Tương tự như nguyên tắc “Vận mệnh phổ quát của tài sản” mà chúng ta đã
đề cập ở chương trước, nguyên tắc “Ưu tiên chọn lựa người nghèo” là một
đề tài rất quen thuộc trong truyền thống Kitô giáo. Chúng ta gặp thấy nội dung
của đề tài này trong nhiều sứ điệp của Cựu và Tân Ước, cũng như nơi nhiều bản
văn của các Giáo phụ và các thánh Tiến sĩ Hội Thánh. Tuy nhiên, dụng ngữ “ưu
tiên chọn lựa người nghèo” chỉ mới xuất hiện ở giai đoạn hậu Công đồng
Vatican II và có một nguồn gốc rõ rệt. Thật vậy, chính tại châu Mỹ Latin đã
khai sinh quan điểm này và sau đó được phổ biến rộng rãi khắp hoàn cầu.
11.1- Trong gia tài cố hữu
Trọng tâm
sứ điệp của các ngôn sứ là bảo vệ mạc khải về Thiên Chúa duy nhất, Đấng toàn
năng, công chính và đầy lòng từ bi nhân hậu. Nhưng Thiên Chúa đòi hỏi dân tộc
Israel phải thể hiện niềm tin này qua đời sống luân lý, qua cơ cấu xã hội công
bằng và thái độ liên đới với người thân cận, đặc biệt với những người nghèo
khổ. Chính từ lý tưởng đó mà các ngôn sứ lên án nếp sống xa hoa trụy lạc, tình
trạng bất công xã hội và thái độ hờ hững, ích kỷ trước nỗi khốn khổ của đồng
bào.
Tác giả
Thánh Vịnh cất tiếng ca ngợi Đức Chúa, Đấng bênh vực kẻ lâm cảnh khốn cùng,
nâng đỡ cô nhi quả phụ:
“Cha nuôi dưỡng cô nhi, Đấng bênh đỡ quả phụ
chính là Thiên Chúa ngự trong thánh điện.
Kẻ cô thân, Thiên Chúa cho nhà cửa,
hạng tù đày, Người trả lại tự do hạnh phúc,
Các Ngôn
sứ cũng thường trình bày Thiên Chúa như “Go’el”, Đấng bảo vệ và bênh vực
những người nghèo khó, bé mọn, cô thân cô thế. Người lên án tình trạng bất công
xã hội và đưa ra một số biện pháp cụ thể để bảo vệ quyền lợi của những người
nghèo. Chẳng hạn tất cả hoa màu sót lại sau mùa gặt thuộc về những người nghèo
khổ (Đnl.24,19-22) và họ cũng có quyền vào ruộng vườn người khác để ăn bất cứ
cái gì hầu qua cơn đói (Đnl. 23,25-26).
Việc đòi
hỏi các chủ nhân phải chu toàn hợp đồng lao động cũng là một hình thức bảo vệ
người nghèo chống lại tình trạng bóc lột và áp bức. Sách Đệ Nhị Luật ghi rõ:
“Không được bóc lột người làm thuê nghèo đói, bần cùng… Mỗi ngày phải trả công
cho họ trước khi Mặt Trời lặn; bởi vì họ nghèo khổ và cần đến tiền công đó để
sống” (Đnl.24,14-15; Lv.19,13).
Trong một
số trường hợp việc bênh vực người nghèo còn đi xa hơn việc chu toàn hợp đồng
lao động. Như chúng ta quá rõ, luật Giao ước cấm cho vay lấy lãi, nhưng không
đưa ra một biện pháp nào để dự phòng những thiệt hại hay mất mát của người cho
vay. Hậu quả là họa hiếm lắm mới có người cho vay. Để khuyến khích việc cho vay
mà đồng thời không đi ngược với Luật Giao ước, người ta lập thêm hình thức cầm
đồ hầu bảo đảm việc hoàn lại tiền đã vay. Tuy nhiên, ngay trong trường hợp này,
luật Giao ước đã xác định những qui tắc tỉ mỉ để tránh thiệt hại quá đáng cho
người vay và nhất là để không đánh mất tình liên đới huynh đệ. Sách “Đệ
nhị luật” truyền: “Khi ngươi cho đồng loại vay mượn, ngươi không được vào
nhà họ để tự lấy vật cầm thế. Ngươi sẽ đứng ở ngoài và người vay nợ sẽ mang vật
cầm thế trao cho ngươi. Nếu người đó quá nghèo khổ, ngươi không được giữ áo
choàng của nó qua đêm. Phải trả lại áo choàng đó trước lúc Mặt Trời lặn ngõ hầu
nó có mền đắp” (Đnl. 24,10-13).
Lễ nghi
phụng vụ chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của cộng đồng Dân Chúa. Tuy
nhiên, lễ tế này chỉ mang ý nghĩa tôn giáo và được Chúa chấp nhận khi đi kèm
theo cuộc sống đạo hạnh, công bằng và tình liên đới. Ngôn sứ Amos đã kịch liệt
lên án thứ lễ nghi phụng tự vụ hình thức, vì không đi đôi với đời sống đạo đức
và cũng chẳng đếm xỉa đến yếu tố căn bản: tình yêu thương cũng như công bằng xã
hội:
“Lễ tế của các ngươi, Ta đã chán ngấy
hội hè của các ngươi, Ta chẳng thích thú gì.
Dù các ngươi có dâng lễ vật toàn thiêu...
Ta cũng không nhận lễ vật của các ngươi
chiên bò béo tốt các ngươi hiến tế, Ta chẳng thèm
Hãy dẹp bỏ tiếng hát om sòm của các ngươi
Ta không muốn nghe tiếng đàn của các ngươi nữa.
Ta chỉ muốn lẽ phải như nước tuôn trào,
công lý như dòng suối không bao giờ cạn (Amos 5,21-24).
Ngôn sứ
Isaia cũng cho biết Thiên Chúa chán ghét những hình thức lễ nghi nặng tính cách
trình diễn, đầu môi chóp lưỡi. Người bưng tai không nghe những lời kinh giả dối
và bịt mắt không nhìn những người giang tay cầu nguyện, vì tay họ vấy máu đồng
loại. Để được Người chấp nhận, trước tiên phải làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công
bằng, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ[2]. Hình thức ăn chay được đánh giá cao không phải là những
khổ chế ngoại tại, những lời khóc lóc, van vỉ, mà là cố gắng thực hiện công
bằng xã hội và tình liên đới:
“Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở
gông cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại người,
nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói,
làm thoả lòng người bị hạ nhục,
thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối
và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ” (Is 58, 6-10).
Để cụ thể
hóa và cơ cấu hóa tình liên đới đối với những người nghèo, luật Giao ước đã xác
định cứ mỗi ba năm phải dành tất cả thập phần hoa lợi cho những người không có
sản nghiệp (Đnl.14,28-29), và cuối mỗi bảy năm phải thi hành năm tha
nợ: “Các chủ nợ sẽ trả lại những vật cầm thế và tuyên bố xóa bỏ nợ
nần” (Đnl.15,1-2). Để củng cố và kiện toàn năm sabat này, sách Lêvi tuyên bố cứ
50 năm phải cử hành Năm Hồng ân, năm tha nợ và trả tự do cho các nô lệ: “Ngươi
sẽ tính bảy tuần năm, nghĩa là bảy lần bảy năm; thời gian bảy tuần năm này sẽ là
bốn mươi chín năm. Vào ngày thứ mười trong tháng thứ bảy, ngươi sẽ thổi tù và
và tung hô. Trong ngày xá tội, các ngươi sẽ thổi tù và trong khắp xứ sở. Các
ngươi sẽ thánh hóa năm thứ năm mươi và tuyên bố trả tự do cho tất cả dân cư
trong xứ sở. Đối với các ngươi đó là năm Hồng ân (Yôbel): mỗi người sẽ
lấy lại sản nghiệp của mình và sẽ trở lại gia tộc của mình” (Lv.25,10).
Chủ đích
của tất cả những biện pháp và luật lệ đó nhằm thực hiện một xã hội công bằng,
huynh đệ, nhân ái và liên đới. Cái ước mơ của Cựu Ước vẫn là “làm sao không
còn người nghèo khổ trong lòng dân tộc được tuyển chọn”(Đnl.15,4). Chính vì
vậy, “trọng tâm của luật lệ không phải để bảo vệ quyền lợi của những người
quyền thế, mà là những người bé mọn nghèo hèn”[3]. Trong ý nghĩa đó phải coi Năm Hồng ân như một củng cố và
kiện toàn giới luật năm sabát, ngõ hầu thực hiện tốt lý tưởng liên đới, bình
đẳng và huynh đệ của luật Giao ước.
11.2- Dưới ánh sáng Tân Ước
Đức Giêsu
Kitô tiếp nối và kiện toàn chương trình cứu độ của Cựu Ước. Tin-Mừng cứu độ của
Người là một sứ điệp phổ quát, gửi đến mọi người, mọi dân tộc và văn hóa. Tuy
nhiên, nét độc đáo của Đức Kitô là đã liên kết tài tình tính phổ quát của tình
yêu Thiên Chúa với việc ưu tiên chọn lựa dành cho người bị thua thiệt. Thật
vậy, trong con người Đức Kitô và qua sứ vụ cứu độ của Người, “Thiên Chúa hiện
diện với con người. Càng ý nghĩa hơn khi con người nói đây trước hết là những
người thiếu thốn về vật chất, những người bị tước đoạt tự do, những người không
được nhìn vẻ đẹp thiên nhiên, những người đau khổ trong tâm hồn hoặc nạn nhân
của bất công xã hội và cuối cùng những người tội lỗi”[4].
Ngay từ
buổi bình minh của chương trình cứu độ, Đức Maria thành Nazareth, người nữ tì
khiêm hạ của Đức Chúa, đã dâng lời cảm tạ:
“Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh,
dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
Chúa hạ bệ những ai quyền thế,
Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
Kẻ đó nghèo, Chúa ban của đầy dư,
người giàu có, lại đuổi về tay trắng” (Lc 1,51-53).
Ba mươi
năm sau, cũng tại quê hương Nazareth, Đức Giêsu đã chính thức công bố chương
trình hành động của Người. Thánh sử Luca tường thuật: “Người vào hội đường như
Người vẫn quen làm trong ngày sabát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho
Người quyển sách ngôn sứ Isaia. Người mở sách ra, gặp đúng đoạn sau đây:
“Thần khí Chúa ngự trên tôi,
vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi
để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn.
Người đã sai tôi đi công bố
cho những kẻ bị giam cầm biết họ được tha,
cho người mù biết họ được sáng mắt,
trả tự do cho người bị áp bức,
công bố một năm hồng ân của Chúa”. (Lc
4,16-19)
Khi đọc
xong những lời trích dẫn trên của Isaia nói về sứ vụ của Đấng Messia, Đức Giêsu
cuộn sách lại và tuyên bố: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh mà anh em vừa
nghe”. Hai chữ “hôm nay” vừa nhấn mạnh đến tính hiện đại của ơn cứu độ, vừa cho
thấy sự xuất hiện của Người đã khai mở thời hồng ân mà các ngôn sứ từng loan
báo suốt dọc lịch sử. Trong con người Đức Kitô và qua sứ vụ cứu độ của Người,
Thiên Chúa hiện diện với con người, đặc biệt cho những người nghèo khổ và bị bỏ
rơi.
Ít lâu
sau, khi Gioan tiền hô nghe nói về hoạt động của Người, từ trong tù ông đã sai
môn đệ đến hỏi xem Người có phải là Đấng thiên sai hay không? Vào chính lúc ấy,
Đức Giêsu đang săn sóc và chữa trị nhiều người tật nguyền. Người trả lời họ:
“Các anh về thuật lại cho ông Gioan những gì mắt thấy tai nghe: người mù xem
thấy, kẻ què đi được, người phong cùi được lành sạch, người điếc nghe được, kẻ
chết sống lại, người nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt. 11,4-5). Qua câu trả lời
gián tiếp này, Người muốn khẳng định rằng dấu chỉ hiển nhiên của Đấng thiên sai
là hành động lựa chọn đứng về phía những người nghèo khổ, bé mọn, tật nguyền,
xấu số, bị thua thiệt.
Suốt ba
năm truyền đạo, Người luôn đồng hành và sát cánh với những người nghèo khổ,
bệnh tật, bị loại trừ và bị nguyền rủa. Nhiều lần, người ta đã mạ lị Người vì
bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi. Bất chấp lời đàm tiếu và thái độ
thù nghịch của giới thượng lưu, Người đã công khai tự đồng hóa với những người
đói khát, rách rưới, trần truồng, bệnh tật, đau yếu, tù tội... Bất cứ những gì
đụng chạm đến họ là đụng chạm đến bản thân Người. Tất cả những gì chúng ta làm
cho họ là làm cho chính Người. Và tất cả những gì chúng ta không làm cho một
trong những người bé mọn nhất của nhân loại khổ đau này là đã không làm cho
chính bản thân Người[5].
11.3- Trong bối cảnh xã hội phương Tây
Thông điệp
“Tân Sự” và tất cả các thông điệp kế tiếp đều không ngừng quan tâm
đến giới thợ thuyền và tất cả lớp người nghèo khổ được Đức Kitô yêu thương cách
đặc biệt. Tuy nhiên, quan niệm mà hiện nay chúng ta gọi là “ưu tiên chọn lựa
người nghèo” thực sự chỉ bắt nguồn từ một lời mời gọi mang “tính ngôn
sứ” của Đức Gioan XXIII và hình thành ở châu Mỹ Latin vào giai đoạn cuối thập
niên 60’ của thế kỷ XX. Đây là chương trình mục vụ của Giáo Hội tại châu Mỹ
Latin và là một nét đặc trưng của nền thần học tại lục địa này.
Chúng ta
biết rằng một tháng trước khi khai mạc Công đồng Vatican II, Đức Gioan XXIII đề
xuất đề tài Giáo Hội của những người nghèo: “Đối diện với các nước đang phát
triển, Giáo Hội là, và muốn là, Giáo Hội của mọi người và đặc biệt Giáo Hội của
những người nghèo”[6]. Đây là một trong ba đề tài căn bản của ngài. Hai đề tài
kia là: vấn đề đại kết và đối thoại với thế giới hôm nay. Một số Nghị phụ mong
ước ba chủ đề trên trở thành ba định hướng của Công đồng.
Nhưng bất
chấp những lời lẽ chân thành và thấm đượm tính ngôn sứ trong một vài bản văn[7], đề tài Giáo Hội của người nghèo chưa trở thành chủ đề của
Vatican II. Hai chủ đề của Công đồng vẫn là: Vấn đề hiệp nhất giữa các Kitô hữu
và đối thoại với thế giới hôm nay, vì chúng có một tầm quan trọng đặc biệt đối
với các Giáo Hội ở Tây phương.
Nếu tại
phương Tây, một số người cho rằng Công đồng Vatican II đến quá muộn và có những
người đã nghĩ đến một Vatican III, thì đối với nhiều Giáo Hội địa phương, Công
đồng thực sự đã mở ra một viễn cảnh mới. Tất cả vấn đề hệ tại môi trường xã hội
và khả năng tiếp thu, cũng như áp dụng Công đồng vào thực tại cuộc sống của mỗi
nước[8]. Trong một mức độ nào đó, chúng ta có thể nói rằng Đại Hội
các Giám mục châu Mỹ Latin tại Medellín (1968) đã thực hiện thành công việc
tiếp thu văn kiện và tinh thần của Công đồng Vatican II cho thực tại riêng của
châu Mỹ Latin. Có thể coi đây là một tiếp nối linh động và độc đáo, với nhiều
tính sáng tạo và mang nhiều ý nghĩa mục vụ nhất.
Để trả lời
cho thách đố đặc biệt của một lục địa mà đại đa số dân chúng là người Công giáo
– nhưng trớ trêu thay lại là một trong những lục địa nghèo đói và bất công nhất
– đề tài “Giáo Hội nghèo và của người nghèo”, bị xếp vào hàng thứ yếu trong
Công đồng, đã trở thành đề tài chính ở châu Mỹ Latin. Tài liệu Đại hội lần II
của các Giám mục châu Mỹ Latin tại Medellín, có một chương đặc biệt về “Giáo
Hội nghèo”, với chủ trương “ưu tiên thực sự cho thành phần nghèo, thiếu
thốn và những người bị bỏ rơi, bất cứ vì lý do nào”[9]. Ưu
tiên này có nghĩa là Giáo Hội tại châu Mỹ Latin “đảm nhận những vấn đề và cuộc
tranh đấu của những người nghèo như của chính mình, biết nói thay cho họ. Điều
này được cụ thể hóa qua việc tố cáo bất công và áp bức, qua cuộc chiến Kitô
giáo chống lại tình trạng bất bao dung mà thông thường người nghèo là nạn nhân”[10].
Lời mời
gọi này được các phong trào, các cộng đồng nền tảng, các giáo xứ và, đặc biệt,
các nhà thần học nhiệt liệt hưởng ứng, rồi triển khai qua những hành động dấn
thân cụ thể nhằm phục vụ người nghèo. Chính trong bối cảnh đó, khuynh hướng
thần học mục vụ dành ưu tiên cho những người bị thua thiệt trong xã hội đã phát
triển tại châu Mỹ Latin. Sau này, Đại Hội các Giám mục châu Mỹ Latin tại Puebla
đã công nhận và khai triển nó thành nguyên tắc “ưu tiên chọn lựa người
nghèo”.
Theo nhận
định sâu sắc của thần học gia Gustavo Gutiérrez, ở châu Mỹ Latin vào giai đoạn
đó, “ưu tiên chọn lựa người nghèo, nói cho cùng, có nghĩa là một chọn lựa Thiên
Chúa mà Đức Kitô loan báo cho chúng ta (...). Tất cả Kinh Thánh, kể từ trần
thuật về Cain và Abel, được đánh dấu bởi tình yêu ưu tuyển của Thiên Chúa đối
với những người bé mọn và bị ngược đãi trong lịch sử nhân loại. Ưu tiên chọn
lựa này biểu lộ rõ rệt tình yêu cho không của Thiên Chúa. Các mối phúc của Tin
Mừng mạc khải cho chúng ta một cách hết sức giản dị rằng ưu tiên chọn lựa người
nghèo, người đói khát và khổ đau có nền tảng nơi lòng từ bi nhân hậu của Chúa.
Động lực
cuối cùng của hành động dấn thân phục vụ người nghèo và người bị áp bức không
nằm trong những phân tích xã hội mà chúng ta sử dụng, trong niềm cảm thương
nhân bản của chúng ta hay trong kinh nghiệm trực tiếp mà chúng ta có thể tìm
gặp nơi cảnh nghèo. Tất cả những cái đó là lý do hữu lý đóng một vai trò quan
trọng trong hành động dấn thân của chúng ta, tuy nhiên, đối với Kitô hữu, ưu
tiên chọn lựa này được xây dựng một cách triệt để nơi Thiên Chúa của niềm tin.
Đây là một chọn lựa quy thần và mang tính ngôn sứ, được bén rễ trong tình yêu
cho không của Thiên Chúa và đòi hỏi bởi tình yêu này”[11].
11.4- Trong truyền thống của Giáo Hội
Một trăm
năm sau đọc lại thông điệp “Tân Sự”, Đức Gioan Phaolô II làm sáng tỏ “mối quan
tâm cũng như hành động liên tục của Giáo Hội nhằm nâng đỡ những người được Đức
Kitô đặc biệt yêu thương”. Theo ngài, nội dung của một số bản văn trong thông
điệp “Tân Sự” là một bằng chứng tuyệt vời về tính liên tục trong Giáo Hội đối
với điều mà người ta gọi là “ưu tiên lựa chọn người nghèo”, một sự
lựa chọn mà thông điệp “Quan tâm đến vấn đề xã hội”định nghĩa như một “hình
thức đặc biệt ưu tiên trong việc thực thi đức bác ái Kitô giáo”. Như
vậy, thông điệp về “vấn đề thợ thuyền” (Tân Sự) là một
thông điệp về người nghèo và về điều kiện lầm than, trong đó đa số quần chúng
phải ngụp lặn, vì tiến trình kỹ nghệ hóa mới mẻ và thường tàn bạo vào lúc đó.
Ngay cả hiện nay, tại nhiều nơi trên thế giới, những tiến trình biến đổi kinh
tế, xã hội và chính trị cũng đang tạo nên tệ nạn tương tự’”[12].
Đứng trên
phương diện phân tích lịch sử, mặc dù chúng ta có gặp thấy nội dung của “ưu
tiên chọn lựa người nghèo”trong truyền thống lâu đời của Giáo Hội đi chăng
nữa, thì dụng ngữ này chỉ chính thức xuất hiện trong các văn kiện của giáo
triều Roma vào thập niên 80’ của thế kỷ XX. Có lẽ lần đầu tiên Đức Gioan Phaolô
II đề cập đến đề tài “ưu tiên chọn lựa người nghèo” là trong bài
diễn văn khai mạc Đại hội lần III (1979) của các Giám mục châu Mỹ Latin tại
Puebla[13]. Sau đó là huấn thị “Libertatis Conscientia” của
Bộ Giáo lý Đức tin. Huấn thị nêu rõ một số điểm bất đồng, căng thẳng hay cần
làm sáng tỏ đối với “thần học giải phóng”. Nhưng cũng có nhiều điểm đồng thuận
và “ưu tiên chọn lựa người nghèo” là một trong những điểm đồng
thuận đó. Chính Huấn thị đã sử dụng quan niệm “ưu tiên chọn lựa người nghèo”
trong một văn bản chính thức của giáo triều:
“Sự khốn
cùng của con người xuất hiện dưới nhiều hình thức: thiếu thốn vật chất, bất
công và đàn áp, bệnh hoạn thể xác và tâm thần, cuối cùng là cái chết. Sự khốn
cùng này là dấu chỉ nhãn tiền tình trạng yếu đuối tự nhiên mà con người phải
gánh chịu từ khi phạm tội, song cũng là dấu chỉ con người cần được cứu độ. Vì
thế, Đức Kitô đã động lòng trắc ẩn và mang lấy thân phận khốn cùng ấy, tự đồng
hóa với “người bé mọn nhất”. Ngay từ đầu, Giáo Hội ưu ái đặc biệtnhững
người cùng khổ để nâng đỡ, bảo vệ và giải phóng họ, mặc dù có nhiều phần tử đã
không làm như vậy. Giáo Hội đã thể hiện (sự ưu ái này) qua vô số công tác từ
thiện mà ở thời nào và ở đâu cũng không thể thiếu”[14].
Một năm
sau, Đức Gioan Phaolô II chính thức sử dụng diễn ngữ “ưu tiên chọn lựa hay tình
yêu ưu tiên dành cho người nghèo” để diễn tả một hình thức đặc biệt
của đức bác ái Kitô giáo. Đối với ngài, “đây là một ưu tiên chọn lựa hay một
hình thức ưu tiên đặc biệt trong việc thực hành bác ái Kitô giáo, mà tất cả
truyền thống của Giáo Hội đều chứng thực. Nó liên hệ đến đời sống của mỗi Kitô
hữu, xét như là người bước theo Đức Kitô. Nhưng đồng thời còn phải áp dụng cho
những trách nhiệm xã hội của chúng ta và, đương nhiên, cho nếp sống cũng như
quyết định đúng đắn về quyền tư hữu và việc sử dụng tài sản.
Nhưng hôm
nay, vì vấn đề xã hội mang chiều kích quốc tế, tình yêu ưu tiên này với những
quyết định mà nó gợi lên, không thể không bao gồm biển người đói khát, hành
khất, không cửa không nhà, thiếu thuốc men và trên hết, những người không còn
chút hy vọng nào về một tương lai tốt đẹp hơn: Không thể quên sự hiện hữu của
thực tại này. Phủ nhận nó có nghĩa là chúng ta tự đồng hóa với “người giàu với
yến tiệc linh đình”, làm ngơ không biết đến người hành khất Lazarô đang nằm
trước cửa”[15].
Thông
điệp “Mẹ Đấng Cứu Thế” cũng đề cập đến vấn đề này dưới một góc
độ và chiều hướng khác. Khi chú giải kinh Magnificat, thông điệp viết: “Tình
thương ưu tiên dành cho người nghèo được ghi lại cách tuyệt diệu trong kinh
Magnificat của Đức Maria. Thiên Chúa của Giao ước, mà người Trinh nữ Nazareth
ca ngợi trong niềm hân hoan của tâm trí, chính là Đấng “hạ bệ những ai quyền
thế, nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (…); Người ban của đầy dư cho người nghèo
đói, còn những người giàu có lại bị đuổi về tay không (…); Người dẹp tan phường
lòng trí kiêu căng và tình thương của Người trải bao thế hệ, dành cho ai biết
kính sợ Người” (Lc 4,48-53). Đức Maria được thấm nhuần tinh thần của những
người nghèo Giavê. Theo kinh nguyện trong các Thánh vịnh, họ mong đợi ơn cứu độ
từ Thiên Chúa và hoàn toàn tín thác nơi Người”[16].
Trong
thông điệp xã hội cuối cùng của triều đại Giáo chủ của mình, Đức Gioan Phaolô
II quả quyết: “Hơn bao giờ hết, hôm nay Giáo Hội ý thức được rằng sứ
điệp xã hội chỉ trở nên khả tín qua hành động chứng tá hơn
là qua sự nhất quán và hợp lý nội tại của nó. Từ ý thức đó dẫn đến ưu
tiên chọn lựa người nghèo, một chọn lựa không mang tính chất loại trừ
và phân biệt đối xử đối với các nhóm khác. Thật sự, đây là một chọn
lựa không chỉ giới hạn nơi cái nghèo vật chất, bởi vì chúng ta biết
rằng trong xã hội hiện đại có nhiều hình thức nghèo, không những về kinh tế, mà
còn về văn hóa và tôn giáo. Tình yêu của Giáo Hội đối với người nghèo, một điểm
quyết định và thuộc về truyền thống bền vững, đã thúc đẩy hướng về thế giới,
trong đó bất chấp sự phát triển kỹ thuật và kinh tế, thứ nghèo đói đe dọa đã
trở nên trầm trọng hơn”[17].
Cuốn “Giáo
lý Giáo Hội Công giáo” và “Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo
Hội” không những đã sử dụng diễn ngữ “ưu tiên chọn lựa người
nghèo”, mà còn trích dẫn một số bản văn căn bản ở trên. “Tình yêu của
Giáo Hội đối với người nghèo bắt nguồn từ Tin Mừng của bát phúc, từ nếp sống
nghèo của Đức Giêsu và sự ân cần của Người đối với người nghèo. Tình yêu này
liên quan đến cái nghèo vật chất, cũng như nhiều hình thức khác của cái nghèo
văn hóa và tôn giáo”[18].
Đức Biển
Đức XVI đặc biệt đề cập đến “ưu tiên chọn lựa người nghèo” trong
chuyến viếng thăm mục vụ tại Brazil, nhân dịp tham dự Đại hội lần V các Giám
mục châu Mỹ Latin. Trong diễn văn đọc trước Hội đồng Giám mục Brazil, tại Vương
cung Thánh đường São Paulo, ngài trình bày một cái nhìn tổng quát về tình trạng
tôn giáo, văn hóa và xã hội của Brazil, một nước có số người Công giáo đông
nhất hoàn cầu, nhưng lại là một trong những nước mà hố phân cách giàu nghèo sâu
thẳm nhất. Hiện tượng “cải đạo” cũng là một băn khoăn và âu lo chung của Giáo
Hội tại Brazil. Loan báo Tin Mừng phải được coi là trọng điểm của mọi chương
trình mục vụ của tương lai.
Nhưng trong nỗ lực rao giảng Tin Mừng này không bao giờ được lãng quên
người nghèo khổ. Đức Giáo chủ tuyên bố: “Người nghèo phải là những người ưu
tiên được đón nhận Tin Mừng, và giám mục, được đào tạo theo hình ảnh Mục tử
Nhân lành, phải đặc biệt chú tâm trao ban sự an ủi linh thiêng của niềm tin, mà
không quên lãng “bánh vật chất”. Như tôi đã nhấn mạnh trong Thông
điệp Thiên Chúa Tình yêu, “Giáo Hội không thể lãng quên công
tác phục vụ bác ái - từ thiện, cũng như Giáo Hội không thể quên các Bí Tích và
Lời Chúa”[19].
Trong diễn văn khai mạc Đại hội các Giám mục châu Mỹ Latin, tại
Aparecida, sau khi ôn lại quá trình lịch sử của bốn Đại hội trước, ngài khai
triển chủ đề của Đại hội lần V này: “Trở nên môn đệ và thừa sai của Đức
Giêsu Kitô để, trong Người, các dân tộc chúng ta được sống dồi dào”. Một
lần nữa, tiếp nối truyền thống cố cựu của Giáo Hội, ngài đề cập đến chỗ đứng
đặc biệt của những người cùng khổ trong lòng cộng đồng Dân Chúa: “Trong cố gắng
để nhận biết sứ điệp của Chúa Kitô và lấy sứ điệp này làm kim chỉ nam cho cuộc
đời, chúng ta cần phải nhớ rằng rao giảng Tin Mừng luôn đi đôi với hành động
thăng tiến nhân bản và công cuộc giải phóng đích thực theo Kitô giáo. “Mến Chúa
và yêu người quyện lẫn với nhau: trong người nghèo hèn nhất chúng ta gặp thấy
chính Đức Giêsu và trong Đức Giêsu chúng ta gặp được Thiên Chúa”[20]. Cũng thế, luôn cần thiết một giáo lý
xã hội đối với Thiên Chúa và một chương trình đào tạo tương xứng về Giáo huấn
xã hội của Giáo Hội. Về điểm này, thật rất hữu ích cuốn Tóm lược Học
thuyết xã hội của Giáo Hội. Cuộc sống Kitô hữu không chỉ diễn tả qua
các nhân đức cá nhân, mà còn qua các nhân đức xã hội và chính trị”[21].
Riêng đối với châu Á, một lục địa có tài nguyên phong phú, nền văn minh
cổ đại và là quê hương của tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới, nhưng lại là
vùng đất của bất công, nghèo đói và vi phạm nhân quyền nhất, thì “ưu tiên
chọn lựa người nghèo” càng trở nên cấp bách và khẩn thiết hơn bao giờ
hết. Đối với các Nghị Phụ của Thượng Hội đồng Giám mục châu Á, “khi tìm cách
thăng tiến nhân phẩm, Giáo Hội cho thấy một ưu tiên chọn lựa dành cho người
nghèo và những người không có tiếng nói, bởi vì Chúa đã đồng hóa với họ một
cách đặc biệt (x. Mt 25,40). Tình yêu không loại trừ ai, nhưng có ưu tiên chọn
lựa mà toàn thể truyền thống Kitô giáo minh chứng (…). Điều này càng khẩn thiết
đối với châu Á, một lục địa nhiều tài nguyên và có những nền văn minh lớn,
nhưng cũng là nơi chúng ta gặp thấy một số nước nghèo nhất thế giới, đồng thời
cũng là nơi mà một nửa dân chúng sống thiếu thốn, nghèo nàn và bị bóc lột”[22].
Người nghèo tại châu Á hiện nay mang những khuôn mặt cụ thể: Đó là những
người di dân, dân tộc ít người, phụ nữ, trẻ em, người già, nông dân, người thất
nghiệp … Họ thường là nạn nhân của những hình thức khai thác tồi tệ nhất của
nền kinh tế thị trường hoang dã. Rất nhiều người trong số họ còn phải gánh chịu
phân biệt đối xử vì lý do văn hóa, màu da, chủng tộc, đẳng cấp xã hội, nếp nghĩ
hay niềm tin. Hơn bao giờ hết, người Công giáo cần đẩy mạnh nguyên tắc “ưu
tiên chọn lựa người nghèo”.
[5] Xem Mt 25, 31-45. Sau Công đồng Vatican II,
một số thần học gia đã khai triển bản văn này và đặt nổi ba hình thức hiện diện
đặc biệt của Đức Kitô: trong Lời Chúa, trong Thánh thể (Lc 22, 19-20; 1 Cr
11,23-25), trong cộng đoàn (Mt 18,20) và nơi người nghèo (Mt 25, 31-45).
[7] Hiến chế Lumen Gentium, 8: “Đức Kitô đã
hoàn thành công cuộc cứu độ trong nghèo khó và bị bách hại, cũng thế Giáo Hội
được mời gọi bước theo cùng một con đường để loan báo hiệu quả cứu độ cho nhân
loại. Đức Kitô, “vốn dĩ là Thiên Chúa... đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc
lấy thân nô lệ” (Ph 2, 6-7), và “vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên
nghèo hèn” vì chúng chúng ta (2Cor 8,9). Đó cũng phải là con đường của Giáo
Hội: mặc dù cần những phương tiện nhân loại để chu toàn sứ vụ, Giáo Hội không
được thiết lập để kiếm tìm vinh quang trần thế, nhưng để rao truyền, bằng chính
cuộc sống, sự khiêm tốn và từ bỏ. Đức Kitô đã được Chúa Cha sai đến “để loan
báo Tin Mừng cho người nghèo hèn.... chữa lành các tâm hồn đau khổ” (Lc 4,18),
“kiếm tìm và cứu vớt những gì đã mất” (Lc 19,10). Cũng thế, Giáo Hội ân cần săn
sóc những ai khổ đau vì tật bệnh; nhất là nhìn nhận nơi tất cả những người
nghèo hèn và khổ đau hình ảnh của Đấng Sáng lập nghèo khó và khổ đau, Giáo Hội
cố gắng làm giảm nhẹ nỗi cơ cực của họ và muốn phục vụ Đức Kitô trong những
người khổ cực đó”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét