận cho người ta bảo vệ một tiêu chuẩn khách quan về thiện ác, các xã hội ấy tự ban cho mình một quyền lực độc tài chuyên chế trên con người và trên định mệnh con người, cách công khai hay ngấm ngầm, như lịch sử từng minh chứng (x. CA 45;46).

2245 (912)  Do sứ mạng và thẩm quyền của mình, Hội Thánh không tự đồng hóa với cộng đồng chính trị, nhưng Hội Thánh vừa là dấu chỉ, vừa là người bảo vệ tính siêu việt của nhân vị. "Hội Thánh tôn trọng và cổ võ tự do chính trị cũng như trách nhiệm của các công dân" (x. GS 76,3).

2246 (2032 2420)  Hội Thánh có sứ mệnh "nói lên nhận định luân lý của mình cả trong những vấn đề liên quan tới lãnh vực chính trị, khi các quyền căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi, bằng cách sử dụng mọi phương tiện và chỉ những phương tiện nào phù hợp với Tin Mừng và lợi ích của thời đại và hoàn cảnh khác nhau" (x. GS 76,5).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét