Trang

Thứ Tư, 11 tháng 4, 2012

2426 - 2436 Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo


IV. HOẠT ÐỘNG KINH TẾ VÀ CÔNG BẰNG XÃ HỘI

2426 (1928)  Phát triển kinh tế và gia tăng sản xuất đều nhằm phục vụ những nhu cầu của con người. Ðời sống kinh tế không chỉ nhằm vào việc gia tăng các sản phẩm, lợi nhuận hoặc quyền lực, nhưng trước tiên là để phục vụ con người: con người toàn diện và toàn thể cộng đồng nhân loại. Hoạt động kinh tế được điều hành theo những phương pháp riêng nhưng phải tôn trọng các khuôn khổ luân lý và công bằng xã hội, để đáp ứng ý định của Thiên Chúa về con người (x. GS 64).

2427 (307 378 531)  Lao động là công trình trực tiếp của những con người được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa, và được mời gọi cùng nhau tiếp nối công trình sáng tạo khi làm chủ địa cầu (x. St 1, 28; GS 34; CA 31). Do đó, lao động là một bổn phận: "Ai không chịu làm việc thì cũng đừng ăn" (x. 2 Th 3,1-10;1 Th 4,11). Khi lao động, con người biểu dương các ân huệ của Ðấng Sáng Tạo và những tài năng Chúa ban. Lao động còn có giá trị cứu chuộc (x. St 3,14-19). Khi kết hợp với Ðức Giê-su, người thợ làng Na-da-rét và cũng là Ðấng chịu đóng đinh trên Ðồi Sọ, con người qua những vất vả lao động được cộng tác với Con Thiên Chúa trong công trình cứu độ. Họ chứng tỏ mình là môn đệ của Ðức Ki-tô khi vác thập giá hằng ngày, qua việc chu toàn những bổn phận trong sinh hoạt (x. LE 27). Lao động có thể là một phương thế thánh hóa và thấm nhuần các thực tại trần thế bằng thần khí của Ðức Ki-tô.

2428 (2834 2185)  Trong lao động, con người sử dụng và thể hiện một phần các khả năng tự nhiên của mình. Giá trị hàng đầu của lao động hệ tại ở chính con người, là tác giả và là người thụ hưởng nó. Lao động vì con người, chớ không phải con người vì lao động (x. LE 6).

Mỗi người có quyền nhờ lao động mà có được các phương thế để nuôi sống bản thân và những người thân, cũng như phục vụ cộng đồng nhân loại.


2429  Mỗi người có quyền có sáng kiến trong sinh hoạt kinh tế, sử dụng chính đáng các tài năng của mình để góp phần làm ra nhiều của cải cho mọi người được hưởng, và gặt hái những hiệu quả chính đáng do các nỗ lực của mình. Họ phải để tâm tuân theo các qui định do chính quyền hợp pháp đề ra vì công ích (x. CA 32,34).

2430  Ðời sống kinh tế liên can đến nhiều quyền lợi khác nhau, thường đối nghịch nhau, nên thường xảy ra các xung đột (x. LE, 11). Phải cố gắng giải quyết các xung đột bằng thương lượng, dựa trên sự tôn trọng các quyền lợi và bổn phận của mọi thành phần xã hội: ban điều hành các xí nghiệp, đại diện công nhân, thí dụ các tổ chức nghiệp đoàn, và đại diện chính quyền.

2431 (1908 1883)  Trách nhiệm của Nhà Nước. "Hoạt động kinh tế, đặc biệt là nền kinh tế thị trường, cần đến những định chế, pháp luật và chính sách. Hoạt động kinh tế phải được bảo đảm bằng tự do cá nhân và quyền tư hữu, ngoài ra phải có hệ thống tiền tệ ổn định và các dịch vụ công cộng hữu hiệu. Nhiệm vụ chính yếu của Nhà Nước là bảo đảm sự an toàn để người lao động có thể hưởng hiệu quả công việc làm của họ và do đó họ sẽ cảm thấy được khuyến khích làm việc cách hiệu quả và lương thiện... Nhà Nước cũng có bổn phận giám sát và hướng dẫn việc thực thi nhân quyền trong lãnh vực kinh tế. Tuy nhiên trong lãnh vực này trách nhiệm đầu tiên không phải của nhà nước nhưng của các cá nhân, các đoàn nhóm khác nhau và các hiệp hội là thành viên của xã hội (x. CA 48).

2432 (2415)  Những người lãnh đạo xí nghiệp chịu trách nhiệm trước xã hội về mặt kinh tế và sinh-thái của công việc làm ăn của mình (x. CA 37). Họ quan tâm đến lợi ích của con người chứ không lo gia tăng lợi nhuận. Dĩ nhiên, lợi nhuận cần thiết vì giúp thực hiện những đầu tư bảo đảm tương lai của xí nghiệp và bảo đảm công ăn việc làm của công nhân.

2433  Mọi người phải được quyền làm việc và chọn nghề, không bị kỳ thị bất công, nam hay nữ, người khỏe mạnh hay tàn tật, người địa phương hay người nơi khác (x. LE 19,22-23). Tùy hoàn cảnh xã hội phải giúp đỡ để các công dân có công ăn việc làm (x. CA 48).

2434 (1867)  Người lao động có quyền hưởng đồng lương công bằng. Không trả hoặc giữ tiền lương lại, là một tội bất công nghiêm trọng (x. Lv 19,13; Ðnl 24,14-15; Gcb 5,4). Ðể định giá tiền lương cho công bằng, phải lưu ý đến các nhu cầu và đóng góp của mỗi người. "Tùy theo nhiệm vụ và năng suất của mỗi người, tình trạng của xí nghiệp và công ích, việc làm phải được trả lương sao cho con người có đủ khả năng xây dựng cho mình một đời sống xứng hợp về phương diện vật chất, xã hội, văn hóa và tinh thần" (x. GS 67,2). Về phương diện luân lý, sự thỏa thuận giữa chủ và thợ không đủ đễ định mức lương.

2435  Về mặt luân lý, đình công là việc chính đáng, khi đó là một phương thế không tránh được hoặc cần thiết, để đạt được lợi ích tương xứng. Ðình công không thể chấp nhận được về mặt luân lý, khi kèm theo bạo động hoặc khi chỉ được dùng nhằm những mục tiêu không trực tiếp liên hệ đến các điều kiện làm việc hay trái nghịch với công ích.

2436   Không đóng góp lệ phí cho những cơ quan an ninh xã hội do chính quyền hợp pháp qui định là điều bất công.
Tình trạng thất nghiệp, đối với nạn nhân, luôn xúc phạm đến phẩm giá của họ và là một đe dọa cho thế quân bình của đời sống. Ngoài sự thiệt hại mà cá nhân người đó phải gánh chịu, thất nghiệp còn đem lại nhiều mối nguy cho gia đình của họ (x. LE 18).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét