Trang

Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

20- VAI TRÒ CỦA DOANH NHÂN


Khoảng 40 hay 50 năm về trước, tại các nước đang phát triển, nhiều người rất dị ứng với các xí nghiệp đa quốc gia và thường nhìn các doanh nhân với cặp mắt ngờ vực, đố kị hay thù hận. Rất nhiều lần doanh nhân bị coi là “thủ phạm” của tình trạng bất công, nghèo đói và lạc hậu nơi đất nước của họ. Tuy nhiên, trong mấy thập niên vừa qua, các xí nghiệp đa quốc gia ngày càng đa diện, đa văn hóa và đóng vai trò chủ động trong công cuộc phát triển kinh tế. Nhiều nước, suốt bao nhiêu năm vốn là thành trì “bế quan tỏa cảng” đối với đầu tư nước ngoài, bây giờ đang trải chiếu mời các xí nghiệp đa quốc gia, với những điều kiện ưu đãi, dễ dàng và hứa hẹn lợi nhuận béo bở nhất!

Trong chuyển hướng kinh tế này, vai trò và vị thế của các doanh nhân được cải thiện rõ rệt: từ chỗ bị kết án và loại trừ, họ đang ở vào giai đoạn được chính thức nhìn nhận và tôn vinh. Thật thế, hôm nay chẳng ai có thể đề cập đến phát triển kinh tế, mà lại không nghĩ đến đội ngũ doanh nhân có khả năng. Khi so sánh mức sống giữa Đông và Tây Âu vào cuối thập niên 80’ của thế kỷ XX, nhiều kinh tế gia đã đi đến kết luận: sở hữu tư nhân trong doanh nghiệp đã đóng vai trò chủ động để tăng lợi nhuận cho doanh nhân, nâng cao mức sống của mọi người và đẩy mạnh phát triển đất nước.
Đất nước chúng ta không có một truyền thống doanh nghiệp lâu dài và đặc sắc. Người Việt ngày xưa vẫn ngờ vực và đánh giá rất thấp doanh nghiệp. Trong bốn giai tằng xã hội ngày xưa thì thương nghiệp luôn bị đặt ở hàng cuối. Hơn thế nữa, dưới thời bao cấp, doanh nghiệp tư nhân, lực lượng kinh tế có khả năng đóng góp mạnh mẽ cho đất nước, đã bị xóa bỏ một cách thật triệt để và nghiệt ngã[1].
Nhưng từ khi có Luật doanh nghiệp và nhất là từ khi Việt Nam gia nhập WTO, thương trường nở rộ và con số các doanh nghiệp tư nhân ngày càng tăng cao: Nhiều người từ nước ngoài về đầu tư trong nước, trong khi đó có những người khác lại từ trong nước mạo hiểm đi tìm thị trường ở những nơi xa xôi như Nam Phi hay châu Mỹ Latin. Có thể nói chưa bao giờ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đa dạng và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đất nước như hiện nay.
20.1- Phá hủy sáng tạo
Nếu vào thập niên 50’ của thế kỷ XX, nhiều người vẫn chưa ý thức đầy đủ về tầm quan trọng của khoa học kỹ thuật trong phát triển kinh tế, hiện nay chẳng ai dám phủ nhận vai trò quyết định của nó. Phúc trình của Ngân hàng Thế giới xác nhận rằng “chìa khóa của phát triển trong thế giới hôm nay là việc phổ biến những tiến triển kỹ thuật. Chính kỹ thuật tân tiến cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên với năng xuất cao. Nhờ đó có thể tăng thêm thu nhập trên đầu người và cải tiến phẩm chất của cuộc sống”.
Ngay từ thập niên 30’ của thế kỷ XX, giáo sư Joseph Schumpeter đã đưa ra một phân biệt nền tảng giữa phát minh khoa học và canh tân kỹ thuật. Theo ông, phát minh khoa học thuộc lãnh vực lý thuyết khoa học và rất có thể muôn đời vẫn tồn tại ở dạng lý thuyết. Trái lại, canh tân kỹ thuật là một hiện tượng kinh tế – kỹ thuật, chủ yếu áp dụng phát minh khoa học vào thực tại cuộc sống để đưa ra những phương pháp, dụng cụ, máy móc và mô hình sản xuất độc đáo, nhằm cải tiến những sản phẩm cũ hoặc chế tạo những sản phẩm mới, tốt hơn và rẻ hơn. Trên nguyên tắc, mỗi một canh tân kỹ thuật là một “đứt quãng – tiếp nối”: vừa tiếp nối những thành tựu trong quá khứ, vừa triệt để vượt qua những mô hình cũ để đưa ra một thay đổi quan trọng trong hệ thống kinh tế nói riêng và đời sống nhân loại nói chung.
Tiến trình canh tân kỹ thuật này mang tính bất khả phục hồi và được bổ túc, kiện toàn với thời gian. Tuy nhiên kinh nghiệm cũng cho thấy nó không bao giờ là một tiến trình thẳng tắp, thuận chiều và xuôi xắn. Trái lại, nó luôn gặp những rủi ro và bất trắc. Cũng có khi phải đi giật lùi hay thất bại thê thảm.
Chính ở nơi đây chúng ta nhìn thấy vai trò quyết định của các doanh nhân: Chính họ là người quyết định cho ra đời sản phẩm mới, can đảm áp dụng kỹ thuật tân tiến, thay đổi mô hình sản xuất cũ, đề xuất những ý tưởng độc đáo… Cũng chính họ là người phải đưa ra những quyết định kinh doanh và chịu trách nhiệm trước thành công hay thất bại của doanh nghiệp.
Mọi người đều biết rõ, bên cạnh những doanh nghiệp thành công, có rất nhiều doanh nhân đã trắng tay và phải làm lại cuộc đời nhiều lần. Nhưng từ đống tro tàn của những thất bại hoặc đổ vỡ, nhiều lần đã nảy sinh một canh tân độc đáo khác. J. Schumpeter cho rằng “mỗi một canh tân kỹ thuật khởi đi từ những điều kiện khác hẳn và trong một mức độ nào đó, nó là tác phẩm của những con người mới. Nhiều hy vọng và giá trị cũ hoàn toàn bị phá hủy để nhường chỗ cho những cái mới”.
Ông diễn tả hiện tượng này bằng một thuật ngữ có vẻ nghịch lý: “Phá hủy sáng tạo”, hủy bỏ cái cũ để khai mở một con đường mới hữu hiệu và tối tân hơn. Chẳng hạn khi một xí nghiệp áp dụng thành công canh tân kỹ thuật, đương nhiên đã phá hủy thế quân bình trước đây và sẽ chiếm ưu thế trên thị trường. Các xí nghiệp đối thủ chắc chắn bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn và rất có thể bị phá sản. Nếu muốn tránh thảm họa này, các xí nghiệp này phải canh tân kỹ thuật và thay đổi phương pháp sản xuất. Đó là một trong những khởi điểm của các cuộc chạy đua trên thị trường. Tương tự như trên chiến trường, cuộc đua ở thị trường cũng rất khốc liệt và một khi đã bắt đầu sẽ phải tiếp diễn mãi mãi. Nhưng chính trong quá trình chạy đua cạnh tranh liên lỷ này biểu lộ tính năng động, sáng tạo và khả năng đổi mới không ngừng của chủ nghĩa tư bản.
Suốt dọc lịch sử nhân loại, nhiều cuộc canh tân kỹ thuật đã thay đổi triệt để hệ thống sản xuất, mô hình phát triển và bộ mặt của Trái Đất. Điển hình nhất là các cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra trong mấy thế kỷ vừa qua. Chính những cuộc cách mạng này đã giúp nhân loại khám phá những nguồn năng lượng mới, sáng chế máy móc thiết bị tối tân, cũng như hiện đại hóa mô hình sản xuất để nâng cao năng suất lao động của mỗi công nhân, đưa thêm chất xám vào sản phẩm, tiết kiệm nguyên liệu thiên nhiên, tăng phẩm chất và giảm giá thành của mỗi sản phẩm.
Trong ý nghĩa đó, khi đề cao tự do cá nhân trong hoạt động kinh tế, phái tân tự do kinh tế đã đặt nổi một nguyên tắc căn bản: tính năng động, óc sáng tạo, tinh thần trách nhiệm và tự do cá nhân đóng vai trò rất quan trọng trong sinh hoạt kinh tế. Kinh nghiệm lịch sử gần đây cho thấy rõ những giới hạn, khuyết điểm và sai lầm của kinh tế bao cấp, cũng như tính không tưởng và thiếu hiệu năng của nhiều chương trình an sinh xã hội. Quan niệm giáo điều về lý tưởng bình đẳng nhiều lần đã dẫn đến tình trạng “bình quân trong lầm than” và chủ trương duy ý chí về nhảy vọt kinh tế kết cục chỉ là những bước tụt hậu thê thảm!
Nếu trong một số trường hợp đặc biệt, việc can thiệp của Nhà nước vào hoạt động kinh tế được coi là biện pháp cần thiết để đẩy mạnh phát triển và đảm bảo quân bình xã hội, chế độ bao cấp không những không thành công trong việc phát triển đất nước, mà còn gây nên những hậu quả kinh tế – xã hội nguy hại như tình trạng thiếu hụt thường xuyên về lương thực và hàng hóa, lề lối làm việc bê bối, thiếu hiệu năng, thái độ tắc trách, phung phí nguyên liệu thiên nhiên, thâm thủng công quỹ, nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, hối lộ...
Đã hẳn, cũng như những hệ thống kinh tế chính trị khác, kinh tế thị trường chẳng hoàn hảo và lý tưởng gì. Nó cũng đầy dẫy những thiếu sót và bất nhân. Nhưng nó đã đóng một vai trò quan trọng trong việc canh tân và phát triển kỹ thuật. Giáo sư Joseph Schumpeter đặt nổi mối tương quan giao thoa giữa kinh tế thị trường và canh tân kỹ thuật. Cái logic cạnh tranh của thị trường bó buộc các xí nghiệp phải không ngừng đổi mới máy móc thiết bị, cải tiến kỹ thuật sản xuất, nâng cao phẩm chất và giảm giá thành của mỗi sản phẩm, ngõ hầu có thể đối phó với hiện tượng cạnh tranh gắt gao và áp lực đòi tăng lương. Trên thực tế, các xí nghiệp luôn tìm cách đưa ra những món hàng mới, tối tân, đẹp và rẻ hơn, hoặc cải tiến phẩm chất và giảm giá thành những sản phẩm cũ.
Cạnh tranh thị trường cũng bó buộc các xí nghiệp phải sử dụng hữu hiệu, hợp lý và đúng đắn hơn nguyên liệu thiên nhiên ngõ hầu giảm giá thành của mỗi sản phẩm và tăng lợi nhuận tới mức tối đa. Một trong những hậu quả của cuộc chạy đua này là hiện tượng hạ giá thành và quần chúng hóa các sản phẩm công nghệ. Thành công này sẽ trực tiếp đem lại lợi nhuận, giàu sang và vinh dự cho các doanh nhân. Nhưng nó cũng gián tiếp phục vụ đại chúng qua việc xã-hội-hóa lợi nhuận và quần-chúng-hóa các sản phẩm công nghệ. Nhiều sản phẩm công nghệ như xe hơi, máy lạnh, máy giặt, truyền hình, video, máy ảnh, vi tính, v.v… lúc đầu thuộc loại sản phẩm đắt tiền, dành cho lớp người giàu có, nhưng với thời gian đã trở thành sản phẩm phục vụ đại chúng.
Chính ở nơi đây chúng ta gặp thấy yếu tố “năng động sáng tạo” của kinh tế thị trường và sự đóng góp tích cực của các doanh nhân cho đồng bào, cho đất nước. Chắc chắn sinh hoạt kinh tế sẽ khởi sắc, sinh động và phồn thịnh hơn khi không còn những rào cản thời bao cấp, điều kiện và luật lệ kinh doanh bình đẳng, các nhân tố sản xuất được sử dụng đúng đắn, các doanh nhân được tự do đầu tư, có cơ hội tốt để thi thố tài năng[2].
20.2- Thách đố của tương lai
Dù chấp nhận hay chống đối, toàn cầu hóa đã là một hiện tượng lịch sử. Với tiến trình toàn cầu hóa, nhân loại đang tiến sang giai đoạn hậu công nghiệp, mà có người gọi nền văn minh trí tuệ hay kinh tế tri thức. Chất xám được coi là tấm hộ chiếu của thế kỷ 21 này. Hàm lượng về vật chất như năng lượng, nguyên liệu thiên nhiên, thiết bị máy móc, vốn và lao động cơ bắp trong mỗi sản phẩm ngày càng giảm thiểu, nhưng ngược lại thông tin và hàm lượng trí tuệ sẽ gia tăng. Sự thành công trong xã hội tương lai phụ thuộc rất nhiều ở nguồn nhân lực sáng tạo, yếu tố quản trị, khả năng nắm bắt cái mới, quyết định lựa chọn đúng đắn và triển khai canh tân kỹ thuật cho từng lãnh vực phát triển.
Ngân hàng Thế giới cũng công nhận “kiến thức là nhân tố chủ động trong công cuộc phát triển cũng như trong mọi lãnh vực: thiếu nó chúng ta sẽ không thể làm được gì. Nói một cách giản dị, để sinh sống chúng ta phải biến đổi tài nguyên sẵn có thành những đồ vật mà chúng ta cần, và để thực hiện điều đó đòi hỏi phải có kiến thức. Nếu chúng ta muốn cuộc sống ngày mai hơn ngày hôm nay, nếu chúng ta muốn nâng cao mức sống của riêng mình, cũng như của gia đình và quốc gia – thu nhập tăng cao, tình trạng sức khỏe khả quan hơn, con cái có một nền giáo dục tốt và môi sinh được bảo vệ tốt hơn – chúng ta không thể chỉ bằng lòng với việc biến đổi nhiều tài nguyên hơn nữa, bởi vì tài nguyên thiên nhiên luôn thiếu hụt. Chúng ta phải sử dụng chúng làm sao để lao động và đầu tư của chúng ta mỗi ngày tăng năng suất”.
Trong hơn hai mươi năm vừa qua, Việt Nam đã chập chững bước vào con đường đổi mới để hòa nhập vào dòng chảy chung của nhân loại: thiết lập bang giao với hầu hết các nước trên thế giới, trở nên thành viên của ASEAN, tham gia APEC và gia nhập WTO. Điều kiện và môi trường mới nẩy sinh một số thách đố có tính toàn cầu và mang nặng dấu ấn của khoa học kỹ thuật. Chính ở nơi đây, đất nước cần đến những doanh nhân tài ba, năng động, sáng tạo, có đủ nghị lực và dũng khí để đương đầu với những thách đố của thời đại.
Nhờ đổi mới kinh tế và chủ trương mở cửa cho doanh nghiệp tư nhân, đất nước chúng ta đang đi lên. Trong mấy thập niên vừa qua, nhiều người giàu lên nhờ đầu tư vào công nghiệp, thủy sản, giáo dục, nông nghiệp... Cuộc sống của người dân nói chung dễ chịu hơn. Hàng hóa bày bán khắp nơi và xe máy tràn ngập đường phố. Xe đạp trở nên hiếm hoi ở Tp. HCM cũng như ở Hà Nội, trong khi đó xe hơi hiệu Nhật, châu Âu, Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngày càng phổ biến.
Nhưng đồng thời hố phân cách giàu nghèo cũng tăng cao và tăng nhanh chưa từng thấy. Người ta ước tính sự cách biệt giữa 20% dân số giàu nhất với 20% dân số nghèo nhất ở Việt Nam hiện nay là khoảng 12 lần. Theo tiến sỹ Nguyễn Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, tại Tp. HCM và Hà Nội mức chênh lệch giàu nghèo là khủng khiếp nhất[3].
Nhiều báo cáo kinh tế cho thấy nếu muốn thành công trên thị trường quốc tế cần có khả năng cho thêm “giá trị trí tuệ và sáng tạo” vào mỗi sản phẩm. Ngay cả những sản phẩm bình thường, cũng phải sản xuất bởi một qui trình kỹ thuật cao, ngõ hầu nâng cao chất lượng và giảm thiểu phí tổn sản xuất. Phải chăng ngành công nghiệp có tương lai và có lợi nhuận cao là ngành công nghiệp thâm dụng vốn và  kỹ thuật, chứ không còn loại công nghiệp thâm dụng lao động như hiện nay?
Nhìn chung thu nhập của người Việt Nam còn quá thấp và nền kinh tế của chúng ta chủ yếu vẫn lợi dụng lao động rẻ tiền như một trong những lợi thế cạnh tranh. Trong giai đoạn tới, nếu muốn tiến lên nhóm các nước kinh tế bậc trung, chắc chắn Việt Nam không thể chỉ bằng lòng với việc xuất khẩu nguyên liệu thiên nhiên, những sản phẩm công nghệ thô sơ hay mô hình kinh tế “thâm dụng lao động”, mà phải chuyển dần sang kinh tế “thâm dụng vốn” và “thâm dụng kỹ thuật” với quy trình sản xuất hiện đại và những sản phẩm công nghệ cao cấp hơn.
Trong nền kinh tế tri thức ở thời đại chúng ta, phá hủy sáng tạo trở thành chuyện đương nhiên và tốc độ ngày càng nhanh hơn. Doanh nhân chiến thắng trong tương lai phải là người có tầm nhìn chiến lược và có khả năng từ bỏ những đỉnh cao mà mình vừa đạt tới để tìm những đỉnh cao mới. Nói tóm lại, điều kiện cạnh tranh đòi hỏi doanh nghiệp phải không ngừng thay đổi công nghệ, cải tiến quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ, thay đổi những sản phẩm cũ hay đưa ra những sản phẩm mới hấp dẫn hơn, tốt hơn, rẻ hơn.
20.3- Tầm quan trọng của doanh nghiệp               
Cho đến hôm nay, Giáo Hội vẫn tiếp tục phê bình chủ nghĩa duy kinh tế và chủ nghĩa tiêu thụ. Tuy nhiên, so với 40 năm về trước, đã có những cái nhìn cởi mở và lối đánh giá khác về thị trường, về lợi nhuận và đặc biệt về vai trò của doanh nghiệp cũng như vị thế doanh nhân trong công cuộc phát triển.
Sau một giai đoạn do dự, Giáo huấn xã hội đã chính thức công nhận thị trường tự do như một cơ cấu hữu hiệu để trao đổi hàng hóa và dịch vụ, giải quyết một cách nhanh chóng mối tương quan căng thẳng giữa cung – cầu, đồng thời là một yếu tố tích cực để thúc đẩy sáng tạo và tăng hiệu năng kinh tế. Thông điệp “Bách chu niên” công khai nhìn nhận rằng “xem ra trên bình diện quốc gia cũng như trong các mối quan hệ quốc tế, thị trường tự do là phương tiện thích đáng nhất để sử dụng các tài nguyên và đáp ứng hữu hiệu cho các nhu cầu của cuộc sống”[4].
Tuy nhiên, như chúng tôi đã trình bày ở những chương trước, Giáo huấn xã hội  không bao giờ coi thị trường tự do là một thứ thuốc thần trị bách bệnh. Thật vậy, người ta không thể giải quyết những vấn đề phức tạp của xã hội đương đại nếu chỉ dựa trên tiêu chuẩn thị trường, càng không thể đo lường mọi giá trị của cuộc sống bằng giá cả của thị trường. Thị trường cũng chẳng quan tâm đến chiều kích liên đới, số phận những người kém may mắn và tình trạng chênh lệch giàu nghèo..
Trong chiều hướng “ôn cố tri tân”, Đức Gioan Phaolô II đã duyệt lại quan điểm của Giáo Hội đối với chủ nghĩa tư bản. Phải lượng định chủ nghĩa tư bản như thế nào? Thông điệp “Bách chu niên” nhìn nhận rằng đây là một hiện tượng phức tạp và đã đưa ra một phân biệt sáng suốt như sau: “Nếu hiểu chủ nghĩa tư bản như một hệ thống, trong đó tự do kinh tế không bị chi phối bởi một khuôn khổ pháp lý bền vững, pháp lý này lại nhằm đạt tới tự do kinh tế để phục vụ tự do toàn diện của con người và coi tự do kinh tế như một chiều kích đặc biệt của tự do toàn diện, mà trọng tâm của nó là đạo đức và tôn giáo, thì câu trả lời chắc chắn là tiêu cực”[5].
Tuy nhiên, nếu hiểu “chủ nghĩa tư bản như một hệ thống kinh tế nhìn nhận vai trò căn bản và tích cực của doanh nghiệp, nhìn nhận thị trường, quyền tư hữu và trách nhiệm đối với các phương tiện sản xuất, cũng như tự do sáng tạo của con người trong lãnh vực kinh tế, thì câu trả lời rõ ràng là tích cực, mặc dù có lẽ đúng hơn nên gọi là “kinh tế doanh nghiệp”, “kinh tế thị trường” hoặc đơn giản là “kinh tế tự do[6].
Lợi nhuận cũng được tái nghiên cứu và tái thẩm định giá trị. Chúng ta biết rằng ở thời kỳ nông nghiệp và trong giai đoạn “tăng trưởng zero”, các nhà luân lý thường gay gắt lên án lợi nhuận và cấm tất cả các hình thức cho vay để lấy lãi. Tuy nhiên, lịch sử đã sang trang. Chúng ta đang ở vào giai đoạn kinh tế năng động và đạt mức tăng trưởng cao nhất trong lịch sử. Chính vì vậy, Giáo Hội đã nhìn lợi nhuận dưới góc độ khác và đánh giá nó một cách quân bình hơn.
Thông điệp “Bách Chu niên” viết: “Giáo Hội nhìn nhận vai trò chính đáng của lợi nhuận như một dấu hiệu cho thấy hoạt động tốt của một doanh nghiệp[7]. Khi một doanh nghiệp có lợi nhuận có nghĩa là các yếu tố sản xuất đã được sử dụng thích đáng và các nhu cầu tương ứng của con người đã được thoả mãn đúng đắn”. Tuy nhiên, từ viễn quan Kitô giáo, thông điệp đã cẩn thận nhắc nhở thêm: “Lợi nhuận không phải là tiêu chí duy nhất để lượng giá tình trạng của doanh nghiệp. Rất có thể sổ sách kế toán đàng hoàng, nhưng con người, nguồn vốn quý giá nhất của doanh nghiệp, lại bị hạ thấp và bị xúc phạm phẩm giá”. Theo Giáo huấn xã hội của Giáo Hội, “mục đích của doanh nghiệp không chỉ đơn thuần là sản xuất lợi nhuận, mà còn là sự hiện hữu của chính doanh nghiệp như cộng đồng con người, dưới nhiều dạng thức khác nhau, tìm cách thoả mãn những nhu cầu căn bản của mình và tạo thành một nhóm chuyên biệt để phục vụ toàn thể xã hội”. Nói cách khác, “lợi nhuận là một yếu tố điều tiết trong đời sống doanh nghiệp, nhưng nó không phải là yếu tố duy nhất. Cần phải quan tâm đến những yếu tố nhân bản và đạo đức khác, mà trong dài hạn cũng đóng vai trò quan trọng tương đương đối với đời sống của doanh nghiệp”[8].
Dưới cái nhìn của Giáo huấn xã hội, lợi nhuận tự nó không những không xấu, mà còn cần thiết cho việc phát triển doanh nghiệp. Nhưng chủ trương lợi nhuận vì lợi nhuận hay phát triển vì phát triển, mà lãng quên hoặc đánh mất con người, lại là chuyện khác. Cũng thế, “ước muốn sống khá hơn, tiện nghi hơn chẳng có gì là xấu. Tuy nhiên, phải coi là lạc hướng lối sống cho rằng là tốt hơn khi hướng tới “chiếm hữu” (avoir) chứ không nhằm hướng tới “hiện hữu” (être), và khi người ta muốn “chiếm hữu nhiều hơn” không phải để “làm người hơn”, mà để tiêu thụ và hưởng thụ nhiều hơn”[9].
20.4- Sứ vụ của doanh nhân
Từ những nhận định tổng quát ở trên, chúng ta cùng nhau suy nghĩ về vai trò và sứ vụ của doanh nhân trong bối cảnh toàn cầu hóa, cũng như nền kinh tế tri thức
20.4.1- Vai trò của tư bản nhân văn
Khi thẩm định giá trị của doanh nghiệp, thông điệp “Bách chu niên” nhấn mạnh đến yếu tố sáng tạo, khả năng quản trị, tinh thần lao động tập thể và có kỷ luật... Theo thông điệp, cùng với đất, tài nguyên chính yếu của con người làchính con người. Đó là trí thông minh làm cho con người khám phá được những tiềm năng sản xuất của Trái Đất, cũng như nhiều cách thế để thỏa mãn các nhu cầu của con người”. Ngoài ra, để thực hiện tốt tiến trình công nghiệp hóa, các doanh nhân cũng phải có những đức tính quan trọng khác như “chăm chỉ, cần cù, khôn ngoan trong khi chấp nhận những rủi ro hữu lý, đáng tin cậy và chân thành trong các quan hệ liên nhân vị, can đảm trong việc thực hiện các quyết định khó khăn và đau đớn, nhưng cần thiết cho công việc chung của doanh nghiệp và để đương đầu với những rủi ro có thể xảy ra”[10].
Trong bối cảnh nền kinh tế tri thức, “tư bản nhân văn”[11] ngày càng đóng vai trò chủ động: Nếu ở giai đoạn tiền công nghiệp, “đất đai là yếu tố quyết định của sản xuất, và sau đó, là tư bản, hiểu như toàn bộ máy móc và phương tiện sản xuất, thì ngày nay yếu tố càng lúc càng có tính quyết định lại là chính con người, nghĩa là khả năng hiểu biết của con người thể hiện trong kiến thức khoa học, tài tổ chức, cũng như khả năng nắm bắt và thỏa mãn những nhu cầu của người khác”[12].
Chính vì vậy, Giáo huấn xã hội quan niệm sáng kiến cá nhân như một yếu tố căn bản trong sinh hoạt nhân loại nói chung và trong sinh hoạt kinh tế nói riêng. Đây cũng là một quyền căn bản và bất khả chuyển nhượng. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo viết: “Mỗi người có quyền có sáng kiến trong sinh hoạt kinh tế, sử dụng cách chính đáng các tài năng của mình để đóng góp vào sự thịnh vượng cho mọi người, và gặt hái những hiệu quả chính đáng do các nỗ lực của mình”[13]. Phủ nhận quyền sáng kiến này thì vừa xâm phạm đến nhân quyền, vừa làm phương hại đến sự phát triển kinh tế.
Từ đó chúng ta dễ dàng hiểu được vai trò của các doanh nhân trong công cuộc phát triển đất nước. Họ được đặt ở trung tâm của cả một hệ thống phức tạp, bao gồm các quan hệ kỹ thuật, thương mại, tài chính, văn hóa… Chính họ là người đã đưa ra các cuộc cải cách táo bạo, các sáng kiến hay, phương pháp sản xuất tối tân, sản phẩm độc đáo và nhất là phải chấp nhận rủi ro khi quyết định đầu tư vào lãnh vực mới. “Khả năng nhận diện đúng lúc những nhu cầu của tha nhân và toàn bộ những yếu tố sản xuất thích hợp nhất để thoả mãn những nhu cầu ấy, tạo thành một nguồn quan trọng khác cho sự giàu có trong xã hội ngày nay. Hơn nữa, có nhiều thứ của cải không thể sản xuất một cách thích đáng bằng công sức của một cá nhân đơn độc, mà đòi hỏi sự cộng tác của nhiều người trong cùng một mục tiêu. Kiến tạo  một nỗ lực sản xuất như thế, lên chương trình về thời gian, lưu tâm để đáp ứng các nhu cầu cần được thoả mãn và chấp nhận những mạo hiểm cần thiết: Tất cả những cái đó cũng tạo nên nguồn của cải trong xã hội hôm nay. Như vậy, vai trò của lao động con người, lao động có tổ chức và sáng tạo, cũng như khả năng sáng tạo và tinh thần doanh nghiệp là những yếu tố càng ngày càng hiển nhiên và mang tính quyết định”[14].
Các doanh nhân được mời gọi để đảm nhận trách nhiệm phục vụ công ích qua  quyết định sản xuất những hàng hóa hữu ích, chất lượng tốt, giá thành hạ, đồng thời giảm thiểu việc sử dụng năng lượng và nguyên liệu thiên nhiên, bằng cách đưa thêm chất xám và quy trình sản xuất tân tiến. Khi một doanh nhân nâng cao chất lượng hay hạ giá thành một sản phẩm hoặc dịch vụ, dĩ nhiên sẽ chiếm lợi thế trên thị trường và sẽ tăng cao lợi nhuận. Sự thành công này không những sẽ làm giàu cho bản thân họ, mà còn làm giàu cho đất nước, đồng thời tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều người. Ở đây, việc tăng thêm lợi nhuận nhờ tạo thêm giá trị gia tăng đã góp phần vào công cuộc phát triển. Từ niềm tin Kitô giáo, phải chăng đây cũng là một hành động bác ái: thuật ngữ chuyên môn gọi là bác ái gián tiếp.
Hôm nay cũng như ngày xưa, vẫn luôn xảy ra những thảm họa, thiên tai lụt lội và nhiều trường hợp bất hạnh khác, cần đến hành động bác ái trực tiếp của chúng ta. Tuy nhiên, trong công cuộc phát triển đất nước phải đặt nặng kế hoạch trung và dài hạn, nghĩa là phải đề cao sáng kiến của các doanh nhân và những hình thức bác ái gián tiếp nói trên. Với tiến trình công nghiệp hóa, các doanh nhân ngày càng đóng vai trò chủ động trong việc cung cấp hàng hóa và dịch vụ có chất lượng cao hơn nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
Trong bối cảnh siêu cạnh tranh của toàn cầu hóa, hoạt động kinh doanh ngày càng phức tạp, nhiều rủi ro và phải chấp nhận những điều kiện cạnh tranh gay gắt. Các chủ xí nghiệp phải cân nhắc, đắn đo nhiều hơn trước khi quyết định. Giáo huấn xã hội của Giáo Hội ý thức được những khó khăn, tầm quan trọng và hậu quả kinh tế – xã hội của những quyết định này. Tuy nhiên, bất chấp các nghịch cảnh và điều kiện kinh tế khó khăn, Giáo Hội luôn kêu gọi các doanh nhân khi lấy quyết những định quan trọng này không nên chỉ nghĩ đến mục tiêu kinh tế, mà cần lưu ý tới các yếu tố xã hội, nhân bản và đạo đức nữa.
Tài liệu của Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình viết: “Các chủ doanh nghiệp và quản lý doanh nghiệp không thể chỉ chú ý đến mục tiêu kinh tế của công ty, các tiêu chuẩn về hiệu năng kinh tế, những yêu sách bảo toàn “vốn”, tức toàn thể các phương tiện sản xuất. Họ còn có nghĩa vụ tôn trọng một cách cụ thể nhân phẩm của những người lao động trong công ty (…). Trong khi lấy những quyết định quan trọng về chiến lược và tài chánh, mua hay bán, tái tổ chức hay đóng cửa các phân xưởng hoặc sát nhập chúng, không thể chỉ giới hạn nơi những tiêu chuẩn thuộc lãnh vực tài chánh và thương mại mà thôi”[15].
20.4.2- Trách nhiệm xã hội
Khi phân tích và phê phán quan điểm của phái “Tân tự do kinh tế”, thông điệp “Tình yêu trong chân lý” nêu lên một số sai lạc và nguy hiểm của chủ trương “lợi nhuận vị lợi nhuận”. Một trong những nguy hiểm lớn nhất là quan niệm cho rằng “doanh nghiệp hầu như chỉ chịu trách nhiệm đối với những người đầu tư và do đó giá trị xã hội của doanh nghiệp bị giảm thiểu. Vì phải phát triển không ngừng và vì nhu cầu vốn luôn gia tăng, các doanh nghiệp ngày càng ít (…) gắn bó với một lãnh thổ duy nhất. Ngoài ra, hình thức sản xuất gia công có thể làm cho doanh nhân xem trách nhiệm đối với các nhóm lợi ích – nghĩa là các công nhân, nhà cung cấp, người tiêu dùng, môi trường và xã hội rộng lớn chung quanh – thấp hơn trách nhiệm đối với các cổ đông, là những người không bị ràng buộc bởi một nơi chốn nhất định và được hưởng một sự chuyển dịch khác thường”[16].
Không ai phủ nhận là thị trường vốn quốc tế hiện nay rất năng động và tự do chảy vào những nơi có lợi nhuận cao. Nhiều nước và nhiều vùng kinh tế cũng đang “trải thảm đỏ” để thu hút đầu tư nước ngoài. Cũng không thiếu những doanh nhân trở thành những nhà “đầu tư chớp thời cơ” theo kiểu “đất lành chim đậu, đất dữ chim bay”. Thông thường, đây là loại đầu tư ngắn hạn, chợt đến rồi vội vã phủi tay ra đi khi lợi nhuận giảm, chẳng chút bịn rịn và không hề cảm thấy có trách nhiệm nào đối với địa phương.
Tuy nhiên, trong thời gian gần đây đang gia tăng nơi giới doanh nhân ý thức về  “trách nhiệm xã hội” và nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Mặc dù việc quan tâm đến những hậu quả nảy sinh từ hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng và các hoạt động kinh tế nói chung đã có từ khá lâu, nhưng khái niệm trách nhiệm xã hội của các doanh nghiệp mới xuất hiện vào giữa thế kỷ XX[17]. Hiện nay, các tác giả giải thích và định nghĩa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo nhiều nghĩa khác nhau. Theo quan điểm triết học của H. Jonas[18], “nguyên tắc trách nhiệm hệ tại ở việc hành xử như thế nào đó để các hành động của mình không mang tính hủy hoại đối với những nguồn tài nguyên cho sự sống tương lai trên trái đất này. Trách nhiệm này trở thành một mô thức hành động: hành xử một cách có trách nhiệm có nghĩa là suy nghĩ đến những hậu quả của các hành vi đối với chính mình và nhất là đối với người khác”[19].
F. Ewald cho thấy khái niệm “trách nhiệm” có một quá trình tiến hóa qua ba giai đoạn: giai đoạn đầu chú trọng đếntrách nhiệm đối với hành vi, nhấn mạnh đến nghĩa vụ bồi thường khi gây ra những tổn thất; giai đoạn thứ hai, gắn liền với xã hội công nghiệp đương đại, nhấn mạnh đến ý tưởng phòng ngừa các tai nạn, các mối đe dọa và các nguy cơ; giai đoạn thứ ba nhấn mạnh đến nguyên tắc dự phòng,  hướng về tương lai, nhắm tới thứ trách nhiệm trước những nguy cơ của một thế giới đang tiến hóa vượt ra ngoài khả năng kiểm soát của con người[20].
Nếu Milton Friedman và trường phái Chicago cho rằng trách nhiệm duy nhất của các doanh nhân là tạo ra lợi nhuận tối đa cho các cổ đông, thì càng ngày càng nhiều người đồng thuận với Liên minh Âu châu khi cho rằng doanh nghiệp phải quan tâm đến các cá nhân và các nhóm có thể bị tác động bởi hoạt động của doanh nghiệp hay có thể ảnh hưởng đối với các hoạt động đó. “Trong trường hợp này, doanh nghiệp được gán cho vai trò làm thỏa mãn mọi thành phần có liên quan và trở thành nơi phân định các lợi ích khác nhau cho các thành phần có liên quan đó. Yêu cầu này có thể lớn hoặc nhỏ tùy theo các thành phần được xem xét: có những thành phần mà doanh nghiệp có các mối quan hệ khế ước (những người lao động, những nhà cung ứng, các khách hàng…), và những thành phần mà doanh nghiệp không có bất cứ mối quan hệ khế ước nào (các nhóm lợi ích khác nhau, chẳng hạn những người sống gần nơi hoạt động của doanh nghiệp hoặc những người bảo vệ thiên nhiên)”[21].
Để chống lại khuynh hướng “tìm lợi nhuận tối đa”, những vụ bê bối về tài chánh và nền “kinh tế bong bóng”, một số doanh nghiệp và doanh nhân đang đi tiên phong trong việc nối kết doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội và phát triển bền vững. Giáo chủ Biển Đức XVI tích cực khích lệ trào lưu này. Thông điệp “Tình yêu trong chân lý” viết: “Cho dù các quan điểm đạo đức đang hướng dẫn cuộc thảo luận hiện nay về “trách nhiệm xã hội” của xí nghiệp chưa hoàn toàn đồng nhất với viễn quan của Giáo huấn xã hội Công giáo, nhưng trên thực tế đang gia tăng niềm xác tín theo đóban quản trị doanh nghiệp không thể chỉ quan tâm đến lợi ích của chủ sở hữu, mà còn phải quan tâm đến tất cả những ai đóng góp cho sự sống còn của doanh nghiệp: công nhân, khách hàng, nhà cung cấp các yếu tố sản xuất khác nhau, cộng đồng liên hệ (…). Cũng có nhiều nhà quản trị hiện nay, nhờ biết nhìn xa trông rộng, ngày càng ý thức hơn mối tương quan sâu xa giữa doanh nghiệp với lãnh thổ hay với các lãnh thổ mà họ đang hoạt động”.
Giáo chủ Biển Đức XVI công nhận rằng, dưới góc độ thuần túy kinh tế, “một số vốn nào đó có thể mang lại nhiều lợi nhuận hơn, nếu ta đầu tư nó ở nước ngoài thay vì đầu tư tại quê hương”. Nhưng, đứng trên quan điểm đạo đức, chúng ta không thể không “quan tâm đến những đòi hỏi của công bằng về nguồn gốc khai sinh số vốn đó và những thiệt hại mà các cá nhân phải gánh chịu nếu số vốn này không được sử dụng ở những nơi đã sinh ra chúng (…). Lao động và kiến thức kỹ thuật là một thứ hàng hóa phổ quát. Nhưng, không được phép xuất khẩu những mặt hàng này chỉ để hưởng lợi một cách đặc biệt, hoặc tệ hơn nữa, để bóc lột xã hội địa phương mà không đem lại cho họ sự đóng góp đích thực để hình thành một hệ thống sản xuất và xã hội bền vững” [22].
Doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp tư nhân vừa là mô hình kinh tế, vừa là mô hình chính trị đã thống trị thế giới trong một thời gian rất dài. Tại một vài nơi, người ta vẫn coi chúng như hai loại doanh nghiệp chủ đạo. Nhưng trong mấy thập niên gần đây đã có một số biến đổi tích cực trong thế giới doanh nghiệp. Thông điệp “Tình yêu trong chân lý” mời gọi chúng ta khám phá tính đa dạng và phong phú của thế giới doanh nghiệp đương đại. “Trên thực tế, hoạt động kinh doanh cần phải được hiểu một cách khác (…). Hoạt động kinh doanh hàm chứa ý nghĩa nhân bản, trước khi mang ý nghĩa nghề nghiệp. Nó hiện diện nơi tất cả các công việc, và được nhìn như hành vi nhân vị, vì thế thật tốt đẹp khi mỗi công nhân có cơ hội được góp phần riêng của mình”[23] vào sinh hoạt này.
Theo thông điệp, “chính vì muốn đáp ứng những đòi hỏi và phẩm giá của người lao động, cũng như những nhu cầu của xã hội, mà xuất hiện nhiều loại doanh nghiệp khác nhau, chứ không chỉ đơn thuần phân chia thành hai loại doanh nghiệp “tư nhân” và “quốc doanh”. Mỗi loại doanh nghiệp đòi hỏi và thể hiện một khả năng kinh doanh đặc thù. Để vươn tới một nền kinh tế tương lai có khả năng phục vụ lợi ích quốc gia và quốc tế, cần quan tâm đến ý nghĩa nới rộng này của hoạt động kinh doanh. Quan niệm này cổ võ sự trao đổi và phong phú hóa lẫn nhau giữa các mô hình kinh doanh khác nhau, với sự chuyển đổi thẩm quyền từ thế giới “phi lợi nhuận” sang thế giới “lợi nhuận” và ngược lại, từ lãnh vực công sang lãnh vực tư của xã hội dân sự, từ các nền kinh tế tiên tiến sang các nước đang phát triển”[24].
Dưới cái nhìn của Đức Giáo chủ Biển Đức XVI, hiện tượng đa diện hóa các mô hình kinh doanh và nhất là việc phổ biến rộng rãi các “mô hình có khả năng coi lợi nhuận như một phương tiện để đạt tới những mục tiêu nhân bản hóa thị trường và xã hội”[25]Công tác này cần thực hiện không những ở các nước phát triển, mà còn ở các nước đang phát triển và ngay tại các nước đang bị loại trừ khỏi dòng chảy chung của kinh tế thế giới.

 

[1] Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhìn nhận cái giá đắt phải trả cho việc xóa bỏ doanh nghiệp này: “Lấy lòng mong muốn thay cho thực tế … điều nguy hiểm nhất là bất chấp quy luật của lịch sử, muốn đốt cháy giai đoạn, không tính điểm xuất phát về tình hình mọi mặt của nước ta lúc bấy giờ … quay lưng lại với biết bao sự thật hằng ngày diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm với cái giá đắt phải trả. Rõ ràng đây là một sự thiếu sáng suốt trong nhận thức và hành động, trong lý luận và thực tiễn” (Văn Hóa & Đổi Mới, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 36).
[2] Xem Nguyễn Thái Hợp, Giá trị đạo đức trong cơn lốc thị trường, Houston, 2000, tr. 34tt.
[3] Ông nêu một dẫn chứng điển hình: “Chỗ nhà tù Hỏa Lò cũ, hiện có một nhà trẻ quốc tế, giá là 2.800 đô la một tháng. Quá 16h30 mà anh không nhận trẻ thì nó giữ lấy cho anh, nhưng mỗi giờ nó đòi anh thêm 4 đô la. Có một cô người nước ngoài tưởng rằng là giá cao thế chắc không đến lượt người Việt Nam nên cô ấy đến chậm một chút. Cô ấy gặp tôi bảo là có 20 chỗ thì người Việt Nam chiếm hết rồi, không còn chỗ cho con cô nữa, lại phải đi kiếm nhà trẻ khác. Thế tức là 2.800 đô la không là cái gì. Các anh chị cứ xem mà xem, có rất nhiều người đi khám bệnh ở Singapore, đi nghỉ, đi chữa bệnh luôn xoành xoạch, rồi giám đốc đi Macao đánh bạc luôn xoành xoạch”.
[4] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, 34.
[5] Ibidem, 42.
[6] Ibidem.
[7] Tại các công ty và doanh nghiệp, lợi nhuận là phần thu nhập thặng dư tính bằng hiệu giữa giá trị tổng doanh thu trừ đi tổng chi phí. Lợi nhuận kinh doanh thường chiếm tỉ lệ lớn nhất trong lợi tức vốn trong nền kinh tế hiện nay.
[8] Gioan Phaolô II, Bách chu niên, 35. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo viết: “Những người lãnh đạo xí nghiệp chịu trách nhiệm trước xã hội về mặt kinh tế và sinh thái của công việc làm ăn của mình. Họ phải quan tâm đến lợi ích của con người, chứ không chỉ lo gia tăng lợi nhuận. Dĩ nhiên, lợi nhuận cần thiết vì giúp thực hiện những đầu tư đảm bảo tương lai của xí nghiệp và đảm bảo công ăn việc làm cho công nhân ” (số 2432).
[9] Bách chu niên, 36.
[10] Ibidem, 32.
[11] Có người gọi là “vốn con người”, nhưng thực ra để trở thành vốn quý trong nền kinh tế tri thức không phải “bất cứ con người nào”, mà phải là con người được đào tạo, có chuyên môn, có kỹ năng và những đức tính thích hợp. Vì vậy, đề nghị dịch “human capital” là tư bản nhân văn.
[12] Ibidem, 32.
[13] Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 2429.
[14] Bách chu niên, số 32.
[15] Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo, số 344.
[16] Biển Đức XVI, Tình yêu trong chân lý, số 40.
[17] Xem Michel Capron & Fr. Quairel-Lanoizelée, Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, NXB Tri Thức, 2009; H.R. Bowen, Social Responsability of the Businessman, New York, 1953; Cao ủy Liên minh châu Âu, Promouvoir un cadre européen pour la responsibilité sociale des entreprises, Sách xanh, 2001; A. Habisch & al. (dir.), Corporate Social Responsibility Across Europe,Berlin, 2005; R. Sainsaulieu (dir.), L’Entreprise, une affaire de société, Paris, 1999.
[18] Xem Hans Jonas, Le Principe responsabilité, Paris, 1990.
[19] Michel Capron & Fr. Quairel-Lanoizelée, Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, NXB Tri Thức, 2009, 43.
[20] Xem F. Ewald, « L’expérience de la responsabilité », in Qu’est-ce qu’être responsable ?, Sciences humaines de communication, Auxerne, 1977, 57-81.
[21] Michel Capron & Fr. Quairel-Lanoizelée, Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sđd., 49.
[22] Biển Đức XVI, Tình yêu trong chân lý, số 40.
[23] Ibidem, số 41.
[24] Ibidem.
[25] Ibidem, số 47.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét