Trang

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

23- CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH


Con người vẫn tự hào là “sinh vật có lý trí” hoặc hơn nữa “nhân linh ư vạn vật”. Tuy nhiên, có lẽ chưa có loài vật nào đối xử với đồng loại một cách phản lý trí, độc ác, dã man và tàn khốc như người với người. Trong thế giới động vật, người ta chưa thấy hiện tượng các súc vật cùng chủng loại tàn sát nhau và tiêu diệt nhau một cách ghê sợ như chiến tranh trong thế giới loài người!

Nhìn từ quan điểm nhân bản, phải coi chiến tranh là một hiện tượng phi lý và quái đản nhất. Nhưng lịch sử nhân loại lại được kiến tạo bằng các cuộc chiến tranh. Đại đa số các vị anh hùng của các dân tộc trên thế giới cũng xuất thân từ những chiến thắng lẫy lừng nhất!
Những suy tư của chương cuối cùng này sẽ xoay quanh mấy câu hỏi căn bản sau đây: Tôn giáo nói chung và Kitô giáo nói riêng nghĩ gì về chiến tranh? Đâu là quan điểm và thái độ của Kitô giáo về chiến tranh? Giữa chiến tranh và hòa bình, Kitô hữu hôm nay phải lựa chọn đứng về phía nào? Giáo huấn xã hội Công giáo đề nghị giải pháp nào để nhân hóa chiến tranh?[1]
23.1- Hiến chương hòa bình
Trong mười giới răn của Cựu Ước, điều răn thứ năm khẳng định một cách dứt khoát: “Ngươi không được giết người”. Nhưng trong chiến tranh, người ta đã giết người và giết người có tính toán, có chiến thuật và hệ thống. Hơn nữa, Cựu Ước cũng đầy dẫy những bản văn liên ca ngợi chiến tranh. Làm sao giải thích hay dung hòa được hai mệnh lệnh trái ngược này?
Tân Ước cống hiến cho chúng ta một cái nhìn khác về chiến tranh và hòa bình. Đức Kitô được gọi là “Hoàng tử hòa bình”. Đêm Người giáng trần được mệnh danh là đêm an bình” và trên không trung vang lừng tiếng ngợi ca: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương(Lc 2,14). Đức Kitô đến để giao hòa loài người với Thiên Chúa và hòa giải nhân loại với nhau.
Giáo huấn của Người, đặc biệt Bài giảng trên núi, trở thành Hiến chương Nước Trời và Hiến chương hòa bình. Đứng trên một sườn đồi gần Capharnaum, Đức Giêsu dõng dạc và sang sảng công bố các mối phúc:
            “Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó,
            vì Nước Trời là của họ.
            Phúc cho ai hiền lành,
            vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
            Phúc cho ai sầu khổ,
            vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
            Phúc cho ai khát khao nên công chính,
            vì họ sẽ được Thiên Chúa cho mãn nguyện.
            Phúc cho ai xót thương người,
            vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.           
            Phúc thay ai xây dựng hòa bình,
            vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
            Phúc cho ai bị bách hại vì sống công chính,
            vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3-10).
Giới luật “yêu thương” (Lc 6,27-38; Mt 5,44), mệnh lệnh không được giận ghét (Mt 5,21-26), trả thù, báo oán (Mt 5,38-42) đã trở thành kim chỉ nam cho cuộc sống của người môn đệ Đức Kitô. Dĩ nhiên, Kitô hữu có thể đòi hỏi những người đã gây tổn thương cho mình phải đền bù những thiệt hại và sửa lại sự ác. Tuy nhiên, thái độ báo oán, trả thù hay bất cứ âm mưu nào nhằm thủ tiêu chính đối phương là hành động vi phạm đức ái. Đức Giêsu luôn mời gọi các môn đệ phải đi xa hơn cái thường tình, phải làm sao vươn tới lý tưởng “yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi”, đối xử tàn tệ với mình (Mt 5,44).
Vào giai đoạn quyết liệt và bi thương nhất, khi một đám đông mang gươm giáo gậy gộc đến bắt Người, các môn đệ của Người quyết định dùng bạo lực để tự vệ. Có người đã tuốt gươm chém đứt tai người đầy tớ của Thượng tế. Đức Giêsu không chấp nhận hành động này và lập tức truyền lệnh: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52).
Hoàn toàn đi ngược lại với niềm trông đợi của người Do Thái đương thời về một Đấng Mesia chiến thắng bằng sức mạnh và uy quyền, Đức Giêsu đã khai mở con đường cứu độ bằng yêu thương, hy sinh, nhẫn nhục, khổ đau. Nơi Người, sứ vụ Mesia và thân phận đau thương của Người Tôi tớ Giavê đã quyện lẫn với nhau[2]. Người tuyệt đối chối từ mọi hình thức sử dụng bạo lực để bảo vệ bản thân. Thay vì trở nên nguyên nhân của bạo lực, với nguy cơ thần thánh hóa võ lực, Người chấp nhận làm nạn nhân của chính bạo lực, ngõ hầu chia sẻ và đồng hành với bao nhiêu nạn nhân khác. Nhưng chính qua cái chết ô nhục của một tử tội, với thân thể trần truồng và hai bàn tay bị đóng chặt vào thánh giá, Người đã chiến thắng bạo lực, tội lỗi và cái chết. Đặc biệt, nhờ đảm nhận trong chính thân xác nỗi khổ đau của kiếp người, Đức Kitô đã đem lại cho khổ đau và thất bại một ý nghĩa mới, vừa nhân bản vừa siêu nhiên.
Các Kitô hữu tiên khởi đã muốn triệt để đi theo con đường của Đức Kitô, nên họ tuyệt đối chống lại chiến tranh và bạo lực. Một số người còn tẩy chay cả nghĩa vụ quân sự, vì nghĩ rằng không thể dung hòa giới răn yêu thương với việc sử dụng bạo lực. Khi điều kiện lịch sử nghiệt ngã bắt buộc phải chọn lựa, thay vì làm nguyên nhân của bạo lực, nhiều người đã chấp nhận trở thành nạn nhân, để làm chứng cho niềm tin và xác tín bất bạo động của mình...
23.2- “Chiến tranh chính nghĩa”?
Với Hiệp ước Milano vào năm 313, hoàn cảnh chính trị và xã hội đã thay đổi từ căn bản. Kitô giáo trở thành quốc giáo của một đế quốc đang tan rã, với những cuộc chiến thiên thu bất tận. Nhiều cuộc tranh luận gay gắt đã phát sinh từ trong lòng Giáo Hội để xác định vai trò và thái độ của các Kitô hữu đối với xã hội trần thế. Tư tưởng chủ đạo của thời đó cho rằng các Kitô hữu phải tích cực hội nhập vào cơ chế chính trị, kinh tế, hành chánh và phải cầm vũ khí để bảo vệ một đế quốc đã trở thành đất nước của chính mình. Hành động dấn thân bảo vệ đế quốc này cũng được hiểu như một hành động tự vệ để bảo đảm an ninh, trật tự, văn minh và hòa bình cho mọi người.         
Nhiều thách đố mới được đặt ra cho lương tâm của nhiều Kitô hữu. Một mặt, họ phải rao giảng tình thương và công lý chống lại bạo lực và bất công, mặt khác họ lại phải nhân danh tình thương để sử dụng chính bạo lực, ngõ hầu bảo vệ công lý và hòa bình (!). Nhiều quan điểm và câu trả lời khác nhau đã được đưa ra. Có những người nhất định không chấp nhận bất cứ giải pháp thỏa hiệp nào có nguy cơ làm băng hoại tính nhất quán của niềm tin Kitô giáo. Họ quyết định rời bỏ làng mạc và thành thị của đế quốc để đi vào hoang địa, ngõ hầu sống trọn vẹn lý tưởng của Tin Mừng. Hình thành một phong trào rất độc đáo, đa diện và phức tạp của các ẩn sĩ trong sa mạc.
Có những người khác lại quan niệm việc dấn thân phục vụ và bảo vệ cơ cấu chính trị, kinh tế, xã hội vừa là một nghĩa vụ công dân, vừa là một trách nhiệm của đức ái. Họ chỉ trích những người “chủ hòa” là hèn nhát, ích kỷ hay ký sinh trùng của xã hội, bởi vì những người này hưởng thụ các tiện nghi và lợi ích của xã hội, nhưng lại không can đảm cầm gươm để bảo vệ nó. Theo họ, có hai hình thức vi phạm công bằng: một là làm một hành động bất công; hai là không trợ giúp các nạn nhân của bất công hay không bảo vệ công lý. Nếu giáo huấn bất bạo động của Bài giảng trên Núicấm các Kitô hữu sử dụng võ lực, thì giới răn yêu thương lại đòi hỏi họ phải bảo vệ, trong mức độ có thể, những ai đang lâm nguy. Như vậy, phải chăng “chiến tranh tự vệ” không những được phép, mà còn cần thiết và bó buộc?
Dựa trên quan niệm của phái khắc kỷ, thánh Augustinô là thần học gia đầu tiên đã trình bày một cách hệ thống quan điểm của Kitô giáo về “chiến tranh và hòa bình”. Ngài liệt kê những yếu tố và điều kiện thiết yếu để kiến tạo một nền hòa bình đích thực. Theo thánh nhân, trong phạm vi nhỏ hẹp của gia đình cũng như trên bình diện xã hội – chính trị, “hòa bình là sự nối kết hài hòa quyền lợi của các công dân, vừa được xây dựng trên những quy tắc đạo đức, vừa tôn trọng tha nhân”. Bản chất của nền hòa bình ở trần thế là công lý và công lý này được định nghĩa như một nhân đức xã hội, nhằm trả lại cho mỗi người những gì thuộc về họ.
Augustinô quan niệm việc đảo lộn trật tự công lý trong cộng đồng chính trị là một tội chống lại trật tự thần thiêng của Thiên Chúa. Chính vì vậy, Nhà nước hợp pháp có quyền sử dụng bạo lực quân sự như một phương tiện cần thiết để trừng trị người có tội và để tái lập cũng như duy trì hòa bình. Cuộc chiến để tự vệ hay để trả thù cho những bất công được mệnh danh là “chiến tranh chính nghĩa” (Justa bella ulciscultur injurias). Một số tiêu chuẩn căn bản đã được đưa ra để thẩm định giá trị pháp lý và tính cách “chính nghĩa” của cuộc chiến này: lý do chính đáng, ý định chính đáng, quyền lực tuyên bố chiến tranh này cũng chính đáng.
Vào giai đoạn cực thịnh của thời Trung cổ, thánh Tôma Aquinô kiện toàn quan điểm “chiến tranh chính nghĩa” nói trên với những đóng góp triết học Aristote và những dữ kiện đặc biệt của thời đại. Chúng ta biết rằng xã hội của thánh Tôma là một xã hội loạn lạc và chiến tranh triền miên giữa các lãnh chúa. Cái bi đát nhất là chưa tìm ra một “pháp quyền quốc tế” nào vừa công minh, vừa đủ sức mạnh để đưa ra những trừng phạt hợp lý, ngõ hầu bảo vệ và duy trì hòa bình. Để giảm thiểu tối đa những cuộc chiến tranh vô lý và để đặt nền tảng cho nền hòa bình vững chắc, thánh nhân đã đưa ra những nguyên tắc đạo đức căn bản sau đây:
* Chính nghĩa: Chỉ được phép tuyên chiến khi phải tự vệ để bảo vệ người dân vô tội, bảo vệ quyền lợi của con người, của tổ quốc và những điều kiện cần thiết cho cuộc sống.
* Tuyên chiến phải do cơ quan hữu trách, nghĩa là do nhà cầm quyền có trách nhiệm về vận mệnh của quốc gia. Tuy nhiên, trong các cuộc chiến tranh cách mạng chống chính quyền ngoại xâm hoặc để lật đổ bạo quyền, người dân có quyền nổi dậy.
* Thiện ý: Mục tiêu của cuộc chiến là để tái lập hòa bình và bảo vệ công thiện công ích. Chính vì vậy, phải tránh những cuộc tàn phá vô ích, phải nỗ lực thương thảo và phải coi chiến tranh là giải pháp cuối cùng.
* Chắc chắn thành công: Nguyên tắc này rất khó xác định. Tuy nhiên, nó giúp người ta tránh những hành động tuyên chiến nông nổi, thiếu khôn ngoan hay cuồng vọng.
* Tương xứng: Tiêu chuẩn này đòi hỏi phải cẩn trọng lượng định những hậu quả tai hại về tinh thần và vật chất do chiến tranh gây nên với những kết quả tốt đẹp mà cuộc chiến sẽ mang lại.
Đây không phải là một quan niệm thần học để bênh vực hay để biện minh cho chiến tranh. Đúng hơn, nó là một cố gắng thực tiễn để tái lập hòa bình và xác định các yếu tố lý thuyết căn bản ngõ hầu hướng dẫn nhà cầm quyền trong việc chọn lựa một giải pháp chính trị nhân ái và có trách nhiệm đối với con người cũng như đối với đất nước. Trong nhiều trường hợp, việc áp dụng những nguyên tắc “chiến tranh chính nghĩa” đã giảm thiểu những cuộc xung đột giữa các vương quốc, các tiểu vương hay thành thị. Thật vậy, theo thánh Tôma, lý tưởng là bảo vệ và kiến tạo hòa bình. Chiến tranh luôn luôn là hạ sách và chỉ được sử dụng khi không còn giải pháp khả thi nào hay khi tất cả những con đường thương thảo đã thất bại. Ngay trong trường hợp này, người ta cũng chỉ được phép tuyên chiến khi hội đủ những yếu tố căn bản ở trên.
Thần học luân lý trong các thế kỷ kế tiếp thường phân biệt hai loại chiến tranh: chiến tranh tự vệ và chiến tranh xâm lược. Cả hai loại chiến tranh này được đánh giá là chính đáng và phù hợp với nguyên tắc luân lý hoặc phi nghĩa phi luân lý hệ tại ở chỗ chúng có tuân thủ hay không những điều kiện căn bản của nguyên tắc nói trên.
Rất tiếc là để biện minh cho phong trào “Thập tự quân”, một số luật gia và thần học gia đã thần thánh hóa các cuộc “chiến tranh chính nghĩa”. Họ còn đưa thêm hai yếu tố mới cho phép tuyên chiến: chống lại Thiên Chúa và chống Giáo Hội. Có tác giả còn đi xa hơn nữa khi cho rằng chỉ cần hội đủ một trong hai yếu tố sau cùng này là đã đủ lý do chính đáng để tuyên chiến. Đây là một hình thức biện minh và hợp pháp hóa các cuộc chiến của “thập tự quân”, cũng như một số “chiến tranh chiếm thuộc địa” sau này của các nước Tây phương. Trong một số trường hợp, người ta đã hết lời tán tụng và thần thánh hóa những cuộc “chiến tranh chính nghĩa này”. Dĩ nhiên, một số thần học gia không chấp nhận lối giải thích xu thời này, tuy nhiên, trong thực tại lịch sử, đây là một quan niệm chung ở thời đó và kéo dài cho đến đầu thế kỷ 20[3].
23.3- Cổ võ hòa bình
Những biến đổi sâu rộng về chính trị, xã hội và khoa học kỹ thuật đã giúp Giáo Hội có một cái nhìn khác hơn về chiến tranh và hòa bình. Đối diện với thảm cảnh khốc hại của hai cuộc đại chiến ở thế kỷ 20, Giáo Hội Công giáo tích cực kêu gọi xây dựng nền hòa bình thế giới. Giữa cảnh hoang tàn đổ nát của thế chiến I, Giáo chủ Biển Đức XV ban hành thông điệp “Pacem Dei” (Hòa bình của Thiên Chúa) (1920) để kêu gọi các nước tham chiến sớm tái lập hòa bình. Vào giai đoạn thế chiến thứ II, qua các sứ điệp Giáng sinh[4], Đức Piô XII không ngừng kêu mời các nhà lãnh đạo kiếm tìm một nền hòa bình trong danh dự, đồng thời nêu lên một số nguyên tắc đạo đức nền tảng:
* Chiến tranh xâm lược không còn nằm trong phạm vi đạo đức.
* Nên thay thế thuật ngữ hàm hồ “chiến tranh chính đáng” bằng “tự vệ chính đáng”.
* Nhưng hành động tránh chiến tranh tự vệ nhằm bảo vệ hòa bình cũng không thể thực hiện bằng bất cứ giá nào. Như vậy, Giáo chủ Piô XII đã hé mở cánh cửa, mặc dù còn rất hẹp, về những “giới hạn hữu lý” của các cuộc chiến tự vệ chính đáng nhằm đẩy lui những hành động xâm lược bất chính.
* Mọi cố gắng xây dựng hòa bình sẽ không bao giờ bị thiệt thòi, trong khi tất cả  có thể sẽ bị tổn thất nặng nề với chiến tranh.
Suốt thời kỳ mệnh danh là “chiến tranh lạnh”, hình ảnh mấy quả bom nguyên tử đã tiêu diệt hai thành phố Hiroshima và Nagasaki trong vài giây và hiểm họa một chiến tranh hạt nhân, luôn ám ảnh tất cả nhân loại. Không những quan niệm chiến tranh tự vệ chính đáng không còn thích hợp với điều kiện của một chiến tranh nguyên tử, mà ngay cả châm ngôn cổ điển “muốn có hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh” [5] cũng bắt đầu bị đặt thành vấn đề.
Có thể nói, suốt bao nhiêu ngàn năm lịch sử, châm ngôn này hầu như đã được tất cả các dân tộc tận tình sử dụng. Đặc biệt ở giai đoạn “chiến tranh lạnh”, người ta đã vận dụng châm ngôn này để biện minh cho các cuộc chạy đua vũ trang. Theo họ, “hòa bình không thể được bảo đảm nếu không dựa trên thế quân bình về vũ khí. Do đó, hễ ở một nơi nào đó tạo nên sự gia tăng về sức mạnh quân sự, lập tức sẽ phát sinh ở những nơi khác cuộc chạy đua vũ trang không giới hạn để gia tăng sức mạnh vũ trang. Nếu một nước có vũ khí nguyên tử thì các nước khác cũng phải chế tạo chính vũ khí đó, với cùng một sức tàn phá”[6].
Cuộc chạy đua vũ trang đó đã đẩy nhân loại đến bên bờ vực thẳm của chiến tranh hạt nhân. Chính trong cảnh dầu sôi lửa bỏng đó, Giáo Hội yêu cầu nhân loại phải đảo ngược vấn đề: Thay vì “muốn hòa bình phải chuẩn bị chiến tranh” phải cấp tốc thay thế bằng châm ngôn “muốn hòa bình phải chuẩn bị hòa bình”. Thật vậy, giữa lúc các phe đối nghịch đang hăm hở chạy đua võ trang và coi việc quân bình vũ trang như yếu tố quyết định để kiến tạo hòa bình, với cái nhìn ngôn sứ, cụ già Gioan XXIII đã sáng suốt đảo ngược cái lôgíc cổ điển đó. Ngài đề nghị thay đổi tâm thức và yêu cầu xây dựng hòa bình bằng chính những hành động tích cực chuẩn bị hòa bình.
Tháng 10 năm 1962, khi xảy ra cuộc khủng hoảng về hỏa tiễn ở Cuba, Đức Gioan XXIII đã tích cực góp phần tái lập hòa bình. Một năm sau, ngài ban hành thông điệp “Hòa bình trên thế giới” để kêu gọi nhân loại kiên quyết tranh đấu cho hòa bình chống lại chiến tranh. Đây là thông điệp đầu tiên không những gửi cho người Công giáo, mà còn gửi đến “tất cả những người thành tâm thiện chí” trên mặt đất. Có lẽ vì vậy mà thông điệp này đã tạo được một ấn tượng đặc biệt trên diễn đàn thế giới: Tổng thống Kennedy và Tổng bí thư Khrouchtchev thích thú đón nhận sứ điệp hòa bình này.
Khắc khoải và âu lo trước thảm họa chiến tranh, Đức Gioan XXIII thiết tha kêu gọi nhân loại phải cấp tốc chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang. Bởi vì, “hậu quả của nó là nhân loại phải sống dưới nỗi lo sợ một trận cuồng phong có thể ập tới bất cứ lúc nào, với sức tàn phá không thể tưởng tượng được. Bởi vì vũ khí đã có sẵn đó và rất khó nghĩ rằng chúng ta luôn có những người đủ khả năng để ý thức trách nhiệm về những tàn phá và khổ đau do chiến tranh gây nên. Cũng không loại trừ giả thuyết một sự kiện bất ngờ và ngoài sự dự phòng nào đó có thể châm ngòi chiến tranh. Ngoài ra, cần ý thức rằng, nếu giả như chiến tranh không xảy ra, nhờ chính sức mạnh phá hủy ghê gớm của vũ khí, thì cũng có lý để lo sợ rằng chỉ nguyên sự kiện tiếp tục thử nghiệm nguyên tử với mục đích chiến tranh có thể dẫn đến những hậu quả thảm khốc cho sự sống trên trái đất này”[7]. Chính vì vậy, ngài “kêu gọi và van nài tất cả nhân loại, đặc biệt các nhà cầm quyền, không ngừng phấn đấu để làm sao cuộc sống nhân loại phát triển phù hợp với lý trí và nhân phẩm”[8].
Công đồng Vatican II tiếp tục đào sâu và đẩy mạnh quyết tâm xây dựng hòa bình. Sau khi nhắc lại những hậu quả thê thảm của hai cuộc thế chiến, Hiến chế “Hội Thánh trong thế giới hôm nay” đề cập đến những thảm họa tương lai: “Sự phát triển khí giới khoa học làm cho chiến tranh tăng thêm độ ghê tởm và khốc hại khôn lường. Thật vậy, hành động hiếu chiến đi đôi với việc sử dụng những khí giới này có thể đưa đến những tàn phá lớn lao khôn lường, do đó vượt xa giới hạn của việc tự vệ chính đáng. Hơn nữa, nếu sử dụng tất cả những phương tiện hiện có trong các kho vũ khí của các cường quốc, sẽ xảy ra một cuộc tương tàn hầu như toàn diện. Mỗi bên sẽ bị đối phương tận diệt”.
Chính vì vậy, Công đồng mạnh mẽ tuyên bố: “Mọi hành động gây chiến nhằm tiêu diệt bừa bãi cả một thành phố hay những vùng rộng lớn cùng với dân cư ở đó là một tội ác chống lại Thiên Chúa và chính con người. Phải kịch liệt phản đối và không ngần ngại lên án tội ác đó (...). Để cho thảm trạng đó không bao giờ xảy ra, các Giám mục trên toàn thế giới nhất trí tha thiết kêu gọi mọi người, nhất là các nhà cầm quyền quốc gia, cũng như nhữnng vị chỉ huy quân sự, hãy cẩn trọng lượng định trách nhiệm của mình trước mặt Thiên Chúa và toàn thể nhân loại”[9].
Công đồng cũng yêu cầu các nhà hữu trách nghiên cứu vấn đề chiến tranh với nhãn quan và tâm thức mới, phù hợp với những thay đổi của xã hội và sự tiến triển của khoa học kỹ thuật. Nói rõ hơn, cần ý thức rõ ràng về khả năng tàn phá ghê gớm của vũ khí tối tân. Công đồng không phủ nhận “quyền tự vệ chính đáng” của các dân tộc để chống lại quân xâm lược, “khi nguy cơ chiến tranh tồn tại và chưa có một quyền bính quốc tế nào có thẩm quyền”[10] để giải quyết sự xung đột này. Tuy nhiên, theo Công đồng, luôn luôn phải coi chiến tranh là giải pháp sau cùng, và chỉ được chọn lựa nó khi tất cả các giải pháp khác đều thất bại. Ngay cả trong trường hợp “chiến tranh tự vệ”, Công đồng cũng yêu cầu phải phân biệt giữa việc “sử dụng sức mạnh quân sự để tự vệ phù hợp với công lý” với việc “biện minh cho bất cứ hành động quân sự hay chính trị nào của cuộc chiến này”[11].
Từ đó đến nay, các văn kiện của Giáo huấn xã hội Công giáo vẫn tiếp tục kêu gọi các chính phủ can đảm giải trừ vũ khí để kiến tạo hòa bình và ưu tiên phát triển kinh tế – xã hội. Sứ điệp của Tòa Thánh tại Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc về giải trừ vũ khí, khóa II, nêu rõ quan điểm này: “Giáo huấn của Giáo Hội Công giáo trong lãnh vực này thật rõ ràng và nhất quán. Giáo huấn này coi việc chạy đua vũ trang là đáng tiếc, tuy thế, vẫn kêu gọi một tiến trình giảm trừ vũ khí từ từ và có thể kiểm tra được, cũng như tăng cường nhiều biện pháp hơn đối với những sai lầm có thể xảy ra trong việc sử dụng vũ khí nguyên tử. Đồng thời, Giáo Hội đòi hỏi phải tôn trọng độc lập, tự do và an toàn hợp pháp của mỗi quốc gia”[12].
Muốn hòa bình phải chuẩn bị hòa bình” đã trở thành một phương châm lý tưởng. Tuy nhiên, đây là một tiến trình tiệm tiến, phức tạp, đa diện, khó khăn và đòi hỏi phải đi xa hơn việc ngưng chạy đua vũ trang. Theo Công đồng Vatican II, “chúng ta phải tận lực chuẩn bị cho một thời đại trong đó, nhờ sự đồng thuận của các quốc gia, tất cả các cuộc chiến tranh đều bị cấm một cách tuyệt đối. Để thực hiện điều đó cần phải thiết lập một thẩm quyền quốc tế được mọi người nhìn nhận và có quyền bính thực sự để bảo đảm an ninh, thực thi công lý và tôn trọng luật pháp[13]. Nhưng trước khi thẩm quyền mong ước này có thể thiết lập, thì các cơ cấu tổ chức quốc tế tối cao hiện nay cần phải tận lực nghiên cứu những phương tiện thích hợp nhất để bảo vệ an ninh chung. Vì hòa bình phải phát sinh từ tình hữu nghị giữa các dân tộc chứ không thể dùng vũ lực để áp đặt trên các nước. Do đó mọi người phải tận lực để chấm dứt cuộc chạy đua vũ trang”.
Sâu xa và triệt để hơn, việc chuẩn bị hòa bình phải khởi đi từ công tác giáo dục nhằm thay đổi tâm thức. Thật vậy, “cố gắng xây dựng hòa bình chẳng đem lại ích lợi gì, bao lâu vẫn còn những tâm tình thù hận, khinh thị và đố kỵ nhau, những hiềm thù vì lý do chủng tộc cũng như những định kiến do ý thức hệ, làm chia rẽ và đối nghịch con người với nhau”. Do đó, theo Công đồng, phải cấp tốc canh tân giáo dục, chuyển đổi não trạng và thay đổi dư luận. “Những ai đang dấn thân cho sứ vụ giáo dục, nhất là giáo dục giới trẻ, hoặc hướng dẫn dư luận, cần ý thức trách nhiệm lớn lao của mình đối với việc khắc ghi vào tâm trí mọi người những tâm tình mới về hòa bình” [14].
Giáo chủ Phaolô VI đã khai mở một hướng đi quan trọng khác: phổ biến đạo đức hòa bình và vô hiệu hóa tất cả mưu đồ chiến tranh. Ngài không ngừng lặp đi lặp lại rằng chiến tranh tự nó là xấu, phi lý và phản nhân bản. Nếu muốn xây dựng một thế giới tiến bộ và nhân bản, phải loại trừ mọi thứ chiến tranh, ngay cả chiến tranh vì “lý do tự vệ”. Đã đến lúc nhân loại phải xây dựng ngôi nhà chung trên hệ tư tưởng hòa bình: cần giải quyết các xung đột bằng con đường đối thoại, hiệp thương và hiệp ước, chứ không phải bằng sức mạnh của vũ khí[15].
Ngày 4 tháng 10 năm 1965, trong bài diễn văn lịch sử đọc trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của tổ chức này, Đức Phaolô VI đã long trọng nhắc lại sứ mệnh cao cả của Liên Hiệp Quốc: “Quý vị hiện diện và hành động để nối kết các Quốc gia, (...) để liên kết nước này với nước khác. Quý vị là nhịp cầu giữa các dân tộc. Quý vị là mạng lưới tương giao giữa các dân tộc (...). Ơn gọi của quý vị là kiến tạo tình huynh đệ không chỉ cho một thiểu số, mà cho tất cả các dân tộc. Nhiệm vụ khó khăn, nhưng đó là một sứ vụ, sứ vụ cao quý nhất của quý vị”. Sau khi nhắc lại câu nói lịch sử của cố tổng thống J. Kennedy “nhân loại phải chấm dứt chiến tranh hoặc chiến tranh sẽ chấm dứt nhân loại”, Đức Phaolô VI kết luận: “Đừng bao giờ có chiến tranh, đừng bao giờ có chiến tranh! Hòa bình, hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh các Dân tộc và toàn thể nhân loại”.
Việc nghiên cứu nguyên nhân của chiến tranh và những cách thế mới để giải quyết các cuộc tranh chấp, cũng như xung đột quốc tế, mà không cần sử dụng đến vũ lực, trở thành ưu tiên số một. Dĩ nhiên, đây là một vấn đề rất phức tạp và nhiêu khê, chẳng ai có thể dễ dàng đưa ra những câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, Đức Phaolô VI nghĩ rằng rất nhiều lần chiến tranh liên hệ chặt chẽ với tình trạng bất công, bóc lột, nghèo đói... Do đó, theo ngài, “phát triển là tên khác của hòa bình. Nếu có một trách nhiệm tập thể để tránh chiến tranh, thì cũng có một trách nhiệm tập thể như vậy để cổ võ phát triển”[16].     
Để biểu lộ quyết tâm của Giáo Hội trong việc phục vụ công lý và hòa bình, năm 1967, Đức Phaolô VI thiết lập Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”. Và kể từ năm 1968, ngài lấy ngày 1 tháng giêng dương lịch làm ngày “Hòa bình Thế giới”. Hàng năm, vào ngày đầu năm dương lịch, các Giáo chủ công bố một sứ điệp hòa bình. Sứ điệp này đã được nhiều người trân trọng lắng nghe.
Với tiến trình toàn cầu hóa và nền kinh tế tri thức, hố phân cách giàu nghèo càng ngày càng sâu thẳm, không những giữa các nước giàu với các nước nghèo, mà ngay cả trong lòng các nước phát triển. Nhân loại phải đối diện với bạo động và bất ổn xã hội. Trong nhiều trường hợp, nghèo đói và bất quân bình xã hội có nguy cơ trở thành “những trái bom hẹn giờ” đe dọa hòa bình thế giới. Để trả lời cho những thách đố đó, Giáo chủ Gioan Phaolô II cho rằng “vấn đề xã hội phải được giải quyết trong chiều kích toàn diện và phức tạp của nó. Hành động dấn thân cho công bằng xã hội phải nối kết chặt chẽ với việc dấn thân cho hòa bình thế giới (...). Nếu trong quá khứ, vấn đề giai cấp được nhấn mạnh như trung tâm của vấn đề thì mới đây người ta đặt vấn đề thế giới lên hàng đầu. Do đó, người ta không chỉ quan tâm đến vấn đề bất quân bình và bất công trong khung cảnh giai cấp, mà đồng thời trong khung cảnh thế giới. Như thế, không chỉ có chiều kích giai cấp, mà còn có chiều kích thế giới trong nhiệm vụ thực hiện công bằng ở thế giới hôm nay”[17].
Thông điệp “Quan tâm đến vấn đề xã hội” khai triển mối bận tâm về vấn đề xã hội của Giáo Hội. Đối lập với cá nhân chủ nghĩa và chủ trương lấy lợi nhuận làm mục tiêu, Giáo chủ Gioan Phaolô II đặc biệt đề cao chiều kích liên đới như định hướng của suy tư và hành động. Ngài viết: “Liên đới giúp chúng ta nhìn “người khác” – nhân vị, dân tộc hay quốc gia – không giống như bất cứ dụng cụ nào đó để bóc lột sức lao động và khả năng chịu đựng của họ với giá rẻ mạt, để rồi vứt bỏ khi không còn hữu dụng, mà như một “đồng loại”, một “trợ tá” (x. St 2,18.20), mà chúng ta phải làm cho họ cùng đồng tham dự như chúng ta vào bữa tiệc cuộc sống mà Thiên Chúa đã mời gọi tất cả mọi người”[18].
Trong viễn cảnh đó, liên đới trở thành “một con đường dẫn tới hòa bình và phát triển. Thật thế, không thể có hòa bình trên thế giới nếu các nhà hữu trách không đi tới chỗ công nhận rằng việc đồng lệ thuộc tự nó đòi hỏi phải vượt qua đường lối chính trị theo khối, từ bỏ mọi hình thức chủ nghĩa đế quốc về kinh tế, quân sự hay chính trị, và phải biến sự nghi kỵ lẫn nhau thành cộng tác. Đó là thái độ liên đới đích thực giữa các cá nhân và các dân tộc”. Chính vì vậy, lấy cảm hứng từ Kinh Thánh (x. Is 32, 17), Đức Gioan Phaolô II gọi “hòa bình là thành quả của liên đới” (opus solidaritatis pax)[19].
Giữa lúc môi trường và biến đổi khí hậu đang là nỗi ám ảnh của nhân loại, đề tài của “Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 43” (2010) mang ý nghĩa hết sức đặc biệt: “Muốn xây dựng hòa bình, hãy bảo vệ công trình tạo dựng”. Theo Giáo chủ Biển Đức XVI, “việc tôn trọng công trình tạo dựng có tầm ảnh hưởng lớn lao, bởi vì “công trình tạo dựng là khởi đầu và nền tảng của mọi công trình của Thiên Chúa”[20] và, ngày nay, việc bảo vệ nó trở thành thiết yếu cho việc chung sống hòa bình của nhân loại. Thật thế, nếu do sự tàn bạo của con người đối với nhau mà nảy sinh nhiều mối đe dọa đang gây nguy hiểm cho hòa bình thế giới và sự phát triển toàn diện đích thực của con người (...), thì những mối đe dọa phát sinh do sự thiếu quan tâm – thậm chí ngay cả do các lạm dụng – đối với Trái Đất và các tài sản thiên nhiên, được coi là một ân huệ của Thiên Chúa, cũng gây âu lo không kém. Do đó, nhân loại cần phải canh tân và củng cố “giao ước giữa con người với môi trường, được xem là tấm gương phản chiếu tình yêu tạo dựng của Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn và cùng đích của chúng ta”[21].
23.4- Nối kết công lý với tình thương
Trong Giáo huấn xã hội Công giáo, công lý giữ một vai trò quan trọng trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Tuy nhiên, theo quan điểm Kitô giáo, công lý có tương quan rất chặt chẽ với tình yêu. Không thể có yêu thương đích thực nếu thiếu vắng công lý, nhưng vắng bóng tình thương, công lý sẽ trở thành lạnh lùng, chai cứng, thiếu sinh khí và thiếu con tim. Nó chỉ là một thứ công lý chết, chứ chưa trở thành miền đất sống cho con người.
Chính trong ý nghĩa đó mà Thượng Hội đồng các Giám mục về “Công lý trong thế giới hôm nay” đã xác quyết: “Không thể tách rời công lý và tình yêu Kitô giáo đối với tha nhân. Bởi vì tình yêu bao hàm một đòi hỏi tuyệt đối về công lý, nghĩa là việc nhìn nhận phẩm giá và những quyền lợi của tha nhân; đồng thời công lý chỉ đạt tới sự viên mãn nội tại trong tình yêu. Với xác tín rằng mỗi người đích thực là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình và em của Đức Kitô, Kitô hữu nhìn thấy trong mỗi người hình ảnh của Thiên Chúa. Yêu sách tuyệt đối về công lý cũng như về tình yêu là chính yêu sách của Thiên Chúa”.       
Với niềm xác tín đó, Giáo Hội tận lực tranh đấu cho công lý, nhưng không bao giờ dừng lại ở công lý. Trái lại, Giáo Hội luôn mời gọi con người can đảm đi xa hơn công lý để vươn tới suối nguồn đích thực của nó là tình yêu thương, lòng nhân ái, từ bi và tha thứ. Giáo chủ Gioan Phaolô II đã diễn tả một cách sâu sắc mối tương quan sinh tử giữa công lý và tình thương như sau:
“Lòng thương xót đích thực, theo một nghĩa nào đó, là suối nguồn sâu xa nhất làm phát sinh công lý. Nếu công lý tự nó thích hợp cho việc phân xử giữa người với người liên quan tới hành động phân phối của cải vật chất một cách công bằng, thì tình yêu và chỉ có tình yêu (bao gồm cả thứ tình yêu khoan dung mà ta gọi là lòng xót thương) mới có thể trao trả con người về lại với chính mình. Lòng thương xót thật sự Kitô giáo, theo một nghĩa nào đó, cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của bình đẳng giữa người với người và do đó cũng là hiện thân hoàn toàn nhất của công lý, vì trong lãnh vực riêng của nó, công lý cũng nhắm tới cùng một kết quả như thế. Tuy nhiên, bình đẳng do công lý mang lại chỉ giới hạn ở lãnh vực của cải vật chất bên ngoài, còn tình yêu và lòng thương xót lại giúp con người có thể gặp gỡ nhau nơi giá trị cao cả là chính con người, với phẩm giá riêng của mỗi người”[22].
Trong sứ điệp “Ngày Hòa bình Thế giới” năm 1998, một lần nữa ngài đề cập đến mối tương quan đặc biệt này: “Công lý vừa là một nhân đức luân lý vừa là một khái niệm pháp lý. Đôi khi nó được diễn tả như một người mắt bịt kín. Thật ra, nhiệm vụ riêng của công lý là sáng suốt và tỉnh táo để bảo đảm sự cân bằng giữa quyền lợi và nghĩa vụ, khuyến khích sự chia sẻ đồng đều các trách nhiệm và phúc lợi. Công lý phục hồi chứ không phá hủy, đưa tới hòa giải thay vì trả thù. Xét cho kỹ, ở trong chiều sâu của nó, công lý bén rễ trong tình yêu mà lòng thương xót là một biểu hiện có ý nghĩa nhất. Vì thế, khi công lý tách rời khỏi lòng khoan dung sẽ trở thành lạnh lùng và độc ác”.
Ròng rã hơn 20 năm trường, Đức Gioan Phaolô II không ngừng tranh đấu cho nền hòa bình thế giới. Ngài tổ chức những buổi “cầu nguyện liên tôn” cho hòa bình tại Assisi. Cũng chính ngài đã đưa ra sáng kiến “ăn chay vì hòa bình”: năm 1986, ăn chay để kêu gọi giải trừ vũ khí nguyên tử; ngày 10 tháng giêng năm 1993 và ngày 21 tháng giêng năm 1994, ngài tổ chức ăn chay cho hòa bình tại Bosnia; ngày 14 tháng 12 năm 2001, sau biến cố 11-9 và trùng hợp với lễ Ramadan của Hồi giáo, ăn chay để cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
Sứ điệp “Ngày Hòa bình Thế giới” năm 2002 mang một ý nghĩa rất thâm thúy. Giữa khung cảnh chết chóc, đau thương, căm thù và uất hận bừng bừng dâng cao ở nhiều nơi, đặc biệt ở Hoa Kỳ, vì biến cố 11 tháng 9, Đức Gioan Phaolô II khẳng khái nói lên tiếng nói của niềm tin và của lòng nhân ái: “Không có hòa bình nếu thiếu công lý, cũng chẳng có công lý nếu vắng bóng thứ tha: Đó là điều chúng tôi muốn nhắc nhở tất cả những ai đang nắm vận mệnh cộng đồng nhân loại, để làm sao trong những quyết định trọng đại và khó khăn luôn để ánh sáng chân lý hướng dẫn, hầu mang lại lợi ích cho con người”.
Vào thời điểm đó, trên diễn đàn thế giới, vấn đề chiến tranh Iraq ngày càng trở nên sôi bỏng. Lập trường của Hoa Kỳ thật dứt khoát và quyết liệt: Cũng như Al Qaeda, Saddam Hussein thách thức đạo đức. Truất phế tên bạo tặc, chính là đạo đức. Với nguyên tắc đạo đức này, tổng thống G. Bush nhất quyết chủ trương đánh Iraq.
Đức Gioan Phaolô II vẫn là người kiên cường nhất trong việc tranh đấu cho một giải pháp hòa bình và thẳng thắn kết án chiến tranh. Ngài không ngần ngại gửi đặc sứ sang Bagdad để đề nghị một giải pháp hòa bình, đồng thời kêu gọi Iraq thi hành nghiêm chỉnh Nghị quyết 1441 của Liên Hiệp Quốc. Vỏn vẹn trong vòng ba tuần lễ, ngài đã tiếp Bộ trưởng ngoại giao Fischer (Đức), phó thủ tướng Aziz (Iraq), tổng thơ ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, thủ tướng Tony Blair (Anh), thủ tướng J.M. Aznar (Tây Ban Nha), phó chủ tịch quốc hội Iran, thủ tướng Berlusconi (Ý) và cử hồng y Piô Laghi đi Washington D.C. để trao một sứ điệp cho Tổng thống G.W. Bush.
Ngỏ lời với các tín hữu vào giờ kinh Truyền tin, ngài dõng dạc tuyên bố: “Đừng bao giờ, đừng bao giờ, đừng bao giờ để cho tương lai của nhân loại được bảo vệ bằng khủng bố và bằng lôgíc của chiến tranh”. Theo ngài, “nhiệm vụ của tất cả các tín đồ, bất chấp thuộc tôn giáo nào, là phải thâm tín rằng không bao giờ chúng ta có hạnh phúc khi nhóm này chống lại nhóm kia”. Đối diện với hiểm họa chiến tranh có thể tàn phá miền Cận Đông, làm gia tăng những căng thẳng hiện hữu trên thế giới và có nguy cơ tạo ra xung đột tôn giáo, ngài tuyên bố chọn ngày mồng 5 tháng 3, làm ngày ăn chay và cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
Nhưng chiến tranh Iraq đã bùng nổ, bất chấp những cố gắng không mệt mỏi của Đức Gioan Phaolô II và mặc dù chưa ai tìm thấy vũ khí tiêu diệt hàng loạt ở đất nước khốn khổ đó. Có điều biết chắc là tại Iraq máu vẫn đổ và số người chết vì chiến tranh vẫn tiếp tục tăng! Nhiều người đã chất vấn tổng thống Bush và cựu thủ tướng Blair về lý do đánh Iraq: Phải chăng các ông đã đánh lừa dư luận?[23] Điều biết chắc là người kế nhiệm G.W. Bush, Tổng thống Obama, đang tìm cách rút quân đội Mỹ ra khỏi Iraq càng sớm càng hay!

 


[1] Xem Nguyễn Thái Hợp, “Quan điểm của Giáo Hội về chiến tranh và hòa bình”, Hiệp Nhất, tháng 3, 2003.
[2] Xem Isaia 52,13– 53,12.
[3] Vào dịp khai mạc thiên niên kỷ III, Giáo chủ Gioan Phaolô II đã chính thức xin lỗi Thiên Chúa và nhân loại về những lạm dụng đau thương trong quá khứ nhân danh những “cuộc chiến tranh chính nghĩa” này.
[4] Chẳng hạn các Sứ điệp Giáng Sinh 1939, 1941, 1948, 1953, 1954, 1956.
[5] Châm ngôn cổ diển: Si vis pacem, para bellum.
[6] Gioan XXIII, Hòa bình trên thế giới, số 110.
[7] Gioan XXIII, Hòa bình trên thế giới, số 111.
[8] Ibidem, 117.
[9] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 80.
[10] Ibidem, số 79.
[11] Ibidem.
[12] Hai cường quốc Hoa Kỳ và Liên Xô đã ký những hiệp ước quan trọng về giải trừ vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên trong thời gian gần đây đã xuất hiện một số dấu hiệu xấu về việc tăng cường vũ trang. Theo báo cáo của SIPRI, Tổ chức quốc tế nghiên cứu về hòa bình (Stockholm International Peace Research Institute), chi tiêu cho quân sự trên thế giới trong năm 2006 tăng 3,5%, lên tới 1.204 tỉ Mỹ kim và vẫn tiếp tục tăng cao trong mấy năm vừa qua, bất chấp khủng hoảng kinh tế.
[13] Sau thế chiến thứ 2, Liên Hiệp Quốc đã thành lập Tòa án quốc tế để xử những tội diệt chủng, vi phạm nhân phẩm và nhân quyền. Cũng trong đường hướng đó, Tổng lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội đề nghị phải có những biện pháp trừng trị những người đe dọa hòa bình. Đây là những biện pháp nhằm sửa sai hành động của những nhà cầm quyền vi phạm qui luật quốc tế về sống chung hòa bình. Tuy nhiên, “mục đích đích thực của các biện pháp này là mở cửa cho các cuộc thương thảo và đối thoại. Việc trừng phạt không nên trở thành một dụng cụ trừng trị chống lại cả một dân tộc: không được phép làm cho cả một dân tộc, đặc biệt những thành phần dễ bị tổn thương nhất, phải chịu đựng khốn khổ vì việc trừng phạt này” (số 507)
[14] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 82.
[15] Xin xem, chẳng hạn, Diễn văn trước Đại Hội Đồng LHQ (ngày 4-10-1965); Các Sứ điệp nhân ngày Hòa Bình Thế Giới, đặc biệt năm 1967, 1973, 1975, 1977; Tuyên bố của Tòa Thánh trước LHQ (1976); Sứ điệp gửi Đại Hội đồng Bất thường lần I của LHQ (1978).
[16] Phaolô VI, Phát triển các dân tộc, số 76.
[17] Gioan Phaolô II, Lao động con người, số 2.
[18] Gioan Phaolô II, Quan tam đến vấn đề xã hội, số 39.
[19] Ibidem
[20] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 198.
[21] Biển Đức XVI, Sứ điệp Ngày Thế giới Hòa bình lần thứ 43, 1.1.2010, số 1.
[22] Gioan Phaolô II, Thiên Chúa giàu lòng thương xót, số 14.
[23] Trong thông điệp liên bang ngày 28-1-2003, tổng thống G. Bush xác quyết: “Các quan chức tình báo của chúng tôi ước tính Saddam Hussein có vật liệu để sản xuất ít nhất 500 tấn sarin, hơi độc và chất XV tác động thần kinh”. Phó tổng thống D. Cheney cường điệu hơn: “Đơn giản mà nói, không còn gì để nghi ngờ rằng Saddam Hussein hiện đang có WMD. Không nghi ngờ gì nữa, ông ta tích trữ chúng để chống lại bạn bè của chúng ta, đồng minh của chúng ta và chống lại chúng ta” (ngày 26-8-2002).
Những phúc trình mới đây của CIA cũng như của Uy ban điều tra tự lập đã cho thấy ông G.Bush nói dối và ngụy tạo các lý do để đánh Iraq. Trong cuốn tự truyện “Thời kỳ náo loạn: Những cuộc phiêu lưu trong thế giới mới” (2007), ông Greenspan, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), công khai thú nhận: “Tôi lấy làm buồn khi phải thừa nhận một thực tế mà ai cũng biết: chiến tranh Iraq chỉ vì dầu hỏa”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét