2302 (1765) Khi nhắc lại giới luật "Chớ giết người" (Mt 5,21), Chúa đòi chúng ta giữ tâm hồn bình an. Người kết án cơn giận dữ giết người và lòng thù ghét.
Giận dữ là một ước muốn trả thù. "Ki-tô hữu không được ước muốn trả thù điều ác của kẻ đáng trừng phạt", nhưng được phép bắt họ làm một việc đền bù "để sửa chữa các việc xấu và bảo tồn công lý" (T. Tô-ma Aquinô. s.th.2-2,158,1,ad 3). Giận dữ đến độ muốn giết chết, hay làm bị thương người khác, là vi phạm nặng nề đức ái, là phạm một tội trọng. Chúa nói: "Ai giận anh em mình, thì cũng đáng bị đưa ra tòa rồi" (Mt 5,22).
2303 (2094-1933) Cố ý thù ghét người khác là điều nghịch với đức ái. Thù ghét tha nhân là một tội khi cố tình ước muốn điều dữ cho người ấy, và sẽ là một tội nặng khi muốn cho họ bị tai hại nặng nề: "Còn Thầy, Thầy bảo anh em: phải yêu kẻ thù, và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em, như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Ðấng ngự trên trời"(Mt 5,44-45).
2304 (1909 1807) Cần phải có hòa bình để con người được sống và phát triển. Hòa bình không chỉ là vắng bóng chiến tranh và không chỉ giới hạn ở việc giữ thế quân bình giữa các lực lượng đối lập. Thế giới chỉ có hòa bình khi tài sản của con người được bảo vệ, con người được tự do giao lưu, phẩm giá của con người và của các dân tộc được tôn trọng, tình huynh đệ được thực thi. Hòa bình là "ổn định trật tư" (T. Âu-tinh, civ. 19, 13), là công trình của công lý (x. Is 32, 17) và hoa quả của đức ái (x. GS 78, 1-2).
2305 (1468) Hòa bình trên trần thế là hình bóng và hoa trái của)bình an của Ðức Ki-tô, "Thủ lãnh Hòa Bình" thời Mê-si-a (Is 9,5). Nhờ máu đổ ra "trên Thập Giá, Người đã tiêu diệt sự thù hận" ngay trong thân xác Người (Ep 2,16) (x. Cl 1,20-22). Người đã giao hòa loài người với Thiên Chúa và làm cho Hội Thánh trở thành bí tích hiệp nhất nhân loại và kết hợp nhân loại với Thiên Chúa. "Chính Người là bình an của chúng ta" (Eph 2,14). Người tuyên bố "phúc thay ai xây dựng hòa bình" (Mt 5,9).
2306 (2267) Những ai khước từ bạo lực và đổ máu, sử dụng những phương thế tự vệ vừa tầm những kẻ yếu nhất, để bảo vệ quyền lợi của con người là những người làm chứng cho đức bác ái Tin Mừng, miễn là điều này không phương hại đến các quyền và bổn phận của những người khác cũng như các tập thể khác. Họ ý thức được những tác hại trầm trọng về thể lý và luân lý khi sử dụng bạo lực để gây ra tàn phá và chết chóc (x. GS 78, 5).
Xa lánh chiến tranh
2307 Ðiều răn thứ năm cấm cố ý hủy hoại mạng sống con người. Vì chiến tranh gây ra tai hại và bất công, nên Hội Thánh khẩn thiết thúc giục chúng ta cầu nguyện và hành động để Thiên Chúa nhân lành giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ ngàn đời của chiến tranh (x. GS 81,4).
2308 (2266) Mỗi công dân và mỗi người lãnh đạo đều phải hành động để tránh chiến tranh. Tuy nhiên, "bao lâu nguy cơ chiến tranh tồn tại, bao lâu chưa có quyền bính quốc tế nào có thẩm quyền và có đủ sức mạnh, thì một khi đã tận dụng mọi phương thế ôn hòa, các chính phủ được phép sử dụng quyền tự vệ chính đáng" (x. GS 79, 4).
2309 (2243) Phải xem xét nghiêm ngặt các điều kiện phải có để tự vệ chính đáng bằng sức mạnh quân sự. Một quyết định như thế rất nghiêm trọng, nên phải hội đủ các điều kiện sau đây:
· Thiệt hại do kẻ xâm lược gây ra cho quốc gia hoặc cho cộng đồng các quốc gia có tính lâu dài, nghiêm trọng và chắc chắn;
· Tất cả các phương thế khác để chấm dứt tình trạng này không thể thực hành được hoặc vô hiệu;
· Phải hội đủ các điều kiện quan trọng để thành công;
· Việc sử dụng vũ khí không gây những tai hại và hỗn loạn nghiêm trọng lớn hơn những tai hại ta đang cố loại trừ. Phải lượng định sức mạnh tàn phá của các phương tiện chiến tranh hiện đại khi thẩm định điều kiện nầy.
Trên đây là những yếu tố truyền thống được liệt kê trong học thuyết "chiến tranh chính đáng".
1897 Những người có trách nhiệm bảo vệ công ích, phải thận trọng phán đoán khi thẩm định các điều kiện cho một cuộc chiến tự vệ chính đáng.
2310 Trong trường hợp này, Nhà Nước có quyền và bổn phận đề ra cho công dân những nghĩa vụ cần thiết để bảo vệ tổ quốc.
2239 (1909) Những người phục vụ tổ quốc trong quân đội là những kẻ phụng sự cho an ninh và tự do của các dân tộc. Khi chu toàn đúng đắn bổn phận, họ thật sự góp phần vào lợi ích chung của quốc gia và gìn giữ hòa bình (x. GS 79, 5).
2311 (1782,1790) Chính quyền phải dự liệu một cách công bằng cho trường hợp những người, vì lý do lương tâm, không chịu sử dụng vũ khí, nhưng vẫn có bổn phận phục vụ cộng đồng nhân loại dưới một hình thức khác (x. GS 79,3).
2312 Hội Thánh và lý trí con người đều khẳng định rằng luật luân lý vẫn còn nguyên hiệu lực trong thời gian chiến tranh. "Không phải vì chiến tranh đã chẳng may khai diễn, mà các đối thủ đều được phép muốn làm gì thì làm" (x. GS 79,4).
2313 Phải tôn trọng và đối xử nhân đạo với thường dân, thương binh và tù binh.
2242 Những hành động cố ý vi phạm nhân quyền và các nguyên tắc phổ quát của nhân quyền, cũng như các lệnh truyền thi hành các hành động ấy, đều là tội ác. Chấp hành mệnh lệnh cách mù quáng không đủ để bào chữa cho những ai tuân hành các lệnh đó. Do đó, việc tiêu diệt một dân tộc, một quốc gia hoặc một nhóm thiểu số phải bị kết án như một tội trọng. Luân lý đòi chúng ta phải chống lại các mệnh lệnh diệt chủng.
2314 "Mọi hành động hiếu chiến nhằm tiêu diệt bừa bãi nguyên cả một thành phố hoặc những vùng rộng lớn cùng với dân cư ở đó, là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người. Phải cực lực lên án và không ngần ngại tố cáo tội ác đó" (x. GS 80, 4). Nguy cơ của chiến tranh hiện đại là tạo dịp cho những người có trong tay các vũ khí khoa học, đặc biệt là vũ khí nguyên tử , sinh học hoặc hóa học, phạm những thứ tội ác như thế.
2315 Thật là nghịch lý, nhiều người xem việc tích lũy vũ khí như một phương thế khiến đối phương không dám gây chiến. Họ coi đó là một phương thế hữu hiệu nhất khả dĩ bảo đảm hòa bình giữa các quốc gia. Về mặt luân lý, phải rất dè dặt đối với phương thức ngăn đe này. Chạy đua vũ trang không bảo đảm được hòa bình , thay vì loại bỏ các lý do gây chiến, lại có nguy cơ làm cho các lý do đó trở thành trầm trọng hơn. Việc chi tiêu những khoản tiền khổng lồ để chế tạo vũ khí ngày càng tối tân, ngăn cản việc trợ giúp các dân tộc nghèo đói (x. PP 53), ngăn trở các dân tộc phát triển. Việc vũ trang quá mức làm gia tăng những lý do xung đột và tạo thêm nguy cơ lây lan chiến tranh.
2316 (1906) Việc sản xuất và buôn bán vũ khí có ảnh hưởng đến công ích của các quốc gia và của cộng đồng quốc tế. Do đó, các nhà cầm quyền có quyền và bổn phận ra những qui định về vấn đề này. Lợi nhuận trước mắt của cá nhân hoặc tập thể không thể biện minh cho các tổ chức kinh doanh châm ngòi bạo lực và xung đột giữa các quốc gia, và gây nguy hại cho trật tự luật pháp quốc tế.
2317 (1938, 2538 1941) Hòa bình không ngừng bị đe dọa và chiến tranh nổ ra vì những bất công, bất bình đẳng thái quá về kinh tế hoặc xã hội, vì lòng tham, sự ngờ vực và tính kiêu căng đang hoành hành giữa những con người và các quốc gia. Tất cả những gì được thực hiện nhằm khắc phục các tệ hại này đều góp phần vào việc kiến tạo hòa bình và xa lánh chiến tranh:
"Bao lâu con người còn là những kẻ tội lỗi, hiểm họa chiến tranh còn đe dọa, và vẫn còn đe dọa cho đến khi Chúa Ki-tô quang lâm. Tuy nhiên, nhờ kết hiệp trong bác ái, con người thắng vượt tội lỗi, và cũng thắng vượt bạo lực cho tới khi lời sau đây được hoàn tất: "Họ sẽ đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến"(Is 2,4) (x. GS 78,6).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét