Trang

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

14- DẤN THÂN PHỤC VỤ


Trong hành trình đi tìm “giải thoát”, tìm sự kết hợp mật thiết với Thực Tại Tuyệt Đối, Vô Thủy Vô Chung, tín đồ các tôn giáo rất dễ coi trần gian như chốn lưu đày, như thung lũng đầy nước mắt hay một bến đò để dừng chân giây lát trong khi đợi chờ một chuyến sang ngang. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, xuất thế vẫn là cám dỗ thường xuyên và nặng nề nhất đối với nhiều đứa con của Thiên đàng hay của Niết Bàn, vì quê hương đích thực của họ đâu phải là mặt đất su si này. Trọn đời họ hầu như chỉ ngong ngóng đợi chờ ngày được “giải thoát”. Do đó, họ kém nhiệt tâm và ít hồ hởi đối với những giá trị trần thế, cũng như vận mệnh chung của anh em nhân loại.

Trong viễn cảnh một tôn giáo chỉ mải miết kiếm tìm giải thoát cá nhân và muốn thực hiện sự giải thoát đó bằng cách phủ nhận và chối từ cõi đời này, thì cho dù người tín đồ có dấn thân hoạt động, cố gắng hòa mình với người đời đến đâu chăng nữa, những người ngoài tôn giáo vẫn nhìn thấy nơi tâm trạng của họ một cái gì cách biệt và đáng ngờ vực của một kẻ hai lòng hay một người bạn đồng minh miễn cưỡng. Dư luận vẫn cho rằng, trên bình diện xã hội và nhân bản, những đứa con của “tôn giáo” chưa chứng tỏ đủ niềm xác tín và tinh thần dấn thân phục vụ nhân loại như những đứa con của “Trái đất”!
14.1- Phản ứng của phái nhân bản vô thần
Phải thành thật công nhận rằng việc hòa hợp Đạo-Đời, giải quyết ổn thỏa những giằng co, tranh chấp giữa tinh thần và vật chất, giữa Nước Trời và trần gian không phải lúc nào cũng dễ dàng và êm đẹp. Theo linh mục Teilhard de Chardin S.J, không có gì là quá đáng khi chúng ta quả quyết rằng ở giai đoạn trước Công đồng Vatican II, chín phần mười Kitô hữu giữ đúng luật Hội thánh đều coi việc đời như là cái gì “cản trở con đường thiêng liêng”.
Mặc dù cố gắng làm việc với ý hướng ngay thẳng và không lãng quên dâng ngày hôm đó cho Thiên Chúa, số đông tín hữu vẫn âm thầm nghĩ rằng những giờ ngồi ở bàn giấy, trong văn phòng, ngoài đồng ruộng hay tại các xưởng máy..., tất cả đều nằm ngoài phạm vi thờ phượng. Theo họ, thật hiển nhiên là con người không thể không làm việc, nhưng cũng đừng nuôi hy vọng hão huyền là có thể đạt tới một đời sống tôn giáo sâu xa khi dấn thân vào những hoạt động trần thế. Vì cảm nghĩ như vậy, nên trong thực tế nhiều người Công giáo đã kéo lê một kiếp sống day dứt, ngột ngạt, một cuộc đời hai lòng. Để trở thành một Kitô hữu –mà đáng buồn vẫn chỉ là một Kitô hữu hạng xoàng – họ cảm thấy bắt buộc phải cởi bỏ bộ áo nhân bản, phải hững hờ và “ngoại tình” với cuộc đời.
Trên phương diện tranh đấu cho công bằng xã hội, linh mục L.-J. Lebret O.P. đã cảnh cáo các Kitô hữu thời đó: “Cõi lòng nhiều Kitô hữu đã lạnh lắm rồi. Ngọn lửa bác ái không còn nung nấu họ như đã nung nấu thánh Phaolô. Họ tính toán kỹ lắm, tính toán làm sao cứu rỗi được linh hồn mình là đủ, còn ngoài ra thiên hạ có quằn quại khổ đau thì cũng mặc xác nó. Họ yên tâm với cuốn sổ kê khai những việc lành phúc đức hàng ngày. Nào có hệ gì tới họ, nếu thế giới sụp đổ, nếu giới vô sản ngày càng đông, càng thêm khốn khổ, nếu thảm cảnh bóc lột lao động còn tiếp diễn. Họ vẫn rất bình thản với sự an ninh thiêng liêng của mình và luôn sẵn sàng hướng tâm hồn lên “cõi siêu nhiên”.
Trong quá khứ, trên hành trình đi tìm Tuyệt Đối, tìm sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa, một số tín hữu, đặc biệt là các tu sĩ, đã coi trần gian như một quán trọ để dừng chân tạm bợ trên đường thiên lý hay một chốn lưu đày! Tệ hơn nữa, họ chỉ mải miết kiếm tìm sự cứu rỗi cá nhân và muốn thực hiện sự cứu rỗi này bằng cách phủ nhận cõi đời này. Triết gia Nietzsche, chẳng hạn, đã gay gắt kết án các Kitô hữu như là bọn người hèn nhát, phản bội, ích kỷ, cầu an. Ông đã thách thức các Kitô hữu phải hát cho ông nghe những bài hát hay hơn nữa, những bài ca vừa thấm nhuần tinh thần tôn giáo vừa đượm tình người, để ông có thể tin được ở Đấng Cứu Thế và những thực tại Siêu Việt.
Qua lời lẽ của Zarathoustra, Nietzsche đã lớn tiếng kêu gọi anh em đồng loại: “Anh em hãy trung thành với Trái đất, bằng tất cả nghị lực của tình yêu. Ước gì ân ái và tri thức của anh em cổ võ tình yêu tha thiết đối với Trái đất. Tôi nài xin, tôi van lạy anh em, xin đừng để nghị lực của anh em bay xa khỏi thực tại trần thế và đi vỗ cánh trên những bức tường vĩnh cửu. Than ôi! đã có biết bao nhiêu nghị lực bị lạc lõng! Như tôi, xin anh em hãy dẫn đưa những nghị lực bị lạc lõng đó trở về với Trái đất, quay về với xác thịt, với sự sống để nghị lực ấy mang lại cho Trái đất một ý nghĩa, ý nghĩa nhân sinh...”.
Trước và sau Nietzsche, nhiều tư tưởng gia nhân bản vô thần cũng gay gắt chỉ trích tôn giáo như thế. Karl Marx không ngần ngại gọi tôn giáo là thuốc phiện ru ngủ quần chúng an phận với cuộc đời đói lạnh, với kiếp sống ngựa trâu bằng một niềm tin hão huyền vào hạnh phúc đời sau! Theo các tác giả này, niềm tin tôn giáo đã ru ngủ tín đồ bằng hứa hẹn hạnh phúc mai sau, mà không hướng dẫn họ tích cực dấn thân để cải thiện cuộc sống cơ cực, nhọc nhằn và phá đổ những cơ chế bất công hiện tại, ngõ hầu xây dựng một xã hội trần gian tiến bộ, công bằng, nhân ái, hạnh phúc hơn.
Nói chung, khi đọc tác phẩm của các tác giả nhân bản vô thần nhiều lần chúng ta không thể không cảm thấy tấm lòng dào dạt yêu thương con người, tha thiết đến quyền làm người của anh em nhân loại. Nhưng đồng thời cũng không khỏi không đau buồn trước những phê phán và ngộ nhận bi đát của họ đối với tôn giáo. Họ gay gắt lên án các tôn giáo vì nghĩ rằng niềm tin tôn giáo phủ nhận giá trị trần thế, hờ hững với việc tranh đấu cho công bằng xã hội, nhất là đã tạo nên một lớp người ích kỷ và yếm thế, chỉ mải mê kiếm tìm giải thoát cá nhân, mà lãnh đạm trước nỗi thống khổ hiện tại của anh em nhân loại.
Nếu gác sang một bên thái độ cực đoan, quá khích và một chiều trong những lời tố cáo nói trên, không ai có thể phủ nhận yếu tố nhân bản và vai trò thanh lọc của chúng đối với đời sống tôn giáo. Trong một mức độ nào đó, có lẽ họ đã nhắc nhở các tín đồ không được ăn gian nói dối, trái lại đã gay gắt đòi hỏi những người hữu thần phải có lập trường minh bạch về giá trị trần thế, về trách nhiệm công dân và phải cố gắng làm sao trở thành những đứa con đích thực của thiên đàng và đồng thời của quê hương trần thế.
Khi phân tích nguồn gốc của hiện tượng vô thần, Công đồng Vatican II thẳng thắn nhìn nhận một phần trách nhiệm của các tín hữu: “Nhìn chung, chủ nghĩa vô thần không có một nguồn gốc tự tại, mà có nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong các nguyên nhân này phải kể đến sự phản kháng chống lại các tôn giáo, và đặc biệt, ở một vài nơi, chống lại Kitô giáo. Do đó, các tín hữu có thể có một phần trách nhiệm không nhỏ trong việc khai sinh vô thần, do sao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc do trình bày sai lạc về giáo lý hay do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội. Phải nói rằng họ đã che giấu hơn là bày tỏ khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và của Đạo”[1].
14.2- Kitô giáo, tôn giáo nhập thế
Kitô giáo tự bản chất là một tôn giáo nhập cuộc, lăn lưng vào đời để cứu vớt, cải tạo cuộc đời. Các trình thuật Tin Mừng kể lại: Con Thiên Chúa đã giáng trần để mặc lấy thân phận con người, làm người với mọi người và như mọi người. Người tự nguyện chia sẻ kiếp người với anh em nhân loại, đảm nhận những vấn đề nhân loại với tư cách một con người như trăm triệu con người khác. Kể từ đó, Nhập thế và Nhập thể đã trở thành huyền nhiệm, bản sắc và sứ vụ độc đáo của Kitô giáo.
Dĩ nhiên, tinh thần nhập thế và nhập thể của Đức Kitô không chỉ thu gọn vào việc mặc lấy thân xác con người, mà Ngài còn muốn trở nên người tôi tớ để phục vụ con người và mời gọi mọi người sống theo tinh thần phục vụ ấy[2]. Người có lòng ưu ái đặc biệt đối với những người nghèo khổ, bị áp bức, đày đọa hay bị bỏ quên trong xã hội. Chính Ngài đã sinh ra trong hang bò lừa, nơi không cửa không nhà, như trăm triệu “con nhà kẻ khó khác”(Lc.2,1-8).
Thế rồi ròng rã 30 năm ẩn dật tại Nazareth, Người đã hòa mình tối đa với đám lê dân, chia sẻ điều kiện sống và số phận hẩm hiu với lớp người bình dân. Đến nỗi sau này khi Ngài trở thành một nhân vật nổi tiếng, trong một lần “vinh qui bái tổ”, đồng hương của Ngài vẫn chưa hết ngờ vực và khinh miệt: “Bởi đâu ông ấy được như thế? Há ông ấy không phải là bác phó mộc, con bà Maria và anh em với Giacobê, Giuse, Giuda và Simeon ư? Chị em của ông ta không phải là bà con lối xóm với chúng ta đó sao?”(Mc.6,1-3).
Suốt ba năm truyền đạo, Người cũng thường lân la trò chuyện, ăn uống với những người vốn mang tiếng là bất lương, vô lại, vô đạo trong xã hội đương thời, đến nỗi người ta đã mỉa mai gọi Người là “con người mê ăn, chè chén, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Mt.11,19). Đạo tình thương, Tin Mừng cứu độ của Người cũng dành ưu tiên cho những người ở bên lề xã hội, sống ngoài vòng pháp luật và cho tất cả những người nghèo khổ, sống vất vưởng ở đầu đường xó chợ (Lc.7,22).
Chưa hết, chính Ngài đã tự đồng hóa mình với những anh em hèn mọn và khổ đau nhất trong nhân loại. Bất cứ những gì đụng chạm đến họ là đụng chạm đến bản thân Người: “Quả thật, thầy bảo anh em: tất cả những gì anh em làm cho một người hèn mọn nhất là anh em đã làm cho chính Ta”. Và trái lại, “tất cả những gì anh em không làm cho một trong những người bé mọn nhất là anh em đã không làm cho chính Ta vậy” (Mt.25, 35tt.). Hiểu như vậy, cho dù Đạo của Đức Kitô là Đường dẫn đưa chúng ta tiến về Nhà Cha, nhưng vẫn không bao giờ cho phép chúng ta hờ hững, lãnh đạm với anh em đồng loại. Đạo của Người cũng chẳng hề giới hạn trong những “cấm giới”: đừng giết người, đừng trộm cắp, chớ gian dâm..., mà còn là đạo hành động, đạo làm. Đối với Người, chẳng ai có thể chỉ theo đạo bằng môi miệng: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa!” là được vào Nước Trời cả đâu. Nhưng chỉ những ai thực hiện ý muốn của Cha Thầy” (Mt.7,21).
Trong giờ ly biệt nhân gian, Người đã để lại một chứng từ và một luật truyền về dấn thân phục vụ: rửa chân cho các môn đệ. Thánh sử Gioan tường thuật: Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giêsu mặc áo vào, về chỗ ngồi và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là “Thầy”, là “Chúa”, điều đó đúng lắm, vì thật vậy, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13,12-14).
Nói tóm lại, Đức Kitô triệt để thuộc về Thiên Chúa Cha, nhưng đồng thời cũng trọn vẹn sống cho con người. Người đồng thời vừa là Con-Thiên-Chúa vừa là Con-Người. Nơi Người không hề có chuyện cắt xén, phân chia một cách giả tạo giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người, giữa tinh thần và thể xác. Người không hiến dâng linh hồn cho Thiên Chúa, để rồi quẳng lại thân xác khô cứng, chai lạnh cho nhân loại. Trái lại, Người đã hy sinh mạng sống vừa làm của lễ tình yêu dâng lên Chúa Cha, vừa nên giá cứu chuộc loài người. Nơi Người chúng ta gặp thấy sự nối kết tuyệt mỹ giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa với con người. Bằng một tình yêu duy nhất, Người đã ôm trọn cả Thiên Chúa lẫn nhân loại. Chỉ một cây Thập tự giá thôi, nhưng bao gồm hai chiều kích: chiều dọc và chiều ngang, vừa hướng về Thiên Chúa, vừa giang rộng tới con người, vừa vươn thẳng lên trời, vừa cắm sâu vào lòng đất[3].
Hiểu như vậy, người Công giáo không thể là một lữ khách lạnh lùng, miễn cưỡng bước lên chiếc đò trần gian trong một chuyến sang ngang, để rồi mặc cho ai khác hay nhờ ai khác chèo chống. Thế rồi khi thuyền cập bến, thản nhiên bước lên bờ trường sinh, bỏ chiếc đò đậu lại với tất cả những anh em đồng hành khác, chẳng chút bịn rịn, luyến thương! Trái lại, nói theo ngôn ngữ của Teilhard de Chardin, Kitô hữu đích thực phải là người tự đảm nhận trách nhiệm thần-linh-hóa-vũ-trụ, coi việc tái tạo thế giới trong Đức Kitô như là một sứ vụ trọng đại nhất của đời mình. Mỗi một Kitô hữu đã được trao phó trách nhiệm hoàn thành vũ trụ, cộng tác vào việc xây dựng sự sung mãn tối hậu của công cuộc Sáng tạo và Nhập thể, bằng chính những công trình của đôi tay và những sáng kiến của trí óc, cho dù có thể rất nhỏ mọn và tầm thường của mình.
14.3- Căn tính tín hữu Công giáo
Đứng trên phương diện niềm tin, tất cả những người đã chịu phép Thánh tẩy – bất luận giáo dân, giáo sĩ hay tu sĩ – đều là thành phần đích thực của Dân Thiên Chúa, có cùng một phẩm giá như nhau và bằng nhau. Họ có “chung một phẩm giá vì được tái sinh trong Đức Kitô, cùng một ân huệ được làm con, một lời mời gọi nên hoàn thiện, một ơn cứu độ, một niềm hy vọng duy nhất và một đức ái không phân chia”[4]. Họ trở thành “một giống nòi được thu phục, mà trước kia chưa phải là một dân, nay là dân của Thiên Chúa”[5]. Do đó, họ cùng chia sẻ trách nhiệm «góp phần vào việc hoàn thành sứ vụ của toàn thể Dân Thiên Chúa trong Giáo Hội và trong thế giới”[6].
Chiều hướng thần học này nhấn mạnh đến sự bình đẳng về phẩm giá và ơn gọi căn bản của tất cả các Kitô hữu trong thân thể nhiệm mầu của Đức Kitô. Những khác biệt về chức vụ thực ra chỉ có ý nghĩa trong phục vụ cộng đồng Dân Chúa. Bởi vì “trong Giáo Hội, tuy có những thừa tác vụ khác nhau, nhưng chỉ có một sứ mạng. Chúa Kitô đã ủy thác cho các tông đồ và các vị kế nhiệm các Người nhiệm vụ giảng dạy, thánh hóa và cai quản nhân danh Người. Vì được tham dự vào chức vụ tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô, các giáo dân cũng đảm nhận trong Giáo Hội và trong thế giới phần trách nhiệm của mình”[7].
Tính trần thế” của giáo dân được Công đồng Vatican II đặc biệt đề cao. Giáo dân phải dấn thân vào những sinh hoạt trần thế với mọi người, như mọi người, trong tương giao nghề nghiệp, văn hóa, xã hội và bằng hữu. Mảnh đất nhân bản và trần thế phải là môi trường để giáo dân thực hiện sứ mệnh làm người và lý tưởng Kitô hữu của mình. “Họ đuợc gọi, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Phúc Âm, tác động như men trong bột, thánh hóa thế giới bằng việc chu toàn nhiệm vụ của mình. Như thế họ có thể đem Chúa Kitô đến cho người khác bằng chứng tá của đời sống thấm nhuần các nhân đức Tin, Cậy và Mến”[8].
Cho dù tự bản chất Tin Mừng không đồng hóa với bất cứ một nền văn hóa, chế độ chính trị hay hệ thống kinh tế nào, nhưng nhiệm vụ của Kitô hữu là phải sống Tin Mừng trong tất cả mọi hoàn cảnh và môi trường xã hội. Sắc lệnh về Truyền giáo đặc biệt khuyến khích các Kitô hữu chu toàn trách vụ công dân trong môi trường văn hóa và xã hội của mình: “Kitô hữu đến từ mọi dân tộc kết hợp thành Giáo Hội, không phân cách với người khác về quốc gia, về ngôn ngữ, cũng như về cách thế sống, do đó họ phải sống cho Thiên Chúa và cho Đức Kitô theo tập tục và đường lối xử sự của dân tộc mình, với tư cách là công dân tốt họ phải phát triển một cách thực sự và hữu hiệu lòng ái quốc”[9].
Chính từ chủ trương dấn thân phục vụ này, Hiến chế “Hội Thánh trong thế giới hôm nay” mời gọi các Kitô hữu nối kết đời sống của mình với vận mệnh của nhân loại, của Dân tộc và của Giáo Hội: “Với tư cách là công dân Nước Trời và nước trần thế, tín hữu phải làm sao đem hết tâm lực để chu toàn trách nhiệm trần thế của mình theo tinh thần Phúc Âm. Phải nói là sai lầm khi có những người cho rằng quê hương của họ không ở trần gian này và họ đang hành trình về quê hương vĩnh cửu, cho nên họ nghĩ rằng họ có thể dửng dưng đối với nhiệm vụ trần thế(…). Khi lãng quên những bổn phận đối với đồng loại, tín hữu cũng không chu toàn nghĩa vụ đối với Thiên Chúa và hành động này có phương hại đến phần rỗi đời đời của họ”[10].
Môi trường văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị là lãnh vực riêng của giáo dân. Giáo dân có sứ vụ làm cho ánh sáng Tin Mừng thấm nhập vào thực tại trần thế này. Khi dấn thân vào các lãnh vực đặc biệt này, giáo dân không nên trông chờ nơi các chủ chăn “một giải pháp cụ thể và tức thời cho mọi vấn đề... Tốt hơn, chính giáo dân tự đảm nhận trách nhiệm của mình, dưới ánh sáng của đức khôn ngoan Kitô giáo và trong niềm trung thành với giáo huấn của Giáo Hội”[11].
Nếu Giáo luật hiện hành cấm giáo sĩ và tu sĩ trực tiếp tham gia các đảng phái chính trị và đảm nhận những chức vụ công quyền[12], thì đối với tín hữu giáo dân, sự việc lại hoàn toàn khác: Hoạt động chính trị lại được coi là lãnh vực đặc biệt trong sinh hoạt trần thế của giáo dân. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình tóm kết quan điểm của Giáo Hội như sau: “Đối với tín hữu giáo dân, việc tham gia vào chính trị là một hành động thích đáng và đòi hỏi nhiều nỗ lực để biểu lộ hành động dấn thân của Kitô hữu nhằm phục vụ tha nhân”. Để thực hiện sứ vụ này một cách hiệu quả, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội đã cống hiến một số tiêu chuẩn định hướng: “Kiếm tìm công thiện công ích với tinh thần phục vụ, phát triển công lý với sự quan tâm đặc biệt đến tình trạng nghèo khổ, tôn trọng tính tự trị của các thực tại trần thế, nguyên tắc bổ trợ, cổ võ đối thoại và hòa bình trong viễn cảnh liên đới”[13].
Tùy theo điều kiện lịch sử, văn hóa, kinh tế và xã hội cụ thể của mỗi nước, giáo dân cần vận dụng các nguyên tắc trên một cách sáng tạo để chọn lựa và lấy quyết định cụ thể về các giải pháp chính trị. Trên thực tế, các giải pháp chính trị này rất đa dạng, có những lúc còn đối lập và xung khắc nhau. Hiến chế “Hội Thánh trong thế giới hôm nay” viết: “Thông thường, nhãn quan Kitô giáo sẽ hướng dẫn các Kitô hữu chọn lựa một giải pháp nhất định nào đó, tùy theo hoàn cảnh. Tuy nhiên, cũng có những tín hữu khác, với cùng một niềm chân thành, có thể thẩm định cách khác, như thường xảy ra. Nhiều người thường hay nối kết sứ điệp Tin Mừng với quan điểm này hay quan điểm nọ, mặc dù nhiều khi ngoài ý muốn của họ. Cần nhớ rằng trong các trường hợp như thế, không ai được độc quyền lấy thẩm quyền của Giáo Hội để biện minh cho lập trường riêng”[14].
14.4- Linh đạo giáo dân
Thượng hội đồng Giám mục thế giới về “ơn gọi và sứ vụ của giáo dân trong Giáo Hội và giữa trần thế “(1987) tiếp tục khai triển “tính cách trần thế của giáo dân”, không những dưới khía cạnh xã hội, mà còn theo quan điểm thần học và chiều kích cứu độ. Thật vậy, “ơn gọi nên thánh đòi hỏi cuộc sống theo Thánh linh phải được thể hiện một cách đặc biệt trong hành động hội nhập của giáo dân vào thực tại trần thế”. Nói rõ hơn, “giáo dân phải tự thánh hóa trong cuộc sống hàng ngày, cuộc sống nghề nghiệp và xã hội. Để đáp ứng ơn gọi của mình, giáo dân phải xem đời sống thường nhật như một cơ hội kết hiệp với Chúa và thực hiện ý muốn của Người, như một cơ hội phục vụ tha nhân bằng cách đưa họ tới hiệp thông với Thiên Chúa trong Đức Kitô”.
Tông huấn “Tín hữu giáo dân” coi mảnh đất nhân bản và sinh hoạt trần thế trở thành môi trường riêng biệt của giáo dân. Bởi vì, “bí tích Thánh tẩy đã trao phó cho họ một thiên chức liên quan mật thiết với tình trạng của họ giữa lòng đời. Họ được gọi, để nhờ sự hướng dẫn của Tin Mừng, tác động như men dậy lên từ bên trong, ngõ hầu thánh hóa thế giới bằng việc thực thi các nhiệm vụ của mình”[15].
Đóng góp đặc biệt của Tông huấn là khai mở một “linh đạo giáo dân”: Thánh hóa bản thân giữa trần gian, trong cuộc sống hàng ngày, cuộc sống nghề nghiệp và xã hội. Chính nơi “mảnh đất trần thế” này, giáo dân “đang sống cuộc sống đời thường giữa thế giới, đang học hành, đang làm việc, đang tạo nên những tình bạn, những tương giao xã hội, nghề nghiệp và văn hóa”. Chính giữa những vui buồn, bận rộn và trách vụ của đời thường ấy, giáo dân được mời gọi nên thánh. “Một thiên chức như thế, trong những điều kiện ấy, phải được định nghĩa như yếu tố căn bản và không thể phân lìa của đời sống mới do bí tích Thánh tẩy, và vì thế, như một yếu tố cấu tạo nên phẩm giá của họ. Đồng thời, thiên chức nên thánh được liên kết mật thiết với sứ mệnh và trách nhiệm được giao phó cho tín hữu giáo dân trong Giáo Hội và giữa lòng đời”[16].
Đối diện với thái độ lãnh đạm tôn giáo và hiện tượng giải trừ Kitô giáo, Tông huấn “Tín hữu giáo dân” nghĩ rằng cần đổi mới cách thế rao giảng Tin Mừng và nhất là phải làm sao động viên giáo dân tích cực tham gia vào công cuộc rao giảng Tin mừng. Vấn đề xây dựng những cộng đồng niềm tin, việc chuyển đạt giá trị Tin Mừng cho giới trẻ, hành động đem đạo vào đời, thăng tiến phẩm giá con người, tranh đấu cho công lý và hòa bình, đối thoại với các tôn giáo khác... là những sứ vụ khẩn trương, đòi hỏi phải đầu tư nhiều tim óc và cần sự cộng tác của tất cả các thành phần Dân Chúa, đặc biệt của  giáo dân.
Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu cũng công khai nhìn nhận sứ mệnh của giáo dân trong Giáo Hội hôm nay. Trong “Sứ điệp” gửi cộng đồng Dân Chúa, các giám mục Á châu khẳng định: “Giáo dân có một vai trò quan trọng trong Giáo Hội ở ngàn năm thứ ba. Có nhiều dấu hiệu chứng tỏ Chúa Thánh Linh đang chuẩn bị để giáo dân giữ một vai trò ngày càng quan trọng hơn trong Ngàn năm thứ ba, Ngàn năm có thể được gọi là kỷ nguyên của giáo dân. Trong số các dấu hiệu ấy, người ta ghi nhận sự dấn thân của giáo dân trong công cuộc truyền iáo, việc tham gia vào sinh hoạt của Giáo Hội và tích cực hăng hái tham dự các cộng đồng Kitô hữu nền tảng”. Dĩ nhiên, “để giáo dân có khả năng hoạt động biến đổi các cơ cấu xã hội, văn hóa, chính trị và kinh tế trong thế giới hôm nay”, hàng Giáo phẩm có trách nhiệm “truyền thông cho họ một kiến thức đầy đủ về Giáo huấn xã hội Công giáo và giáo huấn của Giáo Hội về các vấn đề luân lý đạo đức”.
Tông huấn “Giáo Hội tại Á châu” tái xác định những gì Công đồng Vatican II đã nói về sứ vụ và ơn gọi của giáo dân: “Do ơn gọi cũng như ân sủng của bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức, tất cả các giáo dân đều là thừa sai. Địa bàn hoạt động tông đồ của họ chính là thế giới mênh mông và phức tạp của chính trị, kinh tế, kỹ nghệ, giáo dục, truyền thông, khoa học, kỹ thuật, mỹ thuật và thể thao. Tại nhiều nước châu Á, giáo dân đã phục vụ như những nhà truyền giáo đích thực. Họ tiếp xúc với những người bạn châu Á, những người có thể chưa bao giờ tiếp xúc với các linh mục hay tu sĩ”. Chính vì vậy, Đức Gioan Phaolô II “bày tỏ lòng biết ơn của toàn thể Giáo Hội và khuyến khích tất cả giáo dân đảm nhận vai trò riêng của mình trong đời sống và sứ vụ của Dân Chúa, như những chứng nhân của Đức Kitô ở bất cứ nơi nào họ hiện diện”[17].
Thư Mục vụ năm 2003 của Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi mọi người Công giáo mạnh dạn dấn thân vào những môi trường mới để loan báo Tin Mừng: “Có thể đó là những môi trường địa lý chưa bao giờ được nghe rao giảng Tin Mừng, những vùng đất chưa in dấu chân nhà truyền giáo. Đó là những môi trường văn hóa, chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật. Đó là những lãnh vực cần có sự hiện diện của Chúa Kitô, chứng tá của Hội Thánh và ánh sáng của tin Mừng. Hãy đến với những con người chưa được nghe rao giảng Tin Mừng, hoặc đã nghe mà chưa sống Tin Mừng. Hãy hiện diện trong mọi môi trường của nhân loại, vì không có gì của con người mà xa lạ với Hội Thánh”.

 

[1] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 19.
[2] Cf. Mt. 20, 24-28; Ga. 13, 12-17.
[3] Xc. Nguyễn Thái Hợp, “Trần gian trong cuộc đời người môn đệ Chúa Kitô”, tạp chí Nhà Chúa, số 21, 1971, tr. 54-72; Nguyễn Ngọc Lan, Đường hay pháo đài, Trình Bày, Sàigòn, 1969.
[4] Vatican II, Lumen Gentium, số 32.
[5] 1Pr 2,9-10.
[6] Vatican II, Ibidem, số 31.
[7] Vatican II, Tông đồ giáo dân, số 2.
[8] Ánh sáng muôn dân, số 31.
[9] Vatican II, Sắc lệnh về Truyền giáo, số 15.
[10] Ibidem, số 43.
[11] Vui mừng và Hy vọng, số 43.
[12] Xem Giáo luật, điều 285; 287và 672.
[13] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý & Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo, số 565.
[14] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 43.
[15] Gioan Phaolô II, Tín hữu giáo dân, số 15.
[16] Ibidem, số 17.
[17] Gioan Phaolô II, Giáo Hội tại Á châu, số 45.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét