Có những giai đoạn, người ta đã đồng hóa phát triển với khai hóa và khai sáng
về văn hóa, ở những giai đoạn khác phát triển lại đồng nghĩa với tiến hóa và
tiến bộ xã hội. Từ giữa thế kỷ XIX, khái niệm phát triển dần dần tách rời khỏi
thuật ngữ tiến hóa và giữ vai trò đặc biệt trong việc hoạch định các chính sách
kinh tế quốc gia: phát triển đồng nghĩa với công nghiệp hóa, tối tân hóa và
hiện đại hóa. Walter Rostow đã hệ thống phát triển thành bốn giai đoạn: chuẩn
bị, khởi động, trưởng thành và chín muồi về kinh tế. Theo ông, “tăng trưởng
kinh tế sẽ thúc đẩy không gian sinh sống của đại đa số người dân chuyển dịch từ
nông thôn ra thành thị, xã hội biến đổi từ tổ chức cộng đồng làng xóm quy mô
nhỏ, sang cộng đồng lớn có thể chế phức tạp như dân tộc, thế giới”.
Suốt một
thời gian dài, nhiều người quá chú trọng đến khía cạnh kinh tế trong quan niệm
về phát triển và hơn nữa còn đo lường phát triển bằng mức độ tăng trưởng kinh
tế: Lấy lợi tức bình quân trên đầu người để xác định mức độ phát triển của mỗi
nước[1]. Nhưng từ thập niên 70’ của thế kỷ XX, nhiều tác giả đã
cho thấy tính phiến diện và khiếm khuyết của tiêu chuẩn duy kinh tế này, vì nó
không lưu ý đến yếu tố xã hội, văn hóa và nhân bản của phát triển.
Từ thập
niên 90’, Tổ chức Phát triển của Liên Hiệp Quốc đưa thêm chỉ số phát triển con
người để đo lường mức độ phát triển của mỗi nước. Thật vậy, bên cạnh vốn vật chất,
vốn con người ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển. Ngoài ra,
muốn phát triển bền vững phải bảo vệ môi trường và phải để ý đến quyền lợi của
các thế hệ tương lai.
Bước sang
thế kỷ XXI, phát triển đã trở thành yêu sách và nỗ lực toàn cầu để thực hiện
chương trình xóa bỏ nghèo đói. Đối với mỗi quốc gia, nhất là các quốc gia
nghèo, phát triển là bổn phận khẩn thiết hàng đầu để đáp ứng nhu cầu của người
dân và để khẳng định vị thế của chính mình trên trường quốc tế. Các tổ chức
quốc tế đã cố gắng biểu lộ hợp tác và liên đới trong công cuộc phát triển, tuy
nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, khuynh hướng phát triển hôm nay mang nhiều
tính chất cạnh tranh và thậm chí loại trừ nhau. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện
nay càng làm tình hình thêm căng thẳng và hố phân cách giàu nghèo sâu thẳm hơn.
16.1- Phát triển, vấn đề thời đại
Phát triển
là một đề tài tương đối mới đối với Giáo huấn xã hội của Công giáo, nhưng đã
được coi là “vấn đề của thời đại”. Nói chung, Giáo Hội khuyến khích việc phát
triển, nhưng không đồng thuận với chủ trương giản lược tất cả chiều kích phức
tạp của phát triển vào tăng trưởng kinh tế. Ngay từ đầu thập niên 60’, Đức
Gioan đã XXIII yêu cầu các nhà hữu trách làm sao có sự phát triển hài hòa giữa
ba lãnh vực: Nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.
Những năm
đầu của thập niên 60’ mở ra một chân trời khá an bình và lạc quan: thế giới hồi
sinh sau những năm dài khói lửa tàn khốc. Kinh tế Tây Âu tăng trưởng mạnh. Đây
cũng là giai đoạn trao trả độc lập cho các nước thuộc địa, quyền con người được
phổ biến rộng rãi và chương trình an sinh xã hội đem lại nhiều hy vọng sẽ hình
thành một xã hội liên đới. Giai đoạn này cũng xuất hiện một số dấu hiệu đầu
tiên của việc “giải băng” trong mối tương quan căng thẳng giữa hai khối đối
nghịch, Hoa Kỳ và Liên Xô.
Cũng chính
thời gian đó, Đức Gioan XXIII đảm nhận sứ vụ lãnh đạo Giáo Hội Công giáo. Với
cái nhìn ngôn sứ, ngài nhận diện “những dấu chỉ thời đại” và chủ trương mở tung
cánh cửa để đối thoại với mọi người. Theo ngài, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội cần được tái nghiên cứu trong
bối cảnh của các vấn đề mới mẻ và phức tạp của thời đại. Bên cạnh vấn đề thợ
thuyền và kỹ nghệ hóa cố hữu, nhân loại đang đối diện với những vấn đề mới:
Hiện tượng xã hội hóa, phong trào phụ nữ, tình trạng lầm than ở nông thôn, việc
gia tăng dân số, sự bế tắc của các nước đang phát triển.
Chênh lệch
giữa người giàu và người nghèo trong cùng một nước, cũng như giữa các nước với
nhau, ngày càng rõ rệt và sâu thẳm hơn. Số phận của các nước đang phát triển
thật ảm đạm và xem ra khó tìm được lối thoát trong tương lai gần.
Trong
thông điệp “Mẹ và Thầy” (1961), sau khi ghi nhận yếu tố
tích cực về mức tăng trưởng kinh tế nhanh và cao nhất kể từ sau thế chiến thứ
II cho đến lúc đó, Đức Gioan XXIII nhắc lại nguyên tắc cố hữu của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội: Làm sao
“tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội phải song hành để mọi thành phần
trong xã hội được tham dự một cách thích đáng vào tăng trưởng tài sản của quốc
gia”. Nói rõ hơn, đối với Giáo Hội, “thịnh vượng kinh tế của một nước không chỉ
nằm ở tổng số lượng của cải, mà còn lệ thuộc nơi việc phân phối của cải đó để
làm sao đảm bảo việc thăng tiến của các công dân”[2].
Đức Gioan
XXIII coi phát triển là “vấn đề của thời đại” và ngài đặc biệt quan tâm đến
phát triển nông thôn. Với tiến trình tăng trưởng kinh tế, khoảng cách giữa nông
thôn với thành thị ngày càng nới rộng. Nông thôn ngày càng bị thiệt thòi hơn và
hiện tượng giới trẻ bỏ nông thôn lên thành thị mưu sinh mỗi ngày tăng cao hơn.
Theo ngài một chương trình phát triển quân bình và công bằng, “không thể chỉ
giới hạn vào việc giải quyết mối tương quan giữa người lao động với xí nghiệp
hay ban điều hành, mà còn liên quan đến mối tương quan giữa các khu vực kinh tế
khác nhau, giữa vùng phát triển và vùng chậm phát triển trên bình diện quốc gia
cũng như quốc tế”[3].
Thao thức
của ngài là làm sao tìm kiếm giải pháp cho tình trạng mất thăng bằng mới giữa
khu vực nông thôn với thành thị: “Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng mất thăng
bằng về sản xuất giữa khu vực nông nghiệp với khu vực kỹ nghệ và dịch vụ; để mức sống của dân cư tại nông thôn không quá cách
biệt với mức sống của dân thành thị; để nông thôn không mang mặc cảm tự ti,
nhưng ngược lại họ xác tín rằng trong môi trường nông thôn họ cũng có thể phát
triển nhân cách qua lao động và nhìn tương lai với lòng tự tin”. Chính vì vậy,
chương trình phát triển kinh tế cần quan tâm nhiều hơn nữa đến nông thôn: cần
trang bị cho nông thôn máy móc tối tân, kỹ thuật canh tác mới với đa dạng hóa
về cây trồng, giống tốt, xí nghiệp nông nghiệp... Nói cách khác, cần có một
chính sách kinh tế nông nghiệp tân tiến, với chính sách thuế khóa thích hợp, hệ
thống tín dụng, an sinh xã hội, giá cả nông phẩm và nhất là cơ cấu xí nghiệp
nông nghiệp[4].
Một vấn đề
quan trọng khác chi phối sâu xa sinh hoạt quốc tế đó là mối tương quan lệ thuộc
giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển: “Các nước phát triển
hưởng một mức sống cao, còn các nước khác túng thiếu nặng nề. Tình liên đới nối
kết tất cả mọi người trong một gia đình duy nhất đòi hỏi các nước dư thừa các
phương tiện sinh sống không được thờ ơ đối với các nước mà dân chúng ngụp lặn
trong cảnh khốn cùng, thiếu thốn, nghèo đói, không có nổi những điều kiện sơ
đẳng để làm người. Hơn thế nữa, trong khung cảnh lệ thuộc hỗ tương càng ngày
càng chặt chẽ giữa các dân tộc, một nền hòa bình bền vững và đầm ấm khó lòng
thể hiện được, nếu những hoàn cảnh kinh tế và xã hội đôi bên còn quá cách biệt”[5].
Giáo Hội
được mời gọi để cộng tác với tất cả mọi người ngõ hầu xây dựng tình liên đới
đích thực và đẩy mạnh công cuộc phát triển. Tuy nhiên, không thể giới hạn phát
triển kinh tế vào việc thỏa mãn nhu cầu vật chất, mà cần cổ võ việc đề cao phẩm
giá con người và mối tương quan huynh đệ giữa các dân tộc. Giải pháp chân thật
chỉ có thể tìm thấy qua nỗ lực phát triển kinh tế và đẩy mạnh tiến bộ xã hội,
theo đường hướng biết tôn trọng nhân phẩm, công bằng và các chân giá trị của
cuộc sống.
Với thông
điệp “Hòa bình trên thế giới”, thông điệp đầu tiên không chỉ gửi
cho người Công giáo mà còn gửi đến tất cả mọi người thành tâm thiện chí, Đức
Gioan XXIII đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc hợp tác quốc tế để
đẩy mạnh công cuộc phát triển và kiến tạo hòa bình thế giới, trên nền tảng “chân
lý, công lý, bác ái và tự do”. Thông điệp kêu gọi các nhà cầm quyền, đặc
biệt các vị lãnh đạo các tổ chức quốc tế “nghiên cứu và giải quyết các vấn đề
liên hệ đến công thiện công ích trong lãnh vực kinh tế, xã hội, chính trị hoặc
văn hóa”.
Thông điệp
cũng thiết tha mời gọi các Kitô hữu tham gia vào công tác thăng tiến xã hội.
Khi dấn thân vào lãnh vực kinh tế – xã hội, dĩ nhiên, tín hữu phải phán đoán và
lấy quyết định dưới ánh sáng của Đức tin. Tuy nhiên, để hoạt động hữu hiệu
trong thế giới hôm nay, niềm tin ấy cần đi kèm với khả năng chuyên môn.
"Muốn đưa các nguyên tắc lành mạnh vào trong cuộc sống của một nền văn
minh và để thúc đẩy nền văn minh ấy thấm nhuần tinh thần Kitô Giáo (...), tín
hữu cần hiện diện trong các định chế xã hội và tạo ảnh hưởng trên các cơ cấu xã
hội ấy từ bên trong. Nhưng đặc điểm của văn minh ngày nay nằm ở tiêu chí cao về
khoa học và kỹ thuật, bởi vậy chẳng ai có thể tác động trong các tổ chức đó,
nếu thiếu năng lực khoa học, khả năng kỹ thuật và kinh nghiệm chuyên môn”[6].
Tuy nhiên,
để đạt được tiến bộ đích thật cho nhân loại, kiến thức khoa học mà thôi chưa
đủ. Cần có thêm giá trị nhân bản và đạo đức mới hy vọng đạt được một phát triển
đúng nghĩa. Thật vậy, tiến bộ đích thực “đòi hỏi phải lấy chân lý làm nền tảng
cho các mối tương quan, lấy công lý làm tiêu chuẩn, lấy tương thân tương ái làm
động cơ và lấy tự do làm khung cảnh sống. Người ta chỉ có thể đạt được mục tiêu
này nếu đặc biệt quan tâm đến các điểm sau đây: trước hết, trong sinh hoạt trần
thế, phải tuân theo những định luật riêng của mỗi lãnh vực và áp dụng những
phương pháp đặc loại của nó; tiếp đến, cần hành động theo đúng tiêu chuẩn đạo
đức, biết sống như những chủ thể thực thi quyền lợi, hoàn thành bổn phận và thi
hành đầy đủ công tác phục vụ của mình. Sau hết, cần tiến hành sinh hoạt của
mình như một đáp trả trung thành lời dạy của Thiên Chúa (…) và như đóng góp
phần mình vào việc thực hiện chương trình quan phòng của Người trong lịch sử”[7].
16.2- Phát triển kinh tế và phát triển xã hội
Công đồng
Vatican II hiện đại hóa Giáo huấn xã hội và giúp Giáo Hội trả lời cho một số
nhu cầu đặc biệt của thời đại. Hiến chế về "Giáo Hội trong thế giới hôm
nay", tài liệu nền tảng để hiểu quan điểm của Công đồng về lãnh vực xã
hội, trình bày một Giáo Hội, “triệt để liên đới với con người và với lịch sử
nhân loại”[8]. Từ viễn tượng nhân học Kitô giáo và sứ vụ loan báo Tin
Mừng của Giáo Hội, Hiến chế đã đề cập một cách có hệ thống cuộc sống kinh tế và
xã hội của con người thời đại.
Trước
tiên, Hiến chế đưa ra một cái nhìn tổng quan về một nhân loại đầy âu lo và hy
vọng, ánh sáng và bóng tối: “Chưa bao giờ nhân loại dồi dào của cải, khả năng
và quyền lực kinh tế như ngày nay, thế mà cho đến nay, một phần rất lớn nhân
loại trên thế giới vẫn quằn quại trong cảnh đói ăn và khốn cùng, rồi không biết
bao nhiêu người đang chịu cảnh mù chữ. Chưa bao giờ con người ý thức mãnh liệt
giá trị của tự do như ngày nay. Đang khi đó, lại tái xuất hiện những hình thức
nô lệ mới về mặt xã hội cũng như tâm lý. Giữa lúc con người cảm thấy mãnh liệt
sự duy nhất, cũng như sự kiện tất cả cùng lệ thuộc nhau trong mối liên đới cần
thiết, thì thế giới lại bị chia rẽ một cách trầm trọng bởi những lực lượng
tương phản. Thực vậy, vẫn còn kéo dài đến hôm nay những bất đồng trầm
trọng về chính trị, xã hội, kinh tế, chủng tộc và ý thức hệ. Và cuộc chiến diệt
vong vẫn đang đe dọa nhân loại. Đang khi sự trao đổi tư tưởng tiến triển, thì
những ngôn ngữ dùng để diễn tả những quan niệm có tầm mức quan trọng lại mang ý
nghĩa khác nhau tùy theo từng ý thức hệ riêng biệt. Sau hết, người ta nỗ lực đi
tìm một tổ chức trần thế hoàn hảo hơn, nhưng lại không mảy may quan tâm đến sự
phát triển tinh thần tương xứng”[9].
Sau khi
phân tích tình trạng mâu thuẫn, tranh tối tranh sáng của xã hội hôm nay, Hiến
chế nêu lên những căng thẳng và âu lo mà con người thời đại đang phải đối diện:
Họ thao thức và trăn trở giữa trăm ngàn khát vọng và thất vọng, giữa ước muốn
hoàn thành nhân tính của mình và nỗi thất vọng chưa tìm ra ý nghĩa đích thực
của cuộc sống. Từ những nhận định thuộc lãnh vực kinh tế - xã hội đó, Hiến chế
dẫn chúng ta đến những suy tư liên quan tới những giới hạn hiện sinh và khát
vọng sâu thẳm của con người:
Thật vậy,
“bởi vì là một tạo vật, con người nhận thấy mình bị giới hạn trong nhiều phương
diện, nhưng mặt khác, lại cảm thấy mình có những khát vọng vô biên và cảm thấy
được mời gọi vươn tới cuộc sống cao cả hơn. Bị lôi kéo giữa nhiều quyến rũ, con
người luôn bị bó buộc phải chọn lựa cái này và loại trừ cái khác. Hơn nữa, vì
yếu đuối và tội lỗi, nhiều khi con người làm điều mình không muốn và không thực
hiện nổi điều mình ước muốn. Bởi vậy, có sự phân chia trong chính con người, từ
đó, nẩy sinh bao nhiêu bất hòa trong xã hội. Nhiều người vì thấm nhiễm chủ
nghĩa duy vật thực hành nên đã không nhận thức được thảm trạng này, hay vì nếp
sống cơ cực đè nặng không cho phép họ nghĩ tới nó (...). Tuy nhiên, trước đà
tiến triển hiện nay của thế giới, ngày càng có nhiều người nêu lên những vấn đề
hết sức căn bản hoặc nhận thức chúng một cách sâu sắc và mới mẻ như: Con người
là ai? Đâu là ý nghĩa của khổ đau, sự ác, cái chết? Tại sao chúng vẫn tiếp tục
hiện diện bất chấp biết bao nhiêu tiến bộ? Có ích gì những chiến thắng phải trả
giá quá đắt? Con người có thể trông đợi gì nơi xã hội? Cái gì sẽ tiếp theo sau
cuộc sống trần gian này?”[10].
Nhờ tiến
bộ của khoa học kỹ thuật, con người hiện đại chế ngự thiên nhiên, mở rộng hợp
tác kinh tế giữa các quốc gia và gia tăng số lượng hàng hóa, dịch vụ. Tuy
nhiên, bên cạnh yếu tố tích cực đó, không thiếu những lý do gây âu lo và trăn
trở. “Nhiều người, nhất là ở những vùng kinh tế phát triển, như bị yếu tố kinh
tế chi phối hoàn toàn, đến độ, trong các quốc gia theo kinh tế tập thể cũng như
trong các quốc gia khác, tất cả đời sống cá nhân cũng như xã hội hầu như bị
thấm nhiễm bởi não trạng kinh tế. Giữa một thời đại, mà nếu sự phát triển đời
sống kinh tế được điều khiển và hướng dẫn cách hợp lý và nhân đạo, có thể giảm
thiểu bất quân bình xã hội, thì lại càng làm cho bất quân bình ấy trầm trọng
hơn và đôi khi còn dẫn đến tình trạng thoái hóa về điều kiện sống của những người
yếu thế hay sự miệt thị những người nghèo”[11].
Đối diện
với hiện tượng đó, Công đồng tái xác quyết nguyên tắc căn bản: phát
triển kinh tế để phục vụ con người:“Mục đích căn bản của sản xuất không chỉ
thuần túy tăng sản phẩm, lợi nhuận hay quyền lực, mà là để phục vụ con người,
con người toàn diện, từ nhu cầu vật chất đến đòi hỏi tinh thần, luân lý, tâm
linh và tôn giáo của họ. Chúng tôi muốn nói: phải phục vụ mọi người và mọi nhóm
người, không phân biệt chủng tộc hay lục địa. Do đó, mặc dù hoạt động kinh tế
được thực hiện theo phương pháp và luật lệ riêng, nhưng vẫn phải nằm trong phạm
vi trật tự luân lý”[12].
16.3- Phát triển mỗi người và mọi người
Vào cuối
thập niên 60’, nền kinh tế thế giới rơi vào tình trạng suy thoái vì sự thất bại
của mô hình phát triển chỉ dựa trên tăng trưởng kinh tế hay tăng trưởng về số
lượng. Chính trong hoàn cảnh đó, thông điệp “Phát triển các dân tộc”(1967)
được ban hành để tiếp tục suy nghĩ về vấn đề phát triển và chậm tiến theo các
chiều kích kinh tế, nhân bản và đạo đức. Qua thông điệp này, Đức Phaolô VI vừa
phê phán mô hình phát triển chỉ dựa trên tăng trưởng số lượng, vừa đề nghị mô
hình “phát triển toàn diện con người và mọi người”.
Trước hết,
Đức Giáo chủ cho rằng phát triển là khát vọng chính đáng của mỗi người và của
mọi dân tộc, nhất là các dân tộc đang cố vùng vẫy để thoát khỏi cảnh nghèo đói,
chậm tiến, lạc hậu. Thông điệp đã liệt kê hiện tượng này như sau: “Khát vọng
của con người hôm nay là thoát khỏi cảnh lầm than, được đảm bảo về cuộc sống,
sức khỏe, việc làm ổn định; được có trách nhiệm nhiều hơn, khỏi bị áp bức,
thoát khỏi những tình cảnh gây tổn thương đến nhân phẩm; được học hành hơn. Nói
tóm lại, được làm, được biết và có nhiều
hơn để sống cho ra người hơn. Thế nhưng, đại đa số vẫn
bị bó buộc sống trong những điều kiện không bao giờ có thể thực hiện được
nguyện vọng chính đáng này”[13].
Đức Giáo
chủ nghĩ rằng nếu cứ phó mặc cho tiến trình tự nhiên thì mô hình phát triển dựa
trên tăng trưởng kinh tế này “không những không giảm bớt tình trạng chênh lệch,
mà còn dẫn đưa thế giới tới một tình trạng trầm trọng hơn: Các nước giàu tăng
trưởng nhanh, trong khi đó các nước nghèo lại phát triển chậm. Tình trạng chênh
lệch cứ gia tăng: Một số nước sản xuất dư thừa thực phẩm, một số nước khác lại
thiếu hụt thê thảm và cảm thấy sự xuất khẩu của mình trở nên bấp bênh”[14]. Thêm vào đó, những tranh chấp về xã hội, những xung đột
giữa các thế hệ và các nền văn hóa làm cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng và
nguy hiểm. Giải quyết vấn đề chậm tiến bằng nổi loạn hay bạo động trở thành một
cám dỗ thường xuyên đối với một số nước nghèo, nhất là giới trẻ. Nhân loại có
nguy cơ ngồi trên một trái bom nổ chậm!
Thông điệp
nhìn rõ tính chất “lưỡng diện” của tăng trưởng kinh tế: Đồng vốn và của cải nơi
thừa, nơi thiếu, kẻ ăn không hết, người lần không ra. Nhất là, “đối với một dân
tộc cũng như đối với một cá nhân, có nhiều của cải hơn không phải là mục đích
sau cùng. Tất cả các tăng trưởng đều có hai mặt: Nó cần thiết để con người được
nên người hơn, nhưng một khi nó trở nên giá trị tối thượng thì nó sẽ giam hãm con
người, không cho phép họ nhìn xa hơn. Lúc đó, lòng người trở nên chai đá và
tinh thần khép lại, con người không còn đến với nhau vì tình nghĩa, mà chỉ vì
lợi nhuận. Lợi nhuận dễ làm cho con người chống đối và chia rẽ nhau. Vì vậy,
nếu chỉ tìm kiếm của cải mà thôi thì không những cản trở sự phát triển của con
người, mà còn chống lại sự cao cả đích thực”[15].
Từ những
nhận định đó, Đức Phaolô VI đi đến kết luận: Tăng trưởng kinh tế và tiến bộ kỹ
thuật không đủ để Trái đất này trở nên nhân đạo và dễ sống hơn. Muốn đạt tới
phát triển đích thực thì phát triển kinh tế phải đồng hành với phát triển xã
hội. Nhìn từ quan điểm Kitô giáo, “không thể chỉ giản lược phát triển vào tăng
trưởng kinh tế. Bởi vì phát triển đích thực phải toàn diện, nghĩa là thăng tiến
con người toàn diện và tất cả mọi người”[16]. Tiếp đó, ngài trích dẫn quan điểm của Lm L.J. Lebret, OP.
và tuyên bố rằng: “Chúng tôi không chấp nhận tách rời kinh tế khỏi vấn đề của
con người, phát triển khỏi những nền văn hóa liên hệ. Đối với chúng tôi, điều
quan trọng là con người, mỗi người, mỗi nhóm người, cho đến toàn thể nhân loại”[17].
Mục đích
chính của thông điệp là giới thiệu với nhân loại mô hình phát triển tương xứng
với con người hơn. Theo thông điệp, “đây là một tiến trình đi từ những điều
kiện ít nhân bản hơn đến những điều kiện nhân bản hơn, cho mỗi người và cho mọi
người (…). Nhân bản hơn có nghĩa là tiến từ cảnh lầm than đến tình trạng sở hữu
những gì cần thiết, loại trừ các tệ đoan xã hội, mở mang kiến thức, hấp thụ văn
hóa. Nhân bản hơn cũng có nghĩa là tôn trọng nhân phẩm của tha nhân, hướng tới
tinh thần khó nghèo, mưu cầu công ích, ước muốn hòa bình. Nhân bản hơn còn có
nghĩa là nhìn nhận những giá trị tối thượng và nhìn nhận Thiên Chúa là căn
nguyên, cũng như cùng đích của mọi giá trị”[18].
Đức Phaolô
VI coi việc phát triển mọi chiều kích của con người và phát triển mọi người
chính là hành trình thực hiện nền nhân bản viên mãn. Đây là một tiến trình nhân
bản nhằm làm phát triển con người trọn vẹn, nhưng không phải là thứ nhân bản
khép kín trước thế giới siêu hình và tâm linh. Trái lại, đó là nền nhân bản mở
rộng, giúp con người vượt khỏi chính mình, để chắp cánh bay cao hơn nữa, bởi vì
như Pascal đã nói một cách chí lý: “Con người vượt trên con người một cách
vô cùng tận”[19].
Khi thông
điệp “phát triển các dân tộc” được ban hành, một số chuyên viên đã
chế nhạo là không tưởng, viễn mơ. Nhưng với thời gian, nhiều người đã nhận ra ý
nghĩa chiều kích nhân bản mà thông điệp muốn chuyển đạt. Kể từ đầu thập niên
90’, Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc đưa ra “chỉ số phát triển
con người” để thẩm định mức độ phát triển của mỗi nước[20]. Ngoài yếu tố kinh tế, chỉ số này còn đưa thêm ba yếu tố
khác để đo lường mức độ phát triển của con người đó là: tuổi thọ, tri thức (số người biết chữ và số năm đi học ở trường)
và bảo vệ môi trường[21]. Sau đó, người ta đã tiếp tục đưa
thêm các chỉ số xã hội khác như bình đẳng giới tính, thái độ đối với sắc tộc ít
người... Như vậy, phát triển đích thực
không chỉ đồng hóa với việc nâng cao mức thu nhập hay gia tăng vốn kinh tế, mà
còn liên hệ mật thiết đến tư bản nhân văn (vốn con người), yếu tố văn hóa, tình
trạng y tế, bảo vệ môi trường, công bằng xã hội, hệ thống phân phối lợi tức của
mỗi nước…
16.4- Thách đố mới của phát triển
Nhân dịp
kỷ niệm hai mươi năm thông điệp “Phát triển các dân tộc”, Đức Gioan
Phaolô II đã trở lại đề tài phát triển qua thông điệp “Quan tâm đến vấn đề
xã hội”. Nhìn trên mức độ vĩ mô, nền kinh tế thế giới đã tăng trưởng
mạnh và xét về mặt lý thuyết “phát triển toàn diện” không phải là
sứ mạng hoàn toàn bất khả thi. Tuy nhiên, phải đau lòng nhìn nhận rằng, vì
những cưỡng chế do thiên nhiên, do cơ chế và do con người, cho đến nay mục tiêu
“phát triển các dân tộc”... vẫn chỉ là một ước mơ. Không những chưa thực
hiện được tăng trưởng kinh tế đồng đều, mà hơn nữa tình trạng chênh lệch giàu
nghèo trên thế giới ngày càng sâu thẳm hơn.
So sánh
với 20 năm về trước, vấn đề xã hội vào cuối thập niên 80’ trở nên phức tạp và
trầm trọng hơn. Người ta thấy rõ thế giới chia thành nhiều khối: thứ
Nhất, thứ Hai, thứ Ba và ngay cả thứ Tư. Không những
sự thịnh vượng của Bắc bán cầu vẫn chưa chảy xuống Nam bán cầu, mà trái lại hố
phân cách giữa Bắc bán cầu phát triển và Nam bán cầu nghèo đói ngày càng sâu thẳm
hơn. Một trong những nguyên nhân chính của tình trạng này là do tiến trình tăng
trưởng kinh tế của “các nước phát triển và các nước đang phát triển, trong
những năm vừa qua, đã có hiện tượng tăng tốc khác nhau, vì vậy sự chênh lệch
giàu nghèo ngày càng tăng thêm, khiến các nước đang phát triển, đặc biệt các
nước nghèo nhất, bị rơi vào tình trạng tụt hậu nghiêm trọng”[22].
Tình trạng
chậm tiến về kinh tế và xã hội không những hiện rõ trong các nước đang phát
triển, mà ngay cả trong lòng những nước phát triển. Nó xuất hiện lồ lộ qua “sự
chênh lệch trong các lãnh vực khác nhau: sản xuất và phân phối lương thực, vệ
sinh, sức khỏe và nhà ở, nước uống, điều kiện làm việc, nhất là đối với phụ nữ,
tuổi thọ và các chỉ số về kinh tế – xã hội”. Nếu trước đây Đức Phaolô VI thường
đề cập đến sự chênh lệch giàu nghèo, thì bây giờ phải thay thế bằng các từ “hố
sâu” hay “vực thẳm” cách biệt giàu – nghèo[23].
Ngoài
những vấn đề nêu trên, trong thế giới đương đại còn xuất hiện những hình thức
mới của nghèo đói và chậm tiến ngay trong lòng các nước phát triển. Bên cạnh
nghèo đói vật chất, còn có những hình thức nghèo đói khác về văn hóa, tinh
thần, quyền làm người. Đức Gioan Phaolô II nêu câu hỏi: “Việc phủ nhận hay giới
hạn nhân quyền phải chăng không nghèo nàn hóa con người giống như hay còn tệ
hơn việc tước đoạt của cải vật chất? Một phát triển mà không công nhận trọn vẹn
các quyền lợi đó có phải là một phát triển nhân bản đích thực hay không? Tóm
lại, tình trạng chậm tiến trong thời đại chúng ta không chỉ là kinh tế, mà còn
văn hóa, chính trị và nhân bản”[24].
Thông điệp
“Quan tâm đến vấn đề xã hội” nêu lên một sự kiện “mang dấu ấn thời
đại” để cho chúng ta thấy rõ sự mâu thuẫn và nghịch lý sâu thẳm của vấn đề:
“Bên cạnh nỗi thống khổ, không thể chấp nhận được, do tình trạng chậm phát
triển gây nên, chúng ta chứng kiến một thứ “phát triển quá độ”, cũng
không thể chấp nhận được, bởi vì cũng giống như trường hợp thứ nhất, nó đi
ngược với điều thiện và hạnh phúc đích thực. Thực vậy, phát triển quá độ hệ tại
nơi sự kiện vật chất quá ê hề cho một số tầng lớp xã hội, dễ dàng biến con
người thành nô lệ cho sự “chiếm hữu” và hưởng thụ tức thời, chẳng còn viễn ảnh
nào khác ngoài việc tăng thêm nhiều vật dụng hoặc thay thế những cái đã sử dụng
bằng những cái khác hoàn hảo hơn. Người ta gọi nó là văn minh “tiêu dùng” hay
tiêu thụ chủ nghĩa, với biết bao nhiêu đồ “dư thừa” và “phế thải”.
Tất cả
chúng ta là nhân chứng của hậu quả đau buồn do mù quáng chạy theo xã hội tiêu
thụ: trước hết, đó là một hình thức duy vật tầm thường và đồng thời biểu lộ
tình trạng hoàn toàn không mãn nguyện, bởi vì người ta hiểu ngay rằng – nếu
không biết dự phòng chống lại cơn lụt quảng cáo và sự mời mọc không ngừng của
các sản phẩm hấp dẫn – thì càng chiếm hữu càng muốn có thêm, trong khi đó những
khát vọng sâu thẳm vẫn chưa được thỏa mãn và rất có thể bị bóp nghẹt” [25].
Vì đảo lộn
bậc thang giá trị như vậy, nhiều người hôm nay đang mất định hướng. Họ cắm đầu
chạy theo “chiếm hữu”, mà lãng quên “hiện hữu” và có nguy cơ
đánh mất chính bản thân. Đối diện với thảm trạng đó, Đức Gioan Phaolô II quả
quyết phát triển đích thực không chỉ nhằm tăng thêm sản phẩm, của cải và dịch
vụ, mà cần nhắm tới việc phát triển và thực hiện con người toàn diện.
Trong
thông điệp “Bách chu niên”, ngài tiếp tục suy nghĩ về xã hội tiêu
thụ và hệ quả đặc biệt của nó. Nếu trong giai đoạn tiền phát triển, con người
có ít nhu cầu và thường dồn hết nỗ lực để giải quyết nhu cầu thể lý và vấn đề
sinh tồn, thì trong xã hội phát triển hiện nay, dĩ nhiên vẫn phải ăn, phải mặc,
nhưng là “ăn ngon, mặc đẹp”. Phẩm chất của cuộc sống ngày phải cao hơn.
Một số nhu cầu văn hóa, nghệ thuật và tâm linh ngày xưa được coi là xa xỉ phẩm,
bây giờ trở thành nhu cầu cần thiết cho một cuộc sống có ý nghĩa.
Thông điệp
công nhận rằng: “Đòi hỏi một cuộc sống được thỏa mãn hơn về phẩm chất và giàu
có hơn, tự nó, là điều chính đáng. Tuy nhiên, cần phải lưu ý tới trách nhiệm
mới và các mối nguy hiểm gắn liền với giai đoạn lịch sử này (…).Ước muốn
sống khá hơn không phải là xấu, nhưng thật là sai lầm lối sống cho rằng sống
khá hơn khi hướng đến chiếm hữu, chứ không tiến tới hiện
hữu. Nhất là khi người ta muốn chiếm hữu nhiều hơn không
phải để “hiện hữu” hơn, mà để hưởng thụ nhiều hơn và coi đó như
chính mục đích cuộc đời. Do đó, cần nỗ lực kiến tạo những lối sống theo đó việc
kiếm tìm chân, thiện và mỹ, cũng như mối tương giao với người khác để đạt tới
một phát triển chung, phải là những yếu tố quyết định cho việc chọn lựa tiêu
thụ, tiết kiệm và đầu tư”[26].
Chứng kiến
thảm cảnh của cuộc chiến tranh phi lý tại Vịnh Ba Tư, một lần nữa, Đức Gioan
Phaolô II nhắc lại lời kêu gọi thống thiết: “Đừng bao giờ có chiến tranh!”.
Tuy nhiên, theo ngài, “không thể quên được rằng gốc rễ hiện thực và trầm trọng
của chiến tranh là tình trạng bất công, thất vọng vì những nguyện vọng hợp pháp
không được thực hiện, cảnh khốn cùng và hành động bóc lột đám đông nhân loại
tuyệt vọng, những người không còn nhìn thấy khả năng khách quan để cải thiện
cuộc sống bằng những con đường hòa bình. Chính vì vậy, phát triển là
tên gọi khác của hòa bình. Giống như chúng ta phải có trách nhiệm tập
thể để tránh chiến tranh, thì chúng ta cũng có trách nhiệm tập thể để cổ võ
phát triển”[27].
Nếu không
cải tiến kỹ thuật, cách thức quản trị và mô hình sản xuất thì chắc chắn sẽ
không có phát triển. Cũng chẳng có thể có phát triển nếu không có tăng trưởng
kinh tế và gia tăng sản phẩm cũng như dịch vụ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao
của người tiêu thụ. Tuy nhiên, mô hình phát triển chỉ dựa trên tăng trưởng kinh
tế mà thôi, chưa đủ để giải quyết những vấn đề gai góc của xã hội hôm nay: sự
chênh lệch giàu nghèo không những không giảm mà ngày một tăng cao, tài nguyên
thiên nhiên bị khai thác đến cạn kiệt, môi trường sống bị phá hủy. Từ thực tế
phức tạp và hai mặt của phát triển, đòi hỏi phát triển kinh tế phải song hành
với phát triển xã hội và phát triển con người. Một mô hình phát triển đích thực
phải là: Phát triển quân bình, bền vững và toàn diện con người.
Để đạt tới
mục tiêu đó, cần phải thực hiện khá nhiều biến đổi cá nhân cũng như
cơ chế, ở mức độ quốc gia cũng như trên bình diện quốc tế. Thông
điệp “Quan tâm đến vấn đề xã hội” đề nghị duyệt lại chính các tổ
chức quốc tế như thương mại quốc tế, ngân hàng thế giới, hệ thống trao đổi kỹ
thuật … Không ai có thể phủ nhận là các tổ chức này đã đóng góp rất nhiều cho
nước đang phát triển. Nhưng nhân loại đã bước vào một giai đoạn mới và một khúc
quanh quan trọng trong lịch sử, vì vậy cần có tầm nhìn chiến lược và một định
hướng mới phù hợp hơn với lợi ích của các nước nghèo[28].
Hơn bốn
mươi năm sau, Đức Biển Đức XVI lại tiếp tục suy tư về “phát triển toàn diện”,
trong thời đại toàn-cầu-hóa, đa dạng, đa cực và hết sức phức tạp. Ngay trong
những số đầu tiên của chương I, thông điệp “Tình yêu trong chân lý” đã
thú nhận là khó tìm được giải pháp đơn thuần và đồng nhất cho những vấn đề cam
go này. Cũng chẳng có nước nào có thể giải quyết một mình những vấn đề kinh tế
và nhân sinh của thế giới hôm nay. Chính vì vậy, cần phải xét lại các yếu
tố và tiêu chuẩn của phát triển. Theo thông điệp, “phát triển đích thực của con
người liên hệ đến việc phát triển toàn thể con người trong mọi chiều kích.
Thiếu vắng viễn cảnh đời sống vĩnh cửu, tiến triển nhân bản ở thế giới này sẽ
thiếu sinh khí. Khép kín trong lịch sử, phát triển có nguy cơ bị giản lược vào
tăng trưởng “cái có” mà thôi. Như vậy, nhân loại đánh mất sự can đảm để
sẵn sàng đón nhận sự thiện cao cả hơn, để thực hiện những sáng kiến lớn lao và
vô vị lợi, mà bác ái phổ quát thúc đẩy (…). Vắng bóng Thượng đế, phát triển
hoặc sẽ bị phủ nhận hoặc chỉ trao phó vào tay con người, mà khi con người nuôi
tham vọng tự cứu độ thì kết cục sẽ cổ võ cho một thứ phát triển phi nhân”[29].
Đề cập đến
hiện tượng chậm tiến, Đức Biển Đức XVI đồng ý với thông điệp “Phát triển các
dân tộc” khi cho rằng nguyên nhân của nó không chỉ nằm ở lãnh vực vật
chất, mà còn liên hệ đến tư tưởng, ước muốn, tham vọng, ý đồ của con người.
Nhưng trên hết mọi sự, nguyên nhân chậm phát triển là do “thiếu tình huynh đệ
giữa người với người và giữa các dân tộc với nhau”. Vì vậy, xuất hiện một hiện
tượng phi lý: “Xã hội càng toàn cầu hóa càng làm cho chúng ta xích lại gần nhau
hơn, nhưng không làm cho chúng ta trở thành anh chị em. Lý trí, tự nó, có khả
năng hiểu sự bình đẳng giữa người với người và thiết lập một cộng đồng dân sự,
nhưng không thể tạo dựng tình huynh đệ”[30].
Phát triển
toàn diện đòi hỏi phải lưu ý đến mọi chiều kích và mọi khát vọng thâm sâu của
con người. Do đó, bên cạnh yếu tố khoa học – kỹ thuật, cần phải lưu ý đến những
chiều kích quan trọng khác của phát triển như xã hội, nhân bản và tâm linh. Nói
rõ hơn, “phát triển phải bao gồm tăng trưởng tâm linh, chứ không phải chỉ có
tăng trưởng vật chất mà thôi, bởi vì con người là một “kết hợp hồn và xác”,
xuất phát từ tình thương sáng tạo của Thiên Chúa và được hứa hẹn cuộc sống vĩnh
cửu (…). Vong thân xã hội và tâm lý, với nhiều biến chứng thần kinh, đặc điểm
của một xã hội sung túc, cũng được giải thích bởi những nguyên nhân thuộc lãnh
vực tâm linh. Một xã hội sung túc, phát triển về vật chất, nhưng tâm hồn bị
cưỡng chế, thì tự nó không hướng tới sự phát triển đích thực”[31].
Cuộc khủng
hoảng kinh tế và biến đổi khí hậu đã làm cho mục tiêu thiên niên kỷ của Liên
Hiệp Quốc về xóa đói giảm nghèo một lần nữa lại phải triển hạn. Theo báo cáo
ngày 26-10-2009 của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên Hiệp Quốc,
thế giới hiện có khoảng 1,02 tỉ người đang ở trong tình trạng “đói khẩn cấp”,
nghĩa là tăng thêm 200 triệu người đói trong 2 năm qua. Như vậy, trong thế giới
hôm nay, cứ 6 người thì có một người đói, một con số rất bi thảm và đáng xấu hổ
cho nhân loại ở thời toàn cầu hóa. Thách đố “phát triển toàn diện”, vì
vậy, lại tiếp tục được đặt ra một cách khẩn thiết hơn.
[1] Kể từ năm 1990, mỗi năm, Chương trình Phát
triển của Liên Hiệp Quốc (UDNP) công bố một báo cáo về “Phát triển con người” (Human
Developpment Report). Chúng tôi sử
dụng một số dữ kiện trong các báo cáo này. Có thể xem thêm Đào Minh Hương, Đặng Xuân Thanh, “Lý thuyết
phát triển: Từ xã hội đến con người”, Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 3 (24) 2006, tr.
38-39; Phan Phúc Liên, Kinh tế học phát
triển, Tp HCM, 2000.
[20] HDI viết tắt của “Human Development
Index ”. Xin coi UDNP, Concept
and Measurement of Human Development, 1990; Nguyễn Quán, Chỉ tiêu và chỉ số phát triển con người, Nxb. Thống kê, Hà Nội, 1995, tr. 29-30.
[21] Dựa trên tiêu chuẩn này, Báo cáo về Phát
triển Con người của Liên Hiệp Quốc cho biết năm 2004, HDI của người Việt Nam
xếp thứ 112/177 quốc gia, năm 2005 tăng lên bốn bậc, nghĩa là xếp thứ 108/177
quốc gia (tính từ trên xuống).
[22] Gioan Phaolô II, Quan tâm đến vấn đề xã hội, số 14.
[23] Theo báo cáo "Trạng thái tương lai" năm 2007 của Trường đại học Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Tokyo, công bố hôm 10-9, thì khoảng cách giàu nghèo trên thế giới ngày càng tăng cao: thu nhập của 225 người giàu nhất thế giới tương đương thu nhập của tổng cộng 2,7 tỉ người, nghĩa là bằng 40% dân số thế giới.
[23] Theo báo cáo "Trạng thái tương lai" năm 2007 của Trường đại học Liên Hiệp Quốc, trụ sở tại Tokyo, công bố hôm 10-9, thì khoảng cách giàu nghèo trên thế giới ngày càng tăng cao: thu nhập của 225 người giàu nhất thế giới tương đương thu nhập của tổng cộng 2,7 tỉ người, nghĩa là bằng 40% dân số thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét