Trang

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

12- CHIỀU KÍCH VĂN HÓA


Mối tương quan giữa đức tin và văn hóa đang là một trong những thách đố gay gắt cho thần học Kitô giáo và cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Trong mấy thập niên vừa qua, rất nhiều văn kiện của Tòa Thánh và của các Hội Đồng Giám mục đề cập đến vấn đề nóng bỏng này. Nội dung của các văn kiện này rất đa diện: đi từ những suy nghĩ về bộ áo văn hóa của các công thức đức tin ngang qua hành động tích cực dấn thân của Giáo Hội trong việc phát triển văn hóa, cho đến những thách đố về hội nhập văn hóa trong sứ vụ loan báo Tin Mừng và thái độ của Giáo Hội đối với các nền văn hóa mới[1].
Những dòng dưới đây sẽ giới thiệu sơ lược quan điểm của Giáo Hội Công giáo về văn hóa, đặc biệt tầm quan trọng của hội nhập văn hóa và mối tương quan giữa văn hóa với sứ vụ loan báo Tin Mừng.
12.1- Khái niệm về văn hóa
12.1.1-  Theo nghĩa cổ điển
Trong truyền thống Tây phương, văn hóa (culture, kultur) bắt nguồn từ tiếng Latin “cultura”. Theo nguyên ngữ,cultura có nghĩa là canh tác đất đai, gieo trồng thực vật và nuôi dưỡng động vật. Với thời gian, “cultura” mang ý nghĩa chăm sóc, nuôi dưỡng con người về thể chất, cũng như tinh thần. Trong cổ thư Trung Hoa, văn hóa cũng mang ý nghĩa giáo dục: văn trị và giáo hóa.
Theo nghĩa thông thường, văn hóa luôn ám chỉ cái đẹp, nét thanh cao, tao nhã. Chữ “văn” diễn tả nét vẽ biểu lộ “vẻ đẹp” bên ngoài và thường đối lập với “võ”. Do đó, văn hóa chứa đựng cái đẹp, bao gồm văn chương và nghệ thuật, với tất cả các bộ môn như thi ca, nhạc, vũ, kịch, điện ảnh, hội họa, điêu khắc, kiến trúc… Theo nghĩa này, văn hóa được dùng khi nói tới các công trình nghệ thuật, các tác phẩm văn chương, cũng như tất cả các giá trị chân, thiện, mỹ.
Đối với người Trung Hoa cũng như người Hy Lạp và La Mã ngày xưa, văn hóa thường được sử dụng theo nghĩa hẹp ám chỉ kiến thức và học vấn. Nói đến “văn hóa” là người ta liên tưởng đến hình ảnh lớp người có học, có kiến thức, thuộc tầng lớp ưu tú và được ưu đãi trong xã hội, đối lập với đám lê dân, “phàm phu tục tử”. Quan niệm văn hóa này đề cao “cái có hơn là “cái là: người văn hóa là người có học, có kiến thức, có tài năng, có thời giờ, có cơ hội, có chức quyền... Đây là lớp người được ưu đãi: tầng lớp trí thức, sĩ phu, giới nho sĩ, văn nghệ sĩ, quan lại hay giàu có.
Nhìn từ góc độ này, văn hóa bao hàm việc phân chia và đối lập không những giữa các thành phần trong cùng một nước, mà hơn nữa giữa các nước trên thế giới. Thật vậy, đối với người Hy Lạp cổ đại, văn hóa chỉ là đặc quyền của những công dân tự do. Người La Mã vẫn coi những người sống bên ngoài đế quốc của họ là bọn “man di, mọi rợ”. Người Trung Hoa cũng nghĩ như vậy khi tự cho mình là “tinh hoa của nhân loại”, còn các dân tộc khác là chỉ bọn “bán khai” hay “mọi rợ”. Trong thời kỳ chiến tranh chiếm thuộc địa, các nước Tây phương vẫn luôn vỗ ngực tự xưng là những dân tộc có văn hóa và có sứ mệnh khai hóa các dân tộc “bán khai” khác.
12.1.2-  Dưới cái nhìn đương đại
Từ hậu bán thế kỷ XIX, những biến đổi về khoa học kỹ thuật, nhân chủng học và xã hội học đã giúp nhiều học giả Tây phương nhìn văn hóa dưới một góc độ khác: văn hóa thuộc về nếp sống, có chức năng tổ chức xã hội và gắn liền với bản chất con người. Như vậy, văn hóa bao gồm nhiều yếu tố độc đáo, phức tạp, phong phú và trở thành thước đo các giá trị sáng tạo cũng như nhân bản của mỗi xã hội.
Hiện nay, mọi người đã công nhận tính đa diện, phức tạp và phong phú của văn hóa. Do đó có nhiều khái niệm và định nghĩa về văn hóa[2]. Ngay tiền bán thế kỷ XX, hai nhà văn hóa học Hoa Kỳ, A. Kroeber và C. Kluckholn, đã liệt kê khoảng 300 định nghĩa về văn hóa[3]. Với sự phát triển của xã hội học nói chung và văn hóa học nói riêng, quan niệm về văn hóa càng gia tăng và phong phú hơn. Các chuyên viên ước lượng có hàng ngàn ý nghĩa văn hóa khác nhau. Sự đa dạng này vừa do tính phức tạp của văn hóa, vừa do người ta đã nhìn văn hóa dưới những khía cạnh khác nhau như dân tộc học, nhân văn học, nhân chủng học, văn hóa học, xã hội học, triết học, tôn giáo học... Đây là những cái nhìn khác biệt, nhưng không nhất thiết loại trừ nhau, mà trái lại còn bổ túc và phong phú hóa cho nhau.
Nhìn chung, văn hóa bao gồm toàn bộ năng lực và thành quả sáng tạo mà con người đạt được trong quá trình thực tiễn xã hội, vì vậy nó mang dấu ấn nhân văn và lịch sử. Cho nên văn hóa khác biệt rõ rệt với những gì tồn tại trong thiên nhiên. Vì là sản phẩm của con người, văn hóa có xu hướng không ngừng sáng tạo và thích nghi: biết loại bỏ những cái cũ không còn thích hợp để bảo tồn bản chất, tiếp thu cái mới của người và luôn phát triển trên cơ sở những giá trị mới.      
Nhà văn hóa học E.B. Taylor (1832-1917) quan niệm văn hóa như tổng hợp tất cả những yếu tố phân biệt con người với các động vật và thế giới tự nhiên. Nói một cách tổng quát, văn hóa là toàn bộ những giá trị vật chất và tinh thần do con người tạo ra trong quá trình lịch sử, kể từ lối sống, nếp nghĩ, ngang qua những mối tương quan với vũ trụ cho đến cách thức tổ chức xã hội. Ông định nghĩa văn hóa một cách cô đọng như sau: văn hóa bao gồm “tri thức, tín ngưỡng, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, tập quán cũng như một số năng lượng và thói quen khác được con người chiếm lĩnh với tư cách một thành viên của xã hội[4].
Tự điển của Hàn lâm viện Pháp cũng định nghĩa văn hóa theo chiều hướng tổng hợp: Văn hóa bao gồm “toàn bộ những thụ đắc về văn chương, nghệ thuật, thủ công nghệ, kỹ thuật, khoa học, phong hóa, luật lệ, cơ chế, tập quán, truyền thống, nếp nghĩ và lối sống, đường lối ứng xử và sử dụng thuộc mọi lãnh vực, lễ nghi, thần thoại và tín ngưỡng tạo thành một di sản cộng đồng và bản sắc của một nước, một dân tộc hay một nhóm dân tộc, một quốc gia”[5].
Theo Bách khoa Tự điển của Vương quốc Anh, “văn hóa được định nghĩa như bao gồm ngôn ngữ, tư tưởng, tín ngưỡng, phong tục, những cấm kỵ, luật lệ, cơ chế, dụng cụ, kỹ thuật, tác phẩm nghệ thuật, nghi thức, lễ nghi và những thành phần liên hệ khác. Phát triển văn hóa tùy thuộc vào khả năng của con người biết tiếp thu và truyền đạt kiến thức cho các thế hệ kế tiếp”[6]
Ông Federico Mayor, cựu Tổng Giám đốc UNESCO, cho rằng “ban đầu người ta dùng từ văn hóa để đối lập với thiên nhiên, để phân biệt loài người có sáng tạo với loài vật chỉ biết tuân theo các quy luật tự nhiên. Từ văn hóa cũng được sử dụng để phân biệt giữa lao động giáo dục trí óc với lao động chân tay sản xuất hàng hóa. Nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa đã được nêu lên: có cái rộng, cái hẹp. Đối với một số người, văn hóa chỉ bao hàm các kiệt tác tuyệt vời trong lãnh vực tư tưởng và sáng tạo; đối với một số người khác, văn hóa bao hàm tất cả những gì làm cho dân tộc này khác với dân tộc khác, từ những sản phẩm tinh vi hiện đại nhất cho đến tín ngưỡng, phong tục tập quán, lối sống và lao động. Cách hiểu thứ hai này đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận tại Hội nghị liên chính phủ về các chính sách văn hóa họp ở Venise năm 1970”[7].
Theo văn hào F. M. Dostoievski, “văn hóa của một dân tộc là tấm gương phản chiếu kiến thức, niềm tin tôn giáo và truyền thống của dân tộc ấy. Nó chính là chìa khóa mở cửa kiến thức để con người đi vào tìm hiểu tôn giáo của một dân tộc». Văn hào André Malraux có câu nói ngắn gọn và sâu sắc đã trở thành thời danh: “Văn hóa là những gì còn lại, khi tất cả mất đi”. Nhà văn Nguyên Ngọc diễn giải theo phong cách Đông phương: «Văn hóa, bao giờ cũng vậy, vừa là đời sống từng ngày vừa là sự tồn tại lâu dài; vừa nhẹ nhàng, thậm chí như thoáng qua, nhưng lại liên quan quyết định tới việc sống còn của xã hội và con người; thường biểu hiện trên bề mặt nhưng bề mặt ấy lại là ánh chiếu rất nhiều khi không dễ thấy những chiều sâu nhất, căn bản nhất của sự tồn tại; nó cứ như chỉ là một cuộc chơi, nhưng lại là vận mệnh của đất nước, dân tộc; nó cũng là sự kết hợp nhuần nhuyễn của bộ phận tinh hoa nhất (của đất nước) với quần chúng rộng rãi nhất; nó vĩnh cửu nhưng cũng lại phải luôn luôn đổi mới, từng ngày; nó tưởng chừng như là dễ nhất, nhưng cũng lại là khó nhất…».
Với quan niệm rộng mở này, văn hóa có một ý nghĩa rất phong phú. Cũng chính Tổ chức UNESCO đã đúc kết sự phức tạp và đa diện của văn hóa qua một định nghĩa súc tích, mà hiện nay được nhiều người chấp nhận: “Văn hóa phản ảnh và thể hiện một cách tổng quát và sống động mọi mặt của cuộc sống (của mỗi cá nhân cũng như các cộng đồng) đã thể hiện trong quá khứ, đồng thời đang diễn ra trong hiện tại, qua hàng bao thế kỷ nó đã cấu tạo nên một hệ thống các giá trị, truyền thống, thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình[8]. UNESCO cũng nhìn nhận vai trò chủ động của văn hóa trong công cuộc phát triển hôm nay: văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực, sức bật và hệ điều tiết của mọi công cuộc phát triển: kinh tế, xã hội, chính trị.
12.2- Đối với Giáo huấn xã hội
Giáo huấn xã hội của Giáo Hội công nhận ý nghĩa tổng quát và bao trùm của văn hóa trên cuộc sống con người. Công đồng Vatican II đã diễn tả văn hóa theo chiều hướng của các nhà văn hóa học hiện đại. Theo Công đồng, “văn hóa bao gồm tất cả những gì nhờ đó con người trau dồi và phát triển các năng khiếu đa dạng về tinh thần và thể xác; cố gắng chế ngự Trái đất bằng tri thức và lao động; nhân bản hóa đời sống xã hội, cuộc sống gia đình cũng như toàn thể đời sống dân sự nhờ việc cải tiến các tập tục và định chế; sau hết, văn hóa diễn tả, truyền thông và bảo tồn trong các tác phẩm những kinh nghiệm tinh thần và những hoài bão lớn lao của con người trải qua các thời đại, ngõ hầu giúp cho nhiều người và toàn thể nhân loại tiến bộ hơn”.
12.2.1-  Chiều kích lịch sử và nhân bản
Dưới cách nhìn này, văn hóa nhân loại thiết yếu mang chiều kích lịch sử và xã hội. Ngoài ra, chính từ “văn hóa” cũng mang thêm một ý nghĩa nhân văn và nhân chủng nữa. “Trong ý nghĩa này, người ta nói đến đa nguyên văn hóa. Bởi vì, những lối sống khác biệt và những mức thang giá trị khác nhau bắt nguồn nơi cách thế đặc biệt mà con người sử dụng sự vật, lao động, diễn tả tư tưởng, thực hành tôn giáo, nếp sống đạo đức, làm luật, thiết lập cơ cấu pháp lý, phát triển khoa học, nghệ thuật và trau dồi thẩm mỹ. Như vậy, từ các tập quán thừa kế hình thành một di sản riêng của mỗi cộng đồng nhân loại”[9].
Các văn kiện của Giáo Hội luôn đề cao chiều kích lịch sử và xã hội của văn hoá: chính con người tạo nên văn hóa của mỗi xã hội riêng biệt[10]. Quan điểm này được Đức Gioan Phaolô II trình bày một cách hết sức rõ nét trong bài diễn văn lịch sử đọc tại trụ sở UNESCO: “Văn hóa là một cách thế riêng biệt để hiện hữu và để làm người. Con người luôn sống trong một nền văn hóa. Đây là nền văn hóa riêng biệt của mỗi người, nhưng đồng thời nó lại tạo nên một mối dây liên hệ đặc biệt giữa người với nhau, xác định tính chất liên nhân vị và xã hội của cuộc sống nhân loại”[11].
Hiểu như vậy, văn hóa vừa là chiếc nôi của cuộc sống vừa là điều kiện thiết yếu để con người trở thành người. Bởi vì, “nhờ văn hóa, con người trở thành người hơn (...). Văn hóa luôn luôn hệ tại tương quan căn bản và thiết yếu với “chiều kích hiện hữu”,  trong khi đó mặc dù không phủ nhận mối tương quan với “chiều kích chiếm hữu”, nhưng chiều kích sau cùng này chỉ tương đối thôi. Tất cả “chiếm hữu” của con người không quan trọng đối với văn hóa và cũng không phải là yếu tố sáng tạo của văn hóa, ngoại trừ ngang qua “chiếm hữu” đó con người có thể “trở nên” người trọn vẹn hơn trong mọi chiều kích của cuộc sống và trong tất cả những gì được xem như đặc trưng của nhân tính”[12].
Chúng ta gặp thấy nơi đây hai xác quyết căn bản luôn quyện lẫn, nối kết và bổ sung nhau: một mặt, con người và chỉ duy con người là tác giả của văn hóa; mặt khác, văn hóa chính là môi trường sống của con người. Cuộc sống nhân loại là văn hóa, bởi vì nhờ văn hóa con người tự phân biệt và khác biệt với tất cả những gì hiện hữu trong thế giới khả giác: con người không thể tự thực hiện và trở thành người nếu vắng bóng văn hóa. Vì vậy, “không thể tưởng tượng một văn hóa mà vắng bóng chủ thể tính hay nguyên nhân tính nhân loại. Trái lại, trong lãnh vực văn hóa, con người luôn luôn là yếu tố tiên quyết: con người là yếu tố thứ nhất và nền tảng của văn hóa”[13].
Thật thế, nhờ văn hóa con người chế ngự được sức mạnh mù quáng của thiên nhiên và vượt khỏi thế giới động vật để vươn tới cõi nhân sinh. Nói cách khác, “con người chỉ có thể đạt tới đặc điểm đích thực và trọn vẹn nhân bản ngang qua văn hóa, nghĩa là nhờ việc trau dồi những ưu phẩm và những giá trị của bản tính. Vì vậy, trong những gì liên hệ đến cuộc sống nhân loại, nhân tính và văn hóa liên kết chặt chẽ với nhau”[14].
Nhìn từ góc độ này, văn hóa tương đồng với nhân hóa (humanisation): chính qua văn hóa, con người xây dựng thế giới loài người và “trở thành người” hơn. Cũng nhờ văn hóa, con người nhân hóa thiên nhiên và giải thoát mình khỏi thế giới hoang dã, bán khai, tiền nhân bản. Do đó, tiến trình văn hóa đồng nghĩa với tiến trình giải phóng. Chính văn hóa đã giải phóng con người khỏi những sức mạnh mù quáng, những nỗi sợ thiên thu vạn đại và đặt con người lên vị trí làm người. Vì thế, không thể quan niệm một xã hội nhân loại mà lại thiếu vắng văn hóa.
Trong thông điệp “Bách chu niên“, Đức Gioan Phaolô II nêu rõ mối tương quan hỗ tương giữa văn hóa và ý nghĩa nhân sinh: “Không thể hiểu con người nếu chỉ dựa trên lãnh vực kinh tế, cũng như không thể xác định con người là gì nếu chỉ căn cứ vào việc họ thuộc về một giai cấp nào đó. Ta hiểu biết con người một cách trọn vẹn hơn nếu đặt con người vào bối cảnh văn hóa của họ, bằng cách lưu ý đến ngôn ngữ, lịch sử của họ, quan điểm của họ trước các biến cố nền tảng của đời sống, chẳng hạn như việc chào đời, tình yêu, lao động và cái chết. Trọng tâm của mọi nền văn hóa là thái độ của con người trước huyền nhiệm lớn lao nhất: mầu nhiệm Thiên Chúa. Từ căn bản, các nền văn hóa khác nhau là những cách thức khác nhau để đối diện với vấn đề ý nghĩa cuộc sống của mỗi người. Nếu loại bỏ vấn đề này thì nền văn hóa và đời sống luân lý của các quốc gia sẽ bị băng hoại”[15].
Khi diễn tả tính chất lịch sử và nhân chủng học như thế, chúng ta đã cảm nghiệm sự hiện diện khắp nơi của văn hóa trong cuộc sống nhân loại. Văn hóa mang đặc tính đa chiều, đa phương và đa diện, bởi vì nó bao trùm toàn diện cuộc sống của một dân tộc: toàn diện giá trị và phi giá trị, những nét mới và đặc trưng của mỗi dân tộc. Có lẽ vì vậy văn hóa trở thành “bản sắc” hay một thứ “lương tâm tập thể[16] của mỗi dân tộc.
12.2.2-  Trong bối cảnh toàn cầu hóa
Sự phát triển của khoa học kỹ thuật, đặc biệt công nghệ thông tin, đã khai sinh một nền văn hóa mang tính toàn cầu. Khoảng cách không gian không còn ý nghĩa: những biến cố và tin tức được truyền đi tức thời và đến tận góc biển chân trời. Với sự phát triển của truyền thanh, truyền hình, hệ thống vệ tinh, Internet, điện thoại di động, cáp quang, Website... nhân loại đang xích lại gần nhau hơn và có cơ hội hiểu biết, cũng như cảm thông với nhau nhiều hơn. Càng ngày càn xuất hiện thêm nhiều “ngôi làng thế giới”, với ý thức ngày càng lớn mạnh về tư cách “công dân thế giới” hay công dân liên quốc gia hơn. Lối sống, nếp nghĩ, cách thế nhìn đời, sở thích, giải trí, phục sức, thực phẩm... ngày càng đồng nhất và đồng loạt hơn.
Nhờ những phương tiện truyền thông tân tiến, “cơ hội tương tác giữa các nền văn hóa gia tăng rất nhiều và mở ra viễn cảnh mới của đối thoại liên văn hóa”[17]. Nhân loại cảm nhận sâu xa nỗi đau và nỗi nhục trước cảnh bất công hay tình trạng khốn cùng của anh em đồng loại, đồng thời phẫn nộ khi nhân phẩm và nhân quyền bị xâm phạm, cũng như rất bức xúc trước những băng hoại về môi sinh và đạo đức. Trách nhiệm này ngày càng lớn mạnh, bởi vì mỗi ngày chúng ta ý thức rõ hơn về mối tương quan đồng lệ thuộc giữa các cá nhân: chúng ta không thể đạt được an vui và hạnh phúc lâu dài, nếu bất công, tham nhũng và tình trạng chênh lệch kinh tế giữa người giàu và người nghèo quá sâu thẳm.
Tuy nhiên, thông điệp “Tình yêu trong chân lý” cảnh báo về một số đe dọa mới. Thật vậy, hiện tượng gia tăng về thương mại hóa hay các trao đổi văn hóa tạo cơ hội tốt để con người hôm nay dễ dàng tiếp cận với các nền văn hóa khác và nhờ đó mở rộng tầm nhìn, nhưng đồng thời nó cũng hàm chứa một mối nguy hiểm kép: “Thứ nhất, người ta nhận thấy một “chủ nghĩa chiết trung văn hóa”, (éclectisme culturel) thường được đón nhận một cách thiếu phê phán: Các nền văn hóa cứ được xếp cạnh nhau, tự bản chất được xem là tương đồng với nhau và có thể thay thế nhau. Điều này dẫn đến chủ nghĩa tương đối và chẳng giúp ích gì cho cuộc đối thoại liên văn hóa đích thực. Trên bình diện xã hội, chủ nghĩa tương đối văn hóa làm cho các nhóm văn hóa gần gũi nhau hay chung sống với nhau, nhưng lại tách rời nhau, không có đối thoại đích thực và do đó chẳng có hội nhập thực sự. Thứ đến, có một nguy cơ trái ngược do san bằng văn hóa và đồng loạt hóa thái độ cũng như lối sống. Theo cách thế này, người ta đánh mất ý nghĩa sâu thẳm nơi văn hóa của nhiều nước khác nhau và các truyền thống của các dân tộc, nhờ đó con người đương đầu với  những vấn đề nền tảng của cuộc sống. Chủ nghĩa chiết trung và san bằng văn hóa đều nhằm tách rời văn hóa khỏi bản tính con người. Như vậy, các nền văn hóa không còn khả năng tìm gặp tiêu chuẩn của mình nơi một bản tính siêu việt hơn chúng, và cuối cùng giản lược con người vào một dữ kiện thuần túy văn hóa. Nếu điều đó xảy ra, nhân loại sẽ đối diện với nguy cơ mới của bị lệ thuộc và bị thao túng”[18]
12.3- Văn hóa và loan báo Tin Mừng
Công đồng Vatican II chính thức công nhận: “Có nhiều mối tương quan giữa sứ điệp cứu độ và văn hóa. Bởi vì, từ khi mạc khải cho dân Ngài tới khi biểu lộ tròn đầy trong Chúa Con Nhập thể, Thiên Chúa đã nói với con người qua các loại văn hóa riêng biệt của từng thời đại. Cũng thế, trải qua những hoàn cảnh khác nhau của lịch sử, Giáo Hội đã sử dụng tài nguyên của các nền văn hóa khác nhau để phổ biến và trình bày sứ điệp của Đức Kitô cho muôn dân, qua lời rao giảng”[19].
Sứ vụ loan báo Tin Mừng cho thời đại đa phức tôn giáo và đa văn hóa hôm nay đòi hỏi chúng ta phải tích cực dấn thân đối thoại với con người thời đại, với các trào lưu tư tưởng, với các tôn giáo và các nền văn hóa. Đây là mối tương quan giao thoa giữa “Tin Mừng hóa” với “hội nhập văn hóa”: Một mặt, Tin Mừng cần được diễn tả bằng những chất liệu và âm sắc độc đáo của mỗi nền văn hóa; mặt khác mọi tín hữu có nhiệm vụ tạo cơ hội để Tin Mừng thanh luyện và chiếu sáng một số vùng tối nơi các nền văn hóa. “Tin Mừng không ngừng thanh luyện và nâng cao phong hóa các dân tộc. Nhờ thiên ân, Tin Mừng phong phú hóa, từ bên trong, những phẩm tính thiêng liêng và những đặc tính của mỗi dân tộc và mỗi thời đại. Tin Mừng củng cố, bổ túc và tái tạo chúng trong Đức Kitô”[20].
Trên nguyên tắc, Tin Mừng không cần một đất riêng nào để sống và cũng chẳng đồng hóa với bất cứ nền văn hóa nào, nhưng trong thực tại lịch sử, công cuộc loan báo Tin Mừng không thể hoàn toàn tách rời khỏi các nền văn hóa. Theo các Giám mục Á Châu, “văn hóa là không gian sống trong đó con người đến với Tin Mừng, mặt giáp mặt. Nếu đích thực văn hóa là thành quả của cuộc sống và hoạt động của một nhóm người, thì những người thuộc nhóm đó cũng được uốn nắn một phần bởi nền văn hóa trong đó họ đang sống (...). Từ viễn cảnh đó, ta nhận thức rõ hơn tại sao Tin Mừng hóa và hội nhập văn hóa tương quan với nhau cách tự nhiên và mật thiết. Tin Mừng và công cuộc loan báo Tin Mừng chắc chắn không đồng nhất với văn hóa. Tuy nhiên, Nước Thiên Chúa đến với những con người gắn bó sâu xa với một nền văn hóa, và do đó, công cuộc xây dựng Vương Quốc không tránh khỏi việc vay mượn các yếu tố rút ra từ các nền văn hóa nhân loại”[21].
Chính vì thế, trong mấy thập niên vừa qua Giáo Hội đặc biệt nhấn mạnh đến tầm quan trọng của mối tương quan giao thao giữa đức tin và văn hóa. Chỉ có thể gọi là một cuộc loan báo Tin Mừng thành công khi chất men Tin Mừng thực sự đi vào lòng người, hội nhập vào truyền thống dân tộc và biến thành văn hóa. Trong văn thư thành lập “Hội Đồng Giáo hoàng về Văn hóa”, Đức Gioan Phaolô II diễn tả một cách sâu sắc mối tương quan mật thiết giữa Tin Mừng và văn hóa: “Một đức tin mà chưa biến thành văn hóa, là đức tin chưa được đón nhận trọn vẹn, chưa thực sự suy tư, chưa sống một cách chân thành[22].
Đây cũng là những băn khoăn và thao thức hàng đầu của các Nghị phụ Thượng Hội đồng Giám mục châu Á: Làm sao trình bày mầu nhiệm Chúa Kitô cho các dân tộc châu Á, theo cung cách văn hóa và lối suy nghĩ của người châu Á? Làm sao tái khám phá khuôn mặt châu Á của Đức Giêsu và tìm ra những cách thế thích hợp để người châu Á lãnh hội ý nghĩa của sứ điệp cứu độ phổ quát của Người?[23]
Mặc dù để phát triển, văn hóa cần có một khung trời tự do, một sự tự trị chính đáng trong lãnh vực của mình và những điều kiện cần thiết để sáng tạo, nhưng nói cho cùng văn hóa không có giá trị “tuyệt đối”, mà phải tùy thuộc vào sự phát triển con người toàn diện, việc phục vụ công thiện công ích của xã hội và tiêu chuẩn đạo đức[24]. Như vậy, phải chăng cần nối kết văn hóa với chân, thiện, mỹ? Phải chăng tình yêu cần hiện diện và thâm nhập vào bên trong môi trường văn hóa? Và phải chăng, quan điểm “văn dĩ tải đạo” của cổ nhân lại khẩn thiết đặt ra, dưới những dạng thức và trong bối cảnh mới?
Ngày 10-11-1659, khi cử hai Đại diện Tông tòa đầu tiên sang Đàng Trong và Đàng Ngoài, Bộ Truyền giáo đã đưa ra nguyên tắc “hội nhập văn hóa”, Trung Hoa với người Trung Hoa và Việt Nam với người Việt Nam:
“Chư huynh đừng bao giờ muốn sửa đổi, đừng tìm lý lẽ để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hóa của họ, trừ khi nó hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý: có gì vô lý bỉ ổi hơn mang theo cả nước Pháp, Tây Ban Nha, nước Ý, hay bất cứ nước nào khác bên trời Âu sang cho dân Á đông chăng? Không phải mang thứ ấy đến cho họ, mà là mang chân lý đức tin, một chân lý không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ một dân tộc nào, cũng đừng xúc phạm đến những nghi lễ và tập tục ấy, miễn là chúng không xấu; ngược lại, chân lý đức tin muốn cho người ta bảo tồn và duy trì chúng là đàng khác”
“Có thể nói, tự nhiên ai ai cũng cho những cái của mình là nhất và của quê hương xứ sở mình là hơn cả, và yêu mến những báu vật đó hơn những cái của ngoại lai: nguyên việc sửa chữa những quốc lệ của người ta cũng đủ gây lòng oán hận sâu đậm rồi, nhất là những tập tục cổ đã có lâu đời mà các tiền nhân vẫn có thể nhớ tông tích; càng tệ hơn nữa nếu chư huynh hủy bỏ những tập tục đó để đem phong tục của quý quốc mà thay thế vào! Vậy đừng bao giờ nên đem những tục lệ châu Âu đối lập với tục lệ của các dân tộc ấy, trái lại hãy hết lòng sống cho quen với tập tục của họ”[25].
Mặc dù 350 năm đã trôi qua, nhưng những chỉ dẫn của Huấn dụ nói trên vẫn còn giá trị và vẫn duy trì tính thời sự. Tuy nhiên, bao giờ Giáo Hội Việt Nam mới có những định hướng mục vụ rõ ràng, cụ thể và xuyên suốt để những chỉ thị quý giá ở trên trở thành hiện thực?
Thư Mục vụ năm 2003 của Hội đồng Giám mục Việt Nam mời gọi người Công giáo mạnh dạn dấn thân vào những môi trường mới: “Đó là những môi trường văn hóa, chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật… Đó là những lãnh vực cần có sự hiện diện của Chúa Kitô, chứng tá của Hội Thánh và ánh sáng của Tin Mừng”[26].
Nhưng từ đó đến nay, người ta vẫn chưa thấy một biến chuyển đáng kể nào trong nếp nghĩ, nếp sống và đường hướng mục vụ của người Công giáo Việt Nam! Vẫn chưa có một đầu tư giá trị nào cho lãnh vực văn hóa hay một định hướng quan trọng liên hệ đến mối tương quan sinh tử giữa văn hóa với loan báo Tin Mừng. Xem ra, chúng ta vẫn tiếp tục ưu tiên xây dựng cơ sở vật chất hơn cơ sở tâm linh và văn hóa!
12.4- Văn minh tình thương
Trong giờ phút linh thiêng, thân tình, cao cả và bi đát nhất của buổi chia ly giữa thầy – trò, Đức Giêsu đã để lại cho các môn đệ một điều răn mới: «Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình» (Ga 15,12-13). Hơn nữa, Đức Giêsu còn lấy «tình yêu thương» làm dấu chỉ để nhận diện người môn đệ của Người.
Đối diện với một xã hội tiêu thụ, ích kỷ, bạo lực, hận thù và cạnh tranh tàn bạo hiện nay, Giáo huấn xã hội đề nghị xây dựng “văn minh tình thương” [27], trong đó tình thương sẽ là nguyên tắc, tiêu chuẩn và định hướng cho xã hội mới. “Tình thương này có thể gọi là “bác ái xã hội[28] hay “bác ái chính trị[29] và phải bao trùm toàn thể nhân loại. Chính “tình yêu xã hội” này là phản đề của ích kỷ chủ nghĩa và cá nhân chủ nghĩa. Mặc dù không muốn tuyệt đối hóa đời sống xã hội (...), chúng ta không thể quên rằng việc phát triển toàn diện con người và tăng trưởng xã hội có ảnh hưởng hỗ tương. Do đó, ích kỷ là kẻ thù độc hại nhất của một xã hội có trật tự: Lịch sử cho thấy nhân tâm trở nên cằn cỗi khi con người không còn khả năng để nhìn nhận một giá trị và một thực tại hữu hiệu nào khác ngoài những của cải vật chất, mà nỗi khát khao đi tìm chúng làm chết ngạt và cản trở khả năng trao ban chính mình của con người”[30].
Không thể xây dựng một xã hội phát triển và cũng chẳng có yêu thương đích thực nếu thiếu vắng công lý. Tuy nhiên, một xã hội chỉ xây dựng trên công lý, mà vắng bóng tình thương và liên đới, sẽ trở thành một xã hội lạnh lùng, chai cứng, thiếu con tim và chưa phải là miền đất sống cho con người. Để xây dựng một xã hội nhân bản hơn thì tình yêu phải hiện diện và thâm nhập vào mọi quan hệ xã hội.
Những cuộc đấu tranh cam go chống lại chế độ thuộc địa và những cơ chế áp bức, bóc lột, phi nhân… trong mấy thế kỷ vừa qua giúp chúng ta ý thức về giá trị của độc lập và thâm tín rằng không thể xây dựng một xã hội nhân bản mà thiếu vắng công lý. Tuy nhiên, những kinh nghiệm đau thương của những cuộc đấu tranh đó cũng cho chúng ta thấy chẳng bao giờ có thể xây dựng một xã hội hạnh phúc hay giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống, mà chỉ dựa vào công lý. Chúng ta chỉ có thể làm cho xã hội trở nên phát triển, nhân bản và an bình hơn khi tình thương và liên đới trở thành chuẩn mực cho cuộc sống xã hội. Vì vậy, thông điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” rất có lý khi nhận định: Nếu công lý “tự thân thích hợp với vai trò “trọng tài” giữa người với người để phân phối của cải một cách công bằng, thì trái lại, tình thương và chỉ duy tình thương (bao gồm cả lòng từ tâm mà chúng ta gọi là “lòng xót thương”), mới có thể làm cho con người trở nên chính mình”[31].
Trong Sứ điệp Ngày hòa bình thế giới năm 2004, Giáo chủ Gioan Phaolô II cống hiến cho chúng ta một suy tư sâu sắc về mối tương quan biện chứng giữa công lý và tình yêu. «Đôi khi công lý và tình yêu xuất hiện như sức mạnh đối kháng. Trên thực tế, chúng chỉ là hai mặt của cùng một thực tại, hai chiều kích của hiện hữu nhân loại, cần phải bổ sung cho nhau. Kinh nghiệm lịch sử xác nhận điều đó. Nó cho thấy rằng công lý thường rất khó giải thoát khỏi oán hận, căm thù và ngay cả tàn ác. Một mình công lý không đủ. Công lý có thể đi đến chỗ chối từ chính mình, nếu nó không mở rộng cánh cửa cho sức mạnh sâu xa hơn, đó là tình yêu.
Kitô hữu biết rằng tình yêu chính là nguyên do làm cho Thiên Chúa thiết lập tương quan với con người. Và cũng chính tình yêu là điều Người mong đợi như câu trả lời của con người. Như thế, tình yêu cũng là hình thức cao thượng và quý giá nhất của mối tương quan giữa người với người. Do đó, tình yêu phải năng động hóa mọi chiều kích của đời sống nhân loại và trải rộng ngay cả đến trật tự quốc tế. Chỉ khi nào «nền văn minh tình yêu» ngự trị thì nhân loại mới có thể hưởng một nền hòa bình đích thực và bền vững»[32].

 


[1] Xin coi Pontificio Consiglio della Cultura, Fede e Cultura, Lib. Edit. Vaticana, 2003.
[2] Xem Phạm Cao Dương, Nhập môn Lịch sử các nền Văn minh Thế giới, Sàigòn, 1972; Nguyễn Văn Huyên, Văn Minh Việt Nam,NXB Hội Nhà Văn, 2005; Đào Duy Anh, Việt Nam văn hóa sử cương, Nxb Hội Nhà văn, 2000; Trần Ngọc Thêm, Tìm về Bản sắc Văn hóa Việt Nam, Nxb Tp HCM, 1997; Đỗ Trọng Huề, “Văn hóa và văn chương”, Đặc san Gió Việt 1998, Calgary, Canada; Mặc Giao,Một cách nhìn về Văn hóa Việt Nam, Tin Vui, Hoa Kỳ, 2004; Trần Văn Toàn, Đạo trung tùy bút, NXB Tôn giáo, Hà Nội, 2008.
[3] Xem A.L. Kroeber, C. Kluckholn, Culture: A Critical Review of Concepts and Definitions: Papers of Peabody Museum 47, 1952,1; E. Chiavacci, Principi di morale sociale, Bologna, 1971,51.
[4] E.B. Taylor, Văn hóa nguyên thủy, bản dịch tiếng Việt của Huyền Giang, Hà Nội, 2001, tr. 13.
[5] Le Dictionnaire de l’Académie française, 9me Edit. Paris, France.
[6] The New Encyclopedia Britannica, vol.3, 15th Edition 1997, 784.
[7] Người đưa tin UNESCO, 11-1989, tr. 5.
[8] Uỷ ban Quốc gia về thập kỷ phát triển văn hoá: Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa, Bộ Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1992, tr. 23.
[9] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 53.
[10] Về vấn đề này, xin đọc Hội Đồng Tòa Thánh về Văn hóa, Fede e Cultura, Antología di testi del Magistero Pontificio da Leone XIII a Giovanni Paolo II, Ed. Vaticana, 2003.
[11] Gioan Phaolô II, Diễn văn đọc tại UNESCO, ngày 2 -6-1980, trong Ecclesia, số 1986 (14-6-1980), số 17; đăng lại trong Fede e Cultura, sđd., số 1129.
[12] Ibidem, số 1130.
[13] Ibidem, số 1131.
[14] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 53.
[15] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 24.
[16] HĐGM Mỹ châu Latin, Peubla, số 387.
[17] Biển Đức XVI, Tình yêu trong chân lý, số 26.
[18] Ibidem
[19] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 58.
[20] Ibidem.
[21] Gioan Phaolô II, Giáo Hội tại Á châu, số 21,
[22] ngày 20 tháng 5 năm 1982.
[23] Giáo Hội tại Á châu, số 20.
[24] Theo Công đồng Vatican II, “văn hóa phải nhằm phục vụ việc phát triển con người toàn diện, phục vụ lợi ích của cộng đoàn và của toàn thể nhân loại” (Vui mừng và Hy vọng, số 59).
[25] Bản dịch của Đại Chủng viện Xuân Bích, Huế: Linh mục Nguyệt san, số 43, 7-1965, tr. 435-436. Xin xem nguyên bản trong Henri Chappoulie, Aux origines d’une Eglise, Rome et les missions d’Indochine au XVIIe siècle, tome I, Paris, 1943, tr. 392-402.
[26] Hội đồng Giám mục Việt Nam, Sứ mạng loan báo Tin Mừng của Hội Thánh Việt Nam hôm nay, 10.10.2003, số 8.
[27] Cf. Phaolô VI, Sứ điệp Ngày Hòa bình Thế giới 1977; Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 10.
[28] Thánh Tôma Aquinô, De caritate, a. 9, c.
[29] Phaolô VI, Octogesima adveniens, 46.
[30] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược..., 581.
[31] Gioan Phaolô II, Dives in misericordia, 14.
[32] Gioan Phaolô II, Sứ điệp Ngày hòa bình thế giới 2004, số 10.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét