Trang

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

21- ĐẠO ĐỨC TRUYỀN THÔNG


Truyền thông xã hội bao gồm lãnh vực hoạt động rộng lớn, trải dài từ báo chí, truyền thanh, truyền hình qua sân khấu, điện ảnh, quảng cáo cho đến Internet, mạng toàn cầu, blog... Chúng ta đang chứng kiến hiện tượng bùng nổ về truyền thông xã hội, với khối lượng thông tin ngày càng nhiều và tốc độ gia tăng như vũ bão. Nhờ công nghệ thông tin phát triển, thế giới ngày càng thu nhỏ, khoảng cách không gian không còn là một cản trở nghiệt ngã như xưa: thông tin được truyền đi cách tức thời và phổ quát, đến mọi góc biển chân trời.

Chỉ trong một thời gian ngắn, cuộc cách mạng truyền thông đã thực hiện được «nhiều điều kỳ diệu», mà đối với nhân loại trước đây hoàn toàn là một giấc mơ hay chỉ thuộc thế giới thần tiên. Thật vậy, truyền thông tân tiến đã làm cho thế giới phức tạp và nhiều rào cản ngày xưa trở nên tức thời và mỗi ngày một “phẳng ra”, nghĩa là được nối kết nhiều hơn. Bởi vì “Internet là tức thời, trực tiếp, toàn cầu, phi tập trung, tương tác, có thể mở rộng vô hạn về nội dung và phạm vi, có khả năng điều chỉnh và thích nghi một cách đáng ngạc nhiên. Internet là bình đẳng, theo mức độ bất cứ ai có các thiết bị thích hợp và một khả năng kỹ thuật tối thiểu cũng có thể hiện diện cách tích cực trong không gian truyền thông, công bố thông điệp của mình cho thế giới, và yêu cầu được lắng nghe”[1].
Tiến trình biến đổi này vẫn tiếp tục đi tới. Người ta vẫn chưa hình dung được trong tương lai nó sẽ dẫn đưa nhân loại đi về đâu, nhưng chắc chắn truyền thông đại chúng còn làm giàu cho nhân loại hơn nữa và ngày càng giữ vai trò quan trọng trong đời sống cá nhân, cũng như trong tương quan xã hội. Đạo đức truyền thông vì thế trở thành một nhu cầu khẩn thiết để lượng giá, định hướng và đưa ra tiêu chuẩn hành động cho một lãnh vực hoạt động rất năng động, đầy sáng tạo và nhiều ảnh hưởng trên cuộc sống.
21.1- Vai trò và tác động của truyền thông
Giáo Hội Công giáo không những đánh giá cao vai trò của truyền thông xã hội, mà còn ý thức rằng người Công giáo không thể chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng cho con người thời đại, nếu không sử dụng thành thạo các phương tiện truyền thông đương đại[2]. Theo Công đồng Vatican II, “giáo dân đặc biệt có bổn phận làm cho các phương tiện này thấm nhuần tinh thần nhân bản và Kytô giáo để có khả năng đáp ứng trọn vẹn niềm mong đợi của cộng đồng nhân loại cũng như ý định của Thiên Chúa”[3].
Trong sứ điệp về “Ngày Truyền thông 2009”, Đức Giáo chủ Biển Đức XVI tuyên bố: “Giới trẻ đã tiếp nhận tiềm năng lớn lao của các phương tiện truyền thông này để tạo điều kiện dễ dàng cho việc kết nối, giao tiếp và hiểu biết giữa các cá nhân và các cộng đồng, đồng thời sử dụng chúng để giao tiếp với bạn bè, để gặp gỡ những người bạn mới, để tạo nên những cộng đồng và những mạng lưới, để tìm kiếm thông tin, để chia sẻ tư tưởng và ý kiến của mình. Nhiều thuận lợi phát sinh từ nền văn hóa truyền thông mới mẻ này: các gia đình có thể giữ liên lạc với nhau, cho dù bị chia ly bởi những khoảng cách không gian lớn lao, các sinh viên và các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận dễ dàng và trực tiếp với các tài liệu, với các nguồn và với những khám phá khoa học. Do đó, có thể làm việc theo nhóm từ nhiều nơi khác nhau. Hơn nữa, bản chất tương tác của các phương tiện truyền thông mới đã tạo điều kiện dễ dàng cho những hình thức học tập và giao tiếp năng động hơn, nhờ  đó đã đóng góp tích cực vào sự tiến bộ của xã hội”[4].
Đối với Giáo huấn xã hội của Giáo Hội, phương tiện truyền thông đại chúng “không phải là những sức mạnh mù quáng của thiên nhiên nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Ngay cả trường hợp hoạt động truyền thông có tạo nên một số hậu quả ngoài ý muốn, thì luôn luôn chính con người chọn lựa sử dụng các phương tiện ấy vào các mục đích thiện hay ác, theo phương cách tốt hay xấu. Những lựa chọn mang tính chất đạo đức này được thực hiện không phải chỉ do những người tiếp nhận thông tin – các khán giả, thính giả, độc giả – mà đồng thời do những người kiểm soát các phương tiện truyền thông xã hội và ấn định cơ chế, chính sách, nội dung của các truyền thông ấy. Họ bao gồm các nhân viên chính phủ và những người điều hành xí nghiệp, thành viên của hội đồng quản trị, chủ nhân, nhà xuất bản, giám đốc đài, chủ bút, giám đốc bản tin, nhà sản xuất, tác giả, thông tín viên và nhiều người khác nữa. Đối với tất cả những người này, vấn đề đạo đức được đặt ra cách rõ rệt: các phương tiện truyền thông được sử dụng để phục vụ điều tốt hay điều xấu?”[5].
Nói rõ hơn, tự bản chất, các phương tiện truyền thông không tốt và cũng không xấu. Nó giống như “một con dao hai lưỡi”: Bên cạnh những ảnh hưởng tích cực, còn chứa đựng nhiều yếu tố tiêu cực cho các cộng đồng và các cá nhân, nhất là đối với giới trẻ. Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông nhận định sâu sắc: “Các phương tiện truyền thông mới cung cấp những khí cụ mạnh mẽ cho giáo dục và phong phú hóa văn hóa, cho hoạt động thương mại và việc tham gia vào đời sống chính trị, để đối thoại và hiểu biết các nền văn hóa(…), đồng thời cũng phục vụ mục đích tôn giáo. Tuy nhiên, đồng tiền này còn một mặt nữa. Các phương tiện truyền thông có thể phục vụ cho lợi ích cá nhân và cộng đồng, thì cũng có thể được sử dụng để bóc lột, để phục vụ thủ đoạn mờ ám, để thống trị và làm băng hoại”[6].
Nguyên nhân của những hậu quả xấu này là do một số người sản xuất và sử dụng truyền thông đã không tuân thủ những chuẩn mực đạo đức và tâm linh, vì lý do kinh tế, áp lực chính trị, ý thức hệ hoặc do tham vọng cá nhân. Những dòng dưới  đây cho thấy tính hàm hồ của truyền thông đại chúng trong thế giới đương đại và vì vậy, cần phải đưa ra những tiêu chuẩn đạo đức.
            21.1.1- Về mặt kinh tế
Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội công nhận vai trò quan trọng của các phương tiện truyền thông trong hoạt động nhân loại nói chung và sinh hoạt  kinh tế – tài chánh nói riêng: “Truyền thông xã hội hỗ trợ kinh doanh và thương mại, góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, việc làm và sự thịnh vượng,  khuyến khích cải thiện chất lượng các sản phẩm và các dịch vụ hiện có, cũng như sản xuất những cái mới, khích lệ cạnh tranh có trách nhiệm để phục vụ công ích và cho phép con người đưa ra những lựa chọn hữu lý bằng cách thông tin cho họ về hiện trạng và những đặc điểm của sản phẩm. Tóm lại, hệ thống kinh tế quốc gia và quốc tế phức tạp hiện nay không thể vận hành nếu không có các phương tiện truyền thông. Thiếu vắng các phương tiện truyền thông này, các cơ cấu kinh tế nền tảng sẽ sụp đổ, kéo theo những thiệt hại sâu thẳm cho con người và cho xã hội”[7].
Trên thực tế, các phương tiện truyền thông thường được sử dụng để kiến tạo và duy trì các hệ thống kinh tế nhằm cổ võ lòng hám lợi, cá nhân chủ nghĩa cực đoan, xã hội tiêu thụ hay gia tăng lợi thế cho các công ty đa quốc gia, các thế lực kinh tế lớn. Sâu xa hơn nữa, trong mô hình toàn cầu hóa hiện nay, “các cơ chế và chính sách truyền thông, cũng như việc cung cấp công nghệ, tất cả đều là những yếu tố góp phần làm cho một số người trở nên “giàu thông tin” và những người khác lại bị “nghèo thông tin”, vào chính thời điểm mà sự thịnh vượng, và ngay cả sự sống còn, đều tuỳ thuộc vào thông tin”.
Trong bối cảnh đó, vô hình trung, “truyền thông xã hội lại thường xuyên góp phần tạo ra những bất công và bất quân bình xã hội” là những hiện tượng mà các phương tiện truyền thông vẫn thường tường thuật. Chính vì vậy, “các nhà truyền thông không thể chỉ nghĩ rằng nghiệp vụ của mình là tường thuật sự kiện đúng như thực tế mà thôi. Chắc chắn đó là công tác của các nhà truyền thông. Nhưng một số hình thức khổ đau của con người đã bị giới truyền thông phớt lờ, còn các trường hợp khác lại được tường thuật cặn kẽ. Nếu điều đó phản ánh quyết định của các nhà truyền thông, thì nó bộc lộ một phân biệt đối xử không thể biện minh được”[8].
            21.1.2- Về chính trị
Các phương tiện truyền thông đóng góp tích cực cho đời sống chính trị của nhân loại ở thời toàn cầu hóa. Nhiều tổ chức chính trị ở cấp độ quốc gia, vùng, liên quốc gia, liên lục địa…, nhất là nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, thăng tiến phụ nữ và hỗ trợ người nghèo sở dĩ được hình thành và phát triển là nhờ sức mạnh của truyền thông. Trong thực tế, không thể quan niệm sinh hoạt chính trị trong thế giới đương đại, mà thiếu vắng truyền thông.
Đặc biệt, truyền thông là phương tiện hết sức cần thiết cho sự vận hành của xã hội dân chủ hiện nay. “Chúng cung cấp thông tin về các vấn đề và các biến cố. Chúng giúp các nhà lãnh đạo liên lạc nhanh chóng và trực tiếp với quần chúng về các vấn đề khẩn cấp. Chúng cung cấp những phương tiện quan trọng để xác  định tính khả tín, tố cáo tình trạng thiếu năng lực, tham nhũng và lạm dụng quyền bính, đồng thời kéo chú ý của mọi người tới những trường hợp có năng lực, có ý thức công dân và tận tuỵ với bổn phận”[9].
Nhưng, trong một số trường hợp, truyền thông đã trở thành những công cụ tuyên truyền rất nguy hại, mà các đảng phái chính trị, nhất là các chế độ độc tài thích sử dụng để mị dân. Ngay trong chế độ dân chủ, không thiếu những nhà chính trị đã khéo lèo lái truyền thông để trục lợi hay để kiếm phiếu. Trong những trường hợp như vậy, “truyền thông, thay vì làm cho con người xích lại gần nhau hơn, đã  chia rẽ họ và tạo nên những căng thẳng và nghi ngờ, có thể dẫn đến xung đột”[10].
Một số phương tiện truyền thông xã hội thường phổ biến chủ trương tương đối về đạo đức,  chủ nghĩa vị lợi và âm mưu chống lại sự sống, “bằng cách phổ biến rộng rãi trong quần chúng chủ trương ngừa thai, triệt sản, phá thai và cả cái chết êm dịu như dấu hiệu của tiến bộ và chiến thắng của tự do, trong khi đó lại mô tả những lập trường kiên quyết bảo vệ sự sống như là kẻ thù của tự do và tiến bộ”[11].
            21.1.3- Về văn hóa
Không ai có thể phủ nhận vai trò quan trọng của truyền thông xã hội trong thời đại  đa văn hóa hôm nay. Thật vậy, các phương tiện truyền thông không những cho phép con người tiếp cận với gia tài văn học, kịch nghệ, âm nhạc, nghệ thuật… của dân tộc mình, mà còn tiếp cận với kho tàng văn hóa phong phú của các dân tộc khác. Đặc biệt, “các phương tiện truyền thông cũng giúp các tập thể thiểu số biết quý trọng và giữ gìn truyền thống văn hoá của mình, chia sẻ chúng với người khác và truyền đạt chúng cho các thế hệ mai sau…  Các nhà truyền thông giống như các nghệ sĩ, phục vụ công ích bằng việc giữ gìn, làm giàu kho tàng văn hoá các dân tộc và các quốc gia”[12].
Nhưng truyền thông xã hội cũng đang phổ biến nhiều điều phi văn hóa và phản nhân bản, hoàn toàn trái ngược với chân, thiện, mỹ. “Các phương tiện truyền thông giải trí đưa ra nhiều màn trình diễn đồi bại và hạ thấp phẩm giá con người, kể cả việc khai thác tính dục và bạo lực. Đúng là hoàn toàn vô trách nhiệm nếu bỏ qua hay bác bỏ sự kiện này: “Tranh ảnh đồi trụy và bạo dâm hạ thấp giá trị tính dục, xói mòn các quan hệ nhân bản, khai thác các cá nhân - nhất là phụ nữ và trẻ em - hủy hoại hôn nhân và cuộc sống gia đình, cổ võ các thái độ phản xã hội, làm suy yếu bản chất đạo đức của chính xã hội”[13].
Đàng khác, mô hình truyền thông một chiều, do các trung tâm quyền lực và các nước giàu chỉ đạo sản xuất rồi phổ biến cho tất cả thế giới… cũng đặt ra rất nhiều câu hỏi về tính độc lập, tự lập và trung thực của nó. Trong điều kiện đó, làm sao có thể tôn trọng sự thật, truyền thống văn hóa và quyền lợi của các nước nghèo?
            21.1.4- Về giáo dục
Các phương tiện truyền thông cống hiến cho giáo dục những phương tiện hữu ích, tối tân, tiện lợi và đại chúng nhất: Đây là những công cụ giáo dục hiện đại có  thể sử dụng trong “nhiều môi trường khác nhau, từ trường học đến nơi làm việc, và trong nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc đời. Trẻ em ở tuổi chưa đến trường được giới thiệu những bài học cơ bản đđể tập đọc và làm toán, thanh thiếu niên muốn  được đào tạo nghề nghiệp hay lấy bằng cấp, người lớn tuổi có thể tiếp tục tìm hiểu những môn học mới… Các phương tiện truyền thông trở thành phương tiện giảng dạy trong rất nhiều trường. Và bên ngoài trường lớp, các phương tiện truyền thông, bao gồm cả hệ thống Internet, đang vượt qua hàng rào ngăn cách và cô lập, để cống hiến các cơ hội học tập”[14] cho mọi người.
Nhưng truyền thông cũng được sử dụng vào mục đích phản giáo dục: Thay vì thăng tiến giáo dục lại mê hoặc giới trẻ, làm cho chúng làm mất thời giờ và mất định hướng. Tệ hơn nữa, đôi khi người ta còn dùng truyền thông làm công cụ tuyên truyền hay nhồi sọ, với mục đích kiểm soát nhận thức của người dân và không cho họ tiếp cận các thông tin mà nhà cầm quyền không muốn họ biết.
            21.1.5- Về tôn giáo
Nhờ truyền thông đại chúng, “đời sống tôn giáo của nhiều người được phong phú hóa cách sâu sắc”, qua những thông tin quý báu về các biến cố, các sự kiện, các ý tưởng và các nhân vật tôn giáo. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, truyền thông đối xử với tôn giáo một cách kém hiểu biết, thiếu tôn trọng, nếu không muốn nói là bất công, khinh thị. Họ thường “nhìn các tập thể tôn giáo hợp pháp bằng ánh mắt ác cảm; đánh giá tôn giáo và kinh nghiệm tôn giáo theo những tiêu chuẩn thế tục và thiên vị quan điểm tôn giáo nào phù hợp với thị hiếu thế tục hơn các quan điểm khác”
Còn về phía các tôn giáo, cám dỗ thông thường là phê phán các phương tiện truyền thông một cách tiêu cực và gay gắt: “Không hiểu rằng các tiêu chuẩn hợp lý của việc sử dụng tốt các phương tiện truyền thông như tính khách quan và đối xử công bằng, có thể ngăn ngừa tất cả các đặc quyền dành cho các định chế tôn giáo; coi nhẹ đòi hỏi của Tin Mừng là phải hoán cải, ăn năn và sửa đổi đời sống, đồng thời thay thế bằng những hình thức tôn giáo tầm thường, ít đòi hỏi ở con người; cổ vũ chủ nghĩa cực đoan, cuồng tín và độc quyền, làm gia tăng sự khinh khi và lòng căm thù đối với các tôn giáo khác”[15].
Nói tóm lại, truyền thông vừa là một ân huệ, vừa là một nguy cơ, như một con dao hai lưỡi có thể được sử dụng để quảng bá kiến thức, chuyển giao thông tin, làm cho cuộc sống được phong phú hơn, giúp nhân loại xích lại gần nhau hơn, phát huy công lý, tình thương và liên đới. Nhưng truyền thông cũng có thể thao túng diễn đàn, đưa tin thất thiệt, đầu độc dư luận, giản lược con người thành con rối hay một món hàng. Tệ hơn nữa, có những người đã lợi dụng truyền thông để cổ võ hận thù, bạo động và xung đột giữa lòng nhân loại. Chính vì thế, vấn đề đạo đức, trách nhiệm và sứ vụ của truyền thông được đặt ra một cách khẩn thiết.
21.2- Trách nhiệm xã hội của truyền thông
Sứ vụ chính yếu của truyền thông là giúp con người phát triển, tăng thêm kiến thức, nâng cao tầm nhìn, mở rộng con tim và có trách nhiệm hơn đối với tha nhân, cũng như đối với vận mệnh chung của nhân loại. Hội đồng Tòa thánh về Truyền thông đã đúc kết trách nhiệm này vào hai từ “Hiệp thông và phát triển”: «Hiệp thông và tiến bộ xã hội là những mục tiêu hàng đầu của truyền thông xã hội và của các phương tiện mà nó sử dụng, cách riêng báo chí, truyền thanh, truyền hình và điện ảnh».
Giáo Hội Công giáo còn kỳ vọng nhiều hơn nữa: ước mong rằng truyền thông không những trình bày một cách rõ ràng chân, thiện, mỹ và những tình cảm cao đẹp, mà còn, theo gương Đức Kitô, tự hiến dâng chính bản thân vì tình yêu. Vấn đề đạo đức và trách nhiệm truyền thông, vì thế trở thành một sứ vụ riêng của những người lãnh đạo, sản xuất, hướng dẫn, quản trị, phổ biến… truyền thông.
            21.2.1- Nhà lãnh đạo
Nếu truyền thông được coi là một thứ “quyền lực mới” thì những nhà lãnh đạo và chủ sở hữu các cơ quan truyền thông, tức “những người hiện đang nắm trong tay  quyền lực này, có một trách nhiệm luân lý nặng nề đối với sự thật của thông tin mà họ phải phổ biến, đối với những nhu cầu và những phản ứng mà họ làm phát sinh, cũng như đối với những giá trị mà họ đề nghị”[16].
Vì truyền thông gắn liền với việc phục vụ công thiện công ích và tác động tích cực cũng như tiêu cực trên cuộc sống, cho nên Nhà nước có trách nhiệm đặc biệt. Thật thế, do chức vụ của mình, “chính quyền có nhiệm vụ phải bênh vực và bảo đảm tự do đích thực và chính đáng về truyền thông, tự do tuyệt đối cần thiết cho sự tiến bộ của xã hội đương đại(…). Chính quyền cũng có bổn phận khích lệ những sáng kiến rất hữu ích, đặc biệt nơi giới trẻ, nhưng sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự trợ giúp này. Sau cùng, chính quyền, cơ quan chính thức lo lắng cho sự an toàn của dân chúng, có bổn phận xem xét công minh và cẩn thận, bằng cách ban hành những luật lệ và thi hành nghiêm chỉnh, để cho những phương tiện này không bị lạm dụng mà gây thiệt hại nặng nề cho thuần phong mỹ tục và tiến bộ xã hội”[17].
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và cách mạng thông tin, để đạo đức truyền thông thành hiện thực, điều kiện tiên quyết là Nhà nước phải bảo đảm cho xã hội dân sự quyền phê phán việc điều hành các phương tiện truyền thông, cũng như nội dung của các thông tin được chuyển tải. Yêu cầu này càng khẩn thiết khi phải đối diện với sự độc quyền về truyền thông và nhất là khi sự độc quyền này lại nằm trong tay cơ quan công quyền.
            21.2.2- Người sản xuất
Chất lượng và giá trị đạo đức của truyền thông lệ thuộc rất nhiều ở tài năng và tiêu chuẩn đạo đức của những người sản xuất truyền thông, tức các đạo diễn, các nghệ sĩ, ca sĩ, phóng viên… Chuyên môn, tài năng, sáng tạo và kỹ thuật tân tiến là yếu tố cần thiết để tạo ra truyền thông giá trị. Tuy nhiên, “nghiệp vụ chuyên môn vẫn chưa đủ: cần thiết phải có những phẩm chất nhân bản, trong đó, tinh thần cởi mở, sự tận tâm và tinh thần đối thọai phải được xếp lên hàng đầu”[18].
Theo quan điểm của Giáo Hội Công giáo, “trách nhiệm luân lý chính yếu đối với việc sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội thuộc về các nhà báo, nhà văn, diễn viên, các nhà dàn cảnh, nhà sản xuất, người xuất vốn, người phân phối, giám đốc rạp chiếu phim, người buôn bán, nhà phê bình và tất cả những ai, bằng cách này hay cách khác, góp phần vào việc thực hiện và phổ biến các truyền thông này. Trong hoàn cảnh hiện tại của cộng đồng nhân loại, mọi người đều thấy rõ những người nói trên mang trách nhiệm hết sức quan trọng vì chính họ, trong khi thông tin và kích động, có thể hướng dẫn nhân loại theo đường chính hay đường tà”[19]. Vì vậy, trước tiên họ phải cố gắng vượt qua “các áp lực kinh tế và chính trị ngày càng mạnh, vốn là những yếu tố hạ thấp mức độ đạo đức trong nhiều ngành truyền thông” để có thể cung cấp cho đại chúng những thông tin trung thực, toàn diện, chính xác và mang tính xây dựng.
Giáo chủ Biển Đức XVI mời gọi mọi người thiện chí, đang đóng vai trò chủ động trong thế giới truyền thông đương đại, đặc biệt các nhà sản xuất, dấn thân xây dựng một nền văn hóa lành mạnh, tôn trọng phẩm giá con người, chân thành đối thoại và có trách nhiệm đối với tương lai: “Những ai làm việc trong lãnh vực sản xuất và phổ biến nội dung của các phương tiện truyền thông mới không thể không cảm thấy cần tôn trọng phẩm giá và giá trị của nhân vị. Nếu các công nghệ kỹ thuật mới phải phục vụ cho thiện ích của các cá nhân và xã hội, thì những người sử dụng chúng phải tránh việc phổ biến những lời nói và hình ảnh làm mất phẩm giá con người, và như thế loại trừ những gì đang nuôi dưỡng lòng thù hận và bất bao dung, những gì gây tổn thương vẻ đẹp và sự thầm kín của giới tính, những gì khai thác những người yếu đuối và những người dễ bị thương tổn”[20].
            21.2.3- Xã hội dân sự
 Người sử dụng hay tiêu thụ truyền thông cũng có trách nhiệm áp dụng nguyên tắc đạo đức vào việc nhận định, phê phán và chọn lựa thông tin. Bằng lá phiếu, bằng việc phổ biến, góp ý kiến, chọn lọc, ủng hộ hay mua các sản phẩm có giá trị nghệ thuật, khoa học, giáo dục, đạo đức… chính người dân đã góp phần tích cực để khích lệ và định hướng truyền thông tốt. Trong một thế giới “vàng thau lẫn lộn” như hiện nay, người tiêu dùng có ý thức và trình độ có thể lên tiếng ủng hộ những sản phẩm truyền thông tốt và công khai phê phán những sản phẩm truyền thông xấu. Hành động này không những đem lại ích lợi cho bản thân, mà còn đóng góp tích cực cho xã hội.
Để sử dụng đúng đắn các phương tiện truyền thông xã hội, mọi người dân  cần được huấn luyện một cách thích hợp về lý thuyết và thực hành: “Mọi người khi sử dụng truyền thông cần phải hiểu biết những nguyên tắc luân lý và đem áp dụng cách trung thành vào phạm vi đó (…) Điều quan trọng nhất là tất cả những người liên hệ đến vấn đề này cần phải đào tạo cho mình một lương tâm ngay thẳng đối với quyền sử dụng các phương tiện này, nhất là trong những gì liên quan tới một số vấn đề ngày nay đang được thảo luận sôi nổi”[21].
Chính ở đây chúng ta gặp thấy trách nhiệm của xã hội dân sự. Qua giáo dục, các tổ chức phi chính phủ, hiệp hội, diễn đàn, nhà trường, tôn giáo, báo chí… xã hội dân sự sẽ hướng dẫn người dân biết chọn lựa những sản phẩm tốt, gắn bó mật thiết với chân, thiện, mỹ. Bằng việc chọn lựa và bằng chính đồng tiền của mình, xã hội dân sự sẽ tưởng thưởng cho những sản phẩm tốt và tẩy chay những sản phẩm xấu. Như vậy, một cách gián tiếp, xã hội dân sự sẽ định hướng cho các nhà sản xuất và cho cả thị trường truyền thông.
21.3- Đạo đức truyền thông
Để có thể hoàn thành những trách nhiệm nặng nề, cũng như để phát huy trọn vẹn tầm ảnh hưởng to lớn của truyền thông trên đời sống cá nhân và xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng phải tuân thủ các chuẩn mực đạo đức nền tảng. Đạo đức truyền thông có nhiệm vụ áp dụng những nguyên tắc đạo đức căn bản vào lãnh vực truyền thông đương đại.
            21.3.1- Nguyên tắc đạo đức căn bản
Nguyên tắc đạo đức căn bản của truyền thông xã hội: truyền thông đại chúng không có giá trị tuyệt đối và cũng chẳng có mục đích tự tại, mà chỉ là phương tiện để phục vụ con người và cộng đồng nhân loại. Vì truyền thông được thực hiện do con người và cho con người, do đó chính con người và công thiện công ích mới là thước đo của truyền thông.
Tương tự như trong các lãnh vực khác, “các nguyên tắc đạo đức xã hội như liên đới, bổ trợ, công bằng và liêm chính, trách nhiệm khi sử dụng các nguồn lợi chung và khi thi hành các vai trò được dân chúng tín nhiệm đều luôn luôn có thể áp dụng ở đây. Truyền thông phải luôn luôn trung thực, bởi vì sự thật là điều kiện căn bản của tự do cá nhân và của hiệp thông đích thực giữa người với người”[22].
Vì truyền thông bao hàm nhiều lãnh vực rộng lớn của cuộc sống, nên đạo đức  truyền thông xã hội không chỉ liên quan tới “nội dung của truyền thông (sứ điệp) và quá trình truyền thông (làm sao thực hiện việc truyền thông), mà còn liên quan tới vấn đề cơ cấu và hệ thống căn bản, thường tương quan đến những vấn đề lớn như chính sách phân phối công nghệ và sản phẩm mũi nhọn (ai sẽ là người giàu thông tin và ai sẽ là người nghèo thông tin?). Những vấn đề này sẽ dẫn tới những vấn đề khác có liên quan tới việc làm chủ và kiểm soát, về mặt kinh tế và chính trị”[23].
21.3.2- Nguyên tắc liên đới
Nguyên tắc thứ hai bổ sung cho nguyên tắc căn bản ở trên: Tiêu chuẩn và lợi ích cá nhân không thể là tiêu chuẩn duy nhất, tách rời khỏi thiện ích chung của cộng đồng mà mỗi cá nhân trực thuộc. Nói rõ hơn, “không thể thực hiện lợi ích cá nhân tách rời khỏi công ích của cộng đồng mà cá nhân ấy thuộc về. Cần phải hiểu công  ích này theo nghĩa bao quát, như là tổng số những mục tiêu chung, mà mọi thành viên của cộng đồng cam kết cùng dấn thân theo đuổi và cũng là mục tiêu mà cộng đồng phải phục vụ”[24].
Với tư cách là thành viên của cộng đồng, mỗi người phải tích cực phục vụ công thiện công ích. Ba yếu tố cần thiết cho sự phát triển cá nhân cũng như tập thể đó là: “Tôn trọng và thăng tiến các quyền cơ bản của con người; phát triển các lợi ích tinh thần và vật chất của xã hội; kiến tạo hòa bình và an ninh cho tập thể, cũng như cho các thành viên”[25].
Theo Giáo chủ Biển Đức XVI, chúng ta đang nắm trong tay truyền thông kỹ thuật số, một cơ may để xây dựng hòa bình và kiến tạo một thế giới huynh đệ. Nhưng để đạt tới mục tiêu đó, “cần phải lưu tâm làm sao để thế giới kỹ thuật số (…), trở thành một thế giới mà mọi người thực sự có thể tiếp cận. Thật là thiệt hại nghiêm trọng cho tương lai nhân loại, nếu các phương tiện truyền thông mới, đang cho phép chia sẻ kiến thức cũng như thông tin cách nhanh chóng và hiệu quả, lại nằm ngoài tầm tay với của những người mà, về mặt kinh tế và xã hội, đã bị đẩy ra bên lề xã hội hay nếu những phương tiện này chỉ góp phần đào sâu thêm hố phân cách, làm tách rời những người nghèo khỏi những mạng lưới mới được phát triển nhằm phục vụ thông tin và xã hội hóa con người”[26].           
            21.3.3- Tôn trọng sự thật
Điểm cốt yếu của truyền thông xã hội là phổ biến, chuyển giao và chuyển tải những tin tức, sự kiện, biến cố lịch sử, kiến thức, dữ liệu, quan điểm, v.v. Do đó, tự bản chất người làm truyền thông không được gian lận hay dối trá, trái lại phải trung thực và xác thực: “Mỗi truyền thông phải tuân theo những quy luật cao cả về  tính chân thành, lương thiện và chân lý”.
Không gian liên kết mạng cho phép nhân loại xích lại gần nhau, tạo điều kiện gặp gỡ, hiểu biết các giá trị và các truyền thống khác nhau. “Tuy nhiên, để sinh hoa kết trái, những cuộc gặp gỡ này đòi hỏi những hình thức diễn tả lương thiện và đúng đắn, cũng như một sự lắng nghe chăm chú và tôn trọng. Cuộc đối thoại phải được cắm rễ sâu trong sự tìm kiếm chân lý cách chân thành và hỗ tương, để đạt tới sự thăng tiến trong hiểu biết và bao dung. Cuộc sống không phải chỉ là một chuỗi những sự kiện và kinh nghiệm: đúng hơn nó là một hành trình tìm kiếm chân, thiện, mỹ. Chính nơi mục tiêu này mà chúng ta thực hiện những chọn lựa,  thể hiện sự tự do của chúng ta và cũng chính ở đó, tức là trong chân, thiện, mỹ, chúng ta tìm thấy hạnh phúc và niềm an vui”[27].
            21.3.4- Quyền tham gia của xã hội dân sự
Vì tính cách quan trọng của truyền thông xã hội và ảnh hưởng lớn lao của nó trên cuộc sống đương đại, xã hội dân sự phải được tham gia vào việc xác định nội dung, định hướng và chính sách truyền thông. Nên tổ chức những cuộc thảo luận rộng rãi trong xã hội, chứ không thể chỉ phó mặc cho thị trường hay một nhóm chuyên viên. Nói cách khác, phải làm sao tạo được một diễn đàn trao đổi các ý tưởng, các thông tin, các quan điểm, các chuẩn mực cho cuộc sống… để giúp các cá nhân và các nhóm xích lại gần nhau nhằm cổ võ phát triển, liên đới và hòa bình.
21.4- Thà thắp lên một ngọn nến…
Mặc dù Việt Nam đã gia nhập WTO và đang hòa nhập vào dòng chảy chung của nhân loại, nhưng hình như truyền thông đại chúng vẫn còn luẩn quẩn ở thời bao cấp. Tiến sĩ Chu Hảo, Ủy viên đoàn chủ tịch Hội đồng trung ương Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, nhận định: “Bây giờ không khí dân chủ đã khá hơn nhiều và giới trí thức đã được trình bày quan điểm của mình khá thẳng thắn. Việc tạo được không khí cởi mở là tốt nhưng không khí cởi mở đó sẽ không được duy trì lâu dài nếu sau một thời gian giới trí thức thấy nói mà không ai nghe. Chắc chắn phải là một bước quyết tâm và cởi mở hơn nữa của những cơ quan có trách nhiệm ban hành chính sách, chủ trương cụ thể”[28].
Theo luật lệ hiện hành, tại Việt Nam truyền thông xã hội vẫn hoàn toàn trực thuộc Nhà nước. Vì vậy, mặc dù, cả nước có tới 702 cơ quan báo chí và hầu như tỉnh nào cũng có truyền thanh hay truyền hình[29], nhưng tất cả báo đài hiện nay đều trực thuộc cơ quan công quyền. Trước mắt, xã hội dân sự chưa hình thành và chưa thực sự đóng góp phần tích cực của mình cho truyền thông.
Riêng đối với giới Công giáo, trên cả nước, chỉ vỏn vẹn hai tờ báo dành riêng cho giới Công giáo. Tờ “Người Công giáo Việt Nam” ở Hà Nội, chỉ phát hành vài ngàn tờ một tuần và có ảnh hưởng rất hạn chế. Tờ “Công giáo và Dân tộc” có hai ấn bản: Tuần báo với gần 15.000 tờ và Nguyệt san với khoảng 3.000 tờ. Nhưng cả hai đều là cơ quan ngôn luận của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, một tổ chức thành viên của UBMTTQVN. Về mặt pháp lý, Giáo Hội Công giáo chỉ có tờ Hiệp Thông, và cũng chỉ mới xuất hiện từ 10 năm nay (12-1998), dưới hình thức một “Bản tin”, lưu hành nội bộ, với số lượng theo giấy phép chỉ vỏn vẹn 100 bản (trong thực tế, số lượng in nhiều hơn) và hai tháng mới ra một kỳ. Rất tiếc là Giáo Hội cũng chưa tận dụng và khai thác tối đa phương tiện ít ỏi này.    
Vì không có phương tiện truyền thông nên nhiều lần giới Công giáo bị nhiều thiệt thòi. Đức Hồng y Phạm Minh Mẫn than: “Thực tế cho thấy cơ quan truyền thông xã hội nơi này nơi khác thông truyền có khi là sự thật thật, có khi là sự thật ảo, có khi là sự thật bị cắt xén, bị bóp méo, thêm râu ria, có khi là sự thật một chiều, một mặt. Phải chăng nguyên nhân là do quan điểm cho rằng sự thật chỉ là những gì có lợi cho mình? Hoặc do cái nhìn bị giới hạn bởi hoàn cảnh? Hoặc do nỗi sợ hãi nào đó thường núp bóng sau lưng những hình thức bạo lực? Và hậu quả trước mắt là dễ tạo ra mâu thuẫn đối kháng, hoặc gây nhiễu và làm biến chất những mối quan hệ xã hội”[30].
Nhân những chuyện rắc rối chung quanh khu đất Tòa Khâm sứ cũ, ngày 23-9-2008, các Giám mục Việt Nam đã nhận định về thực trạng truyền thông tại Việt Nam như sau: “Trong tiến trình giải quyết những tranh chấp, một số phương tiện truyền thông thay vì là nhịp cầu liên kết và cảm thông thì lại gieo rắc hoang mang và nghi kỵ. Quả thật chưa bao giờ các phương tiện truyền thông phát triển mạnh mẽ và nhanh chóng như ngày nay, nhờ đó, con người được gia tăng hiểu biết và phát triển tình liên đới. Tuy nhiên, các phương tiện truyền thông chỉ thực sự mang lại lợi ích cho con người và cho cộng đồng xã hội khi phục vụ sự thật và phản ánh thực tại cách trung thực. Ngày nay, một trong những điều gây nhức nhối lương tâm là sự gian dối trong nhiều lãnh vực, kể cả trong môi trường cần đến sự thật nhiều nhất là giáo dục học đường. Chắc chắn tất cả những ai tha thiết với tiền đồ của đất nước và dân tộc, không thể không quan tâm đến vấn đề này”.
Các Giám mục đề nghị giải pháp khắc phục là: “Đạo đức nghề nghiệp đòi hỏi những người làm công tác truyền thông phải tôn trọng sự thật. Trong thực tế, đã có những méo mó cắt xén, như trong trường hợp tranh chấp đất đai tại Tòa Khâm sứ cũ. Vì thế, chúng tôi đề nghị những người làm công tác truyền thông đại chúng phải hết sức cẩn trọng khi đưa tin tức và hình ảnh, nhất là khi liên quan đến danh dự và uy tín của cá nhân cũng như tập thể. Nếu đã phổ biến những thông tin sai lạc thì phải cải chính. Chỉ khi tôn trọng sự thật, truyền thông mới thực sự hoàn thành chức năng của mình là thông tin và giáo dục nhằm xây dựng một xã hội công bằng và văn minh”[31].
Tình trạng yếu kém về truyền thông xã hội của Giáo Hội Công giáo Việt nam ngoài lý do “pháp lý” nêu trên, phải chăng còn có yếu tố nội bộ, do sự thiếu nhiệt thành, thiếu năng động, ít sáng tạo và tổ chức yếu kém? Cuộc cách mạng công nghệ thông tin đã tạo cơ hội ngàn năm một thuở để bùng nổ thông tin qua các trang web và các blog cá nhân. Đây là một hình thức thông tin mới, hấp dẫn, năng động, đa dạng, vừa bằng chữ viết, vừa kèm theo hình ảnh hay minh họa. “Kể từ buổi sơ khai năm 1997 đến nay, blog đã tăng vùn vụt về số lượng và ngày càng chứng minh sức ảnh hưởng to lớn của mình. Thế giới hiện có hơn 70 triệu trang blog tồn tại, với hơn 1,5 triệu bài viết mới mỗi ngày, trong đó, blog sử dụng tiếng Việt đã lên đến con số hơn 3 triệu. Với webblog cá nhân, người đưa tin có trang web để tự thể hiện mình, nối kết chia sẻ hình thành mạng xã hội, giải phóng sự thật ra khỏi những rào cản và lăng kính của các thiết chế quyền lực truyền thống, thách thức ngay cả các tập đoàn truyền thông đang áp đặt thông tin ở qui mô quốc gia hay toàn cầu”.
Nếu truyền thông là “diễn đàn hàng đầu của thời hiện đại” mà chúng ta cần khai thác để phục vụ công tác loan báo Tin Mừng, thì “Giáo Hội sẽ cảm thấy sai lỗi trước mặt Chúa nếu không sử dụng các phương tiện truyền thông cho sứ vụ Phúc âm hóa”. Nếu báo viết bị hạn chế, tại sao không nghĩ đến báo mạng? Các trang web hiện nay không phải là công cụ thông tin hiện đại, hữu hiệu, năng động và nhanh nhất? Có bao nhiêu người Công giáo sử dụng blog cá nhân này để thông tin, giáo dục và loan báo Tin Mừng? Cơ quan truyền thông của Giáo Hội nghĩ gì về thế giới blog? Mấy năm gần đây cũng đã xuất hiện một số trang Web Công giáo, nhưng chất lượng của các trang web đó như thế nào và được độc giả đón nhận ra sao?
Trong tinh thần trách nhiệm và xây dựng tương lai, xin được kết thúc chương này với tâm nguyện của Giáo chủ Biển Đức XVI gửi giới trẻ: “Các bạn trẻ rất quý mến, các con hãy dấn thân đem vào nền văn hóa truyền thông và phương tiện thông tin mới mẻ này những giá trị mà cuộc sống của các con dựa vào! Vào thời sơ khai của Giáo Hội, các Tông đồ và các môn đệ của các ngài đã mang Tin Mừng của Chúa Giêsu đến cho thế giới Hy-La: khi đó, công tác Phúc âm hóa, để được phong nhiêu, đòi hỏi phải hiểu biết cách chăm chú nền văn hóa và các phong tục của các dân ngoại này với mục đích chạm đến tâm trí của họ. Ngày nay cũng thế, việc loan báo Chúa Kitô trong thế giới công nghệ kỹ thuật mới giả thiết sự hiểu biết sâu xa về chúng để sử dụng chúng cách đúng đắn. Chính nơi những người trẻ các con, hầu như tự nhiên đồng cảm với các phương tiện truyền thông mới mẻ này, mà đặc biệt bổn phận Phúc âm hóa “lục địa kỹ thuật số” này thuộc về các con. Các con hãy biết gánh lấy cách nhiệt tình sứ vụ loan báo Tin Mừng cho những người đương thời với các con!”[32].

 

[1] Hội đồng Giáo hoàng về truyền thông xã hội, Đạo đức truyền thông, số 7.
[2] Xem Vatican II, Các phương tiện truyền thông xã hội; Sứ điệp gửi giới văn nghệ sĩ;  Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông, Đạo đức quảng cáo (1997); Đạo đức truyền thông (2000); Đạo đức Internet (2002).
[3] Vatican II, Các phương tiện truyền thông xã hội, số 3.
[4] Biển Đức XVI, Sứ điệp nhân Ngày truyền thông xã hội 2009.
[5] Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội, Đạo đức truyền thông, 2000, số 1.
[6] Hội đồng Giáo hoàng về Truyền thông xã hội, Đạo đức Internet, 2002, số 1.
[7] Ibidem, số 7.
[8] Ibidem, số 14.
[9] Ibidem, số 8.
[10] Đạo đức truyền thông, số 15.
[11] Gioan Phaolô II, Tin Mừng sự sống, số 17
[12] Xem Gioan Phaolô II, Thư gửi các nghệ sĩ, số 4
[13] Ibidem, số 16.
[14] Ibidem, số 10.
[15] Ibidem, số 18.
[16] Phaolô VI, Octogesima Adveniens, số 20.
[17] Vatican II, Các phương tiện truyền thông xã hội,  số 12.
[18] Hội đồng Tòa Thánh về truyền thông, Communio et progessio, (1971), 1.
[19] Vatican II, Các phương tiện truyền thông xã hội, số 11.
[20] Biển Đức XVI, Sứ điệp về Ngày thế giới truyền thông lần 43, 2009, số 4.
[21] Vatican II, Các phương tiện truyền thông xã hội, số 4,5
[22] Đạo đức truyền thông, số 20.
[23] Ibidem.
[24] Ibidem, số 22.
[25] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1925.
[26] Sứ điệp về Ngày thế giới truyền thông lần 43, số 1.
[27] Communio et progessio, số 17.
[28] Tuổi Trẻ, ngày 3-2-2009.
[29] Theo Báo Lao Động điện tử, số 300 ngày 25/12/2007: “ Trong số 702 cơ quan báo chí, báo in có 634 cơ quan báo chí với 813 ấn phẩm; phát thanh - truyền hình có 67 đài phát thanh, truyền hình; sóng phát thanh phủ kín 97,5% diện tích lãnh thổ và 85% dân số được xem truyền hình. Báo điện tử ra đời từ năm 1997 đã có tốc độ phát triển nhanh với 10 báo điện tử, 130 trang tin điện tử của các cơ quan báo chí và hàng ngàn trang web có nội dung cung cấp thông tin. Nếu như năm 1999, toàn quốc có 8.000 nhà báo được cấp thẻ thì đến nay, cả nước có gần 15.000 nhà báo được cấp thẻ”.
[30] Nguyệt san CGvDT, số 154, 10-2007, tr. 145-146.
[31] Ibidem, số 166, 10-2008, tr. 92-93.
[32] Sứ điệp về Ngày thế giới truyền thông lần 43, số 9.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét