Trang

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

1730 - 1742 Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo


1730 (30)  Thiên Chúa đã sáng tạo con người có lý trí và ban cho họ phẩm giá của một nhân vị để hành động có sáng kiến và biết làm chủ các hành vi của mình. "Thiên Chúa muốn để con người tự định liệu, hầu con người tự mình đi tìm Ðấng Sáng Tạo và nhờ tự do kết hiệp với Người, con người tiến tới sự hoàn thiện trọn vẹn và hạnh phúc" ( x. GS 17 ).
"Con người có lý trí, nên giống Thiên Chúa; con người được dựng nên có tự do và làm chủ các hành vi của mình" (T. Irênê, chống lạc giáo 4,4,3 ).

I. TỰ DO VÀ TRÁCH NHIỆM

1731 (1721)  Tự do là khả năng bắt nguồn từ lý trí và ý chí, để hành động hay không hành động, làm việc này hoặc việc nọ; nhờ đó, con người có thể thực hiện những hành vi có ý thức. Nhờ có ý chí tự do, con người tự quyết định về bản thân. Nhờ tự do, con người phát triển và trưởng thành trong chân lý và sự thiện. Tự do đạt tới mức hoàn hảo khi quy hướng về Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc của chúng ta.

1732 (396 1849 2006)  Bao lâu chưa dứt khoát gắn chặt vào Thiên Chúa là sự thiện hảo tối hậu của mình, thì tự do còn bao hàm khả năng )lựa chọn giữa thiện và ác; do đó, con người có thể tiến tới trên đường hoàn thiện hoặc thoái lui và phạm tội. Tự do là đặc tính của hành vi nhân linh. Vì có tự do, nên con người được khen ngợi hay bị chê trách, có công hay có tội.

1733 (1803)  Càng làm điều thiện, con người càng trở nên tự do. Chỉ có tự do đích thực khi con người phục vụ cho điều thiện và công bằng. Khi bất tuân ý Chúa và chọn điều ác, con người lạm dụng tự do và trở nên "nô lệ tội lỗi " (x. Rm 6,17 ).

1734 (1036,1804)  Có tự do, con người phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình theo mức độ chủ ý. Người càng đức hạnh, hiểu biết về sự thiện và sống khổ hạnh, ý chí càng làm chủ được các hành vi.

1735 (597)  Việc quy lỗi và trách nhiệm về một hành động có thể được giảm bớt hay xóa bỏ do thiếu hiểu biết, sơ suất, do áp lực, sợ hãi, do thói quen, do tâm lý bất ổn, do các nhân tố tâm lý hay xã hội.

1736  Con người phải chịu trách nhiệm về mọi hành vi trực tiếp chủ ý của mình :
·         (2568) Trong vườn địa đàng, sau khi con người phạm tội, Thiên Chúa chất vấn E-và :"Ngươi đã làm gì thế ?" ( St 3,13). Chúa cũng hỏi Ca-in như vậy (x. St 4,10 ). Sau khi Vua Ða-vít phạm tội ngoại tình với vợ U-ri-a và ra lệnh giết ông này (x. 2V 12,7-15 ), ngôn sứ Na-than cũng đặt câu hỏi tương tự với vua.
·         Một hành động có thể là gián tiếp chủ ý khi nó là hậu quả của sự chểnh mảng đối với điều phải biết hay phải làm; ví dụ : gây ra một tai nạn vì không biết luật đi đường.

1737 (2263)  Một hậu quả, không do tác nhân cố tình gây nên, có thể được dung thứ; ví dụ : người mẹ kiệt sức vì chăm sóc đứa con đau yếu. Một hậu quả xấu sẽ không bị quy lỗi nếu nó không phải là mục đích hay phương tiện chủ ý của tác nhân; ví dụ : một người bị thiệt mạng vì muốn cứu người khác. Tác nhân bị quy lỗi khi có thể thấy trước hậu quả xấu và có thể tránh được; ví dụ :người say rượu lái xe cán chết người.

1738 (2106 210)  Tự do được thể hiện trong các mối tương quan giữa người với người. Vì được tạo dựng theo hình ảnh Thiên Chúa, mỗi người đương nhiên có quyền được nhìn nhận như một con người tự do và có trách nhiệm. Mọi người có bổn phận tôn trọng quyền đó. Quyền sử dụng tự do là một đòi hỏi không thể tách rời khỏi phẩm giá con người, đặc biệt trong lãnh vực tâm lý và tôn giáo. Luật dân sự phải công nhận và bảo vệ quyền này, trong giới hạn công ích và trật tự công cộng.

II. TỰ DO CỦA CON NGƯỜI TRONG NHIỆM CỤC CỨU ÐỘ

1739 (387 401)  Tự do và tội lỗi. Tự do của con người có giới hạn và có thể lầm lạc. Quả thực, con người đã sa ngã, đã tự ý phạm tội khi từ chối ý định yêu thương của Thiên Chúa, con người tự lừa dối mình và trở thành nô lệ tội lỗi. Sự tha hóa đầu tiên này kéo theo vô số những tha hóa khác. Ngay từ đầu, lịch sử nhân loại cho thấy nhiều tai họa và áp bức phát xuất từ tâm địa con người lạm dụng tự do.

1740 (2108 1887)  Tự do bị đe dọa. Tự do không phải là muốn nói gì thì nói, muốn làm gì thì làm. Quan niệm "con người là một chủ thể tự do, tự túc tự mãn, chỉ cần lo cho lợi ích riêng mình bằng cách lo hưởng thụ các lạc thú trần thế ( CDF, tự do tín ngưỡng )" là điều sai lầm. Mặt khác, những điều kiện về kinh tế và xã hội, chính trị và văn hóa cần thiết để thực thi tự do cách chính đáng, lắm khi bị phủ nhận và vi phạm. Những sự mù quáng và bất công này làm băng hoại đời sống luân lý và tạo dịp cho kẻ mạnh cũng như người yếu phạm tội nghịch đức ái. Khi xa lìa luật luân lý, con người làm thương tổn tự do của chính mình, làm nô lệ cho tính ích kỷ, cắt đứt tình huynh đệ với đồng loại và nổi loạn chống lại ý Chúa.

1741 (782)  Giải thoát và cứu độ. Nhờ thập giá vinh hiển, Ðức Ki-tô đã cứu độ tất cả mọi người.Người cứu chuộc họ khỏi ách nô lệ tội lỗi. "Chính để chúng ta được tự do mà Ðức Ki-tô đã giải thoát chúng ta" (Gl 5,1). Trong Người, chúng ta được hiệp thông với "sự thật nhờ đó chúng ta được tự do" (Ga 8,32). Thiên Chúa đã ban Thánh Thần cho chúng ta và như thánh Phao-lô dạy :"Ở đâu có Thánh Thần thì ở đó có tự do" (2Cr 3,17). Ngay từ bây giờ, chúng ta tự hào về "tự do của con cái Thiên Chúa" (Rm 8,21).

1742 (2002 1784)  Tự do và ân sủng. Ân sủng Ðức Ki-tô không hề chèn ép tự do của chúng ta, khi tự do đi đúng hướng của Thiên Chúa và điều thiện mà Thiên Chúa đã đặt trong lòng con người. Trái lại, kinh nghiệm Ki-tô giáo, đặc biệt trong sự cầu nguyện, cho thấy : càng ngoan ngoãn vâng theo sự thúc đẩy của ân sủng, chúng ta càng được gia tăng tự do nội tâm và lòng quả cảm trước thử thách, cũng như những áp lực và ràng buộc của thế giới bên ngoài. Nhờ tác động của ân sủng, Thánh Thần dẫn chúng ta đến sự tự do thiêng liêng để chúng ta trở thành những người tự nguyện cộng tác vào công trình của Người trong Hội Thánh và thế giới :
"Lạy Thiên Chúa toàn năng và nhân hậu, xin đẩy xa những gì cản bước tiến của chúng con trên đường về với Chúa, để một khi xác hồn thanh thản, chúng con được hoàn toàn tự do thực hiện ý Chúa" (x. MR, Lời nguyện CN 32 ).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét