Trang

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

15- ĐỜI SỐNG CHÍNH TRỊ


Trong lịch sử nhân loại, chính trị có tương quan chặt chẽ với quyền bính. Thông thường người ta cũng hiểu quyền bính hệ tại việc nắm giữ những phương tiện cần thiết để đạt tới một lợi thế nào đó. Cũng có người quan niệm quyền bính là tổng hợp những phương tiện cho phép đạt tới những hiệu quả mà mình mong muốn. Một trong những phương tiện cần thiết này là khả năng thống trị và áp đặt trên người khác hay trên thiên nhiên. Vì thế quyền bính thường được định nghĩa như mối tương quan giữa hai chủ thể trong đó một người áp đặt trên người khác ý muốn của mình. Nói cho cùng, hành động thống trị này không phải là mục đích trực tiếp của quyền bính. Đúng hơn nó chỉ là phương tiện để đạt tới một “ưu thế” nào đó hay đúng hơn để đạt tới “những hiệu quả mong muốn”. Chính vì vậy, định nghĩa quyền bính như tương quan thống trị giữa các cá nhân hay các nhóm cần được bổ túc bằng quan niệm quyền bính như việc chiếm giữ các phương tiện cho phép đạt được “ưu thế nào đó” trên người khác hoặc đạt tới “các hiệu quả mong muốn”.
Quyền bính chính trị thuộc loại quyền bính của một người hay một nhóm người trên người khác, (chứ không hẳn là trên thiên nhiên). Đây là một hình thức độc quyền sử dụng bạo lực, một cách hợp pháp, trên những người khác. Tương quan quyền bính này xuất hiện dưới muôn hình vạn trạng. Trong ngôn nhữ chính trị, người ta thường đề cập đến những tương quan sau đây: tương quan giữa người cai trị và người bị trị, giữa người trên và người dưới, giữa người ra lệnh và người tuân lệnh, giữa Nhà nước với các công dân, v.v.
Theo Aristote, mục đích của quyền bính chính trị nằm ở chỗ phục vụ lợi ích đồng thời của người cai trị và người bị trị, vì chính trị nhằm đạt tới ích quốc lợi dân hay thực hiện lý tưởng kinh bang tế thế. Nếu nền tảng quyền bính của người cha trong gia đình hoàn toàn tự nhiên, thì quyền bính chính trị xây dựng trên khế ước, dân ước hay xã ước, là sản phẩm của xã hội. Mỗi giai đoạn lịch sử, mỗi điều kiện văn hóa, kinh tế, sắc tộc và tôn giáo khai sinh các loại hình xã hội khác nhau và vì vậy có những cách thế thi hành quyền bính riêng biệt. Người ta cũng thường phân biệt giữa chính trị tốt với chính trị xấu hay giữa các mô hình chính trị khác nhau dựa trên hình thức sử dụng quyền bính, việc phục vụ công ích, tôn trọng quy tắc đạo đức.
15.1- Quan điểm của Tân Ước về quyền bính
Chúng ta không gặp thấy trong Tân Ước một quan điểm nhất quán về chính trị nói chung và quyền bính nói riêng. Qua những câu trả lời của Đức Giêsu cho một số vấn đề cụ thể, chúng ta gặp thấy những cái nhìn khác nhau và bổ túc cho nhau về quan điểm chính trị.
15.1.1- Thái độ của Đức Giêsu
Đức Kitô nghĩ gì về chính trị? Phải chăng Người lên án và đòi hủy bỏ Nhà nước? Không dễ đưa ra một câu trả lời nhất quán. Có thể nói, Đức Kitô không hủy bỏ cũng chẳng thần thánh hóa quyền bính chính trị. Người công nhận sự hiện hữu, sự cần thiết và ngay cả tính độc lập tương đối của thực tại trần thế. Nét độc đáo nhất nơi giáo huấn của Đức Kitô là chủ trương quyền bính như một sứ vụ và một ơn gọi dấn thân phục vụ tha nhân.
Trải qua hơn hai ngàn năm lịch sử, phong thái của Đức Kitô đã trở thành niềm cảm hứng, kiểu mẫu sống và cách thế dấn thân cho biết bao thế hệ Kitô giáo. Hầu như mỗi giai đoạn lịch sử và môi trường văn hóa, người ta lại có khuynh hướng “thổi phồng” một khía cạnh, một chân dung hay một dáng vẻ nào đó: Đức Giêsu nhà truyền đạo, nhà chiêm niệm, bậc thầy tâm linh, nhà luân lý, nhà cách mạng, nhà cải cách xã hội, một siêu sao… Trước những cái nhìn rất khác biệt như thế về Đức Giêsu, thiết tưởng cần nhìn lại bối cảnh lịch sử để tái khám phá thái độ chính trị của Người.
Ở thời Đức Kitô, nước Do Thái đang bị đế quốc Roma đô hộ. Mặc dù mất độc lập, nhưng người Do Thái vẫn duy trì một hình thức tự trị nào đó bên trong Đế quốc Roma. Vẫn tồn tại cơ cấu thần quyền, theo đó cộng đồng tôn giáo đồng hóa với cộng đồng chính trị. Giới Biệt phái coi thực tại chính trị này như một tình trạng lý tưởng, nhưng nhóm Nhiệt thành[1] cực lực chống đối và chủ chương dùng vũ lực để lật đổ nó. Trong khi đó, nhóm Sađốc đã trở thành những cộng tác viên trung thành của chính quyền thuộc địa.
Sống trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ, không một người dân nào lại không có chọn lựa hay ít nhất một thái độ chính trị nào đó. Đâu là thái độ của Đức Giêsu? Người “chủ hòa” hay “chủ chiến”? Chấp nhận sống chung với chính quyền bảo hộ hay nhất quyết dùng vũ lực để dành độc lập cho quê hương?
Dựa trên giáo huấn của Đức Giêsu và một số sự kiện chung quanh cái chết của Người, một số tác giả cho Người là theo phe “chủ hòa”. Phải chăng Đức Giêsu đã không nhắc đi nhắc lại mệnh lệnh yêu thương mọi người, ngay cả đối với kẻ thù, như sứ điệp trọng tâm của Kitô giáo? Bài giảng Trên núi (Mt 5,1-48) không phải là Luật mới, là Hiến chương Nước Trời đó sao?  Hơn nữa, Đức Giêsu truyền cho các môn đệ của Người: “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” (Mt 5,39). Khi quân lính đến bắt Người, một môn đệ đã vung gươm bảo vệ Thầy và chém đứt tai tên đầy tớ của Thượng tế. Nhưng Đức Giêsu đã ra lệnh: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52). Cuối cùng, Người đã chấp nhận cái chết bi thảm trên thập giá một cách hết sức nhẫn nhục!
Một số người khác, trái lại, quả quyết Đức Giêsu là thành viên của nhóm Nhiệt thành hay là một nhà cách mạng. Thật sự, Đức Giêsu đã bị kết án tử như một “người phản loạn”. Trong nhóm thân tín của Người có thành viên nhóm Nhiệt thành (Simon và có thể Giuđa nữa). Không những Đức Giêsu thẳng thắn phê phán các nhà cầm quyền, mà còn gọi đích danh vua Hêrôđê là “cáo”. Một số hành động của Người cũng mang dấu ấn của phong trào Nhiệt thành như: Dân chúng nhiều lần muốn tôn Người làm vua, Người thanh tẩy đền thờ, tiến vào Jerusalem một cách trang trọng và tại Getsemani môn đệ của Người mang theo vũ khí.
Sai lầm lớn lao của cả hai nhóm là chỉ sử dụng những bản văn hay sự kiện phù hợp với quan điểm của họ và gạt bỏ những bản văn trái ngược. Họ cho rằng thái độ của Đức Giêsu nhất thiết phải là như thế này hoặc như thế nọ: Cách mạng hoặc phản động, Nhiệt thành hoặc “chủ hòa”, cấp tiến hoặc bảo thủ… Hầu như họ không để ý đến khả năng là thái độ của Đức Giêsu đối với thực tại trần thế có thể rất phức tạp và cũng rất đa diện, bởi vì nguồn gốc sâu thẳm của nó nằm ngoài trần thế. Chính vì vậy, chúng ta nhìn thấy một số sự kiện xem ra mâu thuẫn như: Trong nhóm Mười hai vừa có thành viên của nhóm Nhiệt thành vừa có một người thu thuế, Đức Giêsu vừa phê phán các nhà cầm quyền dân ngoại vừa rất thân thiện với viên sỹ quan La Mã tại Cafarnaum.
Tóm lại, không thể chỉ dựa trên một số lời tuyên bố của Người chống lại tiền của, cũng như lên án người giàu, để phong Người làm nhà cách mạng xã hội; hay dựa trên những đòi hỏi của Người về việc khước từ một số quyền lợi chính đáng để coi Người là một người kiến tạo một trật tự xã hội mới; hoặc dựa trên mệnh lệnh của Người về yêu thương tha nhân để nghĩ rằng Người là người sáng lập chủ nghĩa huynh đệ đại đồng; cũng không thể dựa trên lời rao giảng của Người về tình yêu đối với thù địch để xếp Người vào phái “chủ hòa”, theo ý nghĩa chính trị của hạn từ này; dựa trên những chỉ trích gắt gao của Người chống lại các kinh sư và các luật sĩ để xếp Người vào thánh phần cấp tiến? Chẳng ai có thể đóng khung Người vào những khuôn thức và phạm trù cứng ngắc. Phong thái đặc biệt và vô chấpcủa Đức Kitô làm cho Người vượt lên trên mọi hình thức xếp loại thường tình: cấp tiến – bảo thủ, cách mạng – phản động, chiêm niệm – hoạt động, nhà luân lý – nhà hoạt động xã hội…, bởi vì mục tiêu chính mà Người ôm ấp là thi hành chương trình của Thiên Chúa, “để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10,45).
          15.1.2- Giáo huấn của Đức Giêsu
Quan điểm của Đức Giêsu về lãnh vực chính trị mang tính chất quân bình và thực tế. Không phải là một quan điểm siêu thực, xa lánh hay phủ nhận trần thế, nhưng cũng chẳng hề thần thánh hóa quyền bính chính trị. Những suy nghĩ của Người thường khởi đi từ những so sánh rút ra từ thực tại cuộc sống. Chính vì thế, chúng ta không thể đồng hóa quan điểm của Người với bất cứ khuynh hướng chính trị nào ở thời đó.
Chúng ta có thể tạm đúc kết quan điểm của Đức Giêsu liên quan đến đời sống chính trị – xã hội của dân tộc Do Thái ở thời đó vào mấy điểm chính sau đây:
          15.1.2.1- Cái nhìn hiện thực
 Đức Giêsu biết rằng trong các nhà cầm quyền Do Thái sẽ có nhiều người chống đối sứ điệp Tin Mừng. Người căn dặn các môn đệ: “Coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết” (Mt 10, 17-18).
Người cũng chẳng hề ảo tưởng về các nhà cầm quyền trần thế. Người nói rõ cho các môn đệ biết: “Những người được coi là thủ lãnh các dân tộc thì áp đặt trên dân chúng quyền bá chủ, những người làm lớn thì áp đặt trên dân quyền hành của mình” (Mc 10,42). Đây không phải là hành động lên án bản chất của cơ chế chính trị, mà đúng hơn chỉ là một hình thức tả chân về cách thức sử dụng quyền bính thường gặp thấy nơi các vua chúa, đồng thời là một phê phán luân lý về các lối hành xử quyền hành như vậy.
          15.1.2.2- Vấn đề nộp thuế cho César
Đây là một cái bẫy chính trị mà đối phương đã tinh ma giương lên với thâm ý hạ nhục Đức Giêsu. Thánh sử Marcô nói rõ: “Họ cử mấy người Biệt phái và mấy người thuộc phe Hêrôđê đến cùng Đức Giêsu để gài bẫy cho Người lỡ lời. Những người này đến và nói: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật. Thầy chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta, nhưng theo sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Vậy có phải nộp thuế cho César hay không? Chúng tôi phải nộp hay không phải nộp?”(Mc 12,13-14).
Đức Giêsu biết họ đã gài bẫy. Dù trả lời có hay không đều bị sập bẫy. Nhưng Người không hề tránh né trả lời một vấn đề mang nặng tính chất chính trị này. Có điều là Người đã khôn khéo phân biện để loại bỏ tức khắc “tính chính trị”của câu hỏi, bằng cách đặt cho họ một câu hỏi khác: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?” Họ đáp”: “Của César”. Đức Giêsu liền bảo họ: “Của César, trả về cho César”. Rồi bất ngờ, Người đưa thêm một vế quan trọng: “Của Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa” (Mc 12, 16-17).
Chúng ta phải hiểu mối tương quan giữa hai phần trong câu trả lời của Đức Giêsu như thế nào? Nếu để ý đến ngữ cảnh những bài giảng của Đức Kitô, bối cảnh xã hội Do Thái ở thời đó và chủ trương thần linh hóa Hoàng đế của đế quốc Roma cũng như Ai Cập, thì chúng ta có thể rút ra mấy kết luận cụ thể sau đây:
         - Đức Giêsu không khoác cho César cái hào quang “Thiên Tử thay Trời trị dân” theo niềm tin bình dân ở Roma và Ai cập, cũng như ở Á Đông ngày xưa. Không những Người không chấp nhận đồng hóa César với Thiên Chúa, mà còn yêu cầu phải tách biệt César với Đấng Siêu Việt. Không thể đồng hóa hay lẫn lộn hai lãnh vực, trái lại phải chu toàn một nghĩa vụ kép: Trả lại cho César những gì của César và trả về cho Thiên Chúa những gì thuộc về Người.
         - Khi đưa ra sự phân biệt độc đáo này, Đức Giêsu cũng đồng thời công nhận sự hiện hữu và tính độc lập tương đối của thực tại trần thế. Nhà nước – ngay cả Nhà nước ngoại đạo hay vô đạo – có vai trò, có giá trị và ý nghĩa đặc biệt trong lãnh vực riêng biệt của mình. Nhân danh công ích, Nhà nước có quyền ban hành luật pháp, thu thuế và đòi hỏi công dân nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ.
         - Khi phân biệt giữa vâng phục Thiên Chúa với việc tuân phục Nhà nước, Đức Giêsu thiết lập một số giới hạn cần thiết cho quyền bính chính trị. Bên trên Nhà nước vẫn còn một thẩm quyền khác. Nhà nước không được tiếm quyền hay đòi hỏi người công dân những gì mà họ chỉ phải trả lại cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Nhà nước cũng không thể chống lại quyền lợi của Thiên Chúa, cấm đoán việc thờ phượng Người hoặc đi ngược lại chương trình của Người.
          15.1.2.3- Trả lời Tổng trấn Philatô
Ông Philatô hỏi Đức Giêsu: “Ông từ đâu mà đến?” Nhưng Đức Giêsu không trả lời. Ông Philatô mới nói với Người: “Ông không trả lời tôi ư? Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?”. Đức Giêsu đáp lại: “Người không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho Người”(Ga 19,9-11). Câu trả lời này không nhằm phết một “lớp sơn thần thánh” trên quyền bính chính trị, mà chỉ muốn nói rằng những biến cố chung quanh cái chết đau thương của Người hoàn toàn nằm trong Lịch sử cứu độ. Vì Người đã chấp nhận uống chén đắng và chết trên thập giá để thực hiện chương trình cứu độ của Thiên Chúa, do đó Philatô mới có quyền lực trên Người.
         15.1.3- Cộng đồng Kitô hữu tiên khởi
Cộng đồng Kitô hữu tiên khởi cũng chưa có một quan điểm nhất quán về thế giới chính trị. Chúng ta gặp thấy một loạt những tuyên bố, mà bề ngoài có vẻ mâu thuẫn nhau, được đưa ra để trả lời cho những câu hỏi ở những hoàn cảnh rất khác biệt. Dưới đây là một vài bản văn tiêu biểu.
            15.1.3.1- Quan điểm của thánh Phaolô         
Trong thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Roma (13, 1-7), chúng ta gặp thấy một đoạn văn quan trọng liên quan đến vai trò của quyền bính chính trị. Đoạn văn nổi tiếng này thường được sử dụng để biện chính và một đôi khi thần thánh hóa quyền bính chính trị: “Mỗi người phải tùng phục chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa thiết định” (13,1-2)
Bất chấp những kinh nghiệm khá đắng cay với các nhà cầm quyền Do Thái và Roma, Tông đồ Phaolô vẫn khuyến khích các Kitô hữu vâng phục nhà cầm quyền, vì lý do lương tâm. Trải qua dài đời lịch sử, bản văn này đã được sử dụng như một lợi khí để bảo vệ quyền bính. Có lẽ ít có bản văn nào trong Tân ước được giải thích một chiều như bản văn này. Chắc chắn khi viết rằng “mọi quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập”, thánh Phaolô không có ý thần thánh hóa mọi chính quyền, mà muốn khẳng định rằng Thiên Chúa là nguyên ủy của mọi quyền bính ở trần gian.
Nhà nước tự thân không phải là cái gì thần thánh. Tuy nhiên, Nhà nước nhận lãnh một số phẩm tính bởi vì nằm trong trật tự mong muốn của Thiên Chúa. Do đó, đối với thánh Phaolô sự hiện hữu của Nhà nước là hợp lý và cần thiết. Vì vậy, từ viễn tượng Tin Mừng, Kitô hữu không chủ trương phá đổ sự hiện hữu của Nhà nước, mà phải chấp nhận Nhà nước như một cơ chế chính trị xã hội, cần thiết. Tuy nhiên, xem ra thánh nhân lý tưởng hóa vai trò của quyền bính hợp pháp này và áp đặt nghĩa vụ vâng phục đối với quyết định hợp pháp của họ, nhân danh lương tâm.
            15.1.3.2- Quan điểm của thánh Phêrô
Cùng trong một luồng tư tưởng như vậy, thánh Phêrô khuyên các tín hữu “vì Chúa, hãy tuân phục mọi thể chế do loài người đặt ra”(1 Pr 2,13). Có thể thêm 2 đoạn văn khác: 1 Tm 2,1-3 và Tt 3,1. Tất cả vừa là những lời khuyên các Kyt ô hữu phải kính trọng và vâng phục nhà cầm quyền, vừa khuyên mọi người “dâng lời cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn cho tất cả mọi người, cho vua chúa và tất cả những người cầm quyền, để chúng ta được an cư lạc nghiệp mà sống đạo đức và nghiêm chỉnh” (1 Tm 2,1-2).
            15.1.3.3- Cái nhìn của sách Khải Huyền
Sách Khải Huyền (13,1-15; 14,9-11) trình bày một cái nhìn hoàn toàn khác về vai trò và sứ vụ của Nhà nước: Đây là một Nhà nước độc tài và tàn bạo tự thần thánh hóa và tiếm quyền Thiên Chúa. Tất cả mọi hình thức thần thánh hóa quyền bính chính trị đều là phạm thượng và lăng mạ đối với Thiên Chúa. Những cuộc bách hại các Kitô hữu dưới thời Domiciano có âm vang trực tiếp trên cái nhìn tiêu cực của sách Khải Huyền về vai trò của Nhà nước.
Hai Con Thú được diễn tả tỉ mỉ trong chương 13 được coi là dụng cụ của Satan. Chúng tự gán cho mình tước hiệu thần linh và bắt mọi người phải tôn thờ. “Chúng mở miệng nói phạm đến Thiên Chúa, đến danh Người, đến lều thánh của Người và những vị ở trên trời. Chúng được phép giao chiến với các thánh và thắng họ. Chúng được ban quyền trên mọi chi tộc, mọi nước, mọi ngôn ngữ và mọi dân. Mọi người sống trên mặt đất sẽ thờ lạy chúng. Đó là những người từ thuở tạo thiên lập địa không được ghi tên trong Sổ Trường sinh của Con Chiên đã bị giết” (Kh 13, 6-8). Các tín hữu đã nhất quyết từ chối tôn thờ Con Thú này, nên bị chúng sát hại.
Tác giả sách Khải Huyền cho rằng nguồn gốc quyền bính của Nhà nước vô đạo và bạo tàn không phải là Thiên Chúa, mà trái lại là chính Satan. Nhà nước mà thần linh hóa chính mình, chính trị gia mà vượt khỏi phạm vi của mình, chà đạp nhân quyền và tiếm quyền của Thiên Chúa là dụng cụ của Satan. Thay vì ngoan ngoãn vâng phục, các tín hữu phải can đảm chống lại quyền bính này.
Quan điểm Tân Ước và Giáo Hội tiên khởi về quyền bính chính trị khá đa diện và phức biệt. Tuy nhiên, như một tổng hợp biện chứng, chúng ta có thể đúc kết tất cả vào ba bản văn, tượng trưng cho ba lập trường tiêu biểu: Mc 12, 13-17; Rm 13, 1-7 và Kh 13, 1-15. Đây là ba lập trường khác biệt, có vẻ như mâu thuẫn, nhưng bổ túc và phong phú hóa cho nhau. 
Lập trường của Đức Giêsu “của César, trả về cho Césarcủa Thiên Chúa, trả về cho Thiên Chúa” được coi là điểm trung tâm hội tụ của hai quan điểm đối kháng, một quan điểm hướng về Thiên Chúa và cái kia lại quay về với Satan: Thư gửi giáo đoàn Roma chương 13 và sách Khải Huyền chương 13 không phải là hai hình ảnh bất khả dung hợp, mà là mặt trái và mặt phải của cùng một đồng tiền. Đồng tiền này có giá trị tự tại của nó như một phương tiện giao dịch, nhất là khi Thiên Chúa chấp nhận sự trao đổi này. Tuy nhiên, lập tức nó sẽ biến thành đồng tiền giả quỉ quái, một khi hình ảnh của nhà cầm quyền được khắc ghi trong đó biến thành một thứ thần tượng và có ý đồ thay thế Thiên Chúa.
Quan điểm của Kitô giáo về chính trị không chủ trương tôn vinh, mà cũng chẳng loại trừ Nhà nước. Trong một mức độ nào đó, chúng ta có thể nghĩ đến một thứ “nhị nguyên” của Kitô giáo, nhưng dĩ nhiên không đồng hóa với thứ nhị nguyên theo quan điểm của triết học Hy Lạp, mà đúng hơn là một quan niệm biện chứng khi tiếp cận với thực tại trần thế[2].
15.2- Tham gia vào lãnh vực chính trị
Thể theo tinh thần Nhập thế và Nhập thể của Đức Kitô, Giáo Hội Công giáo coi hành động dấn thân để xây dựng một xã hội phát triển, công bằng và nhân ái như một thành phần của sứ vụ loan báo Tin Mừng. Hiến chế “Hội Thánh trong thế giới hôm nay” long trọng tuyên bố: “Nỗi vui mừng và niềm hy vọng, những buồn khổ và âu lo của con người hôm nay, đặc biệt của những người nghèo và của tất cả những ai đang đau khổ, cũng chính là nỗi vui mừng, niềm hy vọng, buồn khổ và âu lo của người môn đệ Đức Kitô. Không có gì đích thực nhân lọai mà lại không có âm vang nơi cõi lòng người môn đệ Chúa Kitô (...). Cộng đồng tín hữu cảm thấy liên đới thật sự và sâu xa với con người cũng như với toàn thể lịch sử nhân loại”[3].
Người bình dân Công giáo thường dị ứng với các sinh hoạt chính trị, nhất là chính trị Đảng phái, vì coi đó như vùng đất tranh giành “xôi thịt”, thủ đoạn, xảo trá, lừa lọc… Theo họ, người tín đồ chân chính cần tránh xa những “vùng đất lầy lội và ô nhiễm” đó, vì không thể để tay mình nhúng chàm và tâm hồn vẩn đục! Công đồng Vatican II, trái lại, đã công khai tuyên bố: “Giáo Hội ca ngợi và đánh giá cao hoạt động của những người dấn thân vì lợi ích quốc gia và đảm nhận trách nhiệm phục vụ mọi người”[4]
15.2.1- Một hướng đi mới
Giáo chủ Gioan XXIII đã khai mở một quan niệm và hướng đi mới về lãnh vực chính trị. Ngày 11 tháng 4 năm 1963, ngài công bố thông điệp “Hòa bình trên thế giới”. Đây là thông điệp đầu tiên không những gửi cho người Công giáo mà còn gửi cho tất cả những người thành tâm thiện chí trên địa cầu. Đức Gioan XXIII khuyến khích người Công giáo tham gia vào sinh hoạt chính trị và đưa ra định hướng cũng như tiêu chuẩn mới.
Việc tham dự của người Công giáo trong sinh hoạt chính trị được đề cao, vì cơ cấu chính trị dân chủ đòi hỏi sự tham dự tích cực của tất cả các công dân. Chính vì vậy, thông điệp đã dành phần cuối cùng để đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho hoạt động trần thế của người Công giáo. Thông điệp kêu gọi người công giáo “tham dự tích cực vào đời sống công cộng” và cho rằng nếu các Kitô hữu lãnh nhận ánh sáng siêu nhiên và chết trong ước muốn cổ võ sự thiện mà thôi thì chưa đủ. Trái lại, các Kitô hữu cần phải hăng say thâm nhập vào cơ chế của cuộc sống chính trị và hành động một cách hữu hiệu trong đó[5].
Định hướng này rất quan trọng vì khai mở một viễn cảnh mới trong việc dấn thân của người công giáo vào sinh hoạt chính trị. Trước đây người Công giáo thường có khuynh hướng thành lập những câu lạc bộ, nghiệp đoàn, hiệp hội và đảng phái chính trị thuần túy Công giáo. Đức Gioan XXIII yêu cầu cần mở rộng tầm nhìn, tầm hoạt động và ảnh hưởng ra bên ngoài ranh giới Công giáo. Cần phải dấn thân và hòa nhập vào lòng xã hội với những công dân khác.
Giáo chủ Gioan XXIII còn nêu lên những tiêu chuẩn nền tảng đã trở thành nguyên tắc hướng dẫn hoạt động chính trị của người Công giáo, mà Công đồng Vatican II sẽ đặc biệt khai triển.
            * Tầm quan trọng của khả năng chuyên môn, bởi vì “không ai có thể dấn thân vào các cơ cấu công quyền nếu không có trình độ văn hóa, khả năng kỹ thuật và kinh nghiệm nghề nghiệp”[6].
            * Việc cần thiết duy trì tính nhất quán giữa niềm tin và chứng từ cuộc sống trong lãnh vực trần thế. “Cần phải thiết lập nơi các tín hữu sự duy nhất giữa tư tưởng và ý chí, ngõ hầu hoạt động được nuôi dưỡng đồng thời bởi ánh sáng đức tin và sức đẩy của đức ái” (số 152).
            * Cần tôn trọng các nhân đức luân lý và giá trị tinh thần, được củng cố bởi kiến thức khoa học, trình độ kỹ thuật và ngành nghề chuyên môn.
Vào thời điểm đó, thông điệp “Hòa bình trên thế giới” đã cống hiến một định hướng mới và tạo nên một âm hưởng lớn lao trong Giáo Hội. Đức Giáo chủ chấp nhận khả năng cộng tác với những người khác tôn giáo và vô thần trong lãnh vực trần thế, nghĩa là “trong những gì liên hệ đến các công tác tự nó là tốt hay ít nhất có thể dẫn đến sự thiện” (số 152).
Ngoài ra, Giáo chủ Gioan XXIII còn biện minh và bênh vực định hướng mới này bằng hai phân biệt thời danh: “phân biệt giữa sai lầm với người mắc sai lầm đó” (số 158) và “phân biệt giữa triết lý với trào lưu lịch sử”, ngay cả đối với “những trào lưu bắt nguồn và khởi hứng từ lý thuyết triết lý đó” (số 159).
Thông điệp “Pacem in terris” đề nghị một giải pháp thực tiễn sau đây: “Chúng ta không thể đồng hóa những lý thuyết triết học sai lầm về vũ trụ, về nguồn gốc và cứu cánh của thế giới cũng như của con người, với những phong trào lịch sử được thành lập nhằm mục đích kinh tế, xã hội, văn hóa hoặc chính trị, mặc dù các phong trào này đã phát sinh và chiụ ảnh hưởng bởi các học thuyết ấy. Các lý thuyết, một khi đã định hình và được viết ra, thì không thay đổi nữa, trong khi các phong trào, vì có đối tượng là những hoàn cảnh cụ thể và đổi thay của cuộc sống, nên chịu ảnh hưởng sâu rộng của những biến đổi nói trên. Ngoài ra, trường hợp các phong trào này đồng ý với các nguyên lý chân thực của lý trí và đáp ứng những khát vọng chính đáng của con người, thì ai có thể chối từ không nhìn nhận nơi các phong trào ấy những yếu tố tích cực và đáng hoan nghênh” (số 159)
            15.2.2- Dấn thân vào lãnh vực chính trị
 Khó có thể thực hiện những thay đổi sâu xa và triệt để về xã hội, nếu không có những quyết định thích đáng trên bình diện chính trị. Chính vì vậy, Đức Phaolô VI mời gọi các Kitô hữu sáng suốt phân biện và can đảm dấn thân vào lãnh vực nóng bỏng này, nếu chúng ta muốn thực hiện lý tưởng “kinh bang tế thế”. Trong Tông thư “Octagesima adveniens”, ngài giải tỏa một số ngộ nhận: “Thực sự, từ “chính trị” gây nhiều ngộ nhận, cần được phân biện. Tuy nhiên, mọi người đều rõ là trong các lãnh vực xã hội và kinh tế – quốc gia cũng như quốc tế – quyết định tối hậu vẫn tùy thuộc quyền bính chính trị (…)
“Thể theo sứ vụ riêng, quyền bính chính trị phải biết tách rời khỏi tư lợi để hướng trách nhiệm của mình về việc thực hiện công ích. Nhìn chính trị một cách nghiêm túc, dưới nhiều cấp độ – địa phương, miền, quốc gia và quốc tế – là xác quyết bổn phận của con người, của mọi người, nhận thức đâu là nội dung và giá trị của việc chọn lựa đang được đặt ra. Tùy theo chọn lựa này người ta tìm cách thực hiện một cách tập thể phúc lợi của thành thị, của đất nước, của nhân loại. Chính trị cống hiến một con đường nghiêm túc và khó khăn – mặc dù không phải là duy nhất – để chu toàn trách nhiệm quan trọng nên các Kitô hữu phải dấn thân phục vụ tha nhân. Mặc dù không thể giải quyết mọi vấn đề một cách chắc chắn, nhưng chính trị luôn cố gắng đem lại các giải đáp cho mối tương quan giữa người với người. Lãnh vực và mục đích của chính trị rất rộng lớn và phức tạp, nhưng tất nhiên chúng không loại trừ nhau. Một thái độ khá phổ biến muốn tuyệt đối hóa chính trị, sẽ trở thành một mối hiểm họa trầm trọng. Dù công nhận tính tự lập của thực tại chính trị, các Kitô hữu dấn thân vào hoạt động chính trị cần cố gắng bảo đảm tính nhất quán giữa chọn lựa chính trị và Tin Mừng để cống hiến một chứng từ nghiêm túc về niềm tin, với tư cách cá nhân và tập thể, qua việc phục vụ đồng loại một cách hiệu quả và vô vị lợi”[7].
Theo Công đồng Vatican II, cho dù tự bản chất Tin Mừng không đồng hóa với bất cứ một nền văn hóa, chế độ chính trị hay hệ thống kinh tế nào, nhưng nhiệm vụ của Kitô hữu là phải sống Tin Mừng trong tất cả mọi hoàn cảnh và môi trường xã hội–chính trị. Sắc lệnh về Truyền giáo đặc biệt khuyến khích các Kitô hữu chu toàn trách vụ công dân trong môi trường văn hóa và xã hội của mình: “Kitô hữu đến từ mọi dân tộc kết hợp thành Giáo Hội, không phân cách với người khác về quốc gia, về ngôn ngữ, cũng như về cách thế sống, do đó họ phải sống cho Thiên Chúa và cho Chúa Kitô theo tập tục và đường lối xử sự của dân tộc mình. Theo tư cách là công dân tốt họ phải phát triển một cách thực sự và hữu hiệu lòng ái quốc”[8].
Thể theo tinh thần của Tin Mừng và sứ vụ riêng biệt, Giáo Hội không thể đồng hóa với bất cứ một chế độ chính trị, một hệ thống kinh tế hay một nền văn hóa nào, nhưng cũng không đứng bên lề lịch sử hay ngoài trần gian. Công đồng Vatican II đã tái xác định mối tương quan phức tạp giữa Giáo Hội với thực tại trần thế như sau: “Do sứ vụ và thẩm quyền của mình, Giáo Hội không thể đồng hóa với cộng đồng chính trị và cũng chẳng cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào (…). Trên lãnh vực riêng của mình, cộng đồng chính trị và Giáo Hội độc lập và tự trị với nhau. Tuy nhiên, dưới danh nghĩa khác nhau, cả hai cùng phục vụ con người, trong sứ mệnh cá nhân và xã hội. Hơn nữa, tùy theo hoàn cảnh thời gian và không gian, nếu cả hai càng cố gắng phát triển sự cộng tác lành mạnh, thì cả hai càng phục vụ lợi ích của mọi người hữu hiệu hơn (…). Giáo Hội góp phần làm tăng trưởng công lý và bác ái trong mỗi quốc gia cũng như giữa các quốc gia” [9].
Trong buổi tiếp kiến Hội đồng Giám mục Việt Nam nhân chuyến viếng thăm Ad Limina 2009, Đức Biển Đức XVI đã áp dụng chỉ thị của Công đồng vào trường hợp cụ thể của Giáo Hội tại Việt Nam. Khai triển định hướng mục vụ “đối thoại thẳng thắn và cộng tác chân thành”, mà Đức cố Giáo chủ Gioan Phaolô II đã nói với các Giám mục Việt Nam trong Ad Limina lần trước, Đức Biển Đức XVI tuyên bố: “Thư Mục vụ mà Hội Đồng Giám Mục của Anh Em đã công bố năm 1980 nhấn mạnh đến “Giáo Hội Chúa Kitô ở giữa Dân tộc của mình”. Khi đem tới nét đặc thù của mình – là việc loan báo Tin Mừng của Chúa Kitô – Giáo Hội đóng góp vào việc phát triển nhân bản và thiêng liêng của con người, nhưng cũng đồng thời đóng góp vào sự phát triển đất nước. Việc tham gia vào tiến trình này là bổn phận và đóng góp quan trọng, nhất là vào thời điểm mà Việt Nam đang từ từ mở ra đối với cộng đồng quốc tế.
“Chư Huynh cũng như Tôi đều biết rằng sự hợp tác lành mạnh giữa Giáo Hội và cộng đồng chính trị là điều có thể thực hiện được. Về điểm này, Giáo Hội mời gọi mọi phần tử của mình dấn thân cách trung thành nhằm xây dựng một xã hội công bằng, liên đới và bình đẳng. Giáo Hội không hề muốn thay thế Chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, Giáo Hội có thể góp phần mình vào trong đời sống của đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân. Trong khi tham gia cách tích cực, theo như vị trí dành cho mình, và theo ơn gọi đặc thù của mình, Giáo Hội không bao giờ miễn trừ cho mình việc thực hành bác ái xét như các hoạt động có tổ chức của các tín hữu, và, đàng khác, không bao giờ có  tình trạng mà trong đó người ta lại không cần tới bác ái của mỗi Kitô hữu, bởi vì con người, ngoài công bằng ra vẫn cần và sẽ còn cần tới tình yêu”[10].
Chính trong viễn cảnh đó, Hiến chế “Hội Thánh trong thế giới hôm nay” mời gọi các Kitô hữu nối kết đời sống của mình với vận mệnh của nhân loại, của Dân tộc và của Giáo Hội: “Với tư cách là công dân nước Trời và nước trần thế, tín hữu phải làm sao đem hết tâm lực để chu toàn trách nhiệm trần thế của mình theo tinh thần Tin Mừng. Phải nói là sai lầm khi có những người cho rằng quê hương của họ không ở trần gian này và họ đang hành trình về quê hương vĩnh cửu, cho nên họ nghĩ rằng họ có thể dửng dưng đối với nhiệm vụ trần thế (…). Khi lãng quên những bổn phận đối với đồng loại, tín hữu cũng không chu toàn nghĩa vụ đối với Thiên Chúa và hành động này có thể phương hại đến phần rỗi đời đời của họ”[11].
Nói rõ hơn, bổn phận của các Kitô hữu là phải hội nhập vào thời đại và làm cho Tin Mừng thể hiện ở mọi thời và mọi nơi. Chính vì vậy, “Tính cách trần thế” của giáo dân được Công đồng đặc biệt đề cao. Giáo dân chính là những Kitô hữu đang dấn thân vào những sinh hoạt trần thế với mọi người, như mọi người, trong tương giao nghề nghiệp, văn hóa, xã hội và bằng hữu. Mảnh đất nhân bản, giáo dục, y tế, xã hội, kinh tế, khoa học kỹ thuật, v.v. phải là môi trường để giáo dân thực hiện sứ mệnh làm người và lý tưởng Kitô hữu của mình. “Họ được gọi, để dưới sự hướng dẫn của tinh thần Tin Mừng, tác động như men trong bột, thánh hóa thế giới bằng việc chu toàn nhiệm vụ của mình. Như thế họ có thể đem Chúa Kitô đến cho người khác bằng chứng tá của đời sống thấm nhuần nhân đức Tin, Cậy và Mến”[12].
            15.2.3- Vai trò giáo dân
 Tông huấn “Tín hữu giáo dân” tiếp tục triển khai thiên chức và sứ vụ của  giáo dân trong Giáo Hội và giữa trần thế. “Tính cách trần thế” của giáo dân được đặc biệt đề cao. Chính nơi “mảnh đất trần thế” này, họ “đang sống cuộc sống thông thường giữa thế giới, đang học hành, đang làm việc, đang tạo nên những tình bạn, những tương giao xã hội, nghề nghiệp và văn hóa”.
Mảnh đất nhân bản và sinh hoạt trần thế được coi là môi trường riêng biệt của  giáo dân. Bởi vì, “bí tích Thánh tẩy đã trao phó cho họ một thiên chức liên quan mật thiết với tình trạng của họ giữa lòng đời. Họ được gọi, để nhờ sự hướng dẫn của Tin Mừng, tác động như men dậy lên từ bên trong, ngõ hầu thánh hóa thế giới bằng việc thực thi các trách vụ trần thế của mình”[13].
Tông huấn đề cập một cách đặc biệt đến “linh đạo giáo dân”: Thánh hóa bản thân giữa trần gian, trong cuộc sống hàng ngày, cuộc sống nghề nghiệp và xã hội. Chính nơi mảnh đất trần gian, với những bận rộn và trách vụ của đời thường, giáo dân được mời gọi nên thánh. “Một thiên chức như thế, trong những điều kiện ấy, phải được định nghĩa như yếu tố căn bản và không thể phân lìa của đời sống mới do bí tích Thánh tẩy, và vì thế, như một yếu tố cấu tạo nên phẩm giá của họ. Đồng thời, thiên chức nên thánh được liên kết mật thiết với sứ mệnh và trách nhiệm được giao phó cho tín hữu giáo dân trong lòng Giáo Hội và giữa lòng đời”[14].
15.3- Các thể chế chính trị
Trong quá khứ, đã có những giai đoạn Giáo Hội nối kết quá chặt chẽ với một số thể chế chính trị. Dư luận nói nhiều đến “liên minh thần thánh” giữa “ngai báu” và “bàn thờ”, một liên minh đã gây nhiều tai tiếng và khổ đau cho Giáo Hội.
Với chủ trương trở về nguồn, Công đồng Vatican II long trọng tuyên bố chấm dứt các hình thức liên minh này: “Giáo Hội không cấu kết với bất cứ một nền văn hóa hay hệ thống chính trị, kinh tế hoặc xã hội nào, bởi vì thực ra sứ vụ Đức Kitô trao phó cho Giáo Hội không thuộc phạm vi chính trị, kinh tế hay xã hội: Mục tiêu Người chỉ định cho Giáo Hội thuộc lãnh vực tôn giáo”[15].
Chính vì vậy, theo Công đồng, “việc chọn lựa thể chế chính trị và bầu cử người cầm quyền hoàn toàn do người dân quyết định”[16]. Giáo Hội tôn trọng sự tự lập của cộng đồng chính trị. Tuy nhiên, Giáo Hội có tương quan với các tổ chức chính trị, bởi vì “dưới danh hiệu khác nhau, cả hai cùng phục vụ con người trong sứ vụ cá nhân và xã hội. Tùy theo hoàn cảnh và địa phương, nếu cả hai càng duy trì được sự cộng tác lành mạnh thì càng phục vụ lợi ích con người hữu hiệu hơn”[17]
Các Thông điệp và văn kiện kế tiếp đã xác định và khai triển nguyên tắc định hướng này. Trong diễn văn đọc ngày 3-4-1982, Đức Gioan Phaolô II tuyên bố: “Giáo Hội không có thẩm quyền trực tiếp nào để đề xuất các giải pháp kỹ thuật thuộc lãnh vực kinh tế – chính trị. Tuy nhiên, Giáo Hội luôn kêu mời phải xem xét tất cả các chế độ cho thích hợp với tiêu chuẩn về phẩm giá con người”.
Thông điệp “Quan tâm đến vấn đề xã hội” công nhận rằng Giáo Hội không đề xuất các hệ thống hoặc chương trình kinh tế và chính trị, mà cũng chẳng nhất quyết ủng hộ hệ thống này hơn hệ thống khác. Điều quan trọng là làm sao trong các hệ thống đó phẩm giá con người được tôn trọng và có điều kiện thăng tiến, cũng như chính Giáo Hội có khoảng trống tự do cần thiết để chu toàn sứ vụ của mình trong thế giới hôm nay.
Vào giai đoạn chiến tranh lạnh, với sự đối kháng một mất một còn giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội, Đức Gioan Phaolô II đã xác định chỗ đứng của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội như sau: “Học thuyết xã hội của Giáo Hội không phải là một “con đường thứ ba” giữa chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa tập thể Mácxít, và cũng chẳng phải là thứ giải pháp nào đó ít quá khích hơn: Đây là một học thuyết xã hội đặc biệt. Nó không phải là một thứ ý thức hệ, nhưng là một cách trình bày nghiêm túc do kết quả của một suy tư cẩn trọng về những thực tại phức tạp của đời sống con người trong xã hội và trong bối cảnh quốc tế, dưới ánh sáng Tin Mừng và theo truyền thống Giáo Hội. Mục đích chính của nó là giải thích các thực tại nói trên xem chúng có phù hợp hay không với quan điểm của Tin Mừng về con người và về ơn gọi vừa trần thế vừa linh thiêng của nó. Nói cách khác, Giáo huấn xã hội có mục đích định hướng đường lối xử thế của Kitô hữu. Vì vậy, nó không thuộc lãnh vực ý thức hệ, mà thuộc lãnh vực thần học, đặc biệt thần học luân lý”[18].
Vào thập niên 70 và 80 của thế kỷ XX, tại châu Mỹ Latin, châu Phi cũng như Đông Âu, người ta chứng kiến sự sụp đổ của nhiều chế độ độc tài và toàn trị. Có nhiều lý do giải thích hiện tượng này, nhưng theo Giáo chủ Gioan Phaolô II một trong những nhân tố quyết định là việc “vi phạm nhân quyền: quyền có sáng kiến, quyền tư hữu và quyền tự do trong lãnh vực kinh tế. Thêm vào đó là chiều kích văn hóa và quốc gia: không thể hiểu biết con người, nếu chỉ dựa trên lãnh vực kinh tế, cũng không thể xác định con người là gì nếu chỉ căn cứ vào việc họ thuộc về giai cấp nào (…). Ở đâu xã hội được tổ chức một cách tùy tiện hạn chế hoặc thậm chí tước bỏ bầu khí thể hiện tự do một cách hợp pháp, thì ở đó đời sống xã hội dần dần tan rã và đi đến chỗ sụp đổ”[19].
Trong thế kỷ vừa qua, nhân loại đã chứng kiến những biến đổi sâu xa về cơ cấu chính trị. Sau khi các chế độ độc tài, quân phiệt, “an ninh quốc gia” và toàn trị lần lượt sụp đổ, chúng ta đang chứng kiến sự thành công và phát triển của chế độ dân chủ tại khắp nơi trên thế giới. Mặc dù không phủ nhận những giới hạn nội tại, chậm chạp, thiếu hiệu năng... của chế độ dân chủ, Giáo Hội không những cổ võ, mà còn tích cực góp phần thúc đẩy tiến trình thăng tiến dân chủ và bảo vệ nhân quyền[20].
Giáo Hội tôn trọng sự độc lập của các thể chế chính trị và không có thẩm quyền để quả quyết giải pháp chính trị này hơn giải pháp khác. Đóng góp của Giáo Hội cho lãnh vực chính trị chỉ từ khía cạnh đạo đức và bảo vệ phẩm giá con người. Cũng chính từ nền tảng này, thông điệp “Bách chu niên” đã lượng giá chế độ dân chủ như sau: “Giáo Hội đánh giá cao hệ thống dân chủ, xét như một hệ thống bảo đảm cho người công dân quyền tham gia vào các chọn lựa chính trị, đồng thời bảo đảm cho người dân quyền vừa được lựa chọn và kiểm soát những người cầm quyền, vừa được thay đổi họ bằng những phương tiện ôn hòa khi thấy thích đáng. Như vậy, Giáo Hội không thể tán thành việc lập những nhóm người lãnh đạo thu hẹp, nắm trọn quyền Nhà nước nhằm phục vụ lợi ích riêng hay những mục tiêu ý thức hệ. Chỉ có thể có nền dân chủ thực sự trong một Nhà nước pháp trị và dựa trên quan niệm đúng đắn về con người. Một nền dân chủ thực sự đòi hỏi phải tạo điều kiện cần thiết cho sự phát triển con người cụ thể bằng giáo dục và được đào tạo theo những lý tưởng chân chính, cũng như việc phát triển “chủ thể tính” của xã hội, qua việc tạo nên những cơ cấu để mọi người có thể cùng tham dự và đồng trách nhiệm”[21].
Một chế độ được đánh giá là dân chủ đích thực khi nó phù hợp với tiêu chuẩn đạo đức và nhân bản: tôn trọng phẩm giá con người, bảo vệ nhân quyền, phục vụ công thiện công ích, nhìn nhận nguyên tắc phân quyền, tạo điều kiện để mọi có thể tham gia và đồng trách nhiệm. Tuy nhiên, theo quan điểm của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội, dân chủ cũng không có giá trị tuyệt đối và tự tại, mà chỉ là một phương tiện đang phục vụ tốt lợi ích của con người[22].
15.4- Hoạt động “chính trị đảng phái”
Có sự khác biệt giữa ý thức chính trị, quan niệm chính trị, đóng góp cho lãnh vực chính trị với hành động trực tiếp tham gia vào đảng phái chính trị hay nắm giữ các chức vụ chính trị trong cơ quan công quyền. Giáo luật hiện hành cấm giáo sĩ trực tiếp tham gia chính trị. Điều 285, khoản 3 viết: “Cấm các giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền bao hàm sự tham gia vào việc hành sử quyền bính dân sự”. Điều 287, khoản 2 xác định thêm: “Các giáo sĩ không được tích cực tham gia vào các đảng phái chính trị, hoặc lãnh đạo các nghiệp đoàn, trừ khi theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền trong Giáo Hội, việc bảo vệ quyến lợi của Giáo Hội và việc cổ vũ công ích đòi hỏi như vậy”. Quy định này cũng được áp dụng cho các tu sĩ (xc. Điều 672).
Đối với tín hữu giáo dân, sự việc hoàn toàn khác: Hoạt động chính trị lại được coi là lãnh vực đặc biệt trong sinh hoạt trần thế của tín hữu giáo dân. Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình tóm kết quan điểm của Giáo Hội như sau: “Đối với tín hữu giáo dân, việc tham gia vào chính trị là một hành động thích đáng và đòi hỏi nhiều nỗ lực để biểu lộ hành động dấn thân của Kitô hữu nhằm phục vụ tha nhân”. Để thực hiện sứ vụ này một cách hiệu quả, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội đã cống hiến một số tiêu chuẩn định hướng: “Kiếm tìm công thiện công ích với tinh thần phục vụ, phát triển công lý với sự quan tâm đặc biệt đến tình trạng nghèo khổ, tôn trọng tính tự trị của các thực tại trần thế, nguyên tắc hỗ trợ, cổ võ đối thoại và hòa bình trong viễn cảnh liên đới”[23].
Tùy theo điều kiện lịch sử, văn hóa, kinh tế và xã hội cụ thể của mỗi nước, các nguyên tắc trên được vận dụng để chọn lựa và lấy quyết định cụ thể về các giải pháp chính trị. Trên thực tế, các giải pháp chính trị này rất đa dạng, có những lúc còn đối lập và xung khắc nhau. Hiến chế “Hội Thánh trong thế giới hôm nay” nhắc nhở: “Thông thường, nhãn quan Kitô giáo sẽ hướng dẫn các Kitô hữu chọn lựa một giải pháp nhất định nào đó, tùy theo hoàn cảnh. Tuy nhiên, cũng có những tín hữu khác, với cùng một niềm chân thành, có thể thẩm định cách khác, như thường xảy ra. Nhiều người thường hay nối kết sứ điệp Tin Mừng với quan điểm này hay quan điểm nọ, mặc dù nhiều khi ngoài ý muốn của họ. Cần nhớ rằng trong các trường hợp như thế, không ai được độc quyền lấy thẩm quyền của Giáo Hội để biện minh cho lập trường riêng”[24].
Gần 40 năm sau, Bộ Giáo lý Đức tin, một lần nữa, trở lại vấn đề này. Trong một tài liệu đặc biệt mang tựa đề “Ghi chú đạo lý về một số vấn đề liên quan đến việc dấn thân và hành vi của người Công giáo trong đời sống chính trị”, chúng ta đọc thấy những dòng sau: “Niềm tin Kitô giáo không bao giờ chủ trương đóng khung các vấn đề xã hội – chính trị vào một khuôn cứng nhắc, nhưng ý thức rằng chiều hướng lịch sử của cuộc sống đòi hỏi con người phải sống trong những tình huống bất toàn và luôn đổi thay” (số 7).
Nói rõ hơn, không một đảng phái hay tổ chức chính trị nào có quyền tự xưng là đảng phái hay tổ chức chính trị của Giáo Hội Công giáo[25]. Với tư cách công dân, tín hữu giáo dân có thể gia nhập các đảng phái và các tổ chức chính trị khác nhau. Theo Đức Gioan XXIII, sự chọn lựa sinh hoạt chính trị này cần dựa trên bốn cột trụ: chân lý, công bằng, liên đới và tự do[26].
Trong trường hợp bình thường, Huấn Quyền cho rằng “một lương tâm Kitô hữu được đào tạo tốt không cho phép tín hữu dùng lá phiếu để cổ võ một chương trình chính trị hay một luật lệ có thể đi ngược với nội dung căn bản của niềm tin và luân lý”[27]. Tuy nhiên, cũng cần ý thức rằng không bao giờ các Kitô hữu có thể tìm được một đảng phái chính trị hoàn toàn phù hợp với các yêu cầu đạo đức và các đòi hỏi của niềm tin. Chính vì thế, nếu đã cố gắng mà vẫn không ngăn cản được chương trình chính trị hay các luật lệ nói trên, thì người đại biểu “có thể ủng hộ một cách hợp pháp những dự án có mục đích giới hạn thiệt hại phát sinh từ những chương trình và những luật lệ đó, đồng thời giảm thiểu những hậu quả tiêu cực về mặt văn hóa và đạo đức”[28].
Giữa thời đại toàn cầu hóa, đa văn hóa và thế tục hóa, tín hữu giáo dân cần biết phân biện và sử dụng những “phương thế thực tế” để làm cho các nguyên tắc và giá trị đạo đức đi vào cuộc sống xã hội. Đây là “lãnh vực riêng biệt của giáo dân, tuy không độc quyền thuộc về họ. Khi hành động, với tư cách cá nhân hay đoàn thể, như những công dân trần thế, không những họ phải tôn trọng các luật lệ riêng của mỗi ngành, mà phải cố gắng trang bị kiến thức chuyên môn. Họ sẵn sàng cộng tác với những người cùng theo đuổi mục đích chung. Ý thức những yêu sách của niềm tin và được nuôi dưỡng bởi sức mạnh của nó, họ sẽ không ngần ngại đề nghị và thực hiện những sáng kiến mới, khi hoàn cảnh cho phép”.
Công đồng đặc biệt nhắn nhủ các tín hữu giáo dân phải tự lãnh trách nhiệm trong sinh hoạt trần thế này: Họ không nên nghĩ rằng “các chủ chăn có đủ thẩm quyền chuyên môn để có thể cống hiến một giải pháp cụ thể và tức thời cho mọi vấn đề, ngay cả vấn đề quan trọng. Cũng đừng lầm tưởng các chủ chăn có sứ vụ ấy. Tốt hơn, chính họ, được đức khôn ngoan Kitô giáo soi sáng và trung thành với giáo huấn của Huấn quyền, hãy tự lãnh trách nhiệm” [29].
Bộ Giáo lý Đức tin, một lần nữa, tái xác quyết tính trần thế và “độc lập” của sinh hoạt xã hội- chính trị: “Huấn quyền không muốn thi hành quyền lực chính trị hay loại bỏ tự do ý kiến của người Công giáo liên quan đến những vấn đề đổi thay. Trái lại, theo đúng chức năng của mình, Huấn quyền đào tạo và soi sáng lương tâm các tín hữu, đặc biệt những người dấn thân vào sinh hoạt chính trị, để hoạt động của họ luôn phục vụ việc thăng tiến toàn diện con người và công ích. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội không can thiệp vào chính quyền của các quốc gia. Nhưng chắc chắn, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội thiết lập một trách nhiệm luân lý nhất quán trong lương tâm duy nhất của các tín hữu giáo dân”[30].
Chọn lựa dấn thân vào hoạt động chính trị là một chọn lựa cá nhân, với tư cách một công dân và được thúc đẩy bởi lý tưởng “làm men trong bột” của niềm tin Kitô giáo. Tuy nhiên, chọn lựa này cũng không thuần túy cá nhân, mà liên hệ rất nhiều đến cộng đồng Kitô hữu. Chính “các cộng đồng Kitô hữu phải phân tích một cách khách quan tình trạng đặc thù của đất nước, chiếu rọi lên tình trạng đó ánh sáng của Tin Mừng, rồi rút ra từ Giáo huấn xã hội những nguyên tắc suy tư, những tiêu chuẩn phán đoán và những định hướng hành động”[31].
Đối với các tín hữu giáo dân, tham gia vào hoạt động chính trị là một thiên chức và một cơ hội thích đáng để dấn thân phục vụ đất nước và tha nhân. Nhưng cần ý thức rằng đây là một thiên chức đặc biệt, đầy trắc trở, nhiều gian lao. Có những trường hợp, để làm chứng cho niềm tin trong môi trường chính trị, họ phải hy sinh không những lợi ích cá nhân, cuộc sống an nhàn và địa vị xã hội, mà ngay cả bản thân[32]. Chính vì vậy họ cần được cộng đồng Kitô hữu cảm thông,đồng hành và tích cực hỗ trợ.

 

[1] Phong trào này do Juda Galileo thành lập năm 6. Họ từ chối nộp thuế cho hoàng đế César và chuẩn bị thánh chiến để đánh đuổi quân ngoại xâm và thiết lập chế độ thần quyền ở Israel, theo đó chỉ có Đức Chúa là vua duy nhất. Cuộc nổi dậy do họ lãnh đạo đã được thực hiện từ năm 66 đến năm 70.
[2] Xem Marciano Vidal, Moral de actitudes III: Moral social, Madrid, 1991, tr. 469-479; R.D. Culver, Toward a biblical view of civil government, Chicago, 1974; J.M. Paupert, Pour une politique évangélique, Toulouse, 1965; O. Cullman, El Estado en el Nuevo Testamento, Madrid, 1966.
[3] Vatican II, Giáo Hội trong thế giới hôm nay, số 1.
[4] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 75.
[5] Gioan XXIII, Hòa bình trên thế giới, số 174.
[6] Ibidem, số 148.
[7] Phaolô VI, Octagesima adveniens, số 46.
[8] Vatican II, Sắc lệnh về Truyền giáo, số 15.
[9] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 76.
[10] Biển Đức XVI, Huấn từ của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, Roma, 27-06-2009, số 6 &7.
[11] Ibidem, số 43.
[12] Ánh sáng muôn dân, số 31.
[13] Gioan Phaolô II, Người tín hữu giáo dân, số 15.
[14] Ibidem, số 17.
[15] Vatican II, Hội thánh trong thế giới hôm nay, số 42.
[16] Ibidem, số 74.
[17] Ibidem, số 76.
[18] Gioan Phaolô II, Vấn đề xã hội, số 41.
[19] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 24 & 25.
[20] Trong thông điệp truyền thanh vào dịp lễ Giáng sinh năm 1944, Đức Piô XII đã tuyên bố: “Hôm nay, hình thức chính phủ dân chủ xuất hiện nhiều nơi như một yêu cầu tự nhiên do đòi hỏi của lý trí” (13). Giáo chủ nhìn thấy nơi chế độ dân chủ một biểu hiệu của sự tiến bộ luân lý trong lịch sử nhân loại, khi đề cập đến “những yêu sách cao cấp mà mô hình nhà nước này đặt ra cho sự trưởng thành luân lý của mỗi một công dân”
[21] Ibidem, số 46.
[22] Xem Tóm lược …, số 406-416.
[23] Ibidem, số 565.
[24] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 43.
[25] Xem Thư luân lưu của HĐGM-VN, ngày 22-1-1964.
[26] Thông điệp “Hòa bình trên thế giới” tóm lược như sau: “Bởi vì cộng đồng nhân loại được xây dựng trên chân lý, phải được thi hành theo các nguyên tắc công bằng, đòi hỏi được sống và bổ túc bằng tình yêu hỗ tương, và cuối cùng, tôn trọng trọn vẹn tự do” (số 37); xin coi Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 23-32.
[27] Bộ Giáo lý Đức tin, Ghi chú đạo lý về một số vấn đề liên quan việc dấn thân và hành vi của người Công giáo trong đời sống chính trị, ngày 24-11-2002, số 4.
[28] Tóm lược …, số 570.
[29] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 43.
[30] Bộ Giáo lý Đức tin, Ghi chú đạo lý …, số 6.
[31] Phaolô VI, Octogesima adveniens, số 4.
[32] Xem Gioan Phaolô II, Tín hữu giáo dân, số 39; Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược..., số 570.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét