Theo Giáo chủ Gioan Phaolô II, “Giáo huấn xã hội không
phải là con đường thứ ba giữa chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa
tập thể Mácxít, cũng chẳng phải là một giải pháp (kinh tế và chính trị) thay
thế cho những giải pháp khác ít triệt để hơn, mà thuộc về một thể loại riêng”[1]. Giáo huấn xã hội thuộc lãnh
vực thần học, đặc biệt thần học luân lý xã hội. Đây là «một cách thế loan
báo Tin Mừng» cho con người hôm nay, bởi vì “làm chứng cho tình yêu
của Đức Kitô ngang qua các công tác phục vụ công lý, hòa bình và phát triển là thành
phần của loan báo Tin Mừng”[2].
Hiến chế “Hội Thánh trong thế giới hôm nay” của
Công đồng Vatican II diễn tả một cách sâu sắc mối tương quan mật thiết giữa con
người và cơ cấu xã hội bằng những dòng cô đọng sau đây: “Đặc tính xã hội của
con người cho thấy sự đồng phụ thuộc giữa phát triển nhân vị và tiến triển xã
hội. Thực vậy, nhân vị chính là và phải là nguyên nhân, chủ thể và cứu cánh của
tất cả mọi định chế xã hội, nhưng tự bản chất, nhân vị cần đến đời sống xã hội.
Do đó, đối với con người, đời sống xã hội không phải là cái gì phụ thuộc: chính
nhờ tương giao với người khác, nhờ phục vụ lẫn nhau, nhờ đối thoại với anh chị
em mà con người phát triển mọi khả năng và có thể đáp ứng ơn gọi của mình”[3].
Cho dù các vấn đề xã hội ở thời đại hiện nay rất đa diện
và phức tạp, nhưng chúng ta có thể qui vào ba trục chính: văn hóa, chính trị và
kinh tế. Chiều kích văn hóa, chiều kích chính trị và chiều kích kinh tế tạo nên
những cơ cấu ngoại tại của ba động lực lớn của con người: ước muốn giá trị,
khát vọng quyền bính và tham vọng chiếm hữu. Chính vì vậy, Giáo huấn xã hội
cũng đã bao gồm các phần chính sau đây: đạo đức văn hóa, đạo đức chính
trị và đạo đức kinh tế.
Ngoài ba đề tài căn bản ở trên, “Một cái nhìn về
Giáo huấn xã hội của Giáo Hội” không thể không đề cập đến những căng
thẳng và xung đột xã hội ở giai đoạn toàn cầu hóa. Đây là
một đề tài mang tính thời sự của một nhân loại vừa bước ra khỏi cuộc chiến
tranh lạnh dai dẳng, lại phải đối diện với tình trạng xung đột
của hòa bình nóng.Như vậy, bên cạnh đạo đức chính trị, đạo đức kinh
tế và đạo đức văn hóa, sẽ có thêm đạo đức của một xã hội đầy biến động.
Cuối cùng, biến đổi khí hậu đang trở thành mối hiểm họa
cho nhân loại ở giai đoạn toàn cầu hóa này. Thúc đẩy bởi khát vọng chiếm hữu và
hưởng thụ hơn là hiện hữu và phát triển, con người đã tiêu thụ một cách quá
đáng và khai thác bừa bãi các tài nguyên của Trái Đất. Môi sinh đang bị tàn phá
và nhân loại phải đối diện với hiểm họa diệt vong.“Tuyên ngôn Đạo đức toàn
cầu” mời gọi mọi người lãnh lấy trách nhiệm về những gì mình đã làm
cho hành tinh này ra tồi tệ hơn hoặc đã không làm những gì có thể và phải làm
để ngăn cản những hậu quả xấu hiện nay. Xin trích dẫn một vài đoạn tiêu biểu:
“Chúng ta phải xem nhân loại là một gia đình. Chúng ta
phải nỗ lực để sống tử tế và đại lượng. Chúng ta không được sống cho riêng bản
thân mình, nhưng phải phục vụ tha nhân, mà không bao giờ quên các em bé, người
cao niên, nghèo đói, bệnh tật, thiếu khả năng, di cư và cô độc. Không bao giờ
một ai bị xem hay bị đối xử như là một công dân hạng hai, hay bị khai thác bằng
bất cứ hình thức nào. Cần phải có quyền bình đẳng giữa nam và nữ. Chúng ta
không được phạm bất cứ một hành vi tình dục đồi bại nào. Chúng ta phải dẹp bỏ
mọi hình thức thống trị và lạm dụng.
...Chúng ta phải nỗ lực để xây dựng một trật tự xã hội và
kinh tế đúng đắn, một nơi mà ai ai cũng có cơ hội bình đẳng để đạt đến sự viên
mãn của một con người. Chúng ta phải nói và làm một cách chân thật và đầy lòng
thương cảm, đối xử công bằng với mọi người, tránh định kiến và căm thù. Chúng
ta không được ăn cắp. Chúng ta phải vượt khỏi sự thống trị của lòng ham mê
quyền lực, thế giá, tiền bạc, và xu hướng tiêu thụ, để xây dựng một thế giới
công bằng và hòa bình.
Trái Đất này không thể nào thay đổi theo chiều hướng tốt
hơn, nếu ý thức của từng người chưa được thay đổi trước đã. Chúng tôi kêu gọi
mọi người gia tăng ý thức bằng cách đặt kỷ luật cho tinh thần của mình, bằng
cách suy niệm, cầu nguyện, hay suy nghĩ tích cực. Nếu không chấp nhận nguy cơ
và sẵn sàng hy sinh thì sẽ không có được một sự thay đổi căn bản nào cho hiện
trạng của chúng ta. Do đó, chúng tôi cam kết thực thi nền đạo đức toàn cầu,
hiểu biết lẫn nhau, và đề ra những con đường sống có lợi về mặt xã hội, hướng
đến hòa bình và thân thiện đối với thiên nhiên”[4].
Cho dù Kitô giáo xác tín rằng sẽ không bao giờ có “một
thiên đàng hạ giới”[5], nhưng các Kitô hữu luôn được mời gọi dấn thân xây dựng
một xã hội tiến bộ, công bằng và nhân ái hơn theo định hướng của Tin Mừng. Để
xây dựng xã hội ước mơ này, Giáo huấn xã hội Công giáo đề nghị một số nguyên
tắc. Trong số các nguyên tắc này, mấy nguyên tắc sau đây thường được coi là
nguyên tắc căn bản của quan điểm Kitô giáo về tổ chức xã hội – chính trị: bảo
vệ phẩm giá con người, tôn trọng công ích, nguyên tắc bổ trợ, nguyên tắc liên
đới và ưu tiên cho người nghèo khổ.
Phát triển kinh tế và xã hội trong bối cảnh toàn
hóa đòi hỏi một nguồn nhân lực có chất lượng, năng động, sáng tạo... Tiến trình
dân chủ hóa và hiện đại hóa cũng đòi hỏi xã hội phải thích nghi không ngừng với
những biến chuyển liên tục của thời đại. Việc tôn trọng tự do và bảo vệ nhân
quyền trở thành một thái độ sống ở thời hiện đại. Nguyên tắc bổ trợ và những
quy tắc đạo đức là yếu tố cần thiết khác để điều tiết mối tương quan liên nhân
vị trong cuộc sống chung phong phú, nhiêu khê và rất phức tạp của thế giới
đương đại.
Trong bối cảnh kinh tế thị trường, đầy hy vọng nhưng đồng
thời cũng tràn ngập căng thẳng và âu lo của thời toàn cầu hóa, xã hội không thể
thiếu vắng nguyên tắc công bằng xã hội và những cơ cấu đặc biệt để bảo vệ những
người ít may mắn và giảm thiểu sự chênh lệch ghê gớm giữa người giàu với người
nghèo. Việc kết hợp hài hòa giữa bàn tay vô hìnhcủa thị trường
với bàn tay pháp lý của Nhà nước và bàn tay liên đới của
xã hội dân sự trở thành điều kiện cần thiết của một xã hội phát triển lành
mạnh.
Chính trong viễn cảnh đó, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội
Công giáo đề nghị nối kết công bằng với liên đới và tình yêu: không thể có yêu
thương đích thực nếu chưa có công lý, nhưng vắng bóng tình thương, công lý sẽ
trở thành lạnh lùng, chai cứng, thiếu sinh khí, thiếu con tim và chưa thể trở
thành miền đất sống cho con người. Đoạn
văn sau đây của Giáo chủ Gioan Phaolô II diễn tả một cách thật sắc nét mối
tương quan sinh động giữa công lý với liên đới và yêu thương:“Lòng thương xót
đích thực, theo một nghĩa nào đó, là suối nguồn sâu xa nhất làm phát sinh công
lý. Nếu công lý tự nó thích hợp cho việc phân xử giữa người với người liên quan
tới hành động phân phối của cải vật chất một cách công bằng, thì tình yêu và
chỉ có tình yêu (bao gồm cả thứ tình yêu khoan dung mà ta gọi là lòng xót
thương) mới có thể trao trả con người về lại với chính mình. Lòng thương xót
thật sự Kitô giáo, theo một nghĩa nào đó, cũng là hiện thân trọn vẹn nhất của
bình đẳng giữa người với người và do đó cũng là hiện thân trọn vẹn nhất của
công lý, vì trong lãnh vực riêng của nó, công lý cũng nhắm tới cùng một kết quả
như thế”[6]. Do đó, tất cả các Kitô hữu được mời
gọi đi xa hơn công lý, can đảm vươn tới
lòng yêu thương, tha thứ, từ bi, nhân ái.
Có lẽ người ta chưa thấy một tôn
giáo nào có một Giáo huấn xã hội phong phú, được hệ thống hóa và không ngừng
thích nghi với nhu cầu thời đại như Giáo huấn xã hội của Giáo Hội Công giáo.
Ngay trong lòng Kitô giáo, chúng ta cũng chẳng gặp thấy một giáo huấn tương tự
nơi các Giáo Hội Kitô khác. Nhưng rất tiếc là trong lịch sử không phải lúc nào
người Công giáo cũng trung thành với việc tôn trọng phẩm giá con người, công
bằng xã hội, liên đới, bác ái... Hơn nữa, hiện nay một số tác giả đang nêu câu
hỏi về tính hiện thực và khả thi của chính Giáo huấn xã hội này: Tại sao ở một
số vùng, mặc dù người Công giáo chiếm đa số dân cư, thế mà giáo huấn xã hội của
Giáo Hội lại không được thực thi hay ít có hiệu quả như vậy?
Để vượt qua sự mâu thuẫn này, Giáo
Hội luôn yêu cầu các tín hữu cố gắng đưa giáo huấn này vào cuộc sống thường
nhật. Giáo chủ Gioan XXIII “chỉ thị giảng dạy Giáo huấn xã hội như một môn bắt
buộc trong tất cả các trường Công giáo, và đặc biệt trong các chủng viện”. Ngài
cũng ước mong giáo huấn này được đưa vào chương trình giáo lý tại các giáo xứ,
các hiệp hội tông đồ, cũng như được phổ biến qua các phương tiện truyền thông
đại chúng[7]. Thượng Hội đồng
Giám mục tại châu Á “nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc cống hiến cho các
tín hữu – trong tất cả các hoạt động giáo dục, đặc biệt trong các chủng viện và
trung tâm đào tạo – một chuẩn bị vững chắc về Giáo huấn xã hội của Giáo Hội.
Các nhà lãnh đạo Kitô trong Giáo Hội và trong xã hội, nhất là các giáo dân đang
giữ trách vụ trong đời sống Quốc gia, cần được đào tạo tốt về giáo huấn này để
họ có thể gợi hứng và thúc đẩy xã hội dân sự cũng như các cơ cấu của nó bằng
chất men của Tin Mừng”[8].
Qua quyển sách này người viết muốn
góp phần bé nhỏ của mình vào việc phổ biến Giáo huấn xã hội của Giáo Hội cho
đại chúng. Để thực hiện mục tiêu chọn lựa này, người viết bó buộc phải đơn giản
hóa một số vấn đề và không sử dụng các thuật ngữ quá chuyên môn. Người viết
cũng không nuôi tham vọng giới thiệu trọn vẹn Giáo huấn xã hội, mà chỉ dừng lại
ở những nguyên tắc nền tảng và một số vấn đề tiêu biểu. Cuối cùng, đúng như tên
gọi của nó, quyển sách này chỉ là “Một cái nhìn về Giáo huấn xã hội
Công giáo”. Vì chỉ là một cái nhìn hay một cách tiếp cận trong nhiều
cách tiếp cận khác nhau, nên dĩ nhiên quyển sách này còn nhiều giới hạn và
khiếm khuyết. Rất mong sẽ nhận được những góp ý quý giá của quý độc giả từ những
góc độ, cũng như những cách tiếp cận khác.
CÁC THÔNG ĐIỆP XÃ HỘI
Lêô XIII: + Tân sự (Rerum novarum), 15-5-1891.
Piô XI:
+ Bốn mươi năm (Quadragesimo
anno), 15-5-1931.
Gioan XXIII:
+ Mẹ và Thầy (Mater et magistra),
15-5-1961.
+ Hòa bình trên thế giới (Pacem in terris), 11-4-1963
+ Hòa bình trên thế giới (Pacem in terris), 11-4-1963
Vatican II: + Hiến
chế Mục vụ về Hội Thánh trong thế giới hôm nay: Vui mừng và Hy vọng(Gaudium
et Spes), 7-12-1965.
Phaolô VI: + Phát
triển các Dân tộc (Populorum progressio), 26-3-1967.
+ Tám mươi năm (Octogesima adveniens), 14-5-1971.
+ Tám mươi năm (Octogesima adveniens), 14-5-1971.
Gioan Phaolô II: + Lao động con người (Laborem
exercens), 14-9-1981.
+ Quan tâm đến vấn đề xã hội (Sollicitudo rei socialis), 30-12-1987.
+ Bách chu niên (Centesimus annus), 1-5-1991.
+ Quan tâm đến vấn đề xã hội (Sollicitudo rei socialis), 30-12-1987.
+ Bách chu niên (Centesimus annus), 1-5-1991.
Biển Đức
XVI:
+ Tình yêu trong chân lý (Caritas in veritate), 29-6-2009.
[2] Biển Đức XVI, Tình yêu trong chân lý, số 15. Xem
Phaolô VI, Evangelium vitae, số 29,31; Gioan Phaolô II, Quan tâm đến vấn đề xã hội, số 41;
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét