2437 (1938) Trên bình diện quốc tế, tình trạng các nguồn tài nguyên và các phương tiện kinh tế không được phân bố đồng đều, đến độ gây nên một "hố sâu" giữa các quốc gia (x. SRS ,14). Một bên là những quốc gia có được và phát triển các phương tiện tăng trưởng; bên kia là những quốc gia nợ nần chồng chất.
2438 (1911 2315) Ngày nay, "vấn đề xã hội mang một chiều kích quốc tế" (x. SRS 9), vì nhiều nguyên do khác nhau như tôn giáo, chính trị, kinh tế và tài chánh. Giữa các quốc gia vốn có liên hệ chính trị, cần phải liên đới với nhau. Tình liên đới này lại còn khẩn thiết hơn nữa khi phải loại trừ những "guồng máy kinh tế tàn nhẫn" ngăn chặn quá trình phát triển của các quốc gia yếu kém (x.SRS 17,45). Thay vì các hệ thống kinh tài đầy lạm dụng hoặc bóc lột (x. CA 35), những trao đổi thương mại bất công giữa các quốc gia, chạy đua vũ trang, chúng ta phải có một cố gắng chung để huy động các nguồn tài nguyên vào những mục tiêu phát triển luân lý, văn hóa và kinh tế "nhờ xác định lại những quyền ưu tiên và các bậc thang giá trị" (x. CA 28).
2439 Các nước giàu phải có trách nhiệm đối với những quốc gia không có những phương thế phát triển hoặc không phát triển được vì những biến cố lịch sử bi đát. Ðây là một bổn phận của tình liên đới và bác ái. Ðó cũng là một đòi hỏi của công bình, nếu sự sung túc của các nước giàu là do những tài nguyên của các nước nghèo, nhưng chưa được trả giá đúng mức.
2440 Viện trợ trực tiếp chỉ là phản ứng nhất thời đáp ứng những nhu cầu trước mắt và đột xuất, chẳng hạn do thiên tai hay dịch tễ. Nhưng viện trợ này không đủ để bù đắp những thiệt hại nặng nề sau tai biến, cũng không thể trường kỳ thỏa mãn các nhu cầu được. Phải cải tổ các thể chế kinh tế và tài chánh quốc tế, để có thể có được những trao đổi công bằng hơn với các nước chậm phát triển (x. SRS 16). Phải nâng đỡ cố gắng của các nước nghèo đang phấn đấu để phát triển và giải phóng (x.CA 26). Ðiều này phải được áp dụng đặc biệt trên bình diện nông nghiệp. Nông dân là thành phần nghèo đói đông đảo, nhất là ở thế giới thứ ba.
2441 (1908) Nền tảng cho mọi phát triển trọn vẹn xã hội loài người đòi buộc phải nâng cao cảm thức về Thiên Chúa và nhận thức về mình. Sự phát triển này làm gia tăng gấp bội tài sản vật chất để phục vụ con người và tự do, giảm bớt sự cùng khổ và bóc lột kinh tế, tôn trọng bản sắc văn hóa và khai mở chiều kích siêu việt (x. SRS 32; CA 51.).
2442 (899) Các mục tử của Hội Thánh không có trách nhiệm nhúng tay trực tiếp vào cơ cấu chính trị cũng như việc tổ chức đời sống xã hội. Trách nhiệm này là ơn gọi của)giáo dân; họ cộng tác với đồng bào theo sáng kiến riêng mình. Có nhiều đường lối cụ thể rộng mở cho việc tham gia chính trị của họ; nhưng phải luôn nhắm tới công ích và thích ứng với sứ điệp Tin Mừng cũng như giáo huấn Hội Thánh. Người tín hữu có bổn phận "tham gia vào lãnh vực trần thế với sự nhiệt tình của người Ki-tô hữu và sống như những người kiến tạo hòa bình và công lý" (x. SRS 47; SRS 42).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét