Trang

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

18- THỊ TRƯỜNG TỰ DO


Từ khi Chủ nghĩa Xã hội ở Đông Âu sụp đổ do chính những mâu thuẫn và yếu kém nội tại, thị trường tự do trở thành mô hình kinh tế duy nhất của thế giới đương đại. Kinh tế thị trường được coi là cơ cấu hữu hiệu nhất để trao đổi hàng hóa và dịch vụ, giải quyết một cách nhanh chóng mối tương quan căng thẳng giữa cung – cầu, đồng thời là một yếu tố tích cực để thúc đẩy sản xuất, sáng tạo và tăng hiệu năng kinh tế.

Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc (PNUD) công nhận vai trò quan trọng của thị trường trong phát triển kinh tế[1]. Đức Giáo chủ Gioan Phaolô II cũng nhìn nhận rằng “dường như trên bình diện quốc gia cũng như trong các tương quan quốc tế, thị trường tự do là phương tiện thích đáng nhất để sử dụng tài nguyên và đáp ứng một cách hữu hiệu các nhu cầu của cuộc sống”[2].
Nhưng kinh tế thị trường chẳng bao giờ là “thuốc thần trị bách bệnh”, có khả năng giải quyết mọi vấn đề xã hội. Thị trường càng không phải là một chuẩn mực luân lý hay là một nguồn đạo đức cho cuộc sống. Trong mấy thập niên vừa qua, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội đã phân tích và lượng giá thị trường tự do, cũng như các cơ chế khác  của đời sống kinh tế không chỉ dựa trên sản phẩm, dịch vụ hay lợi nhuận, mà còn tùy theo cách thế chúng tác động trên đời sống con người: Phục vụ công ích, bảo vệ cuộc sống, đẩy mạnh tiến trình phát triển toàn diện hay ngược lại làm băng hoại nhân phẩm, gây tổn thương cho nhân quyền và làm phương hại đến các quyền lợi căn bản khác của các dân tộc?
18.1- Chức năng của thị trường
Theo nguyên ngữ, thị trường chính là một địa điểm thể lý, quen gọi là chợ, nơi người mua và người bán trực tiếp trao đổi và mặc cả với nhau về giá cả, sản phẩm, sản lượng, lao động... Hôm nay, “thị trường là một cơ cấu tổ chức kinh tế trong đó người mua và người bán tương tác với nhau để xác định giá cả và sản lượng của hàng hóa hay dịch vụ”[3]. Thị trường này rất đa dạng: có thể tập trung như thị trường chứng khoán, cũng có thể phi tập trung như thị trường lao động hoặc địa ốc, hay chỉ hiện hữu trên các xa lộ thông tin như các sản phẩm và dịch vụ được trao đổi qua mạng Internet.
Nói cách khác, thị trường là biểu hiệu thu nhỏ của một quá trình thông qua đó các quyết định của người tiêu thụ về việc mua một mặt hàng nào đó, các quyết định của các công ty về việc nên sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào và sản xuất bao nhiêu, cũng như quyết định của công nhân về vấn đề lựa chọn việc làm, làm cho ai và làm bao lâu... đều được dung hòa nhờ sự điều chỉnh của giá cả. Quá trình điều chỉnh này sẽ thúc đẩy xã hội phân bố lại các nguồn lực nhằm giải quyết một cách thỏa đáng câu hỏi kinh tế cam go: sản xuất cái gì, sản xuất như thế nào, sản xuất bao nhiêu và sản xuất cho ai?
Trong hệ thống kinh tế thị trường, tất cả các hoạt động kinh tế không bị Nhà nước kiểm soát hoặc bị đặt dưới sự chỉ đạo của một cơ quan trung tâm nào cả. Dù vậy, thị trường cũng không rơi vào tình trạng hỗn loạn và phi lý, trái lại nó hoạt động hữu hiệu và hiểu ngầm một thứ trật tự nào đó. “Nó là một phương tiện giao tiếp để tập hợp tri thức và hành động của hàng triệu cá nhân khác nhau. Không có một bộ não hay hệ thống tính toán trung tâm, nhưng nó vẫn giải quyết được vấn đề sản xuất và phân phối bao gồm hàng triệu ẩn số và mối tương quan mà không ai biết; những vấn đề ấy cho dù những máy tính nhanh nhất ngày nay cũng không thể làm nổi. Chẳng ai thiết kế ra thị trường, nhưng nó vẫn vận hành rất tốt[4].
Bản tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội” của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình cũng nhìn thị trường theo chiều hướng đó: “Giáo huấn xã hội của Giáo Hội đánh giá cao các lợi ích chắc chắn mà cơ chế thị trường tự do cống hiến, nhờ biết sử dụng các nguồn lực thiên nhiên cách tốt hơn và biết tạo điều kiện để hàng hóa được trao đổi cách thuận lợi hơn. Quan trọng hơn cả là cơ chế ấy “… đã đặt trọng tâm nơi ý muốn và sở thích của con người”… Một thị trường cạnh tranh đích thực là một phương tiện hữu hiệu để đạt được mục tiêu quan trọng của công bằng: điều tiết sự thái quá về lợi nhuận của các xí nghiệp, đáp ứng yêu cầu của người tiêu thụ, sử dụng và bảo tồn tài nguyên cách hiệu quả hơn, tưởng thưởng những cố gắng của các doanh nhân và việc canh tân cách tài tình, phổ biến thông tin để người ta thực sự có thể so sánh và mua các sản phẩm trong bầu khí cạnh tranh lành mạnh”[5].
Trên thực tế, cơ chế thị trường không ngừng tạo ra những điểm bất ngờ và kỳ diệu để xác định ba vấn đề căn bản của tổ chức kinh tế: Sản xuất cái gì? Sản xuất như thế nào? Sản xuất cho ai? Chúng ta có thể liệt kê một số nét tiêu biểu về hoạt động và chức năng của thị trường:
18.1.1. Chức năng cân bằng cung cầu
Cơ chế thị trường tự tìm được cân bằng cung cầu khi tạo ra sự cân đối giữa các lực lượng sản xuất bằng hệ thống giá cả. Chính giá cả này là quả cân trong cơ chế thị trường: khi giá tăng sẽ làm giảm lượng tiêu thụ và khuyến khích sản xuất; ngược lại, khi giá hạ sẽ khuyến khích tiêu dùng và giảm sản xuất.
18.1.2- Chức năng thông tin
Giá cả cũng đóng vai trò tín hiệu đối với người tiêu dùng, cũng như người sản xuất. Nếu một mặt hàng nào đó được người tiêu dùng mua nhiều thì giá sẽ tăng và việc tăng giá này là tín hiệu giúp người sản xuất biết rằng phải cung cấp nhiều hơn. Thông tin của thị trường rất đa dạng và phong phú: giá cả, tổng số cung – cầu, cơ cấu cung – cầu, thị hiếu của khách hàng, hướng di chuyển của hàng hóa và dịch vụ. Các thông tin này đóng vai trò quan trọng trong việc lấy quyết định về sản xuất, quản lý, mậu dịch, v.v…
18.1.3- Chức năng thừa nhận 
Các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa và dịch vụ là để bán. Người tiêu dùng sẽ sử dụng đồng tiền của mình như “lá phiếu” để xác định sự thành công hay thất bại của sản phẩm trên thị trường. Cơ chế thị trường dùng lợi nhuận và thua lỗ như một tiêu chuẩn hiệu quả nhất để tưởng thưởng hay trừng phạt đối với các nhà kinh doanh.
18.1.4- Chức năng điều tiết 
Thông qua hệ thống giá cả, yếu tố lợi nhuận và điều kiện cạnh tranh gay gắt, thị trường điều tiết hành động chuyển vốn từ ngành sinh lợi thấp sang ngành sinh lợi cao hay mối quan hệ phức tạp giữa cung và cầu. Sự điều tiết này góp phần thiết lập quân bình cung – cầu, đồng thời đòi hỏi các nhà doanh nghiệp phải áp dụng phương pháp sản xuất hiệu quả nhất nhằm tăng chất lượng và giảm giá thành của sản phẩm.
Khi đề cao tự do cá nhân, tính năng động và óc sáng tạo trong sinh hoạt kinh tế, phái tự do kinh tế đã đặt nổi một nguyên tắc căn bản trong phát triển kinh tế. Thật vậy, nếu trong một số trường hợp đặc biệt, việc can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh tế được coi là biện pháp cần thiết để đẩy mạnh phát triển và đảm bảo quân bình xã hội, thì chế độ bao cấp không những không thành công trong việc phát triển đất nước, mà còn tạo ra những hậu quả kinh tế nguy hại như tình trạng thiếu hụt thường xuyên về lương thực và hàng hóa, lề lối làm việc bê bối, thiếu hiệu năng, thái độ tắc trách, phung phí nguyên liệu thiên nhiên, thâm thủng công quỹ, nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, hối lộ...
Đã hẳn, cũng như những hệ thống kinh tế chính trị khác, kinh tế thị trường chẳng hoàn hảo và lý tưởng gì. Tuy nhiên, kinh nghiệm trong mấy thập niên vừa qua cho thấy ít nhất nó vẫn hoàn bị hơn hệ thống kinh tế chỉ huy được áp dụng tại các nước thuộc khối chủ nghĩa xã hội ở Đông Âu trước đây. Ít nhất thị trường tự do đã tránh được những giới hạn, khuyết điểm và sai lầm của kinh tế bao cấp, cũng như tính không tưởng và thiếu hiệu năng của nhiều chương trình an sinh xã hội. Quan niệm giáo điều về lý tưởng bình đẳng tuyệt đối nhiều lần đã dẫn đến tình trạng “bình quân trong lầm than” và chủ trương duy ý chí về nhảy vọt kinh tế kết cục chỉ là những bước tụt hậu thê thảm. Trung Quốc dưới thời cách mạng văn hóa và Cambốt của Pol Pot là hai thí dụ điển hình và gần gũi nhất.
18.2- Giới hạn của thị trường
Bất chấp những thành công của thị trường tự do, chúng ta không nên quên những giới hạn và mặt trái bi thảm của nó. Thực tế đau thương đã cải chính quan niệm “lạc quan ngây thơ” cho rằng thị trường sẽ giải quyết mọi khó khăn kinh tế và đem lại phúc lợi đồng đều cho mọi người, mọi nước. Xưa cũng như nay, thị trường tự do vẫn là bãi chiến của cạnh tranh, thế lực và lợi nhuận, trong đó mạnh được yếu thua, cá lớn nuốt cá bé. Câu nói của Linh mục Lacordaire vào đầu thế kỷ XIX vẫn còn văng vẳng bên tai: “Trong cuộc cạnh tranh giữa mạnh và yếu, giàu và nghèo, tự do là ức chế và luật pháp là giải thoát”.
Giả sử các tác nhân kinh tế (Economic Agents) có khả năng nhận thức nhạy bén những biến đổi của sinh hoạt kinh tế và thị trường có khả năng tự sửa sai đi chăng nữa, cũng không thể chấp nhận quan niệm thị trường như một thứ “thần dược trị bách bệnh[6]. Trên thực tế các tác nhân kinh tế – nghĩa là người sản xuất, chủ xí nghiệp, người đầu tư, người bán, người mua – lấy quyết định dựa trên các tin tức nhận được từ thị trường. Nhưng cũng như những phương tiện thông tin khác, thị trường cũng có những giới hạn và khuyết điểm tất nhiên của nó. Tin tức do thị trường cung cấp có khi đầy đủ, chính xác, nhưng cũng đầy dẫy thiếu sót, thiên lệch hay bị bóp méo và xuyên tạc theo quan điểm của người đưa tin.
Cũng chẳng ai có thể giải quyết nổi những vấn đề phức tạp của xã hội hiện nay nếu chỉ dựa trên tiêu chuẩn thị trường, càng không thể đo lường mọi giá trị của cuộc sống bằng giá cả của thị trường. Giá trị của cuộc sống, danh dự của con người, nhân phẩm của người lao động, quyền lợi chính trị của người công dân, tình mẫu tử, tình vợ chồng, tình bạn, lòng bao dung, đức hy sinh chẳng hạn, đâu có thể chỉ đo đếm bằng giá cả thị trường. Thị trường cũng thường đãi ngộ quá đáng những siêu sao điện ảnh và thể thao, trong khi đó nhiều khi lại bỏ quên những người đóng góp tích cực cho xã hội như các bà mẹ, các nhà bác học, nghiên cứu viên, bác sỹ, kỹ sư, nhà giáo, công nhân, nông dân...
Về vấn đề nàyđức Gioan Phaolô II đã viết những dòng thật ý nghĩa và sâu sắc: “Có những nhu cầu tập thể và phẩm chất không thể được thỏa mãn bằng cơ chế của thị trường; có những yêu sách quan trọng của con người vượt ra khỏi logic của thị trường; có những tài sản, do bản chất riêng, không thể bán hoặc mua được. Chắc chắc cơ chế thị trường đem lại nhiều lợi ích, trong đó phải nói đến việc nó giúp sử dụng đúng đắn hơn nguồn lợi thiên nhiên, cổ võ việc trao đổi sản phẩm và nhất là quan tâm đến ý muốn và ưa thích của con người… Tuy nhiên, luôn hàm chứa nguy cơ “thần tượng hóa” thị trường thành, tức không để ý đến sự hiện hữu của những tài sản, tự bản chất, không phải là và không thể là những hàng hóa đơn thuần”[7].
Thật vậy, không những thị trường không đếm xỉa đến các giá trị luân lý và nhân bản, mà còn coi nhẹ giá trị môi sinh và xã hội. Hiện nay, khi đề cập đến giá thành của một sản phẩm, người ta không thể không phân biệt giữa “giá tư nhân” và “giá xã hội”. Trong rất nhiều trường hợp, nếu chỉ nhằm giảm thiểu tới mức tối đa “giá tư nhân” thì có thể tạo nên hậu quả xấu về mặt xã hội. Chẳng hạn nước và không khí có giá thương mại rẻ mạt, tuy nhiên giá xã hội của nó rất cao. Do đó, nếu chỉ dựa trên tiêu chuẩn thị trường để giảm thiểu tối đa giá thành của các sản phẩm, thì sẽ gây nên những tổn thương xã hội rất cao, do việc ô nhiễm môi trường.
Chính kinh tế gia Paul A. Samuelson cũng công nhận: “Thị trường không phải lúc nào cũng đưa ra kết quả tối ưu. Khuyết tật thứ nhất của thị trường là độc quyền và các hình thức cạnh tranh không hoàn hảo khác. Khuyết tật thứ hai của bàn tay vô hình xảy ra khi xuất hiện những tác động lan tỏa hay ảnh hưởng ngoại sinh bên ngoài thị trường như ảnh hưởng ngoại sinh tích cực của các phát minh khoa học, hay ảnh hưởng ngoại sinh tiêu cực của nạn ô nhiễm môi trường. Cuối cùng là tình trạng phân phối thu nhập không thể chấp thuận được cả về mặt chính trị lẫn mặt đạo đức”[8].
Một huyền thoại khác cũng cần được giải mã đó là thái độ lạc quan quá đáng ở sự “tự do” nơi “thị trường tự do”. Trước đây, ở vào thời kinh tế thịnh đạt, thị trường của các nước giàu tương đối được mở rộng cho sản phẩm của các nước đang phát triển. Hiện nay, trong lúc các nước đang phát triển mở rộng cửa khẩu của mình thì các nước kỹ nghệ hóa, lại có những biện pháp rất khắt khe để ngăn chặn sản phẩm công nghệ của các nước nghèo. Nông phẩm cũng bị chèn ép vì hàng rào quan thuế và nhất là vì hàng tỉ mỹ kim các nước giàu bỏ ra mỗi năm để trợ cấp cho nông dân của họ nhằm không tăng giá nông phẩm. Kết quả là nông dân của các nước nghèo bị thiệt thòi.
Không phải hoàn toàn vô căn cứ khi ông Mahathir Mohamad, nguyên thủ tướng Mã Lai, gay gắt chỉ trích một số thế lực của thị trường đang lũng đoạn nền kinh tế thế giới: “Thế lực thị trường là ai, hoặc là gì? Nói đúng ra tất cả những người tiêu dùng và tất cả những ai tham gia vào những hoạt động kinh doanh, dù lớn hay nhỏ, đều được xem là một phần trong những thế lực của thị trường. Nhưng gần đây, những thế lực thị trường thực sự có ý nghĩa –và đóng một vai trò quan trọng trong bất cứ cuộc thảo luận nào về việc quản trị toàn cầu– chủ yếu là những nhà tư bản và những nguồn quỹ đầu tư vào cổ phần và kinh doanh tiền tệ. Chúng đã trở thành những thế lực thị trường có tính quyết định chỉ vì chúng ảnh hưởng lớn đến thành quả của nền kinh tế quốc gia. Các thế lực thị trường cổ xúy cho việc lưu chuyển tự do những dòng vốn không giới hạn giữa các quốc gia để chúng có thể đầu tư không bị hạn chế và tối đa hóa lợi nhuận của mình”[9].      
Hiệu năng và khả năng của thị trường trong việc phát triển kinh tế tùy thuộc rất nhiều ở yếu tố con người, văn hóa và chính trị. Ở những nơi không có truyền thống kinh tế thị trường, như các nước Đông Âu trước đây chẳng hạn, việc du nhập kinh tế thị trường vào đầu thập niên 90’ tự nó đã không lập tức đem lại kết quả mong muốn và việc tư hữu hóa cơ cấu sản xuất cũng chẳng cứu vớt được tình trạng kinh tế suy thoái, mà còn gây nên những xáo trộn lớn về xã hội. Phải mất hơn 20 năm nỗ lực phấn đấu các nước này bước vào con đường phát triển, dân chủ, tự do.
Cuối cùng, cuộc khủng hoảng tài chánh bắt đầu tại Mỹ và đang làm chao đảo nền kinh tế thế giới hiện nay là một bằng chứng hùng hồn cho thấy sự sai lầm của giả định cho rằng thị trường có khả năng tự điều tiết hay tự cân bằng chỉ dựa trên luật cung cầu mà thôi. Các Nhà nước cũng như các tổ chức quốc tế đang phải đưa ra nhiều “gói biện pháp” nhằm giải cứu các cơ chế tài chánh đã tách rời khỏi hoạt động sản xuất trong nền “kinh tế thực” để thay thế bằng nền “kinh tế ảo” bị chi phối bởi việc tìm kiếm lợi nhuận và hoạt động đầu cơ do lòng tham thúc đẩy.
Trong viễn tượng đó, thiết tưởng có thể lấy quan điểm của “Chương trình phát triển” của Liên Hiệp Quốc làm tiêu chuẩn định hướng: để đạt được một phát triển toàn diện và có căn bản vững chắc cần khai thác hơn nữa ưu điểm của thị trường, nhưng đồng thời phải tránh những nhược điểm của nó. Mong sao thị trường tiếp tục đóng góp mặt tích cực của nó, nhưng dưới một dạng thức quân bình hơn, nghĩa là làm sao kết hợp tốt tính hiệu năng, thực tiễn của thị trường với yêu sách quân bình xã hội. Nói cho cùng thị trường không có mục đích tự tại, mà chỉ là phương tiện để phát triển con người. Thị trường phải phục vụ con người, chứ con người không thể trở thành nô bộc cho thị trường[10].
18.3. Thị trường phục vụ con người?
Đức Giáo chủ Gioan Phaolô II công khai nhìn nhận là Giáo Hội Công giáo không có một “mô hình kinh tế – xã hội – chính trị” riêng biệt để giới thiệu với nhân loại[11] và Giáo huấn xã hội của Giáo Hội cũng không phải là giải pháp thứ ba giữa chủ nghĩa tư bản với chủ nghĩa xã hội. Giáo Hội, vì vậy, không có “thẩm quyền đặc biệt nào” trong lãnh vực kinh tế. Tuy nhiên, Giáo Hội có quyền lợi và có nghĩa vụ phát biểu về vấn đề kinh tế khi nó liên quan đến cuộc sống và phẩm giá con người. Lý do giản dị là vì Tin Mừng có liên hệ mật thiết đến vận mệnh của con người và một Giáo Hội luôn quan tâm đến những con người cụ thể, hiện thực, sống động… thì dĩ nhiên phải quan tâm đến tất cả các chiều kích của cuộc sống trần thế[12].
Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình nhận định tổng quát về các định chế kinh tế như sau: “Một trong các vấn đề được ưu tiên hàng đầu trong kinh tế là sử dụng các tài nguyên, tức là sử dụng tất cả hàng hóa và dịch vụ mà các thành phần kinh tế – từ nhà sản xuất đến người tiêu thụ trong phạm vi cá nhân cũng như cộng đồng – cho là có giá trị, bởi vì chúng hữu ích cho nhà sản xuất lẫn người tiêu thụ. Tài nguyên thiên nhiên luôn khan hiếm về số lượng, do đó mỗi chủ thể kinh tế, cá nhân hay xã hội, đều nhất thiết phải nghĩ tới kế hoạch sử dụng các tài nguyên ấy một cách hết sức hợp lý, theo logíc của “nguyên tắc tiết kiệm[13].
Nhìn từ góc độ hiệu năng và nguyên tắc tiết kiệm nói trên, Hội đồng Giáo hoàng có lý để kết luận: “Thị trường tự do là một định chế có tầm quan trọng xã hội, vì nó có khả năng bảo đảm một cách hữu hiệu cho việc sản xuất hàng hóa và cung ứng các dịch vụ”[14]. Chính Đức Giáo chủ Gioan Phaolô II cũng công nhận rằng “trên bình diện quốc gia cũng như trong các mối quan hệ quốc tế, thị trường tự do là phương tiện thích đáng nhất để sử dụng các tài nguyên và đáp ứng hữu hiệu cho các nhu cầu của cuộc sống”[15].
Nói chung, Giáo huấn xã hội của Công giáo đánh giá cao khả năng sáng tạo, tính năng động và hiệu năng của thị trường tự do trong việc trả lời cho nhu cầu kinh tế của xã hội. Cũng chính cơ chế thị trường “giúp sử dụng tốt hơn tài nguyên, cổ võ việc trao đổi sản phẩm và nhất là đặt trọng tâm vào ý muốn và sở thích của con người”[16]. Giáo huấn xã hội cho rằng “khi thị trường tự do thực hiện được các chức năng quan trọng nói trên là nó đã phục vụ công ích và việc phát triển con người”[17].
Tuy nhiên, Giáo huấn xã hội rất có lý khi cảnh cáo khuynh hướng thần thánh hóa thị trường và muốn lấy tiêu chuẩn của thị trường làm thước đo duy nhất của xã hội. Đây là “nguy cơ biến thị trường thành một thứ “bái vậtnghĩa là không ý thức rằng có những tài sản, tự bản chất, không phải là và cũng không thể là những hàng hóa đơn thuần”. Có những nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống như tình mẫu tử, tình yêu, tình bạn, lòng vị tha, tình liên đới… chẳng bao giờ có thể mua bán hay trao đổi theo tiêu chuẩn của thị trường.
Ngay từ năm 1931, trong thông điệp “Tứ thập niên”, Đức Piô XI đã nhận định: “Tương tự như không thể thiết lập tính thống nhất của xã hội loài người dựa trên đấu tranh  giai cấp, thì cũng không thể trao phó trật tự kinh tế cho tự do cạnh tranh. Thật vậy, chính từ nguyên tắc này, giống như từ một nguồn suối nhiễm độc, đã phát tán tất cả các sai lầm của chủ trương kinh tế cá nhân chủ nghĩa. Sau khi phá hủy khía cạnh xã hội và luân lý của đời sống kinh tế, lý thuyết này chủ trương rằng kinh tế phải vận hành hoàn toàn độc lập với công quyền, bởi vì trong thị trường, nghĩa là trong cạnh tranh tự do, kinh tế sẽ tự tìm ra nguyên lý tự điều phối một cách hoàn hảo hơn bất cứ sự can thiệp nào của lý trí. Đành rằng tự do cạnh tranh là hợp lý và hữu ích trong những giới hạn nhất định, nhưng hiển nhiên nó không thể điều phối đời sống kinh tế. Thực tế đã chứng minh điều đó quá đầy đủ, kể từ khi người ta áp dụng các nguyên tắc của thứ cá nhân chủ nghĩa tai hại này. Vì thế, thật hết sức cần thiết phải đặt lại kinh tế dưới một nguyên tắc đúng đắn và hữu hiệu hơn”[18].
Thông điệp “Bách chu niên” nêu rõ “một trách vụ theo nghĩa chặt về công bằng và chân lý là làm sao để các nhu cầu căn bản của con người được thỏa mãn, cũng như những người bị áp bức không bị diệt vong. Ngoài ra, cần thiết phải giúp đỡ những người lâm cảnh túng quẫn này tiếp thu các kiến thức, đi vào vào vòng tròn của các mối tương quan, phát triển tài năng để có thể sử dụng khả năng và nguồn vốn cá nhân một cách tốt nhất. Vượt lên trên cái logic của trao đổi và những hình thức công bằng chi phối hành động trao đổi này, còn có một món nợ đối với con người, bởi vì họ là người, do phẩm giá cao quý của họ. Món nợ này bao gồm một cách bất khả  phân ly khả năng sống còn và khả năng tham dự tích cực vào tài sản chung của nhân loại”[19].
Theo định hướng của nguyên tắc “vận mệnh phổ quát của tài sản”, Giáo huấn xã hội không thể chấp nhận chủ trương lấy thị trường tự do thành quy chiếu duy nhất của đời sống xã hội. Thật vậy, kinh tế chỉ là một trong muôn vàn lãnh vực của hoạt động con người. Cũng như các lãnh vực khác, tự do kinh tế chỉ là một yếu tố trong tự do của con người, nên cần thực hiện với tinh thần trách nhiệm. Do đó, “khi thị trường trở thành độc lập, nghĩa là khi con người bị coi như nhà sản xuất hay người tiêu thụ hơn là chủ thể đã sản xuất và tiêu thụ hàng hóa để sống, lúc đó tự do kinh tế đánh mất mối tương quan cần thiết với con người và sẽ kết thúc bằng cách tha hóa và đàn áp con người”[20].
Chính vì vậy, “Giáo huấn xã hội của Giáo Hội vừa nhìn nhận thị trường là một công cụ không thể thay thế để điều hòa các sinh hoạt bên trong của hệ thống kinh tế, vừa chỉ cho thấy thị trường cần phải bám chặt vào các mục tiêu đạo đức, nhằm đảm bảo và quy định cách thích hợp không gian độc lập của nó”[21].
18.4. Mô hình xã hội ba bàn tay
Không ai phủ nhận chức năng kinh tế – xã hội đầy ý nghĩa của thị trường tự do trong thế giới hôm nay. Tuy nhiên, nếu thị trường muốn thực hiện đúng đắn chức năng này, thì không thể lấy lợi nhuận làm mục tiêu duy nhất và cũng không thể tìm nơi bản thân thị trường các nguyên tắc để hợp pháp hóa mục tiêu của mình, mà cần được định hướng bởi nguyên tắc đạo đức[22]. Cho dù hoạt động kinh tế được điều hành theo những phương pháp riêng, nhưng luôn luôn phải tôn trọng các khuôn khổ pháp lý và công bằng xã hội. Chính vì vậy, Đức Phaolô VI quả quyết: “Tự do thương mại chỉ công bằng khi tuân thủ những đòi hỏi của công bằng xã hội”[23].
Ngoài ra, cần đặc biệt lưu ý đến các nguyên tắc nền tảng mà chúng tôi đã trình bày ở phần II như: Phẩm giá con người, công thiện công ích, nguyên tắc bổ trợ, chiều kích liên đới, vận mệnh phổ quát của tài sản, ưu tiên chọn lựa người nghèo… Nói tóm lại, ước mong thị trường tự do tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa các ưu điểm của nó cho nhân loại, nhưng để thực hiện được điều đó cần có sự kết hợp hài hòa và hiệu năng giữa “ba bàn tay”: Nhà nước – Thị trường – Xã hội Dân sự.  
           18.4.1- Tiến trình hình thành
Thuật ngữ “xã hội dân sự” (Societas civilis) có một tiến trình hình thành phức tạp và bao hàm nhiều nghĩa khác nhau trong tư tưởng chính trị ở mấy thế kỷ gần đây. Theo nghĩa xa xưa nhất, “xã hội dân sự” (societas civilis) đối lập với “xã hội tự nhiên” (societas naturalis) và hầu như đồng nhất với “xã hội chính trị”, nghĩa là với “Nhà nước”. Quan niệm nguyên thủy về luật tự nhiên cho rằng xã hội dân sự hoặc Nhà nước được khai sinh để đối kháng với tình trạng sơ khai của nhân loại, khi chưa có luật lệ nào cả, ngoại trừ luật tự nhiên hoặc tệ hơn nữa “luật rừng”. Xã hội dân sự ra đời cùng với cơ chế pháp lý và quyền bính hợp pháp nhằm đảm bảo cho các thành viên những quyền lợi căn bản như hòa bình, yên ổn, trật tự, tự do, tư hữu…, đối lập với giai đoạn hồng hoang.
Có lẽ John Locke là tác giả đầu tiên đã trình bày sự đồng nhất giữa xã hội chính trị với xã hội dân sự, bằng những dụng ngữ chuyên môn: “Những người được kết hợp trong một cơ thể xã hội và có luật lệ thiết định chung cũng như có cơ quan tư pháp để giải quyết các khiếu kiện, với thẩm quyền quyết định những tranh cãi giữa họ, là những người cùng chung sống trong một xã hội dân sự. Còn những người không có nơi khiếu kiện chung như thế (…), thì vẫn luôn luôn ở trong trạng thái tự nhiên”[24].
Vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX, xã hội dân sự bắt đầu tách rời khỏi Nhà nước. Luật Dân sự của Pháp (1804) phân biệt rõ rệt “xã hội dân sự” với Nhà nước, cũng như lãnh vực tư nhân với lãnh vực công. Kể từ đây, Nhà nước không còn đồng nhất với xã hội dân sự, mà chỉ là một bộ phận của cơ cấu xã hội rộng lớn và phức tạp. Xã hội dân sự bao gồm nhiều mối tương quan giữa các cá nhân, các nhóm, các tổ chức, các đoàn thể, các hiệp hội, các giai cấp xã hội…, được phát triển và nối kết với nhau bên ngoài những tương quan quyền lực, nghĩa là bên ngoài các cơ cấu đặc thù của Nhà nước. Nói cách khác, xã hội dân sự được coi là một vùng đất rộng lớn, phong phú, năng động và phức tạp của những mối tương quan cũng như của các cuộc tranh chấp và xung đột về kinh tế, xã hội, ý thức hệ, văn hóa, tôn giáo…, mà Nhà nước có nhiệm vụ giải quyết.
Nếu sử dụng tiêu chuẩn phân biện của Max Weber giữa quyền lực hiện thực và quyền lực pháp lý, chúng ta có thể víxã hội dân sự như mảnh đất của những tương quan có “quyền lực hiện thực”, trong khi đó Nhà nước là cơ quan nắm giữ “quyền lực pháp lý”, do xã hội dân sự ủy thác. Cũng theo thuật ngữ chuyên môn của Max Weber, người ta có thể gọi Nhà nước là cơ quan “độc quyền sử dụng quyền lực hợp pháp”[25], trong khi đó xã hội dân sự chính là cơ cấu đã trao quyền lực này cho Nhà nước.
So với Nhà nước, xã hội dân sự có nhiều sáng tạo, đầy năng động, sát với nhu cầu cuộc sống và thay đổi mới nhanh hơn. Thông thường, Nhà nước không những không đủ khả năng để nắm bắt tất cả các cuộc canh tân, biến đổi, phát triển và sức sống mới nẩy sinh từ lòng xã hội dân sự, mà nhiều khi còn có nguy cơ bị quan liêu hóa, sơ cứng, bảo thủ và lạc hậu trước những biến chuyển của thời đại. Chính vì vậy, từ lòng xã hội dân sự thường xuất hiện những sáng kiến đổi mới, phê bình, chỉ trích, phản biện và đề nghị cải cách, mà thông thường Nhà nước không muốn chấp nhận hay không thể đáp ứng ngay. Đó là một trong những lý do tạo nên sự căng thẳng và xung đột, nhưng đồng thời cũng là nguồn gốc của những sáng kiến, canh tân, đổi mới, tiến bộ…
Jacque Maritain đưa thêm một phân biệt khá thú vị: Xã hội dân sự hay “cơ thể chính trị” được quan niệm là một xã hội hoàn bị, có mục đích thực hiện “công thiện công ích”, trong khi đó Nhà nước chỉ là một phần của “cơ thể chính trị”, được trao phó trách nhiệm quản trị quyền bính để phục vụ công ích và kiến tạo phúc lợi cho các thành viên. Đối với J. Maritain, chính nhân dân mới là chủ thể đích thực, sống động và tự do của “cơ thể chính trị”. Ông cho rằng dân chúng lãnh nhận từ Tạo Hóa trọn vẹn quyền bính, rồi trao nó cho Nhà nước. Do đó, Nhà nước không nắm quyền “tối cao” theo nghĩa chặt, mà thực ra chỉ là thành phần và công cụ của xã hội dân sự. Nói rõ hơn, quyền bính thuộc về nhân dân và Nhà nước được nhân dân trao phó quyền bính này để phục vụ công ích[26].
Hiện nay, thuật ngữ “xã hội dân sự” ám chỉ tất cả lãnh vực xã hội rộng lớn nằm ngoài guồng máy Nhà nước và không thuộc thị trường theo nghĩa chặt. Nói rõ hơn, xã hội dân sự bao gồm các nhóm, các tổ chức, các đoàn thể, các hiệp hội, các nghiệp đoàn, các câu lạc bộ, các hội ái hữu, các cơ quan truyền thông đại chúng, các trung tâm học vấn, các trung tâm nghiên cứu, các tổ chức văn hóa, các tôn giáo, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan từ thiện, v.v… Ở các nước phát triển, “xã hội dân sự” lớn mạnh và đóng vai trò kiểm soát Nhà nước, cũng như hướng dẫn thị trường. Trong khi đó, tại nhiều nước đang phát triển, “xã hội dân sự” đang hình thành và cố gắng đòi lại khung trời tự do, độc lập và sáng tạo trong lãnh vực nghệ thuật, văn hóa, kinh tế, chính trị, tư tưởng, tâm linh… mà một thời Nhà nước đã lấy mất.
            18.4.2- Tiến tới thế chân vạc
Với tiến trình toàn cầu hóa và việc hội nhập vào dòng chảy chung của nhân loại, “bàn tay vô hình” của kinh tế thị trường ngày một rõ nét và lớn mạnh hơn trong xã hội Việt Nam. Kinh tế tư nhân và sáng kiến cá nhân bắt đầu có những đóng góp quan trọng cho đất nước. Nhưng thị trường không bao giờ là thuốc thần trị bách bệnh, trái lại, với tiêu chuẩn kiếm tìm lợi nhuận, nhiều lần nó đã đẩy nhân loại vào tình cảnh “thập tử nhất sinh”. Cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là một thí dụ gần gũi nhất. Cũng chẳng có thể trông chờ nơi thị trường những trận mưa lợi nhuận đồng đều cho mọi tầng lớp trong xã hội. Trái lại, tăng trưởng kinh tế và phát triển khoa học kỹ thuật, nhất là công nghệ mũi nhọn, càng làm gia tăng hiện tượng tập trung tài sản trong tay những người giàu và có chuyên môn cao. Bất quân bình xã hội nói chung và chênh lệch giàu nghèo nói riêng, càng ngày càng sâu thẳm hơn.
Để thị trường có thể làm tốt vai trò của nó, Nhà nước phải đóng trọn vai trò quản lý và đưa ra định hướng hợp lý giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển con người. Nhân loại hôm nay không thể chấp nhận một Nhà nước bao cấp, nhưng luôn luôn cần một Nhà nước tân tiến, hữu hiệu, năng động, có khả năng nắm bắt thị trường, hoạch định kế hoạch phát triển dài hạn, thiết lập hệ thống luật pháp công minh, tiền tệ ổn định, hạ tầng cơ sở tốt, nền giáo dục hiện đại, nâng cao tư bản nhân văn, v.v. Nhà nước không những có nhiệm vụ kiến tạo những điều kiện cần thiết nói trên, mà còn đóng vai trò sửa sai những khuyết điểm của thị trường và tạo cơ hội để những người nghèo khổ và kém may mắn có thể hội gia nhập thị trường lao động. Nhưng tuyệt đối Nhà nước không được bao cấp hay có ý đồ làm thay những gì mà tư nhân làm được và làm tốt hơn, đặc biệt trong lãnh vực sản xuất và giáo dục.
Trong bối cảnh đó, chúng ta sẽ chẳng ngạc nhiên khi thấy Ngân hàng Thế giới coi “hành động hỗ tương giữa Nhà nước và thị trường” như một yếu tố quan trọng cho phát triển. Thật sai lầm khi cho rằng giữa Nhà nước và thị trường phải chọn một bỏ một. Vấn đề đích thực không nằm ở chỗ phải lựa chọn Nhà nước hay thị trường, bởi vì cả hai đều đóng vai trò quan trọng và không thể thay thế trong phát triển kinh tế”[27]. Hơn thế nữa, ở thời đại toàn cầu hóa, đa dạng, đa cực, hết sức phức tạp và biến đổi khôn lường như thời đại chúng ta, không còn giải pháp đơn thuần hay đơn giản cho những vấn đề to lớn. Cũng chẳng có nước nào có thể tự mình giải quyết mọi vấn của xã hội đương đại. Chính vì vậy, thiết tưởng cần phải xét lại mối xung đột cũ giữa Nhà nước với thị trường.
Tuy nhiên, để “bàn tay pháp lý” của Nhà nước có thể hoạt động đắc lực với “bàn tay vô hình” của thị trường, nhất là để tăng trưởng kinh tế đi song song với phát triển xã hội và phát triển con người, nhất thiết phải thêm một bàn tay thứ ba: “bàn tay liên đới” của xã hội dân sự. Michel Camdessus, cựu giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế, coi việc kết hợp mật thiết giữa “ba bàn tay” này như một đòi hỏi khẩn thiết của thời đại, hầu tạo thành “thế chân vạc” trong phát triển kinh tế và phát triển con người[28]. Ông cho rằng một chính phủ tốt là một chính phủ “không những tôn trọng nhân quyền mà còn tích cực tạo điều kiện và cơ cấu thích hợp để mọi thành phần trong xã hội có cơ hội tham gia, giảm thiểu việc tập trung quyền bính ở trung ương và thúc đẩy tự do đầu tư trong các hoạt động sản xuất, với sự hỗ trợ của một Nhà nước đã được điều chỉnh một cách hợp lý”[29].        
Chính xã hội dân sự sẽ là sức mạnh nối kết Nhà nước với thị trường, hai thế lực từng đối kháng kịch liệt trong quá khứ. Phải “làm sao để dân chúng hướng dẫn Nhà nước cũng như thị trường ngõ hầu cả hai phải làm việc chung và phải làm sao dân chúng có đủ sức mạnh để có ảnh hưởng hữu hiệu trên cả hai”[30]. Đây là một mô hình phát triển tương đối mới, nhưng tiềm năng của nó rất lớn trong việc đưa ra một giải pháp toàn diện hơn. Ít nhất, xã hội dân sự sẽ góp phần sửa sai “tính bao cấp” và “quan liêu” của Nhà nước, cũng như bộ mặt “rừng rú” của thị trường, đồng thời đề cao vai trò quan trọng của giáo dục và tư bản nhân văn, cũng như kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và phát triển con người toàn diện[31].
Để tránh ngộ nhận, thiết tưởng cần nói thêm rằng xã hội dân sự không bao giờ có thể thay thế vai trò của Nhà nước hay của Thị trường. Nhưng hơn bao giờ hết, nhân loại hôm nay cần đến “bàn tay liên đới ” của xã hội dân sự để tạo thành “thế chân vạc” vững chắc trong tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, phát triển con người và bảo vệ môi trường. Đây là một mô hình phát triển hài hòa và bền vững, ngày càng rõ nét.
            18.4.3- Cái nhìn của Kitô giáo
Suốt nhiều thập niên ở thế kỷ XX, chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội không phải chỉ là hai mô hình kinh tế, mà còn là hai cơ chế chính trị và hai ý thức hệ mang tính đối kháng. Có những lúc tưởng chừng như nhân loại đang ở trên ngưỡng cửa của chiến tranh hạt nhân vì cuộc đối kháng một mất một còn này. Vào cuối thập niên 80’, khi khối chủ nghĩa xã hội Đông Âu sụp đổ, nhiều người nghĩ một cách lạc quan rằng chủ nghĩa tư bản sẽ là giải pháp lý tưởng duy nhất cho nhân loại trong tương lai.
Trong thông điệp “Một trăm năm», được công bố năm 1991, Đức Gioan Phaolô II đã đưa ra những phân biệt thật sắc nét về vai trò của chủ nghĩa tư bản. Trước hết, theo Đức Giáo chủ, cần phân biệt hai mặt của chủ nghĩa tư bản. “Nếu hiểu “chủ nghĩa tư bản” như một hệ thống kinh tế công nhận vai trò căn bản và tích cực của doanh nghiệp, của thị trường, của tư hữu và của trách nhiệm đối với các phương tiện sản xuất, của tự do sáng tạo trong lãnh vực kinh tế” thì phải nhìn nhận giá trị và sự đóng góp rất tích cực của nó cho nhân loại. Tuy nhiên, trong trường hợp này, đúng ra nên gọi là “kinh tế doanh nghiệp” hay “kinh tế thị trường” hoặc một cách đơn giản là “kinh tế tự do”. Nhưng nếu hiểu “chủ nghĩa tư bản” như một hệ thống trong đó tự do kinh tế không bị chi phối bởi khuôn khổ luật pháp bền vững và chẳng đếm kể đến những tiêu chuẩn đạo đức cũng như tôn giáo, thì dĩ nhiên chúng ta không thể chấp nhận nó. Đây phải chăng là một bước dật lùi trở lại tình trạng “laissez-faire, laissez-passer” của thứ tư bản hoang dã?
Thứ đến, Đức Gioan Phaolô II sáng suốt cảnh giác những ai cho rằng, với sự thất bại của “chủ nghĩa xã hội hiện thực”, chủ nghĩa tư bản đương nhiên trở thành mô hình kinh tế lý tưởng nhất của thế giới hiện nay. Theo Người, “giải pháp Mácxít thất bại, nhưng vẫn tồn tại các hiện tượng bị loại trừ và bóc lột trong thế giới, đặc biệt ở thế giới thứ ba, cũng như tình trạng vong thân tại các nước phát triển (…). Hơn nữa, còn có nguy cơ bành trướng ý thức hệ quá khích mang màu sắc chủ nghĩa tư bản (…) triệt để tín nhiệm nơi giải pháp tự do phát triển những năng lực của thị trường” [32]. Vô hình trung người ta đã “thần thánh hóa” chủ nghĩa tư bản và biến nó  thành một thứ thuốc thần trị bách bệnh.
Giáo huấn xã hội của Giáo Hội không phủ nhận vai trò tích cực của toàn cầu hóa và thị trường tự do. Cũng không nhất thiết chống lại lợi nhuận, bởi vì nó là một yếu tố điều hòa sinh hoạt kinh tế và một thứ “nhiệt kế” đo lường sức khỏe của doanh nghiệp. Tuy nhiên, không thể coi lợi nhuận là yếu tố duy nhất, mà cần phải để ý đến các yếu tố khác nữa. Chính vì vậy, để đạt tới một phát triển hài hòa kinh tế thị trường cần được giám sát bởi xã hội dân sự và Nhà nước, ngõ hầu thỏa mãn những đòi hỏi căn bản của tất cả nhân loại[33].
Được công bố vào giai đoạn mà tăng trưởng kinh tế dựa trên sức đẩy của lợi nhuận và “bong bóng” của đầu cơ đã nổ tung thê thảm, đồng thời toàn cầu hóa xem ra đang nuốt trửng chính mình, giống như Cronos đã nhai chính những đứa con của mình, thông điệp “Tình yêu trong chân lý” nêu vấn đề căn bản: Tiến trình phát triển cần được hướng dẫn bởi chân lý và “sức mạnh hoang dại” của toàn cầu hóa phải được điều chỉnh bởi nguyên tắc đạo đức. Dĩ nhiên, không hề có chuyện quay trở về với chế độ “bao cấp”, nhưng cũng chẳng có thể trao tất cả cho thị trường, mà cần đảm bảo minh bạch hơn nữa trong hoạt động tài chánh, tuân thủ quy tắc đạo đức và tránh những rủi ro phát sinh từ các biện pháp giải cứu tài chánh.
Để thực hiện điều này, Giáo huấn xã hội của Giáo Hội đề nghị nối kết “ba bàn tay”: bàn tay vô hình của thị trường, bàn tay pháp lý của Nhà nước và bàn tay liên đới của xã hội dân sự. Sau khi nhắc lại mô hình “ba chủ thể” hay “ba bàn tay” mà Đức Gioan Phaolô II đã đề cập trong thông điệp “Bách chu niên”, Đức Biển Đức XVI viết thêm: “Ngày nay, chúng ta có thể nói đời sống kinh tế phải được quan niệm như một thực tế đa chiều: trong mỗi chiều kích, mặc dù có những mức độ khác biệt và những thể thức riêng, cần phải hiện diện tình huynh đệ hỗ tương. Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hoạt động kinh tế không thể không quan tâm đến tính nhưng không, một đức tính được phổ biến và nuôi dưỡng tình liên đới cũng như ý thức trách nhiệm đối với công bằng và công ích giữa nhiều chủ thể và tác nhân khác nhau. Đây rõ ràng là một hình thức cụ thể và sâu xa của dân chủ trong kinh tế”[34].
Liên đới là một đức tính nhân bản làm cho con người biết cảm thương nỗi bất hạnh của tha nhân và tự cảm thấy có trách nhiệm với nhau. Do đó, không những không thể trao phó những “hoạt động liên đới” cho một mình Nhà nước, mà trái lại “bàn tay liên đới” luôn luôn phải là biểu hiệu của xã hội dân sự. Chính cảm quan liên đới này thúc đẩy nhân loại không ngừng cố gắng tìm kiếm “mô hình kinh tế” có khả năng đón nhận mọi dân và mọi nước chứ không phải chỉ dành riêng cho những nước hay những thành phần ưu đãi. Như vậy, thị trường thế giới phải làm sao trở thành “không gian sống”, trong đó mọi người được nhìn nhận như thành viên và có cơ hội để vừa cho vừa nhận, chứ không bị đẩy vào tình trạng cạnh tranh bi thảm trong đó sự phát triển của người này sẽ trở thành chướng ngại cho sự phát triển của người kia.
Mặc dù công nhận vai trò tích cực của thị trường và của Nhà nước, nhưng Giáo chủ Biển Đức XVI cảnh cáo hành động liên kết độc đoán giữa Nhà nước với thị trường: “Khi logic của thị trường và logic của Nhà nước bắt tay nhau để kéo dài độc quyền ảnh hưởng, thì liên đới trong tương quan giữa các công dân, cũng như việc tham gia, gắn bó và hoạt động vô vị lợi sẽ bị giảm thiểu trong dài hạn (…). Cặp bài trùng độc quyền Thị trường – Nhà nước làm xói mòn xã hội tính, trong khi những mô hình kinh tế liên đới tìm thấy vùng đất màu mỡ nơi xã hội dân sự, mặc dù không tự khép kín trong đó, để kiến tạo xã hội tính. Chẳng hề có thị trường phi lợi nhuận và người ta cũng chẳng có thể dùng luật lệ để áp đặt những hành vi vô vị lợi. Tuy nhiên, thị trường cũng như chính trị luôn cần đến những con người sẵn sàng trao tặng cho nhau”[35].
Vào giai đoạn khủng hoảng này, những kinh nghiệm mang dấu ấn hy vọng nhất, chính là những cố gắng để thiết lập tình liên đới và mối tương quan mới giữa người với người. Chính vì vậy, để đạt tới một phát triển toàn diện và hài hòa thì không thể thiếu vắng “bàn tay liên đới” của xã hội dân sự. Giáo chủ Biển Đức XVI mời gọi mọi người hăng hái nhân rộng hành động nhân ái, liên đới, chia sẻ, vô vị lợi…

 

[1] Xin xem UNDP, Human Development Report 1993, Oxford University Press, New York,1993; Paul A. Samuelson & William D. Nordhaus, Kinh tế học, bản dịch tiếng Việt, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 199715; David Begg, Kinh tế học, bản dịch tiếng Việt, NXB Giáo dục, Hà Nội, 1992; Tony Killick, Nền kinh tế thích nghi, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995; Trần Hoàng Kim, Trần Hữu Thực, Dư Văn Vinh, Kinh tế thị trường & Nghề giám đốc, NXB Thống Kê, Hà Nội, 1993; Lương Hữu Định, Trần Du Lịch, Võ Thanh Thu..., Kinh tế Việt Nam. Giai đoạn kinh tế chuyển đổi, NXB Tp. Hồ Chí Minh, 1996; Vũ Mộng Lan, Kinh tế thị trường trong chế độ Việt Nam hiện nay, Định Hướng (Pháp), số 14,1997,tr.47-63.
[2] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, n.34.
[3] Paul A. Samuelson & William D. Nordhaus, Kinh tế học, bản dịch tiếng Việt, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 199715, tr. 69.               
[4] Paul A. Samuelson & William D. Nordhaus, sđd, tr. 68.
[5] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược..., số 347.
[6] Xem Nguyễn-Thái-Hợp, “É il mercato la panacea universale dello sviluppo?”, in La Società, (Verona, Italia) số 3, 1996, tr.546-560.
[7] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 40.
[8] Paul A. Samuelson, Kinh tế học, op.cit., tr. 76-77.
[9] Mahathir Mohamad, Những “thế lực thị trường ”, Tuổi trẻ Chủ nhật, số 25, 1999, tr.13.
[10] UNDP, Human Development Report 1993, New York,1993, tr.36.
[11] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 43.
[12] Xin coi Phaolô VI, Evangelii Nuntiandi, số 47; Gioan Phaolô II, Redemptor hominis, số 13.
[13] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý & Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo, số 346.
[14] Ibidem, 347.
[15] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, n.34.
[16] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 40.
[17] Tóm lược …, số 348.
[18] Piô XI, Tứ thập niên, số 88.
[19] Bách chu niên, số 34.
[20] Bách chu niên, số 39.
[21] Tóm lược …, số 349.
[22] Giáo lý Hội Thánh Công giáo viết: “Phát triển kinh tế và gia tăng sản xuất đều nhằm phục vụ nhu cầu của con người. Đời sống kinh tế không chỉ nhằm vào việc gia tăng các sản phẩm, lợi nhuận hoặc quyền lực, nhưng trước tiên là để phục vụ con người: con người toàn diện và toàn thể cộng đồng nhân loại. Hoạt động kinh tế được điều hành theo những phương pháp riêng, nhưng phải tôn trọng các khuôn khổ pháp lý và công bằng xã hội, để đáp ứng ý định của Thiên Chúa về con người ” (số 2426); Xin coi Tóm lược …, số 349-350.
[23] Phaolô VI, Phát triển các dân tộc, 59.
[24] J. Locke, Khảo luận thứ hai về chính quyền, NXB Tri Thức, Hà Nội, 2007, & 87.
[25] M. Weber, Economia e società, Milano, 1980, 9.
[26] Xem J. Maritain, La personne et le bien commun  L’Homme et l’État, in Oeuvres complètes, t. IX, Ed. Univ. Fribourg, Suisse, 1989.
[27] Ngân hàng quốc tế, Informe sobre el Desarrollo mundial 1991: La tarea acuciante de desarrollo, Washington, D.C.,1991, tr. 1-2.
[28] M. Camdessus, “El mercado y el Reino. La doble pertenencia”, in Criterio (Mexico), 10-9-1992, tr. 480.
[29] BID-UNDP, Reforma social y pobreza. Hacia una agenda integrada de desarrollo, Washington, D.C., 1993, tr. 66.
[30] UNDP, Informe sobre el desarrollo humano 1993, Madrid, 1993, tr.4; xem CEPAL, Equidad y transformación productiva: un enfoque integrado, Santiago de Chile, 1992.
[31] N. Bobbio, N. Matteucci, G. Pasquino (a cura di), Dizionario di politica, Tea, Torino, 1990; E. Berti & G. Campanini, Dizionario delle idee politiche, AVE, Roma, 1993; N. Matteucci, Stato, in Enciclopedia del Novecento, Istituto della Enciclopedia italiana, Roma, 1984; N. Bobbio & M. Bovero, Società e Stato nella filosofia moderna, Milano, 1979; P. Fameti, Sistema politico e società civile, Roma, 1971; J. Maritain, La persona e il bene comune, Morcelliana, Brescia, 1976; J.L. Cohen & A. Anato, Civil Society and Political Theory, London, 1990.
[32] Gioan Phaol ô II, Bách chu niên, số 42.
[33] Ibidem, số 35.
[34] Biển Đức XVI, Tình yêu trong chân lý, số 38.
[35] Ibidem, số 39.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét