Trang

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

10- VẬN MỆNH PHỔ QUÁT CỦA TÀI SẢN


Vận mệnh phổ quát của tài sản là một đề tài rất quen thuộc trong truyền thống Do Thái – Kitô giáo. Chúng ta gặp thấy nó nơi các ngôn sứ của Cựu Ước, trong giáo huấn của Đức Kitô, trải dài qua các thánh Giáo phụ, các tiến sĩ Hội thánh và huấn quyền của hàng Giáo phẩm. Nhưng có một giai đoạn kéo dài hàng mấy thế kỷ, không hiểu vì lý do nào đó, truyền thống này bị đứt quãng trong suy tư và giáo huấn của Giáo Hội. Rất may, vào giữa thế kỷ XX, với Công đông Vatican II, truyền thống tốt đẹp này lại được nối tiếp và đề cao trong các văn kiện của Giáo Hội.

10.1- Một truyền thống lâu đời
Theo trình thuật Kinh Thánh, sau khi đưa dân Israel thoát khỏi vòng nô lệ, Thiên Chúa quyết định chọn họ làm “Dân riêng”, với một cơ cấu tôn giáo, xã hội, kinh tế, chính trị đặc biệt, khác hẳn với các dân tộc chung quanh[1]. Thiên Chúa hứa cho Israel một vùng đất mới làm gia nghiệp[2], nhưng đồng thời đòi hỏi họ phải trung thành với Giao ước, quyết tâm xây dựng một cộng đồng bình đẳng và huynh đệ, trong đó người với người là anh em và miền đất hứa phải là sản nghiệp chung của tất cả mọi thành phần trong xã hội, chứ không thể là tư hữu của riêng ai.
Chính do định hướng xây dựng một cộng đồng bình đẳng này, nên mặc dù Thiên Chúa đã trao tặng miền đất hứa cho dân Israel làm sản nghiệp, Ngài vẫn duy trì quyền sở hữu chủ của tất cả đất đai và ruộng vuờn. Sách Dân số và sách Giôsuê tường thuật tỉ mỉ cách thức và tiêu chuẩn chia ruộng đất, để mỗi gia đình có một số vốn tương đương với số nhân khẩu: “Đất sẽ được chia làm cơ nghiệp tùy theo số tên đã ghi. Nếu (gia tộc) nào có nhiều người hơn, ngươi cho phần cơ nghiệp lớn hơn, nếu ít người hơn thì ngươi sẽ cho ít cơ nghiệp hơn: cơ nghiệp được ban cho mỗi (gia tộc) tùy theo số người được kiểm tra. Đất sẽ được chia theo lối bắt thăm và chiếu theo danh sách của các gia tộc”[3].
Để duy trì tính quân bình xã hội và để tránh tình trạng ruộng đất tập trung vào tay một số ít người, Thiên Chúa đã truyền: “Đất không được bán vĩnh viễn, vì đất thuộc về Ta, các ngươi chỉ là khách ngụ cư. Đối với tất cả các đất đai thuộc quyền sở hữu của các ngươi, phải dành quyền được chuộc lại. Khi anh em ngươi lâm cảnh túng quẫn phải bán cơ nghiệp, thì người thân nhân gần gũi nhất có quyền chuộc lại những gì đã bán”[4].
Nói rõ hơn, Thiên Chúa là sở hữu chủ duy nhất trên tất cả đất đai, ruộng vườn và Người muốn tài sản này trở thành tài sản chung cho mọi người. Những người đang sở hữu các tài sản đó thực ra chỉ là những người quản trị, chứ không phải là sở hữu chủ tuyệt đối. Vì vậy, họ có nhiệm vụ chia sẻ với những anh em nghèo túng và cho phép được quyền chuộc lại đất đã bán.
Trong thời kỳ đầu, hệ thống tổ chức của Israel biểu lộ cơ cấu của một xã hội huynh đệ, bình đẳng và liên đới. Xã hội được xây dựng trên nền tảng gia tộc, bởi vì các chi tộc Israel thực ra chỉ là các đại gia tộc. Về phương diện chính trị, Israel theo chế độ thần quyền tuyệt đối: Không có vua chúa, hoàng thân hay quan quyền. Gia-Vê là thủ lãnh duy nhất và tất cả thành viên của Israel chỉ là anh em với nhau, bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá[5].
Nhưng vì những lý do xã hội, chính trị, quân sự và những đòi hỏi của thời thế, Israel đã lựa chọn chế độ quân chủ, giống y như các nước láng giềng khác. Biến cố này đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong lịch sử chính trị và tôn giáo của Israel: Chế độ quân chủ xuất hiện cùng với sự phân hóa xã hội và hố phân cách giàu nghèo.
Ngôn sứ Samuel đã tường thuật Lời của Đức Chúa cho dân chúng và cảnh cáo họ về mặt trái của chế độ quân chủ: “Đây là quyền hành của nhà vua sẽ cai trị anh em. Ông sẽ bắt các con trai anh em mà cắt đặt vào việc trông coi xe và ngựa của ông. Chúng sẽ chạy trước xe của ông. Ông sẽ đặt chúng làm người chỉ huy một ngàn và chỉ huy năm mươi, sẽ bắt chúng cày đất cho ông, gặt lúa cho ông, chế tạo vũ khí cho ông và dụng cụ cho xe của ông. Các con gái anh em, ông sẽ bắt vào làm thợ chế nước hoa, nấu ăn và làm bánh. Đồng ruộng, vườn nho, vườn cây oliu tốt nhất của anh em, ông sẽ lấy mà cho bề tôi của ông. Lúa thóc và vườn nho của anh em, ông sẽ đánh thuế thập phân mà cho các thái giám và bề tôi của ông. Các tôi tớ nam nữ, các người trai tráng khá nhất của anh em, các con lừa của anh em, ông sẽ bắt mà dùng vào việc của ông. Chiên dê của anh em, ông sẽ đánh thuế thập phân. Còn chính anh em sẽ làm nô lệ cho ông. Ngày ấy, anh em sẽ kêu than vì vua mà anh em đã chọn cho mình, nhưng ngày ấy Đức Chúa sẽ không đáp lời”[6].
Sách Samuel tường thuật biến cố thiết lập chế độ quân chủ, một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử chính trị và tôn giáo của Israel. Toàn thể các kỳ mục tập hợp lại và đến gặp ngôn sứ Samuel để xin thiết lập chế độ quân chủ, y như các dân tộc chung quanh. Ông Samuel bực mình vì thỉnh nguyện này. Nhưng Đức Chúa khuyên ông cứ chấp nhận thỉnh nguyện trên, với điều kiện phải công khai cảnh báo và nói cho họ biết những tiêu cực của chế độ quân chủ.
Bất chấp lời cảnh cáo của Samuel, dân chúng nhất định xin thiết lập chế độ quân chủ giống như các nước lân bang. Kể từ đó, mô hình nguyên thủy về một xã hội bình đẳng, huynh đệ và liên đới tan vỡ. Giữa “Dân tộc được tuyển chọn” nảy sinh bất quân bình xã hội: Vua quan, giới quý tộc, giới trung lưu, giới bình dân, người khốn cùng... Bất công xã hội và sự chênh lệch giàu – nghèo tăng trưởng một cách đáng sợ. Thiên tai và hạn hán càng làm trầm trọng thêm bức tranh xã hội: có những người phải bán nhà cửa, ruộng vườn, con cái hay chính bản thân … để nuôi thân.
Đối với Thiên Chúa, tình trạng bất công và sự hiện diện của những người nghèo trong lòng xã hội Israel là một bằng chứng tố cáo sự thất trung của dân tộc được chọn lựa. Người tự nhận là “Đấng bảo vệ và bênh vực” những người nghèo khó, bé mọn, cô thân cô thế. Người lên án tình trạng bất công xã hội và đưa ra một số biện pháp cụ thể để làm giảm nhẹ cảnh khốn cùng của người nghèo và tái lập nguyên tắc “vận mệnh phổ quát của tài sản”. Nhiều biện pháp cụ thể đã được đưa ra: Chẳng hạn, việc xác định cứ mỗi ba năm phải dành tất cả thập phân hoa lợi cho những người không có sản nghiệp (Đnl.14,28-29), và cuối mỗi bảy năm phải thi hành năm tha nợ: “Các chủ nợ sẽ trả lại những vật cầm thế và tuyên bố xóa bỏ nợ nần” (Đnl.15,1-2). Đặc biệt nhất, cứ 50 năm phải cử hành Năm Hồng ân, năm xóa bỏ nợ nần, trao lại ruộng đất cho người cầm thế và trả tự do cho các nô lệ: Đây đích thực là “năm Hồng ân (Yôbel): mỗi người sẽ lấy lại sản nghiệp của mình và sẽ trở lại gia tộc của mình” (Lv.25,10).
Ý nguyện thâm sâu của Cựu ước vẫn là “làm sao không còn người nghèo khổ trong lòng dân tộc được tuyển chọn” (Đnl.15,4). Cho đến nay người ta vẫn chưa biết rõ việc áp dụng những chỉ thị của Năm Hồng ân này và ảnh hưởng cụ thể của nó trong đời sống xã hội – chính trị của Israel ra sao[7]. Tuy nhiên, suốt dọc lịch sử nhân loại, lý tưởng bình đẳng, liên đới và huynh đệ này vẫn là một ước mơ cao đẹp, đã soi sáng và hướng dẫn nhân loại trên bước đường tìm kiếm và xây dựng một xã hội nhân bản hơn.
Nối tiếp sứ vụ của các Ngôn sứ, các Giáo phụ đào sâu chiều kích xã hội của Tin Mừng và mạnh mẽ lên tiếng tố cáo tình trạng bất công xã hội. Các vị đã đóng góp tích cực trong việc bênh vực người nghèo và kiếm tìm những giải pháp thích hợp với tinh thần Kitô giáo.
Hai chủ đề thường gặp thấy trong các bài viết và bài giảng của các Giáo phụ đó là: vận mệnh phổ quát của tài sản và quyền của người nghèo được tham dự vào tài sản chung của nhân loại. Do đó, không ai là sở hữu chủ tuyệt đối trên những gì mình đang chiếm giữ, chẳng qua họ chỉ là những người quản trị tài sản chung mà thôi.
10.2- Quan điểm của Giáo huấn xã hội
Kế thừa giáo huấn của Kinh Thánh, các Giáo Phụ và các Tiến sĩ Hội Thánh, Công đồng Vatican II đã long trọng tái xác quyết quan niệm truyền thống về “vận mệnh phổ quát của tài sản”. Hiến chế “Giáo Hội trong thế giới hôm nay” tuyên bố: “Thiên Chúa đã chỉ định Trái đất và những gì chứa đựng trong đó thuộc quyền sử dụng của tất cả mọi người và mọi dân tộc. Chính vì thế, của cải tạo dựng phải được phân phối cho tất cả mọi người một cách quân bình theo nguyên tắc công lý, một nguyên tắc gắn liền với bác ái”[8].
Theo thông điệp “Phát triển các dân tộc”, nguyên tắc “vận mệnh phổ quát của tài sản” bắt nguồn từ những trang đầu của Kinh Thánh khi Thiên Chúa chúc lành cho nguyên tổ và nói với họ: “Hãy sinh sôi nẩy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất và thống trị mặt đất” (St 1, 28). Qua lời tuyên bố này, Thiên Chúa muốn cho chúng ta thấy rằng “tất cả vũ trụ được tạo dựng nên cho con người. Họ có trách nhiệm dùng trí thông minh để phát triển vũ trụ và kiện toàn nó bằng lao động (...). Trái đất đã được dựng nên để cung cấp phương tiện sinh sống và khí cụ tiến bộ cho mỗi người, do đó mỗi người có quyền tìm thấy ở đó những điều kiện cần thiết cho mình”[9].
Đức Gioan Phaolô II cũng nhìn thấy nơi món quà quý giá mà Thiên Chúa đã ban tặng cho nhân loại là cội nguồn củavận mệnh phổ quát của tài sản. Thật vậy, “Thiên Chúa trao tặng Trái đất cho tất cả nhân loại để Trái đất nuôi sống mọi người, không loại trừ và cũng chẳng đặc quyền cho riêng ai. Đó là nguồn gốc vận mệnh phổ quát của tài sản trên Trái đất. Do nguồn lợi phong phú của nó và khả năng thỏa mãn các nhu cầu của con người, Trái đất là quà tặng đầu tiên của Thiên Chúa để con người sinh tồn”[10].
Tài sản của Trái đất được coi là nguồn tài nguyên thiết yếu để con người có thể tồn tại và phát triển. Không có tài nguyên này con người không thể thỏa mãn nhu cầu căn bản của cuộc sống. Chính vì vậy, nguyên tắc “vận mệnh phổ quát của tài sản” đã đặt nền cho quyền được sử dụng của cải để bảo vệ sự sống. Công đồng Vatican II tuyên bố: “Bất chấp những hình thức tư hữu, được nhìn nhận bởi các định chế hợp pháp của các dân tộc theo những hoàn cảnh khác biệt và biến đổi, không bao giờ được lãng quên vận mệnh phổ quát của tài sản. Do đó, khi sử dụng tài sản, con người không được coi tài sản mà mình chiếm hữu một cách chính đáng như là tuyệt đối của riêng mình, mà còn là của chung nữa, theo nghĩa là tài sản đó không phải chỉ để cho mình hưởng dụng, mà còn cho những người khác nữa”[11].
Đức Phaolô VI coi “vận mệnh phổ quát của tài sản” là một quyền tự nhiên và nền tảng, “phải được đặt ưu tiên trên tất cả các quyền khác, bất cứ là quyền nào, kể cả quyền tư hữu và tự do thương mại. Các quyền khác không những không được cản trở, mà trái lại phải giúp nguyên tắc này được thực hiện cách dễ dàng, vì bổn phận xã hội quan trọng và khẩn thiết nhất là phải quy hướng tất cả về mục đích đầu tiên của chúng”[12].
Khi đề cập đến vấn đề quyền tư hữu, lương bổng hay bất cứ vấn đề xã hội nào khác, Đức Gioan Phaolô II vẫn coivận mệnh phổ quát của tài sản là “nguyên tắc thứ nhất của tất cả trật tự đạo đức kinh tế”[13]. Ngài cũng gọi nguyên tắc này là “nguyên tắc đặc trưng của học thuyết xã hội Công giáo”[14].         
10.3- Tương quan với quyền tư hữu                                          
Tất cả truyền thống Kitô giáo không những không hề phủ nhận quyền tư hữu, mà trái lại còn coi nó là một quyền tự nhiên của con người để nuôi sống bản thân và gia đình, để bảo vệ và làm phát triển nhân phẩm, cũng như để phục vụ công thiện công ích một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, Trái đất cho dù đã được chia thành tư hữu đi chăng nữa, thì hoa màu ruộng đất vẫn thuộc về tất cả nhân loại. Nói rõ hơn, quyền tư hữu không thể phủ nhận hay đi ngược lại nguyên tắcvận mệnh phổ quát của tài sản[15].
Chính trong viễn ảnh đó, Công đồng Vatican II vừa công nhận giá trị và sự cần thiết của quyền tư hữu trong việc thăng tiến nhân vị, phát triển kinh tế, bảo vệ tự do và sáng kiến cá nhân, vừa xác quyết: “Quyền tư hữu không xung khắc với những hình thức khác biệt của quyền sở hữu công cộng hiện hữu”. Hơn thế nữa, “tự bản chất, trong quyền tư hữu luôn bao hàm một tính chất xã hội, mà nền tảng của nó xây dựng trên vận mệnh phổ quát của tài sản. Khi nào tính chất xã hội này bị lãng quên, thì nhiều lần quyền tư hữu trở thành cơ hội của tham vọng và xáo trộn trầm trọng”[16].
Thông điệp “Phát triển các dân tộc” tiếp tục khai triển quan điểm truyền thống này và cho rằng tất cả những quyền lợi khác, bao gồm quyền tư hữu và tự do thương mại, cũng phải phụ thuộc nơi quyền uyên nguyên của mọi người xây dựng trên “vận mệnh phổ quát của tài sản”. Nói rõ hơn, Giáo huấn xã hội công nhận quyền tư hữu, nhưng theo quan điểm Công giáo, “quyền tư hữu không thiết định cho bất cứ ai một thứ quyền tuyệt đối và vô điều kiện. Không thể nhân danh bất cứ lý do nào để dành cho mình quyền sử dụng độc nhất những gì vượt quá nhu cầu cần thiết, trong khi những người khác đang thiếu những gì thiết yếu để sống”[17].
Thông điệp “Lao động của con người” một lần nữa nhắc lại rằng “truyền thống Kitô giáo không bao giờ chủ trương quyền tư hữu là một quyền tuyệt đối và bất khả xâm phạm. Ngược lại, truyền thống này luôn luôn đặt quyền tư hữu trong một bối cảnh rộng lớn hơn nơi quyền lợi chung của tất cả mọi người được sử dụng tài sản do công trình tạo dựng: quyền tư hữu phụ thuộc vào quyền sử dụng chungvào vận mệnh phổ quát của tài sản[18].
Thông điệp “Quan tâm đến vấn đề xã hội” nêu rõ “trách vụ xã hội” của quyền tư hữu và gắn kết nó với nguyên tắc uyên nguyên là vận mệnh phổ quát của tài sản: “Cần phải nhắc lại một lần nữa nguyên tắc đặc thù của học thuyết xã hội Kitô giáo: của cải trên thế giới, tự nguồn gốc, được dành cho mọi người. Quyền tư hữu có giá trị và cần thiết, nhưng không được hủy diệt giá trị của nguyên tắc này. Thực vậy, có “một món nợ xã hội” đè nặng trên quyền tư hữu, nghĩa là người ta nhận thấy nơi quyền tư hữu một chức năng xã hội được xây dựng và được minh chứng một cách chính xác bởi nguyên tắc vận mệnh phổ quát của tài sản. Và trong việc dấn thân phục vụ người nghèo, không được lãng quên hình thức đặc biệt của nghèo túng, đó là bị tước đoạt những quyền lợi căn bản của con người, cách riêng quyền tự do tôn giáo, và mặt khác quyền được có sáng kiến về kinh tế”[19].
10.4- Thách đố của nền kinh tế tri thức
Đức Gioan Phaolô II dành trọn chương IV của thông điệp “Bách chu niên” để phân tích mối tương quan phức tạp giữa quyền tư hữu  vận mệnh phổ quát của tài sản trong thế giới hôm nay. Thông điệp nhắc lại mục đích nguyên thủy của tài sản: “Thiên Chúa đã ban Trái đất cho tất cả nhân loại để Trái đất nuôi sống mọi phần tử của nhân loại, không loại trừ cũng không dành đặc quyền cho một cá nhân nào. Đó là nguồn gốc vận mệnh phổ quát của tài sản trên Trái đất. Trái đất, với tất cả sự phong phú và khả năng thoả mãn nhu cầu của con người, là tặng vật đầu tiên Thiên Chúa ban cho con người để bảo đảm sự sống. Dĩ nhiên, Trái đất không sinh hoa trái nếu không có sự đáp ứng đặt biệt của con người đối với tặng vật của Thiên Chúa, nghĩa là nếu không có lao động. Nhờ lao động và nhờ sử dụng lý trí cũng như tự do, con người thống trị Trái đất, biến nó thành nơi cư ngụ thích hợp cho chính mình. Với cách thế đó, con người chiếm hữu một phần Trái đất, phần mà con người dành được nhờ lao động. Đó là nguồn gốc của quyền tư hữu cá nhân. Hiển nhiên, con người cũng có trách nhiệm không được cản trở người khác chiếm hữu phần của họ trong tặng vật của Thiên Chúa, trái lại phải cộng tác với người khác để cùng nhau thống trị toàn thể Trái đất”[20].
Sau khi nhắc lại quan điểm truyền thống của Giáo Hội, ngài đề cập đến những thay đổi quan trọng nơi mô hình kinh tế hiện đại. “Nếu ngày xưa, yếu tố quyết định của sản xuất là đất đai và nếu sau đó, yếu tố đó là tư bản, hiểu như toàn bộ máy móc và công cụ sản xuất, thì ngày nay yếu tố ngày càng có tính quyết định lại là “chính con người”, cũng gọi là “tư bản nhân văn”, hiểu như khả năng hiểu biết biểu lộ qua trình độ khoa học, khả năng tổ chức liên kết và tài nắm bắt cũng như thỏa mãn các nhu cầu của người khác”[21].
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng thông tin hiện nay, kiến thức nói riêng và tư bản nhân văn nói chung đóng vai trò quan trọng trong phát triển. Thông điệp “Bách chu niên” nhìn nhận: “Ở thời đại chúng ta, có một hình thức tư hữu khác và hình thức này có một tầm quan trọng không kém hình thức tư hữu đất đai: đó là tư hữu về tri thức, kỹ thuật và kiến thức. Sự giàu có của các quốc gia kỹ nghệ hóa dựa trên hình thức tư hữu này nhiều hơn là tư hữu những nguồn lợi thiên nhiên”[22].
Chính “những tư hữu mới này” đã giúp nhân loại ở thiên niên kỷ thứ 3 này sở hữu những tài sản vật chất và kỹ thuật lớn lao nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, cũng chính những tư hữu mới này đã làm cho hố phân cách giàu nghèo ngày càng sâu thẳm hơn. Phải chăng nó là vận may cho một số người, nhưng đồng thời lại là “vận rủi” cho nhiều người khác? Thật vậy, đại đa số nhân loại hôm nay “không có điều kiện để gia nhập, một cách hữu hiệu và xứng đáng với nhân phẩm, vào hệ thống doanh nghiệp, trong đó lao động thực sự chiếm một vị trí trung tâm. Họ không có khả năng đạt tới những kiến thức căn bản để làm phát triển khả năng sáng tạo và tài năng. Họ không thành công trong việc hội nhập vào mạng lưới kiến thức và thông tin để tài năng được đánh giá và được sử dụng đúng mức. Tuy không bị bóc lột theo nghĩa chặt, nhưng họ đã hoàn toàn bị loại trừ, và có thể nói: Phát triển kinh tế được thực hiện ngoài tầm tay của họ, đồng thời giảm thiểu hơn nữa khoảng không gian vốn đã bị thu hẹp trong kinh tế sinh tồn cũ của họ”[23].
Nhân loại đang ở vào một khúc quanh quan trọng, với những đột biến về công nghệ thông tin và kỹ thuật chưa từng thấy trong lịch sử. “Quyền làm chủ các tài sản mới, phát xuất từ kiến thức, kỹ thuật và kỹ năng, ngày càng trở nên có tính quyết định hơn, bởi vì “sự thịnh vượng của các nước công nghiệp đều dựa trên hình thức sở hữu loại này, nhiều hơn là dựa trên sở hữu các tài nguyên thiên nhiên”[24].
Trong bối cảnh phức tạp của toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức đó, Hội đồng Giáo hoàng về “Công lý & Hòa bình” rất có lý khi đề nghị “tái nghiên cứu nguyên tắc vận mệnh phổ quát của tài sản trên Trái đất”. Cần phải đem “những thành quả của tiến bộ kinh tế và kỹ thuật” vào tài sản của Trái đất. Nói rõ hơn, “phải đem các kiến thức mới về công nghệ và khoa học để phục vụ nhu cầu thiết yếu của con người, ngõ hầu làm tăng trưởng dần dần tài sản chung của nhân loại. Nhưng, nếu muốn hiện đại hóa nguyên tắc vận mệnh phổ quát của tài sản thì phải có những hành động trên cấp độ quốc tế và phải có chương trình hành động cho tất cả các nước”[25].
Hơn bao giờ hết, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội cần tiếp tục nghiên cứu và cố gắng làm sáng tỏ mối tương quan phức tạp giữa quyền tư hữu, nhất là sở hữu trí tuệ, với vận mệnh phổ quát của tài sản và tình liên đới giữa người với người. Nhìn lại con đườg phát triển trong hơn 40 năm qua, Đức Biển Đức XVI công nhận rằng so với thời chiến tranh lạnh, khung phát triển hôm nay năng động, đa diện, đa cực và phúc tạp hơn nhiều. “Làn ranh phân cách giữa nước giàu với nước nghèo không còn rõ rệt như thời thông điệp Phát triển các dân tộc (…). Tài sản thế giới gia tăng một cách tuyệt đối, nhưng bất bình đẳng cũng gia tăng. Tại các nước giàu, các giai tầng xã hội mới bị nghèo nàn hóa và xuất hiện những hình thức nghèo đói mới. Trong những vùng nghèo đói nhất, một vài nhóm lại thụ hưởng một thứ “siêu phát triển” về hưởng thụ và hoang phí, tương phản một cách không thể chấp nhận được với tình trạng thường xuyên nghèo đói phi nhân bản. “Gương mù về bất bình đẳng” vẫn hiện diện”. Mặc dù nhân loại đang ở vào giai đoạn toàn cầu hóa và Tổ chức Thương mại thế giới phát triển mạnh, nhưng “từ phía các nước giàu vẫn còn những hình thức bảo vệ kiến thức một cách thái quá, thông qua việc áp dụng quá chặt chẽ quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt trong lãnh vực y tế. Trong khi đó, tại một số nước nghèo, vẫn tồn tại mô hình văn hóa và chuẩn mực ứng xử xã hội cản trở tiến trình phát triển”[26].
Vấn đề nghèo đói, chậm tiến và quyền của người nghèo được tham dự vào tài sản chung của nhân loại trở thành một nan đề!

 

[1] Xem chẳng hạn Lêvi 18,2; Đệ Nhị Luật 17,16.
[2] Lv 20,24; Đnl 11,24-25; Ds.1,1-4.
[3] Ds. 26,53-56.
[4] Lv 25,23-25.
[5] Xem Dnl.8,22-23; 1Sm.8,6-7; Ds.23,21-22.
[6] 1Samuel 8,11-18.
[7] Xin coi R. De Vaux, Les Institutions de l’Ancien Testament, t.I, Cerf,Paris,1958; N. Nohfink, “Poverty in the Laws of the Ancient Near East and of the Bible” in Theological Studies, 52 (1991), tr.34-50; R.Westbrook, Jubilee Laws” in Israel Law Review, 6 (1971), tr.221-222; J.L.Sicre, Los dioses olvidados. Poder y riqueza en los profetas preexílios, Madrid,1979; S.Cavaletti, Levitico, Roma, 1977.
[8] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, 69.
[9] Phaolô VI, Phát triển các dân tộc, số 22.
[10] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 31.
[11] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, 69.
[12] Phaolô VI, Phát triển các dân tộc, số 22.
[13] Gioan Phaolô II, Lao động con người, số 19.
[14] Gioan Phaolô II, Quan tâm đến vấn đề xã hội, số 42.
[15] Xem Leo XIII, Tân sự, số 8-9.
[16] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, 71.
[17] Phaolo VI, Phát triển các Dân tộc, 23.
[18] Gioan Phalo II, Lao động con người, 14.
[19] Gioan Phaolô II, Quan tâm đến vấn đề xã hội, số 42; xem Hội đồng Giáo hoàng về Công lý & Hòa bình, Tóm lược …, số 171-178.
[20] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 31.
[21] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 32.
[22] Ibidem.
[23] Ibidem, số 33.
[24] Tóm lược…, số 179.
[25] Ibidem.
[26] Tình yêu trong chân lý, số 22.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét