Trang

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

19- TOÀN CẦU HÓA


Nhân loại đã bước vào thế kỷ XXI, một thế kỷ được mệnh danh là kỷ nguyên của toàn cầu hóa, nền kinh tế tri thức hay thời đại truyền thông kỹ thuật số… Mặc dù chưa có sự đồng thuận về ý nghĩa và giá trị của toàn cầu hóa, nhưng không ai có thể phủ nhận sự hiện hữu và tầm quan trọng của nó. Đây là một tiến trình lịch sử rất đa dạng, phong phú, phức tạp và chưa hoàn thành. Nhưng, nó là một tiến trình bất khả phục hồi và đang biến đổi sâu rộng không những mô hình kinh tế, cơ cấu chính trị, tổ chức xã hội, mà ngay cả cuộc sống, cũng như bộ mặt của Trái đất.

Theo nhiều chuyên viên, ảnh hưởng của toàn cầu hóa trên cuộc sống lệ thuộc rất nhiều ở yếu tố văn hóa, chính trị, kinh tế hay xã hội của những người sử dụng nó. Đức Giáo chủ Gioan Phaolô II nhận định sâu sắc: “Toàn cầu hoá… sẽ trở nên cái gì, điều đó tùy thuộc cách thức người ta tác động trên nó”[1].
Đối diện với hiện tượng phức tạp này, những suy nghĩ dưới đây sẽ đặc biệt xoay quanh “cái được – cái mất” của toàn cầu hóa. Nói rõ hơn, đối diện với hiện tượng toàn cầu hóa hết sức phức tạp, phong phú và đa diện, chúng ta nên phản ứng như thế nào? Làm sao tăng cơ may và giảm thiểu rủi ro cho nhân loại hôm nay? Làm sao trái ngọt của toàn cầu hóa đến tay nhiều người hơn?
Một số tác giả cho rằng tiến trình toàn cầu hóa bắt đầu từ thế kỷ 16 -17, nhưng thuật ngữ “toàn cầu hóa” chỉ mới thực sự chính thức được phổ biến vào thập niên 1980. Xét về mức độ tăng trưởng và tầm ảnh hưởng, chúng ta phải công nhận rằng mô hình toàn cầu hóa hiện nay là đặc điểm của mấy thập niên cuối cùng của thế kỷ XX[2].
Kỷ nguyên của chúng ta mang dấu ấn của hiện tượng toàn cầu hóa về kinh tế và tài chánh. Tiến trình toàn cầu hóa này đang khai sinh một mô hình thế giới duy nhất, bao gồm mọi lãnh vực thông tin, kinh tế, tài chánh, kỹ thuật, mậu dịch, sản xuất, chính trị, văn hóa, dịch vụ, tiêu chuẩn tiêu thụ cũng như lối sống của người dân trên thế giới. Bản chất của nó được cấu tạo do tương quan giao thoa giữa bốn đặc điểm của thế giới hiện đại:
* Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đóng vai trò đòn bẩy của toàn cầu hóa và cho phép nghĩ đến “làng thế giới”: khoảng cách không gian bị rút ngắn hay vô hiệu hóa để hình thành một “thế giới phẳng” và “tức thời[3].
* Xóa bỏ các rào cản kinh tế và loại trừ hiện tượng chia nhỏ thị trường của mô hình cũ. Thị trường tài chánh ngày càng đóng vai trò trung tâm và mang tính quyết định để hình thành “thị trường tư bản toàn cầu”, trên quy mô lớn, năng động và đồng phụ thuộc.
* Chấm dứt chiến tranh lạnh và thế giới lưỡng cực. Mô hình kinh tế bao cấp cáo chung và kinh tế thị trương trở thành mô hình kinh tế phổ quát, với sự thống trị của chủ nghĩa tân tự do kinh tế.
* Những biến chuyển như vũ bão trong lãnh vực thông tin, kinh tế, tài chánh…  đã tạo ảnh hưởng lan tỏa sang các lãnh vực chính trị, xã hội, văn hóa và dẫn đến  những biến đổi quan trọng trong mô hình sản xuất, nếp sống, lối nghĩ cũng như  tiêu chuẩn đánh giá của người dân trên thế giới.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (FMI) quan niệm toàn cầu hóa như “việc gia tăng mối tương quan đồng phụ thuộc kinh tế giữa tất cả các nước trên thế giới. Hiện tượng gia tăng này không phải chỉ do gia tăng số lượng và tính đa dạng trong trao đổi quốc tế về hàng hóa và dịch vụ, cũng như do dòng chảy vốn quốc tế, mà còn do sự phổ biến kỹ thuật nhanh chóng và rộng rãi”.
Ủy ban châu Âu nhấn mạnh đến yếu tố kinh tế của tiến trình toàn cầu hóa và đưa ra một định nghĩa đã trở thành kinh điển: “Toàn cầu hóa là một quá trình thông qua đó thị trường và sản xuất ở nhiều nước khác nhau ngày càng phụ thuộc nhau hơn, do sự năng động về dịch vụ và hàng hóa, cũng như do dòng chảy tư bản. Đây không phải là hiện tượng mới, mà là việc tiếp nối một tiến trình đã khai mào từ khá lâu”[4].
Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc đã dành trọn bản báo cáo năm 1999 để nghiên cứu về hiện tượng đặc biệt này. Toàn cầu hóa được quan niệm như một tiến trình lịch sử về mối tương quan đồng phụ thuộc giữa các dân tộc, rộng lớn và nhanh chóng hơn dòng chảy tư bản, cũng như hàng hóa rất nhiều. Đây là một tiến trình tổng quát kết hợp không những kinh tế, mà cả văn hóa, kỹ thuật và quản trị. Khắp nơi các cá nhân được nối kết với nhau và bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi các biến cố, cho dù đang ở nơi chân trời góc bể nào.
Toàn cầu hóa cũng là hiện tượng làm gia tăng sự đồng nhất các thị trường, liên kết các nền kinh tế và tiến tới việc đồng nhất hóa nền kinh tế thế giới. Trong mấy thập niên vừa qua, sinh hoạt tài chánh tăng nhanh hơn sản xuất của cải và dịch vụ. Nếu những năm đầu của thập niên 70’, trung bình mỗi ngày lượng buôn bán tiền tệ trên thế giới là 20 tỷ mỹ kim, thì những năm cuối cùng của thế kỷ XX, người ta ước tính mỗi ngày có tới 1.500 tỷ mỹ kim luân chuyển trên thế giới. Nói chung, đây là nguồn vốn tư nhân, chảy không ngừng về những nơi có lợi nhuận cao và sẽ lập tức bỏ ra đi khi gặp trắc trở hay khi không còn cơ hội tốt. Chưa có một thẩm quyền  nào có khả năng điều hành và kiểm soát dòng chảy tư bản này.
Với tiến trình toàn cầu hóa, cơ cấu kinh tế đang chuyển dần sang kinh tế tri thức. Tại các nước phát triển, hàm lượng tri thức trong các sản phẩm ngày càng tăng cao: Vào đầu thế kỷ XXI, ở Nhật tỷ lệ này là 97%, ở Hoa Kỳ là 82% và các nước thuộc khối OECD là 50%. Chắc chắn, kiến thức sẽ còn giữ vai trò quan trọng hơn nữa trong cạnh tranh kinh tế ở tương lai.
19.2. Hai bộ mặt của toàn cầu hóa
Không ai có thể phủ nhận những đóng góp tích cực của toàn cầu hóa cho nhân loại về tăng trưởng kinh tế, lưu chuyển vốn, phổ biến kiến thức, chuyển thông kỹ thuật, cải tiến phẩm chất cuộc sống, làm cho nhân loại xích lại gần nhau hơn… Với toàn cầu hóa, đã khai mở viễn cảnh và niềm hy vọng về một cộng đồng thế giới tiến bộ, hợp nhất và công bằng hơn, nhưng cũng kéo theo nhiều khủng hoảng và âu lo. Một Giám mục Á châu có lý khi ví toàn cầu hoá như một luồng gió mát lạnh đem đến nhiều lợi ích và thoải mái, mà chúng ta cần mở rộng cánh cửa để đón nhận, mặc dù đôi khi nó cũng mang theo chướng khí và những con muỗi gây phiền hà hay tật bệnh[5].
19.2.1. Những đóng góp to lớn
Khi điểm lại những thành tựu khoa học mà nhân loại đã gặt hái trong thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, tuần báo Newsweek số phát hành vào tháng Giêng năm 2000 cho rằng mười năm qua nhân loại đã bước một bước dài hơn tất cả các thế kỷ trước đây: những thành tựu diệu kỳ trong lãnh vực khoa học kỹ thuật (bản đồ gen, tính tuổi vũ trụ, thụ thai vô tính, công nghệ thông tin vươn tới tầm mức vũ trụ...), sự tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu với những hệ quả quan trọng, nhiều biến đổi xã hội – chính trị trên bình diện vĩ mô, đặc biệt việc chấm dứt chiến tranh lạnh và việc hình thành “làng thế giới”[6] đã hứa hẹn một thế giới an hòa và hợp nhất hơn.
Báo cáo về phát triển con người” của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc cũng cho biết, trong 50 năm cuối cùng của thế kỷ XX, nghèo đói đã giảm nhiều hơn so với trong 500 năm trước đây. Chỉ số phát triển con người tăng trưởng mạnh trong các thập niên sau cùng. Tại các nước đang phát triển, kể từ năm 1960, tỉ lệ tử vong của trẻ em đã giảm khoảng 10 lần, tỉ lệ thiếu dinh dưỡng giảm thiểu ít nhất một phần ba, tỉ số các trẻ em bị loại khỏi trường tiểu học giảm từ một nửa xuống một phần tư và con số các gia đình nông thôn không có nước uống đã giảm từ 90% xuống một phần tư.
Theo tài liệu của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), kể từ khi tổ chức này được thành lập, mậu dịch thế giới đã tăng hơn 37%: năm 1994 tăng 9,5%, năm 1995 tăng 8% và cứ thế tiếp tục tăng. Người ta nhận thấy rằng mậu dịch tăng trưởng nhiều hơn sản xuất. Nếu năm 1985, xuất khẩu toàn thế giới là 1900 tỷ USD, thì đến năm 2000, con số đó đã lên tới hơn 6500 tỷ USD và tạo thêm 1,5 triệu việc làm trên thế giới[7].
Nhờ cuộc cách mạng công nghệ thông tin, cơ cấu kinh tế, hệ thống tài chánh, mô hình sản xuất trên thế giới đã biến đổi từ nền tảng. Thật vậy, với sự ra đời của chiếc máy tính gia đình Apple II vào năm 1977, rồi chiếc máy tính cá nhân IBM được đưa vào thị trường năm 1981 và hệ điều hành Windows xuất hiện vào năm 1985, nhiều hàng rào ngăn chặn thông tin… cứ theo nhau sụp đổ. Vài năm sau, “mạng toàn cầu” (World Wide Web) ra đời và cho phép thiết lập các gia trang (trang Web) về thương mại, văn hóa, khoa học, kinh tế, thông tin, y tế, giáo dục, tôn giáo… Từ khi bắt đầu hoạt động vào năm 1991 cho đến nay, mạng toàn cầu cùng với phần mềm xử lý công việc, cáp quang, vệ tinh, Internet, điện thoại di động, blog… đã phát triển với tốc độ chóng mặt. Cơ cấu thời gian thay đổi và khoảng cách không gian bị xóa nhòa. Vũ trụ bao la biến thành một “làng thế giới”.
Mô hình kim tự tháp và các hệ thống thứ bậc cũ đang được san phẳng. Tương quan giữa người với người phát triển mạnh theo chiều ngang và làm xói mòn các “hệ thống kim tự tháp”, hệ thống chiều dọc, từ trên xuống. Hình thành “thế giới phẳng” và quá trình làm phẳng thế giới tiến nhanh hơn người ta tưởng. Cơ hội đồng đều đang dần dần mở ra cho những người có tài. Cũng chẳng còn lối phân chia trước đây về thế giới I, thế giới II và thế giới III nữa. Tất cả chúng ta đang sống trong cùng một thế giới vừa duy nhất, vừa rất khác biệt. Sự khác biệt này lệ thuộc ở khả năng  hội nhập vào mạng lưới toàn cầu và, nhất là, cách thức hòa mạng như thế nào: nhanh hay chậm, khéo léo hay vụng về, sáng tạo hay sao chép?
Chương trình Google, chẳng hạn, đang san bằng thông tin. Đối diện với Google, không còn ranh giới về giai cấp, phái tính, văn hóa và ngay cả trình độ giáo dục. Không phải hoàn toàn vô lý khi Alan Cohen tuyên bố: “Nếu tôi sử dụng Google, tôi có thể tìm thấy bất cứ điều gì. Google là thượng đế. Thượng đế là không dây, thượng đế ở mọi nơi và thượng đế có thể nhìn thấy mọi thứ. Do đó, nếu bạn có bất cứ câu hỏi nào, hãy hỏi Google”[8].
Công nghệ thông tin đã giảm chi phí giao dịch, đẩy lùi rào cản xuất nhập khẩu, mở rộng phạm vi hoạt động và giảm giá thành của thị trường tài chánh, cũng như của tất cả các dịch vụ khác. Nhờ mạng lưới toàn cầu, người ta dễ dàng liên kết các bộ phận sản xuất trong mỗi xí nghiệp và giữa các xí nghiệp với nhau. Các xí nghiệp có thể thuê làm việc từ xa hay chia các sản phẩm thành nhiều phần và sản xuất một số bộ phận tại những nước có nhân công rẻ.
Toàn cầu hóa cũng đẩy mạnh tiến trình dân chủ hóa ở mọi nơi trên thế giới. Nhiều bức tường ý thức hệ và chế độ độc tài hay toàn trị đã hay đang sụp đổ. Người dân của nhiều nước nhược tiểu được giải phóng dần dần khỏi những cưỡng chế và khuôn khổ nghiệt ngã của mô hình Nhà nước – Quốc gia để hướng tới viễn ảnh công dân thế giới. Nhãn giới của người dân được mở rộng và được hiện đại hóa nhờ công nghệ thông tin. Nhà cầm quyền không dễ gì nhân danh tính cách đặc thù của mỗi nước để phủ nhận giá trị phổ quát của nhân quyền, tự do và dân chủ. Nói một cách giản lược, người dân ở giai đoạn toàn cầu hóa là người công dân ít sợ nhà cầm quyền nhất.
Nhân loại ở thời toàn cầu hóa cũng ý thức hơn trách nhiệm của mình trước vận mệnh chung trên Trái đất. Nhiều vấn đề căn bản của thời đại bây giờ đích thực là vấn đề quốc tế. Việc bảo vệ môi sinh và số người tham dự chương trình “giờ thế giới” mỗi năm một đông hơn là dẫn chứng hiển nhiên và dễ thấy nhất. Hình ảnh của Trái đất như một hành tinh bé nhỏ, treo lơ lửng giữa không trung, đã thay đổi tận gốc rễ thái độ của nhiều người đối với vận mạng của nó. Vẻ mong manh của nó đã trở thành lời mời gọi nhân loại đảm nhận trách nhiệm của mình để bảo vệ sự sống trên địa cầu.
            19.2.2- Căng thẳng và âu lo
 Với sự hỗ trợ của kỹ thuật tối tân, toàn cầu hóa đang mở ra cho nhân loại viễn ảnh và cơ hội mới. Nhưng mô hình toàn cầu hóa hiện tại đang khơi rộng hố phân cách giàu –nghèo và làm gia tăng bất quân bình xã hội. Nếu một số cá nhân, tập đoàn thương mại và  quốc gia đã trở nên giàu sụ, thì rất nhiều người và nước khác lại bị tụt hậu. Có cả những vùng rộng lớn của nhân loại đang bị đào thải khỏi tiến trình này và hầu như chưa tìm thấy chỗ đứng trong thế giới mới đang được hình thành. "Toàn cầu hóa, trong khi biến đổi từ nền tảng các hệ thống kinh tế bằng cách tạo ra những khả năng tăng trưởng bất ngờ, cũng làm cho  nhiều người bị đẩy ra bên lề đường: thất nghiệp trong các nước phát triển và tình trạng khốn cùng trong quá nhiều quốc gia ở Nam Bán cầu tiếp tục đẩy hàng triệu người ra khỏi tiến bộ và thịnh vượng"[9].
Một trong những điểm gây âu lo và căng thẳng ở thời cầu hóa là siêu-cạnh-tranh. Đây là một cuộc chạy đua rất căng thẳng, gắt gao, liên tục và tàn bạo để giữ vững ưu thế trên thị trường và để tiến từ lợi thế này sang một lợi thế mới và cao hơn. Do đòi hỏi nghiệt ngã của siêu-cạnh-tranh, mỗi xí nghiệp bó buộc phải giảm thiểu giá thành của sản phẩm và phải tăng chất lượng. Ngoài việc đổi kiểu mẫu của sản phẩm, còn phải biết lựa chọn kỹ thuật thích hợp, cải tổ phương pháp sản xuất, nâng cao trình độ công nhân... để làm sao luôn sản xuất theo một qui trình kỹ thuật cao. Trong bối cảnh đó, chẳng một xí nghiệp hay một nước nào có thể miễn trừ khỏi thách đố nghiệt ngã và nguy cơ phá sản do cạnh tranh về giá cả.
Một ngày sau khi Trung Quốc gia nhập WTO (tháng 12-2001), tại Công ty ASIMCO technologies, một công ty sản xuất phụ tùng xe hơi của Mỹ tại Trung Quốc, một người quản lý quốc tịch Trung Quốc nhưng được đào tạo ở Mỹ đã dán lên nền nhà máy câu tục ngữ châu Phi được dịch ra tiếng phổ thông như sau:
Mỗi sáng ở châu Phi, một con linh dương thức dậy
Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con sư tử nhanh nhất
nếu không nó sẽ bị giết
Mỗi sáng một con sư tử  thức dậy
Nó biết rằng nó phải chạy nhanh hơn con linh dương chậm nhất
hoặc nó sẽ bị chết đói
Điều quan trọng không nằm ở chỗ bạn là sư tử hay linh dương
Khi mặt trời mọc, bạn nên bắt đầu chạy.
Sau khi trích dẫn câu tục ngữ trên, Thomas Friedman viết thêm một cách rất hữu lý: “không cần biết ai là linh dương và ai là sư tử, nhưng tôi biết chắc: kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, cả Trung Quốc và phần còn lại của thế giới phải chạy ngày càng nhanh hơn. Nguyên nhân là do việc Trung Quốc gia nhập WTO đã tạo ra một động lực mạnh mẽ cho một hình thức cộng tác khác – chuyển sản xuất ra nước ngoài”[10]
Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của nền kinh tế toàn cầu, tăng trưởng kinh tế không luôn luôn mang đến cùng một lợi ích cho tất cả mọi người và mọi nước. Xem ra nó đang tăng thêm cơ hội thành công cho các nước có khả năng tiếp thu những canh tân kỹ thuật và làm nghèo thêm những nước nghèo. Chúng ta gặp thấy nơi đây một nghịch lý kỳ dị: trong một thời đại mà đặc điểm là toàn cầu hóa kỹ thuật, thông tin, tài chánh, kinh tế, văn hóa... việc chuyển thông kỹ thuật lại ngày càng khó khăn hơn. Chính bởi lý do đó, toàn cầu hóa mang ý nghĩa phức tạp và dị nghĩa: một mặt tạo nên vận may lớn lao cho nhân loại, nhưng mặt khác lại là một nhân tố quyết định của việc phân cực giữa giàu và nghèo.
Robert Reich ghi nhận lực ly tâm của kinh tế hoàn cầu đã phá hủy những sợi dây liên đới giữa các công dân. Nó làm giàu thêm cho những người giàu và những người có trình độ cao, nhưng lại làm suy giảm một cách đáng lo ngại mức sống của những người nghèo và những người yếu kém. Ngay tại các nước kỹ nghệ hóa, toàn cầu hóa đang tạo nên một thứ âu lo, khắc khoải bất an, một nỗi “sợ hãi mới” của thời đại. Những cuộc biểu tình vĩ đại chống Tổ chức Thương mại Thế giới trong những năm vừa qua cho thấy phản ứng mãnh liệt của nhiều tầng lớp trong xã hội dân sự trước sự nghiệt ngã và độc quyền của toàn cầu hóa kinh tế.
 Tính hàm hồ và không thuần nhất của quá trình toàn cầu hóa trong việc phân phối của cải, khoa học kỹ thuật và cơ hội phát triển đã tạo nên nguy cơ loại trừ các nước nghèo, cũng như tầng lớp nghèo trong các nước giàu. Hơn nữa, toàn cầu hóa còn kéo theo những thay đổi sâu xa về văn hóa và nhiều lãnh vực của cuộc sống. Tất cả những yếu tố đó đã tạo nên nhiều xáo trộn và âu lo cho con người hôm nay. Đức Gioan Phaolô II nhận định sâu sắc: "Những ai có liên quan đến nó thường thấy toàn cầu hóa như là một trận lụt phá hoại đang đe dọa những chuẩn mực xã hội đã từng che chở cho họ, cũng như những điểm quy chiếu văn hóa đã dẫn đường cho họ trong cuộc sống (…). Những biến đổi kỹ thuật trong tương quan nghề nghiệp xảy ra quá thường xuyên đến độ các nền văn hóa không kịp đáp trả"[11].
Bản tuyên ngôn của “Xã hội công dân quốc tế chống lại vòng đàm phán thiên niên kỷ” mang chữ ký của đại diện 1200 tổ chức có mặt ở Seattle, Hoa Kỳ, diễn tả phản kháng gay gắt chống lại giải pháp duy kỹ thuật và duy kinh tế của mô hình toàn cầu hóa hiện nay: “Trong năm năm qua, Tổ chức Thương mại Thế giới đã góp phần vào quá trình tập trung tài sản vào tay một thiểu số giàu có, làm tăng tình trạng nghèo đói cho đa số dân cư toàn cầu, và phổ biến những mô hình phát triển không bền vững. Những thỏa thuận đạt được trong vòng đàm phán Uruguay chủ yếu thúc đẩy mở cửa những thị trường có lợi cho các xí nghiệp đa quốc gia, có hại cho nền kinh tế quốc gia, cho người lao động, cho nông dân và những người khác, cũng như tác hại đến môi sinh. Hơn nữa, cách vận hành, các quy tắc và thủ tục của Tổ chức Thương mại Thế giới mang tính chất phản dân chủ, không minh bạch...”.
Mối đe dọa này tăng thêm mỗi ngày do yếu tố quyết định của kiến thức và kỹ thuật trong phát triển. Chính vì vậy, một số người cho rằng “… Mô hình toàn cầu hóa hiện nay đang làm nghèo những người nghèo khổ nhất bằng những thứ mệnh danh là giải phóng, tự do, hiện đang giết chết nông dân và các nỗ lực công nghiệp hóa, giảm thiểu sự giám sát dân chủ đối với các dịch vụ công, đang tàn phá môi trường và làm lợi trước hết cho các công ty đa quốc gia”[12].
Biện pháp cải tổ cơ cấu được áp dụng tại nhiều nước đang phát triển đã tạo ra nhiều xáo trộn xã hội. Vai trò của Nhà nước bị giới hạn và thu nhỏ đến độ hầu như bị tước mất những trách nhiệm cố hữu là đảm bảo cho mọi người điều kiện tối thiểu của cuộc sống. Nhiều chương trình xã hội bị hủy bỏ, vì lý do quân bình ngân sách và để khuyến khích tăng trưởng kinh tế. Trước đây, những người nghèo thường sống trong các nước đang phát triển, nhưng hiện nay tình trạng nghèo đói được mở rộng tới các nước kỹ nghệ. Song song với tình trạng khốn cùng, như một thứ bệnh di truyền, đã bám chặt vào thân phận của đại đa số người dân các nước chậm tiến, đang xuất hiện một hình thức nghèo đói mới giữa lòng các nước giàu.
Chúng ta đối diện với một thực tại dị thường: tài sản thế giới tiếp tục tăng, nhưng đại đa số nhân loại vẫn phải gánh chịu cảnh nghèo đói. Nếu một vài nơi có mức sống cao và một thói quen tiêu thụ làm phương hại đến môi trường sinh thái, tại nhiều vùng và nhiều nước vẫn chưa thể bảo đảm cho người dân điều kiện tối thiểu về dinh dưỡng, sức khỏe, giáo dục, nhà ở... Khoảng 1 tỷ 200 triệu người vẫn sống với một lợi tức nhỏ nhoi dưới một Mỹ kim mỗi ngày và 2 tỉ 800 triệu người chưa được 2 Mỹ kim mỗi ngày[13].
Toàn cầu hóa cũng bao hàm hiện tượng thế giới hóa khía cạnh tiêu cực của hệ thống kinh tế, tài chánh và văn hóa. Chúng ta không thể quên sự cạnh tranh thiếu trung thực và nhiều mối quan hệ hàm hồ, bất công. Những xung đột mậu dịch, những biện pháp kinh tế gian lận và nhất là những khủng hoảng trầm trọng về tài chánh làm điêu đứng bao nhiêu nước là một vài dẫn chứng rõ rệt về bộ mặt tiêu cực của toàn cầu hóa. Khủng hoảng kinh tế tại México vào năm 1995, khủng hoảng tài chánh tại Đông Nam Á năm 1997, rồi cuộc khủng hoảng tài chánh bùng nổ tại Hoa Kỳ và đang khuynh đảo nền kinh tế thế giới hiện nay, là những dẫn chứng hiển nhiên và điển hình nhất về mối đe dọa của toàn cầu hóa tài chánh.
Ngoài ra, toàn cầu hóa cũng có nghĩa là quốc tế hóa buôn lậu và tội ác. Internet và điện thoại di động đã đóng góp rất nhiều cho các vụ buôn bán ma túy, vũ khí, mãi dâm, rửa tiền... Trong năm 1995, dịch vụ buôn bán ma túy tương đương với 8% tổng số lượng mậu dịch thế giới. Các tổ chức tội phạm quốc tế đang tăng thêm thế lực và có lợi nhuận khoảng 1500 tỉ Mỹ kim mỗi năm.
19.3- Cơ cấu chính trị toàn cầu
Tương tự như tất cả các biến cố lớn trong lịch sử, toàn cầu hóa chứa đựng đồng thời hy vọng và nguy cơ. Cho dù quá trình toàn cầu hóa mong manh và bất toàn đến đâu đi chăng nữa, hiện tại chúng ta vẫn chưa có một tổ chức hay cơ cấu nào hữu hiệu hơn về sản xuất, quản lý, giao thông, dịch vụ... để thay thế nó. Vấn đề gai góc nằm ở chỗ làm sao phát huy những ưu điểm của toàn cầu hóa để giải quyết vấn đề bất quân bình ghê gớm về thu nhập trong thế giới hôm nay?
19.3.1-  Cần thiết một tân khế ước xã hội
Chỉ có thể trả lời thỏa đáng cho các câu hỏi trên khi có một cơ cấu chính trị vừa hữu hiệu, vừa có tầm mức quốc tế. Khủng hoảng trầm trọng nhất hiện nay là vẫn chưa có một “thẩm quyền chính trị toàn cầu”. Theo nhóm chuyên viên Lisboa, “điểm then chốt của vấn đề không phải là thiếu ý tưởng hay những mơ ước về những gì phải thực hiện... Chúng ta cũng chẳng thiếu những chương trình cụ thể (...). Vấn đề nằm ở chỗ làm sao: làm sao tìm được những cách thế để định nghĩa và nhất trí với nhau về những phương thức và phương tiện phải sử dụng để tiến tới một Nhà nước toàn cầu hữu hiệu? Và điều quan trọng nhất, làm sao hữu hiệu hóa những giá trị, những phương tiện và những cơ cấu mới”[14].
Nếu như sau Đệ nhị Thế chiến, việc thành lập Liên Hiệp Quốc là một thành công lớn lao nhằm xây dựng một “khế ước xã hội” ở tầm mức quốc tế, ngõ hầu giải quyết vấn đề trật tự thế giới ở thời hậu chiến, thì hôm nay nhân loại cần một “khế ước xã hội mới” để trả lời cho những thách đố mới mà toàn cầu hóa đang đặt ra. “Khế ước xã hội này rất cần thiết. Tầm quan trọng và tính khẩn cấp của nó phát xuất từ sự yếu kém cơ bản của toàn cầu hóa hiện nay, nghĩa là việc tách rời giữa quyền lực kinh tế, được tổ chức trên cơ sở quốc tế ngang qua mạng lưới toàn cầu của các xí nghiệp công nghệ, tài chánh và dịch vụ với quyền lực chính trị vẫn còn được tổ chức trong phạm vi quốc gia”[15].
Một trong những lý do sâu xa của thảm trạng bất quân bình này phải chăng vì toàn cầu hóa hiện tại mới chỉ là một toàn cầu hóa kinh tế – tài chánh? Các chiều kích chính trị, đạo đức, xã hội và luật pháp vẫn còn vắng bóng, bởi vì chưa có một cơ cấu chính trị toàn cầu nào có thẩm quyền điều hành và quyết định một cách hữu hiệu. Vì thiếu một cơ cấu chính trị và pháp lý toàn cầu cho nên không thể nối kết một cách hữu hiệu các thành phần khác nhau của thế giới, điều chỉnh tình trạng bất quân bình trong phân phối lợi tức và can thiệp đúng mức để giải quyết các khủng hoảng trên thế giới. Có lẽ vì thế một số người thường tố cáo toàn cầu hóa kinh tế là một thứ “darwinisme social”, một chủ trương tiến hóa trong lãnh vực xã hội nhằm ưu đãi kẻ mạnh và loại trừ những người yếu.
Theo “Chương trình phát triển của Liên Hiệp Quốc” để trả lời cho những thách đố của thời đại cần phải thiết lập một cơ quan tài phán mới trên bình diện quốc gia cũng như quốc tế, đặt trọng tâm ở phát triển con người và kiến tạo công bằng. “Cơ quan tài phán (Governance) này không chỉ là chính phủ mà thôi. Đây là một cơ cấu luật lệ, thể chế và thực hành nhằm đặt giới hạn và tưởng thưởng thái độ của các cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Thiếu vắng một cơ quan tài phán mạnh, hiểm họa của những xung đột toàn cầu sẽ trở thành thực tế trong thế kỷ XXI: Các cuộc chiến thương mại phát sinh do quyền lợi của các quốc gia và các doanh nghiệp, tình trạng bất ổn tài chánh không được kiểm soát sẽ mở đường cho những xung đột dân sự, tội ác được toàn cầu hóa một cách man rợ làm nhiễm độc mối tương giữa các nước láng giềng và vô đạo đức hóa chính trị, doanh thương, cảnh sát”.
19.3.2- Cần thẩm quyền quốc tế có hiệu năng
Đứng trên bình diện đạo đức và nhân bản, “cơ quan tài phán toàn cầu phải trở thành một tiêu điểm chung về giá trị, tiêu chuẩn trung bình và thái độ, về ý nghĩa của trách nhiệm và bổn phận được chia sẻ rộng rãi không những giữa các cá nhân, mà còn giữa các chính phủ, xí nghiệp và tổ chức xã hội dân sự. Những giá trị căn bản về tôn trọng sự sống, tự do, công bằng, bình đẳng, bao dung, tôn trọng lẫn nhau và tính toàn vẹn đã tạo nên nền tảng của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và Bản tuyên ngôn Nhân quyền. Tất cả những cái đó hiện nay rất cần thiết để tiến tới mục đích của một toàn cầu hóa với khuôn mặt con người”[16].
Ngay từ năm 1963, Đức Gioan XXIII nhìn nhận “mục đích chính yếu của Liên Hiệp Quốc là bảo đảm và củng cố nền hòa bình thế giới, cổ võ và phát triển mối tương quan hữu nghị giữa các dân tộc, dựa trên nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng cộng tác trong mọi lãnh vực của hoạt động nhân loại. Sứ vụ trọng đại nhất mà Liên Hiệp Quốc đã thực hiện là Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, được Đại Hội đồng công bố ngày 10-12-1948. Tự ngôn của bản Tuyên ngôn đã công bố như mục tiêu nền tảng cho tất cả các dân tộc và các quốc gia, việc thừa nhận và tôn trọng thực sự tất cả các quyền lợi và tất cả các loại tự do được liệt kệ trong bản Tuyên ngôn”[17].
Mặc dù một vài điểm trong bản Tuyên ngôn đã gây tranh luận và bất đồng, nhưng Đức Giáo chủ coi “Tuyên ngôn này như một bước dẫn nhập để thiết lập một cơ chế pháp lý và chính trị cho tất cả các dân tộc trên thế giới”. Chính vì vậy, ngài “nóng lòng mong đợi tổ chức Liên Hiệp Quốc biết thích nghi mỗi ngày một khá hơn cơ cấu và các phương tiện hành động với mục đích lớn lao và cao quý của mình”[18]     
Trong diễn văn đọc trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, vào năm 1965, Đức Giáo chủ Phaolô VI đã đề cập đến sự cần thiết phải có một thẩm quyền quốc tế hữu hiệu: “Quý vị là nhịp cầu giữa các dân tộc. Quý vị là mạng lưới tương quan giữa các Quốc gia(…). Ai lại không nhận thấy sự cần thiết phải tiến dần đến việc xây dựng  một thẩm quyền quốc tế có khả năng hành động hữu hiệu trên lãnh vực pháp lý và chính trị”[19].
Thông điệp “Phát triển các dân tộc” (1967) tiếp tục đề cập đến sự khẩn thiết phải xây dựng một thẩm quyền quốc tế: “Việc cọng tác ở tầm mức quốc tế đòi hỏi phải những cơ cấu chuẩn bị, phối hợp và điều hành cho tới khi xây dựng một cơ chế pháp lý quốc tế được mọi người công nhận. Chúng tôi hết lòng khuyến khích những tổ chức đang cộng tác với nhau để phục vụ công cuộc phát triển và chúng tôi cầu mong uy tín của các tổ chức này gia tăng”[20].
Giáo chủ Gioan Phaolô II đánh giá cao tổ chức Liên Hiệp Quốc, cũng như   những văn kiện nhằm kiến tạo một công pháp quốc tế nói chung và tuyên ngôn về nhân quyền nói riêng. Nhưng theo ngài, chúng ta không thể quên mặt tiêu cực và sự thiếu hiệu năng trong cơ cấu hiện hành, bởi vì “cho đến nay Liên Hiệp Quốc vẫn chưa thành công trong việc kiến tạo những phương tiện hữu hiệu khác để giải quyết những xung đột quốc tế thay thế cho giải pháp chiến tranh. Rất có thể đây là vấn đề khẩn thiết nhất mà cộng đồng quốc tế cần phải giải quyết”[21].
Giáo chủ Biển Đức XVI không chống lại toàn cầu hóa, mà chỉ muốn sửa chữa những sai lầm và khuyết tật của nó. Theo ngài, để ước muốn này thành hiện thực, nhân loại phải làm sao kiến tạo được một thẩm quyền chính trị toàn cầu. Đúng như Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình đã nhận định: “Hệ thống kinh tế – tài chánh thế giới càng đạt tới mức độ phức tạp về tổ chức và vận hành, thì người ta càng phải ưu tiên cho việc điều hành các tiến trình ấy nhằm hướng dẫn chúng tới việc thực hiện công ích của gia đình nhân loại. Bộc lộ một cách cụ thể nhu cầu cần đáp ứng không những đối với các Nhà nước mà còn đối với cộng đống quốc tế là làm sao đảm nhận trách vụ tế nhị này với các phương thế chính trị cũng như pháp lý thích hợp và hữu hiệu”[22].
Cuộc khủng hoảng tài chánh hiện nay càng làm cho nhu cầu này trở nên cấp bách hơn: “Phải khẩn cấp cải tổ Tổ chức Liên Hiệp Quốc, cũng như cấu trúc kinh tế và tài chánh quốc tế, để đem lại cho quan niệm “gia đình giữa các quốc gia” một ý nghĩa đích thực. Người ta cảm thấy phải cấp bách tìm kiếm những mô hình mới để hiện thực hóa nguyên tắctrách nhiệm bảo vệ và để cho tiếng nói của các nước nghèo nhất có hiệu lực trong những quyết định chung. Điều này càng khẩn thiết hơn khi kiếm tìm một trật tự chính trị, pháp lý và kinh tế, phù hợp cho việc tăng trưởng và hướng đến việc hợp tác quốc tế nhằm phát triển tất cả các dân tộc trong tình liên đới”[23].
Để đối phó với tình trạng khủng hoảng tài chánh hiện nay, nhiều nước đã mạnh tay can thiệp vào thị trường tài chánh. Có nước thành lập lực lượng đặc nhiệm để điều tra và truy tố những tội phạm tài chánh, hầu chấm dứt hiệu ứng bong bóng như đã xảy ra ở Mỹ. Tuy nhiên, những giải pháp đó vẫn chưa thể đạt được hiệu quả mong muốn, nếu như thiếu vắng một thẩm quyền chính trị quốc tế. Muốn giải quyết tận gốc vấn đề này ở mức độ vĩ mô, cần phải thiết lập mộtthẩm quyền chính trị quốc tế. “Thẩm quyền này phải được luật lệ quy định, phù hợp với nguyên tắc bổ trợ và liên đới, nhằm thực hiện công ích, cũng như tích cực khích lệ sự phát triển toàn diện đích thực nhân bản, theo linh hứng của tình yêu và chân lý”[24].
Một số người và một số tổ chức đã công khai trình bày kế hoạch cải tổ Liên Hiệp Quốc, nhưng luôn gặp phải lực cản khủng khiếp của các thế lực chính trị. Liệu đề nghị của Đức Biển Đức XVI có khả thi không? Bất chấp những chướng ngại đó, Đức Giáo chủ vẫn tin rằng “tình yêu của Thiên Chúa mời gọi chúng ta phải vượt lên trên những giới hạn và tính ù lỳ. Người làm cho chúng nên can đảm để hành động và kiên trì kiếm tìm điều thiện hảo cho mọi người, ngay cả khi nó không thể thực hiện tức thời (…). Thiên Chúa cho chúng ta sức mạnh để chiến đấu và chịu đựng vì tình yêu đối với công ích, bởi vì Người là Tất Cả, niềm hy vọng lớn lao nhất của chúng ta”.
19.4- Một toàn cầu hóa không loại trừ?
19.4.1- Hy vọng và trăn trở
Giáo huấn xã hội Công giáo công nhận kỷ nguyên chúng ta được đánh dấu bởi một hiện tượng phức tạp, mang nhiều hứa hẹn nhưng cũng chứa đầy âu lo: đó là toàn cầu hóa. Giáo chủ Gioan Phaolô II diễn tả một cách sâu sắc niềm hy vọng và nỗi khắc khoải này: “Kể từ nay, toàn cầu hóa kinh tế và tài chánh là một thực tế và người ta luôn luôn gặt hái thành quả của những tiến bộ vượt bực gắn liền với công nghệ thông tin. Chúng ta đứng trước ngưỡng cửa của kỷ nguyên mới, một kỷ nguyên mang theo niềm hy vọng lớn lao và những nghi vấn đáng lo ngại. Đâu sẽ là hậu quả của những thay đổi hiện nay? Phải chăng mọi người được hưởng lợi từ thị trường toàn cầu? Chung quy lại, phải chăng con người sẽ có cơ hội để hưởng hòa bình? Mối bang giao giữa các Nhà nước sẽ công bằng hơn hay các cuộc cạnh tranh kinh tế và các cuộc đối đầu giữa các quốc gia – dân tộc sẽ dẫn đưa nhân loại đến một bất ổn còn lớn hơn?”[25]
Các tác giả thuộc phái “Tân tự do kinh tế” cho rằng phương pháp hay nhất để loại trừ nghèo đói là tăng trưởng kinh tế. Theo họ, trong giai đoạn đầu của tiến trình tăng trưởng này, chênh lệch giàu nghèo sẽ tăng cao. Nhưng, với thời gian, khi tăng trưởng kinh tế đã đạt đến một mức độ khả quan, thì tiền của sẽ chảy đến mọi người và mọi nơi. Và như thế, mưa lâu sẽ thấm đất, chênh lệch ghê gớm về thu nhập sẽ dần dần giảm xuống[26]. Nhưng kinh nghiệm của mấy thập niên vừa qua lại cho chúng ta thấy một kết quả trái ngược: không những tình trạng của các nước nghèo và của những người nghèo trong các nước giàu không được cải thiện, mà tệ hơn nữa hố phân cách giàu nghèo ngày càng sâu rộng hơn với toàn cầu hóa kinh tế.
Chính vì vậy, vấn đề nhức nhối và khẩn thiết nhất là làm sao tái phân phối tài sản trên thế giới? Làm sao để những người kém may mắn và những người bị loại trừ không tiếp tục bị đẩy ra bên lề những tiến bộ kỹ thuật và kinh tế?[27]“Nói tóm lại, thách đố hệ tại làm sao đảm bảo một toàn cầu hóa với liên đới, một toàn cầu hóa không có loại trừ”[28].
Theo cấu trúc hiện tại của nền kinh tế tri thức, tài sản của các nước kỹ nghệ hóa dựa trên tư bản nhân văn, kỹ thuật và tài chánh hơn là nơi tư hữu nguồn lợi thiên nhiên[29]. Do đó, với tiến trình toàn cầu hóa, tình trạng bất bình đẳng và khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia, cũng như giữa các thành phần trong cùng một quốc gia, càng ngày càng sâu thẳm hơn. Đối diện với thực trạng đau nhức đó, huấn quyền xã hội của Giáo Hội nhấn mạnh đến “tầm quan trọng của các tiêu chuẩn đạo đức trong việc định hướng các tương quan kinh tế thế giới: Theo đuổi công ích và vận mệnh phổ quát của tài sản; công bằng trong trao đổi thương mại; quan tâm đến quyền lợi và nhu cầu của người nghèo trong chính sách thương mại, cũng như hợp tác quốc tế”[30]. Nếu không có những thay đổi quan trọng về tư duy, lối sống, tình liên đới và tiêu chuẩn để phân phối tài sản trên thế giới, thì chắc chắn tình trạng chênh lệch nói trên ngày càng trầm trọng hơn.
Trước những căng thẳng và nguy cơ đó, Đức Gioan Phaolô II tha thiết kêu gọi nhân loại cố gắng kiếm tìm giải pháp mới để “toàn cầu hóa không trở thành một phiên bản mới của chế độ thực dân. Toàn cầu hóa phải tôn trọng sự khác biệt của các nền văn hóa. Chính các nền văn hóa này là chìa khóa để giải thích cuộc sống trong sự hài hòa phổ quát giữa các dân tộc. Đặc biệt, toàn cầu hóa không được tước đoạt khỏi người nghèo những gì đối với họ là quý giá nhất, kể cả niềm tin và những thực hành tôn giáo, bởi vì niềm tin tôn giáo chân chính là biểu lộ rõ rệt nhất sự tự do của con người”[31].
19.4.2- Tìm hướng đi khác
Qua thông điệp “Caritas in veritate” – được công bố ngày 7-7-2009, vào chính lúc thế giới đang lún sâu trong cuộc khủng hoảng trầm trọng về tài chánh – Đức Biển Đức XVI đã thực sự muốn góp phần tìm kiếm một hướng đi khác cho toàn cầu hóa. Có lẽ vì vậy, người ta gọi thông điệp này là “thông điệp Tân sự của thời hiện đại” hay như “một tia sáng giữa tình trạng bất ổn của xã hội”[32]. Thật vậy, bất chấp cuộc khủng hoảng và những xáo trộn chính trị – kinh tế hiện nay, Đức Biển Đức XVI vẫn không chấp nhận cái nhìn tiêu cực, bi thảm hóa vấn đề hay satan hóa toàn cầu hóa. Theo ngài, không thể quan niệm mô hình toàn cầu hóa hiện nay như một hiện tượng tất định, bất khả chuyển đổi. Càng không thể nhìn nó như một thứ “định mệnh”, do một sức mạnh huyền bí nào đó đã an bài và con người đành phải cúi đầu chấp nhận.
Không ai phủ nhận toàn cầu hóa là một tiến trình lịch sử không thể đảo ngược, nhưng nó không chỉ có một chiều hướng và một mô hình duy nhất. Đàng sau tiến trình toàn cầu hóa là cả một thực tại nhân loại rất đa dạng, ngày càng nối kết và giao thoa với nhau nhiều hơn, dưới muôn hình muôn vẻ. Nó bị ảnh hưởng bởi các trào lưu văn hóa, ý thức hệ, khuynh hướng chính trị, quan niệm xã hội, kinh tế… rất khác biệt. Chính vì vậy, vấn đề khẩn thiết đang đặt ra cho chúng ta là cần cố gắng đặt “ưu tiên cho một định hướng văn hóa nhân vị và cộng đồng, biết mở rộng cho chiều kích siêu việt và tiến trình hội nhập toàn cầu”[33].
Giáo chủ Biển Đức XVI không tô hồng hay coi toàn cầu hóa như thần dược, mà chỉ nhìn nó như một thực tế và một tiến trình lịch sử. Sau khi trích dẫn nhận định sâu sắc của Đức Gioan Phaolô II theo đó “toàn cầu hóa, tự bản chất không tốt cũng chẳng xấu. Nó trở thành cái mà con người làm về nó”, Đức Biển Đức XVI đề nghị một phương thức hành động: “Chúng ta không nên trở thành nạn nhân của toàn cầu hóa, nhưng phải là những người giữ vai trò chủ động, tiến tới định hướng tốt, với sự hướng dẫn của bác ái và sự thật. Chống lại toàn cầu hóa một cách mù quáng là thái độ sai lầm và thiên kiến, dẫn đến chỗ chối từ một tiến trình hàm chứa khía cạnh tích cực và có nguy cơ đánh mất một cơ hội lớn lao để nắm bắt nhiều khả năng phát triển. Tiến trình toàn cầu hóa, nếu biết đón nhận và điều tiết một cách hợp lý, sẽ tạo cơ hội cho việc tái phân phối tài sản trên bình diện toàn cầu, mà tự cổ chí kim chưa từng thấy”[34].
Điều đáng tiếc là mô hình toàn cầu hóa đương đại đang bị ý thức hệ tân kinh tế tự do (néoliberalisme) thao túng, vì vậy nó mang đậm tính ích kỷ, bệnh hoạn và bất cận nhân tình. Ra như người ta mù quáng chạy theo lợi nhuận, ích kỷ chủ nghĩa, tiêu chuẩn phản đạo đức trong sinh hoạt tài chánh, khai thác bừa bãi nguồn lợi thiên nhiên, tạo nên tình trạng chênh lệch không thể chấp nhận được giữa các cá nhân, các xã hội và các quốc gia. Chính vì thiếu vắng đạo đức và quá vị kỷ, nên mô hình toàn cầu hóa hiện nay quá lạnh lùng và khắc nghiệt với con người, đồng thời cạnh tranh gay gắt giữa người với người, cũng như giữa các dân tộc với nhau. Kết cuộc bi thảm là: “Xã hội càng toàn cầu hóa càng làm cho chúng ta xích lại gần nhau hơn, nhưng không làm cho chúng ta trở nên anh chị em với nhau, bởi vì của cải trên thế giới càng gia tăng thì hố phân cách giàu nghèo cũng sâu rộng thêm”.
Chúng ta có thể vượt qua những điểm tiêu cực nói trên, nếu biết đưa vào toàn cầu hóa các chiều kích đạo đức, liên đới và nhân bản. Những chiều kích tích cực này có khả năng thúc đẩy toàn cầu hóa tiến về mục tiêu phát triển con người toàn diện. Giáo chủ Biển Đức XVI cho rằng định hướng này không những sẽ cứu toàn cầu hóa khỏi chiều hướng ích kỷ và duy lợi nhuận, mà còn cho phép “nhân loại sống và định hướng toàn cầu theo dạng thức liên đới, hiệp thông và chia sẻ[35]. Tất nhiên, để thực hiện mục tiêu này cần thiết một chuyển đổi triệt để về tâm thức, cũng như về cơ cấu tổ chức. Hy vọng những kinh nghiệm vừa bi đát, vừa quý giá của cuộc khủng hoảng hiện tại sẽ giúp nhân loại nhận ra những khuyết tật và giới hạn của mô hình toàn cầu hóa hiện nay để mạnh dạn kiếm tìm một hướng đi mới.

 

[1] Gioan Phaolô II, Bài diễn văn đọc trước Hàn Lâm viện Khoa học Xã hội, ngày 21-4-2001. Xin xem Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội..., số 361tt.
[2] X. R. Reich, L’économie mondialiste, trad. fr. Dunod, Paris, 1993; The Work of Nations, A. Knopf, New York, 1991; Pierre-Noel Giraud, L’inégalité du monde, Paris, Gallimard; Toffler, The Third Wave, New York, 1980; Power Shift, New York, 1991; Anthony McGrew & Paul Lewis, Globalisation and the Nation-State, Policy Press, Cambridge, 1992; Groupe de Lisbonne, Limites de la competitivité. Pour un nouveau contrat mondial, Ed. Labor, Bruxelles, 1995; Paul R.Krugman, La mondialisation n’est pas coupable,La Découverte, Paris, 1998; UNDP, Human Development Report 1999: Globalization with a Human Development, Oxford University Press, New York, 1999; Joseph Stiglitz, Globalization and its discontens, Norton & Company, 2003; Mikhain Simai, Toàn cầu hóa: nguồn gốc của cạnh tranh, xung đột và cơ hội, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2000; Thomas L. Friedman, Chiếc Lexus và cây Ô liu, NXB Khoa học Xã hội, Tp. HCM, 2005; Thế giới phẳng. Tóm lược Lịch sử Thế giới Thế kỷ XXI, NXB Trẻ, 2006. 
[3] Xem Thomas L. Friedman, Thế giới phẳng. Tóm lược Lịch sử Thế giới Thế kỷ 21, Nxb Trẻ, 2006.
[4] Xc. Graham Thompson, Introduction: Situating Globalization, International Social Sciences Journal, UNESCO, 1999, No 10, p. 140.
[5] Xem Thomas Friedman, Nóng, Phẳng, Chật, bản dịch của Nguyễn Hằng, NXB Trẻ, 2009.
[6] Đức Gioan Phaolô II đề nghị các nhà ngoại giao cạnh Tòa Thánh “sử dụng những viên đá của các bức tường đã sụp đổ để cùng nhau xây dựng một ngôi nhà chung (Ensegnamenti di Gioan Paulo II, XIII, 1,1990, Ed. Vaticana, 1992, tr. 73). Michel Camdessus cũng nghĩ đến “giấc mơ một làng thế giới”, luôn gợi lên “hình ảnh hòa bình, chung sống, cùng chia sẻ một định mệnh”(“La mundialización y el Reino”, in Criterio, México, 10- 3 -1994, tr. 43).
[7] Xem UNDP, Human Development Report 1999, op. cit., tr. 18.
[8] Thomas Friedman, Thế giới phẳng …, tr. 284.
[9] Gioan Phaolô II, Diễn văn trước Ngoại giao đoàn cạnh Tòa thánh, số 3, ngày 10-1-2000.
[10] Thomas Friedman, Thế giới phẳng …, Nxb Trẻ, 2006, tr. 211.
[11] Gioan Phaolô II, Diễn văn trước Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Xã hội học, số 3, ngày 27-4-2001.
[12] Albert Long Champ S.J., NS Công giáo và Dân tộc, tháng 2 năm 2007, t.72.
[13] Xem Ph.Thureau-Dangen, La Concurrence et la Mort, Syros, Paris, 1996; Viviane Forrester, L’ Horreur économique, Fayard, Paris, 1996; Misère de la mondialisation, Revue Agone, (Marseille), n.16, 1996; Zaki Laidi, Un monde privé de sens, Fayard, Paris, 1994.
[14] Nhóm Lisboa, op. cit., tr. 160.
[15] Ibidem.
[16] UNDP, Human Development Report 1999: Globalization with a Human Development, Oxford University Press, New York, 1999, tr. 24-25.
[17] Gioan XXIII, Hòa bình trên thế giới, số 142-143.
[18] Ibidem, 145.
[19] Phaolô VI, Diễn văn trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, ngày 4.10.1965, số 3.
[20] Phaolô VI, Phát triển các dân tộc, số 78.
[21] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, số 21.
[22] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội…, số 371.
[23] Biển Đức XVI, Tình yêu trong chân lý, số 67.
[24] Ibidem
[25] Gioan Phaolô II, Sứ điệp về Ngày Hòa bình thế giới, 1.1.1998, số 3.
[26] Xc. S. Kuznets, Economic Growth and Income Inequality, American Economic Review 45, March 1955, 1-28.
[27]X. Gioan Phaolô II, Discours aux membres de la Fondation “Bách chu niên ”, 9 mai 1998, 2.
[28] Gioan Phaolô II, Sứ điệp về Ngày Hòa bình Thế giới, 1998, số 3.
[29] Xem Gioan Phaolô II, Bách chu niên, 32. 
[30] Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội …, 364.
[31] Gioan Phaolô II, Diễn văn đọc trước Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học Xã hội, ngày 27-4-2001, 4.
[32] Come un lampo nel malessere della società (Comme une clarté dans le malaise de la société) là đầu đề một bài báo của ông Xavier Darcos, Bộ trưởng Lao động và Tương quan Xã hội, thuộc chính phủ Pháp. Đây là một bình luận về thông điệp “Tình yêu trong chân lý” và đăng trên L’Osservatore Romano, 3-4 tháng 8 năm 2009.
[33] Biển Đức XVI, Tình yêu trong chân lý, số 42.
[34] Ibidem.
[35] Ibidem.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét