Trang

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

2419 - 2425 Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo


2419 (1960 359)  "Mặc khải Ki-tô giáo đưa ta đến sự hiểu biết sâu xa hơn về những luật lệ của đời sống xã hội" (x. GS 23,1). Qua Tin Mừng, Hội Thánh nhận được mặc khải trọn vẹn chân lý về con người. Khi chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng, Hội Thánh nhân danh Ðức Ki-tô, xác nhận cho con người biết phẩm giá riêng và ơn gọi hiệp thông của con người. Hội Thánh dạy cho con người biết các yêu sách của công lý và hòa bình, hợp với ý định khôn ngoan của Thiên Chúa.

2420  Trong lãnh vực kinh tế và xã hội, Hội Thánh chỉ đưa ra một phán đoán luân lý "khi các quyền căn bản của con người hoặc phần rỗi các linh hồn đòi hỏi" (x. GS 76,5). Về mặt luân lý, Hội Thánh có sứ mạng khác với chính quyền: Hội Thánh quan tâm đến các khía cạnh trần thế của công ích vì chúng qui hướng về Sự Thiện tối thượng, là cứu cánh tối hậu của chúng ta. Hội Thánh cố gắng phổ biến những lập trường đúng đắn đối với của cải trần thế và với các quan hệ kinh tế xã hội.

2421  Học thuyết xã hội của Hội Thánh được phát triển vào thế kỷ thứ XIX khi Tin Mừng tiếp xúc với xã hội kỹ nghệ tân tiến, với các cơ cấu mới để sản xuất các sản phẩm tiêu thụ, với khái niệm mới về xã hội, về quốc gia và quyền bính, với các hình thức mới của lao động và quyền sở hữu. Sự phát triển học thuyết kinh tế và xã hội của Hội Thánh, xác nhận giá trị vững bền của quyền giáo huấn, cũng như cho thấy ý nghĩa đích thực của Truyền Thống luôn luôn sống động và tích cực (x. CA 3).

2422 (2044)  Học thuyết xã hội của Hội Thánh là tập hợp các lời dạy của Hội Thánh về các biến cố lịch sử, dưới ánh sáng mặc khải của toàn bộ Lời Chúa, và sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần (x.SRS 1,41). Những người thiện chí dễ dàng chấp nhận giáo thuyết này, khi chúng được các Ki-tô hữu thể hiện trong đời sống.

2423  Học thuyết xã hội của Hội Thánh đề ra những nguyên tắc suy tư, những tiêu chuẩn phán đoán, những đường hướng hành động:
Bất kỳ thể chế nào chỉ căn cứ vào các yếu tố kinh tế để quyết định những mối tương quan xã hội, đều nghịch với bản chất của con người và của các hành vi nhân linh (x. CA 24).

2424 (2317)  Về mặt luân lý, không thể chấp nhận một lý thuyết coi lợi nhuận là qui luật tuyệt đối và mục đích tối hậu của sinh hoạt kinh tế. Sự ham mê tiền của quá độ đưa đến những hậu quả taihại. Ðây là một trong những nguyên nhân gây rối loạn trật tự xã hội (x. GS 63,3; LE 7; CA 35).
Những thể chế "đòi hy sinh những quyền lợi căn bản của cá nhân và đoàn thể cho tổ chức sản xuất tập thể" đều đi ngược với phẩm giá con người (x. GS 65). Những gì biến con người thành phương tiện thuần túy để trục lợi, đều nô lệ hóa con người, đưa tới việc tôn thờ tiền bạc và góp phần truyền bá chủ nghĩa vô thần. "Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được" (x. Mt 6,24; Lc 16,13).


2425 (676 1886)  Hội Thánh phi bác các ý thức hệ chuyên chế và vô thần đang hoạt động dưới hình thức "chủ nghĩa cộng sản" hoặc "chủ nghĩa xã hội". Mặt khác, Hội Thánh cũng phi bác chủ nghĩa cá nhân và việc coi luật thị trường là qui luật tối thượng trên lao động của con người, trong cách thực hành của "chủ nghĩa tư bản" (x. CA 10; 13;44). Ðiều hành kinh tế chỉ dựa trên kế hoạch tập trung sẽ phá hủy tận gốc các mối liên hệ xã hội; điều hành chỉ dựa theo qui luật thị trường sẽ vi phạm công bằng xã hội. "Thị trường không thể thỏa mãn được những nhu cầu muôn mặt của con người" (CA 34). Người tín hữu phải tác động vào thị trường và các sáng kiến kinh tế, để có được một điều hành hợp lý dựa trên một bậc thang giá trị đúng đắn và vì công ích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét