Trang

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

7- CÔNG ÍCH


Công ích là một quan niệm thiết yếu của bất cứ lý thuyết xã hội nào, vì nó là lý do hiện hữu của các cộng đồng chính trị, các tổ chức xã hội và đặc biệt là của Nhà nước. Thật vậy, mục đích đầu tiên của tất cả các cơ quan công quyền, cũng như của các cơ cấu kinh tế - xã hội là để cổ võ và thực hiện “thiện ích chung”. Chính vì vậy, công ích là một trong những tiêu chuẩn cơ bản để định hướng, lượng giá và phê phán các chính sách kinh tế – chính trị. Chúng ta gặp thấy ý niệm này trong tác phẩm của nhiều hiền triết, tư tưởng gia và chính trị gia xưa cũng như nay.
7.1- Định nghĩa công ích
Quan niệm công thiện công ích đóng một vai trò rất quan trọng trong đạo đức chính trị của thánh Tôma[1]. Thánh nhân sử dụng từ “bonum commune” (mà chúng tôi tạm dịch là công ích) để ám chỉ điều thiện hảo cho mọi người trong xã hội. Đây là điều thiện hảo nền tảng, bởi vì bao gồm thiện hảo của các cá nhân, các cộng đồng cũng như của các quốc gia. Công ích bắt nguồn nơi xã hội tính của con người và trở thành mục đích của tất cả các xã hội muốn xây dựng một cuộc sống chung phát triển, đạo đức, công bằng, hạnh phúc và nhân ái. Đây vừa là thiện ích riêng của mỗi cá nhân, vừa là thiện ích chung của mọi người và của toàn thể xã hội. Chính nơi công ích mỗi phần tử tìm thấy thiện ích của riêng mình và đạt tới sự viên mãn.
Công ích không chỉ là một tổng hợp thuần túy những thiện ích riêng lẻ của các thành phần, và cũng chẳng đồng hóa với thiện ích của Nhà nước hay các đảng phái chính trị. Trong một mức độ nào đó, chúng ta phải nói rằng công ích không phải là một tổng hợp thuần túy những lợi ích vật chất, mà còn bao gồm giá trị tinh thần, gia tài văn hóa, truyền thống dân tộc, lý tưởng cao đẹp của cuộc sống và tất cả những gì mà quan niệm cổ điển gọi là “bonum honestum”, thiện hảo. Từ công ích vì thế luôn được hiểu theo nghĩa tích cực và bao hàm nét đẹp đạo đức. Để đề cao và làm sáng tỏ nét đẹp đạo đức này, có người đề nghị nên sử dụng hạn từ kép: “công thiện-công ích” hoặc “thiện ích chung”. Do đó, không bao giờ có thể gọi công ích của quân cướp, của nhóm mafia hay bọn sát nhân.
Hiện nay, “công thiện-công ích” đã trở thành một trong các nguyên tắc nền tảng của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội. Chúng ta gặp thấy nó trong tất cả các văn kiện quan trọng từ thời Đức Leô XIII cho đến thời đại chúng ta. Theo thông điệp “Tân sự”, nhiệm vụ của Nhà nước là cổ võ và phát triển những gì ích quốc lợi dân, ngõ hầu kiến tạo một xã hội an hòa và thịnh vượng: “Trước tiên, nhà cầm quyền cần dựa trên hệ thống luật pháp và chế độ chính trị để điều khiển và quản trị Nhà nước, nhằm đạt tới sự thịnh vượng chung và riêng. Đó là mục đích của chính trị và trách nhiệm của các nhà cầm quyền. Sự thịnh vượng của các quốc gia phát xuất một cách đặc biệt từ thuần phong mỹ tục, từ trật tự gia đình tốt đẹp, từ việc thực hành tôn giáo và công lý, từ chế độ thuế khóa hợp lý và từ hành động phân phối một cách quân bình chức vụ công quyền, từ sự tiến triển về công nghiệp và thương nghiệp, từ sự phát triển nông nghiệp và từ tất cả các hoạt động mà càng tăng triển càng tạo thêm phúc lợi cho toàn dân”[2].
Thông điệp “Mẹ và Thầy” giản lược “công ích” vào “tất cả các điều kiện cần thiết giúp con người đạt được sự phát triển toàn diện”. Để thực hiện điều đó, thông điệp cho rằng “các tổ chức trung gian và những sáng kiến xã hội khác (…) cần được hưởng một sự tự lập hữu hiệu đối với công quyền và được phép theo đuổi các lợi ích riêng trong tinh thần cộng tác chân thành với nhau và trong sự lệ thuộc vào các đòi hỏi của công ích”[3].
Cũng như các bản văn khác của Hàng Giáo phẩm, thông điệp “Hòa bình trên thế giới” nhấn mạnh đến vai trò của nhà cầm quyền trong việc cổ võ và bảo vệ công ích. Đức Gioan XXIII viết: “Trong thời hiện đại, thiện ích chung hệ tại việc bảo vệ những quyền lợi và những nghĩa vụ của con người. Vì thế, mối quan tâm chính của nhà cầm quyền là nhìn nhận, tôn trọng, kết hợp, bảo vệ và thăng tiến những quyền lợi đó, nghĩa là phải làm thế nào để mỗi người dễ dàng thực hiện nghĩa vụ của mình. Bởi vì, nhiệm vụ chính của tất cả công quyền là bênh vực những quyền bất khả xâm phạm của con người và làm cho mỗi người dễ dàng chu toàn trách vụ của mình”[4].
Công đồng Vatican II cho chúng ta một định nghĩa ngắn gọn và chính xác như sau: “Công ích là toàn bộ những điều kiện của đời sống xã hội cho phép các tập thể hay các phần tử riêng rẽ có thể đạt tới sự hoàn hảo riêng một cách đầy đủ và dễ dàng hơn”[5]. Bản văn ở số 74 của cùng hiến chế “Giáo Hội trong thế giới hôm nay” trình bày rõ hơn bản chất và vai trò của công ích đối với cộng đồng chính trị. Vì tính cách quan trọng của bản văn này, xin phép trích dẫn hầu như trọn vẹn:
* Trước hết, Công đồng cho thấy sự cần thiết của cộng đồng chính trị và mối tương quan của nó với công ích: “Cá nhân, gia đình và các đoàn thể, tức là tất cả những gì cấu tạo thành xã hội dân sự, đều ý thức sự bất lực trong việc tự mình xây dựng nên một cuộc sống thực sự nhân bản và đều nhận thấy cần phải có một cộng đồng rộng lớn hơn, trong đó tất cả mọi người hằng ngày hợp lực để mưu cầu công ích mỗi lúc một tốt đẹp hơn. Do đó, họ thành lập cộng đồng chính trị dưới nhiều hình thức khác nhau. Như vậy, cộng đồng chính trị hiện hữu vì công ích: cộng đồng chính trị tìm thấy nơi công ích sự biện minh, ý nghĩa, căn bản pháp lý và nguồn gốc của mình”.
* Kế đó, Công đồng trình bày quan niệm của Kitô giáo về công thiện, công ích. Theo Công đồng, công ích “bao gồm tất cả những điều kiện của cuộc sống xã hội cho phép cá nhân, gia đình và đoàn thể được phát triển cách trọn vẹn và dễ dàng”.
* Cuối cùng, bản văn cho thấy chính công ích đem lại ý nghĩa và lý do tồn tại của quyền bính chính trị: “Một cộng đồng chính trị bao gồm nhiều người thuộc đủ mọi thành phần và họ có quyền có những quan điểm khác nhau. Vì mỗi cá nhân thường bênh vực quan điểm của riêng mình, nên để tránh cho cộng đồng chính trị khỏi tan rã, cần phải có một quyền bính để hướng dẫn năng lực của tất cả công dân tới công ích. Dĩ nhiên, quyền bính không hướng dẫn cách máy móc hay độc đoán, nhưng trước hết như một sức mạnh đạo đức dựa trên tự do và ý thức trách nhiệm”[6].
Qua những trình bày sơ lược ở trên, chúng ta có thể kết luận như sau: Theo nghĩa rộng và bình dân, công ích đồng nghĩa với bất cứ tài sản ngoại tại nào đó, được coi như đích điểm của vô số cá nhân. Tuy nhiên, chúng ta không thể đồng hóa công ích với tổng hợp những ích lợi vật chất hoặc tinh thần của các phần tử trong một xã hội, và cũng chẳng thể định nghĩa nó theo chủ nghĩa duy lợi khi cho rằng công ích là “lợi ích lớn nhất cho nhiều người nhất” bất chấp những thiệt thòi cho những người khác. Theo bản chất, công ích phải là tổng hòa thiện ích của tất cả và của mỗi cá nhân. Xét như là thiện ích chung, công ích phải diễn tả một tình trạng nhân bản và xã hội có phẩm chất cao hơn. Đây là tổng kết tất cả gia tài vật chất lẫn tinh thần, truyền thống và hiện đại của một cộng đồng. Hơn nữa, nó là “gia sản độc đáo”, thiêng liêng và bất khả phân ly của một cộng đồng, vì chính nó đem lại ý nghĩa, lý do hiện hữu và bản sắc cho các sinh hoạt cũng như sự hiện hữu của cộng đồng.  
Trong ý nghĩa đó, công ích không bao giờ tách rời khỏi thiện hảo của con người, nhưng luôn vượt trên ích lợi của mỗi cá nhân riêng lẻ. Công ích đặt nổi chiều kích nhân bản, tinh thần phục vụ và khả năng sáng tạo để năng động hóa cấu trúc xã hội trong toàn bộ, cũng như trong mỗi một khu vực cụ thể, thúc đẩy sự biến đổi ở chiều sâu theo tiêu chuẩn công bằng xã hội. Nhiệm vụ của Nhà nước, cũng như các tổ chức và hiệp hội dân sự là tạo nên những mối tương quan tốt đẹp giữa người với người, mối tương quan rất cần thiết để thực hiện những quyền lợi và nghĩa vụ của đời sống xã hội.
7.2- Phạm vi bó buộc của công ích
Công ích đòi hỏi mọi người phải tích cực tham gia và thi hành bổn phận của mình để mưu cầu thiện ích chung. Trước hết, công ích đòi hỏi người dân phải tuân hành mệnh lệnh và chỉ thị của nhà cầm quyền để phục vụ thiện ích chung, vì mọi người phải góp phần xây dựng gia tài chung[7]. Theo Công đồng, “hoàn cảnh biến đổi sâu rộng và nhanh chóng đòi hỏi phải cấp bách vượt khỏi thứ luân lý duy cá nhân, bất chấp những diễn tiến của thời cuộc. Đòi hỏi công bằng và bác ái được thực hiện mỗi ngày một hơn nhờ mỗi người, tùy theo khả năng của mình và nhu cầu của những người khác, biết góp phần thực hiện công ích, bằng cách cổ võ và hỗ trợ các tổ chức công cũng như tư nhằm cải thiện điều kiện sống của con người”[8].
Xã hội dân sự, các hiệp hội, các tổ chức nghề nghiệp, nghiệp đoàn, các tổ chức tôn giáo... đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ công ích. Ở thời đại chúng ta, sự lệ thuộc giữa các nhân vị, giữa các xã hội và các quốc gia mỗi ngày một chặt chẽ hơn. Vì thế, “bất cứ tổ chúc nào cũng phải tôn trọng nhu cầu và nguyện vọng chính đáng của các tập thể khác, cũng như thiện ích chung của toàn thể gia đình nhân loại” [9].
Tuy nhiên, công ích đòi buộc một cách đặc biệt những ai đang nắm vai trò lãnh đạo hay có trách nhiệm trong cộng đồng[10]. Trách nhiệm hàng đầu của Nhà nước là thiết lập một hệ thống pháp lý, phù hợp với luật tự nhiên và nhân quyền, cũng như đòi hỏi của thời đại, để giải quyết một cách hợp lý không những mối tương quan giữa các cá nhân với nhau, mà còn giữa cá nhân với xã hội[11]. Nói cách khác, chính Nhà nước có nhiệm vụ xây dựng những điều kiện thiết yếu về trật tự công cộng, an ninh xã hội, tăng trưởng kinh tế, môi trường văn hóa, đạo đức, giáo dục thích hợp cho việc thực hiện thiện ích của mỗi người và của toàn thể xã hội[12].
Theo quan điểm của Giáo huấn xã hội Công giáo, nhà cầm quyền chỉ thi hành quyền bính một cách hợp pháp “khi mưu cầu công ích cho tập thể liên hệ và đạt tới mục đích này bằng những phương tiện mà luân lý cho phép. Nếu nhà cầm quyền đưa ra những luật lệ bất công hay sử dụng những biện pháp trái đạo đức, lương tâm không buộc phải theo. Trong trường hợp này, quyền bính không còn chính nghĩa nữa, mà đã thoái hóa thành áp bức”[13]
Sách “Giáo lý Hội Thánh Công giáo” khai triển quan niệm của Công đồng Vatican II và đúc kết nhiệm vụ của nhà cầm quyền, cũng như của tất cả các phần tử trong xã hội, đối với thiện ích chung vào ba điểm căn bản sau đây:
a)- “Trước hết, công ích đòi phải tôn trọng con người với tư cách là nhân vị. Nhân danh công ích, chính quyền có bổn phận tôn trọng các quyền căn bản và bất khả nhượng của con người. Xã hội phải giúp cho các thành viên thực hiện ơn gọi của mình. Đặc biệt, công ích tạo điều kiện để con người có thể thực thi các quyền tự do tự nhiên không thể thiếu để phát triển ơn gọi làm người như “quyền hành động theo quy tắc ngay thẳng của lương tâm, quyền bảo vệ đời tư và quyền tự do chính đáng, cả trong phạm vi tôn giáo nữa”.
b)- “Kế đến, công ích phải dẫn đến sự sung túc xã hội và sự phát triển tập thể. Phát triển là tổng hợp của mọi bổn phận xã hội. Dĩ nhiên, nhiệm vụ của nhà cầm quyền là, nhân danh công ích, đứng ra làm trọng tài giữa các quyền lợi riêng tư khác nhau. Tuy nhiên, công quyền phải giúp mỗi người có được những gì cần thiết để sống đúng với phẩm giá con người: lương thực, y phục, sức khỏe, việc làm, giáo dục, văn hóa, được thông tin đầy đủ, quyền xây dựng một gia đình, v.v.
c)- “Sau hết, công ích còn phải kiến tạo hòa bình, tức là một trật tự đúng đắn, ổn định và lâu dài. Điều kiện này giả thiết rằng Nhà cầm quyền phải bảo đảm an ninh cho xã hội và cho các thành viên trong xã hội bằng những phương thế liêm chính. Công ích cũng đặt nền tảng cho quyền tự vệ chính đáng của cá nhân và tập thể”[14].
Đòi hỏi của công thiện công ích luôn hướng tới sự phát triển toàn diện con người và mọi người, nhưng chúng lệ thuộc vào điều kiện xã hội và kỹ thuật của mỗi giai đoạn lịch sử. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, công ích đặt ưu tiên nơi việc “dấn thân xây dựng hòa bình, tổ chức công quyền, định chế pháp lý vững chắc, bảo vệ môi sinh, cung ứng những dịch vụ thiết yếu cho con người, mà một phần cũng thuộc về nhân quyền, như: thực phẩm, nhà ở, việc làm, giáo dục, văn hóa, chuyên chở, sức khỏe, thông tin tự do và tự do tôn giáo”[15].
7.3- Tương quan giữa công ích và nhân vị
Nhìn từ quan điểm xã hội Công giáo, công ích là đối tượng trực tiếp của tất cả các hoạt động chính trị - xã hội và là trách nhiệm trước tiên của cơ quan công quyền. Nhưng mọi người, với tư cách là hữu thể xã hội và thành viên của cộng đồng, cũng phải phục vụ công ích. Vậy, đâu là mối tương quan giữa công ích với nhân vị? Chúng ta thử liệt kê một số nét tiêu biểu trong mối tương quan phức tạp này:     
7.3.1- Tương quan cá nhân với xã hội
Triết lý xã hội phương Tây cũng như phương Đông thường diễn tả mối tương quan giữa cá nhân với xã hội qua hình ảnh những chiếc lá đối với thân cây hay một thành phần đối với cơ thể. Trong tác phẩm “Chính trị”, triết gia Platon ví “Nhà nước” như một thân thể và các cá nhân chính là các thành phần. Triết gia Aristote cũng sử dụng lối loại suy này để đào sâu ý nghĩa của cơ cấu xã hội. Seneca cho rằng “tất cả chúng ta là thành phần của một đại cơ thể”, bởi vì thiên nhiên đã sinh ra chúng ta như “bà con” và làm cho ta trở thành những “hữu thể xã hội”. Ngay cả thánh Tôma đôi khi cũng làm cho độc giả hiểu lầm vì sử dụng lối so sánh về xã hội như “một thân thể” và các cá nhân chỉ là những “thành phần”.
Nhiều tác giả từ thời Phục Hưng cho đến thế kỷ XIX đã triển khai và thi vị hóa lối so sánh nói trên. Theo họ, tương tự như cơ thể chúng ta tồn tại, trong khi các tế bào cũ tàn tạ và luôn luôn được thay thế bằng các tế bào mới, hay các chồi non vẫn vươn lên thành những cây cổ thụ, trong khi hằng năm những chiếc lá vàng cứ tiếp tục theo nhau rụng xuống, cũng thế xã hội trường tồn hàng bao thế kỷ, trong khi các cá nhân lần lượt theo nhau đi vào lòng đất. Kết luận tất nhiên: các cá nhân chỉ là phù du và luôn lệ thuộc vào xã hội. Do đó, với tư cách là công dân hay thành phần của xã hội, mỗi người phải triệt để phục tùng, phục vụ và ngay cả hy sinh cho công thiện công ích.
7.3.2- Ích lợi cá nhân và xã hội
Giữa lợi ích cá nhân và xã hội luôn hiện diện những căng thẳng muôn thuở. Mối tương quan phức tạp này cần được giải quyết, trong từng trường hợp cụ thể, dựa trên mức thang giá trị và vai trò ưu tiên. Chính vì vậy, không thể nhân danh sức nặng của nguyên tắc công ích để thẳng tay loại trừ bất cứ lợi ích cá nhân nào: Khi các cá nhân phục vụ công ích, thì trong dài hạn cũng đảm bảo cho lợi ích của chính mình, và mỗi khi các cá nhân được phát triển thì tập thể cũng được phát triển.
Cần phải nói ngay rằng, không thể sử dụng mối tương quan giữa cây cối và sinh vật để áp dụng vào xã hội loài người. Theo quan điểm Công giáo, “nhân vị không bị tan biến trong cộng đồng nhân loại, tính tự trị cũng không bị hủy diệt, như từng xảy ra trong các hình thức khác nhau của chế độ toàn trị, trái lại nhân vị được tôn trọng hơn, bởi vì tương quan giữa cá nhân và cộng đồng là tương giữa một tổng thể đối với một tổng thể khác. Cũng như cộng đồng gia đình không xóa bỏ các nhân vị thành viên và cũng như Giáo Hội đánh giá cao “thụ tạo mới”, được hội nhập vào Nhiệm thể sống động nhờ bí tích thánh tẩy, thì sự hợp nhất của gia đình nhân loại không làm tan biến các nhân vị, các dân tộc và các văn hóa, mà làm cho chúng được trong sáng hơn đối với nhau và được kết hợp hơn trong sự đa dạng hợp pháp”[16]. Nói rõ hơn, mối tương quan giữa con người và xã hội là một tương quan rất phức tạp và phong phú: xét theo phương diện công dân, mỗi người là thành phần xã hội và có nhiệm vụ phục vụ công thiện công ích; nhưng xét theo tư cách nhân vị, con người lại chính là chủ thể của xã hội và ở trên công thiện, công ích.
Công ích là mục đích và lý do hiện hữu của cộng đồng chính trị, nhưng không phải là giá trị tuyệt đối khi đối diện với nhân vị. Vì thế, ở đâu không bảo đảm phẩm giá con người, ở đâu thiếu vắng trật tự công cộng, ở đâu vắng bóng công lý hay an hòa xã hội, nơi đó không thể tìm gặp sự thăng tiến con người và khó có thể đạt tới mục đích của công ích. Nói cách khác, công ích chỉ vượt trên ích lợi cá nhân theo nghĩa mỗi cá nhân có bổn phận và trách nhiệm phục vụ lợi ích của xã hội hay tổ chức, mà người đó là thành viên. Nhưng, như chúng ta đã trình bày ở trên, Giáo huấn xã hội Công giáo không chấp nhận giản lược con người vào thành phần xã hội hay hội viên của một tổ chức mà thôi. Trên hết và trước hết, con người vẫn là nhân vị, nghĩa là chủ thể và mục đích của mọi tổ chức xã hội, cơ cấu chính trị, cũng như của chính công ích.
Chính trong bối cảnh đó, Công đồng Vatican II đã tuyên bố: “Trật tự xã hội và tất cả tiến bộ của nó phải luôn luôn hướng tới lợi ích của các nhân vị, bởi vì trật tự của muôn vật phải lệ thuộc vào trật tự của các nhân vị chứ không phải ngược lại. Điều này chính Chúa đã ám chỉ khi Người nói rằng ngày hưu lễ được lập nên vì con người chứ không phải con người được dựng nên cho ngày hưu lễ (...). Để chu toàn những điều trên, cần đổi mới tâm thức và có những thay đổi sâu rộng trong xã hội”[17].
Cuốn “Toát yếu Học thuyết xã hội của Giáo Hội” rất có lý để tái xác quyết rằng “công ích của xã hội không phải là một mục đích tự tại. Nó chỉ là một giá trị phụ thuộc để đạt tới những mục đích sau cùng của nhân vị và công ích tổng quát của toàn thể thụ tạo. Thiên Chúa mới là mục đích cuối cùng của tất cả thụ tạo và chẳng bao giờ người ta có thể tước đoạt khỏi công ích chiều kích siêu việt, một chiều kích vừa vượt lên trên, vừa hoàn thành chiều kích lịch sử”[18]. Loại trừ chiều kích tâm linh, tôn giáo và đạo đức sẽ giản lược công ích vào chiều kích thuần túy lịch sử và vật chất. Vô hình trung, công thiện công ích sẽ chỉ còn là một thiện ích thuần túy xã hội và kinh tế, mà chẳng còn những chiều kích chân, thiện, mỹ sâu thẳm đã từng là lý do hiện hữu của nó.

 

[1] Xem Tôma Aquinô, De Regimine Principium, 1.I, c. 15, 817-818; S. Th., I-II, q.21, a.4; q. 93, a.6.
[2] Leon XIII, Tân sự, s. 26
[3] Gioan XXIII, Mẹ và Thầy, số 51-52.
[4] Gioan XXIII, Hòa bình trên thế giới, số 36.
[5] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 26.
[6] Ibidem, số 74.
[7] Xem Tân sự, 28.
[8] Vui mừng và Hy vọng, 30.
[9] Vui mừng và Hy vọng, 26; xem Tứ thập niên, 84.
[10] Thánh Tôma viết: “Nhiều người chỉ có thể sống trong xã hội nếu một người nào đó trong số họ lãnh đạo và đảm trách về công ích; thực vậy, nhiều cá nhân tự nhiên hướng về nhiều cái khác nhau, trong khi đó một cá nhân duy nhất theo đuổi mục đích duy nhất” (Suma Theologica, I,96,4).
[11] Xem Gioan XXIII, Hòa bình trên thế giới, 34-36, 42; Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, 74-75.
[12] Xc. Gioan XXIII, Hòa bình trên thế giới, 22-31; Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, 26, 54.
[13] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 1903.
[14] Giáo lý Hội thánh Công giáo, số 1906-1909.
[15] Tóm lược HTXH của Giáo Hội, Sđd, số 166.
[16] Tình yêu trong chân lý, số 53.
[17] Vatican II, Vui mừng và Hy vọng, số 26.
[18] Tóm lược…, số 170.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét