Trang

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

22- MÔI TRƯỜNG SINH THÁI


Hãy cứu lấy Trái đất!”. Đó là tiếng kêu thống thiết đang vang lên từ nhiều nơi, nhiều phía và nhiều cách. Nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu tại Copenhagen, tiếng kêu này càng dồn dập, bi thảm và giận dữ hơn. Trong thời gian hội nghị, rất nhiều tổ chức và cơ quan truyền thông đã nỗ lực tranh đấu cho một hiệp định khung chống biến đổi khí hậu. Trên các tạp chí khoa học, câu hỏi được đặt ra không còn là mức độ tiêu thụ hiện nay ảnh hưởng đến môi trường như thế nào hoặc nhân loại hôm nay phải chịu trách nhiệm về việc phá hủy môi trường sống hay không, mà là liệu chúng ta còn đủ thời gian để vô hiệu hóa thảm họa này hay chăng?

Bài xã luận chung, do báo The Guardian của Anh khởi xướng, được 56 tờ báo thuộc 45 quốc gia chấp nhận, là một thí dụ điển hình trong biết bao cố gắng nhằm vượt lên trên những bất đồng cục bộ để tìm một tiếng nói chung vì tương lai của nhân loại: “Nếu chúng ta không chung tay hành động cương quyết, biến đổi khí hậu sẽ tàn phá hành tinh của chúng ta, và cùng với nó là sự thịnh vượng và an toàn của loài người. Những mối hiểm họa ngày càng trở nên hiển hiện trong một thế hệ qua. Giờ đây các con số thống kê đã bắt đầu lên tiếng: 11 trong 14 năm qua là những năm ấm nhất trong lịch sử, băng ở hai cực đang tan và những diễn biến của giá dầu và lương thực trong năm ngoái báo hiệu một cú sốc trong tương lai (…). Nếu nhiệt độ tăng cao hơn ở mức 3-40C, là mức thấp nhất chúng ta có thể chờ đợi nếu ngồi yên không hành động, thì các lục địa sẽ khô cạn, những vùng đất trồng trọt sẽ biến thành sa mạc. Một nửa số loài sinh vật sẽ biến mất, chưa kể hàng triệu người sẽ mất nơi sinh sống và có những quốc gia sẽ chìm hoàn toàn xuống biển”.
Chính vì vậy, bài xã luận tha thiết ngỏ lời với các chính trị gia: “Chúng tôi kêu gọi các đại biểu từ 192 quốc gia tập hợp ở Copenhagen đừng do dự nữa, đừng tranh cãi nữa, đừng cáo buộc lẫn nhau nữa, mà hãy nắm lấy cơ hội từ thất bại lớn nhất của nền chính trị hiện đại này. Hội nghị hãy đừng là cuộc chiến giữa thế giới giàu và thế giới nghèo, hay giữa phương đông và phương tây. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến tất cả mọi người, và tất cả mọi người phải chung tay giải quyết”[1].
Nhưng, kết cục, Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP 15) đã kết thúc vào tối 18.12.2009 với một “Thỏaước[2] chung chung không mang tính bó buộc và đầy mâu thuẫn. Hội nghị chỉ thừa nhận nhu cầu khẩn thiết phải giữ nhiệt độ không tăng quá 20C, nhưng chưa đạt tới một thỏa thuận chính trị, với những con số cắt giảm cụ thể, có thể đo lường, xác minh và công bố rõ rệt. Nhân loại lại phải tiếp tục gồng mình tranh đấu cho sự sống còn của hành tinh chúng ta.
22.1-   Tương quan giữa con người với môi trường
Sáng Thế, quyển sách đầu tiên của Kinh Thánh Kitô giáo, đã diễn tả mối tương quan hài hòa giữa con người với thiên nhiên qua những hình ảnh và biểu trưng sống động: Thiên nhiên là công trình tạo dựng của Thiên Chúa và là ân huệ Người ban cho con người. Chính Người đã tạo dựng vạn sự từ hư vô và khi nhìn lại từng tạo vật “Người đều thấy nó tốt đẹp” (x. St 1, 4…). Do đó, thiên nhiên không những không phải là sức mạnh thù địch ghê gớm, mà còn là “cách thế biểu lộ chương trình yêu thương và sự thật”[3] của Thiên Chúa đối với loài người.
Thật vậy, đối với Giáo chủ Biển Đức XVI, “thiên nhiên xuất hiện trước con người và được Thiên Chúa ban tặng cho chúng ta làm không gian sống. Thiên nhiên nói với chúng ta về Đấng Tạo Hóa (x. Rm 1,20) cũng như về tình Người yêu thương nhân loại (…). Bởi thế, thiên nhiên cũng là một “ơn gọi”. Thiên nhiên được đặt dưới quyền sử dụng của chúng ta không phải như “một đống phế thải bừa bãi”, mà là một tặng vật của Tạo Hóa, Đấng đã quy định cho chúng những cơ cấu nội tại để con người có thể khám phá ra những định hướng phải tuân thủ nhằm “bảo vệ và canh tác” chúng”[4].
Trong viễn cảnh đó, mọi chương trình phát triển đều phải duy trì mối tương quan hài hòa giữa con người với thiên nhiên và “sự phát triển toàn diện của con người luôn nối kết chặt chẽ với những nghĩa vụ phát xuất từ mối tương quan của con người với môi trường tự nhiên”[5]. Dưới cái nhìn của Giáo huấn xã hội, “mối tương quan của con người với thế giới là một yếu tố cấu thành căn tính của con người. Đây là thành quả của mối tương quan sâu xa hơn nối kết con người với Thiên Chúa”[6]. Từ căn bản đó, thông điệp “Tình yêu trong chân lý” đưa ra một kết luận quan trọng: “Cách thức con người đối xử với môi trường ảnh hưởng đến cách thức con người đối xử với chính mình và ngược lại”[7].
Chính vì thế, Kitô giáo phản đối chủ trương “kỹ thuật hóa toàn diện” vũ trụ, bởi vì “môi trường thiên nhiên không chỉ là vật chất mà chúng ta có quyền sắp xếp theo sở thích, mà còn là công trình kỳ diệu của Đấng Tạo Hóa. Nó mang trong mình một “quy luật” chỉ dẫn mục đích và tiêu chuẩn cần phải sử dụng một cách khôn ngoan, chứ không thể khai thác một cách độc đoán”. Nhưng, ngược lại, Giáo Hội cũng không thể chấp nhận chủ trương “duy thiên nhiên”, đặt vạn vật trên con người, bởi vì “quan điểm này dẫn đến thái độ tân ngoại giáo hay tân phiếm thần: ơn cứu độ mà con người lãnh nhận không thể nào chỉ phát xuất từ thiên nhiên, được hiểu theo nghĩa thuần túy tự nhiên” [8]
Giáo huấn xã hội của Giáo Hội luôn đề cao vai trò trung tâm của con người trong vũ trụ và phủ nhận cái “hào quang thần thánh” mà một số tôn giáo đã phủ lên vũ trụ vạn vật. Theo Kinh Thánh, ngay từ khởi đầu, Thiên Chúa đã trao cho con người trách nhiệm quản trị toàn thể vạn vật để giúp chúng sinh sôi nẩy nở và phát triển hài hòa (x. St 1, 26-30). Nhờ chủ trương “giải thoại” này nhân loại mạnh dạn khám phá và chế ngự thiên nhiên, tạo điều kiện thuận lợi để khoa học hình thành và phát triển. Với ý thức sâu xa về phẩm giá đặc biệt của mình – vì được tạo dựng “giống hình ảnh Thiên Chúa” và vì được cộng tác với Người trong công trình quản trị vũ trụ – và hơn nữa nhờ sự tiếp tay của khoa học kỹ thuật, con người ngày càng mở rộng chủ quyền của mình trên toàn thể vũ trụ.
Theo Công đồng Vatican II, nhờ lý trí và nhờ khoa học kỹ thuật, con người đã đạt được những kết quả phi thường trong việc khám phá cũng như chế ngự thế giới vật chất: “Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người đã nhận lãnh trách nhiệm chinh phục Trái đất cùng với tất cả những gì chứa đựng trong đó, quản trị vũ trụ trong thánh thiện và công bằng, để rồi, khi nhìn nhận Thiên Chúa như Tạo Hóa của mọi loài, họ qui hướng về Người chính bản thân cũng như muôn vật: như thế, khi con người chinh phục vạn sự thì danh của Thiên Chúa được tôn vinh khắp địa cầu”[9]. Nhìn từ góc độ đó, tiến bộ của khoa học – kỹ thuật và tất cả mọi cố gắng của con người để cải thiện thế giới không những không chống đối quyền năng của Thiên Chúa, mà còn nối tiếp công trình tạo dựng của Người. Thậm chí, chúng ta phải coi “khoa học và kỹ thuật là một sản phẩm kỳ diệu của óc sáng tạo mà Thiên Chúa đã ban cho con người”[10].
Giáo huấn xã hội Công giáo đánh giá cao những đóng góp của khoa học – kỹ thuật trong các lãnh vực của cuộc sống như nông nghiệp, công nghiệp, y tế, thông tin, giáo dục… Hôm nay, mọi người đều công nhận việc áp dụng đúng đắn khoa học kỹ thuật là “một công cụ vô giá để giải quyết nhiều vấn đề nghiêm trọng, trước tiên là vấn đề nghèo đói và bệnh tật, bằng cách sản xuất những loại dược thảo cao cấp và mạnh mẽ hơn, cũng như các dược phẩm có giá trị”[11].
Nhưng thách đố lớn lao nhất của thời đại chúng ta nằm ở chỗ làm sao khi sử dụng khoa học – kỹ thuật tân tiến vào việc thám hiểm và khai thác thiên nhiên, con người biết tuân thủ những quy tắc đạo đức, bảo vệ môi trường và các sinh vật khác. Vấn đề không do bản chất của khoa học – kỹ thuật, mà nằm ở tiêu chuẩn và định hướng mà con người sử dụng để chọn lựa công nghệ và giải pháp kỹ thuật cụ thể cho mỗi trường hợp. Chính vì vậy, Giáo Hội luôn yêu cầu các nhà khoa học biết sử dụng một cách tốt nhất các nghiên cứu khoa học và khả năng kỹ thuật để phục vụ nhân loại. Ngỏ lời với công nhân của Olivetti tại Ivrea, (Bắc Ý), Đức Gioan Phaolô II nhấn mạnh đến nghĩa vụ “cần phải tận dụng nghiên cứu khoa học và khả năng kỹ thuật một cách trung thực để phục vụ nhân loại”[12].
Rất tiếc trong mấy thế kỷ vừa qua con người không những không tôn trọng những quy tắc nền tảng nói trên, mà trái lại đã khai thác thiên nhiên một cách tùy tiện, ích kỷ và tàn bạo. Kết quả bi thảm là đã phá vỡ mối tương quan hài hòa giữa con người với môi trường sinh thái và đẩy trái đất đến bờ vực thẳm của diệt vong! Càng cố gắng chinh phục trái đất và chế ngự nó theo quan điểm duy kỹ thuật, con người càng ô nhiễm hóa vũ trụ và tạo nên những gánh quá nặng cho môi trường. Thay vì cộng tác với Tạo Hóa để giúp thiên nhiên phát triển hài hòa, phải chăng con người đã “hành hạ” và “bức tử” thiên nhiên, do đó đang bị thiên nhiên phản lại?
22.2- Khủng hoảng môi trường
Vào đầu thế kỷ XXI, không ai đặt câu hỏi xem lối sống hiện tại của con người có phá hủy môi trường sinh thái hay không, mà là con người còn có bao nhiêu thời gian để hạn chế sự hủy hoại này? Trong thông điệp “Một trăm năm”,Đức Gioan Phaolô II đã đưa ra những nhận định sâu sắc về nguyên nhân cuộc khủng hoảng môi trường sinh thái hiện nay: “Vì bị thúc đẩy bởi khát vọng chiếm hữu và hưởng thụ hơn là hiện hữu và phát triển, con người đã tiêu thụ một cách quá đáng và bừa bãi các tài nguyên của trái đất và của chính cuộc sống. Trong nguồn gốc của sự hủy hoại môi trường thiên nhiên một cách điên rồ có một sai lầm về nhân học, nhưng rất tiếc đây lại là một sai lầm được phổ biến rộng rãi ở thời đại chúng ta. Khi khám phá khả năng biến đổi và, trong một ý nghĩa nào đó, khả năng “sáng tạo” thế giới nhờ lao động của mình, con người đã quên rằng điều đó chỉ được thực hiện trên nền tảng của hồng ân nguyên thủy do Thiên Chúa ban tặng. Con người tưởng rằng mình có quyền sử dụng trái đất một cách tùy tiện, bắt nó triệt để phục tùng ý muốn của mình, như thể trái đất không hề có hình thái và một mục tiêu từ trước do Thiên Chúa thiết định, một mục tiêu mà chắc chắn con người có thể triển khai, nhưng không được phản bội. Thay vì chu toàn vai trò cộng tác viên của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, con người lại thay thế Thiên Chúa, và như thế đã khiêu khích sự phản kháng của thiên nhiên”[13].
 Theo báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu[14] thì trái đất ngày càng nóng lên, do nạn phá rừng và sử dụng quá độ các nguyên liệu hóa thạch. Năm 1996, Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) cho biết mỗi năm 11 triệu hecta rừng bị phá hủy để làm đất trồng trọt, lấy gỗ hay làm chất đốt. Kết quả: từ năm 1972 đến nay hơn 20 tỷ hecta rừng đã biến mất[15] và hệ sinh thái che chở cho khoảng từ 50 đến 70% các giống loài sống trên cạn của thế giới bị suy thoái một cách nhanh chóng như chưa từng thấy.
Các loại khí CH4, C02, N20, tạo nên một thứ nhà kính khiến tia hồng ngoại không thể thoát ra được, đã tăng 70% từ năm 1970 đến năm 2004. Tầng ozone (03), lá chắn quý báu ngăn cản tia cực tím của mặt trời để bảo vệ sự sống, đang mỏng dần và bị thủng lớn. Nhiệt độ trung bình hiện tại của trái đất đạt mức cao nhất, kể từ 1300 năm nay.
Từ năm 1980, những khu vực có tuyết vạn niên bao phủ đã giảm bớt 5%, nhất là các dãy núi băng cao tới 2000m ở Bắc và Nam cực đang tan dần theo độ ấm của trái đất. Từ mấy ngàn năm qua, mực nước biển khá ổn định và khí hậu tương đối điều hòa. Nhưng cùng với hiện tượng trái đất nóng lên và băng tuyết tan thì nước biển ngày càng dâng cao: trong thế kỷ XX, tốc độ nước biển dâng cao mới chỉ 1,8mm/năm, nhưng hiện nay đã lên tới 3mm/năm.
Các chuyên viên ước tính rằng nếu tiếp tục tiến trình này thì, trong một tương lai gần, nhiệt độ có thể tăng cao hơn 3-40C và vào năm 2100 lên tới 5080C. Tính trung bình trên lý thuyết và chia đều cho bốn biển thì mực nước biển sẽ dâng cao hơn 60cm. Nhưng trên thực tế, tùy theo mưa bão, sông băng và áp xuất khí quyển, lượng nước có thể đổ vào từng khu vực trong nhiều giờ hay ngày, làm cho mực nước biển nơi đó có thể vượt lên đến 2m, 3m, 4m hay hơn nữa.
Hậu quả tức thời của biến đổi khí hậu là nhiều thảm họa khôn lường: mưa lũ, bão lớn, lốc xoáy ngày càng nhiều và khủng khiếp hơn. Tình trạng Trái Đất nóng lên cũng làm cho hơn một nửa chủng loại sinh vật biến mất và sự cân bằng hệ sinh thái bị phá vỡ. Nhiều lục địa sẽ khô cằn vì hạn hán và đất trồng trọt biến thành sa mạc. Tình trạng thiếu nước uống rất có thể sẽ đẩy thế giới vào thảm họa chiến tranh. Hiện nay, băng tuyết thiên thu tại Hy Mã Lạp Sơn, dãy Alpes và các ngọn núi cao khác đang tan dần, trong khi đó nhiều sông ngòi bị khô cạn hay ô nhiễm trầm trọng do rác thải công nghiệp. Nguồn nước ngầm tại nhiều nơi đã sụt giảm tới 15-20m. Nguồn nước ngọt trên thế giới vì thế bị thiếu hụt một cách nghiêm trọng và rất có thể việc tìm nguồn nước để sinh sống sẽ dẫn nhiều dân tộc đến xung đột, chiến tranh.
Nhiều cánh đồng màu mỡ hiện nay sẽ bị hóa mặn, nếu mực nước biển dâng cao. Hàng tỷ người sẽ thiếu ăn và hàng trăm triệu người sẽ mất nơi sinh sống. Nhiều thành phố và ngay cả một số quốc gia sẽ chìm ngập dưới lòng biển. Biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường cũng làm gia tăng bệnh tật, đói khổ và con số trẻ em khuyết tật ở mọi nơi, đặc biệt tại các nước đang phát triển, sẽ tăng cao.
Biến đổi khí hậu đang đe dọa tàn phá hành tinh này và ảnh hưởng đến vận mệnh của tất cả mọi người, nên mọi người phải chung tay giải quyết. Nhưng nguyên tắc công bằng xã hội đòi hỏi các nước công nghiệp phải chịu trách nhiệm nhiều hơn, bởi vì kể từ năm 1850 đến nay chính các nước giàu đã thải ra ba phần tư lượng carbon dioxide. Rất tiếc Hội nghị thượng đỉnh Copenhagen đã không thể đưa ra một bộ khung cho hiệp ước tương lai, với những cam kết rõ rệt về việc cắt giảm khí thải và các cơ chế giám sát đa phương chặt chẽ, để chặn đứng thảm họa toàn cầu về biến đổi khí hậu.
22.3-  Bảo vệ môi trường và tôn trọng sự sống
 Ngay từ năm 1971, trong một Tông thư ban hành nhân dịp kỷ niệm 80 năm thông điệp “Tân sự”, Giáo chủ Phaolô VI đã công nhận môi trường là một vấn đề xã hội rộng lớn liên quan đến toàn thể gia đình nhân loại. Ngài viết: “Do khai thác thiên nhiên một cách khinh suất, con người đẩy thiên nhiên đến nguy cơ bị phá hủy và, đến lượt mình, con người trở thành nạn nhân của sự phá hủy đó. Không những môi trường vật chất tạo thành một mối đe dọa thường xuyên: ô nhiễm và rác thải, những căn bệnh mới, sức mạnh hủy diệt tuyệt đối; mà chính con người cũng không còn làm chủ được khung cảnh sống. Do đó, họ tạo ra cho tương lai một môi trường không thể chấp nhận nổi”[16].
Gần hai mươi năm sau, trong sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới năm 1990, Đức Gioan Phaolô II đề cập đến chiều kích luân lý nơi một số yếu tố của cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay: “Nhiều khám phá mới đây đã mang lại cho nhân loại những phúc lợi không thể phủ nhận. Chúng biểu lộ ơn gọi cao cả của con người được tham dự một cách trách nhiệm vào hành động tạo dựng của Thiên Chúa trong thế giới. Tuy nhiên, người ta cũng thấy rằng, trong dài hạn, việc áp dụng một số phát minh vào lãnh vực công nghiệp và nông nghiệp gây ra nhiều hậu quả tiêu cực. Điều này làm nổi bật sự kiện theo đó chẳng có một sự can thiệp nào vào lãnh vực sinh thái mà không phải lưu ý đến những hậu quả của nó đối với các lãnh vực khác và đối với phúc lợi của các thế hệ tương lai nói chung.
Hành động phá hoại một cách tiệm tiến tầng ozone và “hiệu lực tăng nhiệt” (effet de serre), mà nó gây ra, từ nay đã đạt tới các mức độ quyết định do hậu quả của phát triển không ngừng về công nghiệp, hiện tượng đô thị hóa và việc tiêu thụ năng lượng. Người ta biết rằng chất thải công nghiệp, khí đốt được tạo nên do đốt cháy carbon hóa thạch, hiện tượng phá rừng bừa bãi, việc sử dụng một số loại thuốc diệt cỏ, sản phẩm dùng trong máy lạnh và nhiên liệu của phản lực cơ… tất cả những thứ đó tác hại bầu khí quyển và môi trường”[17].
Đúng hai mươi năm sau đó, Giáo chủ Biển Đức XVI đã trở lại vấn đề quan trọng này trong Sứ điệp Ngày hòa bình thế giới lần 43 (2010). Dù ý thức rằng Giáo Hội không có giải pháp đặc thù cho các vấn đề chuyên môn, nhưng đối diện với cuộc khủng hoảng trầm trọng về môi sinh hiện nay, Giáo Hội không thể không lên tiếng. Chính vì vậy, ngài viết: “Làm sao dửng dưng trước những vấn đề nảy sinh từ những hiện tượng như thay đổi khí hậu, tình trạng sa mạc hóa, sự hủy hoại và giảm hiệu suất của những vùng nông nghiệp rọng lớn, ô nhiễm sông ngòi và những dòng nước ngầm, nghèo nàn hóa về đa dạng sinh học, việc gia tăng những hiện tượng thiên nhiên cực độ, hiện tượng phá rừng tại những vùng xích đạo và nhiệt đới? Làm sao dửng dưng trước hiện tượng đang gia tăng mà người ta gọi là “những người tị nạn môi trường”: những người, mà do môi trường nơi họ sống bị hủy hoại, phải từ bỏ quê hương và thông thường cùng với tài sản để đương đầu với những nguy hiểm và những bất trắc của việc đổi chỗ ở bắt buộc? Làm sao không phản ứng trước những xung đột hiện thực và tiềm tàng gắn liền với việc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên? Tất cả những câu hỏi gai góc này có tác động sâu xa đến việc thực thi nhân quyền, chẳng hạn quyền sống, quyền có thực phẩm, quyền có sức khỏe, quyền phát triển”[18].
Nhiều người biết rằng rằng cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay gắn liền với một số quan niệm phát triển, mô hình sản xuất, cũng như lối sống và mối tương quan của con người đối với vũ trụ vạn vật. Chính vì vậy, muốn giải quyết khủng hoảng môi trường trước tiên phải nghiêm chỉnh nhìn lại những vấn đề căn bản ở trên. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công giáo đề nghị một đổi mới sâu xa về quan niệm phát triển, mô hình sản xuất, lối nghĩ, nếp sống cũng như mối tương quan giữa con người với Đấng Tạo Hóa, với tha nhân và với vũ trụ vạn vật.
            22.3.1- Liên đới với thế hệ tương lai
Thông điệp “Tình yêu trong chân lý” tái xác nhận vai trò quan trọng của kỹ thuật trong tiến trình phát triển kinh tế, nhưng đồng thời cũng đặt vấn đề sứ vụ căn bản của khoa học – kỹ thuật đối với nhân loại hiện nay. Dưới đây là mấy dòng thật sắc nét liên qua đến kỹ thuật và việc phát triển các dân tộc: “Ngày nay, vấn đề phát triển liên kết chặt chẽ vớitiến triển kỹ thuật và những ứng dụng kinh ngạc của nó trong lãnh vực sinh học (…). Kỹ thuật cho phép thống trị vật chất, giảm thiểu nguy cơ, tiết kiệm sức lực và cải thiện điều kiện sống (…). Kỹ thuật là phương diện khách quan của lao động nhân bản, mà nguồn gốc và lý do hiện hữu nằm trong chính yếu tố chủ quan: đó là con người lao động. Vì thế, kỹ thuật không bao giờ chỉ thuần túy là kỹ thuật. Kỹ thuật biểu lộ con người và các khát vọng của con người đối với sự phát triển, nó diễn tả sự căng thẳng của tinh thần con người nơi từng bước vượt thắng sự lệ thuộc vào vật chất”[19].
Nhưng đồng thời thông điệp cũng yêu cầu cần sáng suốt phân biện và cảnh giác đối với chủ nghĩa duy kỹ thuật. Thật vậy, nếu như vào giai đoạn hậu hiện đại, các ý thức hệ, các phong trào giải phóng và ngay cả khoa học chủ nghĩa bị khủng hoảng trầm trọng, thì xem ra “trong tiến trình toàn cầu hóa, kỹ thuật có tham vọng thay thế các ý thức hệ, để trở thành một quyền lực ý thức hệ và đẩy nhân loại vào nguy cơ tự khép kín một cách thiên kiến, không thể thoát ra ngoài để gặp gỡ hữu thể và chân lý”. Vận mệnh của con người và ngay cả của vũ trụ dường như nằm trong tay kỹ thuật. Vô hình trung kỹ thuật trở thành mục đích và tiêu chuẩn “độc nhất” để xác định hoàn cảnh sống, cũng như giá trị sống và ngay cả chân lý. Con người bị đe dọa đánh mất chính mình, vì đã đánh mất vai trò chủ thể và hoàn toàn bị lệ thuộc vào sản phẩm của mình. Chính vì vậy, “phải khẩn thiết đào tạo về trách nhiệm đạo đức trong việc sử dụng kỹ thuật. Để đối phó với sức cuốn hút của kỹ thuật đối với con người, chúng ta phải ý thức rằng ý nghĩa đích thực của tự do, không nằm trong sự say mê tìm kiếm một cách hoàn toàn độc lập, nhưng trong khả năng đáp lại tiếng gọi của hữu thể, bắt đầu từ chính hữu thể của chúng ta”[20].
Nói cho cùng, vấn đề thực ra không nằm ở kỹ thuật, mà ở quan niệm về kỹ thuật và cách thế người ta sử dụng kỹ thuật, nhất là khi biến nó thành một thứ ý thức hệ mới, thay thế cho nhiều ý thức hệ cũ. Để có thể bảo vệ môi trường, tuân thủ nguyên tắc đạo đức và nhất là để tôn trọng con người, cần phải tái lập mối tương quan hài hòa giữa Tạo Hóa với con người và vũ trụ. Tiến trình này phải khởi đi từ hành động bảo vệ môi trường, việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách có trách nhiệm và nhất là trong tinh thần liên đới với thế hệ tương lai.
Đức Giáo chủ Phaolô VI đề cập đến liên đới như một ân huệ chúng ta lãnh nhận từ thế hệ đi trước và đồng thời nó lại là bổn phận của chúng ta đối với thế hệ đến sau: “Được thừa kế các thế hệ quá khứ và hưởng lợi từ lao động của những người đương thời, chúng ta có bổn phận đối với mọi người và không thể không quan tâm đến những người sẽ tiếp nối chúng ta để mở rộng gia đình nhân loại. Liên đới phổ quát –một hiện thực và một lợi ích cho mọi người – cũng là một nghĩa vụ”[21].
Để đối phó với khủng hoảng sinh thái ngày càng trầm trọng hơn, Giáo chủ Gioan Phaolô II yêu cần phải đề cao trách nhiệm liên đới: “Nhân loại hôm nay phải ý thức về nghĩa vụ và trách nhiệm đối với các thế hệ tương lai” [22]. Trong định hướng liên đới này, việc khai thác và sử dụng tài nguyên thiên nhiên không thể chỉ dựa trên nhu cầu hay lợi ích tức thời của thế hệ chúng ta, mà cần phải nghĩ đến lợi ích của các sinh vật khác và các thế hệ tương lai.
            22.3.2- Liên đới trong cùng thế hệ
Bên cạnh “liên đới liên thế hệ” (solidarité intergénérationnelle), chúng ta còn phải đề cập đến liên đới trong cùng thế hệ (solidarité intra-générationnelle). Sự thất bại của Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Copenhagen vào tháng 12-2009 là một thí dụ nữa về tình trạng thiếu liên đới giữa các quốc gia để giải quyết khủng hoảng sinh thái ở thời toàn cầu hóa. Mọi người đều biết rằng các nước giàu phải chịu trách nhiệm đối với lượng khí thải carbon tích tụ hiện nay, vì họ đã thải tới ¾ lượng carbon dioxide. Chính vì vậy, theo nhiều chuyên viên, đáng lẽ ra họ phải cam kết cắt giảm lượng khí thải của mình xuống mức dưới 25% so với năm 1990, trong vòng một thập kỷ. Ngoài ra, họ cần tăng thêm hỗ trợ phát triển, về công nghệ cũng như tài chánh, để giúp các nước nghèo làm sạch nền kinh tế của mình và thích nghi với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, các nước đang phát triển, đặc biệt các nước mới nổi lên, cũng không miễn trừ trách nhiệm riêng của mình đối với công trình tạo dựng, vì họ cũng đang góp phần vào việc làm cho Trái đất nóng lên. /
Chính vì vậy, Đức Giáo chủ Gioan Phaolô II đặc biệt kêu gọi tinh thần liên đới giữa các nước để bảo vệ môi trường: “Các Nhà nước cần liên đới và hỗ trợ nhau nhiều hơn để thúc đẩy việc phát triển một môi trường tự nhiên và xã hội thanh bình, lành mạnh. Chẳng hạn, người ta không thể đòi hỏi các nước mới phát triển áp dụng trên nền công nghiệp còn non trẻ những luật lệ chế tài liên quan đến môi trường, nếu các nước kỹ nghệ không đi tiên phong trong việc áp dụng những biện pháp đó nơi đất nước của họ. Về phần mình, các nước đang phát triển cũng không được lặp lại những sai lầm của các nước khác trong quá khứ và tiếp tục hủy hoại môi trường do những sản phẩm gây ô nhiễm, do nạn phá rừng thái quá hoặc khai thác không giới hạn làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Trong cùng một dòng suy tư, cần cấp tốc tìm giải pháp để xử lý vấn đề môi trường và loại trừ những chất thải độc hại”[23].
Để đạt được mục tiêu này, cộng đồng quốc tế và quốc gia cần đưa ra những hiệp ước khung và một quy trình rõ rệt về việc cắt giảm khí thải. Đặc biệt cần tạo nên những hình thức liên đới mới mẻ trong việc sử dụng năng lượng thiên nhiên, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, bảo vệ bầu khí quyển, xử lý chất thải và nhất là phát triển chiến lược chung để tìm nguồn năng lượng sạch…
            22.3.3- Bảo vệ sự sống
Giáo chủ Biển Đức XVI coi cuộc khủng hoảng môi sinh hiện nay là “một cơ hội lịch sử để đưa ra một câu trả lời tập thể nhằm chuyển đổi mô hình phát triển toàn cầu theo định hướng tôn trọng công trình tạo dựng và nhằm phát triển con người toàn diện”. Theo quan điểm Kitô giáo, thiên nhiên không phải là “thần thiêng» hay một thực tại «bất khả xâm phạm». Con người có quyền và có bổn phận can thiệp để sửa đổi hay hoàn thiện một số đặc điểm của thiên nhiên để giúp nó vận hành tốt hơn. Công tác này dĩ nhiên cần đến sự đóng góp tích cực của kỹ thuật tân tiến. Vì vậy, tất cả vấn đề nằm ở chỗ phải sáng suốt chọn lựa mô hình phát triển và kỹ thuật thích hợp «đặt cơ sở trên vai trò trung tâm của con người, trên sự cổ võ và chia sẻ công ích, trên trách nhiệm, trên ý thức về việc cần thiết phải thay đổi phong cách sống và trên đức khôn ngoan”[24].
Muốn đạt đến mục tiêu nói trên dĩ nhiên cần phải có luật lệ và các quy ước trên phạm vi quốc gia cũng như quốc tế. Nhưng, sâu xa và căn bản hơn, nhân loại ở thời toàn cầu hóa đang cần một nền giáo dục về “sinh thái nhân bản». Thật vậy, mô hình sản xuất và lối sống của con người thời đại chúng ta biểu lộ rõ rệt sự thiếu tôn trọng và trách nhiệm đối với môi sinh và sự sống. «Do đó, giáo dục về trách nhiệm sinh thái rất cần thiết và khẩn cấp: trách nhiệm đối với bản thân, trách nhiệm đối với tha nhân, trách nhiệm đối với môi trường. Đây là một nền giáo dục không thể chỉ dựa trên hiệu năng hoặc trên ý chí nhất thời mà thôi. Mục tiêu của nó không phải là ý thức hệ hay chính trị, và quan điểm của nó không thể dựa trên sự chối từ thế giới hiện đại hoặc ước muốn mơ hồ quay trở về với «thiên đường đã đánh mất”. Giáo dục đích thực về trách nhiệm giả thiết hành động «sám hối đích thực» về cách thế suy tư và lối sống. Trong lãnh vực này, các Giáo Hội và các cơ chế tôn giáo, các Tổ chức chính phủ và phi chính phủ, cũng như tất cả các thành phần của xã hội đóng một vai trò rõ rệt. Tuy nhiên, gia đình vẫn là nhà giáo dục đầu tiên, nơi đó đứa trẻ học để tôn trọng tha nhân và yêu mến thiên nhiên»[25].
Trong những năm gần đây người ta nói nhiều đến công nghệ sạch và công nghệ sinh học như một giải pháp khả thi cho tương lai. Trên nguyên tắc, Giáo huấn xã hội Công giáo không phản đối việc ứng dụng công nghệ mới, trái lại còn khuyến khích việc nghiên cứu để khám phá những phương pháp hữu hiệu hơn nhằm cải thiện môi trường, bảo vệ sự sống nói chung và sự sống của con người nói riêng.
            22.3.4- Đổi mới tư duy và lối sống
Hiện tượng hủy hoại môi trường tố cáo sự sai lầm nơi một số mô hình phát triển, phương pháp sản xuất, cách thức áp dụng kỹ thuật để khai thác thiên nhiên và lối sống của con người hiện nay. Yêu cầu khẩn thiết là phải cấp tốc thay đổi tư duy và lối sống.
Trước hết, nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc công trình tạo dựng đòi hỏi nhân loại phải thay đổi quan điểm, cũng như mối tương quan với vũ trụ. «Việc quan tâm đến môi trường đòi hỏi một tầm nhìn rộng lớn và toàn cầu về thế giới; một nỗ lực chung và trách nhiệm nhằm vượt qua thứ lôgíc dựa trên lợi ích quốc gia một cách ích kỷ để tiến tới một cái nhìn rọng mở, bao hàm nhu cầu của mọi dân tộc. Ta không thể dửng dưng trước những gì đang xảy ra xung quanh chúng ta, bởi vì sự hủy hoại của bất kỳ phần nào trong hành tinh này, chắc chắn (hậu quả của nó) sẽ đổ xuống trên đầu mọi người. Các mối tương quan giữa con người, giữa các nhóm xã hội và các Nhà nước, cũng như giữa người với môi trường, mời gọi chúng ta biết đảm nhận phong thái tôn trọng và tình thương trong sự thật»[26].
Với tiến trình toàn cầu hóa, kinh tế và kỹ thuật sẽ phát triển nhanh hơn. Con người sẽ có nhiều cơ hội và khả năng tiêu thụ như chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại. Giáo chủ Gioan Phaolô II công nhận “ước muốn sống tốt hơn không phải là xấu, nhưng thật là sai lầm lối sống cho rằng người ta sống tốt hơn khi hướng tới “cái có” hơn là “cái là”, và khi người ta muốn có nhiều hơn không phải để hiện hữu nhiều hơn, mà để hưởng thụ cuộc sống với niềm hoan lạc được coi như cùng đích của cuộc đời. Như thế, cần nỗ lực kiến tạo những lối sống trong đó việc kiếm tìm chân, thiện và mỹ, cũng như sự hiệp thông với người khác để tạo nên sự phát triển chung, phải quyết định những chọn lựa tiêu thụ, tiết kiệm và đầu tư»[27].
Hiến chương Trái đất” cũng đang kêu gọi mọi người cấp tốc đổi mới tư duy, lối sống và thái độ đối với thiên nhiên để cứu vớt ngôi nhà chung này.
“Khi thế giới trở nên mong manh và phụ thuộc lẫn nhau, thì tương lai vừa bao hàm hứa hẹn lớn lao, vừa chất chứa hiểm họa to lớn. Để tiến lên phía trước chúng ta phải công nhận rằng, ở giữa sự khác biệt kỳ diệu của các nền văn hóa và hình thức sự sống, tất cả chúng ta thuộc về một gia đình nhân loại và một cộng đồng Trái đất với cùng một vận mệnh.
Chúng ta phải nối kết với nhau để phát triển một xã hội toàn cầu, được xây dựng trên sự tôn trọng thiên nhiên, tôn trọng nhân quyền, công bằng về kinh tế và một nền văn hóa hòa bình. Chúng ta, những dân tộc của Trái đất, phải tuyên bố trách nhiệm của mình đối với nhau, cũng như đối với các cộng đồng rộng lớn hơn của đời sống và đối với các thế hệ tương lai”.
Như chúng tôi đã trình bày, Giáo huấn xã hội Công giáo không chống lại tiến trình toàn cầu hóa và càng không chủ trương quay trở lại tình trạng lạc hậu trước đây, nhưng mời gọi con người kiếm tìm một nếp sống giản dị, an bình và thân thiện với môi trường hơn[28]. Chính việc tiêu thụ quá độ, bừa bãi, cuộc sống ích kỷ, thiếu vắng lý tưởng và liên đới là nguyên nhân của tình trạng nô lệ vật chất, cắm đầu chạy theo thị hiếu, gây ô nhiễm môi trường, phát sinh nhiều bệnh tật, cũng như nhiều tệ nạn trong xã hội hôm nay. Cần cố gắng tìm một nếp sống khác thân thiện với môi trường hơn, lành mạnh về thực phẩm, đặt ưu tiên cho việc triển nở nhân bản, văn hóa, tinh thần, biết liên đới với những người kém may mắn, sống giản dị nhưng mạnh khỏe hơn về thể lý cũng như sung mãn về tinh thần.

 

[1] Báo Tuổi Trẻ, Hai tuần cho một phán quyết lịch sử, ngy 07.12.2009.
[2] Thỏa ước này do hai nước hiện đang dẫn đầu về số lượng khí thải là Mỹ và Trung Quốc soạn thảo với sự thỏa thuận của Ấn Độ, Brazil và Nam Phi. Nhiều nước đang phát triển và các tổ chức phi chính phủ không những phẫn nỗ trước Thỏa ước này, mà còn tẩy chay nó. Các nước châu Phi chỉ trích các nước giàu cam kết quá ít trong cắt giảm khí thải gốc carbon và dọa sẽ không tham gia đàm phán. Đối với một số người khác, sự bế tắc của Hội nghị Copenhagen có thể là một điều tốt cho thế giới, vì nó cho phép có thêm thời gian để Mỹ, Trung Quốc và cộng đồng thế giới phối hợp các nỗ lực với nhau. Đại đa số coi đây là “Thỏa ước cực chẳng đã”, nhưng hữu ích để còn có cơ hội “đá thêm hiệp phụ, và là hiệp cuối cùng” ở Hội nghị biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc tại México vào năm 2010.
[3] Biển Đức XVI, Tình yêu trong chân lý, số 48.
[4] Ibidem.
[5] Biển Đức XVI, Sứ điệp ngày thế giới hòa bình lần thứ 43 (2010), số 2.
[6] Tóm lược Học thuyết xã hội..., số 452.
[7] Tình yêu trong chân lý, số 51.
[8] Ibidem, số 48.
[9] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 34.
[10] Gioan Phaolô II, Diễn văn đọc trong buổi gặp gỡ các nhà khoa học và đại diện Đại học Liên Hiệp Quốc tại Hiroshima, ngày 25.02.1981.
[11] Gioan Phaolô II, Diễn văn đọc trước tham dự viên Hội nghị do Học viện Khoa học Quốc gia tổ chức, ngày 21.9.1982.
[12] Diễn văn ngày 19.3.1990.
[13] Gioan Phaolô II, Centensimus annus, số 37.
[14] IPCC, thuộc Liên Hiệp Quốc, công bố ngày 17.11.2007.
[15] Ở Tây Nguyên Việt Nam, từ năm 1990 đến nay, mỗi năm có khoảng 20.000 hecta rừng bị tàn phá và hiện nay rừng nguyên sinh hầu như đã biến mất. Hậu quả thê thảm là lũ quét và sau đó là hạn hán thường xuyên hơn.
[16] Phaolô VI, Octogesima adveniens, số 21.
[17] Gioan Phaolô II, Sứ điệp ngày hòa bình thế giới lần 23 (1990), số 6.
[18] Biển Đức XVI, Sứ điệp ngày hòa bình thế giới lần 33 (2010), số 4.
[19] Biển Đức XVI, Tình yêu trong chân lý, tr. 69.
[20] Ibidem, số 70.
[21] Phaolô VI, Phát triển các dân tộc, số 17.
[22] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 37
[23] Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới 1990, số 10.
[24] Ibidem, số 9.
[25] Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới năm 1990, số 13.
[26] Biển Đức XVI, Sứ điệp Ngày Hòa bình thế giới 2010, số 11.
[27] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 36.
[28] Serge Mongeau đã đưa ra một thí dụ điển hình: Một người Canada bình thường cần tới 4,3 hecta để thỏa mãn nhu cầu hiện tại về năng lượng, lương thực, y phục, cư trú… Nếu chúng ta chia đều diện tích Trái Đất (kể cả những phần đại dương đang cung cấp lương thực) cho tất cả các cư dân trên thế giới, thì mỗi người chỉ được 1,5 hecta. Như vậy, nếu mọi người có nếp sống tiêu thụ giống như người Canada thì chúng ta cần đến 3 Trái đất mới có thể thỏa mãn nhu cầu. Nếu bắt chước nếp sống của người Mỹ, thì chắc chắn sự thiếu hụt càng lớn hơn (xem S. Mongeau, La simplicité volontaire, 1998).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét