Trang

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

2443 - 2449 Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo


VI. YÊU THƯƠNG NGƯỜI NGHÈO 2544-2547

2443 (786 525,544, 853)  Thiên Chúa chúc phúc cho ai giúp đỡ người nghèo và kết án ai lãnh đạm với họ. "Ai xin thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi" (Mt 5,42) "Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy" (Mt 10,8). Ðức Giê-su Ki-tô nhận ra kẻ được Người tuyển chọn (x. Mt 25,31-36) qua việc họ đã làm cho người nghèo. Dấu chỉ sự hiện diện của Ðức Ki-tô là "kẻ nghèo được nghe Tin Mừng" (Mt 11,5) (x. Lc 4,18).

2444 (1716)  "Hội Thánh vẫn luôn yêu thương người nghèo... Ðây là truyền thống ngàn đời của Hội Thánh" (x. CA 57). Hội Thánh đã múc nguồn cảm hứng cho tình yêu này từ Tin Mừng của Bát Phúc (x. Lc 6, 20-22), từ chính sự nghèo khó của Ðức Giê-su (x. Mt 8, 20) và từ lòng thương xót của Người đối với kẻ nghèo (x. Mc 12,41-44). Tình yêu đối với người nghèo phải trở thành một trong những động lực thúc đẩy tín hữu hoạt động và "làm ăn, để có gì chia sẻ với người túng thiếu" (Eph 4,28). Ðiều này không phải chỉ giới hạn ở sự nghèo khó về vật chất nhưng còn hướng tới nhiều hình thức nghèo đói văn hóa và tôn giáo (x. CA 57).
2445 (2536)  Tình yêu đối với kẻ nghèo không thể đi đôi với lòng ham muốn giàu sang quá độ cũng như sử dụng của cải quá ích kỷ:
(2547)  "Giờ đây, hỡi những kẻ giàu có, các ngươi hãy than van rên rỉ về những tai họa sắp đổ xuống trên đầu các ngươi. Tài sản của các ngươi đã hư nát, quần áo của các ngươi đã bị mối ăn. Vàng bạc của các ngươi đã bị rỉ sét; và chính rỉ sét ấy là bằng chứng buộc tội các ngươi; nó sẽ thiêu hủy xác thịt các ngươi như lửa. Các ngươi đã lo tích trữ trong những ngày sau hết này. Các ngươi đã gian lận mà giữ lại tiền lương của những thợ đi cắt lúa trong ruộng của các ngươi. Kìa, tiền lương ấy đang kêu lên oán trách các ngươi, và tiếng kêu của những thợ gặt ấy đã thấu đến tai Chúa Tể càn khôn. Trên cõi đời này, các ngươi đã sống xa hoa, đã buông theo khoái lạc, lòng các ngươi đã được no đầy thỏa mãn trong ngày sát hại. Các người đã kết án, đã giết hại người công chính, và họ đã chẳng cưỡng lại các người" (Gcb 5,1-6).

2446 (2402)  Thánh Gio-an Kim Khẩu nhắc lại trách nhiêm này với những lời khẩn thiết: "Không cho kẻ nghèo được chia sẻ của cải thuộc về họ là ăn cắp và cướp lấy mạng sống của họ. Của cải chúng ta đang nắm giữ, không phải là của chúng ta, nhưng là của họ" (Laz 1,6). "Phải thỏa mãn những đòi hỏi công bình trước đã, kẻo những tặng phẩm đem cho, tưởng là vì bác ái, mà thật ra là vì đức công bằng phải đền trả" (x. AA 8).
"Khi tặng những thứ cần thiết cho người nghèo, chúng ta không làm vì lòng quảng đại cá nhân, nhưng là hoàn trả cho họ những gì thuộc về họ. Qua đó, chúng ta chu toàn một trách nhiệm công bằng hơn là thực hiện một hành vi bác ái" (T. Ghê-gô-ri-ô Cả, 3,21).

2447 (1460 1038 1969)  Các việc từ thiện là những hành vi bác ái, qua đó chúng ta giúp đỡ tha nhân những gì cần thiết cho thể xác và tinh thần (x. Is 58,6-7; Dt 13,3). Dạy dỗ, khuyên nhủ, an ủi, khích lệ, cũng như tha thứ, nhẫn nhục, chịu đựng là những hành vi bác ái về mặt tinh thần. Công việc từ thiện về mặt vật chất phải kể: cho kẻ đói ăn, cho kẻ vô gia cư tạm trú, cho kẻ rách rưới ăn mặc, thăm viếng bệnh nhân và kẻ tù đày, chôn xác kẻ chết (x. Mt 25, 31-46). Trong các hành vi đó, bố thí (x. Tb 4,5-11; Kn 17,22) là một trong những chứng cứ chính yếu của tình bác ái huynh đệ; đó cũng là hành động đẹp lòng Thiên Chúa (Mt 6,2-4):
1004  "Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy" (Lc 3,11). "Tốt hơn, hãy bố thí những gì các ngươi có, rồi thì mọi sự sẽ trở nên trong sạch cho các ngươi" (Lc 11,41). "Giả như có người anh em hay chị em không có áo che thân và không đủ của ăn hằng ngày, mà có ai trong anh em lại nói với họ: "Hãy đi bình an, mặc cho ấm và ăn cho no", nhưng lại không cho họ những thứ thân xác họ đang cần, thì nào có ích lợi gì ?" (Gcb 2,15-16; 1 Ga 3,17).

2448 (886 1586)  Sự khốn cùng của con người xuất hiện dưới nhiều hình thức: thiếu thốn vật chất, bất công và đàn áp, bệnh hoạn thể xác và tâm thần, cuối cùng là cái chết. Sự khốn cùng này là dấu chỉ cho thấy con người sau nguyên tội yếu đuối từ bẩm sinh và cần đến ơn cứu độ. Vì thế, Ðức Ki-tô đã chạnh lòng thương xót và mang lấy thân phận khốn cùng của con người và tự đồng hóa với "người bé nhỏ trong các anh em". Ngay từ đầu, Hội Thánh)ưu ái đặc biệt những người cùng khổ để nâng đỡ, bảo vệ và giải phóng họ, mặc dù vẫn có nhiều phần tử đã không làm như vậy. Hội Thánh đã thực hiện điều này qua vô số công cuộc từ thiện mà thời nào và ở đâu cũng không thể thiếu" (x "Libertatis Conscientia" 68).

2449 (1397)  Sách Ðệ Nhị Luật khuyến cáo: "Người nghèo không bao giờ vắng bóng trên đất nước. Vì thế, ta truyền cho ngươi: phải mở rộng bàn tay cho người anh em nghèo đói, cùng khổ đang sống trên đất nước của ngươi" (Ðnl 15,11). Ðáp lại lời khuyến cáo này Cựu Ước đã có những luật như: năm toàn xá, cấm lấy lãi và xiết nợ, nộp thuế thập phân, trả lương công nhật, quyền được mót ở ruộng lúa và vườn nho. Ðức Giê-su cũng tuyên bố: "Người nghèo thì anh em luôn có bên cạnh; còn Thầy, anh em không có luôn mãi đâu" (Ga 12,8). Và như vậy, Ðức Giê-su không giảm nhẹ lời các ngôn sứ xưa kia: "Chúng dùng tiền để mua người cô thân, mua kẻ nghèo bằng giá một đôi dép" (Am 8,6), nhưng mời gọi chúng ta nhận ra Người trong những kẻ nghèo đói là anh em của Người (Mt 25,40).
(786)  Khi thánh Rô-sa thành Li-ma bị mẹ trách vì đã đem những kẻ nghèo, những bệnh nhân vào nhà, thánh nữ trả lời: "Khi chúng ta phục vụ người nghèo và người bệnh là chúng ta phục vụ chính Ðức Giê-su. Chúng ta không được lơ là trong việc giúp đỡ tha nhân, vì chúng ta phục vụ Chúa Giê-su trong anh em" (Vita).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét